Giấc mơ của vị Giám Mục quê hương Quan Họ Bắc Ninh


ĐC Hoàng Văn Đạt, Đ.Ô Mai Đức Vinh, Cha Đinh Đồng Thượng Sách

"Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nghỉ ngơi. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh Người.’’. Trong thánh lễ chủ nhật 19-7-2009 tại Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, Đức Cha Hoàng Văn Đạt là hiện thân của mục tử, chăn dắt đoàn chiên Kinh Bắc trong đồng cỏ xanh tươi, như danh hiệu giám mục (επισκοπος). Ngoài Đức Cha chủ tế còn có Đức Ông Mai Đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách và cha Trần Anh Dũng đồng tế.

Trong bài giảng, Đức Cha Hoàng Văn Đạt đã khai triển ý nghĩa phụng vụ ‘‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi’’, nhắc lại trong cuộc triều yết của các Giám mục Việt Nam ngày 28-6-2009, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã tôn vinh ĐHY Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội là ‘‘tấm gương sáng về sự thánh tbiện, lòng khiêm tốn, cuộc sống giản dị của vị chủ chăn’’. Sau đó, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt nói về phòng kinh nguyện trong tòa giám mục Bắc Ninh mà Ngài gọi là U-8, nghĩa là under-8 m². (dưới 8 mét vuông): trong thời gian Đức cố Hồng y là giám mục Bắc Ninh, ngài đã truyền chức giám mục, linh mục và phó tế cho nhiều tu sĩ trong không gian kinh nguyện chật hẹp này. Khi nói về vai trò mục tử (Gr 23,1-6, Tv 22, Ep 2, 13-18, Mc 6, 30-34), ngài chia sẻ với cộng đoàn sự lo lắng khi được giao phó chức vụ mới, sợ mình không tài giỏi khéo léo sẽ làm đàn chiên tan tác, và bị Thiên Chúa quở phạt. Ngài nhắc đến công trình của các vị tiền nhiệm là Đức Cha Giuse-Maria Nguyễn Quang Tuyến và trước đó, Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, đã gầy dựng cho giáo phận Bắc Ninh, nhất là việc tìm dến những con người bất hạnh sống trong rừng sâu hoang vắng, để an ủi, giúp đỡ và đưa họ về với đàn chiên duy nhất.

Đức Cha Đạt tự ví mình chỉ là ‘‘người thợ vịn’’, phụ việc Đức Kitô, vị mục tử chính danh, để Ngài thực hiện sứ mệnh cứu rỗi loài người. Ngài nhận thấy khi ở trong căn phòng chật hẹp, dang hai cánh tay một bên đụng tường, còn tay kia vẫn chưa chạm được bức tường đối diện; khi chân đạp đất thì đầu vẫn không đụng trần nhà, và ngược lại, khi bắc ghế leo để đầu đụng trần, thì chân không chạm đất, nói tóm lại ngài muốn nhấn mạnh đến sự nhỏ bé khôn cùng của mình trong đất trời bao la.

Ngài còn kể giai thoại mục vụ về một cậu bé Kinh Bắc 10 tuổi mà đã nhận biết hình ảnh con chiên trên nhẫn giám mục ngài đeo là chính Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu là mục tử và là "chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian". Cảm tưởng của em khi gặp gỡ và nghe Đức Cha giảng, đó là sự thương mến thật tự nhiên và dễ dàng. Ngài hiền hòa đức độ. Hình ảnh của ngài, cũng như ở một vài linh mục mà em kính mến, làm em nghĩ ngay đến chân dung của Đức Giêsu. Em cũng phục ngài ở đức khiêm tốn, ngài chỉ xem mình là một người ‘‘thợ’’ chứ không phải là ‘‘bậc thầy thiên hạ’’. Và ngài luôn khiêm tốn nhìn nhận mình chẳng tài giỏi gì đáng để Thiên Chúa chọn gọi để chăn dắt đàn chiên của Ngài, nhưng Đức Cha tin tưởng vào Thiên Chúa. Khẩu hiệu ngài đã chọn "Thương Yêu và Sự Sống" nói lên được điều mà thế giới chúng ta đang cần: chỉ có Tình Thương mà con người biết đón nhận từ Thiên Chúa, và tình người trao nhau, mới đem lại cho chúng ta một đời sống có ý nghĩa, đáng cho mình trân trọng.

Theo lời Đức Cha Đạt, chốn kinh nguyện lặng thầm U-8 đánh dấu thời kỳ cực kỳ khó khăn. Nhờ sự tận tụy lo cho đoàn chiên của các vị giám mục Bắc Ninh, giáo phận từ tình trạng cực kỳ khó khăn đã giảm dần cường độ gian khổ.


Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh

Sau đó, Đức Cha Đạt giới thiệu qua về giáo phận Bắc Ninh. Giáo phận gồm 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Dân số khoảng 9 triệu người, trong số có 125 000 ngàn người công giáo. Bắc Ninh được coi là cái nôi của văn học nước nhà và quê hương của dân ca quan họ. Ngài cho rằng nhiều bài quan họ mang ý nghĩa tiền phúc âm (pré-évangile) vì rao giảng tin mừng tình yêu. Trong các buổi hội diễn văn nghệ của giáo phận, một số chủ đề Kinh Thánh được chuyển thể quan họ, như hoạt cảnh ‘‘Mười cô trinh nữ’’ (Mt 25,1-13).



Sau Thánh Lễ, Đức Cha Hoàng Văn Đạt minh họa ý nghĩa tiền phúc âm của quan họ Bắc Ninh qua bản ‘‘Bèo dạt mây trôi’’. Ngoài tình yêu lứa đôi, bài quan họ này còn diễn tả niềm khao khát của Thiên Chúa mời gọi nhân thế, gồm cả chiên lạc và các lương dân, quay về với tình yêu của Ngài. Ngôn ngữ của ‘‘Bèo dạt mây trôi’’ là những hình ảnh thân quen của cuộc sống thôn dã: cánh bèo, cành tre, chim trời, cá, mây, trăng, gió v.v.:

‘‘Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,
Anh ơi, em vẫn đợi... í i ì... bèo dạt
mây í i ì... trôi,
chim sa, tang tính tình... í i ì..., cao vời
Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ
sao chẳng thấy anh...
Một mảnh trăng treo, suốt năm canh,
Anh ơi, trăng đã ngả... a á à... ngang đầu
Thương nhớ... ờ ơ... ai, sao rơi... đêm sắp tàn... í i ì...
trăng tà, cành tre đưa trước gió là gió la đà
Em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh...
Mòn mỏi chim bay chốn nơi nao
Anh ơi, em ngóng đợi mỏi mòn
thương nhớ ai chim ơi cho nhắn một đôi lời
người đi xa có nhớ là nhớ ai ngồi
trông cánh chim trời sao chẳng thấy...’’


Đức Cha Hoàng Văn Đạt: ‘‘I have a dream’’

Năm 1967, Đức Cha Hoàng Văn Đạt gia nhập dòng Tên Năm 1976, ngài thụ phong linh mục. Từ 1986 đến 2002, ngài là linh mục chánh xứ trại phong cùi Thanh Bình (Saigon). Ngày 7-10-2008, ngài được tấn phong giám mục chính tòa Bắc Ninh. Theo luật dòng, vì nhiều lý do khác nhau và do các hoàn cảnh đặc biệt, như nhu cầu mục vụ của một Giáo Hội trên đà phát triển, một số các cha dòng Tên trên thế giới giữ trọng trách giám mục và hồng y, như trường hợp Đức Cha Hoàng Văn Đạt. Ngài đã chọn khẩu hiệu ‘‘Tình thương và sự sống’’. Theo lời Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, khẩu hiệu này nói lên tâm nguyện muốn giúp đoàn chiên được sống và sống dồi dào trong tình thương yêu Phúc Âm. Trong cuộc gặp gỡ tại Giáo Xứ Paris, Đức Cha Đạt thổ lộ hai giấc mơ ngài hằng ấp ủ:

- các thiếu niên trong giáo phận ở lứa tuổi 15 đều thấm nhuần giáo lý;
- trong giáo phận sẽ có khoảng 20 người có học vị tiến sĩ và cao học.

Ưu tiên của ngài là đào tạo những người đào tạo (formation des formateurs). Trong cuộc đàm đạo với Linh mục Adolfo Nicolas, bề trên tổng quyền (Praepositus Generalis) dòng Tên, Đức Cha Đạt đã bày tỏ ước nguyện này và được linh mục bề trên tổng quyền dòng Tên ghi nhận để tìm cách thực hiện.

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI và Linh mục Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Hai ngôi vị trọn đời được mệnh danh là Đức Giáo hoàng áo trắng và Đức Giáo hoàng áo đen

Trong cuội hội kiến với Đức Hồng Y Sean O’Malley, Tổng giám mục Boston, cái nôi văn học Hoa Kỳ, Đức Cha Hoàng Văn Đoàn đã bầy tỏ giấc mơ này. Đức HY Sean O’Malley tỏ ra rất tâm đắc về ý nguyện của vị chủ chăn giáo phận quê hương của văn học Việt Nam. Theo sử sách, Bắc Ninh là vùng đất có nhiều trạng nguyên nhất Việt Nam. Giấc mơ của Đức Cha Đạt nối tiếp truyền thống văn học Kinh Bắc có khả năng thực hiện, nếu giáo phận có kế hoạch đào tạo lâu dài.

Trước đó, ngày 18-7-2009, Gia đình Bắc Ninh tại Pháp đã nghênh đón vị giám mục nguyên quán Bắc Ninh. Gia đình Bắc Ninh tại Pháp hiện do Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách là linh hướng, Ông Nguyễn Xuân Cần là trưởng họ, Bà Nguyễn Thanh Hà là thư ký. Trong phần liên hoan, các thiếu nhi Thánh Thể, con của nhạc sĩ Kim Tuấn, đã hát quan họ và đọc thơ Cung Chi, tiếp nối truyền thống văn học Kinh Bắc qua thế hệ măng non Bắc Ninh tại hải ngoại.

Paris, ngày 21 tháng 7 năm 2009

Lê Ðình Thông
VietCatholic News