Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh

Cách đây đúng 125 năm, ngày 29.5.1883, Tòa Thánh cho thành lập giáo phận Bắc Ninh. Hôm nay, trong ngày lễ ấm cúng tại nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh, chúng ta vừa nghe lời Chúa mời gọi ca ngợi và tạ ơn về những gì Chúa đã thực hiện cho chúng ta. 

Tôi rất hân hạnh và vui mừng được cùng với cả cộng đoàn ôn lại những năm tháng đã qua để nhận ra trái tim và bàn tay của Thiên Chúa dành cho giáo phận, và hướng nhìn đến những năm tháng sắp tới để tin tưởng nhìn vào tương lai. Tôi là một đứa con lưu lạc của giáo phận, nên không có tham vọng nói được hết mọi điều cần, chỉ xin chia sẻ một vài tâm tình đơn sơ.

1. Năm 1627, khi hai thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên là cha Pedro Marques và cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ) đặt chân đến Cửa Bạng Thanh Hoá rồi đến Hà Nội, chắc chắn lúc ấy trên phần đất giáo phận Bắc Ninh hiện nay chưa có một người công giáo nào. 

32 năm sau, khi Tòa Thánh thiết lập 2 giáo phận đầu tiên của Việt Nam là Đàng Trong và Đáng Ngoài, sử sách ghi nhận đã có một số giáo dân ở Kẻ Mốt (xứ Đức Trai), Kẻ Nê (xứ Tử Nê) và Kẻ Roi (xứ Xuân Hòa). 20 năm sau nữa, khi giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai là giáo phận Đông (Hải Phòng) và giáo phận Tây (Hà Nội), thì trên phần đất của giáo phận Bắc Ninh hiện nay đã có 3317 giáo dân và 32 nhà thờ, do các cha Dòng Tên coi sóc. Vào ngày giáo phận được thiết lập, có 35 ngàn giáo dân trong 11 xứ và 28 họ, 22 linh mục, 50 thầy giảng và 8 nữ tu Mến Thánh Giá. Hiện nay, giáo phận có 125 ngàn giáo dân trong hơn 50 xứ, hơn 300 họ, do 42 linh mục và một phó tế coi sóc. Theo cách nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, thì đó là một hạt cải nhỏ đã nảy mầm và lớn lên thành một cây to.

2. Trước khi giáo phận được thiết lập, hai trận siêu bão trong thế kỷ XIX mang tên Minh Mạng và Tự Đức tường chừng đã tiêu diệt được cây non ấy từ trong trứng nước, nhưng trái với điều loài người tính toán, Thiên Chúa đã biến sự dữ thành sự lành, đã hội nhập ác tâm của con người vào trong kế hoạch yêu thương. 

Năm 1838, ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quan quân triều đình bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, Dòng Đaminh, 42 tuổi cùng với thầy giảng Đaminh Bùi Văn Úy, 26 tuổi, và 3 giáo dân trẻ. Đó là 3 thanh niên nghèo quê ở Thái Bình đến Kẻ Mốt làm thuê. Anh Tôma Nguyễn Văn Đệ 27 tuổi là thợ may, sinh ra và lớn lên trong gia đình công giáo. Chính anh dìu dắt 2 bạn đồng hương đến với Chúa. Anh Augustinô Nguyễn Văn Mới, 32 tuổi, là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, đã theo đạo tại Kẻ Mốt. Anh Têphanô Nguyễn Văn Vinh, 25 tuổi, cùng là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, thường đi đọc kinh dự lễ nhưng chưa được rửa tội. Cả 5 cha con bị giam tại Lương Tài. 

Thầy giảng Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu, 38 tuổi, ở họ Nội xứ Kẻ Mốt, đến Lương Tài để dò hỏi tin tức 5 cha con  thì bị bắt. Cả 6 cha con bị đưa lên Bắc Ninh giam chung với cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh. Năm ấy cụ 75 tuổi, quê ở làng Vân tỉnh Bắc Giang, suốt đời làm lương y, bị bắt tại bến đò Thổ Hà vào đầu tháng 7. chính trong nhà giam, cha Tự đã rửa tội cho anh Vinh. Vì cả 7 cha con không chịu bước qua Thánh Giá, nên bị kết án tử hình. Ngày 5.9.1838, cha Tự và cụ Cảnh bị xứ trảm. Ngày 19.12.1839, năm chứng nhân còn lại bị xử giảo. Cả 7 chứng nhân đã được tôn phong hiển thánh.

Cuối năm 1859, tức là 20 năm sau, thừa lệnh vua Tự Đức, quan tổng trấn Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên) triệu tập các đầu mục, tức là những giáo dân đứng đầu các họ đạo trong khu vực đến Bắc Ninh, và truyền lệnh của vua phải xuất giáo. Các ngài từ chối, nên bị đánh đập dã man rồi cho biết sẽ bị giam và đánh đập cho tới khi xuất giáo. Trong hơn 2 năm, nhiều vị “thứ mục”, tức là những người giúp việc các họ đạo, cũng bị bắt giam. Do bị tra tấn dã man, một số đã xuất giáo. Có 3 chứng nhân đã chết trong thời gian bị giam giữ và tra tấn.

Ngày 4.4.1862, quan tổng trấn Nguyễn Văn Phong ra lệnh chém đúng 100 chứng nhân còn lại, rồi chôn trong hai hố tập thể ở cổng thành. Tiểu đội trưởng Aát, người lương dân, thuộc thành phần đội thi hành án hôm ấy khai: “Quan án sát truyền lệnh cho tôi phải chôn các đầu mục. Khi tới miệng hố mới được đào trước đó không lâu để chôn họ, lính lập tức dùng gươm giáo đâm chém chừng 30 người, nhưng chỉ có 5 hay 6 người bị chém lìa đầu. Lúc ấy viên chánh án ngồi trên cao nói lớn: Đây là phép nước. Phải truy lùng, trừng trị, tiêu diệt chúng. Đẩy chúng xuống hố.” Đại đội trưởng Mẫu, cũng người lương dân, cầm đầu cuộc thi hành án hôm ấy cho biết: “Tôi chỉ huy việc chôn họ. Tôi thấy các đầu mục bị trói, nhưng rất hớn hở đến nơi thụ hình. Họ sốt sắng đọc kinh, nhưng tôi không hiểu họ đọc gì, chỉ nhớ họ đọc lớn tiếng và liên tục. Tôi biết rõ việc họ tới nơi thụ hình. Hôm sau, các hố chôn bị voi giày cho bằng, để nếu ai còn sống sẽ chết mau hơn,” 100 đầu mục tử đạo là một biến cố lịch sử đông tây kim cổ chưa từng có. 

Chúng ta cũng đừng quên cha thánh Phêrô Almato Bình, Dòng Đaminh, người Tây Ban Nha, từng coi sóc xứ Thiết Nham rồi Tử Nê và Thọ Ninh, cuối cùng đã hy sinh tại Hải Dương cùng với hai thánh giám mục Giêrônimô Liêm và Valentino Vinh tại Hải Dương năm 1861. Tưởng chừng những biện pháp ghê rợn sẽ làm nhụt chí các tín hữu, nhưng máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh đức tin: giáo phận qua cơn thử thách quyết liệt đã vươn vai lớn mạnh như chú bé huyền thoại làng Phù Đổng.

3. Gần chúng ta hơn, sau khi giáo phận được thiết lập khoảng 70 năm, một thử thách khác không kém gay go mà các bậc cha anh trực tiếp của chúng ta đã trải qua và vượt qua. Năm 1954, giáo phận có 68 ngàn giáo dân, 62 xứ, 413 nhà thờ, 80 linh mục và 28 đại chủng sinh. Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, gần 40 ngàn giáo dân cùng với đại đa số các linh mục và tất cả chủng sinh di cư vào nam. Ở lại giáo phận chỉ còn khoảng 30 ngàn giáo dân, 14 linh mục hầu hết già yếu, 12 thầy giảng và 11 nữ tu Đaminh. Trong tình trạng chiến tranh, và thời bao cấp, hoạt động của các linh mục bị hạn chế tối đa. Đã vậy các chủng viện lại bị đóng cửa. Có lúc giáo phận chỉ còn 1 hay 2 linh mục. 

Trong gần 30 năm, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nay là Hồng Y, không thể  đi thăm các xứ họ, đã dâng lễ trong một phòng diện tích chưa đầy 8 m2. Tại đây, ngài đã âm thầm truyền chức cho một số linh mục trong và ngoài giáo phận, và cả đến phong chức giám mục cho đức cha Đaminh Quảng của Bắc Ninh và đức cha Vinhsơn Dụ của giáo phận Lạng Sơn.. 

Thiếu linh mục, ngài đào tạo giáo dân lãnh đạo các xứ họ, kêu gọi các cô tận hiến (nay là Tu Hội Hiệp Nhất) tiếp sức. Ngài soạn các kinh và giáo lý Kinh Thánh bằng văn vần để giáo dân dễ nhớ và trẻ em dễ học. Chính đức cố giám mục Giuse Maria trong một thời gian phải hằng ngày đạp xe rời làng trước khi trời sáng, đi 30 km đến toà giám mục để học, rồi lại đạp xe về khi trời đã tối. Mọi sinh hoạt được tập trung tại Tòa Giám Mục. Có những giáo dân nhiều khi phải đi tàu lửa đến ga Yên Viên rồi đi bộ 20 km đến Bắc Ninh dự lễ. Có những người phải đạp xe hàng trăm cây số để được xưng tội hay làm phép cưới. Có những giáo dân phải dùng xe cải tiến đi 70 km chở củi trong đêm tối đến giúp Tòa Giám Mục có chất đốt. Năm 1993, khi tôi đến thăm một họ ở huyện Sóc Sơn, ông trùm đã khóc và cho biết: “Từ tạo thiên lập địa đến nay mới có một cha đặt chân đến đây!” 

Cũng vào thời điểm ấy, tôi hỏi một nhóm thanh niên nam nữ ở một họ trong tỉnh Bắc Ninh: họ không biết truyện người con hoang đàng hay truyện người Samari nhân hậu Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng. Đã có nhiều người do nhu cầu kinh tế hay vì yếu đuối đã xa nhà thờ, đã rối hôn nhân, đã không dám giữ đạo công khai. Chỉ Thiên Chúa mới biết hết được bao nhiêu cố gắng và hi sinh đến mức anh hùng của hàng ngàn hàng vạn tín hữu, giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ để giáo phận vững bước và tiến lên trong những năm tháng khó khăn ấy. Đứng về mặt tự nhiên, tình trạng thật bi đát. Nhưng một cây trụi lá như vậy, với quyền năng của Thiên Chúa, vẫn có thể hồi sinh. Và cây ấy đã thực sự hồi sinh. Đó là một cây được trồng bên bờ suối, nên trổ sinh hoa trái đúng mùa.

4. Chín triệu dân sống trên khu vực gần 25 ngàn km2, đó là tình hình giáo phận Bắc Ninh hiện nay. Công cuộc truyền giáo đã có những kết quả nhất định, nhưng cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông. Theo tiêu chuẩn quốc tế bình thường, giáo phận còn thiếu 80 linh mục. Có thể 10 năm nữa giáo phận mới đạt tới tình trạng bình thường là xứ nào cũng có cha coi sóc. Ngoài ra, giáo phận còn thiếu những chuyên gia về Kinh Thánh, về Giáo Luật, về Phụng Vụ, về Thần Học… Bao giờ tất cả các nhà thờ hư hỏng được sửa chữa? Bao giờ thì giáo họ nào cũng có một ngôi nhà thờ để họp nhau cầu nguyện? Bao giờ thì tuần nào cũng có thánh lễ trong tất cả các nhà thờ của giáo phận? Bao giờ thì các cha được nghỉ cuối tuần và nghỉ hè? Bao giờ giáo phận có những cơ sở nuôi dưỡng những người bất hạnh? Bao giờ tỉ lệ tín hữu hiện nay là 1,38 % được nâng lên thành 2%? 

Những câu hỏi như vậy tuy thật khiêm tốn nhưng vẫn còn khá xa vời. . Phaolô trồng cây, Apollo tưới cây, Thiên Chúa cho mọc lên: tạ ơn Thiên Chúa. Vững tin vào ơn Chúa trong quá khứ, chúng ta hãy can đảm thả lưới theo lệnh Chúa, phần còn lại là làm cho lưới đầy cá nằm ngoài tầm tay của chúng ta, nhưng chính Chúa sẽ bảo đảm. Năm sự vui rồi năm sự sáng, năm sự thương rồi năm sự mừng: đó là qui luật của lịch sử thánh.Giáo phận Bắc Ninh nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Đấng Bảo Trợ hẳn là nắm vững điều ấy. Ngay trong những lúc gay go nhất, giáo phận đã từng cống hiến những người con ưu tú như thánh linh mục Anrê Dũng Lạc cho giáo phận Hà Nội, thánh linh mục Đaminh Cẩm cho Dòng Đaminh. 

Ngoài ra, giáo phận còn là nơi nương náu cho thánh Giám Mục Giêrônimô Liêm của giáo phận Đông ở Kẻ Mốt, cho thánh giám mục Valentino Vinh của giáo phận Trung ở Hương La. Chúng ta không chỉ có Thánh Gióng, nhưng còn có Chúa Giêsu, không chỉ có Hai Bà Trưng, nhưng còn có Mẹ Maria, không chỉ có Bà Chúa Kho, mà còn có Mẹ Hội Thánh. Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Bắc Ninh là những điểm tựa vững chắc cho toàn thể giáo phận.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con ngợi khen và tạ ơn Chúa về tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện cho giáo phận chúng con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp giáo phận chúng con vững bước trên con đường của Chúa Giêsu như Mẹ. Lạy thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin cầu nguyện cho cây đức tin Bắc Ninh mà các ngài đã tưới bằng máu, được lớn lên không ngừng. Cùng với cả giáo phận, chúng con xin thốt lên từ đáy lòng: Tên chúng con đã được ghi trên trời, muôn đời chúng con xin ca ngợi và tạ ơn Chúa. Amen.

Bắc Ninh 29.5.2008
Gm Cosma HOÀNG VĂN ĐẠT

(Theo Trang Web Giáo Phận Bắc Ninh)