Mừng lễ 150 năm Giáo phận Kontum

Năm nay Giáo phận Kontum kỷ niệm 150 năm Tin Mừng được loan báo trên Tây Nguyên Việt Nam, nếu kể từ 1848 là năm mà Thầy Phó tế Nguyễn Do đã nhận lệnh của Ðức Giám mục Giáo phận Ðàng Trong lúc đó là Thánh Tử đạo Stephano Cuénot Thể, lập đoàn thừa sai lên Tây Nguyên. Ðành rằng trước niên hiệu này đã có nhiều vị thừa sai giáo sĩ có, giáo dân có, người Việt có, người ngoại quốc có, nhưng đều thất bại bởi Tây Nguyên lúc đó được coi như là một lãnh thổ riêng biệt, độc lập với quốc gia Việt Nam. (Xin xem bài "150 Năm Phố Ðạo Tây Nguyên" của tác giả đã được đăng trên Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 12/98). Nhưng kể từ niên hiệu này và với đoàn thừa sai của Thầy Sáu Do, công cuộc rao giảng Tin Mừng đã thành đạt trên vùng rừng núi huyền bí này. Do đó chúng ta không lạ gì khi thấy Giáo phận Kontum đã chọn năm 1998 để mừng thành quả rao giảng Tin Mừng cho Tây Nguyên sau 150 năm.

Vào dịp này Toà Thánh đã cho phép Giáo phận mở Năm Thánh từ ngày 1/1/1998 đến ngày 1/1/1999. Cao điểm của Ðại Lễ kỷ niệm là ngày 12/11/1998. Khu vực lễ hội được tập trung tại 2 địa điểm chính là Nhà Thờ Chánh Toà (thường được gọi là nhà thờ gỗ) nằm trên đường Nguyễn Huệ và Chủng viện với Toà Giám mục nằm trên đường Trần Hưng Ðạo. Hai con đường ngắn nối hai tụ điểm này là đường Lý Tự Trọng dẫn thẳng vào Nhà Thờ Chính Toà và đường Nguyễn Văn Trỗi, trước đây là đường Bok Do, dẫn thẳng vào Chủng viện. Tất cả đều nằm gọn trong phố đạo của Kontum, không gây phiền hà gì về lưu thông và sinh hoạt của khu phố chợ mà trục đường chính là đường Phan Ðình Phùng.

Ở khu phố đạo này, với con số giáo dân ước chừng 50.000 người từ khắp nơi đổ về, không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt hiếm có. So với con số cư dân thường trú của thị xã Kontum là 17.000 người. Ðông như vậy, trong một chu vi hạn hẹp của vài con phố, ấy vậy mà hiền hoà làm sao, thánh thiện làm sao, trong cái se se lạnh của Tây Nguyên vào Ðông. La liệt trên sân cỏ trước Chủng viện thừa sai là bà con giáo dân người Kinh từ nhiều giáo phận trong Nam ngoài Bắc đổ về, là bà con dân tộc từ khắp các buôn làng cùng tới địu con trên lưng hoặc trước ngực, thành thử rất khó cho người tường thuật kiếm được vị khách hành hương nhỏ tuổi nhất. Trộm ngắm các thiên thần nhỏ này đang say sưa giấc điệp trên lưng mẹ, chúng tô? dám chắc có những cháu chỉ mới vài tháng tuổi. Nhưng tuyệt nhiên không còn tìm thấy chiếc khố cổ truyền nào ngoài cái khố của "Già làng - Linh mục" Trần Sĩ Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, và các bạn diễn trên sàn diễn trong đêm hoài niệm 11/11/1998 mà chúng tôi sẽ tường thuật dưới đây. Có những cô gái dân tộc trong y phục thổ cẩm hồn nhiên dùng tay bốc cơm lam từ ống tre đem theo để đỡ tốn kém; một vài em chụm đầu vào nhau đọc thư chung của Ðức Giám mục Giáo phận in bằng tiếng dân tộc.

Tại một góc sân, Ban Tổ chức thiết kế một cây đàn nước, tiếng các ống nứa ngày đêm va chạm vào nhau réo rắt, góp tiếng với các dàn cồng chiêng của các giáo xứ đang say sưa trình tấu ở đầu sân, cuối vườn. Ðêm về, nhịp theo tiếng cồng chiêng, trai gái Kinh, Thượng hồn nhiên nắm tay nhau theo điệu múa xoan đơn giản mà dìu dặt uyển chuyển. Ngoài các giờ tham dự Thánh Lễ vào sáng 12/11/1998 và buổi canh thức cầu nguyện vào tối 11/11/1998, tiếng cồng chiêng đã không ngớt vang lên ở khoảng sân rợp gbóng mát của Chủng viện thừa sai, ngày cũng như đêm. Một nét độc đáo của Ban Tổ chức lễ hội mừng 150 năm truyền bá Tin Mừng Tây Nguyên là đã thiết lập một căn-tin phục vụ khách hành hương, người Kinh người Thượng xếp hàng vui vẻ và trật tự. Với cái giá "hoàn toàn không miễn phí", các nữ tu dòng Nữ Vương Hoà Bình, các bạn trẻ thuộc hai giáo xứ Phương Nghĩa và Tân Hương, nhất là linh mục phụ trách căn-tin: Lm Nguyễn Văn Ðông đã làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Giá "mềm" quá trời! Một đĩa cơm: 3000 đồng (tính hối suất 1 đôla Mỹ ăn 14.000 đồng VN thì khoảng 22 xu Mỹ). Mì ăn liền có thêm vài lát thịt, dăm cọng hành mà giá chỉ có 1000 đ/tô (7 xu Mỹ). Bánh mì thịt: 1000 đ/ổ (7 xu Mỹ). Hỏi rằng trên cõi trần ai này, mua được ở đâu cơ chứ, ngoài nhà hàng của cha Ðông. Buổi chiều 11/11/98, thiếu cơm, ông Linh mục dáng vẻ khắc khổ đã cầm micro và đon đả mời bà con dùng mì ăn liền, sau đó nếu còn đói ăn thêm một ổ bánh mì thịt, một chai Coca lúc này được một nhà hảo tâm trợ giá chỉ còn 1000 đ (7 xu Mỹ) thay vì phải trả 1500 đ (11 xu Mỹ), tổng cộng giá vẫn 3000 đ (21 xu Mỹ), hơn hẳn một đĩa cơm "khô khẳng". Khách hành hương dễ tính đã vui vẻ chấp nhận kế hoạch chữa cháy của vị linh mục tháo vát.

Vào những giờ phút cuối của những ngày tháng chuẩn bị cho Ðại Lễ, tức là đến trưa ngày 11/11/98, chúng tôi vẫn còn thấy những bàn tay tự nguyện từ khắp nơi, mỗi người mỗi việc, bận rộn tíu tít theo khả năng mà không hề đòi hỏi gì.

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 11/11/98, bà con giáo dân Kinh Thượng được mời đi viếng nghĩa trang, nằm trên một ngọn đồi khá xa thị xã. Khách hành hương chú ý tới một bức tường, trên đó có khắc tên các vị thừa sai tiên khởi đã hy sinh cho Miền Truyền giáo Tây Nguyên này. Người ta cũng chú ý đến hàng chữ bằng tiếng La-tinh: "VITA MUTATUR NON TOLLITUR" ("Sự sống thay đổi chứ không mất đi"). Nơi đây có thi hài của rất nhiều vị thừa sai Việt Nam và ngoại quốc. Ngôi mộ được nhiều người chú ý là mộ của Linh mục Nguyễn Do, người đặt nền móng cho vùng truyền giáo Tây Nguyên. Cha Do đã qua đời ở quê nhà của Cha là Ðồng Hâu, Bồng Sơn, Bình Ðịnh, nhưng hài cốt của người đã được đưa về đây. Buổi kính viếng đã được đặt dưới sự chủ tế của Linh mục Tổng Ðại diện Giáo phận. Ðối với người dân tộc, ngôi mộ của những người ra đi trước đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng buôn làng. Những chăm chút, những ghè rượu, những tượng gỗ ngồi khóc đặt quanh ngôi mộ đã nói lên tình cảm của người còn sống, kể cả những ngày bỏ mả rượu chè múa hát quanh người đã khuất. Khi thấy những hàng mộ cô quạnh và đơn giản của các thừa sai, từ mộ của Cha Bề trên Combes, Cha Nguyễn Do, tới những mộ rất mới, họ bị xúc động mạnh. Anh chị em giáo dân người dân tộc đã đến kính viếng nghĩa trang đông đảo hơn người Kinh để thể hiện lòng biết ơn đối với các vị đã đem Tin Mừng đến Tây Nguyên.

Trong suốt thời gian chuẩn bị cho ngày Ðại Lễ, tại Nhà nguyện Chủng viện, các linh mục đã thay nhau ngồi Toà Hoà giải để tiếp anh chị em giáo dân, nhất là bà con từ những buôn làng xa xôi mà việc lãnh nhận, tham dự các phép Bí tích vẫn luôn là điều hiếm hoạ. Ban Tổ chức đã tỏ ra vô cùng nuối tiếc khi được biết rằng một số xe của khách hành hương từ vùng Ðắc Tô, Tân Cảnh về đã bị chặn lại ở phía Bắc Kon Tum. Rất nhiều xe đã không về được thị xã chỉ vì những lý do không đâu, có thể đúng lý đấy (với 1001 lý do để hành những chiếc xe đò), nhưng thiếu tình. Tốt được Ðời sao không cho đẹp Ðạo luôn!

Buổi tối trước ngày Ðại Lễ, một buổi sinh hoạt văn nghệ nhưng không phải để giải trí mà là để hoài niệm người xưa, để dâng lời tạ ơn về chuyện nay và để hướng lòng tới những dự tính loan báo Tin Mừng trong tương lai.

Một vị già làng trong chiếc khố cổ truyền, Linh mục Trần Sĩ Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, đã kể lại chuyện xưa và được các diễn viên "tài tử" minh hoạ trên tiền đình Nhà Thờ Chánh Toà, xen lẫn những màn múa dân tộc theo tiếng cồng chiêng.

Sau buổi trình diễn, giáo dân lại đổ về những tụ điểm, nhất là trong sân Chủng viện, tiếng cồng chiêng suốt đêm không ngớt. Các dàn nhạc chơi hoà tấu hầu hết các bài quen thuộc mà nổi bật nhất là bài "Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời" của Linh mục Nguyễn Ðức Mầu, một trong bốn tu sĩ DCCT đầu tiên đặt chân lên Tây Nguyên.

Ngày Ðại Lễ 12/11/1998, mới 3 giờ sáng mà mọi người đã thức giấc. Ðến 4 giờ 30, hầu như tất cả khách hành hương đã tập trung về Nhà Thờ Chánh Toà. Nhà Thờ đèn đuốc sáng trưng, cả phố đạo nhộn nhịp tưng bừng. Lúc này mọi thông báo đều được phát thanh bằng nhiều ngôn ngữ do các vị linh mục thành thạo các tiếng dân tộc.

Ðúng 6 giờ 30 sáng, đoàn đồng tế gồm 17 Giám mục thuộc các giáo phận Phát Diệm, Kontum, Ban mê Thuột, Nha Trang, Vinh, Ðà Nẵng, Ðà Lạt, Qui Nhơn, Thanh Hoá, Phan Thiết, Sài Gòn, Vĩnh Long. Cùng đồng tế còn có một Ðan viện phụ, và 250 linh mục trong phẩm phục màu đỏ tiến về lễ đài. Vị chủ tế, Ðức Giám mục Kontum Trần Thanh Chung đã dừng chân trước tượng đài Thánh Cuénot Thể và dâng hương. Trước lúc bắt đầu Thánh Lễ, các bức điện văn sau đây đã được lần lượt đọc cho cộng đoàn nghe:

- Ðiện văn của Ðức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Toà Thánh.
- Ðiện văn của Thánh bộ Phúc Âm hoá các dân tộc do Ðức Hồng y Joseph Tomko ký.
- Ðiện mừng của Ðức Hồng y Phạm Ðình Tụng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đang bị đau nên không có mặt.
- Ðiện mừng của Ðức Tổng Giám mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể từ Rôma gửi về.
- Ðiện mừng của Ðức Giám mục Nguyễn Quang Tuyến, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh.
- Ðiện mừng của Hội Thừa sai Paris (MEP).
- Sau cùng là lời phát biểu của Ðức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Giữa lúc này, chúng tôi thấy có hai vị tu sĩ Phật giáo đang được mời lên hàng ghế danh dự.

Thánh Lễ đồng tế với sự tham dự của 50.000 giáo dân Kinh, Thượng đã được bắt đầu với khúc hát "Ðây Bài Ca Ngàn Trùng" do toàn thể cộng đoàn cùng hát trong lúc những trái bong bóng được thả lên bầu trời và nhẹ nhàng bay về hướng tây như để đem tin vui cho rừng núi Tây Nguyên. Trong Thánh Lễ, các bài đọc và kể cả bài giảng thuyết của Ðức Giám mục Giáo phận đã được đọc bằng 4 thứ tiếng: Bahnar, Sedang, Jarai, và Kinh. Ðặc biệt sau bài giảng thuyết là nghi thức Rửa Tội cho 12 anh chị em tân tòng Kinh, Thượng do 12 vị giám mục cử hành. Tất cả các anh đều nhận Thánh Cuénot Thể làm Bổn mạng, còn các chị đã nhận Thánh Inê Thành làm Bổn mạng. Các bài hát trong Thánh Lễ được hát bằng nhiều thứ tiếng do các cộng đoàn cùng hát bởi trước đó nhiều tháng Ban Tổ chức đã gửi các bài hát về tận các giáo xứ để giáo đoàn cùng tập vào mỗi sáng Chúa Nhật. Một ca đoàn gồm 300 ca viên chỉ là để hoà giọng cùng với cộng đoàn. Thánh Lễ đã được cử hành rất sốt sắng và kết thúc trong hoan hỉ của mọi người.

Sau khi Thánh Lễ kết thúc vào khoảng 9 giờ sáng, mọi người được mời tham quan Phòng Truyền thống của Giáo phận, trong đó có triển lãm các hình ảnh, tranh tượng khắc trên gỗ rất công phu, diễn tả những sinh hoạt của Giáo phận cũng như của người Tây Nguyên.

150 năm có là bao đối với lịch sử, đối với thời gian, đối với Thượng Ðế. Vậy mà trong khoảng thời gian ấy, Tây Nguyên đã có biết bao biến đổi, đất đai và lòng người. Giáo phận Kon Tum đã có lý khi tổ chức lễ kỷ niệm này một cách long trọng. Người tường thuật có muốn thêm gì chăng thì chỉ là ngả nón trước công việc tổ chức qui mô và chu đáo của giáo dân và hàng giáo sĩ. Xin thành thật khen ngợi.

Vũ Sinh Hiên tường thuật
(Trích ns Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp)