Kỷ niệm về Ðức TGM Nguyễn Văn Bình

Bốn ngày cuối đời của Ðức Tổng anh em chúng tôi còn ghi lại được ít kỷ niệm. Ngài vẫn rất tỉnh , rất vui vẻ , rất trìu mến đối với từng anh em chúng tôi và luôn nghĩ đến mọi người. Nhưng đến nửa đêm rạng sáng ngày 01.7.1995 ngài hấp hối, bị xuất huyết nhiều, điện tâm đồ yếu dần và chỉ còn lại một đường thẳng... Khi xe đến đưa ngài về Toà Giám Mục Sài Gòn, lúc đó khoảng 4g45 sáng thứ bảy . Ðức Tổng Tổng đã vĩnh viễn ra đi, hôm đó cũng là ngày các xứ đạo long trọng mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ là hai trụ cột cũa Giáo hội và cũng là bổn mạng của ngài. " cha đã chạy hết chặng đường , và đã giữ vững niềm tin '
(2 Tm 4,6)

17.6.1995 chịu đựng

Nói về sức chịu đựng của Ðức Tổng thì kể là ngài thật " phi thường ". Bao nhiêu mối bận tâm trong đầu của ngài về việc chọn người kế vị ! Bao nhiêu những gay cấn rắc rối trong việc điều hành giáo phận, đối nội cũng như đối ngoại, cùng với bao đau đớn bệnh tật của tuổi già ! Tất cả đều đè nặng lên tâm trí của ngài. Ðứng trước những gánh nặng đó, không thấy ngài than van, kêu trách, hoặc có một cử chỉ thất vọng nào.

Tôi nhớ vào khoảng những ngày cuối đời, ngài phải truyền nước biển và đạm liên tiếp trong mấy ngày liền, anh em chúng tôi đến thăm, không thấy ngài tỏ một thái độ đau đớn nào cả. Ngài nằm trên giường , giang tay ra để truyền nước biển, nhưng lòng bàn tay phải của ngài luôn nắm giữ chỗi tràng hạt. Ngài mỉm cười và nói với chúng tôi :" các bác sĩ, các y tá họ còn thương cha lắm, cha phải ráng sống không có họ buồn " . Anh em chúng tôi hỏi ngài :" vậy khi Ðức Tổng đau về thể xác, khổ về tinh thần , Ðức Tổng đã làm gì ? ". Ngài trả lời :"Ráng mà chịu, có kêu ca cũng đâu có bớt đau, bớt khổ chút nào. Thôi dâng cho Chúa là tốt nhất ". Ðức Tổng có được sự chịu đựng đặc biệt như thế phải chăng vì ngài đã sống theo lời Thánh Phêrô :" Mọi lo âu anh em hãy trút cả cho Ngài và Ngài chăm sóc anh em " ( 1 Pr 5,7)

28.6.1995 Khiêm tốn và cầu nguyện

Tôi không phải Chủng sinh thuộc Giáo phận TP.HCM, vì thế không biết nhiều về Ðức Tổng . Nhưng tôi học ở Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, thuộc Tổng giáo phận này, nên thỉnh thoảng tôi cũng có dịp gần ngài, qua những buổi ngài nói chuyện với anh em Chủng sinh, nhất là khi ngài đau yếu thì tôi lại có dịp cùng các anh em khác đến Toà Giám Mục hoặc vào bệnh viện Thống Nhất thăm ngài. Lần cuối chúng tôi đi thăm ngài là vào chiều 28.6.1995

Trong dịp thăm mừng Bổn mạng Ðức Tổng lần cuối cùng này mà tôi có cảm nghĩ về ngài cách cụ thể hơn để tôi có thể viết đôi hàng ở đây. Anh niên trưởng trình với Ðức Tổng trong lúc ngài đang nằm trên giường và thở Oxy :"Thưa Ðức Tổng, các anh em đại diện các Giáo phận đến mừng bổn mạng Ðức Tổng " .Ðức Tổng nhìn một lượt tất cả các anh em chúng tôi, một cái nhìn trìu mến thắm tình cha con. Ánh mắt ngài như loé lên niềm hy vọng nơi chúng tôi. Rồi Ðức Tổng cố gắng nói : "Cha cảm ơn chúng con...Chúng con cầu nguyện cho cha nhiều ". Hình ảnh buổi thăm hôm đó, những lời nói của Ðức Tổng...tôi không nghĩ là Ðức Tổng vĩnh biệt chúng tôi luôn đâu. Thế mà thật. làm sao chúng tôi lại được Ðức Tổng cám ơn khi mà lẽ ra chúng tôi phải cám ơn ngài rất nhiều. Ðức Tổng vẫn thường nói :" Chủng sinh sống trong tâm hồn Giám mục, Chủng sinh là con ngươi của Giám mục " . vậy mà giờ đây , Ðức Tổng không còn sống với chúng con nữa ! Ðức Tổng khiêm tốn và thánh thiện dường nào ! Nhưng trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh, chúng con tin Ðức Tổng vẫn luôn ở mãi với chúng con.

29.6.1995 Thánh lễ cuối cùng

Hôm nay Giáo hội mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, cũng là ngày bổn mạng của Ðức Tổng. Suốt đêm ngài mệt nhiều nhưng ngài lại tỏ ra bồn chồn lạ thường. Ðến lúc cha Giuse Mai Thanh Tùng đến tôi mới vỡ lẽ ra rằng ngài chờ đợi để được cử hành Thánh lễ mừng bổn mạng.

Thánh lễ hôm ấy được cử hành ngay trên cái bàn bé nhỏ của bệnh viện. Quây quần bên vị cha già của Giáo phận, ngoài cha Tùng còn có hai Dì Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, một chị Y tá và hai anh em chúng tôi

Nhìn Ðức Tổng khoẻ và tươi tỉnh chúng tôi không ngờ đó lại là một cụ già suốt đêm mệt nhọc, vất vả vì bệnh tật. Ngài ngồi đó an bình, thanh thản như đang chìm vào cõi thâm sâu của Màu nhiệm Thánh Thể.

Cuối Thánh lễ, cha con cùng chụp hình kỷ niệm. Ðức Tổng ôm một bó hoa thật lớn. Nhìn ngài vui chúng tôi cũng vui theo làm tan đi sự mệt nhọc. Nhưng ai có ngờ đâu đây là lần được quây quần bên cha cuối cùng.

Chúng tôi mừng bổn mạng Ðức Tổng. Các cô Y tá cũng đến mừng ngài và tỏ vẻ ngại ngùng vì không có gì làm qùa. Ðức Tổng cười rất tươi và nói :" các con mừng cha bằng tấm lòng là quý nhất rồi" . Sau đó cha cười vui nhưng rưng rưng hàng nước mắt. Buổi lễ hôm ấy đã đi vào tâm hồn tôi thật khó quên.

30.6.1995 Làm vì danh Chúa Kitô

Thức đêm mới biết đêm dài
Có nuôi người bệnh, người già mới thương

Tuy không nói ra nhưng anh em Chủng sinh chúng tôi rất kính phục sức khoẻ và sự chịu đựng của Dì Lucia, một Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Trông bề ngoài có vẻ mãnh dẻ, nhưng bên trong Dì lại có một nghị lực vững vàng : Suốt mấy năm trường không qủan đêm ngày Dì lo lắng, chăm sóc sức khoẻ của Ðức Tổng thế mà Dì vẫn không ngã bệnh. vào tuần lễ cuối đời của Ðức Tổng, cảm thấy cần thêm người phụ giúp Ðức Tổng hơn nữa, nên Dì đã xin với mẹ bề Trên cho thêm hai Dì xuống để cùng phụ việc chăm sóc Ðức Tổng. Chiều 30.6.1995, Tôi đến thăm Ðức Tổng và thấy hai dì mới đang đứng quạt cho Ðức Tổng, còn ngài thì thiu thiu ngủ, chờ đến khi ngài ngủ say, chúng tôi mới nói chuyện. Câu chuyện đang vui vẻ thì bất chợt Ðức Tổng thức giấc , ngài mở mắt ra và nhìn từng người chúng tôi bằng một cái nhìn sâu lắng. Một lúc sau ngài nói :" ngồi không vậy buồn chết, thôi lấy cái gì ăn cho vui ". Các Dì đã vâng lời ngài, lấy mỗi người một viên kẹo Chocola ngậm . Không thấy đưa cho mình, Ðức Tổng dí dỏm nói :" các con ăn một mình, ăn hết phần của cha luôn à ". Một Dì lấy viên kẹo đưa cho ngài, ngài nhóm nhém ngậm viên kẹo, vì lúc đó ngài không mang răng giả. Nhìn Ðức Tổng ăn Chocola một cách vui vẻ như vậy, chúng tôi thấy thương ngài nhiều hơn vì ngài ăn để chúng tôi được vui , để xóa tan nỗi u buồn và lo lắng của chúng tôi.

Phải chăng Ðức Tổng đã sống đúng lời dạy của Thánh Phaolô :" dù ăn, dù uống hay bất cứ khi làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa " (1 Cr 10,31)

30.6.1995 Hết lòng vì Giáo hội

Khoảng bốn giờ chiều, Ðức Tổng thoi thóp trên giường bệnh, tay được giang ra để truyền nước biển, mũi được đặt ống tiếp Oxy. Trước tình huống như thế, ngài vẫn nghĩ đến người khác. Trông thấy tôi vào, ngài nói tôi về gặp cha Giám đốc Ðại Chủng Viện và xin danh sách các cha đang du học ở Pháp và tại Roma thuộc các Giáo phận. Ngài còn nhớ cả tên cha Bùi Thái Sơn đang làm thủ tục đi Roma học. Ðồng thời hỏi xem cha Giám đốc Ðại Chủng viện bao giờ mới đi họp liên Chủng Viện tại Nha Trang.

Ðứng trước cái chết thế mà tâm trí Ðức Tổng vẫn còn mải miết nghĩ về Giáo hội, và lo cho tương lai của Giáo hội. Ngài muốn hy sinh tất cả những gì là của riêng mình để cống hiến cho Giáo hội : Cụ thể ngài muốn động viên các cha đang du học tại Châu Âu có điều kiện học tập tốt để về phục vụ Giáo hội Việt Nam. Còn vấn đề đào tạo Chủng sinh luôn là mối thao thức hàng đầu trong đời mục tử của ngài : Ngài mong muốn các Da95i Chủng Viện đào tạo nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. cao quý thay một sự quên mình ! Quên đi những đau đớn đang hành hạ bản thân, quên cả sự chết đang chờ sẵn, tâm trí ngài luôn hướng về Giáo hội, trái tim ngài vẫn rạo rực cùng với nhịp đập của Giáo hội.

Phải chăng ngài thực hiện lời Thánh Phaolô :" Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách, Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội thánh " (Cl 1,24)

30.6.1995 Niềm vui cuối cùng

Vào khoảng 7g30 tối, hôm đó đến phiên hai anh Chủng sinh đến giúp Ðức Tổng. Ðến phòng 11 đối diện khu cấp cứu, hai anh gõ cửa. Cử được mở và hai anh cùng cúi đấu chào Ðức Tổng. Lúc đó các Dì Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đang chuẩn bị bữa ăn tối cho ngài. Thấy hai Chủng sinh đến, Ðức Tổng nói với các Dì :" Con trai đút ăn ngon hơn con gái ". Nghe thế, hai anh Chủng sinh thi hành ngay yêu cầu của Ðức Tổng, và qủa thật ngài đã ăn một cách ngon lành. Khi còn vài miếng chót, Ðức Tổng lại nói :" Nhưng mà rửa chén thì con gái rửa giỏi hơn con trai ". Ðược thể hai anh Chủng sinh lại bàn giao toàn bộ chén, dĩa, muỗng, nĩa cho con gái giải quyết. Thế là tốt đẹp cả hai bên, không có nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Một câu nói dí dỏm tế nhị. Ðức Tổng vẫn khôi hài và vui tươi cho đến giờ phút cuối đời ngài vẫn yêu thương và tế nhị với tất cả con cái.

Ngọn lửa vẫn sáng

Tôi không thể nào quên được những giây phút cuối cùng của Ðức Tổng nơi bệnh viện Thống Nhất. Chứng kiến giữa sự sống và cái chết, lòng tôi không khỏi hồi hộp và lo sợ, nhưng tôi tự trần an và cố gắng quan sát và lắng nghe từng lời nói, cử chỉ của Ðức Tổng . Sau những đau đớn vì ba cơn sốt, sắc mặt ngài trở nên xanh nhợt, nhưng nụ cười vẫn tươi nở trên đôi môi tái mét, cơ thể hầu như đã kiệt sức. Ngài nằm bất động trên giường bệnh, trả lại cho căn phòng một sự yên tĩnh sâu lắng. tất cả chúng tôi đều chăm chú nhìn ngài... Riêng tôi, chính trong sự yên lặng của Ðức Tổng đã đánh động tâm hồn tôi, đánh động vì tôi đọc được trong sự yên lặng đó, trên khuôn mặt của Ðức Tổng, một sự bình an sâu thẳm. Ngài đã bước theo chân Ðức Kitô, ngài đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin (x.2Tm 4,7), với một tâm hồn bìn an thư thái, một sự bình an mà ngài đã kín múc nơi Ðức Kitô để chia sẻ chan hoà cho mọi người chung quanh. Ngài đã im lặng vui vẻ đón nhận tất cả những đau đớn để cho người chung quanh được hưởng sự bình an. Tôi suy nghĩ Ðức Tổng đã nên giống Ðức Kitô trên Thập giá để cầu nguyện cho chúng tôi. Ngài đã lãnh nhận ánh sáng từ Ðức Kitô, để rồi trong giây phút cuối cùng này, một lần nữa ngài đã đốt lên nhọn lửa Phục sinh qua chính cái chết của ngài. Có thể nói chính Ðức Tổng đã khơi lại ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn tôi, ngài đã xua đi bóng tối trong tâm hồn tôi bằng chính ngọn lửa ngào đã nhận từ Chúa Kitô Phục sinh

Giờ đây, tuy Ðức Tổng không còn hiện diện giữa anh em chúng tôi nữa, nhưng tôi tin rằng không ai có thể quên được tình yêu và gương sáng mà ngài đã mang lại cho chúng tôi. Mỗi người chúng tôi phải có bổn phận làm cho ngọn lửa tình yêu đó cháy sáng trong đời sống chứng nhân của mình.