Giáo Phận Phú Cường - 40 Năm Thành Lập


(Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ và Linh Mục Đoàn Giáo phận Phú Cường)

Trong niềm vui chung của cả Hội Thánh Việt Nam cử hành năm sống Lời Chúa, giáo phận Phú Cường chọn ngày 15.1.2006, vừa để long trọng mừng kỷ niệm 40 năm (1965-2005) thành lập, vừa tuyên bố trọng thể năm Sống Lời Chúa tại Phú Cường.

Để chuẩn bị cho đại lễ, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường và Ban Mục vụ giáo phận đã họp và bầu ra Ban Tổ chức lo việc mừng kỷ niệm này. Ban Mục vụ cũng đặt linh mục Micae Lê Văn Khâm, Tổng Đại diện giáo phận Phú Cường làm Trưởng Ban tổ chức lễ mừng kỷ niệm 40 năm thành lập giáo phận - khai mạc năm Sống Lời Chúa. 

I. SỰ THÀNH LẬP: 

1. Lược sử xa: 

Nói đến giáo phận Phú Cường, người ta không thể không kể đến giáo xứ Lái Thiêu, một giáo xứ cổ xưa, chiếc nôi truyền giáo của giáo phận Đàng Trong (được thành lập 1659), nơi mà thuở ban đầu, vẫn còn là rừng rậm. 

Ngày 26/11/1744, Đức Cha Hilariô Costa Hy, lúc đó đang làm Giám mục giáo phận Đàng Ngoài, nhận bài sai và vâng lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XIV, làm Khâm Sứ Tòa Thánh kinh lý Đàng Trong, Chăm và Campuchia. 

Ngày nay chúng ta còn đọc thấy văn bản tóm kết mười biên bản của mười phiên họp do Đức Cha Hilariô Costa Hy triệu tập trong lúc kinh lý Đàng Trong, dày khoảng 260 trang mà Cha Adrien Launay làm thư ký, ghi lại: "Tại Lái Thiu (Lái Thiêu), năm 1747 có 400 tín hữu”. Thời gian đó, tại Lái Thiêu có ít nhất hai nhóm thừa sai truyền giáo là các linh mục dòng Tên và dòng Phanxicô. 

Người ta nghi ngờ rằng, có lẽ bắt nguồn từ các cuộc bắt đạo liến tiếp và tàn khốc trong suốt nửa thế kỷ (1617-1665) của triều đình nhà Nguyễn, các tín hữu đã tìm đến vùng đất Lái Thiêu hoang vu này để bảo toàn đức tin và gìn giữ lực lượng người Công giáo. Kể từ đó, người tín hữu Công giáo tại đây đã khai hoang, lập nghiệp, mưu tìm sự bình an để sinh sống và sống niềm tin tôn giáo của mình. 

Mãi một thế kỷ sau, đến tháng 7/1789, Đức Cha Pigneau de Béhaine (tức Đức Cha Bá Đa Lộc), đã dời Chủng viện Chantaboun – Thái Lan về Lái Thiêu (Chủng viện này do Đức Cha Lambert de la Mootte cai quản Đàng Trong vận động vua Thái Lan cho mở từ năm 1667). Lúc đó Chủng viện Lái Thiêu có chừng 40 chủng sinh do linh mục thừa sai Boisserand làm Giám đốc. 

Chỉ hơn 30 năm sau Chủng viện Lái Thiêu, vào năm 1821, linh mục Jean Louis Tabert Từ được bổ nhiệm làm cha sở Lái Thiêu. Sáu năm sau, 1827, cha Từ được bổ nhiệm làm Giám mục. Đến tháng 6.1830, sau khi được tấn phong Giám mục từ Thái lan trở về, Đức Cha đã đặt Tòa Giám mục tại Lái Thiêu. 

Sau khi Đức Thánh Cha Grêgoriô XVI quyết định chia đôi giáo phận Đàng Trong ngày 2/3/1844, thành hai giáo phận Tây và Đông Đàng Trong, thì vùng đất Phú Cường ngày nay thuộc giáo phận Tây Đàng Trong, đã có nhiều giáo xứ như: Lái Thiêu, Bố Mua, Búng, Tha La, Brơlam… 

2. Lược sử gần:

Ngày 3.12.1924, các giáo phận tại Việt Nam được đổi tên theo tên của đơn vị hành chính, nơi đặt tòa giám mục. Giáo phận Tây Đàng Trong được đổi thành giáo phận Sài Gòn. 

Giáo phận Sài Gòn ngày càng phát triển vững mạnh và đông đảo, vì thế, ngày 14.10.1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành trọng sắc "In animo nostro" (Trong Lòng Ta), quyết định thành lập giáo phận Phú Cường. Trọng sắc ghi rõ: "… Khi Thánh Bộ Truyền Giáo có chương trình thành lập giáo phận mới tại Việt Nam, lập tức, ta thỉnh ý những vị liên hệ, và hôm nay, do quyền tối cao, ta quyết định và truyền những điều sau: Những tỉnh dân sự, quen gọi là Phước Thành, Bình Dương, Tây Ninh và Bình Long, nay được tách rời khỏi Tổng giáo phận Sài Gòn, để thành lập giáo phận mới, và đặt tên là giáo phận Phú Cường…". 

Đồng thời Đức Thánh Cha bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, Giám Đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn làm Giám mục tiên khởi giáo phận Phú Cường. Ngõ lời với Đức tân Giám mục Phú Cường, Đức Thánh Cha viết: “… Sau khi tham khảo cùng Thánh Bộ Truyền Giáo và thỉnh ý người Anh Em đáng kính Angelo Palmas, Tổng Giám mục hiệu tòa Vibiana, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam và Cao Miên, ta đặt và bổ nhiệm hiền tử làm Giám mục cai quản giáo phận Phú Cường với mọi quyền hành và trách nhiệm của Giám mục Chánh tòa…". 

Theo thống kê năm 1938, trên phần đất của giáo phận Phú Cường hiện nay, lúc đó số tín hữu ít ỏi. Tỉnh Tây Ninh có 3 địa sở, 6 giáo họ, 4.300 giáo dân; Bình Dương có 8 địa sở, 21 giáo họ, 9.499 giáo dân; Bình Phước và huyện Củ Chi chưa có sự hiện diện của người Công giáo. 

Tuy nhiên một năm sau ngày thành lập, năm 1966, Tòa giám mục tiến hành thống kê lại, thì các số liệu chính thức được ghi nhận: số giáo dân là 51.488 người trên tổng số dân cư là 715.000 người (chiếm 7,2%); số linh mục là 43 vị; 6 giáo hạt: Phú Cường, Tha La, Tây Ninh, Lạc An, Bình Long, Phước Thành; 36 họ đạo có cha sở hiện diện và 106 nhà thờ lớn nhỏ. 

Bắt đầu từ năm 1967, Đức Giám mục tiên khởi của giáo phận, Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên đã cho xây dựng nhiều về tinh thần và cơ sở vật chất trong giáo phận như: Về tinh thần, Đức Cha chú ý tổ chức sinh hoạt giáo phận theo tinh thần và đường hướng Công Đồng Vatiacăn II. Về cơ sở vật chất, Đức Cha đã xây dựng Tiểu Chủng viện ở Gò Cầy và Trung Tâm Bác ái ở Lái Thiêu (1967); trường thánh Giuse Thủ Dầu Một (1968); tiếp nhận dòng Con Đức Mẹ từ Nam Vang – Campuchia về và thiết lập các cơ sở (1970); thành lập đệ tử viện Truyền giáo cho công cuộc truyền giáo (1972), nay là tu viện Lời Chúa; xây dựng tòa Giám mục (1974). 

Đến năm 1974, giáo phận Phú Cường có 50.494 giáo dân trên tổng số 887.056 người trong 49 giáo xứ; họ đạo và 58 linh mục; 30 đại chủng sinh; 35 nam tu sĩ; 171 nữ tu; 50 trường trung – tiểu học; 13 cơ sở từ thiện bác ái. 

Giáo phận Phú Cường được thành lập giữa lúc chiến tranh đang hoành hành dữ dội. Từ ngày thành lập đến năm 1975, giáo phận nằm trong những vùng chiến khu trọng điểm nổi tiếng luôn xảy ra nhiều chiến trận ác liệt như: chiến khu Đ, Dương Minh Châu, vùng Tam Giác Sắt, địa đạo Củ Chi hoặc trận chiến Bình Long đỏ lửa... Tình hình quá bất ổn như thế, các xứ đạo và hoạt động tôn giáo bị xáo động rất lớn. Con số giáo dân cứ giảm dần. Có giáo xứ hay giáo họ đã không còn tên trong danh sách. 

Giáo phận Phú Cường đã có 4 vị Giám mục cai quản như sau: 

a. Đức Cha GIUSE PHẠM VĂN THIÊN (Giám mục tiên khởi 1966 – 1993) sinh ngày: 2.5.1906, thụ phong linh mục: 17.3.1934. Trong khi đang giữ chức vụ Giám Đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, ngài được gọi làm Giám mục giáo phận Phú Cường. Ngài thụ phong Giám mục: 6.1.1966. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là: ƠN CHÚA Ở CÙNG TÔI. Ngài chính thức nhận giáo phận Phú Cường: 12.1.1966, được chấp thuận nghỉ hưu: 10.5.1993 sau 28 năm cai quản giáo phận. Ngài qua đời tại tòa Giám mục Phú Cường: 15.2.1997, 

b. Đức Cha GIACÔBÊ HUỲNH VĂN CỦA (Giám mục phó: 1976 – 1979) sinh ngày: 1.11.1915, thụ phong linh mục: 20.9.1941, thụ phong Giám mục: 4.2.1976. Khẩu hiệu Giám mục là: VUA CÁC VUA, CHÚA CÁC CHÚA. Ngài được gọi làm phó Giám mục giáo phận Phú Cường. Nhưng vì bị bênh, ngài đã sớm nghỉ hưu từ năm 1979. Ngài sang Pháp chữa bệnh và qua đời tại Nice (Pháp) ngày 9.1.1995. 

c. Đức Cha LU-Y HÀ KIM DANH (Giám mục Chánh tòa: 1993 – 1995) sinh ngày: 2.6.1913, thụ phong linh mục: 12.3.1940. Thụ phong Giám mục: 10.10.1982. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là KIÊN NHẪN THẮNG MỌI SỰ. Ngài được đặt làm Phó Giám mục Phú Cường. Sau khi Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên nghỉ hưu, Ngài được đặt làm Giám mục Chánh tòa giáo phận: 10.5.1993. Ngài qua đời: 22.2.1995.

Sau khi Đức Cha Lu-y Hà Kim Danh qua đời, giáo phận Phú Cường trống tòa gần 4 năm. Trong thời gian này, cha Micae Lê Văn Khâm làm Giám quản giáo phận Phú Cường. 

d. Đức Cha PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ (Giám mục đương nhiệm: 1999) Sinh ngày: 2.3.1937. Ngài thụ phong linh mục: 29.4.1965. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Phú Cường: 5.11.1998, thụ phong Giám mục do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tại Vatican: 6.1.1999 cùng với tám Giám mục khác trên thế giới. Ngài chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của mình là: YÊU RỒI LÀM. Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II triều mến gọi là "Sứ giả của niềm hy vọng" cho giáo phận Phú Cường. Ngài chính thức nhận giáo phận: 26.1.1999. 

Suốt 7 năm qua, trong chức vụ Giám mục của mình, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ đã từng bước làm cho giáo phận có nhiều đổi mới và khởi sắc. Đặc biệt, ngài luôn mời gọi tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận cùng cộng tác với mình xây dựng giáo phận. Câu nói hết sức khiêm tốn mà Đức Giám mục Phú Cường đương nhiệm cứ lặp đi lặp lại hầu như nhiều nhất trong tất cả những lần gặp gỡ mọi giới, mọi thành phần trong giáo phận là: "Một mình Giám mục không thể làm được gì".

II. ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, KINH TẾ VÀ TÔN GIÁO. 

1. Vị trí địa lý. 

Giáo phận Phú Cường có diện tích 10.885 km², thuộc vùng miền Đông Nam bộ, gồm các tỉnh: Tây Ninh; Bình Dương; hai huyện Bình Long, Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước và huyện Củ Chi của thành Sài Gòn. Giáo phận Phú Cường có hình bát giác không đều: Đông giáp tỉnh Đồng Nai, Tây giáp tỉnh Long An, Nam giáp Sài Gòn; Bắc giáp tỉnh Bình Phước và quốc gia Campuchia. 

Tỉnh Bình Dương và Bình Phước có vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên. Địa hình có khuynh hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Do đất đai phì nhiêu, thảm thực vật tự nhiên và cây trồng đa dạng. Vì thế, toàn lãnh thổ giáo phận Phú Cường có chỗ là rừng tự nhiên, có chỗ thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như : cao su, cà phê, tiêu…, có chỗ lại là ruộng lúa hoặc các loại cây ăn trái, cây lương thực, thực phẩm… 

Tỉnh Tây Ninh nối cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng sông Cửu Long, có ngọn núi Bà Đen đứng chơ vơ giữa vùng đồng bằng rộng lớn, có đến hai con sông lớn là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn chảy qua. Có núi có sông, tỉnh Tây Ninh mang dáng vấp vừa cao nguyên, vừa đồng bằng. Tỉnh giữ vị trí làm cầu nối giữa Sài Gòn và quốc gia Campuchia, tiếp giáp ba tỉnh Campuchia là: Công Pông Chàm, Prâyveng, Svay Riêng. 

2. Dân số và người dân tộc thiểu số. 

Dân số khoảng gần 2,5 triệu người. Riêng những người mới nhập cư và tạm cư hầu như khó thống kê chính xác. Vì thế, tình hình có phần phức tạp và bất ổn hơn. 

Theo Niên Giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam 2004, Tỉnh Bình Dương và Bình Phước có các dân tộc thiểu số như: 

- Stiêng: 54.207 người, chiếm 47,7% đồng bào dân tộc. 
- Khơ me: 11.069 người, chiếm tỷ lệ 8,6%. 
- Nùng: 9.848 người, chiếm tỷ lệ 8,6% 
- Tày: 9823 người, chiếm tỷ lệ 8,6% 

Tỉnh Tây Ninh có dân tộc Chăm (1.816 người); Khơme (5.197 người) và một số ít người Mường, Tày, Nùng, Thái, Xinh Mun, Phù Lá, Ba Na. 

3. Kinh tế.

Hiện nay nhiều người làm công nghiệp, hoặc tiểu thủ công nghiệp. Nhưng nông nghiệp vẫn là thành phần chủ yếu của đa số dân cư. 

Công nghiệp: Tỉnh Bình Dương nằm trong khu vực "kinh tế trọng điểm" phía Nam, và nằm cạnh các trục giao thông của quốc gia và giao lưu quốc tế như sân bay, cảng biển, các quốc lộ lớn. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều vùng đất của Phú Cường phát triển công nghiệp mạnh. Vì thế, nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp được hình thành như tại Củ Chi của Sài Gòn, tại thị xã Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát, huyện Thuận An, huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Những vùng kể trên, cũng là nơi thu hút đông đảo giới trẻ từ khắp mọi miền đất nước tuôn về kiếm kế sinh nhai, hầu hết là làm công nhân. 

Tiểu thủ công nghiệp: Tại Bình Dương có các nghề truyền thống như: sơn mài, chế biến gỗ, gốm sứ, điêu khắc. 

Nông nghiệp: Các loại cây trồng rất đa dạng phong phú như: bắp, mía, hoa màu, rau cỏ các loại, điều, tiêu, dừa, cà phê, lúa… 

Lâm nghiệp: Phát triển không nhiều, tập trung vào việc trồng rừng và khai thác gỗ. 

Thu nhập bình quân đầu người khoảng 200 USD/năm. Ở một số thị xã, thị trấn như thị xã Thủ Dầu Một, thị trấn Chơn Thành, số thu nhập bình quân đầu người cao hơn, khoảng 300 USD/năm. 

4. Tôn giáo. 

Có nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt trên phạm vi giáo phận: 

Phật giáo: Nhiều hệ phái như: Cổ truyền, Lục hòa tân Việt Nam, Tịnh độ cư sĩ, Tịnh độ tông, Phật học Việt Nam, Thiên Thai giáo hoán tông, Thiên Thai Bà Rịa, Giáo hội Tăng giả khất sĩ Việt Nam. 

Cao đài giáo: Nhiều hệ phái như: Phái Tây Ninh, Phái Tiên Thiên, Phái Ban Chỉnh (Bến Tre), Phái Minh Chân lý. Riêng Phái Tây Ninh tập trung và phát triển mạnh tại Tây Ninh. 

Tin lành: Số giáo hữu không đông, nhưng hoạt động khá mạnh trong cộng đồng dân tộc Stiêng. 

Hồi giáo: Chỉ phát triển trong bộ phận người Chăm. Số tín đồ rất ít. 

III. THÁNH PHÊRÔ QUÝ, NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA PHÚ CƯỜNG. 

Thánh Phêrô Đoàn Công Quý là linh mục đầu tiên của giáo xứ Búng, giáo phận Phú Cường. Phêrô Đoàn Công Quý là con út trong sáu người con của hai ông bà Antôn Đoàn Công Miên và Annê Nguyễn Thị Tường. Ngài sinh năm 1826 tại giáo xứ Búng, làng Hưng Định, tỉnh Bình Dương. 

Sau khi anh của Phêrô Đoàn Công Quý không tiếp tục đi tu nữa, cha mẹ đã đồng ý để cậu Quý tùy ý lựa chọn. Cậu đã vào chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè. Nhờ trí khôn sắc xảo, Phêrô Quý được gởi sang Pinăng – Malaixia để học. Năm 31 tuổi, thầy Phêrô Quý thụ phong phó tế. Năm 32 tuổi, thầy được trao ban Thánh chức linh mục tại nhà thờ Bình Dương. Vì lý do bắt đạo, Cha Phêrô Quý cử hành thánh lễ mở tay tại một ngôi nhà tư ở Gò Cầy, bây giờ là lò chén Chùm Sao. Sau khi làm linh mục, Cha đã phục vụ nhiều nơi như Búng, Lái Thiêu, Gia Định, Biên Hòa, Cái Mơn và cuối cùng là họ Đầu Nước ở cù lao Giêng. Tại đây, cha Phêrô Đoàn Công Quý đã bị bắt. 

Ngày 31/7/1859, cha Phêrô Quý ăn mặc lịch sự, chít khăn lên đầu vuông vắn tử tế. Cha Phêrô Quý cùng ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng thuộc họ Đầu Nước đi giữa hai hàng lính. Cha khuyên giáo dân đưa tiễn cha hãy sống đạo xứng đáng. Sau khi giải tội cho ông trùm Phụng, cha cũng quỳ xuống và ăn năn tội lần cuối cùng. Sau ba tiếng thanh la vang rền, lý hình vung gươm chém đầu cha. Sau bốn nhát gươm, đầu rơi xuống đất, nhưng limh hồn cha trở về cùng Chúa, Đấng mà cha đã hiến toàn thân suốt đời phục vụ. Năm đó cha được 33 tuổi.

Sau 50 năm điều tra, cha Phêrô Đoàn Công Quý được phong lên bậc chân phước ngày 2/5/1909. Và sau 79 năm điều tra tiếp tục, ngày 19/6/1988 chân phước Phêrô Đoàn Công Quý được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh.

Là con cháu của thánh nhân, hôm nay mừng 40 năm ngày thành lập giáo phận, chúng ta hãy noi gương thánh nhân sống đức tin, đức cậy và đức mến kiên cường.

IV. GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG QUA 40 NĂM.

1. Giáo hạt, giáo xứ, các thành phần dân Chúa. 

Dù phải trải qua nhiều thăng trầm, mọi thành phần dân Chúa vẫn không ngừng nắm tay nhau xây dựng giáo phận cách kiên cường. Từ số người tín hữu lúc ban đầu khá khiêm tốn, đến nay giáo phận đã có đến 7 giáo hạt: 

a. Hạt Bình Long: Giáo xứ: 14; Giáo họ và giáo điểm: 5; Linh mục: 14; Cộng đoàn tu sĩ: 5. 
b. Hạt Củ Chi: Giáo xứ: 8; Giáo họ và giáo điểm: 3; Linh mục: 11; Cộng đoàn tu sĩ: 13. 
c. Hạt Lạc An: Giáo xứ: 9; Giáo họ: 1; Linh mục: 9. 
d. Hạt Phú Cường: Giáo xứ: 19; Giáo họ và giáo điểm: 17; Linh mục: 24; Cộng đoàn tu sĩ: 17. 
e. Hạt Phước Thành: Giáo xứ: 8; Giáo họ và giáo điểm: 2; Linh mục: 8; Cộng đoàn tu sĩ: 6. 
g. Hạt Tây Ninh: Giáo xứ: 14; Giáo họ và giáo điểm: 9; Linh mục: 17; Cộng đoàn tu sĩ: 6. 
h. Hạt Tha La: Giáo xứ: 5; Giáo họ và giáo điểm: 2; Linh mục: 5; Cộng đoàn tu sĩ: 3. 

Trong những cuộc chiến tranh, rất nhiều nhà thờ bị tàn phá. Khoảng 15 năm qua, giáo phận Phú Cường phải sửa chữa và xây dựng mới nhiều nhà thờ để đáp ứng nhu cầu về đời sống tôn giáo và lòng đạo đức của giáo dân. Dù vậy, toàn giáo phận, hiện nay cũng chỉ mới có 85 nhà thờ (kém hơn ngày mới thành lập 21 nhà thờ). Tuy nhiên số linh mục, tu sĩ, giáo dân, các giáo xứ, giáo họ và giáo điểm tăng lên rất nhiều.

Theo Sổ tay linh mục Phú Cường phát hành tháng 1/2006, giáo phận Phú Cường hiện nay có: Số linh mục là 152 vị (34 vị đã qua đời); số thầy Phó tế: 1 thầy. Tuy nhiên, vào ngày 18.2.2006 tới đây, Đức Giám mục sẽ phong chức Phó tế cho một số tu sĩ và chủng sinh, vì thế, số Phó tế sẽ gia tăng. Số chủng sinh đang tu học tại Đại Chủng viện Sài Gòn: 25 thầy; 40 giáo họ và giáo điểm; 77 giáo xứ; 20 dòng tu chia thành 60 cộng đoàn hiện diện đều khắp giáo phận. Trong số các dòng tu có ba nhà dòng có nhà mẹ đặt tại Phú Cường là tu viện Lời Chúa, dòng Con Đức Mẹ, dòng Mẹ Nhân Ái.

Với cái nhìn lạc quan, thư mục vụ tháng 1.2006 của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường cho biết: "Giáo phận ngày nay đã được khởi sắc hơn. Số giáo dân lúc mới thành lập giáo phận từ 51.488 người, đến nay, theo thống kê cuối năm 2004, đã tăng lên 118.957 người, tức quá gấp đôi. Số linh mục từ 43 vị, đến nay là 118 vị. Số giáo xứ có linh mục hiện diện, tăng từ 39 đến 74 giáo xứ ” (như vậy còn khoảng 3 giáo xứ chưa có linh mục hiện diện thường xuyên).

2. Cơ sở và tổ chức của giáo phận. 

Hiện nay giáo phận có một số cơ sở tiêu biểu như Tòa Giám mục, nhà hưu dưỡng của các linh mục, đặc biệt là Nhà Chung giáo phận (trước đây là Tiểu Chủng viện Phú Cường), nơi quy tụ nhiều thành phần dân Chúa trong mỗi dịp lễ, dịp tĩnh tâm, hội hè… 

Ngoài ra, tại giáo phận Phú Cường còn có nhiều cơ sở từ thiện như: 

- Trung tâm Câm Điếc Lái Thiêu 
- Thuận An, trại phong Bến Sắn, Trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS Mai Hòa
- Củ Chi; viện dưỡng lão thuộc giáo xứ Cao Xá
- Tây Ninh; 2 nhà nuôi dưỡng người già neo đơn của hai giáo xứ Tân Thông và Lai Uyên; Hội Chữ thập đỏ nhà thờ Chánh Tòa; Nồi Súp tình thương giáo xứ Phú Cường; 2 Trung tâm giúp đỡ người dân tộc thiểu số; 
- Chương trình Tín dụng – Tiết kiệm giáo xứ Tân Châu, các điểm mẫu giáo – nhà trẻ, nhiều lớp học tình thương tại nhiều giáo xứ… 

Ngay từ ngày thành lập, Phú Cường được xác định là giáo phận truyền giáo, vì thế công tác huấn luyện và đào tạo theo tinh thần thừa sai là công tác đi đầu như: linh mục, chủng sinh, tu sĩ, nhất là đào tạo tầng lớp giáo dân trưởng thành. Trong đó không thể thiếu đội ngũ Hội đồng Giáo xứ, Giáo lý viên và các thành viên chủ chốt trong các giới. 

Để giúp Đức Giám mục điều hành giáo phận, Phú Cường còn có nhiều Hội đồng, Ban Ngành như: Hội đồng Tư vấn, Hội đồng linh mục, Ban mục vụ giáo phận… Mỗi năm, Đức Giám mục đề ra đường hướng mục vụ chung. Chương trình này sẽ được các Ban ngành có liên quan triển khai và lên chương trình cho toàn dân Chúa tại Phú Cường. Đức Giám mục cũng có thư mục vụ hàng tháng để nhắn nhủ, thông tin, hướng dẫn… toàn giáo phận. 

Nhiều đoàn thể trong giáo phận đang hoạt động có chiều hướng đi lên như: Thiếu nhi, Giới trẻ, Gia trưởng, Hiền mẫu, Người cao tuổi, Legio Mariae, các dòng Ba Đaminh, Camêlô, Phan Sinh tại thế, Mến Thánh Giá tại thế, Gia Đình Cùng Theo Chúa, Khôi Bình… 

Tuy giáo phận nhà có khởi sắc và chan chứa hy vọng, và dù Đức Giám mục giáo phận có tỏ lộ niềm vui mừng, ngài vẫn khiêm tốn nhìn nhận: "Từ ngày nhậm chức, tôi đã cố gắng củng cố lại những cơ chế vẫn có, bổ sung những gì còn thiếu sót và nhất là tạo điều kiện và thúc đẩy để các Hội đồng, các Ban ngành, các Đoàn thể sinh hoạt thường xuyên hơn theo khả năng và hoàn cảnh cho phép" (thư mục vụ tháng 1/2006).

3. Những chuẩn bị cho việc mừng 40 năm. 

Dịp mừng 40 năm thành lập giáo phận, Ban Mục vụ giáo phận soạn thảo và phổ biến trên toàn giáo phận tài liệu học hỏi về Giáo Hội và giáo phận. Các giáo xứ trong giáo phận cũng sẽ làm tuần Bát nhật (từ ngày 8-15/1/2006) tạ ơn và cầu nguyện cho giáo phận. Ban Mục vụ cũng soạn thảo kinh cầu cho giáo phận và đọc trong suốt năm 2006. 

Ngoài ra, trong ngày cử hành 40 năm giáo phận Phú Cường, Đức Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú cường cũng chính thức tuyên bố năm Sống Lời Chúa trên toàn giáo phận. Cùng lúc với việc cho ra mắt lôgô sống Lời Chúa mang tên: "Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118), giáo phận sẽ phát hành cuốn kỷ yếu “40 năm giáo phận Phú Cường” dày khoảng trên 300 trang.

Chương trình ngày lễ mừng 40 năm bao gồm việc đón tiếp Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn, các Đức Giám mục, các linh mục, tu sĩ, quan khách xa gần. Sau phần hoạt cảnh diễn lại 40 năm hành trình của giáo phận Phú Cường sẽ là thánh lễ đồng tế. Kết thúc là phần Đức Giám mục giáo phận trao sách Thánh cho đại diện các hạt như là lời nhắn nhủ cụ thể cho việc sống Lời Chúa. 

Dịp trọng đại này, chính quyền các tỉnh (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) nằm trên địa bàn giáo phận Phú Cường cũng đã chấp nhận đơn thành lập 13 giáo xứ mới trên toàn giáo phận. Cụ thể như sau: 

Hạt Phú Cường có 3 giáo xứ mới: Bà Trà, Phú Long, Tân Lập; 
Hạt Phước Thành có 3 giáo xứ mới: An Linh, Tân Hiệp, Bào Ao; 
Hạt Lạc An có 1 giáo xứ mới: Hiếu Liêm; 
Hạt Bình Long có 4 giáo xứ mới: Minh Hưng, Nha Bích, Thanh An, Thanh Lương; 
Hạt Tây Ninh có 2 giáo xứ mới: Suối Đá, Thành Long. 

Cùng với việc thành lập giáo xứ, Đức Giám mục cũng chấp nhận đơn nghỉ hưu của 3 linh mục hoặc vì bệnh tật, hoặc đã đến tuổi hưu là: 

- Linh mục Đaminh Đinh An Khang. 
- Linh mục Giuse Âu Dương Chi.
 - Linh mục Âugustinô Hà Minh Nghĩa. 

Đức Giám mục giáo phận cũng đã bổ nhiệm các linh mục tân chánh xứ tại các giáo xứ như: 

- Linh mục Hiêrônimô Nguyễn Đoàn Thanh Phong làm chánh xứ Kiên Long. 
- Linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh làm chánh xứ Suối Đá. 
- Linh mục Giuse Nguyễn Khắc Hoài làm chánh xứ Hảo Đước. 
- Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quốc làm chánh xứ Trảng Bàng, Kiêm giáo họ Bình Nguyên. 
- Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thịnh làm chánh xứ Vinh Sơn. 
- Linh mục Giuse Nguyễn Duy Nhất làm chánh xứ Tân Lập. 
- Linh mục Đaminh Hà Hỏa Tiễn làm chánh xứ Bào Ao.   

V. LỜI CẦU NGUYỆN CHO GIÁO PHẬN

1. Lạy Thiên Chúa từ nhân, Chúa không ngừng đưa tay che chở đoàn dân Chúa. Từ ngàn xưa, khi dân Chúa còn đang trông chờ ơn cứu độ như lời Chúa hứa, Chúa đã dùng bàn tay mạnh cánh tay hùng che chở đoàn dân của Chúa, để qua những thăng trầm, đoàn dân Chúa luôn luôn đứng vững và trung thành. Giáo phận Phú Cường chúng con cũng là đoàn dân được Chúa yêu thương và dẫn dắt, vì thế 40 năm qua giáo phận chúng con không ngừng phát triển, và đứng vững trong đời sống đức tin. 

2. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, giáo phận Phú Cường chúng con đã được dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa. Chúng con cảm tạ Thánh Tâm Chúa vì 40 năm qua là 40 năm hồng ân dư tràn. Nhờ sự bảo trợ của Thánh Tâm, giáo phận chúng con được diễm phúc, đặt trên mảnh đất, mang dòng máu tử đạo của Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, và chứng tích gương sáng đức tin của các chứng nhân tử đạo là Côximô Trí và giếng mộ các anh hùng Thị Tính. 

Chúng con tin, nhờ Thánh Tâm Chúa, 40 năm qua dù gặp nhiều khó khăn, đoàn dân Chúa tại Phú Cường vẫn can đảm sống và làm chứng cho đức tin. Vì thế, giáo phận chúng con không thiếu vắng ơn gọi. Nhiều dòng Tu, nhiều xứ đạo, nhiều cơ sở từ thiện không ngừng được thành lập và phát triển. Và biết bao nhiêu ơn lành khác mà chúng con lãnh nhận nhờ suối nguồn tình yêu tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa. 

Tuy nhiên, chúng con vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc làm chứng cho đức tin, vì thế còn hàng trăm ngàn người chưa biết Chúa và nhiều anh chị em khác vẫn đang đau khổ và nghèo khó. Nhân dịp mừng 40 năm, chúng con xin Chúa tha thứ những lỗi lầm này. Chúng con xin quyết tâm tích cực cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận hoạt động cho nước Chúa ngày thêm mở rộng. Đặc biệt trong năm Sống Lời Chúa, chúng con sẽ nỗ lực học và sống Lời Chúa, để trở nên chứng tá đức tin có hiệu năng hơn.

3. Lạy Mẹ Maria, Đấng phù hộ các giáo hữu, xin giúp chúng con luôn trung thành với đức tin, biết làm sáng danh Chúa nơi mọi môi trường chúng con sống và làm việc. Xin cho chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong niềm hy vọng được cùng nhau hân hoan sum họp trên quê trời. Amen. 

(Lời cầu nguyện này đã được Ban Mục vụ giáo phận sữa đổi đôi chút để làm kinh cầu cho giáo phận, được đọc tại giáo phận Phú Cường suốt năm 2006). 

Kỷ niệm 40 năm thành lập, cộng đoàn dân Chúa tại Phú Cường có dịp nhìn lại những hồn ân lớn lao mà Chúa đã ban cho giáo phận. Đồng thời là dịp để con cháu biết ơn tiền nhân của mình đã đi trước và dày công khai phá và dựng xây, để có được một giáo phận nên vóc, nên hình như hôm nay. 

Tuy nhiên cánh đồng truyền giáo tại giáo phận nhà còn mở ra trước mắt rất mênh mông, bởi vẫn còn đó đến hàng trăm ngàn người chưa nhận biết Chúa Kitô. Vì thế, công tác truyền giáo của đoàn dân Chúa tại giáo phận Phú Cường vẫn là công tác hàng đầu, thật cấp bách, đòi hỏi thật nhiều công sức, nghị lực và cả những cống hiến cụ thể về của cải vật chất… 

Nhưng chúng ta tin, với ơn Chúa, dù sức người có bé nhỏ, vẫn có thể gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
(Theo Bản Tin Công Giáo Việt Nam ngày 14/1/2006)