Chân dung linh mục Việt Nam

Cha Phaolô NGUYỄN KHẮC HY (1902–1992)

Linh mục Phaolô Nguyễn Khắc Hy là cha xứ Hoàng Xá. Từ Toà giám mục Hưng Hoá tại Sơn Tây, đi ngược theo quốc lộ 32 khoảng 20 km, qua cầu Trung Hà rẽ trái, rồi ngược dòng sông Đà theo tỉnh lộ 316, tới kilômét 13 rẽ phải sang tỉnh lộ 317, đi thêm 3km, là đến xứ Hoàng Xá, một giáo xứ có bề dày lịch sử trên 115 năm và số giáo dân đông nhất giáo phận. Nơi đây đã trải qua nhiều đời các đấng coi sóc, trong đó không thể không kể đến cha già cố Phaolô Nguyễn Khắc Hy, người đã gắn bó với giáo dân và giáo xứ Hoàng Xá gần một nửa thế kỷ.

Cha già Phaolô Nguyễn Khắc Hy sinh ngày 22 tháng 03 năm 1902 tại giáo xứ Trù Mật, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Khi còn nhỏ người đã sớm có hướng đi tu; năm lên 9 tuổi đã được cha già Triệu nhận làm nghĩa tử, rồi năm 12 tuổi được gửi vào Tiểu chủng viện Hà Thạch. Người nổi tiếng là thông minh. Năm 1923, sau khi mãn "Tràng La-tinh", người được cử làm "thầy giáo" tại Tiểu chủng viện Hà Thạch, và thường xuyên về Toà giám mục tại Hưng Hoá lĩnh bài học "Phi-lô" (Triết học).

Năm 1929, người được gửi đi tu học tại Đại chủng viện Kẻ Sở thuộc giáo phận Hà Nội. Sau tám năm ngồi ghế nhà trường, ngày 13 tháng 03 năm 1937 người được Đức cha Gustave Vạn truyền chức linh mục tại Nhà thờ chính toà giáo phận Hưng Hoá.

Những tháng đầu đời mục tử, cha đi giúp các đấng trong giáo phận, rồi trở về phục vụ tại Toà giám mục.

Ngày 20 tháng 09 năm 1938, Đức Giám mục bổ nhiệm cha Phaolô Hy làm cha giáo Tiểu chủng viện Hà Thạch. Sau 5 năm đứng trên bục giảng, năm 1945, cha được cử làm “Cha đốc tràng Hà Thạch".

Ngày 10 tháng 05 năm 1947, cha nhận được bài sai đi làm chính xứ Hoàng Xá. Ngày 29 tháng 08 năm 1947, cha chính thức nhận nhiệm sở thay cha già Lượng và cha Chiểu.

Thời kỳ đó, tình hình chiến tranh loạn lạc, lòng người dao động, đạo Công giáo bị gò bó, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề. Dầu vậy, ngay từ những ngày đầu, cha đã cố gắng quy tụ đoàn chiên, củng cố cơ sở hạ tầng, giải quyết những vấn đề tồn tại. Chiến tranh ngày càng ác liệt, công việc đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Năm 1949, theo ý kiến của chính quyền, cha phải rời xứ tản cư lên vùng Yên Tập, Cẩm Khê. Suốt 2 năm trời, tâm trí cha lúc nào cũng trăn trở nghĩ đến đoàn chiên mà bề trên đã trao phó cho mình chăm sóc.

Khi chiến tranh trong vùng Hoàng Xá lắng xuống, cha trở về giáo xứ với hy vọng sẽ gặp thuận lợi để phục vụ giáo dân, phục vụ giáo xứ. Nhưng năm 1953, với chính sách phát động giảm tô, cha phải nộp tô theo quy định của chính quyền, thậm chí phải nộp cả phương tiện đi lại làm mục vụ là chiếc xe đạp.

Năm 1954, một số giáo dân đã bị xúi giục dùng những lời lẽ bịa đặt để khép cha vào thành phần địa chủ, thành phần bóc lột nhân dân. Chuyện kể lại: vào một buổi trời mưa rất to, họ bắt cha đứng dưới giọt mái nhà tranh, tuy rét run vì ngấm nước nhưng cha vẫn không phản ứng một câu. Lại có kẻ vu cáo cha rằng: “Năm 1945 nhà xứ thì nhiều thóc, thậm chí có thóc đổ xuống ao cho cá ăn, trong khi đàn con tao bị đói, tao vào hỏi vay mà mày không cho", khi ấy cha chỉ nói lại rằng: "Thưa bà, năm 1945 thì con không biết, vì năm 1947 con mới được về đây”.

Từ những năm đó cho đến năm 1960, cha sống âm thầm một mình, tất cả mọi thứ hầu như tự mình phục vụ.

Từ năm 1960 đến năm 1962, bề trên giáo phận đã sai thầy Sự đến giúp cha.

Từ năm 1963 cho tới cuối đời (1992), một phần do hoàn cảnh xã hội, phần lớn do lối sống khiêm hạ của cha, cha đã sống âm thầm suốt 30 năm, một mình, không người giúp đỡ.

Như Chúa Giêsu, cha chăm sóc chiên mà lại bị chiên phản bội. Nhưng nhờ ơn Chúa và nỗ lực của bản thân, cha đã đứng vững. Mặc dù bị quản lý cả về giờ giấc làm mục vụ, nhưng cha vẫn thầm lặng chịu đựng, một lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, hết lòng phục vụ giáo dân, phục vụ giáo xứ.

Năm 1959, trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt, cha đã cố gắng không biết mệt mỏi xây dựng hang đá để tổ chức lễ Giáng Sinh.

Năm 1960, Đức cha Phêrô Maria Nguyễn Huy Quang đã đặt cha làm Cha Chính (tổng đại diện) giáo phận Hưng Hoá.

Ngày 13 tháng 3 năm 1962, cha mừng Ngân khánh Linh mục. Để đánh dấu kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục, cha đã đóng một giảng đài để công bố Lời Chúa.

Cuộc sống cứ âm thầm lặng lẽ trôi theo thời gian cho đến năm 1983, khi cha xứ Phù Lao Giuse Trần Văn Tín qua đời, Toà giám mục đã bổ nhiệm cha coi sóc thêm hai giáo xứ Phù Lao và Xuân Dương. Nhờ ơn Chúa, cha vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành việc phục vụ giáo dân cả 3 giáo xứ với 16 giáo họ.

Ngày 13 tháng 3 năm 1987, cha tổ chức Lễ Kim Khánh, mừng kỷ niệm 50 năm linh mục. Đông đảo các đấng trong giáo phận và đoàn chiên các xứ họ cùng đoàn thể xã hội tới chúc mừng.

Với những cống hiến của cha, ngày 20 tháng 6 năm 1989, cha được vinh dự đón Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn về thăm và dâng Thánh Lễ tại nhà thờ Hoàng Xá.

Trong suốt đời mục tử, cha đã dâng trọn đời mình cho Chúa, đã nuôi dưỡng và dạy dỗ các nghĩa tử, trong đó có người đã được Chúa chọn lên chức linh mục và nhiều người là tu sĩ trong các hội dòng.

Đặc biệt với giáo dân giáo xứ Hoàng Xá, nơi mà cha đã 45 năm gắn bó và hy sinh phục vụ, cha đã ban Bí tích Thánh tẩy cho hàng vạn người để họ trở thành những Kitô hữu và chứng nhân cho Chúa, đã cùng chia cơm sẻ áo cho đoàn chiên của mình trong tình cảnh xã hội gặp nhiều khó khăn. Với lý tưởng cao cả và nhờ sự trợ giúp của Thánh bổn mạng Phaolô, cha đã kiên cường, trung tín và nhiệt thành trong sứ mạng tông đồ, hết lòng vì con chiên, đã gìn giữ, tu sửa nhiều lần ngôi thánh đường giáo xứ Hoàng Xá, sửa chữa và làm mới các nhà thờ họ lẻ.

Trong đời sống xã hội, cha luôn dạy bảo giáo dân làm người công dân tốt. Cha luôn đi đầu trong phong trào gửi tiền tiết kiệm, mua công trái nhà nước, giúp đỡ những vùng bị thiên tai.

Những năm cuối đời, vì tuổi cao sức yếu, với trách nhiệm Cha Chính giáo phận, cha xứ Hoàng Xá, kiêm nhiệm xứ Phù Lao và Xuân Dương, thấy cha đi lại vất vả, có giáo dân đã tình nguyện đưa đón cha bằng xe gắn máy, nhưng cha vẫn từ chối. Khi nắng trảng trưa hè, lúc mưa buốt đêm đông, một cụ già với chiếc áo dài năm thân trên chiếc xe đạp cũ, vẫn đi đến các xứ, các họ dâng lễ, ban bí tích cho các bệnh nhân.

Ngày 15 tháng 02 năm 1992, cha lâm bệnh nặng. Mặc dù đã được các y bác sĩ hết lòng cứu chữa, được giáo dân chăm sóc tận tình, nhưng vì tuổi cao, sức yếu, cha già Phaolô Hy đã được Chúa gọi về hưởng nhan thánh Chúa vào hồi 4 giờ 30 phút ngày 29 tháng 03 năm 1992.

Trong buổi lễ an táng, ngoài linh mục đoàn trong giáo phận, có hàng vạn giáo dân sụt sùi tiễn đưa người cha già khả kính của mình. Người an nghỉ bên cạnh ngôi thánh đường xứ Hoàng Xá.

Cha Phaolô Nguyễn Khắc Hy là hiện thân của Chúa Kitô về tinh thần quả cảm, tính kiên nhẫn, sự hy sinh quên mình. Cả cuộc đời người sống không phải cho mình, nhưng hoàn toàn sống cho lý tưởng linh mục, sống cho Tin Mừng, sống cho đoàn chiên yêu dấu.

GP Hưng Hóa

(Theo Trang Web HÐGMVN)