Thánh Thể và việc Truyền Giáo 

VietCatholic News (21/02/2005) (Bài nói chuyện của Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt tại Ðại hội Giáo dục Tôn giáo của Tổng giáo phận Los Angeles ờ Anaheim Convention Center 20 - 02 - 2005)

Tháng 10 năm 2000, tôi được hân hạnh tham dự đoàn hành hương Năm Thánh của một số Giám mục Việt nam. Trong dịp vào chầu Ðức Thánh Cha, Ðức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, bây giờ là Hồng Y đã giới thiệu tôi là một giám mục 3 không : không có toà giám mục, không có nhà thờ chính toà, không có linh mục tu sĩ. Và Ðức Thánh Cha đã gọi tôi là homeless bishop. Tên gọi đó làm mọi người phì cười. Tại sao Ðức Hồng Y đã giới thiệu tôi như thế?

I. TÌNH HÌNH GIÁO PHẬN LẠNG SƠN CAO BẰNG

Cách đây gần 6 năm, tôi được bổ nhiệm làm Giám mục Lạng sơn, một địa phận ở cực bắc Việt nam, giáp biên giới Trung Quốc. Trước khi về, tôi đã nghe biết về tình hình giáo phận này. Nhưng khi về đến nơi, tôi thấy tình hình còn thê thảm hơn những gì tôi nghe được.

Giáo phận Lạng sơn được truyền giáo rất muộn. Vào năm 1913, Toà Thánh thiết lập Phủ Doản Tông Toà Lạng Sơn và trao cho dòng Ða minh Lyon phụ trách truyền giáo. Nhờ nỗ lực truyền giáo, 30 năm sau Giáo hội tại Lạng Sơn đã có những phát triển. Về nhân sự đã có 2 Giám mục, 30 linh mục, 20 chủng sinh, 50 nữ tu và 5 ngàn giáo dân. Về cơ sở đã có nhà thờ chính toà, toà giám mục, chủng viện và khoảng 30 nhà thờ lớn nhỏ.

Nhưng từ năm 1945, chiến tranh liên tục nổ ra tại Lạng Sơn. 1945, Nhật chiếm Lạng Sơn. 1947 Pháp trở lại Lạng Sơn. 1950 Pháp thua trận tại Lạng Sơn. 1954, di cư vào Nam. 1967, Mỳ oanh tạc Lạng Sơn. 1979, Trung Quốc tấn công Lạng Sơn. Trong các cuộc chiến tranh, các nhà thờ bị tàn phá, người bị chết, người di cư. Sau cùng đến năm 1990, khi các cuộc chiến tranh thực sự chấm dứt, giáo phận Lạng Sơn chỉ còn lại 3 người, một giám mục già yếu bệnh tật, một linh mục 80 tuổi và một nữ tu xấp xỉ 100 tuổi. Nhà thờ chính toà bị sập. Toà Giám mục không còn. Chủng viện đổ nát. Chỉ còn lại 5 ngôi nhà thờ ọp ẹp xuống cấp. Giáo dân tan tác tản lạc tứ phía. Chỉ còn những cộng đoàn nhỏ bé, rời rạc, yếu ớt, sợ hãi sống cách xa nhau. 5 ngàn người trong 12 cộng đoàn rải trên địa bàn 15 ngàn cây số vuông. Ðường đi lại trong núi rừng rất khó khăn.

Ðường từ Hà nội đến Lạng Sơn vào năm 1999 còn rất xấu. Nhất là đợn đi qua đèo Sài Hồ, dốc các quanh co, nhỏ hẹp, nằm chênh vênh bên vự thẳm rất nguy hiểm. Chẳng ngày nào không có tai nạn.

Ðường đồi núi vắng vẻ. Xa xa mới có một mái nhà nhỏ bé nằm khuất sau những lùm cây rậm rạp trên sươn đồi.

Tôi đến Lạng Sơn vào một buổi chiều mưa rả rích. Hai ngàn cây số đường dài quả là một khoảng cách xa. Từ đồng bằng lên miền đồi núi đã thấy lạ lẫm. Từ chỗ đông đúc đến một nơi vắng vẻ tự nhiên thấy lạnh lẽo. Nhìn đồi núi hoang vu không một bóng người thấy cũng rờn rợn. Tôi bắt đầu cảm thấy ngại ngùng bước chân ra đi.

Khi gặp gỡ người dân lại thấy một khoảng cách còn xa xôi hơn nữa. Xa ở lời ăn tiếng nói. Xa ỏ lối suy nghĩ, trình bày. Xa ở những phong tục tập quán. Tôi cảm thấy mình là người xa lạ. Tôi bước vào một nền văn hoá xa lạ.

Giáo dân Lạng Sơn gồm những cộng đoàn nhỏ bé, sống phân tán. Tâm tư lại càng phân tán hơn. Hơn năm mươi năm không co người trực tiếp hướng dẫn, đoàn chiên vốn đã nhỏ bé lài càng tan tác. Khi tôi về nhận chức, chỉ còn một cha già hơn chín mươi tuổi và một bà sơ già trăm tuổi. Chẳng có ai đón tiếp. Chẳng có ai cho biết tình hình giáo phận. Chẳng có ai cho biết đi các xứ phải đi thế nào. Cứ tự đông đi, cứ tự động đến. Ban Hành Giáo từ lâu không quen hoạt động. Giáo dân không được tổ chức. Các xứ năm thì mười hoạ mới có thánh lễ nên nhiều người chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn. Tôi thật sự hụt hẫng như người không biết bơi mà bị rơi xuống chỗ nước sâu.

Dần dà tôi khám phá ra rằng giáo dân không hề hiểu biết giáo lý. Phúc Âm thì hoàn toàn xa lạ. Chỉ thuộc một ít kinh và giữ một vài truyền thống ông bà để lại từ trước công đồng Vatican II.

II. TRUYỀN GIÁO LÀ SỨ MẠNG

Với tình hình như thế và với số giáo dân như thế và với số nhân sự như thế, tôi hiểu rằng Lạng sơn chỉ đơn thuần là một giáo điểm. Cần phải truyền giáo. Truyền giáo là sức sống của giáo phận, truyền giáo là ý nghĩa của giáo phận. Không truyền giáo giáo phận này sẽ chằng còn ý nghĩa, chẳng có sức sống.

Nghĩ như thế tôi lăn xả vào công việc. Công việc quá nhiều, biết bắt đầu từ đâu ? Bắt đầu từ đầu, từ chỗ không có gì hết. Như một người trở về nhà sau thời gian chiến tranh tàn phá. Tường xiêu, cột đổ. Cây cối um tùm, rác rưởi bẩn thỉu. Tôi bắt tay làm tất cả. Tay nhổ cỏ, tay nhặt rác. Tay dựng lại cây cột đã đổ, tay vá lại bức tường đã thủng lỗ. Không có người nên một mình làm tất cả. Làm linh mục nhiều hơn làm giám mục. Làm giáo lý viên nhiều hơn làm linh mục. Làm ca trưởng, làm người kéo chuông, quét nhà. Tóm lại là làm bất cứ việc gì thấy cần thiết để vực dậy giáo phận bị tàn phá này. Làm bất cứ việc gì thấy cần thiết để sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá. bất cứ việc gì giáo hội được hiện diện trên vùng địa đầu tổ quốc này. Làm bất cứ việc gì thấy cần thiết để giới thiệu Chúa cho mọi người. 

Ở thời đại mới này, một giáo phận không có Linh mục nào kể là chuyện hoạ hiếm. Một Giám mục phải làm tất cả mọi việc là không thể hiểu và không thể chấp nhận được.

Có một ông cụ viết thư cho tôi : "Thưa Ðức Cha, con thấy Ðức Cha làm nhiều việc thì con thương quá. Nhưng con lại e ngại một điều là khi làm quá nhiều việc như thế, Ðức Cha quên mất việc quan trọng nhất là làm giám mục." Ðọc lá thư đó tôi thật cảm động. Ông cụ thương tôi vất vả, còn hơn thế nữa, ông cụ e ngại tôi làm mất phẩm trật Hội Thánh. Nhưng ông cụ chưa hiểu rằng làm giám mục là kế vị các thánh Tông đồ. Tông đồ theo nguyên nghĩa là người được sai đi. Chúa Giêsu tuyển chọn các Tông đồ để sai các ông đi tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa. Vì thế làm giám mục đâu phải cứ ngồi tại toà. Làm giám mục là phải ra đi. Như các Tông đồ xưa kia. Ðặc biệt như thánh Phaolô, lên đường không biết mệt mỏi. Và thánh nhân cũng làm tất cả những gì cần thiết để việc rao giảng Tin Mừng được có kết quả tốt đẹp. Ngài làm mọi việc kể cả lao động chân tay để sinh sống và có phương tiện làm việc tông đồ.

Không biết đường nên tôi cứ ra đi vì tôi hiểu rằng rừng núi làm gì có đường sẵn, Nhưng cứ đi nhiều rồi tự nhiên thành đường. Các cộng đoàn giáo dân ở cách xa nhau. Ðường núi rừng hiểm trở, di chuyển khó khăn. Có những giáo xứ ở cách xa 300 cây số. Ði phải mất 7, 8 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Chỉ có một mình, nên tôi miệt mài dong duổi. Hết xứ nọ sang xứ kia. Hết làng này sang làng khác. Ở trên xe nhiều hơn ở trong phòng. Ở trên đường nhiều hơn ở trong nhà. Trời đất là quê hương. Núi rừng là giáo phận. Ðường là nhà. Xe là phòng. Cứ đi không ngừng.

III. THÁNH THỂ VÀ TRUYỀN GIÁO

Xác tín rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống người Công giáo, nên tôi tìm mọi dịp dâng lễ cho dân.

Cử hành Thánh Thể : sự hiệp thông

Có những ngôi nhà thờ lâu năm không có người lui tới, dơi rủ nhau đến trú ngụ. Cả nhà thờ trở thành một chuồng dơi khổng lồ. Cơ man là dơi. Chúng bay lượn. Chúng kêu chí choé. Và nhất là chúng phóng uế. Khủng khiếp nhất là phân và nước tiểu dơi. Vừa hôi hám không chịu nổi vừa tàn phá cả trần, tường và nền nhà thờ. Sau nhiều năm dơi trú ngụ, trần nhà thờ Bản Lìm đã sập xuống vì phân dơi nặng và vì nước tiểu dơi làm mục tre nứa, vôi trên trần. Lần đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng chủ chăn, nhà thờ Lộc Bình được đón giám mục về dâng lễ Tro khai mạc mùa Chay. Giáo dân vừa dự lễ vừa đề phòng dơi bay trên đầu. Lúc chủ tế xức tro trên trán giáo dân thì từ trên nóc nhà thờ, dơi cũng xức đủ thứ xuống đầu họ. Nên bà con giáo dân dự lễ mà phải một tay bịt mũi, một tay che đầu. 

Nhưng dần dà, nhờ có thánh lễ đều đặn, bà con giáo dân tụ tập ngày càng đông. Dơi bỏ đi. Người càng ngày càng đông hơn. Dơi càng ngày càng thưa dần. Cho đến một ngày dơi không còn đất sống, bỏ đi tất cả. Cửa nhà thờ mở liên tục cho không khí tràn vào đánh tan đi mùi dơi hôi hám. Cho đến khi sửa lại trần, quét vôi mới và lát nền gạch mới thì nhà thờ chỉ còn mùi vôi mới. Mùi vôi mới đánh tan mùi dơi hôi hám là dấu hiệu hồi sinh của cộng đoàn. Cộng đoàn ngày càng đông đúc làm cho mọi người thêm phấn khởi. Có chủ chăn thường xuyên lui tới làm cho giáo dân lên tinh thần. Có nhà thờ khang trang sạch đẹp làm cho giáo dân tự hào và thích đến nhà thờ hơn. Chính nhờ thánh lễ mà cộng đoàn tìm lại được sức sống. Chính nhờ thánh lễ mà cộng đoàn được hồi sinh. Ðược rước lễ là niềm hạnh phúc cho những tâm hồn đói khát từ nửa thế kỷ nay. Thánh Thể Chúa sưởi ấm các tâm hồn lạnh giá. Thánh Thể Chúa phục hồi những tâm hồn mỏi mệt. Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng những tâm hồn đói khát. Thánh Thể Chúa tăng cường sức mạnh cho những tâm hồn yếu đuối. Thánh Thể cho người ta được hiệp thông với Chúa, nhưng cũng đưa người ta đến gần nhau.

Có những cộng đoàn không được dự thánh lễ từ hơn 50 năm nay, nên giáo dân không còn biết nghi thức thánh lễ diễn tiến ra sao, câu thưa của giáo dân như thế nào. Nghi thức mới theo công đồng Vat. II thì chưa biết. Nghi thức cũ thì đã quên hết rồi. Chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu rời rạc. Mỗi làn dâng lễ ở những nơi ấy, phải đưa thêm người ở nơi khác tới để có người thưa kinh. Nhiều lần không có người đọc sách, chủ tế phải đọc hết từ đầu đến cuối. Nhưng mọi người đều dự lễ rất sốt sắng. Vì mọi người đều tập trung vào phép Thánh Thể. Ngôn ngữ chẳng còn cần thiết. Chỉ còn sự hiện diện của Chúa Giê su Thánh Thể. Chỉ còn niềm tin và lòng khao khát cháy bỏng đã nung nấu từ nửa thế kỷ qua. Có những người được rước lễ cảm động quá khiến nước mắt tuôn tràn.

Hiếm có nơi nào có trẻ giúp lễ. Nên thời gian đầu, tôi thường dâng lễ không có người giúp. Tập trung được vài em bé để giúp lễ. Nhưng vì tập cấp tốc, và vì mỗi tháng tôi chỉ có thể đến giáo xứ một lần, nên các em quên hết cả nghi thức, nên mỗi lần đến là mỗi lần tập cho các em giúp lễ. Và trong thánh lễ, chính tôi phải giúp cho các em biết giúp lễ. Dần dần, nhờ gần gũi bàn thờ, các em trở nên sốt sắng, ham thích đến tham dự thánh lễ và giúp lễ. Cả các bé gái cũng tham gia giúp lễ.

Sống bí tích Thánh Thể : chia sẻ và phục vụ

Thánh Thể Chúa là trung tâm qui tụ. Tôi cứ dâng thánh lễ đều đặn. Dần dần các cộng đoàn ấm áp hơn. Người trở về ngày một đông hơn. Ðời sống đạo sốt sắng hơn. Thánh lễ có sức mạnh truyền giáo không những qui tụ được người có đạo đến nhà thờ mà còn gây được sự cảm mến của người ngoại đạo. Tôi đã lợi dụng mọi cơ hội, đặc biệt là những đám tang và đám cưới để có dịp dâng lễ cho dân tại các làng xa xôi không có nhà thờ. Vì không có nhà thờ thì không được phép dâng lễ. Chỉ khi có đám tang, tôi tự cho phép mình đến tang gia dâng lễ cầu nguyện và đưa tiễn người quá cố ra đến phần mộ mà không gặp khó khăn rắc rối gì cả.

Lạng Sơn là vùng đa thần giáo. Niềm tin vào thần thánh rất mạnh mẽ. Vai trò của các thày mo rất quan trọng. Khi làm nhà làm cửa, khi cưới vợ gả chồng, khi gặp tai nạn, đều phải mời thày mo. Mỗi lần mời thày mo rất tôn kém. Quan trọng nhất là nghi lễ an táng người chết. Tục lệ thờ cúng tổ tiên rất quan trọng không những vì lòng hiếu thảo mà còn vì niềm tin. Người dân tộc thiểu số tin rằng nếu không chôn táng đúng nghi lễ, hồn ma không siêu thoát được sẽ về quấy phá gia đình. Vì thế mọi nghi lễ đều phải tuân theo sự hướng dẫn của thày mo.

Khi cha mẹ qua đời, con cái phải ngày đêm phục quanh quan tài. Ăn tại chỗ. Ngủ cũng tại chỗ. Con dâu làm một cây tiền. Con trai góp một con heo. Ngày và cách thức chôn cất nhất nhất đều do thày mo quyết định. Thày tính toán tuổi tác, ngày giờ để định giờ ra ma. Có những con ma phải chờ 7 ngày mới ra được. Trong thời gian ma còn ở nhà, mỗi ngày thày mo phải làm nghi lễ. Mỗi lần nghi lễ gia đình phải tạ thày một thúng gạo nếp và đôi gà và một số tiền. Ma càng ở lâu càng tốn kém và mỏi mệt.

Khi đi chôn thày mo đi trước dẫn đường. Thày đi đường nào, quan tài và gia đình phải đi theo đường ấy. Có những khi con ma gặp trắc trở, thày mo phải tìm đường vòng qua đồi, băng qua suối rất vất vả.

Từ khi có các linh mục ra làm việc tại Lạng Sơn, người dân được chứng kiến đám ma đạo. Ðã lâu năm không có linh mục, nên nghi lễ an táng người công giáo được mọi người chung quanh lưu ý, xem xét và so sánh. Người dân nhận xét đám ma đạo rất đơn sơ dễ hiểu vì tất cả đều bằng tiếng Việt, đọc lớn tiếng, rõ ràng cho mọi người nghe.

Người có đạo rất đoàn kết. Bình thường không có nhà thờ, chẳng có nghi lễ, tưởng rằng những người có đạo cô dơn. Nhưng đến việc mới thấy người có đạo đông đảo và có tình đoàn kết. Nghe tin một người qua đời, lập tức những xứ đạo chung quanh kéo đến. Dù nhà đám ở tận vùng sâu vùng xa, anh em giáo hữu vẫn không quên, không quản ngại đến chia vui sẻ buồn.

Người có đạo có tinh thần phục vụ. Ðám ma người dân tộc thiểu số tuy quan trọng nhưng việc tổ chức lại tuỳ thuộc tình hình kinh tế. Người có tiền mới có nhiều chỗ thân quen và mới đủ khả năng làm đám ma to. Ðám ma người nghèo thật buồn. Ít ai đến thăm viếng vì nhà không đủ khả năng dọn cơm mời khách. Trái lại bên đạo đám ma dù giàu dù nghèo, dù mời dù không, bà con đồng đạo vẫn kéo đến chia buồn, đọc kinh cầu nguyện và giúp đỡ trong công việc tang ma.

"Thày mo đạo" có tinh thần phục vụ vô vị lợi. Ðám ma ở xa hàng trăm cây số đường núi mà thày không bỏ đám nào. Làm lễ đưa tiễn rất chu đáo. Giảng giải dõng dạc rõ ràng. An uống qua loa rồi về. Không phải tốn kém thù lao, lễ lộc gì cả.

Vốn coi trọng người chết nhưng lại nghèo nên đồng dân tộc thiểu số rất thích đám ma đạo. Tinh thần phục vụ của giáo dân và nhất là của linh mục được coi là nét hấp dẫn của đạo công giáo.

Thực ra phục vụ chính là thái độ của Ðức Kitô, Ðấng "đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ". Phục vụ mà gây phiền nhiễu, tốn kém, mệt mỏi làm cho người được phục vụ e ngại, sợ hãi. Phục vụ không những làm cho tâm hồn người dân được tin tưởng, bình an, tuơi vui mà còn giúp giảm đi những lo âu, tốn kém, mệt nhọc đang là một giá trị Phúc Am được xã hội và dân chúng hết sức quan tâm và yêu mến. 

Sống bí tích Thánh Thể : tự hiến.

Một thân một mình, tôi bị chia sẻ bởi những nhu cầu của giáo dân. Nơi này chưa xong việc, nơi khác đã kêu đòi. Vừa chôn một người chết, về nửa đường, phải quay ngược trở lại vì có người yếu nặng cần xức dầu. Có khi cả vài tuần lễ không về đến nhà. Ðường rừng núi gập ghềnh. Có những đoạn mưa làm cho lầy lội, xe không vượt qua được, phải khiêng xe, phải dùng xẻng cuốc đào lấp, phải thuê xe cẩu lôi kéo mới qua được. Những căn nhà xứ thì ọp ẹp dột nát. Những đêm mưa phải thức dậy hứng nước mưa từ mái nhà chảy xuống. Ngồi trong nhà che dù mà nhìn nước mưa chảy qua những kẽ nứt trên tường. Những căn nhà thiếu thốn tiện nghi. Mọi nhu cầu đều phải ra ngoài. Nhưng biết rằng Thánh Thể là sức mạnh nên dù một thân một mình, tôi vẫn dong duổi, đem Thánh Thể Chúa đến khắp mọi nơi. Dâng Thánh Lễ, trong những ngôi nhà thờ lụp xụp, bé nhỏ, tối tăm, dột nát, tôi cảm nghiệm được sự tự hiến của Chúa Giêsu Thánh Thể. 

Ra đi trên những con đường rừng núi gập ghềnh, chia sẻ bữa cơm thanh đạm với những anh em dân tộc thiểu số, ngủ nghỉ trong những căn nhà thiếu thốn tiện nghi, tôi vui mừng vì được tham dự vào sự tự hiến của bí tích Thánh Thể. Tôi biết mình tài hèn đức kém mà việc truyền giáo thì vô cùng cao cả và khó khăn, nên tôi xin tự hiến cho những nhu cầu của anh em để mong Chúa làm việc qua con người tầm thường của tôi, cho công việc của Chúa được thành tựu. Toi vui mừng vì Thánh Thể Chúa đã hiện diện ở nơi địa đầu tổ quốc. Tôi vui mừng vì Thánh Thể Chúa đã qui tụ được đoàn chiên tản lạc. Tôi vui mừng vì Thánh Thể Chúa đã làm cho đoàn chiên tan rã được phục hồi đúng như lời Chúa nói : "Ta đến để chiên được sống và được sống dồi dào". Tôi hăng hái ra đi không ngừng vì tôi tin tưởng vững chắc rằng việc truyền giáo là của Chúa. Tôi chỉ là dụng cụ.Tôi an tâm vì tôi biết rằng Chúa không để tôi cô đơn. Chúa hằng ở bên tôi như lời Ngài đã hứa : "Này đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế."

+ GM Ngô Quang Kiệt
VietCatholic News