Chân dung linh mục Việt Nam

Cha ANTOINE PEUZOT (1911-2007)
Vị thừa sai năng thăm viếng

Sự hiện diện của các cha Thừa sai Ba Lê tại mảnh đất miền Tây Nam Bộ thuộc giáo phận Mỹ Tho ngày nay không nhiều lắm. Nhưng số ít những vị Thừa sai đặt chân đến đây lại ghi dấu ấn không phai trong lòng người dân. Một trong những vị đó là cha Antoine Peuzeu.

Tiểu sử tóm tắt

Cha Antoine Peuzeu sinh năm 1911 tại Pháp. Mẹ là người Bỉ, cha là người Pháp. Cha Peuzeu là linh mục thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê (La Société des Missions Étrangères de Paris).

Cha đến họ đạo Cai Lậy từ năm 1958. Cha ở tại Cai Lậy, nhưng làm việc mục vụ trong một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm các họ đạo xung quanh như Ngũ Hiệp, Nhị Quý, Xuân Sơn, Bằng Lăng, Kinh Gãy…

Với tinh thần truyền giáo hăng say, cha đã có ý xây dựng tại Cai Lậy những cơ sở vật chất cần thiết, để biến nơi này thành trung tâm truyền giáo hướng đến các vùng lân cận mà dân cư đa số là ngoại giáo.

Công việc mục vụ của cha đang tiến triển tốt đẹp và tạo được tiếng tốt trong vùng, ngay cả với những người lương, thì do tình hình thời cuộc lúc bấy giờ, khoảng tháng 3-1974 cha phải rời Việt Nam trong sự nuối tiếc cũng như nhiều linh mục thừa sai khác tại Việt Nam.

Sau khi trở về Pháp, cha sống và làm việc mục vụ tại vùng Marseilles. Cha qua đời ngày 5.2.2007, tại Marseilles.

Khi được tin cha qua đời, giáo xứ Cai Lậy đã tổ chức thánh lễ tưởng nhớ và cầu nguyện cho cha vào ngày 23.02.2007, với sự hiện diện chủ tế của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho, cùng với các linh mục vùng Cai Lậy, Cái Bè, các linh mục trước đây đã từng cộng tác với cha, các Nữ tu đã từng được cha cho đi tu, và rất đông giáo dân ở các họ đạo Ngũ Hiệp, Nhị Quý, Bằng Lăng, Kinh Gãy…

Đời sống và sứ vụ

Khắc khổ với bản thân, nhưng rộng lượng với tha nhân, đó là nhân đức nổi trội mà người giáo dân kính phục mỗi khi nhắc đến cha.

Y phục bình thường của cha là hai chiếc áo dòng thay đổi với đôi dép quay, cái nón lá và cái giỏ đệm. Đi đâu cũng thế ! Chỉ khi đi xuống Toà Giám mục hoặc đi công vụ ở xa, cha mới xỏ đôi giày vào để thể hiện lòng kính trọng.

Chuyện ăn uống cha càng đơn giản. Cha luôn dặn người giúp việc đi chợ mua những thức ăn sao cho rẻ tiền nhất để đỡ tốn kém. Dành dụm được bao nhiêu, cha đem cho người nghèo. Nhưng dành dụm có là bao, cha lại phải chạy đôn chạy đáo, xin bên này bên kia, xin tiền, gạo, bánh lẫn thuốc men về lo cho học sinh trong trường và lo cho người dân nghèo trong vùng. Cha có học về y khoa khi còn trẻ, nên khi có thuốc men, cha tìm cách phân phát đúng người đúng bệnh.

Vì công việc bác ái cha làm, nên ngày càng có nhiều người đến với cha. Có những người giáo dân nghĩ rằng cha là người Tây “đơn sơ” quá nên bị nhiều người lạm dụng đến xin tiền cha hoài. Thấy bất bình, những người giáo dân này đến khuyên cha phải cẩn thận, nhưng cha lại nghĩ khác: "Mình có thể cho được thì cứ cho, tính toán làm gì. Nếu họ có lừa dối mình, có lẽ họ cũng có lý do sao đó." Hoá ra cha cũng hiểu lòng người chứ đâu phải “đơn sơ”, nhưng cha đã có chọn lựa rõ ràng cho riêng mình: làm việc bác ái thì cứ làm, làm cách hồn nhiên.

Khi cần đi lại, cha cũng lên xe đò, xuống ghe xuồng, tuỳ phương tiện công cộng địa phương nơi cha đến làm mục vụ. Nhưng người dân vùng Cai Lậy thường thấy hình ảnh ông cha Tây đi bộ trên khắp những nẻo đường thị trấn hay thôn làng của họ, đi rất nhiều và đi rất nhanh. Có người giáo dân kể rằng khi đồng hành với cha trong các việc mục vụ thăm viếng cứ thỉnh thoảng phải chạy mới theo kịp cha.

Cha rất chú tâm viếng thăm người dân trong vùng, đặc biệt là thăm những gia đình nghèo khổ. Hễ nghe có ai bệnh nặng hay đang hấp hối, không phân biệt lương giáo, là cha tức tốc đến ngay để viếng thăm và tìm cách giúp đỡ, hoặc khi cần thì nói về Chúa và rửa tội cho họ. Một giáo dân, cảm phục khi chứng kiến cha chân trần lội sình đến cầu nguyện, xức dầu cho bà Phán, một bệnh nhân truyền nhiễm hấp hối sống trong cái nhà tồi tàn với rác rưởi bẩn thỉu sau cơn lụt, đã kể lại : "Tôi là nông dân tay lấm chân bùn, nhưng tôi không dám bước xuống bùn trong nhà bà Phán. Thế mà cha thản nhiên đứng gần một tiếng đồng hồ. Thật cảm phục!” Cũng nhờ năng thăm viếng giúp đỡ mà cha đã đưa được nhiều người, nhiều gia đình về với gia đình Giáo hội.

Cũng chính tình thương chân thành của cha đối với người dân mà trong thời chiến tranh, nhiều lần cha bị điều tra hạch hỏi, nhưng cuối cùng ông cha Tây được tin tưởng và được tự do đi lại làm mục vụ và thăm viếng người dân cách an toàn.

Sức khoẻ của cha không tốt lắm: trong người cha có vài vết đạn, một con mắt nhìn không rõ, bụng thì hơi bị nghiêng một bên. Nhưng cha không ngại đi lại, dù khi có tiếng pháo binh hay súng đạn, vì không muốn bỏ việc cử hành thánh lễ cho giáo dân ở các họ đạo trong vùng. Có lần, theo phân công, cha phó đi làm lễ ở họ đạo Ngũ Hiệp, còn cha phải đi làm lễ ở họ Xuân Sơn. Nhưng khi cha đi dâng lễ ở Xuân Sơn về rồi mới biết tin cha phó vẫn chưa đi Ngũ Hiệp vì bị cảm nặng lắm, cha lập tức xách giỏ đệm lên đường đi Ngũ Hiệp dâng lễ thế cho cha phó, dù trời đã gần tối.

Lòng yêu thương tận tuỵ với người dân, với việc chăm sóc thiêng liêng cho họ là dấu chỉ của tâm hồn đạo đức sâu sắc nơi cha. Người giáo dân thường thấy cha đi lại trong nhà xứ với tràng hạt trên tay lần chuỗi kính Đức Mẹ. Không chỉ cố gắng tích đức cho bản thân, cha còn dạy cho người giáo dân biết thờ phượng Thiên Chúa. Khi cha mới về, người giáo dân Cai Lậy hãy còn tản mác và chưa có ngôi nhà thờ, cha phải làm lễ tại nhà một người giáo dân trong vòng ba năm. Đó cũng là thời gian cha bôn ba tìm kiếm mảnh đất để xây cho dân Chúa một nơi thờ tự. Các họ đạo xung quanh cũng vậy: nhà nguyện, nhà thờ lần lượt được xây nên. Rồi mỗi khi rửa tội cho một tân tòng là cha sắm cho họ cái bàn thờ trong gia đình, và dạy họ thờ Chúa cho phải đạo.

Một nét tiêu biểu nữa trong sứ vụ của cha là việc quan tâm nuôi dưỡng ơn gọi linh mục, tu sĩ trong đoàn chiên của mình. Không chỉ khuyến khích ơn gọi, cha còn nuôi dưỡng, sắm sửa quần áo, cho học hành, dẫn đi thi, đóng tiền trường cho các em an tâm bước theo ơn gọi. Nhờ đó, giáo dân ngày nay cũng hãnh diện về những con cái của vùng đất Cai Lậy đang dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong các dòng tu khác nhau.

Với cách sống như thế, rõ ràng cha Antoine Peuzeu đã cố gắng hết sức noi theo hình ảnh cuộc đời Chúa Giêsu như thánh Phaolô diễn tả: "Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có." (2 Cr 8, 9).

Nhưng con người linh mục ấy cũng không phải không có những khiếm khuyết. Một trong những nhược điểm của cha được bà con giáo dân nhận biết, đó là sự nóng tính. Nhưng cha lại luôn biết khiêm nhường nhìn nhận nhược điểm của mình mà "tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà", biết biến những nhược điểm đó thành cơ hội rèn nhân đức. Cha thường nói lời xin lỗi chân thành, công khai sau những lần nóng nảy bộc trực, ngay cả với các em giúp lễ: "Con, con tha lỗi cho cha nghe, vì hồi nãy cha nóng quá la con, con tha cha nhe!" Chính vì thế, mỗi khi bà con giáo dân vùng Cai Lậy nhắc đến những lần nóng giận của cha là để cảm mến thái độ phục thiện của cha sau đó.

Bài học suy tư

Thánh Luca giúp chúng ta hiểu được tình thương cứu độ của Thiên Chúa qua ngôn từ rất đặc biệt: viếng thăm.

Để tán dương sự xuất hiện của Đấng Mêsia qua vị tiền hô Gioan Baotixita, Dacaria đã thốt lên: "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người" (Lc 1,68), và "Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta.” (Lc 1,78). Cũng chính ngôn từ ấy đã được đám đông thán phục thốt lên trước việc Chúa Giêsu làm cho đứa con của bà goá thành Naim sống lại: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài." (Lc 7,16). Sau cùng, khi tiếc thương Giêrusalem, Chúa Giêsu đã than trách thành rằng: "Ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm." (Lc 19,44).

Như thế, ơn Cứu Độ mà Đức Kitô mang đến cho nhân loại được Luca trình bày như là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Hình ảnh sống động này có thể được dùng để diễn tả sứ vụ của các linh mục: họ là những người mà qua họ và nhờ họ, Thiên Chúa đến viếng thăm cứu chuộc dân Ngài. Như những người phục vụ khiêm hạ, họ biết rằng mình không phải là Đức Kitô, nhưng chính Đức Kitô hành động bằng đôi tay của họ, thực hiện sự hiệp nhất Thánh Thể và sự tăng trưởng của Giáo hội bằng những lời từ môi miệng họ, qua các bí tích.

Thiên Chúa viếng thăm, đó là ánh sáng của Mặt Trời Công Chính chiếu soi cõi trần u tối qua con người và gương sáng đời sống của các linh mục hôm nay.

Thiên Chúa viếng thăm, đó là những lời mang niềm hy vọng cho người đời được thốt ra từ môi miệng của linh mục, là sự thánh thiêng toát lên từ các bí tích được cử hành bởi linh mục, là sức mạnh của một đời sống trong Chúa Thánh Thần được thể hiện nơi cuộc đời linh mục.

Thiên Chúa viếng thăm, đó là vẻ đẹp của đức ái nơi tâm hồn những người mục tử biết không ngừng ra khỏi não trạng chật hẹp, trái tim chật hẹp, quyền lợi chật hẹp, để có thể đi đến viếng thăm, gặp gỡ, động viên, an ủi và đối thoại cứu độ với mọi người.

***

Cuộc đời và sứ vụ của Cha Antoine Peuzeu là một cố gắng liên lỉ thực hiên những cuộc viếng thăm cứu độ cho dân Chúa. Ước gì qua sứ vụ của các linh mục của Ngài hôm nay, Thiên Chúa có thể thực hiện những cuộc viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài.

Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm các linh mục của Chúa, và xin Chúa dạy cho các linh mục của Chúa biết viếng thăm cứu chuộc dân của Ngài.

(Theo Trang GP Mỹ Tho)