Lễ tấn phong Tân Giám Mục Buôn Ma Thuột Vincent Nguyễn Văn Bản 12/5/2009.

Đúng 7g30 đoàn đồng tế từ phòng hội chung của Giáo xứ tiến về nhà thờ Chính tòa trong tiếng nhạc hoành tráng của Ban Kèn đồng và tiếng vang rền của nhịp điệu cồng chiêng...

Từ 6g sáng ngày 12/5/2009... Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Banmêthuột hôm nay thật tưng bừng. Dòng người đổ về càng lúc càng đông với đủ sắc màu rực rỡ. Bức phông tròn lớn có hình Đức Tân Giám Mục trong phẩm phục đỏ nổi bật trên hai cổng chính, và tiểu sử của ngài cũng được đặt  vào nơi trang trọng, dễ thấy nhất.

Mọi khâu chuẩn bị cuối cùng đã gấp rút hoàn thành cho kịp ngày đại lễ…Từ hai hôm trước đã có nhiều Giám mục, Linh mục, tu sỹ và  khách quý ở xa đã đến… Giáo phận BMT tràn ngập niềm vui…

Banmêthuột xưa

Trở về thời xa xưa, cao nguyên Darlac, một nơi hoang vu hiểm trở, nơi được coi là “rừng thiêng nước độc”, cư dân chỉ là những sắc tộc bản đia. Vùng đất thuộc Giáo phận Banmêthuột ngày nay, lúc đó có ba sắc tộc chính: Sắc tộc Êđê ở vùng Darlac, M’nông ở Quảng Đức, và S’tiêng ở Phước Long. Cả ba sắc tộc có thổ ngữ riêng, họ thờ rất nhiều Thần, gọi chung là “Yang”.

Khi chưa một bước chân của người Pháp hay người Annam đến vùng đất này để sinh sống, thì đã có những bước chân âm thầm của hai nhà truyền  giáo: cha Fontaine Khâm MEP(1847) và cha Hòa thuộc xứ truyền giáo Kontum thời Đức Cha Cuénot Thể (giáo phận Quy Nhơn) đã đến tập sinh sống theo họ, thử rao giảng Tin Mừng, nhưng hai vị đều không đạt được mục đích.

80 năm sau (1926-1927), có hai chủ đồn điền một người Pháp và một người Hà Lan khẩn khoản xin Đức cha Martial Jannin Phước (Gp. Kontum) đến vùng Darlac để lập họ đạo, vì trong các đồn điền ngườì Pháp có hơn 100 người có đạo Công giáo. Năm 1928, Đức cha Grangeon Mẫn, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn xin Đức cha De Guebriant, Bề trên Hội Thừa sai Paris gởi thêm Linh mục, để có thể thành lập họ đạo ở Banmêthuột. Năm 1934 ngôi nhà nguyện mái tranh vách ván được dựng giữa trung tâm thị xã. Ngày 30/3/1937 Giáo họ Banmêthuột được nâng lên hàng Giáo xứ, cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm cha sở tiên khởi…

Ngày 22/6/1967. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức lập Giáo phận Banmêthuột, tách ra từ Giáo phận Kontum, với 03 Giáo hạt, 55 Linh mục và 56.719 giáo dân. Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi.

Banmêthuột hôm nay

Tính đến cuối năm 2008 Giáo phận Banmêthuột có 4 Giáo hạt, 87 Giáo xứ và 71 Giáo họ. Có 101 Linh mục triều, 19 Linh mục dòng phục vụ 361.162 giáo dân, gồm 293.718 người Kinh và 67.408 người Dân tộc, chiếm 13,28% dân số của ba tỉnh Daklak, Daknông, và Bình Phước.

Đức Tân Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản là vị Giám mục thứ IV của Giáo phận BMT và là Chủ chăn thứ V sau Đức Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Có thể nói, Giáo phận BMT là cháu nội của Giáo phận Quy Nhơn. Đã qua hơn hai thế kỷ, “NHÀ NỘI” vẫn dạt dào tình thương…

Sau ba  năm trống tòa, hôm nay Gp Banmêthuột như đầy sức sống, hân hoan chào đón khách từ Bắc đến Nam. Bao con tim rộn rã vui mừng biểu lộ rõ trên từng khuôn mặt... Khuôn viên nhà thờ Chính tòa trở nên quá nhỏ bé đối với lượng người từ khắp nơi đổ về...Thánh lễ được trực tiếp truyền hình qua 9 màn hình chung quanh nhà thờ.

Đúng 7g30 đoàn đồng tế từ phòng hội chung của Giáo xứ tiến về nhà thờ Chính tòa trong tiếng nhạc hoành tráng của Ban Kèn đồng và tiếng vang rền của nhịp điệu cồng chiêng. Đức Tân Giám mục tươi cười thân ái chào mọi người đứng dọc hai bên đoàn rước.

Thánh lễ tấn phong Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, do Đức Tổng Giám mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ phong. Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng và Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Phó Nha Trang phụ phong. 

Cùng tham dự thánh lễ còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, Phó chủ tịch HĐGMVN, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và ĐGM phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội Laurensô Chu Văn Minh, Đức cha Costma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Giáo phận Bùi Chu,  Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa.

ĐGM Phụ tá Giáo phận Huế PX Lê Văn Hồng, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang, Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức, nguyên Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường,  Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo phận Phan Thiết,  Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Giáo phận Bà Rịa – Vũng Tàu, Đức Cha Stephanô Tri Bửu Thiên, Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống và Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Saigon,  cùng 4 Viện phụ gồm dòng Phước Sơn, Châu Thủy, Châu Sơn và Thiên Phước, có khoảng 400 Linh mục, 300 Tu sỹ nam nữ, thân nhân của Đức Tân Giám mục và rất đông đảo giáo dân. 

Tham dự lễ phong chức còn có sự hiện của Chính quyền các cấp thuộc ba tỉnh Daklak, Dak Nông, Bình Phước, và đại diện của các Tôn giáo bạn.

Các bài đọc và bài hát trong Thánh lễ được sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Êđê. Qua bài Tin Mừng (Lc 4.16-21) “Thánh Thần Chúa ngự tên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi…”, và với khẩu hiệu “Hãy bước theo Thần Khí” mà Đức Tân Giám mục đã chọn, trong bài giảng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhấn mạnh:nhờ ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, người Mục tử mới có thể trung thành gắn bó với đoàn chiên được giao phó, như Tân lang đối với Hiền thê của mình. Trong bài phỏng vấn đầu tiên của HĐGMVN, khi được bổ nhiệm làm giám mục Banmêthuột Đức Cha Vinh Sơn có nói: “ Kể từ hôm nay tôi thuộc trọn về Giáo phận”. Bằng hình ảnh chiếc nhẫn cưới trong hôn lễ, cũng như chiếc nhẫn Giám mục mà vị Tân chức được lãnh nhận trong ngày thụ phong, Đức Cha Khảm so sánh - người Mục tử (vị Hôn phu) gắn bó mật thiết và trọn vẹn với đoàn chiên (vị Hôn thê) của mình. Và như một M.C  Đức cha Khảm cầu chúc cho “đôi Tân Hôn” trăm năm hạnh phúc... 

Sau phần thẩm vấn vị Tân chức, nghi thức phong chức được diễn ra rất trang trọng, sốt sắng và cảm động. Cử chỉ hôn chúc bình an của Giám mục đoàn như một lời nhắn nhủ động viên và khích lệ vị Tân chức trong nhiệm vụ mới.

Cuối Thánh lễ Đức cha Chủ tịch HĐGMVN có lời chào mừng và đón nhận Đức cha Vinh Sơn là thành viên mới trong cộng đoàn của các Giám mục Việt Nam.

Tiếp đó cha Đaminh Hà Duy Khâm, đại diện Linh mục đoàn và cộng động Dân Chúa Giáo phận Banmêthuột nói lên lời cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cám ơn Giám mục Giáo phận Quy Nhơn đã tặng trao người con ưu tú của mình cho Giáo phận BMT, cám ơn Đức cha chủ phong và các Đức Giám mục hiện diện, Bề trên các dòng, các linh mục đồng tế, chính quyền các cấp của ba tỉnh Daklak, Dak Nông, Bình Phước, các Tôn giáo bạn và toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Trong phần đáp từ, vị Tân chức cám ơn Đức Thánh cha đã thương chọn ngài trong chức vụ Giám mục, cảm ơn quý Đức cha , quý Bề trên, quý Cha linh hướng, quý Cha giáo, quý vị Ân sư đã động viên, giúp đỡ ngài trên bước đường theo tiếng gọi của Chúa. Bằng tiếng Pháp, ngài cám ơn các Thầy giáo tại Học viện Công giáo Paris.

Với sự chân thành và dễ mến, ngài xúc động cảm ơn tất cả mọi người, và thật ngạc nhiên khi ngỏ lời với anh em Dân tộc, ngài đã nói với họ bằng tiếng Êđê rất chuẩn đến nỗi có người nói rằng: Đức Cha người Dân tộc mà nói tiếng Việt như người Kinh!!! và ngài thân thương gửi đến cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Banmêthuột "Tôi yêu mến tất cả anh chị em". Mọi người hân hoan vỗ tay vang dội thật lâu.

Trước khi ban phép lành trọng thể, các Giám mục phụ phong đã hướng dẫn Đức Tân Giám mục đi chúc lành cho mọi người đang hiện diện trong Thánh lễ. Niềm vui trong ngày đại lễ của cộng đoàn Dân Chúa còn được kéo dài trong buổi liên hoan chúc mừng Tân chức tại khuôn viên Tòa Giám mục Banmêthuột.


Bước đi trong Thần Khí (Galata 5,16)

Bài giảng của Đức cha Nguyễn văn Khảm ngày lễ phong chức giám mục cho Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản tại Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột ngày 12/5/2009

Thần Khí Chúa ngự trên tôi 
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố năm hồng ân của Chúa
.”

Chúa Giêsu đã dõng dạc đọc những lời này trong hội đường Nagiarét và sau đó, Người công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21).

Thế nhưng tôi tự hỏi, có thực sự là lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm? Có thực sự là mọi người mù được sáng mắt? Dĩ nhiên không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu đã chữa lành một vài người mù như Phúc Âm kể lại, nhưng chẳng nhẽ trên cả đất nước Israel lúc ấy, chỉ có vài người mù đó thôi sao? Còn cả trăm cả ngàn người mù khác nữa, liệu họ có được sáng mắt không? Mà nếu chưa được thì sao có thể gọi là ứng nghiệm?

Thế rồi, có thực sự là mọi kẻ giam cầm đều được tha và mọi kẻ bị áp bức đều được trả lại tự do? Ngay cả Gioan Tẩy giả, người thân của Chúa Giêsu, lúc ấy đang ngồi tù, cũng đã phải sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Nghe trong câu hỏi có nỗi nghi ngờ, nghi ngờ vì đợi mãi vẫn không được tha, nghi ngờ vì chờ hoài vẫn không thấy tự do! Đã thế, liệu có thể nói là lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm không?

Đi xa hơn nữa đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, khi chính Người bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức… liệu chính Người có khả năng thoát khỏi xiềng xích ngục tù, khỏi bàn tay áp bức chăng? Các sách Tin Mừng kể lại rằng Chúa Giêsu đã bị đánh đập dã man, bị vác khổ giá và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá. Đến chính bản thân Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi ngục tù thì lấy đâu ra tự do để ban tặng cho các tù nhân? Đến chính Chúa Giêsu cũng bị áp bức thì lấy đâu ra sức mạnh để giải thoát những người bị áp bức?

Nêu lên những vấn nạn như thế không nhằm khước từ lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe”, nhưng là để đọc lại những lời này trong một ánh sáng mới.

Mù loà không chỉ đơn thuần là khuyết tật thể lý nhưng có thể còn là khuyết tật tri thức, tâm lý và tâm linh. Có những khi ta nhìn một sự kiện, một biến cố mà không rõ ngọn nguồn sự việc vì thiếu hiểu biết, nghĩa là mù loà về mặt tri thức. Có những khi ta mở mắt thật to để nhìn mà vẫn không thấy được cái tốt của người khác chỉ vì ta cố chấp, đó là một thứ mù loà về tâm lý. Và nhiều khi ta nhìn rõ thế giới vật chất này nhưng lại không thấy mối tương quan giữa thế giới này và Đấng tạo dựng nên nó, tức là một thứ khuyết tật tâm linh, cho nên mới có lời cầu nguyện: “Xin mở cho con đôi mắt, để thấy tình yêu Chúa khắp nơi”.

Cũng thế, có nhiều thứ ngục tù. Có những thứ ngục tù không giam hãm nổi tự do của con người, và ngược lại, có những thứ tự do biến con người thành tù nhân. Những nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc chỉ có thể giam hãm thân xác con người chứ không thể giam hãm tự do hiểu như một giá trị tinh thần, không thể giam hãm suy tư và cảm xúc, tắt một lời, đời sống tinh thần của con người. Ngược lại, có những hành động được gọi là tự do nhưng thực ra chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy tình trạng nô lệ sâu xa bên trong, nô lệ những đam mê và ham muốn trần tục, nô lệ những tính toán quyền lực và phe nhóm…

Hiểu về sự mù loà và ngục tù như thế, mỗi người – kể cả giám mục và linh mục – bỗng khám phá ra mình cũng có những lúc sống trong tình trạng mù loà và mất tự do. Và cũng hiểu rõ hơn lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu như thế nào. Chúa Kitô và chỉ có Chúa Kitô là ánh sáng để trong ánh sáng đó, ta có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật và của đời người. Ánh sáng đó là ánh sáng chân lý và chỉ khi sống trong chân lý, ta mới có tự do đích thực. Kinh nghiệm lịch sử nói với ta rằng có những người bị giam giữ trong nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc, và chỉ mong được tự do. Nhưng khi đã được tự do rồi thì chính họ lại dựng lên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại của mình và để bảo vệ cái gọi là tự do của mình. Ấy là vì họ mới chỉ được giải thoát khỏi thứ nhà tù vật chất mà chưa được giải thoát khỏi ngục tù của những đam mê và ham muốn quyền lực, của hận thù và ích kỷ. Nelson Mandela đã hiểu ra được điều đó nên khi bước chân ra khỏi nhà tù đã giam giữ ông suốt 30 năm, ông tự nhủ: nếu tôi còn giữ lòng hận thù với những tên cai ngục, thì tôi vẫn còn bị giam giữ, chưa trở thành người tự do thực sự. Và chính điều đó khiến cho mọi người kính nể ông.

Chúa Kitô đến không phải để giải thoát con người khỏi những ngục tù bằng hàng rào kẽm gai nhưng giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và tha hoá sâu xa nhất, và chúng ta cần đến ơn giải thoát đó. Chúng ta cần đến ơn giải thoát đó ngay giữa lòng một thế giới tưởng chừng rất đỗi tự do. Chúng ta cần đến ánh sáng đó ngay giữa một thời đại phát triển tri thức khoa học đến mức cao nhất. Và giám mục cũng như linh mục là những người được trao cho trách nhiệm loan báo ơn giải thoát đó, trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị giam cầm được tha, trả tự do cho người bị áp bức”.

Thế nhưng chính ở đây lại xuất hiện một nghịch lý: xét như là con người, bản thân giám mục và linh mục cũng có thể ở trong tình trạng mù loà và bị giam giữ trong những ngục thất vô hình. Vậy làm sao có thể làm cho người khác sáng mắt khi chính mình đang ở trong tình trạng mù loà? Làm sao loan báo tự do khi chính mình đang bị giam trong ngục thất? Henri Nowen đã có lý khi gọi các thừa tác viên trong Giáo Hội là wounded healer, nghĩa là những người có sứ mạng chữa lành cho người khác nhưng chính mình lại đang mang thương tích. Tuy nhiên, chính nghịch lý này thúc đẩy các giám mục và linh mục thi hành sứ vụ trong khiêm tốn và cậy trông vào quyền năng của Thánh Thần. Khiêm tốn vì nhận biết rằng tự thân mình không phải là ánh sáng và chân lý, nhưng chỉ đón nhận ánh sáng và chân lý từ một Đấng khác. Cậy trông vì xác tín rằng mình không thể chu toàn sứ vụ với sức riêng mình nhưng chỉ có thể chu toàn nhờ quyền năng của Thánh Thần. Chính vì thế, nghi thức chính yếu trong việc phong chức giám mục là việc đặt tay và lời nguyện phong chức. Đặt tay chính là cử chỉ nói lên việc thông ban Thánh Thần, cùng với lời cầu nguyện xin Chúa ban Thánh Thần thủ lãnh xuống trên vị tân giám mục.

Hơn ai hết, Đức Tân Giám mục xác tín điều đó, cho nên đã chọn khẩu hiệu cho đời giám mục của mình là “Bước đi trong Thần Khí” (Spiritu ambulate) (Galata 5,16), đồng thời ngài giải thích “bước theo Thần Khí” là “sống trong sự tự do mà Đức Kitô đem lại chứ không quá lệ thuộc vào cách suy nghĩ của người đời… là sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo quan điểm của xác thịt”. Chỉ khi giám mục bước đi trong Thần Khí và hoạt động trong quyền năng của Thánh Thần thì ngài mới có thể chu toàn sứ vụ giám mục hết sức cao cả nhưng cũng rất nặng nề đã được trao phó.

Quyền năng của Thánh Thần chính là quyền năng của tình yêu, là sức mạnh thúc đẩy vị giám mục bước theo Chúa Giêsu Mục Tử, hiến thân trọn vẹn cho đoàn chiên đã được trao phó cho mình. Đây cũng là tâm tình của Đức Tân Giám mục. Nhớ lại khi vừa nghe tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, trang web của HĐGMVN đã lập tức phỏng vấn ngài, và khi được hỏi “Lời đầu tiên Đức Cha muốn gửi đến cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột là gì?”, ngài đã trả lời, “Tôi muốn nói với cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột rằng tôi thuộc trọn về giáo phận và từ hôm nay, giáo phận Ban Mê Thuột, từng cộng đoàn, từng người Kitô hữu trong giáo phận là chính cuộc sống của tôi.” “Kể từ hôm nay, tôi thuộc trọn về giáo phận.” Nghe thật “mùi mẫn”! Cứ như là chú rể đang nói với cô dâu, “Kể từ nay, anh thuộc trọn về em”!

Mà đúng như thế, lát nữa đây, sau lời nguyện phong chức, vị chủ sự sẽ xỏ nhẫn vào tay của đức tân giám mục cùng với lời nhắn nhủ, “Hãy nhận chiếc nhẫn này như ấn tín đức tin… hãy gìn giữ hiền thê của Chúa là Hội Thánh được vẹn toàn.” Nhẫn cưới đấy! Theo một nghĩa nào đó, lễ phong chức hôm nay chính là lễ cưới, cử hành cuộc hôn nhân thánh thiêng giữa Đức tân giám mục Vinh sơn Nguyễn Văn Bản và Giáo Hội tại Ban Mê Thuột. Thế thì theo truyền thống văn hoá Việt Nam, xin cầu chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc. 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm


Đức Tân Giám Mục Cám Ơn

Trước hết, con xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương chọn con vào làm việc trong vườn nho của Ngài, được phục vụ trong Giáo hội. 

Trọng kính Đức Cha Phê-rô, Chủ Tịch HĐGMVN,
Trọng kính Đức Hồng Y Gioan Baotixita, 
Quí Đức Tổng Giám mục,
Quí Giám mục, Quí Viện phụ,
Kính thưa Quí vị Chính quyền trung ương và ba tỉnh Daklak, Daknông và Bình Phước,
Kính thưa Quí cha Tổng Đại diện,
Quí Bề trên chủng viện và các hội dòng,
Quí linh mục trong và ngoài giáo phận,
Quí vị đại diện các tôn giáo bạn,
Quí anh chị em tu sĩ, chủng sinh, và toàn thể anh chị em. 

Trước hết, con xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương chọn con vào làm việc trong vườn nho của Ngài, được phục vụ trong Giáo hội. Con xin dâng lời cảm tạ Đức Thánh Cha Bê-nê-dictô XVI đã thương chọn người con hèn mọn này vào hàng ngũ Giám mục trong Hội Thánh. 

Con xin cảm tạ Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã tiến cử con vào danh sách các ứng viên tiến chức. Con xin cảm tạ Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế và hai Đức Cha phụ phong đã đặt tay truyền chức Giám Mục cho con. 

Thật là một hồng ân lớn lao cho con. Con xin cảm tạ Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN,  Đức Hồng Y, Quí Đức Tổng Giám mục và Quí Đức cha đã vui lòng đón nhận con làm người em trong hàng ngũ Giám mục đoàn. Con xin chân thành tri ân Đức cha Phê-rô, Giám mục Qui Nhơn và Đức cha Phaolô, Giám quản Tông tòa Giáo phận Banmêthuột, đã tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất để con có thể bắt đầu thi hành một cách thuận lợi sứ vụ mục tử trong Giáo phận Banmêthuột thân yêu này; và con tin chắc là cả hai Đức cha sẽ còn tiếp tục đồng hành, chỉ bảo con trong sứ vụ mới.

Con xin cảm ơn Quí Đan Viện phụ, Quí cha Tổng Đại diện, Quí Bề trên chủng viện và các hội dòng, Quí linh mục, Quí tu sĩ nam nữ đã chúc mừng, giúp đỡ nhiều cách và hôm nay hiệp dâng thánh lễ tấn phong này.  Con xin ghi ơn các cha Bề trên, các vị linh hướng, các cha giáo và các Ân sư đã góp phần to lớn trong việc đào tạo và hướng dẫn con trên con đường hiến dâng và phụng sự này.  

Con xin chân thành ghi ơn quí cha trong hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris và quí vị giáo sư trường đại học Công Giáo Paris, đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để con có thể thi hành sứ vụ mục tử vừa được trao phó hôm nay. (Je suis profondément reconnaissant les Pères de la société des Missions Étrangères de Paris et le corps d’enseignants de l’Institut Catholique de Paris, qui m’ont offert de meilleures conditions pour que je puisse exercer la charge du pasteur, récemment confiée.)  

Xin chân thành cám ơn Quí cha Tổng Đại diện, Quí cha Quản hạt, Quí cha Trưởng ban, và quí anh em linh mục trong Giáo phận nhà, cùng với quí tu sĩ, các chủng sinh, các hội đồng giáo xứ, các ban ngành phụng vụ, ca đoàn, khánh tiết, đội kèn đồng, ban tiếp tân và nhiều phục vụ khác nữa, đã rất vất vả để lo liệu cho buổi lễ tấn phong này được diễn ra thật tốt đẹp. Tôi cũng không quên cám ơn cha sở, HĐGX và bà con trong giáo xứ Chính Tòa, đã nhiệt tình chuẩn bị cho buổi lễ hôm nay thêm phần long trọng. Cách riêng, tôi xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của công ty Việt Thương; nhờ sự đóng góp của các bạn mà mọi người tham dự buổi lễ hôm nay, dù ở trong hay ở ngoài nhà thờ, đều được tham dự trọn vẹn thánh lễ một cách sốt sắng. 

Tôi xin chân thành cám ơn tất cả mọi anh chị em trong gia đình, thân tộc, đã hiệp lời cầu nguyện và nâng đỡ tôi trong suốt hành trình ơn gọi, và đặc biệt trong dịp trọng đại này, đã lo lắng chu đáo với tất cả khả năng và lòng yêu mến của mình.  Tôi xin chân thành cám ơn quí vị ân nhân, bạn bè trong và ngoài nước, các anh chị em trong gia đình CCSLSQN, đã âm thầm cầu nguyện, nâng đỡ và tham dự thánh lễ hôm nay. Xin Chúa trả công vô cùng cho tất cả anh chị em.  Chúng tôi xin chân thành cám ơn Chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền tỉnh Daklak và thành phố Buôn Ma Thuột, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho cuộc Lễ Tấn phong này được diễn ra rất tốt đẹp.  Và giờ đây, xin quí vị cho phép tôi được ngỏ lời với cộng đoàn Dân Chúa thuộc giáo phận Ban Mê Thuột. 

Thưa Quí ÔBACE, tôi xin cám ơn tất cả anh chị em đã đón nhận tôi là Giám Mục của anh chị em. Sự đón nhận này nói lên lòng tin truyền thống của anh chị em vào sự hướng dẫn của Tòa Thánh và sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha Bê-nê-dic-tô XVI, vị kế nhiệm thánh Phê-rô Tông đồ. Tôi xin hứa sẽ cùng với linh mục đoàn trong giáo phận phục vụ, chăm sóc anh chị em theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, Vị Mục Tử nhân lành. Chúng ta hãy cùng nhau Bước Theo Thần Khí. Tôi yêu mến tất cả anh chị em. (dịch sang tiếng Êdê)  

Kính thưa toàn thể cộng đoàn, một lần nữa tôi xin cảm tạ tất cả Quí vị. Nhưng một lời cảm tạ không thể nói hết tâm tình, vậy kính xin cộng đoàn gia tăng lời cầu để cho lời cảm tạ này được thể hiện bằng suốt cuộc đời yêu thương và phục vụ của tôi.  Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

(Tài liệu của Tòa Giám Mục Banmêthuột)