Tân GM Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt : “Lắng nghe tiếng Chúa trong những “vui mừng và hy vọng, đau khổ và lo âu” của mọi người...”

Như vậy là gần tròn hai năm (9.2006 – 8.2008) kể từ ngày Đức cố Giám mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến qua đời, giáo phận Bắc Ninh lại có một vị chủ chăn mới, vừa được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm hôm 4.8.2008 : Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt (ĐGM.HVĐ). Ngay sau sự kiện này, Đức Tân giám mục đã ưu ái dành riêng cho CGvDT bài phỏng vấn đầu tiên, trong cương vị mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả. 

CGvDT : Xin chào mừng Đức Cha vừa được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa Giáo phận Bắc Ninh. Xin Đức cha chia sẻ tâm trạng của mình khi nhận được tin này?

ĐGM.HVĐ : Tôi đã được Đức Tổng Giám mục Hà Nội cho biết từ mấy hôm trước là Tòa Thánh đã quyết định và sẽ công bố việc bổ nhiệm tôi làm Giám mục Bắc Ninh vào ngày 4/8/2008. Tôi đón nhận tin ấy với tâm tình tuân phục Đức Thánh Cha và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa.

CGvDT : Nếu được, xin Đức cha cho độc giả CGvDT biết qua ít nhiều về hành trình ơn goi của mình?

ĐGM.HVĐ : Ở tuổi thiếu niên, tôi ước nguyện dâng mình cho Chúa để đi truyền giáo. Tôi theo học tiểu học ở trường Long Thạnh Mỹ, quận 9; học cấp 2 tại trường Đắc Lộ quận Tân Bình; học cấp 3 tại trường Chu Văn An quận 5, tất cả ở TPHCM. Tôi xin vào Dòng Tên tại Sài Gòn năm 1967, theo học chương trình chủng viện tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, thụ phong linh mục năm 1976. Năm 1978, tôi làm tập sư, đồng thời giúp giáo xứ Hiển Linh của Dòng Tên ở Thủ Đức. Năm 1986, tôi làm cha xứ Thiên Thần và cha xứ Thanh Bình ở Quận 2 TPHCM. Từ năm 1993, tôi chỉ làm cha xứ Thanh Bình, một giáo xứ của người bệnh phong. Năm 2002, tôi du học tại Pháp. Năm 2005, tôi làm linh hướng Đại Chủng viện Hà Nội.

CGvDT : Là một người gốc Bắc Ninh nhưng xa quê từ tấm bé, bây giờ lại trở về Bắc Ninh ở vị trí chủ chăn giáo phận, cảm giác của Đức cha trong lần "về quê" này như thế nào?

ĐGM.HVĐ : Tôi sinh năm 1948 tại làng Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Về địa giới giáo phận, họ Xuân Lai thuộc xứ Nội Bài, giáo phận Bắc Ninh. Tôi theo gia đình vào Sài Gòn năm 1954. Như vậy là sau 54 năm, tôi đã trở lại với giáo phận mẹ. Sau ngày được bổ nhiệm, tôi được cha đại diện giáo phận đón về Bắc Ninh, tôi cảm động vì những nụ cười và những giọt nước mắt của chừng 20 người đón tôi hôm ấy ở nhà thờ Chính tòa. Tôi thấy vòng tay mẹ Bắc Ninh dang ra đón, đồng thời cũng thấy rõ trách nhiệm của một người con trong cương vị mới.

CGvDT : Xin Đức Cha vui lòng giới thiệu một vài nét về giáo phận Bắc Ninh hiện nay?

ĐGM.HVĐ : Giáo Phận Bắc Ninh được thành lập năm 1883 với khoảng 40 ngàn giáo dân. Năm 1954, giáo phận có 68 ngàn giáo dân và 120 linh muc. Hiện nay giáo phận có khoảng 120 ngàn giáo dân trong số 9 triệu dân cư thuộc 5 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc và một phần các tỉnh thành Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội... Hầu hết giáo dân là nông dân nghèo. Chiến tranh đã phá hủy một số nhà thờ, về sau có nhiều giáo dân từ các tỉnh miền biển lên lập nghiệp. Đến nay nhiều họ giáo vẫn chưa có nhà thờ. Giáo phận có 43 linh mục, hầu hết còn trẻ. Về các dòng tu, có Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất và một số dòng nữ khác. 

CGvDT : Sau gần 2 năm trống tòa, có lẽ giáo phận Bắc Ninh cũng sẽ có những khó khăn nhất định do việc không có Giám mục Chánh tòa để lại. Dự định mục vụ đầu tiên của Đức cha khi về nhận giáo phận là gì?

ĐGM.HVĐ : Tôi đang có những chuyến thăm tất cả các cha trong giáo phận, đồng thời chào chính quyền các tỉnh thành liên hệ. Tại nhiệm sở của các cha, tôi nghe các ngài bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Sau khi hoàn tất công việc này, tôi sẽ đi tĩnh tâm 10 ngày để chuẩn bị lễ tấn phong. Kế đến, tôi sẽ họp chung vơi các cha để vừa cầu nguyện, vừa chia sẻ và thảo luận để đi đến đồng tâm nhất trí về dự định mục vụ của giáo phận.

CGvDT : Như vậy là, với những con số về nhân sự Đức cha vừa nêu, tỷ lệ linh mục và giáo dân ở Bắc Ninh là khoảng 1/3000. Với đặc điểm địa lý là trải dài trên nhiều tỉnh miền núi, giáo dân sống rải rác..., tỷ lệ rất thấp này có phải là một thách đố lớn của một mục tử vừa đến nhận giáo phận là Đức cha?

ĐGM.HVĐ : Chắc chắn đó là một thách đố lớn chẳng những đối với Giám mục mà đối với toàn thể giáo phận. Họ Gốc Sấu cách nhà xứ khoảng 90 km, họ Na Rì cách nhà xứ khoảng 70 km, còn những họ cách nhà xứ 30 km là... chuyện nhỏ ! Cách đây mấy hôm, sau khi thăm cha xứ Đồng Chương ở Tuyên Quang, xe hơi của Tòa Giám mục được các thanh niên dùng dây thừng kéo mới qua được 3 vũng lầy. Chúng ta hãy nghĩ đến những người phải đi lại con đường ấy hằng ngày. Tôi thực sự thấy mình là một nhà truyền giáo.

CGvDT : Là linh mục người Việt Nam đầu tiên thuộc Dòng Tên làm Giám mục, Đức cha cảm nhận thế nào về vinh dự này ? Theo Đức cha, một Giám mục xuất thân từ linh mục Dòng sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì khi cai quản một giáo phận?

ĐGM.HVĐ : Tôi thành thực không thấy vinh dự, chỉ thấy sứ mạng. Tôi chưa làm...Giám mục bao giờ (!) nên chưa hình dung được những khó khăn hay thuận lợi. Tôi đáp lại tiếng gọi của Chúa và lên đường. Trên đường, tôi vừa đi vừa học, vừa học vừa đi. Là một Giêsu hữu, tôi là người trên đường, như thánh Phanxicô Xavier, như cha Đắc Lộ, để Chúa dẫn dắt mình qua các biến cố và sự kiện, từng bước ngắn trên đường dài. Thuận lợi cũng như khó khăn đều là lời mời gọi.

CGvDT : Suốt mấy mươi năm phục vụ giáo hội trong thiên chức linh mục, chúng con được biết Đức cha là người quan tâm một cách đặc biệt đến công tác xã hội, nhất là việc nâng đỡ những bệnh nhân phong, xin Đức cha vui lòng cho biết nguyên nhân? Với cương vị mới, Đức cha sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện những công việc đó?

ĐGM.HVĐ : Tôi nghĩ Chúa Giêsu vừa rao giảng vừa chữa bệnh, trừ quỷ... nên giúp đỡ con người có đời sống tốt hơn và xứng đáng hơn với thiên chức làm con cái Thiên Chúa là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh. Từ năm 1981, tôi bắt đầu gặp gỡ anh chị em bệnh phong. Đặc biệt trong suốt 16 năm sau đó, tôi đã phần nào chia sẻ đời sống với anh chị em bệnh phong ở Quận 2 TPHCM. Khi ở Đại Chủng Viện Hà Nội, tôi lại được giao nhiệm vụ giúp các chủng sinh đến chia sẻ với người bệnh phong trong các kỳ hè. Tôi tin là Chúa đã dẫn tôi đến với người bệnh phong. Trong cương vị mới, tôi hy vọng sẽ là cánh tay đắc lực hơn của những tấm lòng nhân ái chẳng những đối với người bệnh phong mà cả với nhiều người chịu thiệt thòi khác.

CGvDT : Đâu là những ưu tiên hàng đầu và đâu là những trăn trở thường xuyên của Đức cha trong mục vụ?

ĐGM.HVĐ : Tôi coi những chờ mong của giáo dân nói riêng và của mọi người nói chung, nhất là những người nghèo, là trăn trở của chính mình. Tôi không đặt ra những ưu tiên, nhưng sẽ cùng với các linh mục trong giáo phận lắng nghe tiếng Chúa trong những “vui mừng và hy vọng, đau khổ và lo âu” của mọi người, để đáp ứng theo khả năng có được.

CGvDT : Là giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội trong thời gian dài, xin Đức cha cho một vài nhận xét về việc đào tạo linh mục hôm nay và theo Đức cha, những đòi hỏi lớn nhất của một linh mục trong thế kỷ 21 này khi làm mục vụ là gì?

ĐGM.HVĐ : Tôi vẫn nghĩ chìa khoá giải quyết các vấn đề của Hội Thánh là các linh mục. Hễ các linh mục được đào tạo tốt thì mọi sự sẽ tốt. Vì thế, việc đào tạo linh mục hết sức quan trọng. Tôi không dám trả lời câu hỏi một linh mục phải thế nào trong thế kỷ 21. Chỉ biết rằng Hội Thánh đã có những chỉ đạo khá bài bản trong sắc lệnh Optatam Totius  của Công Đồng Vaticanô II và trong tông huấn Pastores Dabo Vobis của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngoài ra, một điều giúp ích nhiều là linh mục phải là con người cầu nguyện để có thể nhạy bén trước tiếng Chúa mời gọi trong những tình huống cụ thể của cuộc sống.

CGvDT : Đức  Cha có thể chia sẻ một ít kinh nghiệm về việc đào tạo các ứng sinh linh mục tại Đại Chủng Viện Hà Nội?

ĐGM.HVĐ : Trong những năm vừa qua, được Đức Tổng Giám mục trực tiếp chỉ đạo, việc đào tạo linh mục ở Đại Chủng viện Hà Nội đã có một số thay đổi đáng kể. Trong giai đoạn khó khăn, việc đào tạo ở đây vẫn theo đường hướng tiền công đồng, nay theo những chỉ thị của công đồng như nhấn mạnh về mục vụ, có năm tu đức, có năm thực tập, có sinh hoạt tông đồ... Sau nữa là hội nhập : theo sát những thích nghi của các chủng viện các nơi trên thế giới. Chẳng hạn mỗi ngày cầu nguyện riêng 1 giờ, mỗi năm tĩnh tâm 1 tuần, mỗi chủng sinh gặp riêng cha linh hướng hằng tháng... Ngoài ra, mỗi chủng sinh còn có 2 kỳ hè, mỗi kỳ một tháng đến sống với người bệnh phong để tập chia sẻ và phục vụ những người thiếu may mắn. 

CGvDT : Đức cha có còn tiếp tục việc giảng dạy ở Đại chủng viện Hà Nội sau khi nhận lãnh sứ vụ mới?

ĐGM.HVĐ : Đức Tổng Giám mục Hà Nội đề nghị tôi tiếp tục giúp một môn, nên tôi sẽ cố gắng. Môn tôi chọn là tông huấn Pastores Dabo Vobis về đào tạo linh mục, vì đã quen, đỡ phải soạn bài !

CGvDT : Khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Đức cha là gì ? Xin Đức cha giải thích ý nghĩa của những chọn lựa này? 

ĐGM.HVĐ : Khẩu hiệu của tôi là “Tình thương và sự sống”, trích trong sách Gióp 10,12 : “Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở của con”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cổ vũ nền văn minh tình thương và sự sống; trong kinh Đức Mẹ La Vang, Hội Thánh Việt Nam muốn cùng nhau xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Tôi muốn hòa mình vào làn sóng ấy. Huy hiệu của tôi là chữ IHS bằng tre vàng trên nền là chiếc nón quai thao của Bắc Ninh với ý nghĩa : Chúa Giêsu là tình thương và sự sống của Thiên Chúa, một Chúa Giêsu bằng tre vàng của Việt Nam, đến gặp văn hóa Quan Họ Bắc Ninh.

CGvDT : Lễ tấn phong Giám mục sẽ diễn ra ở đâu và vào thời điểm nào, thưa Đức cha?

ĐGM.HVĐ : Lễ tấn phong sẽ được tổ chức tại Tòa Giám mục Bắc Ninh ngày 7.10.2008, lễ Đức Mẹ Mân Côi, bảo trợ giáo phận Bắc Ninh, đồng thời là một ngày mùa thu mát mẻ.

CGvDT : Qua CGvDT, Đức cha có nhắn gởi gì với các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân xa gần?

ĐGM.HVĐ : Xin mọi người thương cầu nguyện cho giáo phận Bắc Ninh và cách riêng cho tôi.

CGvDT : Xin hết lòng cảm ơn Đức cha và kính chúc Đức cha gặt hái được nhiều kết quả tốt trong sứ vụ mới !


LÊ HỮU TUẤN thực hiện
Trích "Gia đình Bắc Ninh" online