Tưởng Nhớ Đức Cố Giám Mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng: Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

Nhân Dịp Sinh Nhật Lần Thứ 100 (14/5/1909--14/5/2009)

Kính thưa quý anh em,

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Cố Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (14.05.1909-14.05.2009), anh em Cựu Chủng Sinh LSQN tại Đà Nẵng chúng ta xin dành ít phút để tưởng nhớ đến Ngài.

Công lao của Ngài trong công cuộc xây dựng Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Đà Nẵng nói riêng là rất to lớn, mà chúng ta có thể tìm đọc trong tác phẩm "Một khuôn mặt lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam" do tác giả Phạm Đình Khiêm biên soạn.

Ở đây, và trong lúc này, chúng ta chỉ khiêm tốn đọc lại một vài tâm tình rất thân thương, tha thiết của Ngài đối với Giáo phận, đối với chúng ta, trong những ngày cuối đời đầy đau khổ tại nơi an dưỡng Trà Kiệu. Đồng lúc chúng ta cùng nhắc lại một vài kỷ niệm sống động của chúng ta với Ngài, để cùng tưởng nhớ đến Ngài nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Ngài.

Xin quý anh em, chúng ta dành ít phút để cầu cho linh hồn của Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được an nghỉ muôn đời trong Chúa.
Và cũng xin Ngài phù trợ cho tất cả chúng ta.

Ðôi giòng tiểu sử của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

* Thời thơ ấu:
Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14-5-1909 tại Tôn Ðạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm.
Năm 1920 được Cha Pléneau Kim (MEP) chính xứ Tôn Ðạo cho nhập trường Ba Làng (Thanh Hóa).
Năm 1921 về học tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1927 mãn tiểu chủng viện và được Ðức Cha Marcou Thành chọn đi tu học tại Trường Ðại Học Truyền Giáo Rôma.

* Thời tận hiến:
Ngày 23-12-1933 thụ phong Linh Mục tại nhà thờ Thánh Gioan Laterano do Đức Hồng Y Marcheli Selvagiani chủ phong. Sau đó Ngài vẫn tiếp tục ở nội trú tại trường cũ, và theo học tại Ðại Học Apollinaire và đã tốt nghiệp các văn bằng Tiến Sĩ Triết Học, Cử nhân Thần Học và Cử nhân Giáo Luật.
Năm 1935, Ngài tiếp tục theo học Luật (Đạo và Đời) tại Ðại Học đường Paris, Pháp Quốc.
Năm 1936, ngài hồi hương và nhận chức giáo sư Ðại Chủng Viện Phát Diệm.
Năm 1944, ngài được cử làm phó Giám Ðốc của Ðại Chủng Viện này.
Năm 1946, Ðức Cha Lê Hữu Từ đặt ngài làm Chánh Án Hôn Phối Ðịa Phận đồng thời cử ngài vào Hội Ðồng Ðịa Phận. Kể từ năm 1945 đến năm 1950, ngài là vị cố vấn tin cẩn của Ðức Cha Lê Hữu Từ.
Năm 1947, Ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Ðại Chủng Viện Phát Diệm.
Năm 1950, Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Bùi Chu và lễ tấn phong Giám Mục được tổ chức long trọng vào ngày 4-8-1950.
Năm 1954, Ðức Khâm Sứ Dooley ủy thác Ngài thành lập Ban Hỗ trợ định cư, giúp hàng Giáo sĩ và giáo dân Bắc Việt di cư vào Nam..Ngài đã giúp xây dựng gần 300 thánh đường, trường học, nhà thương...
Ngày 5-1-1957, sau khi đã hoàn thành công tác định cư, và do sự đề cử của Ðức Khâm Sứ G. Caprio tại Saigon, Ngài được Tòa Thánh đặt làm đặc ủy Tông tòa, Phụ trách về Công Giáo Tiến Hành Việt Nam.Thời gian nay, Ngài đã soạn thảo Hiến chương,điều lệ, và phát hành tờ Việt Tiến. Ngài cũng đã mua Trung Tâm Công giáo Việt Nam ở Sàigòn, xây dựng Trung tâm huấn luyện C.G.T.H ở Đà Lạt.

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh bổ nhiệm Ngài làm Giám Quản Ðịa Phận Qui Nhơn, và sau đó, năm 1960 trở thành Giám Mục Chính Tòa Qui Nhơn. Trong những năm cai quản Ðịa Phận Qui Nhơn, Ngài đã mở rộng cánh đồng truyền giáo và thu hoạch về những thành quả ngoài sự ước đoán mong chờ. Nhà văn Phạm Ðình Khiêm (dưới bút hiệu Ðức Khiêm đã viết trong cuốn sách mang tựa đề: ”Thánh Giuse,” Di Cảo của Cha Chính Lý, nơi trang 101) ghi nhận: "Phong trào Tân Tòng ở Ðịa Phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Ðông Mỹ, của Cha Chính Mai Học Lý, với một số linh mục Phát Diệm, mở rộng tới 40 họ đạo mới".

* Giám mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng

Ngày 18-01-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký sắc lệnh tách Ðà Nẵng ra khỏi Giáo Phận Qui Nhơn và đặt Ngài làm Giám Mục tiên khởi cho Ðịa Phận mới Ðà Nẵng.

Lễ tựu chức của ĐGM tiên khởi được tổ chức long trọng vào ngày 1 tháng 5 năm 1963, dưới quyền chủ tọa của Đức Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta. Ngày hôm đó giáo dân và các đoàn thể ở Đà Nẵng đã lên tận phi trường Đà Nẵng để đón rước Ngài và phái đoàn. Đúng 17 giờ chiếc phi cơ chở phái đoàn từ Quy Nhơn đáp xuống phi trường Đà Nẵng giữa những tiếng hoan hô vang dội. Phái đoàn rời máy bay gồm có: Đức Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta, ĐGM Phạm ngọc Chi, ĐTGM Ngô Đình Thục, ĐTGM Nguyễn Văn Bình, ĐGM Piquet Lợi, ĐGM Lê Hữu Từ, ĐGM Hoàng Văn Đoàn, ĐGM Jacq, ĐGM Trần Văn Thiện, Đức Ông Nittis...

Và đúng 18 giờ lễ tuyên sắc và nhận chức được diễn ra đơn giản, nhưng trang trọng. Sau khi tuyên đọc hai sắc chỉ của Tòa Thánh về việc thiết lập tân giáo phận Đà Nẵng và việc bổ nhiệm ĐGM Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm Giám Mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng, Đức Khâm sứ Tòa Thánh hướng dẫn ĐGM Chi vào ngôi tòa. Đức Cha Chi đọc một diễn từ khoảng 10 phút, trong đó Ngài cho rằng: “Sở dĩ Đà Nẵng được thành lập một giáo khu riêng biệt vì Đà Nẵng đã có một lịch sử vẻ vang đối với Giáo Hội Việt Nam và có một tương lai rất hứa hẹn...”

Kết thúc buổi lễ là diễn văn chào mừng của L.M Nguyễn Quang Xuyên, đại diện Giáo phận.

Ngài về với con cái Ðà Nẵng thân yêu của ngài ngày 01-5-1963 cho đến ngày tạ thế, 21-1-1988. Ngày 18-1-1988, Giáo Phận đã cử hành Lễ Bạc Tạ Ơn Chúa mừng ngày Giáo Phận lên 25 tuổi, để rồi mấy ngày sau đó, toàn giáo phận đã bùi ngùi vĩnh biệt người cha chung. Chiếu theo Giáo Luật thì Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria đã cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng được 25 năm và 4 ngày.

Từ ngày về cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng, Ngài đã xây dựng nhiều cơ sở mới cho Ðịa Phận: Tòa Giám Mục, Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh Mục già yếu, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Bệnh Viện An Bình tại An Thượng, Ðại Chủng Viện Hòa Bình là Chủng Viện miền tại Hòa Khánh, Trung tâm Công Giáo Tiến Hành cạnh nhà thờ Chánh Tòa Ðà Nẵng. Trước năm 1963, tại Ðà Nẵng chỉ có dòng nữ Thánh Phaolô và chị em Mến Thánh Giá Quy Nhơn, nhưng sau năm 1963 trở đi, ngài đã cho phép hoặc mời thêm nhiều Hội Dòng khác nhau đến hoạt động truyền giáo trong Ðịa Phận như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Kim Ðôi Huế, Tu Hội Tận Hiến Saigon, Tu Hội Nhà Chúa Saigon và Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa Biên Hòa ra Ðà Nẵng trông coi bệnh viện An Bình.

Con số linh mục địa phận chưa đầy 40 vị lúc Giáo Phận mới thành lập, đã tăng lên 117 vị vào năm 1975. Sau năm 1975, vì lý do mục vụ và thời cuộc, nên trong Ðịa Phận còn khoảng 50 linh mục. Ðức cố Giám Mục đã gởi rất nhiều linh mục đi du học nước ngoài. Ngài vẫn chủ trương mỗi phân ngành chuyên biệt như Giáo Luật, Luân Lý, Xã Hội, Thần Học, vân vân... ít nhất phải có 3 cha trong Ðịa Phận có cùng một loại bằng cấp, vừa để giúp nhau làm việc, vừa có người kế tục công việc, nếu chẳng may vị này qua đời đột ngột. 

Trong một dịp cấm phòng năm cho toàn thể linh mục địa phận, Ngài đã khuyến khích các cha dưới 40 tuổi, nên cố gắng xuất ngoại. Ngài nói: Nếu cha nào không có khả năng lấy thêm bằng cấp Ðạo, Ðời, thì ít ra có dịp quan sát tận mắt những tiến bộ của các nước Âu Mỹ, để có thêm kiến thức mà về phục vụ tốt cho Cộng đoàn dân Chúa và đồng bào trong nước. Chủ trương này của ngài đang tiến hành tốt đẹp thì biến cố năm 1975 xảy đến, nên chương trình này đành đình hoãn vô hạn định. Hiện nay có khoảng 15 linh mục Ðà Nẵng đang phục vụ ở nước ngoài, mà phần lớn là các Linh mục đi du học bị kẹt lại, sau biến cố 1975.

Sau năm 1975, Ngài vẫn tiếp tục cai quản Giáo phận trong hoàn cảnh mới cho đến ngày 11/7/1984 Ngài được đưa đi tạm cư tại Trà Kiệu cho đến ngày từ trần.

Ngoài những nhiệm vụ nặng nề, Ðức Cố Giám Mục Phêrô Maria còn viết nhiều cuốn sách giá trị về Pháp Luật và Kinh Thánh, trong đó có cuốn Phúc Âm Dẫn Giải bằng Việt ngữ dành cho những người muốn học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh. Hiện nay Dòng Ðồng Công tại Hoa Kỳ có cho tái bản cuốn sách giá trị này.

Ðiểm nổi bật nhất trong đời sống mục vụ của Ngài khiến những ai gần gũi Ngài đều rất dễ dàng nhận thấy, đó là luôn luôn đúng giờ và cố gắng trả lời mọi thư từ dù vắn dù dài của bất cứ ai gởi cho Ngài. Ngài hay nhắc vị quản lý của ngài rằng phải cố gắng trả lời mọi thư từ, giữ mọi liên lạc không phải chỉ vì phép lịch sự mà thôi, nhưng là để giao tế với nhau. Với 79 năm hiện hữu ở đời; Với 55 năm phục vụ Chúa và anh chị em, trong thiên chức linh mục; Với 38 năm trong chức vụ Giám Mục tại các Giáo Phận Bùi Chu, Qui Nhơn và Ðà Nẵng, trong đó có 4 năm an dưỡng tại Trà Kiệu, Ðức cố Giám Mục đã có quá nhiều công nghiệp trước mặt Chúa... 

Và cùng biết bao nhiêu ray rứt khổ đau Ngài đã phải chịu đựng, hy sinh, suốt hằng mấy chục năm trời trong thiên chức linh mục hiến tế và trong chức vụ giám mục chủ chăn. Công nghiệp của ngài thật lớn lao! Nhưng không phải vì vậy mà ngài không cần những lời cầu, những kinh nguyện, những Thánh lễ của con cái Ngài, để xin Chúa thương sớm đưa linh hồn Ngài về hưởng Nhan Thánh Chúa, bởi vì: “ Con người muôn thuở “vốn đầy dẫy những yếu đuối, bất toàn...

"Cây càng cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng càng dày gian lao."

Xin vì công nghiệp của Chúa Kitô trên Khổ Giá,
Xin vì những khổ đau, hy sinh, và trung tín của Ngài
Xin vì những hy sinh và lời cầu nguyện của những ai yêu mến Ngài
Chúa sớm đưa linh hồn Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria về nơi VĨNH PHÚC MUÔN ĐỜI.


THƯ ĐGM. PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI GỞI CHA LÊ NHƯ HẢO, HẠT TRƯỞNG HỘI AN

Trà Kiệu, ngày 28-7-1984

Kính gởi Cha Lê Như Hảo, Hạt trưởng Hạt Hội An.

Cha thân mến.

Tôi tới đây hôm nay đã gần 3 tuần lễ. Từ ngày 11/7/1984 tôi đã tới Trà Kiệu, tức là đã ở phần đất thuộc Hạt Cha. Lẽ ra tôi phải vào tận nơi hay viết thư cho Cha Hạt Trưởng để báo tin tôi ở trong phần đất thuộc quyền Cha. Nhưng Cha quá biết, sự đổi chỗ của tôi nó quá bất ngờ và dĩ nhiên là vội vàng, ở Đà Nẵng tôi cũng không kịp đi từ giã những chỗ cần từ giã !
Nay thì tôi đã định cư yên ổn ở đây, tôi nghĩ ngay đến việc viết thư cho Cha. Vừa được tin tôi về địa hạt Cha, Cha đã viết thư và cho đại diện đến thăm tôi, và còn gởi quà cho tôi. Tôi rất xúc động vì những cử chỉ ân ái... Xin thành thực cám ơn Cha.

Cha sở và chính quyền đã sắp xếp cho tôi ở nhà Cha đã xây; hơn nữa tôi dọn ngủ đêm ngay ở trong phòng mà những lần trước, khi Cha còn làm Cha sở Trà Kiệu, tôi đến kinh lý, hay có việc đến thăm Cha, bao nhiêu kỷ niệm và bao nhiêu công việc nó trở lại trong đầu óc tôi, sáng mở mắt ra thì thấy ngôi nhà thờ đồ sộ và các cơ sở do tài tháo vát của Cha đã tạo ra mà nay thì không thấy Cha nữa.! Cha không còn ở đây và những công việc Cha làm ra đã im lặng, nhưng người đã được tiếp xúc với Cha và còn theo dõi các công việc ấy vẫn còn nhớ rành rành, nhớ cả những đau khổ mà có khi chính tôi đã làm cho Cha. Tôi rất hối hận và xin lỗi Cha nếu Cha còn có điều gì không bằng lòng với tôi.

Cho đến bây giờ tôi sống thoải mái ở đây: ăn được, ngủ được, bệnh già thì không khỏi, nhưng các bệnh khác đi kèm có giảm đi được phần nào. Tuy Tòa Thánh chưa trả lời thư tôi báo cho Tòa Thánh là tôi đã hết nhiệm kỳ trách nhiệm Giám mục ngày 14-5-1983 (70 tuổi). Nhưng trong thực tế thì tôi đã trao cả cho Đức Cha phó dịp cấm phòng năm vừa rồi... Mong có... dịp gặp Cha để nói chuyện dài hơn!

Chào thăm Cha và giáo xứ Hội An.

(chữ ký)

(Ghi thêm): Cám ơn Cha nữa vì em B.q. Hoàng lại mới đem quà ra nữa. Cám ơn ông Ngọc nhiều.


Những tâm tình...

GIỜ PHÚT HẤP HỐI

Ngày 18 tháng Giêng dương lịch năm 1988 bệnh tình của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi trở nặng. Có thể vì ngày này nhắc nhở cho ngài bao nhiêu kỷ niệm quan trọng: Ngày các cha Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Hội An 18 tháng 01 năm 1615; Ngày mà Tòa Thánh thiết lập tân Giáo phận Đà Nẵng và đặt ngài làm Giám mục tiên khởi 18 tháng 01 năm 1963. Ngày hôm đó Giáo phận Đà Nẵng mừng ngân khánh 25 năm. 18.01.1963 - 18.01.1988. Ngày mà trong quá khứ ngài đã chủ tọa bao nhiêu thánh lễ đại trào và bao nhiêu lễ hội khác.

Từ khi về ở với cộng đồng Trà Kiệu, tháng 7 năm 1984, nhiều lần ngài đã lâm trọng bệnh, nhưng lần này, ngài rơi vào tình trạng hôn mê. Vào thời điểm ấy, các vị Giám mục miền Trung được giấy triệu tập tham dự một cuộc hội nghị tại Hà Nội. Thông thường, các vị ở xa như Quy Nhơn, Kon Tum dùng đường bộ, tập trung tại Đà Nẵng để lấy vé máy bay đi Hà Nội.

Ngày 21 tháng 01 năm 1988, các Đức cha Kon Tum, Quy Nhơn, Huế đã về Tòa Giám mục Đà Nẵng. Tại Trà Kiệu, cộng đồng và bà con Đức Cha hiện diện dự đoán ngài sẽ ra đi vào buổi sáng hôm đó. Mọi người vây quanh ngài, cầu nguyện và chờ đợi giờ phút Chúa rước ngài đi. Vào khoảng 11 giờ, có một anh công an yêu cầu gặp tôi (Antôn Nguyễn Trường Thăng), lúc đó là linh mục quản xứ. Anh bảo tôi: Sao không yêu cầu bệnh viện Duy Xuyên truyền oxy cho Giám mục. Tôi vội lấy xe Honda xuống bệnh viện Duy Xuyên cách nhà xứ khoảng hai cây số và trình bày ý kiến trên. Bệnh viện đã đáp ứng yêu cầu. Tôi tưởng bệnh viện sẽ chở bình oxy nặng bằng kim loại như thường thấy ở bệnh viện, nhưng một y tá chỉ mang đến hai bao oxy cỡ cái gối, chất liệu cao su. Khoảng 12 giờ, Đức Cha được truyền oxy bằng một ống su qua đường mũi. Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách cho người nhắn tin là khoảng một giờ chiều, các Đức Cha sẽ vào thăm Đức Cha già (lúc đó chưa có điện thoại). Sau khi dùng cơm trưa, các Đức Cha đã lên xe và đúng 13 giờ, các ngài có mặt bên giường Đức Cha già tại Trà Kiệu. Các Đức Cha hiện diện nói lên những tâm tình của họ đối với Đức cha Phêrô Maria. Đức Cha già mở mắt to, mắt đảo quanh, và thỉnh thoảng rướn mình như hiểu ý, mặc dù ngài không nói được và trên khóe mắt ngài những giọt nước mắt long lanh. Lúc đó tôi đứng sát đầu giường và "kêu Chúa", cha Giuse Cao Văn Cường, cha xứ Xuân Thạnh cầm thánh giá.

Sau này, khi xét lại các biến cố, tôi cho rằng đây là một "phép lạ" Thiên Chúa dành cho Đức Cha già. Tại sao có cuộc triệu tập hội nghị vào ngày này và tại sao hoãn lại vào phút cuối, đúng thời điểm đó? Tại sao có chuyện truyền oxy? Hai sự kiện trên xem ra tình cờ nhưng đều mang ý nghĩa: Không có giấy triệu tập, các Đức Giám mục miền Trung không thể có mặt bên giường hấp hối, không có mấy bình oxy đơn sơ có lẽ ngài đã ra đi trước 12 giờ. Bây giờ nhìn lại mấy tấm hình ghi lại giờ phút lâm chung của Đức Cha già, chúng ta thấy thật cảm động.

Ngày nay, một số các vị có mặt hôm đó đã được Chúa gọi về như Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, cha Gioan Baotixita Trần Ngọc Quỳnh, cha Điệp - Dòng Chúa Cứu Thế, cháu ruột Đức cha, ông cố Ngọc... Lúc đó tôi không nhìn đồng hồ nhưng ai đưa tin là 16 giờ 21 phút, tôi nghĩ là quá muộn. Khoảng thời gian các Đức Cha hiện diện bên giường cho đến khi Đức Cha về với Chúa không đến một tiếng đồng hồ. Theo như thông tin của bác Phạm Đình Khiêm, 14 giờ 25 là chính xác nhất. (Xem Một khuôn mặt lớn của Giáo hội Việt Nam, Westminster 1993, tr.58). Tôi có giữ giấy báo tử của ngài nhưng chưa tìm ra.

Sau khi Đức Cha qua đời, các vị Giám mục và cộng đoàn rước xác ngài ra nhà thờ "hầm" Trà Kiệu (ý nói tầng trệt) và sau đó thay lễ phục để giáo dân kính viếng.

Vào lúc 11 giờ 00 ngày 23 tháng 01 năm 1988, thánh lễ an táng được cử hành trọng thể tại sân nhà thờ Trà Kiệu với năm vị Giám mục đồng tế là Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục Đà Nẵng; Đức cha Huỳnh Đông Các, Giám mục Quy Nhơn; Đức cha Nguyễn Như Thể, Đức cha Phạm Văn Lộc, Đức cha Trần Thanh Chung và sự hiện diện của người bạn tâm giao là Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền.

Đức Cha Phêrô Maria theo tôi là một vị thánh.

Hội An, ngày 20 tháng 01 năm 2009
LM. Antôn Nguyễn Trường Thăng
Nguyên Quản xứ Trà Kiệu 1975-1989


LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC CỦA ĐỨC CHA P.M. PHẠM NGỌC CHI

Ngày 23/12/1983 là ngày Lễ Kim Khánh Linh mục của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Lẽ ra toàn Giáo phận sẽ long trọng tổ chức mừng lễ với Ngài, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, mọi sự hoàn toàn âm thầm, lặng lẽ... không kèn không trống.

Sáng hôm đó, một vài anh em CCS.LSQN.ĐN chúng tôi đã đánh liều qua Tòa Giám mục (ở Bắc Mỹ An) để thăm và mừng lễ Kim Khánh Linh mục của Ngài.

Khung cảnh Tòa Giám mục hoàn toàn vắng lặng, u buồn và hoang mạc. Bước qua những bậc cấp im lìm, lạnh lẽo... chúng tôi đến phòng khách Tòa Giám mục và chờ đợi.

Ít phút sau, trong vóc dáng khoan thai cố hữu, trang phục giản dị, Đức Cha đã hiện diện giữa chúng tôi; và chúng tôi chưa kịp mở lời chào mừng, thì Ngài đã ôn tồn nói ngay:

- Cha cám ơn các con, trong lúc này mà chúng con đến thăm Cha thật là quý giá.

Tiếp đó, chúng tôi mới trình thưa Đức Cha là nhớ ngày hôm nay kỷ niệm 50 năm Linh mục của Đức Cha, một ngày đặc biệt trọng đại... Nói đến đó, thì Đức Cha đã đáp ngay:

- Vanitas vanitatum et omnia vanitas - Thôi mọi chuyện đều là phù vân. Cha đã mừng lễ âm thầm lặng lẽ, nhưng lại rất thân tình với Chúa. Nhiều lúc hình thức bên ngoài làm ta không còn thì giờ để sống với Chúa. Cha mừng lễ kỷ niệm với Cha thư ký... nhưng lại rất sốt sắng và ý nghĩa. Đây cũng là cách thể hiện theo lòng xót thương của Chúa đối với Cha...

Chúng tôi tâm tình với Đức Cha độ nửa giờ thì xin phép cáo từ ra về vì sợ gây thêm phiền phức cho Ngài.

Ngài bảo chúng tôi đợi Ngài một chút.

Sau khi vào Văn phòng, Ngài trở ra và trao tặng cho chúng tôi một mẫu ảnh giấy để kỷ niệm Kim Khánh Linh mục của Ngài (hoàn cảnh này mà vẫn không quên tặng quà).

Nhìn mẫu ảnh kỷ niệm được in ấn đàng hoàng:

Chúng tôi vô cùng cảm động và bất ngờ. Không hiểu Ngài mới in hay in lâu rồi, vì lúc này dễ gì mà in được.

Mẫu ảnh kỷ niệm đơn sơ đó đã trở thành kỷ vật mà anh em chúng tôi đã trân trọng cất giữ mãi mãi.

Phạm Cảnh Đáng nhớ người Cha kính mến


MỘT LIỀU THUỐC QUÝ

Đầu năm 1963, tôi đang học lớp Đệ Nhị (bây giờ gọi là lớp 11) ở Tiểu Chủng viện Làng Sông, Quy Nhơn. Vì ham thích thể thao, đá bóng, tập tạ... có lẽ quá sức chịu đựng của cơ thể, cho nên bị bệnh. Tôi đi khám bệnh bác sĩ bảo là viêm phổi. Nghe bệnh phổi là thấy sợ rồi, nghĩ đến con vi trùng coke thấy rụng rời.

Trong lúc tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng, thì Đức Cha Chi đi hội Công đồng Vatican II về, và Ngài đến thăm Tiểu Chủng viện để kể lại một kỳ hội quan trọng, được tổ chức rất công phu, vĩ đại và hoành tráng.

Sau giờ gặp chung cả trường, Đức Cha có gặp riêng các chủng sinh gốc Quảng Nam - Đà Nẵng để thông báo về việc chia cắt Địa phận. Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ thành lập địa phận riêng - Địa phận Đà Nẵng - và Đức Cha sẽ về làm Giám mục Đà Nẵng, cho nên Ngài dặn dò, gởi gắm các chủng sinh ở lại cố gắng học hành để về giúp cho Giáo phận non trẻ. Trong dịp này, Ngài biết tôi đang bị bệnh viêm phổi, Ngài mới nói: "Đừng lo lắng gì hết. Cha sẽ cho con hai liều thuốc là hết hẳn".

Nói xong Ngài bảo thầy Hạnh (thầy giúp Đức Cha) đưa cartable cho Ngài. Ngài lục tìm và lấy ra hai ống thuốc tiêm nhỏ xíu chí có 1cc/1 ống, trên ống có in dòng chữ Anozochin và đưa cho tôi bảo:

- Đây là thuốc rất tốt của Đông Đức (lúc đó Đông Đức là nước XHCN). Con chỉ chích một ống và 6 tháng sau con mới được tiêm ống thứ hai.

Tôi nhận hai ống thuốc từ tay Đức Cha mà lòng vô cùng cảm kích và biết ơn.

Tôi nhìn kỹ hai ống thuốc nhỏ xíu, trên ống in dòng chữ lớn: Anozochin.

Và quả đúng như Ngài nói: Thuốc rất tốt, rất công hiệu. Tôi chích có một mũi mà thấy hiệu nghiệm như thần. Vì thế mà mũi còn lại tôi cho người bà con, cũng bị bệnh phổi, và người đó hiện nay vẫn còn sống, đã gần 90 tuổi rồi.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ngài, tôi muốn ghi lại những tâm tình này như một nén hương lòng dâng lên Ngài.

Duy Trà


MỘT KÝ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI

Một viên gạch nhỏ bé cho một bức tường trong một tòa nhà của một kiến trúc sư của một Giáo phận, trong một ký ức của một con người về một thời thơ ấu tại một chủng viện mang tên Làng Sông Quy Nhơn như sau:

Đó là năm đầu tiên tôi bước chân vào mái trường chủng viện. Năm học khởi sự được mấy tháng thì chủng viện rộn lên bầu khí sôi nổi về một lễ kỷ niệm gì đó, tôi không nhớ rõ. Và để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này, Ban Giám đốc Chủng viện tổ chức các cuộc thi cho các chú về nhiều mặt. Nào thi bóng chuyền, bóng bàn, nào bích báo, hội họa... Lớp Đệ Thất chúng tôi nhỏ nhất, nên môn bóng chuyền bị đặt ngoài sổ. Tôi cũng tham gia làm bích báo với anh bạn Võ Tá Khánh, tuy mới mấy tháng nhưng không hiểu sao hai chúng tôi lại rất ăn-rơ với nhau trong vụ này (và đặc biệt là vụ ăn trộm chuối sau này). Ngoài vụ bích báo ra, tôi còn tham gia thi vẽ nữa. Chính môn thi vẽ này mà tôi có được viên gạch nhỏ bé nói trên. Nhớ lại là tôi đã dự thi môn vẽ với bức ảnh Thánh Giuse bồng Chúa Giêsu, là bổn mạng của Chủng viện.

Sau đó, mọi việc như đang nằm trong im lặng và chờ đợi. Rồi ngày đại lễ cũng tới theo thời gian. Hôm ấy Đức Giám mục Giáo phận từ thị xã Quy Nhơn cùng gác công việc của Giáo phận lại, về vùng quê yên ắng, nơi Chủng viện tọa lạc, để dự lễ cùng với ban Giám đốc và các chủng sinh thân yêu, vì đối với Ngài, chủng viện là con ngươi của Giáo phận, như Ngài thường nói sau này.

Lễ đón tiếp Đức Giám mục được tổ chức rất là trang trọng: Ban Giám đốc Chủng viện và các cha giáo, thầy giáo đều chỉnh tề trong bộ chùng thâm truyền thống. Các chủng sinh thì trắng toát trong bộ đồng phục áo trắng với quần tây trắng và sandale nghiêm chỉnh, đứng hai hàng dọc theo con đường chính giữa, từ cổng vào tiền đường nhà nguyện. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy vị mà trước đây tôi chỉ nghe biết qua cái tên cao quý là "Đức Cha", hay "Đức Giám Mục". Ngài có dáng người hơi thấp, nhưng có phong thái của con người sang quý. Đặc biệt là nụ cười tươi vui trên khuôn mặt phúc hậu, bắt mắt, khiến tôi bị thuyết phục ngay. Sau lễ nghi đón tiếp, tất cả Chủng viện tụ tập lại trước mặt Ngài để nghe Ngài nói chuyện.

Tuy là một vị Giám mục vào thời ấy, thời thập niên 1960, nhưng Ngài nói chuyện với chủng sinh bé nhỏ rất là thân thiện và giản dị tự nhiên, không như tôi tưởng. Các chú lớp lớn nói chuyện với Ngài một cách rất là tự nhiên vui vẻ.

Sau đó, Ngài về phòng dành riêng cho Ngài, để nghỉ, còn chúng tôi thì được ra chơi thỏa thích. Nhóm thì chơi đàn ca hát, nhóm thì đọc truyện, nhóm thì chơi các môn thể thao...

Thằng-bé-con-tôi lúc đó đang mặc quần xà lỏn chơi bóng chuyền ngoài sân cỏ, thì anh Quang (cùng Giáo xứ và cùng cha bảo trợ với tôi, nhưng trước tôi hai lớp) từ sân chơi bên chú lớn, chạy qua gọi tôi: "Cường, Đức Cha gọi mày đó!".

Nghe vậy, tôi đâm hoảng, tôi hồi hộp, tôi băn khoăn. Tôi định chạy đi rửa ráy mang quần áo, để đi gặp ngài. Nhưng một số anh khác bảo là không cần phải như vậy. Thằng-bé-tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, chỉ biết làm theo. Đang khi cùng họ đi, thì một anh nào đó nói với tôi (mà cũng hình như anh Quang thì phải) rằng: "Mày không được thưởng nhưng mày được thưởng". Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, vì tôi cũng có dự thi kia mà ! Thật là khó hiểu.

Khi bước lên sân nhà chơi bên chú lớn, tôi thấy Đức Cha ngồi ở giữa, có vài thấy và một số khá đông chú lớp lớn vây chung quanh đang xem mấy bức tranh trên tay Đức Cha. Khi tôi được dẫn tới gần và được các anh giới thiệu với Đức Cha:

- Thưa Đức Cha, chú Cường đây, Đức Cha !

Đức Cha ngước mắt nhìn tôi với nụ cười trên môi, khiến tôi an tâm. Ngài vừa nhìn tôi vừa nhìn bức ảnh như để so sánh. Sau đó Ngài đưa bức ảnh học sinh của tôi, đã được ai đó vẽ to hơn cuốn vở, cho tôi xem và vừa cười vừa hỏi: "Có giống con không ?".

Tôi rất đỗi kinh ngạc về bức ảnh này. Bao nhiêu câu hỏi liên tục chạy ra trong đầu óc thằng-bé-tôi: Ai vẽ ? Ở đâu mà có bức ảnh này ? Cộng thêm nỗi bực mình về người đã vẽ bức ảnh này. Tôi không biết nói gì hơn là mỉm cười trả lời: "Dạ, giống !". Sau một hồi đứng tần ngần và nghe mấy anh lớn nói chung quanh "Giống ghê", Đức Cha ôn tồn bảo tôi: "Thôi, con ra chơi đi !".

Thế là tôi rút lui, đồng thời cũng được mấy anh lớn cho biết, đó là bức tranh được giải thưởng. Lúc này tôi mới hiểu câu "Mày không được thưởng, nhưng mày được thưởng". Cũng trong lúc này tôi biết được tác giả bức ảnh của tôi chính là một anh bạn cùng lớp, tên là Thăng. Không biết bây giờ anh ta đang ở đâu ? Lúc ấy, anh ta được giao nhiệm vụ thu ảnh của anh em trong lớp, rồi nộp cho văn phòng để làm thẻ học sinh. Hồi ấy, thẻ học sinh đối với chúng tôi rất quan trọng, vì được giảm nửa giá vé tàu lửa. Trong khi đang giữ ảnh các bạn, không hiểu sao anh chàng lại chọn ảnh của tôi để làm tác phẩm dự thi. Có phải anh chàng đã si tình không ? Không tự hào, nhưng hồi nhỏ tôi cũng tương đối dễ thương. Nhưng dù sao, lúc ấy và cũng khá lâu về sau, tôi vẫn bực tức anh bạn Thăng này. Giả như bây giờ gặp nhau lại thì tuyệt, vì tình huống đã đảo ngược rồi.

Trở về với con người bị Giám mục đầu tiên trong đời, tôi biết được: Ngài rất quý ơn gọi và rất yêu thương các chủng sinh lớn nhỏ. Xin đan cử:

1. Cuối năm lớp Đệ Nhất (lớp 12), Giáo phận Đà Nẵng chỉ còn ba anh em, Đức Cha muốn cả ba chúng tôi đi học Đại chủng viện Piô trên Đà Lạt. Xin được nhắc lại là hồi ấy phải là chủng sinh giỏi mới được theo học tại Đại chủng viện Piô trên Đà Lạt, và linh mục xuất thân từ đó cũng có giá hơn từ Xuân Bích, Huế. Nhưng cả ba anh em chúng tôi xin ra Huế. Ngài đồng ý ngay, và rất vui vẻ.

2. Khi tôi xin về, gặp Ngài tại Tòa Giám mục, để báo cho Ngài biết. Ngài rất buồn, nỗi buồn lộ rõ trên nét mặt. Ngài hỏi xem tôi dự định làm gì. Tôi cho ngài biết là sẽ đi đầu quân sĩ quan cảnh sát hay sĩ quan Đà Lạt. Nhưng Ngài hỏi tôi:

- Tại sao con không đi học đại học ?
- Thưa Đức Cha, không được, vì phải đi quân dịch.
- Con cứ học đại học đi. Đức Cha sẽ lo giấy hoãn dịch cho.
- Dạ, nếu được vậy thì con sẽ học đại học.

3. Sau biến cố 1975, tôi xin gia nhập Đại Chủng viện Quy Nhơn và sau đó có về Đà Nẵng thăm gia đình và thăm Ngài. Ngài nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: "Sao thầy không về Đà Nẵng ?". Ngẫm nghĩ một lúc rồi Ngài tiếp: "Nhưng mà khi nào thầy về đây, Giáo phận cũng sẵn sàng đón nhận".

Ngài thật là một vị Giám mục quý trọng ơn gọi linh mục và yêu quý chủng sinh như Ngài thường nói trong các cuộc tiếp xúc với chủng sinh rằng: "Chủng viện là con người của Giám mục".

Đình Cường
Mùa Phục Sinh 2009

Anh em Cựu Chủng Sinh LSQN-Đà Nẵng
VietCatholic News