Đôi điều suy tư giữa Kinh Thành Muôn Thuở

Bất kỳ khách hành hương nào, khi đứng giữa quảng trường Thánh Phê-rô ở Rô-ma, đều mang một tâm trạng thiêng liêng khó tả. Bởi lẽ, nơi đây chính là cội nguồn đức tin Kitô giáo, nơi có mộ của Thánh Phê-rô, vị Tông đồ trưởng. Ông đã được Đức Giêsu đổi tên từ Si-mon thành Đá. Như vậy, Rô-ma là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo, là trung tâm điểm mà mọi tín hữu đều quy hướng về. Quảng trường Thánh Phê-rô ở Rô-ma nhắc chúng ta về một truyền thống có bề dầy lịch sử của Giáo Hội, với những trang sử sáng ngời, vì Giáo Hội đã đóng góp một phần đáng kể làm nên nền văn minh La mã. Mọi công trình của Rôma đều ghi dấu ấn của Kitô giáo.

Rô-ma còn đặc biệt hơn vì là nơi có Vị đại diện Đức Giêsu. Sự hiện diện liên tục của các Giáo Hoàng trải qua 20 thế kỷ cho thấy sức mạnh kỳ diệu của Giáo Hội, mặc dù phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm trôi nổi. Đức Giáo Hoàng chính là điểm quy tụ mọi tín hữu trong tình hiệp nhất. Ngài là người kế vị Thánh Phê-rô để cùng với các Giám mục trên toàn thế giới cộng tác điều hành Giáo Hội.

Khách hành hương đến Rô-ma sẽ đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Những công trình xây cất vĩ đại, tồn tại cả ngàn năm mà vẫn sừng sững hiên ngang. Nghệ thuật điêu khắc trên đá cẩm thạch của Rô-ma đứng đầu thế giới. Những tác phẩm đã trải qua nhiều trăm năm, dưới sức mài mòn của thời gian và phong ba bão táp, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tuyệt diệu, làm cho tên tuổi những nghệ nhân trở thành bất hủ.

Những công trình gắn liền với lịch sử Giáo Hội như Đền thờ Thánh Phê-rô, Lâu đài các Thiên thần. Những địa danh đã trở thành thánh tích như nơi giam giữ Thánh Phê-rô, Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, Đền thờ Thánh Giá, Nhà thờ Thang Thánh, Nhà thờ Thánh nữ Cê-ci-li-a. Những nơi thánh làm cho người xem cảm động đến rơi lệ như Hang Toại Đạo. Những nơi làm du khách hồi tưởng lại một thời đã qua, như Bảo tàng viện Va-tican. Mọi thế hệ Kitô hữu được mời gọi đến để chiêm ngưỡng lịch sử của Giáo Hội. Biết bao con người, biết bao nhân chứng, đã kế tiếp nhau làm nên truyền thống kỳ diệu của đức tin. Những công trình này, dù vô tri vô giác, nhưng đang thầm thì kể lại cho chúng ta những trang sử huy hoàng của Giáo Hội, là niềm tự hào và là gương sáng cho các thế hệ mai sau.

Hiện nay, tại một số quốc gia Âu Châu, nhiều người không còn sống đạo nữa, nhiều nhà thờ đã trở nên vắng vẻ vì ít người đi lễ. Tuy vậy, Rô-ma vẫn là một điểm mọi người từ khắp nơi trên thế giới tuôn về. Người Công giáo cũng như người ngoài Công giáo, người Châu Âu cũng như Châu Á, mỗi ngày có tới hàng chục ngàn người đến thăm viếng Đền Thờ Thánh Phê-rô. Tại Rô-ma, chúng ta có thể thấy đủ mọi mầu sắc trang phục của các dòng tu nam nữ. Mọi ngôn ngữ, mọi sắc cờ, mọi truyền thống dân tộc, đều quy tụ về đây, làm nên vẻ phong phú kỳ diệu. Tại Rô-ma, hằng ngày "Lễ Ngũ Tuần" được tái hiện, giống như tại Giê-ru-sa-lem ngày xưa. Trở về với Rô-ma còn là trở về với cội nguồn của đức tin. Nơi đây, đức tin của người tín hữu được hâm nóng, được tiếp thêm nghị lực để rồi họ lại lên đường, hòa nhập vào cuộc sống, mang theo trái tim được canh tân nhờ ân sủng, tràn đầy nhiệt huyết tông đồ.

Rô-ma được gọi là Kinh Thành Muôn Thuở, là nơi hướng chúng ta về Quê Trời. Xin Chúa cho Giáo Hội luôn hiệp nhất và bình an. Xin cho những ai đã đặt chân đến Rô-ma đều được củng cố đức tin. Xin cho các tín hữu trên toàn thế giới, khi hướng về Thủ đô Giáo Hội và về Đức Giáo Hoàng, được thêm lòng mến yêu và nhiệt thành tông đồ.

Viết tại Rô-ma lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông đồ 29-06-2009

+ĐC.Vũ Văn Thiên

(Theo Trang Web Giáo Phận Hải Phòng)