Đại Lễ Kỷ Niệm 70 năm Giáo Phận Thái Bình và Ngân Khánh Giám Mục Đức Cha FX Nguyễn Văn Sang

THÁI BÌNH, một thành phố giữa biển lúa ở miền bắc Việt Nam, hân hoan vui mừng đón chào những người con quê hương và những vị khách quý từ khắp nơi về tham dự Mùa Đại Lễ: kỷ niệm 70 thành lập Giáo phận, 100 năm nhà thờ Chính Tòa cũ, khánh thành phần cơ bản nhà thờ Chính Tòa mới, Kim Khánh Linh Mục và Ngân Khánh Giám Mục của vị chủ chăn Giáo phận.

Ngôi nhà thờ Chính Tòa mới khởi công xây dựng ngày nào, nay đang sừng sững mọc lên giữa trung tâm thành phố của quê lúa quê chèo. Vất vả lắm, khó khăn lắm mới hoàn tất được thủ tục giấy tờ xây dựng. Nan giải, và nghe đâu phức tạp lắm mới tạm đủ kinh phí xây dựng, vấn đề này chắc chắn chưa chấm dứt được bởi vì hình như 98% người dân Thái Bình vấn sống bằng nghề trồng lúa, nghèo đói chưa hết, thất nghiệp càng gia tăng, mất mùa liên tục, dân chúng ồ ạt kéo nhau đi nơi khác làm ăn, dịp lễ tết mới tranh thủ về tham dự và thăm nhà chút ít.

Quyết định xây dựng lại hoàn toàn ngôi nhà thờ Chính Tòa là lẽ đương nhiên, bởi vì nhà thờ Chính Tòa cũ sau 100 năm qua với phong ba bão táp và bom đạn chiến tranh đã xuống cấp nặng nề; khuôn viên chật hẹp của nhà thờ cũ cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cho giáo dân đến tham dự những cuộc lễ lớn của một giáo phận dòng. Đấng chủ chăn giáo phận đã bất chấp điều nọ tiếng kia, quyết chí xây dựng lại ngôi thánh đường cho xứng hợp giữa lòng thành phố, đáp ứng nhu cầu cho giáo dân. Có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít người than trách và thậm chí chống phá chủ trương của ngài. Điều này đã làm cho vị giám chức đau đầu, bạc tóc và già yếu đi nhiều.

Mùa lễ tháng Tư  năm nay, cùng với những kỷ niệm trọng đại của giáo phận, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục Thái Bình, đã long trọng lồng ghép mừng Kim Khánh Linh Mục và Ngân Khánh Giám Mục của ngài. Đây là dịp để ngài nhìn lại một chặng đường khá dài trong chức vụ mục tử mà Chúa đã trao phó, cũng là dịp để con dân Thái Bình nhận thấy những cố gắng của một Giám mục đi rao giảng Tin Mừng cho nông thôn.

Trong khuôn viên Tòa giám mục và nhà thờ Chính tòa còn dang dở, cờ hoa với những sắc màu sặc sỡ đã sẵn sàng cho ngày lễ. Theo chương trình tổng quát, chiều ngày thứ sáu, 21-4-2006, chầu Thánh Thể, sau đó đón tiếp khách mời gồm các Đức Giám mục, các Linh mục, các khách quý và chính quyền đến chúc mừng. Tối đến có rước kiệu, dâng hoa và văn nghệ. Sáng 8giờ 30 phút ngày hôm sau, 22-4-2006, đại lễ diễn ngoài trời trong sân cuối nhà thờ Chính tòa và trước mặt phố.

ĐÊM HOAN CA TẠ ƠN

Khi thành phố đã lên đèn, cũng là lúc bắt đầu cuộc rước kiệu cung nghinh tượng Đức Mẹ từ Tòa giám mục đi ra khán đài ở cuối nhà thờ Chính tòa. Đức cha Sang, các Đức Giám mục, các Linh mục, Quý tu sĩ, Quý khách và đoàn hội cùng đi rước kiệu trong sự trang nghiêm sốt mến. Khi đã ổn định vị trí, hàng ngàn người cả Lương lẫn Giáo chăm chú theo dõi tiết mục dâng hoa kính Đức Mẹ.

Khoảng 100 người nữ Hội Con Đức Mẹ trong trang phục áo dài nhiều màu sắc khác nhau, một tay cầm hoa, một tay cầm quạt, múa hát trên khán đài rộng lớn trước tiền đình nhà thờ Chính tòa đang được xây dựng. Một cung điệu múa hát rất riêng và đặc sắc của quê Chèo. Với lời ca véo von hoà lẫn với tiếng gõ tiếng nhạc và điệu múa uyển chuyển trước nhan Mẹ, đã gợi cho người tham dự từ bắc chí nam, từ trong nước đến ngoài nước một cảm giác rất chân quê thánh thiện, thơm nồng hương lúa mới, đậm nét phong cách văn hoá chèo của sân đình. Đây là một khúc vô cùng ngắn ngủi của một mùa hoa dâng kính Đức Mẹ kéo dài trong suốt Tháng Năm, tháng hoa truyền thống của giáo phận.

Kết thúc phần thứ nhất, bước vào phần Hoan Ca Tạ Ơn với các mục chúc mừng Đức cha giáo phận nhân dịp Lễ Vàng Linh Mục và Lễ Bạc Giám Mục, đồng thời tặng hoa các Đức giám mục và các Linh mục Tổng Đại Diện của các giáo phận. Tiếp đó là các tiết mục văn nghệ được lần lượt trình diễn, đã đưa người tham dự thực sự tìm về với cội nguồn của những nét văn hoá quê hương Thái Bình. Có lẽ in đậm mãi hình ảnh các thiếu nhi khi các em dựng lại cảnh đồng quê trong ngày mùa gặt lúa, cảnh dân nghèo với cuộc sống vui tươi và trẻ em hát đồng dao ngoài đường. In mãi hình ảnh những người phụ nữ Phương Xá bán mặt cho đất bán lưng cho trời vì cuộc sống và vì cây lúa, nhưng vẫn hình thành lên một đội kèn thuần nữ, để hôm nay họ lên sân khấu chứng minh cho mọi người khắp nơi biết rằng: người phụ nữ Thái Bình là như thế đó.

Các giới nam tu, nữ tu các dòng, giới trẻ Hà Nội, sinh viên Công Giáo Thái Bình và ca đoàn giáo xứ Chính tòa cũng đã chứng minh những sở trường của mình, họ đã đóng góp những tiết mục múa hát sinh động và đầy thánh thiện cho đêm điễn. Một đêm diễn đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem, kể cả những người ngoài phố dừng lại khi đi ngang qua. Theo lời nhận định của nhà thơ Đình Bảng, người dẫn chương trình đêm Hoan Ca và cho cả cuộc Lễ, đối với người ngoài giáo phận thì nói cách khiêm tốn rằng: đây là một đêm diễn “xem được”; nhưng đối với người Công Giáo Thái Bình thì đây là một đêm diễn “chưa từng có như thế tại đây”.

Phần Hoan Ca kết thúc lúc 10 giờ đêm, nối tiếp là phần sinh hoạt lửa trại của sinh viên Công Giáo và giới trẻ. Dưới sự điều khiển và hoà đồng của các Thầy đại chủng sinh Thái Bình, các bạn trẻ có được sân chơi và một vòng tròn thắt chặt tình đoàn kết yêu thương. Cho dù họ có tiếc nuối, nhưng chương trình không thể kéo dài, vì chính quyền chỉ cho phép sinh hoạt đến 11 giờ đêm mà thôi.

Tuy kết thúc, nhưng những người có bổn phận cho cuộc lễ sáng hôm sau thường phải thức trắng đêm để chuẩn bị. Người Thái Bình là thế đó. Không chỉ dịp lễ này, mà trong tất cả các dịp lễ từ cấp giáo phận đến giáo họ, kể cả việc lễ đám của các tư gia, họ đều như thế. Họ quen vậy rồi, có thế mới vui và công việc mới thành công như lòng họ mong ước.

Nghe đâu, người dân và các đoàn hội ở các giáo xứ cách xa Tòa giám mục phải chuẩn bị đi dự lễ từ nửa đêm, không kể những người đi từ hôm trước mang theo cơm nắm để ăn và nghỉ tạm bợ qua đêm. Nghe nhiều chuyện hay, chuyện lạ mà thực sự không lạ ở Thái Bình ngày xưa. Nghe mà thêm hãnh diện về quê hương. Thật vậy, người dân đi sớm cho kịp và để tìm một vị trí cho mình trong buổi lễ. Họ đi từ đêm tối đến rạng sáng thì tới đích, đi trong mùi thơm của lúa đồng đang thời đơm đòng trổ bông.

THÁNH LỄ TẠ ƠN



Đêm Hoan Ca hôm trước đã đông người tham dự, sáng sớm hôm sau còn ken cứng hơn ở mọi vị trí. Người dân đi dự lễ chấp nhận chờ đợi hàng giờ đồng hồ để đảm bảo cho mình một vị trí ổn định. Chúa không nỡ lòng để họ phải chịu nắng nóng, Ngài đã ban cho một tiết trời râm mát lạ thường, nhờ sự thành tâm đơn sơ và sự nhiệt huyết của họ đối với Giáo hội địa phương, đối với vị chủ chăn Giáo phận đại diện Đấng Tối Cao nơi trần thế.

Đúng 8giờ 30 phút, đoàn đồng tế và các đoàn hội tiến từ Toà giám mục ra lễ đài. Một giờ đồng hồ trước Thánh lễ dành cho việc mừng Đức cha Thái Bình của cộng đoàn dân Chúa Thái Bình ở bắc-trung-nam và hải ngoại, rồi những bài phát biểu và các thư chúc mừng của Tòa Thánh, cũng như của chính quyền.

Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang chủ tế Thánh lễ cùng với 14 giám mục và khoảng 150 linh mục. Ngài được nổi bật hơn qua bài phát biểu của Linh mục Tổng đại diện giáo phận Thái Bình Hierônimô Nguyễn Phúc Hạnh, của Linh mục Tổng đại diện Thái Bình ở miền nam Đinh Bình Định, đặc biệt qua bài giảng lễ của Đức Tổng giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt. Qua tâm tình trước Thánh lễ, Đức cha Sang cũng đã tỏ lộ cho mọi người biết suốt quãng đường phục vụ đã qua, ngài đã cố gắng “cạnh tranh sinh sự” cho Giáo hội, cho công việc bổn phận trọng trách mà ngài đảm nhiệm. “Cạnh tranh sinh sự” ở đây được hiểu theo cả mặt tiêu cực và tích cực. (Xem bài “Tâm tình của Đức giám mục Thái Bình nhân dịp Kim Khánh Linh Mục và Ngân Khánh Giám Mục”).

Linh mục Nguyễn Phúc Hạnh, Tổng đại diện Thái Bình, nói với Đức cha Sang rằng: “Chúng con biết tâm hồn của Đức cha luôn gắn bó với giáo phận, cho dù thân xác có đôi lúc đi xa, bởi lẽ công việc của một chủ chăn thật bộn bề. Và rồi, dần qua năm tháng lo toan vất vả đã tiêu hao sức khoẻ của tấm thân, như hình ảnh cây nến trắng (Bạch Lạp) mà nhà thơ Lan Chi làm để tặng Đức cha: ‘Muốn vì nhân thế đem nguồn sáng, rút ruột khêu lên ngọn lửa hồng’.

Nghi thức đầu lễ và Thánh lễ diễn ra trọn 3 tiếng đồng hồ, chưa kể thời gian ngồi chờ đợi của những người giáo dân. Thánh lễ diễn ra cách trang nghiêm và trật tự, thể hiện một đức tin sống động, sự hiệp thông sâu xa, lòng mến yêu giáo hội và đấng chủ chăn tha thiết của con dân Thái Bình. Cuối thánh lễ, những người được mời cùng chung vui bữa tiệc đạm bạc trong sự thân mật.

Tiếp xúc với một số giáo dân và linh mục, họ cho biết nhờ 16 năm triều đại giám mục của Đức cha Sang mà giáo phận Thái Bình đã có nhiều biến chuyến, đã thay da đổi thịt về mọi phương diện, đã văn minh và có đời sống đức tin trưởng thành hơn. Tuy nhiên, họ cảm thông cho những hạn chế không thể không có của một con người, cho dù đó là vị giám mục. Phần lớn là họ biết ơn ngài nhiều và chờ mong Tòa Thánh sớm bổ nhiệm Đức cha phó để tiếp bước đường lối tốt đẹp của vị tiền nhiệm. Họ hy vọng đấng kế vị Đức cha Sang sẽ dẫn đưa giáo phận vượt qua những khó khăn thử thách trong hiện tại.

Bình Nguyên
VietCatholic News (25/04/2006)