Thánh lễ tạ ơn và chào đón Đức Tổng Giám mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn 07/5/2010

Hà Nội, ngày 07/05/2010, Tổng Giáo phận Hà Nội long trọng cử hành thánh lễ Tạ Ơn và chào đón Đức Tân Tổng Giám mục Phó Phêrô tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. Đức Tổng Giám mục Giuse đã chủ sự thánh lễ với sự tham dự của các Đức Giám mục thuộc giáo tỉnh Hà nội, linh mục đoàn TGP Hà Nội, các linh mục đại diện giáo phận Đà Lạt, một số linh mục từ các giáo phận trong giáo tỉnh cùng đông đảo nam nữ tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân.

9g30 đoàn đồng tế tiến vào cung thánh. Trước khi vào Thánh lễ, cha chánh văn phòng TTGM Hà nội đã đọc Sắc chỉ bổ nhiệm Đức TGM Phó Hà Nội của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Nghị định bổ nhiệm Đức TGM Phó Hà nội của Thánh Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Tiếp đó, Đức Tổng Giám mục Giuse đã ngỏ lời với cộng đoàn và giới thiệu Đức TGM Phó Phêrô với cộng đoàn.

Thưa anh chị em,

Tôi xin trân trọng giới thiệu với anh chị em: Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị tại tòa TGM Hà Nội.

Anh chị em đã biết từ mấy năm qua sức khỏe của tôi không được tốt. Suốt năm vừa qua, tôi nghỉ nhiều hơn làm việc. Với lương tâm trách nhiệm, tôi đã đệ trình Tòa Thánh. Và hôm nay, Tòa Thánh đã cử Đức cha Phêrô đến giúp đỡ giáo phận chúng ta.

Khi cử Đức cha Chủ tịch HĐGM đến, Tòa Thánh đã có ý trân trọng Tổng Giáo phận Hà Nội. Được có ngài làm Phó đó là niềm vinh dự cho cá nhân tôi.

Có lẽ anh chị em đang băn khoăn tự hỏi: “Không biết Đức cha Phêrô có hiểu chúng ta không”. Anh chị em băn khoăn là có lý. Trong quá khứ, Giáo hội Miền Bắc đã chịu quá nhiều đau khổ. Tổng Giáo Phận Hà Nội đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Về phương diện con người sau khi đã trải qua nhiều đau khổ thì cảnh giác là tự nhiên và cần thiết.

Nhưng về phương diện Giáo hội thì khác. Khi nhận một giáo phận, vị giám mục phải suốt đời gắn bó yêu thương giáo phận đó. Vì thế, từ hôm nay, TGP Hà nội trở thành quê hương của ngài. Anh chị em trở thành gia đình của ngài. Vui buồn của anh chị em là vui buồn của ngài. Nguyện vọng của anh chị em là nguyện vọng của ngài. Từ nay ngài không chỉ đồng cảm hay đồng hành với anh chị em nhưng sẽ đồng sinh đồng tử với anh chị em, với giáo phận. Vì thế anh chị em hãy chào mừng ngài.

Ngài đã trở thành người ở trong gia đình giáo phận, anh chị em hãy yêu mến ngài như đã yêu mến tôi. Vì tôi đau yếu, ngài sẽ thay mặt tôi đảm trách những công việc của giáo phận, anh chị em hãy vâng phục ngài như đã vâng phục tôi.

Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho Giáo phận, đặc biệt cho Đức cha Phêrô, thành viên mới của gia đình Giáo phận chúng ta.

Đức TGM Giuse Ng. Q. Kiệt

Thánh lễ đã diễn tiến trong sự trang nghiêm của bầu không khí phụng vụ. 

Đức Tân TGM Phó đã chia sẻ Tin Mừng trong Thánh lễ.

Anh chị em thân mến, tôi quả thực rất băn khoăn không biết phải nói gì, nói như thế nào với anh chị em trong giây phút đặc biệt này. Và tôi cũng đoán chắc anh chị em cũng rất chờ đợi ở những lời đầu tiên của tôi, trong tư cách là người cộng tác với Đức Tổng Giám Mục Giuse trong trách vụ mục tử.

Thế nhưng Lời Chúa hôm nay trích từ sách Công Vụ và Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe quả là lời giải đáp cho tất cả chúng ta. Thật vậy, Lời Chúa vừa giúp tôi biết phải nói gì với anh chị em, vừa có thể giúp anh chị em hiểu cách sâu xa nhất tâm tình của tôi lúc này.

Trước hết, sách Công Vụ kể cho chúng ta về một tình thế khó khăn, căng thẳng trong Giáo Hội sơ khai, xoay quanh việc có nên cắt bì hay không cho những người gốc dân ngoại trở lại. Thực tế đó là cuộc khủng hoảng trầm trọng đe dọa đến sự hiệp nhất của Hội Thánh, nhưng đàng khác có thể nói là một cơ may để Giáo Hội minh định rõ hơn niềm tin của mình, ngay cả với Do Thái Giáo. Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Hội Thánh thời bấy giờ đã mạnh dạn công bố: Ơn cứu độ hệ tại ở niềm tin vào Đức Kitô chứ không hệ tại ở việc cắt bì hay không cắt bì. Và để thông truyền sứ điệp Tin Mừng đó mà các Tông Đồ, các kỳ mục cùng với toàn thể Hội Thánh lúc bấy giờ đã quyết định chọn Phaolô và Barnaba, Giuđa và Xila đi Antiokia.

Như anh chị em thấy, khi được Thánh Thần và Giáo Hội cắt đặt, Phaolô và Barnaba đã vui mừng đi đến Antiokia và thực hiện những gì được ủy thác. Hành trang của các ngài là sứ điệp Tin Mừng và Tin Mừng đó không loại trừ một ai, dù là Do Thái hay Hy Lạp, cắt bì hay không cắt bì, dù là nô lệ hay tự do. Nói khác đi, Tin Mừng các Tông Đồ mang theo là Tin Mừng có sức giải thoát, đồng thời góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong lòng Hội Thánh.

Hơn nữa, Phaolô và Barnaba được giới thiệu không phải bằng một danh hiệu hay điều gì khác hơn là "những người đã cống hiến cuộc đời vì Danh Đức Giêsu". Và như chúng ta đều biết, sau này trong các lá thư của Ngài, thánh Phaolô cho thấy đối với Ngài, không có danh hiệu nào cao cả hơn, đáng quí hơn là danh hiệu "tôi tớ của Đức Kitô”. Được biết đức Kitô, được phục vụ cho Đức Kitô, được chia sẻ đau khổ của Đức Kitô nơi tất cả chi thể của Người thì hơn tất cả.

Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao danh hiệu "tôi tớ của Đức Kitô" là cao cả, đáng quí đến mức như thế? Tại sao thánh Phêrô, thánh Phaolô cũng như các Tông Đồ khác đều coi việc phục vụ cho Đức Kitô như là điều đáng kể nhất đối với cuộc đời mình, trong khi các Ngài có đủ lý do để hãnh diện, để xưng mình bằng nhiều danh hiệu cao trọng hơn?

Thánh Gioan, trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, cho chúng ta câu trả lời rất đơn giản mà vô cùng thấm thía: "Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em…Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ mà là bạn hữu". Tôi nghĩ, danh hiệu "tôi tớ của Đức Kitô” thực ra mang nặng kinh nghiệm của các Tông Đồ về lòng mến của Đức Giêsu dành cho các ngài. Thật vậy, các Tông Đồ như Phêrô, như Phaolô là những người hiểu rõ hơn ai hết sự bất xứng của mình, và cũng nhờ kinh nghiệm về sự bất xứng đó mà các Ngài thấm thía thế nào là Tình Yêu của Thiên Chúa, thế nào là niềm hạnh phúc được trở nên bạn hữu của Chúa và đâu là sứ mạng mà Chúa muốn họ thực hiện. "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy… (và) Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau". Như thế, sứ mạng của các Tông Đồ và cũng là kỳ vọng sâu xa nhất của Chúa đặt nơi họ, đó là rao truyền tình yêu của Thiên Chúa qua chính đời sống yêu thương, hiệp nhất với nhau. "Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau".

Anh chị em rất thân mến, tôi đến với anh chị em không mang theo tâm tình hay hành trang nào khác ngoài sứ điệp của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, và điều tôi mong muốn được phục vụ anh chị em cũng không gì khác hơn là điều mà Phaolô và Barnaba đem lại cho các Kitô hữu ở Antiôkia, theo sự ủy thác của "Thánh Thần và Hội Thánh", đó là Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho mọi con người, một tình yêu phá bỏ mọi khoảng cách và tạo nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh cũng như trong cộng đồng nhân loại.

Cho dù Hội Thánh có nhiều chức vụ khác nhau, nhiều đặc sủng khác nhau, nhiều hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều là để phục vụ cho Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Ước gì tất cả chúng ta trong Tổng Giáo Phận Hà Nội thân yêu này dám tin rằng, chỉ có Tình Yêu là đáng kể, và chớ gì sự hiệp nhất của tất cả chúng ta, các kitô hữu, sẽ là dấu chỉ khả tín cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống hôm nay.

+ ĐTGM Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã thay mặt HĐGM Việt Nam ngỏ lời chúc mừng Đức Tân TGM Phó Phêrô.

Trọng kính Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam,

Kính thưa Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tân Tổng Giám mục Phó giáo phận Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nguyên Giám mục giáo phận Đà Lạt,

Kính thưa quý Đức cha,
Quý Viện phụ, Bề trên, Tổng đại diện,
Kính thưa quý cha và quý thành viên phái đoàn giáo phận Đà Lạt,
Kính thưa quý cha, quý nam nữ tu sĩ
Và toàn thể anh chị em giáo dân,

Trong cơ chế Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện nay, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đang là Chủ tịch và Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt đang là Tổng thư ký. Các ngài là hai nhân vật cao cấp nhất trong hàng Giám mục Việt Nam nhưng hôm nay lại là chủ thể chính trong cuộc họp mặt này.

Vì thế, trong cương vị Phó chủ tịch, tôi là người được chỉ định thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, chính thức bày tỏ tình hiệp thông và nói lời chúc mừng đối với Đức Tổng Giám mục Giuse vừa có Tổng Giám mục Phó, đối với Đức cha Phêrô vừa mới được trao phó sứ mệnh Tổng Giám mục Phó giáo Phận Hà Nội và với cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Hà Nội vừa có một vị chủ chăn mới.

Không thể phủ nhận được rằng việc bổ nhiệm này đã gây ra một số tranh cãi trong những ngày vừa qua. Có người bi quan cho đó là sai lầm của Toà Thánh Vatican, là dấu hiệu của một Hội đồng Giám mục Việt Nam đang bị phân hoá, bị khuynh loát, thậm chí là một trang sử buồn cho Giáo Hội Việt Nam và cách riêng, cho Tổng giáo phận Hà Nội.

Nhưng nếu suy nghĩ một cách lạc quan, chúng ta cũng có thể rút ra những kết luận rất tích cực từ biến cố này. Điểm tích cực đầu tiên là mọi thành phần Dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông thời hiện đại. Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn.

Điểm tích cực thứ hai là dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một. Trong bối cảnh và tinh thần Năm Thánh 2010, chúng ta hãy xem đây là cơ hội sống tình hiệp thông cách đặc biệt hơn: chúng ta cần phải can đảm hơn khi đối diện với các dị biệt, chúng ta cần phải mổ xẻ chuyện Giáo Hội cách rốt ráo hơn, công khai hơn, nhưng đồng thời trải nghiệm được cái giá phải trả để bảo vệ tình huynh đệ trong đại gia đình Giáo Hội.

Chắc chắn là ai trong chúng ta cũng đều muốn sự tốt đẹp cho Giáo Hội. Nhưng nếu vì yêu mến Giáo Hội mà chúng ta loại trừ nhau thì không còn gì mâu thuẫn bằng. Khác biệt nhau nhưng vẫn sẵn sàng nhường nhịn, yêu thương nhau, vì một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, đó mới là dấu chỉ chúng ta còn thuộc về Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập.

Không xác tín về chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội, chúng ta không thể chấp nhận được nhau, chúng ta không thể nhìn nhận vai trò của vị cha chung Giáo Hội. Quyết định của Đức Thánh Cha có thể không đáp ứng được sự chờ đợi nhân loại của một số con cái, nhưng vẫn là quyết định của Đấng Đại Diện Đức Kitô trên trần gian. Giáo Hội chỉ là Giáo Hội, Toà Thánh chỉ là Toà Thánh một khi chúng ta có khả năng chấp nhận chiều kích siêu phàm của Giáo Hội. Điều đó đòi buộc chúng ta phải hiến tế quan điểm riêng của mình để đón nhận và tuân phục Thánh Ý đấng thay mặt Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội.

Kính thưa quý Đức Tổng, quý Đức cha và mọi người.

Hơn bất kỳ đâu, tại thủ đô của đất nước Việt Nam, sứ vụ lớn lao nhất của Giáo Hội Việt Nam, cách riêng của cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội, là làm chứng cho tình hiệp nhất yêu thương. Đó là bí quyết duy nhất giúp chúng ta vượt qua thử thách, bất đồng.

Hơn bất kỳ đâu, tại thủ đô Hà Nội này, tất cả những ai có thiện chí đối với quê hương dân tộc Việt Nam, trong cũng như ngoài Giáo Hội, đều phải xây dựng và vun vén tình đoàn kết anh em một nhà và đại đồng xã hội.

Đó cũng là lời cầu chúc sâu xa chân thành nhất mà Hội đồng Giám mục Việt nam xin được trân trọng, hân hạnh, tin tưởng và kính cẩn gửi đến Đức Tổng Giuse, Đức Phó Tổng Phêrô, Đại Gia đình Tổng giáo phận Hà Nội trước biến cố lịch sử hôm nay.

Tôi tin rằng đó cũng là ý nguyện của cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại. Đó cũng chính là mong muốn sau cùng của Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha "Xin cho họ nên một" (Ga 21, 17), là tiêu đề của Năm Thánh 2010: một Giáo Hội Việt Nam mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

Trong tâm tình ấy, tôi xin mạnh dạn thưa với hai Đức Tổng rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam luôn ở bên hai Đức Tổng và Tổng giáo phận Hà Nội.

Xin cám ơn hai Đức Tổng và mọi người.

Thanh Hoá ngày 06-05-2010

+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Giám mục giáo phận Thanh Hoá
Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam


Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế, Quản hạt Thanh Oai, thay mặt toàn thể cộng đoàn dân Chúa TGP Hà Nội ngỏ lời chúc mừng Đức Tân TGM Phó.

Trọng kính Đức Tổng Giuse,
Kính thưa Đức Cha Phêrô,
Quí Đức cha và Quí Cha

Con xin thay mặt cho đoàn Linh mục Giáo phận Hà nội dâng lên đôi lời tâm tình của chúng con:

Ngày 22-04-2010, Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan báo: "Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng Giám Mục Phó của Tổng Giáo Phận Hà Nội...".

Chúng con thực vui mừng, hồi hộp và hôm nay, chúng con lại được vinh dự đón Đức cha về tại Tổng giáo ph?n Hà Nội chúng con.

Tất cả đều là hồng ân Chúa ban, và như Đức Tổng giám mục Giuse đã công bố: “Đức Cha đương kim Chủ tịch HĐGMVN là bậc đáng kính hoàn toàn xứng đáng nhiệm vụ Tổng giám mục phó"... Và đã nhắn nhủ cộng đoàn Dân Chúa Tổng giáo phận: "Tạ ơn Chúa và cám ơn Tòa Thánh đã cử Ngài đến phục vụ Tổng giáo phận..."

Con xin mạo muội kính xin Đức Tổng Giuse, Đức cha Laurenxô và các Cha... nhiệt liệt chào mừng Đức Tân TGM Phó Hà nội một tràng pháo tay thật dài và thật to.

Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân gọi Giáo Hội là "Dân Thiên Sai" (LG 9b) ... đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Kitô cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung... không những ấp ủ trong lòng niê`m hy vọng của Đức Kitô vê` một thế giới công bằng và hạnh phúc, Thiên Chúa đã hứa ban cho toàn thể nhân loại, mà còn thực thi sứ mạng Đức Kitô đã giao phó là dấn thân cho mọi người được sống như Thiên Chúa muốn... cho Nước Thiên Chúa đến được với họ.

Cùng với Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội Việt Nam cũng như Dân Chúa trong giáo phận Hà nội, đang ở trong lịch sử và thời gian biến động liên tục, hướng tới ngày Thiên Chúa hoàn tất công cuộc đổi mới đã được khởi sự nơi Giáo Hội. Trong một thê´ giới lộ rõ thất vọng vì lạc hướng, Giáo Hội phải là niềm hy vọng cho thế giới. Trong một thế giới đầy bất hoà và chia rẽ, Giáo Hội phải là "dấu chỉ và khí cụ" của sự hiệp nhất và hiệp thông toàn thể gia đình nhân loại.

Giáo Hội không “định cư” ở thê´ gian, nhưng luôn tiến bước. Giáo Hội không trói buộc mình vào bất cứ một ý thức hệ hoặc chủ nghĩa nào, một thời đại hoặc một nền văn hoá nào, một nền thần học hoặc triết học nào… nhưng ra sức giữ cho mình được hoàn toàn tự do đối với mọi thực tại của thế gian đang biến đổi này.

Dù còn phải đối diện với bao cám dỗ và bách hại từ phía các thế lực trần gian, Giáo Hội vẫn luôn tin tưởng và trung thành với Đức Kitô, bởi biết rằng ngay cửa địa ngục cũng không thể rung chuyển được nền Đá Phêrô. Hơn nữa, Giáo Hội còn lợi dụng cơ hội này để tăng trưởng đến hồi viên mãn.

Chúng con nguyện ước, Đức cha đến phục vụ giáo phận thủ đô chúng con, nhờ ơn Chúa, chắc chắn Đức cha sẽ cùng với Đức Tổng Giuse và Đức cha Phụ Tá Laurenxô sẽ kiến tạo cho Tổng giáo phận Hà Nội được vững vàng như kiềng ba chân.

Các linh mục và Dân Chúa trong Tổng giáo phận Hà Nội luôn tin tưởng, cộng tác và hoạt động dưới sự cộng tác lãnh đạo của Đức cha với tâm tình hiệp nhất và vâng phục một Vị hiện thân của Đức Kitô để “Đức Kitô phải lớn lên, và chúng ta phải nhỏ lại" (Ga 3,30)

Chúng con xin đồng bái kính.

Hà nội, ngày 7 tháng 5 năm 2010
Linh mục Vincent Nguyễn Đăng Xuyên

Đáp lại, Đức Tân TGM Phó Phêrô đã ngỏ lời với toàn thể cộng đoàn.

Thưa Đức Tổng Giuse kính mến,
Thưa Đức Cha Phụ Tá,
Thưa Anh em Linh mục, Anh Chị em Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
và Anh Chị Em Giáo dân thân mến,

Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi kính chào Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá và các Đại diện của mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo Phận Hà Nội thân yêu. Xin cầu chúc Quý Đức Cha và Anh Chị Em được ơn Bình An và sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh

Trong lần tiếp xúc đầu tiên này với Tổng Giáo Phận Hà Nội, tôi xin được nói lên đôi lời tâm tình chân thành, đơn sơ.

1. Tôi đến đây vì vâng lời Chúa và vâng lời Đức Thánh Cha. Tôi xác tín rằng: đối với đời sống và công việc của Hội Thánh, chúng ta phải dựa vào đức Tin, đức Cậy, đức Mến và Ơn Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đặt tin tưởng vào ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Mà ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần và của Chúa Kitô thì gắn liền với mầu nhiệm Thánh Giá. Trong dòng lịch sử trải dài hai nghìn năm, Hội Thánh đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin "giữa những cơn bách hại do thế gian gây ra, và những ơn an ủi do Thiên Chúa ban tặng” – lời Thánh Augustinô, được Công Đồng Vaticanô II nhắc lại trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội (x. GH số 8d). Lịch sử Giáo Hội tại Việt nam cũng diễn ra theo quy luật đó.

2. Mỗi khi đọc kinh “Lạy Cha”, chúng ta vẫn xin Cha “cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Nhưng khi phải đối diện với những đau khổ và thử thách chúng ta gặp trong cuộc sống, Chúa Giêsu lại dạy chúng ta cầu xin: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chính Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ để học được thế nào là vâng phục (x. Dt 5,8), qua đó Người nêu lên cho chúng ta một guơng mẫu hoàn hảo. Phần tôi, tôi cũng đang cồ gắng học hỏi kinh nghiệm của Đức Cố Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII, đã nên thánh bằng cách thực hiện châm ngôn ngài chọn cho mình khi được bổ nhiệm làm Giám mục: "Vâng Lời và Bình An" ("Obedientia et Pax"), nghĩa là vâng lời thì được bình an. Xin Quý Đức Cha và Anh Chị Em cầu nguyện cho tôi được Chúa ban cho ơn bình an khi dùng hết năng lực của mình để vâng lời Chúa và Hội Thánh.

3. Từ Giáo Phận Đàlạt non trẻ gia nhập vào Tổng Giáo Phận Hà Nội với bề dày lịch sử cổ kính, tôi cảm nhận hồng ân được Chúa sai đến một vùng đất thấm đẫm máu đào của biết bao thế hệ Anh Hùng Chứng Nhân Đức Tin. Tiêu biểu là giáo xứ Sở Kiện, nơi đã diễn ra lễ Khai Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam vào ngày lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24-11-2009. Tất cả chúng ta còn nhớ rõ bầu khí trang trọng, sốt sắng và thánh thiện của sự kiện lịch sử đó. Trong sứ điệp gửi cho chúng ta vào dịp trọng đại ấy, Đức Thánh Cha đã nói lên ước nguyện: "Chớ gì địa điểm rất thân thương này trở thành trung tâm điểm của một công cuộc Phúc Âm hoá có chiều sâu…”. Chính Đức Tổng Giuse vừa mang về cho chúng ta một tin vui từ Rôma: Toà Thánh có ý định nâng Nhà Thờ Sở Kiện lên bậc "Vương Cung Thánh Đường", như một dấu chỉ trân trọng giá trị lịch sử của giáo xử cổ kính này. Ngoài ra, Tổng Giáo Phận Hà Nội cũng như cả Giáo Hội tại Việt Nam, đã được Chúa ban cho nhiều Vị Mục Tử đáng kính và đáng mến, như trong bài huấn từ ngỏ với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 27-06-2009 tại Rôma, Đức Thánh Cha ưu tiên nêu đích danh Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng như một tấm gương về "lòng nhiệt thành mục tử, mà ngài đã thể hiện cách khiêm nhường, với tình hiền phụ sâu xa đối với đoàn dân của ngài và tình huynh đệ lớn lao đối với các linh mục”.

4. Tôi tha thiết cầu chúc ơn Bình An cho Đức Tổng Giuse, Đức Cha Phụ Tá Lôrensô, và mọi thành phần Dân Chúa của Tổng Giáo Phận Hà Nội thân yêu. Tất cả chúng ta cần ơn Bình An đó, để đến lượt chúng ta trở thành "khí cụ bình an của Chúa", bằng cách "biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người", như chúng ta vẫn luôn cầu nguyện sốt sắng với Kinh Hoà Bình.

Xin Quý Đức Cha và Anh Chị Em cầu nguyện cho tôi.

Hà Nội, ngày 07-05-2010
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng Giám Mục Phó Hà Nội

(Bài và ảnh: tgphanoi.org)
Lê Danh

(Theo Trang Web Giáo Phận Tổng Hà Nội)