Cảm Nghiệm Sự Đợi Chờ: Phỏng vấn Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội

BBT: Nhân Ngày Quốc Tế Đời Tận Hiến 02-02-2009, Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội đã gửi đến Website Hội đồng Giám mục (WHĐ) bài trả lời phỏng vấn của phóng viên WHĐ với nhan đề CẢM NGHIỆM SỰ ĐỢI CHỜ. Ban Biên tập xin chân thành cảm ơn Đức cha Laurensô đã nhận trả lời phỏng vấn của WHĐ và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả, đặc biệt các chủng sinh và ứng sinh, bài CẢM NGHIỆM SỰ ĐỢI CHỜ của Đức cha Laurensô. 

PV: Xin Đức cha chia sẻ với độc giả của WHĐ những cảm nhận về thời gian âm thầm chờ đợi được Chúa gọi đến lãnh tác vụ linh mục? Nhân Ngày Quốc Tế Đời Tận Hiến (2-2), chắc Đức cha cũng có nhiều điều muốn nói với các chủng sinh và những thanh niên đang có ý định dâng mình cho Chúa trong sứ vụ linh mục? 

Đức cha Laurensô Chu Văn Minh:  Sau năm 1954, nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền Bắc Nam . Khi ấy, hai phần ba số linh mục của Giáo phận Hà nội đã di cư vào Nam, số còn lại chưa đầy sáu mươi linh mục. Trong số đó, phần lớn là những linh mục cao tuổi, chỉ có khoảng chục linh mục trẻ ở lứa tuổi ba lăm bốn mươi, phải phục vụ một trăm ba mươi lăm giáo xứ với gần năm trăm nhà thờ. 

Năm 1955, khi thấy số các linh mục trong Giáo phận quá ít ỏi, Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê gấp rút mở Tiểu chủng viện Thánh Gioan dưới quyền điều hành của cha già Lợi. Một năm sau ngày Tiểu chủng viện Gioan mở cửa, cha Phaolô Phạm Đình Tụng, một linh mục 36 tuổi, năng động được chọn làm Giám đốc. Ban giáo sư gồm có cha Chính Vinh, cha Oánh, cha Thông, thày Sang và một số cha người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris cùng tham gia công việc huấn luyện. Tuy nhiên, đến năm 1958, các cha thuộc Hội Thừa sai bị trục xuất khỏi miền Bắc.

Sự kiện chẳng lành xảy ra vào năm 1960, khi Ban giám đốc Tiểu chủng viện không chấp nhận giáo viên nhà nước vào dạy chính trị trong trường, vì thế nhà nước đã buộc Chủng viện phải đóng cửa. Tất cả 185 chủng sinh phải về sống tại gia đình. Khi ấy, nhiều người cho rằng, trong một tương lai gần, Chủng viện sẽ được mở cửa trở lại, nhưng rồi chờ mãi không thấy ngày ấy đến. Nhìn thấy tương lai mù mịt, không biết đến bao giờ mới được trở lại trường, nên ai nấy đều phải tìm kế sinh nhai trong thời gian chờ đợi.

Lúc ấy, các chủng sinh miền Nam Định được chia ra làm hai, lớp nhỏ gồm bốn người được cha Phaolô Lê Đắc Trọng, nguyên hiệu trưởng trường Lê Bảo Tịnh chăm sóc hướng dẫn, và lớp lớn cũng gồm bốn người đến với cha chính Đinh Lưu Nhân, nguyên Giám đốc Chủng viện Piô. Cha Nhân đã từng du học tại Paris 19 năm với bốn bằng thạc sĩ : văn chương, khoa học, triết học, thần học. Tuy xuất thân từ gia đình giàu có, nhưng cha Nhân có lối sống khó nghèo, bình dị, yêu thương mọi người. Ngài còn đặc biệt yêu thương, tận tình chăm sóc và nêu gương đạo đức thánh thiện cho các chủng sinh. Ảnh hưởng của ngài đối với chủng sinh chúng tôi thật lớn lao và sâu đậm. Chúng tôi theo học triết học, thần học với ngài mỗi tuần ba buổi, và cứ như vậy trong suốt sáu năm trời, từ năm 1961 đến năm 1967. Ban đầu, lớp học có bốn người, nhưng sau hai năm chỉ còn lại hai người. Vào tháng ba năm 1967, ngài từ trần vì bom của máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh leo thang của không lực Mỹ tại miền Bắc. Vào thời gian này, chúng tôi cũng đã học gần xong cuốn Luân lý cuối cùng của Đức cha Thịnh. Như thế có thể coi như tạm xong chương trình.

Trong thời gian này, ngoài việc học tập một cách kín đáo, mỗi chúng tôi vẫn phải đi lao động kiếm sống. Những anh em ở nông thôn thì làm ruộng, đánh cá, còn tôi ở thành phố thì gặp nhiều khó khăn hơn. Vì bố làm chánh trương xứ, gia đình tư sản thuộc thành phần cải tạo, bản thân tôi lại học trường mà người đời gọi là “trường cố đạo”, là “trường phản động,” nên không được nhận vào làm việc ở bất cứ cơ quan nào. Vì vậy, tôi đành phải làm nghề cắt tóc, nghề lao động chân tay để sinh sống. Nghề này không cần phải qua trường lớp, cũng chẳng thuộc cơ quan nhà nước nào, nhưng nằm dưới quyền tổ chức của Hợp tác xã. 

Suốt 20 năm hành nghề, từ năm 1960 đến 1980, thì 16 năm đầu, tuy tôi có đóng thuế đầy đủ, song tôi không được cấp giấy phép kinh doanh. Vì không được chính thức công nhận hành nghề, nên tôi thường bị xua đuổi, nay đây mai đó, lúc đầu đường, khi xó chợ, nơi làm việc không ổn định. Chỉ 4 năm cuối cùng, tôi mới được chính thức công nhận là xã viên cắt tóc và được cấp giấy kinh doanh hành nghề, và được làm chung trong một cửa hàng phục vụ trong nhà.

Năm 1980, cụ thân sinh qua đời, tôi ở nhà và làm nghề bán thuốc đông y, vì đó là nghề thuốc gia truyền. Ông cụ tôi vốn là lương y nổi tiếng, được quốc trưởng Bảo Đại cấp bằng Nam Bắc Dược Sư. Tuy bị gạt bỏ bên lề xã hội, bị phân biệt đối xử, tôi không nản chí, nhưng tìm mọi cách để tiếp tục học tập trau dồi kiến thức và gìn giữ ơn gọi.

Tôi có cái thú thích xem truyện, xem sách, thời gian đi làm mỗi ngày là 8 giờ, nhưng phục vụ khách thường chỉ chiếm 4 giờ, còn 4 giờ rảnh, tôi tranh thủ xem sách. Hàng tuần tôi vào thư viện thành phố mượn sách, mỗi tuần 2 cuốn, đều đều như thế suốt mấy chục năm, sau thành thói quen, lúc nào rảnh rỗi tôi lại xem sách. Trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân phải sơ tán ra khỏi thành phố, còn một mình tôi ở nhà, khi ăn cơm cũng xem sách, thôi thì đủ loại sách, nhất là những sách văn học cổ kim, đông tây, thi ca, văn chương, các tác phẩm cổ điển, các sách khoa học nghệ thuật thường thức như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, các chuyên khoa như tổ chức, tâm lý, giáo dục v.v... tất cả những gì tôi thấy là có ích cho tác vụ linh mục sau này. 

Nhờ đó kiến thức của tôi cũng được mở mang thêm. Học qua sách vở, học trong trường đời, như Maxim Gorky gọi đời là trường đại học của ông. Học bằng cách quan sát, nhận xét, tìm nguyên tắc, rút ra kinh nghiệm. Điều thiết yếu trong cuộc sống là phải luôn sẵn sàng làm một người học trò và phải biết học hỏi ngay từ những điều bình thường, từ những con người giản dị nhất, vì trường đời rất phong phú, đa dạng miễn là ta biết học hỏi, tìm hiểu, phân tích và tiếp thu.

Khi làm nghề cắt tóc, hàng ngày phải tiếp xúc với con người, thuộc mọi lứa tuổi già trẻ, lớn bé, mọi thành phần, đủ mọi hạng người, cán bộ, dân thường, người trí thức, dân lao động, người lương thiện, hạng lưu manh, người giàu có, giới trung lưu, dân nghèo, người hành khất thôi thì đủ cả. Nhờ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò với nhiều loại người như thế, nên có thể nói: con người không xa lạ đối với tôi. Tôi cảm thấy gần gũi con người hơn, hiểu biết con người hơn, biết họ suy nghĩ gì, yêu gì, ghét gì, muốn gì, hy vọng gì… đó là cái kho báu cho công việc mục vụ sau này của linh mục để có thể tiếp cận họ, thuyết phục họ và cải hóa họ.

Vào thời kỳ khó khăn đó linh mục thường không được phép có người giúp việc, đơn thương độc mã một mình phục vụ giáo xứ, làm tất tật mọi việc, từ cử hành các bí tích trong nhà thờ, dọn bàn thờ, kéo chuông, quét sân, đến những việc trong nhà xứ như tiếp khách, đi chợ, nấu cơm v.v.., nên tôi quan niệm linh mục thời đại là phải biết làm hết mọi việc, tự lực cánh sinh, cho nên đã chuẩn bị cho mình có thể tự sống trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Về việc đạo đức, hàng ngày tôi đi nhà thờ sớm chiều, sáng lễ, chiều chầu, tham gia thường xuyên, dù tạnh nắng, mưa gió, đường phố ngập lụt cũng lội đi, có khi đến nhà thờ chỉ có vài người, ít người quá phải đọc kinh riêng, thậm chí có hôm trời mưa bão, đến thì nhà thờ đóng cửa vì không có ai. Xem sách đạo đức, Thánh Kinh. Hàng tháng có tĩnh tâm đều đều.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi phải làm công việc gì khác thường, tôi luôn xin Chúa soi sáng, khi tiếp xúc với ai, đều nhắc nhớ rằng mình là chủng sinh, với cương vị đó mình phải xử sự thế nào cho xứng đáng.

Thời đó trường phổ thông của nhà nước dạy văn hóa đồng thời cũng dạy học thuyết Mác-xít, ông cụ tôi sợ con cái bị tiêm nhiễm học thuyết vô thần, mất đạo nên gửi cả ba anh em tôi lên Hà Nội học. Hai anh em trai, tôi mười bốn tuổi, em tôi mười một tuổi vào học tiểu chủng viện Gioan, còn cô em gái bảy tuổi vào tu viện Thánh Mẫu, sau này hai em về đời, chỉ còn mình tôi tu trì.

Lúc đầu, tôi vào chủng viện chỉ để học văn hóa, đâu biết là trường đào tạo linh mục, nhưng qua các chương trình học, qua những buổi huấn dụ của cha Giám đốc, dần dần tôi thấy ý nghĩa cao đẹp của sứ vụ linh mục, nhận ra ơn gọi của mình, nên tôi đã quyết tâm bước theo, và theo đến cùng.

Tiểu chủng viện thánh Gioan bị đóng cửa năm 1960, đến năm 1973, con số linh mục thiếu nghiêm trọng, cả giáo phận chỉ còn khoảng 25 linh mục già yếu, vì suốt 19 năm không có Đại chủng viện để đào tạo linh mục, trừ một trường hợp đặc biệt của cha Sang. Vì Hà Nội là thủ đô, là bộ mặt cả nước, nên nhà nước cũng phải lưu tâm đến dư luận thế giới, không thể để sinh hoạt tôn giáo tàn lụi hẳn được, nên thời đó nhà nước mới cho phép chín cựu chủng sinh Gioan về học và chịu chức linh mục năm 1977. Sau đó thi thoảng vì quá thiếu linh mục, nhà nước lại cho một số thầy giảng cao tuổi về thụ huấn mấy năm rồi cho thụ phong linh mục. Chính quyền nói với Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn nên chọn những chủng sinh mới, còn những cựu chủng sinh thì loại bỏ hẳn vì những người đó chịu ảnh hưởng của chính quyền cũ, ảnh hưởng của các cha thừa sai Pháp. Các Đấng bề trên tuy vẫn thương chúng tôi, nhưng không thể làm gì hơn. Nhà nước cũng nói thẳng với chúng tôi rằng không bao giờ để chúng tôi thụ phong linh mục!

Thời kỳ này ở các giáo phận chung quanh như Hưng Hóa, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, các Giám mục thường truyền chức linh mục cách kín đáo, chỉ trừ Hà Nội, vì Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê và Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn không muốn thế. Vì thế, chúng tôi đành phải âm thầm sống ơn gọi của mình.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi đợi chờ, dường như bất cứ lúc nào chúng ta cũng như đang đợi chờ một điều gì đó. Chúng ta chờ nghe tin một tin gì đến, hoặc vui, hoặc buồn. Chúng ta chờ đến ngày ra trường hoặc một chuyến đi xa. Chúng ta chờ một quyết định nào đó. Chúng ta chờ ai đó thay đổi ý kiến v.v... Mỗi ngày mang đến cho chúng ta bao cơ hội đợi chờ. Dù muốn hay không ta cũng vẫn phải đợi chờ. Vì đã xác định ơn gọi cao đẹp của mình, nhận ra tiếng Chúa gọi, nên chúng tôi quyết theo, quyết chờ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, với cái nhìn lạc quan dưới lăng kính mầu hồng, thì vẫn có một chút hy vọng, tôi thường nói: một phần nghìn tia hy vọng, hy vọng rằng đến một lúc nào đó thời thế sẽ khác đi, hoàn cảnh sẽ dễ dàng hơn, một ngày kia mình sẽ được trở lại Chủng viện. Dù thế nào đi nữa thì vẫn là hy vọng!

Với cái nhìn bi quan, qua lăng kính đen tối, nếu thời cuộc ngày càng khó khăn hơn, đạo càng bị o ép, những chủng sinh có khả năng càng ít, số linh mục ngày càng hiếm, thì những người tương đối được học hành và hiểu biết về đạo như mình lại càng hữu ích cho Giáo hội hơn, Giáo hội càng cần đến những người như mình hơn, do đó mình càng phải kiên trì mà sống mà phục vụ cho Giáo hội hơn.

Hồi còn nhỏ, anh em chúng tôi thích chơi trồng cây. Ở thành phố không có vườn đất, chúng tôi lấy một cái bát con cho đất vào, pha tro, rồi lấy một củ hành khô để trồng, ngày nào cũng chăm tưới nước, chăm sóc hết mực. Vì sân nhỏ, ánh sáng mặt trời chiếu ít, thấy người lớn nói, muốn cây mau lớn cần nhiều ánh mặt trời, nên luôn tìm cách xê cái bát trồng hành di chuyển đến những nơi có ánh sáng nhiều nhất, cho cây mau lớn. Vài ngày lại bới lên xem củ hành đã bén rễ chưa, ngày nào cũng đem so sánh cây hành của mình với cây của anh em khác xem cao thấp, nếu cây thấp hơn, thì cầm cây kéo lên cao bằng của người khác cho khỏi bị thua kém. Nhưng chính vì sốt nổi quá, vì lay động nhiều nên cây bị long rễ, chẳng những không lớn nhanh, mà hành còn bị chết nữa. Sau khôn hơn, thi thì thi, mong thì mong, song cũng phải biết kiên nhẫn, biết đợi chờ thì mới thành công được, đâu cứ vội vàng, đốc thúc, muốn mau chóng mà được!

Hãy sống tốt giờ phút hiện tại để tiến đến tương lai. Học cách đợi chờ, tập tính kiên nhẫn sẽ giúp ta giữ được tính bình tĩnh khi phải đợi chờ một điều gì đó. Xưa Trần Bình, tể tướng của Hán Cao Tổ khi còn hàn vi, làm nghề hàng thịt, người ta khen ông thái thịt, chia cỗ rất đều, chính xác, ông cười, nói đó là nghề của ông. Sau này có làm quan, phân công chia việc cũng công bằng, chính xác như thế. Tuy ông có tài kinh bang tế thế, nhưng trong hoàn cảnh bán thịt thì cứ làm cho tốt việc bán thịt đi, bất cứ trong tình huống nào cũng làm tròn công việc của mình.

Kiên nhẫn là một chuyện, còn phải nhẫn nhịn, thậm chí còn phải nhẫn nhục nữa. Như Hàn Tín, một mãnh tướng của Hán Cao Tổ, sau này làm đến Triệu Vương, thuở hàn vi xin ăn ở chợ, gặp anh hàng thịt khinh mạn, và bị hắn thóa mạ là thân nam tử, sức dài, vai rộng, mang kiếm sắc mà không nuôi nổi mình, phải xin ăn. Rồi hắn còn thách thức, nếu giỏi hãy rút gươm giết hắn đi, nếu không dám hãy chui qua trôn hắn. Hàn Tín đã nuốt nhục luồn qua trôn của anh hàng thịt mà đi, để khỏi hỏng chí lớn.

Nhưng đợi điều gì? Chờ bao lâu là đủ lại là vấn đề! Hoa nào không tàn, tiệc nào không tan, tình nào không phôi phai? Ở ngoài đời vài ba năm là lâu rồi. Trong bài hát Cô lái đò, khi đợi mãi người yêu, có câu: “…Xuân này đến như đã ba xuân, đóm lửa tình yêu tắt nguội dần. Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông, cô lái đò kia đi lấy chồng!” Truyền thuyết Việt Nam về đá Vọng phu kể người phụ nữ ôm con đứng ngóng chồng, nhưng người chinh phu chẳng bao giờ trở về, người phụ nữ cứ đợi, đợi mãi sau hóa thành đá đứng sững giữa đất trời, thi gan cùng gió mưa, năm tháng. Tuy không gặp được chồng, nhưng cũng tỏ cho thiên hạ thấy lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ Việt Nam .

Còn phần chúng ta, phải đợi Chúa bao lâu là đủ, năm năm, mười năm ư ? Chưa! Mười lăm năm, hai mươi năm ư ? Chưa! Chúa nói “ Phúc cho ai bền đỗ đến cùng!” Thời gian chờ đợi có thể ngắn dài khác nhau. Đối với mỗi người, cụ thể là bao lâu, chỉ có Chúa mới biết. Trong anh em chúng tôi có những người theo đuổi ơn gọi, đợi chờ lâu năm, thậm chí có người đã kiên trì hơn 20 năm, tới năm thứ 27 thì bỏ cuộc. Nhóm 6 người chúng tôi, những cựu chủng sinh cuối cùng của Tiểu chủng viện thánh Gioan xưa, thì đợi chờ 32 năm ở ngoài đời, nhưng 3 người trong bọn tôi, trong 32 năm đó còn trải qua những năm dài bị giam cầm trong trại cải tạo, như cha Nghị 9 năm rưỡi, cha Đài 13 năm, cha Hiển 19 năm, với một lý do nghe ra thật kỳ cục, không chịu lấy vợ, cứ muốn tu trì làm linh mục. 

Khi Liên xô sụp đổ, đất nước ta đến thời kỳ mở cửa, chính sách tôn giáo đổi mới. Giữa năm 1992, sáu cựu chủng sinh chúng tôi mới được về thụ huấn 2 năm ở Đại chủng viện thánh Giuse Hà nội. Năm 1994 được thụ phong linh mục do Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, nguyên Giám đốc Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan xưa. Trong bầu khí linh thiêng ngày lễ đó, cả vị chủ tế, lẫn những người thụ phong đều nước mắt tràn mi, xúc động khôn xiết, vì cả thầy trò, cha con đều đã được Chúa thương nhậm lời sau gần 40 năm khấn nguyện, đợi chờ.

Có nhiều cách đợi chờ: chờ cách thụ động, tiêu cực, chờ một cái gì nó đến mà cứ ngồi rỗi, không làm gì, không góp phần nào cho việc nó đến, hoặc đợi chờ cách năng động, tích cực, tận dụng những cơ hội hiện tại, để phát triển và thu lượm những hiểu biết, kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện trong tương lai những điều ước mong .

Trên đời này có nhiều thứ đáng để ta phải chờ đợi. Đối với chúng tôi, đó là thiên chức linh mục. Mong có ngày bước đến bàn thánh để tế lễ Thiên Chúa, đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Đó là lý tưởng và ý nghĩa của đời chúng tôi, cho dù phải bỏ ra bao công sức, thời gian, bao cố gắng hy sinh cũng không quản.

Từ năm 1956 khi vào Tiểu chủng viện Gioan đến năm 1992 khi trở lại Đại chủng viện Giuse và thụ phong linh mục năm 1994, suốt 38 năm ngày nào cũng như ngày nào, khi đọc kinh sáng và đọc kinh tắt lửa, tôi hằng nguyện xin Chúa và Đức Mẹ bảo vệ, phù trì tôi được giữ ơn gọi linh mục, cho tôi làm linh mục, tôi chưa hề xin được làm chức vụ nào khác. Cuối cùng, Chúa đã nhậm lời tôi khẩn nguyện khi Ngài nâng tôi lên chức linh mục. Hơn nữa, Chúa còn cho tôi đi tu học ở Rôma. Nay phải đảm nhiệm những chức vụ khác nhau trong giáo phận, bây giờ tôi chỉ xin Chúa giúp làm tròn trách nhiệm Chúa và Giáo hội trao phó.

Có người hỏi tôi sao có thể gìn giữ và trung thành với ơn gọi linh mục lâu thế?

- Trước tiên phải trả lời: Tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa, Chúa cao cả toàn năng, ta thấp hèn bé mọn, nếu không có Chúa, ta chẳng thể làm gì được. Thiên Chúa là vua lịch sử, mọi biến cố dòng đời đều trong tay quyền phép của Người, loài người không thể chống cưỡng, thay đổi được chương trình của Chúa, tất cả đều do sự quan phòng tốt lành của Thiên Chúa. Chúa thương yêu ta từ thuở đời đời, mọi sự đều bởi ơn Chúa mà ra, như thánh Phaolô dạy:

“Thiên Chúa làm cho mọi sự để sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28). “Những ai Thiên Chúa tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm nên công chính; những ai Người đã làm nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,30). Thiên Chúa toàn năng, đối với Ngài, không gì là không có thể. Phần ta, ta cũng phải góp phần, nhưng phần đó rất nhỏ nhoi, việc đó chỉ là ta xin vâng, mở rộng tâm hồn ra thi hành theo thánh ý Chúa, còn bao nhiêu Chúa bù. Người sẽ ban cho ta ân phúc, khả năng để ta hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó cho ta.

Ở đời có nhiều cái lo, cái đầu tiên là lo kiếm sống, mà Chúa đã nói đừng lo ăn gì, mặc gì, vì chim trời, hoa đồng nội còn được Chúa nuôi dưỡng huống chi ta. Vả lại trong những thời kỳ khó khăn, tôi sống quen rồi nên nhu cầu sống không nhiều, ăn gì cũng ngon, mặc gì cũng được, ngủ đâu cũng xong. Nên tôi vẫn hát câu: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

Những lúc phải đối mặt tra khảo, tuy phải dự phòng trước phải đối phó thế nào đây, lo thì lo, nhưng phải cầu nguyện và phó thác cho tay quyền năng của Chúa, vì Chúa đã phán: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì” (Mt 10,19).

Khi gặp thử thách sóng gió bão tố cuộc đời, và giữa những trận bom đạn ngày đêm suốt 6 năm trong cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ tại miền Bắc, tuy nhà của tôi bị hư hại nhiều nhưng bản thân không hề hấn gì, tôi vẫn an bình phó thác và tin tưởng vào Chúa vì Ngài đã phán: “Can đảm lên! Thầy đây! Đừng sợ”.

Những lúc gặp thử thách thấy thời gian đợi chờ quá dài lâu, thì tôi lại nhớ đến tích thánh Alêxu thuở xưa trong vè của Cụ Sáu. Alêxu vốn thuộc dòng dõi quý phái, nhưng đã tự nguyện bỏ nhà ra đi tu trì mười sáu năm, rồi trở về nhà sống ẩn dật khó nghèo mười sáu năm dưới gầm cầu thang để nên thánh, cuộc sống mình hiện nay đã thấm vào đâu so với ông. Cả đến Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, khi nhập thể xuống cứu độ trần gian, còn sống âm thầm tại Nazareth ba mươi năm trước khi công khai rao giảng Tin mừng.

Những lúc cảm thấy bị hiểu lầm, vu oan lại nghĩ đến Chúa Giêsu, Người là Đấng cực thánh mà còn bị kết án tội đồ, bị khạc nhổ vào mặt, bị giật tóc và râu, bị đánh đòn, chịu đóng đanh, chết khổ nhục trên thập giá, Chúa còn chịu thế, huống chi mình là kẻ phàm hèn tội lỗi, những đau khổ của mình đã là gì, thật nhỏ nhoi so với Chúa.

Tôi đã dám chấp nhận cái gì tồi tệ nhất, dám mất hết, song cái tệ nhất thường là không xảy đến, nên trong thực tế cho dù cái gì có xảy ra mình cũng chịu được.

- Thứ hai: Ý thức được rằng Giáo hội cần đến ta. Giáo hội là đền thờ Chúa Thánh Thần, được xây bằng những viên đá sống động là mỗi người chúng ta, chúng ta là những cánh tay nối dài của Giáo hội. Trong thời kỳ khó khăn, Giáo hội cần những người tín hữu kiên trung làm chứng nhân cho đức tin, càng khó, càng hiếm, thì càng cần hơn. Tự xét bản thân, thấy mình được Giáo hội nuôi dưỡng, dạy dỗ, mình phải biết ơn và báo đáp nghĩa tình đó, không nên phụ tấm lòng tin tưởng và mong đợi của Giáo hội đặt ở nơi mình.  

- Thứ ba: Nơi nào có đàn áp, nơi ấy có đấu tranh.

Là người, ta phải biết tự trọng, lý tưởng của ta là chính đáng, tốt đẹp, cần thiết mà người ta xâm phạm đến quyền con người của ta, tự do của ta, o ép, cấm đoán, bắt chúng ta từ bỏ ý nghĩa của đời mình, dùng quyền lực nhằm bẻ gẫy ý chí của ta, thì nhất định không chịu. Dù họ có thể hành hạ thể xác, nhưng tâm hồn ta vẫn kiên vững, họ càng áp chế, ta càng phải đứng vững hơn, kiên trì hơn, để họ thấy là không thể dùng cường quyền mà áp đảo công lý. Vì Chúa đã phán: “ Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác” (Mt 10,28). Gắng làm sao sống xứng là chứng nhân cho đức tin, xứng là môn đệ của Đức Ki tô.

Tóm lại:

Dâng hiến đời mình để làm vinh danh Thiên Chúa, rao giảng Tin Mừng để mở mang Nước Chúa, xây dựng Giáo hội giữa trần gian.

Nhận ra lý tưởng linh mục của mình là cao đẹp, gắng học tập, tu luyện để tiến tới mục đích đó bằng mọi cách, trong mọi hoàn cảnh, càng khó khăn gian khổ, càng phải cố vượt qua, lợi dụng những thử thách hy sinh trong giờ phút hiện tại để rèn luyện mình cho trưởng thành hơn.

Tuy thế vẫn phải nắm chắc lấy hiện tại, sống trong giờ phút hiện tại, làm tốt những gì ta có thể, tìm những cái hay, cái tốt mà tiếp thu, nhớ những gì không hay để xa lánh, luôn hy vọng hướng về tương lai, như thế mỗi ngày ta vẫn tiệm tiến đến gần mục đích của mình hơn.

Bớt ham muốn tiền tài, danh vọng, quyền thế, ít tham vọng thì đỡ thất vọng. Ít nghĩ đến mình, nghĩ nhiều đến tha nhân.

Phó thác mọi sự trong bàn tay quyền phép của Chúa quan phòng, tin tưởng vào lòng từ bi xót thương của Chúa, vì Người luôn muốn và làm điều tốt cho con cái của Người và có thể rút điều tốt ra từ cái xấu. Hãy trông cậy vào Chúa, Người sẽ ban cho chúng ta bội hậu hơn cả những điều ta ước mong. Vì như Chúa dạy:

“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ cho thêm”.

PV: Những kinh nghiệm của một Giáo sư và Giám Đốc Đại chủng viện sẽ giúp Đức cha những gì trong nhiệm vụ của một Giám Mục?

Đức cha Laurensô Chu Văn Minh: Giáo phận là một cộng đồng các tín hữu được giao phó cho sự chăm sóc của một Giám mục với sự cộng tác của hàng linh mục. Do đó, ta thấy giữa Giám mục và linh mục đoàn có một sự hiệp thông do chức linh mục thừa tác là cùng tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô dầu theo cấp độ khác nhau. Vì thế, linh mục là những cộng sự viên gần gũi nhất trong thừa tác vụ của Giám mục.

Tôi đã sống ở đời như một người tín hữu 50 năm, trải qua các lứa tuổi thiếu niên, thanh niên, trung niên và đứng tuổi, trong những lúc hoàn cảnh khó khăn cũng như thuận lợi, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Nhờ đó tôi có thể hiểu được giáo dân quan niệm thế nào về linh mục và những điều họ trông mong ở hàng giáo sĩ.

Trong nhiều năm, với vai trò là người phụ trách các ứng sinh, và những năm gần đây với cương vị là giáo sư và giám đốc Đại Chủng Viện, thì các chủng sinh - linh mục tương lai là đối tượng chính tôi phải quan tâm chăm sóc. Nay là Giám mục, tôi phải quan tâm đến cả các linh mục đã ra trường. Vậy trách nhiệm tôi là phải đào luyện các linh mục thế nào để thành những linh mục như lòng Chúa và Giáo hội ước mong và đáp ứng được những kỳ vọng mà giáo dân đặt nơi các ngài.

Chúng ta biết rằng việc đào tạo linh mục toàn vẹn là một tiến trình biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Mục tử. Với bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, tiến trình này được thực hiện một cách tiệm tiến qua 3 giai đoạn: trước Chủng viện, tại Chủng viện và sau Chủng viện.

Vai trò của Giáo sư

Các Giáo sư tại Đại Chủng Viện không phải chỉ dừng lại ở chỗ trình bày, thông truyền cho chủng sinh những lý thuyết mà còn phải chia sẻ cả những kinh nghiệm tâm linh, những ứng dụng lý thuyết thánh kinh, triết học, thần học và cuộc sống.

Để giúp các linh mục tương lai có được những tâm tình, thái độ cư xử như Chúa Giêsu mục tử, và để họ có thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, Giáo sư phải là người giúp họ hiểu biết về Thiên Chúa, về con người, về vũ trụ, về xã hội một cách tốt nhất bao nhiêu có thể. Điều khác biệt quan trọng và căn bản giữa Chủng viện và những trường đào tạo cán bộ chuyên môn khác là: trong khi các trường đào tạo chuyên môn nhằm trước hết đào tạo những kỹ năng, thì tại các Đại Chủng Viện, các chủng sinh được đào tạo nên đồng dạng đồng hình với Đức Kitô, rồi trên nền tảng đó mới đào tạo những khả năng thích hợp của người mục tử tốt lành. Nhiệm vụ của các giáo sư thần học còn là thăng tiến đức tin, khơi dậy và thông truyền nhận thức đức tin và là chứng nhân đức tin nhân danh Chúa và Giáo Hội.

Ngoài một nền học vấn vững chắc, khả năng về tâm lý, sư phạm để hướng dẫn và giúp các chủng sinh trong đời sống học tập, nghiên cứu, các Giáo sư phải có đời sống nội tâm kết hợp sâu xa với Thiên Chúa và lòng yêu mến Giáo Hội.

Một điều không thể thiếu là có những đặc tính cần thiết của một người thầy, một người hướng dẫn ân cần và kiên quyết, thanh thản và dứt khoát, giáo sư còn phải là người anh quảng đại, người bạn đồng hành đầy yêu thương, nhẫn nại dẫn dắt những người trẻ tiến lên trên con đường hoàn thiện và phải là tấm gương cho chủng sinh noi theo.

Vai trò Giám đốc

Giám đốc là người có trách nhiệm chính trong việc điều hành các sinh hoạt trong Đại Chủng Viện:

Phải theo sát các chỉ dẫn chung của Giáo hội trong công cuộc đào tạo. Thống nhất với Ban Giám đốc về đường hướng và phương pháp đào tạo. Giám đốc phải chia sẻ trách vụ với những thành viên khác trong Ban Giám đốc. Điều động, phối hợp các thành viên trong Chủng viện để thực hiện chương trình đào luyện.

Tích cực tham dự vào toàn bộ tiến trình đào tạo cho từng chủng sinh. Vì thế Giám đốc phải thường xuyên gặp gỡ các chủng sinh để có thể hiểu biết, hướng dẫn và có những quyết định đúng đắn về hành trình ơn gọi của họ. Giám đốc không phải chỉ là một người lãnh đạo, nhưng còn phải là người cha nhân hiền của chủng sinh. 

Vai trò Giám mục

Giám mục chính là người tiếp tục việc đào tạo sau Chủng viện qua việc thường huấn và gặp gỡ trao đổi, để áp dụng thực tế những lý thuyết đã học và cập nhật những vấn đề mới về thần học, luân lý, cũng như xã hội.

Nói chung, dù ở cương vị nào, Phụ trách ứng sinh, Giáo sư, Giám đốc, Giám mục, ngoài khả năng chuyên môn, tư cách, phẩm giá cần thiết để hoàn thành chức phận, điều không thể thiếu của người lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa, đó là tình yêu thương chân thành đối với đoàn chiên. Noi gương Chúa Giêsu Kitô xưa, yêu chiên đến nỗi hy sinh mạng sống vì đàn chiên.

Chúa Giêsu chọn Phêrô không theo tiêu chuẩn thông minh, tài ba, khôn khéo, đạo đức, mà chỉ theo một tiêu chuẩn, đó là tình yêu. Chúa hỏi Phêrô 3 lần: Con có yêu thầy không? Sau khi ông thưa 3 lần là có yêu, Chúa mới trao phó đoàn chiên của Ngài cho ông coi sóc.

Thế nên, ngoài công việc mục vụ, tương quan giữa Giám mục và linh mục phải là tương quan tình yêu. Giám mục phải lấy tình của người cha, người anh mà đối xử với các linh mục của mình, yêu mến họ, lắng nghe, tiếp đón, sửa dạy, củng cố, mời gọi họ cộng tác, và quan tâm đến cả đời sống đa dạng về mặt nhân bản, thiêng liêng, thừa tác vụ và tài chính của họ. Giám mục cần đặc biệt quan tâm tới các linh mục trong các giai đoạn và tình huống cụ thể :

- Trong giai đoạn đầu đời linh mục, khi mới thụ phong, khi nhận bài sai hay khi thay đổi nhiệm vụ mới.

- Khi một linh mục cao niên hay phải rời bỏ vai trò lãnh đạo một cộng đoàn hoặc rời bỏ nhiệm vụ, một trách nhiệm trực tiếp và những tình huống tương tự, Giám mục có bổn phận làm sao cho linh mục đó thấy được lòng biết ơn của Giáo hội, nhất là Giáo phận đối với những hy sinh và những nhiệm vụ mà linh mục đó gánh vác. Và trong hoàn cảnh mới, cần giúp linh mục cảm nghiệm được mình vẫn có giá trị trong linh mục đoàn, vẫn có khả năng đóng góp trong việc xây dựng Hội Thánh bằng chính đời sống gương mẫu và lời cầu nguyện, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã qua cho các linh mục trẻ.

- Đối với các linh mục già yếu, bệnh tật, Giám mục cần bày tỏ tình anh em gần gũi, giúp họ vững tin rằng họ vẫn được coi là anh em.

- Đối với những linh mục vì lý do nào đó thất bại trong việc chu toàn các trách vụ hay lỗi sự trung tín của mình đối với lời mời gọi của Chúa, Giám mục cần quan tâm, đồng hành, cảm thông thực sự, khoan dung và sửa dạy tận tình.

Các linh mục trông chờ ở Giám mục không chỉ là một người lãnh đạo khôn ngoan, một chứng nhân đức tin anh dũng, một người thầy uyên bác mà còn là một người cha yêu thương khoan dung, nhân hậu.

Người ta nói: “Chân đèn là nơi tối nhất.” Hoặc “Bác ái nơi nao, cầu ao rách nát.” Người đời hay đi tìm những nơi xa, những đối tượng lạ, những nhân vật vĩ đại để thực thi những sự vụ lớn lao, nhưng lại quên những gì bình thường trước mắt hay bên cạnh. Đối với khách lạ, chúng ta thường tỏ ra quan tâm, xử sự lịch thiệp, nhưng đối với những người nhà lại tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm, thô cứng. Do đó, Giám mục cần hết lòng lưu tâm đến linh mục đoàn, vì đó là những người cộng tác đắc lực nhất, những người anh em thân thiết nhất, những người con yêu mến nhất của mình.

Tôi may mắn được làm việc phụ giúp Đức Tổng Giám Mục Giuse, Ngài lấy khẩu hiệu là “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”, đó là trái tim cảm nghiệm yêu thương. Ngài đã sống và thực hiện phương châm yêu thương đó đối với các thành viên trong hàng giáo sĩ của Tổng giáo phận Hà Nội. Từ  những bậc cao niên đã nghỉ hưu như Đức Hồng Y Phaolô Giuse, Đức Cha Phaolô, những linh mục già cả đến những linh mục yếu đuối về khía cạnh nào đó, cả đến các chủng sinh, các ứng sinh và những người giúp việc trong nhà, mọi người đều được Ngài quan tâm săn sóc chu đáo.

Khẩu hiệu của tôi là “PHỤC VỤ TRONG ĐỨC ÁI”, đó là bàn tay thực thi yêu thương. Tôi thiết nghĩ, YÊU THƯƠNG đó là điểm tâm đắc chung giữa Đức Tổng Giám Mục Giuse và tôi. Trái tim và bàn tay đó là hai yếu tố của một hành động YÊU THƯƠNG hữu hiệu. Có câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.” Tôi thiển nghĩ đó cũng là một sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Xin tạ ơn Thiên Chúa và ngợi khen danh Ngài.

Nguyện ước suốt đời tôi là luôn có con tim rung cảm yêu thương và bàn tay thực thi bác ái, noi gương ĐỨC GIÊSU MỤC TỬ NHÂN HIỀN, trong trách vụ phụng sự Giáo phận và Giáo hội. Ước chi mọi thành phần trong Tổng Giáo phận Hà Nội, nhất là linh mục đoàn trở nên một đại gia đình, mọi thành viên đều sống vui tươi, hạnh phúc, yêu thương, đoàn kết, hợp nhất, nâng đỡ, đùm bọc nhau trong tình bác ái Kitô.

Hà Nội, Lễ cầu cho đời thánh hiến 02-02-2009 

+ Laurensô Chu Văn Minh,
Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội

(Tài liệu của Website Hội đồng Giám mục VN -WHĐ)