Trả lời phỏng vấn Đức Tân Giám Mục Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt

1/  Từ thuở con đường Bắc Nam còn cách trở, Đức Cha đã gắn bó với Tổng Giáo Phận Hà Nội. Và từ Hà Nội qua Kinh Bắc chẳng xa xôi gì. Có thể nói, Giáo Phận Bắc Ninh và ĐC đã biết rõ nhau ngay trước khi về chung sống với nhau. ĐC có nghĩ, đây là điểm thuận lợi cho ĐC bắt đầu mọi kế hoạch với Giáo Phận?

Quê tôi ở làng Xuân Lai, xã Xuân Thu, theo hành chính thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, nhưng theo tôn giáo thì thuộc xứ Nội Bài, giáo phận Bắc Ninh, vì thế đối với tôi Hà Nội hay Bắc Ninh đều gần gũi. Theo yêu cầu của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, kể từ năm 1995, thỉnh thoảng tôi từ Saigon ra Hà Nội giúp các chủng sinh Hà Nội về đời sống thiêng liêng. Theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, từ năm 2005 tôi đến ở hẳn tại Đại Chủng Viện Hà Nội để làm linh hướng cho các chủng sinh. Trong thời gian ấy, thỉnh thoảng tôi cũng đến Bắc Ninh giúp các linh mục, chủng sinh và tu sĩ, nên được biết đôi chút về Bắc Ninh. Cụ thể là tôi biết tất cả 43 linh mục của Bắc Ninh hiện nay, và tất cả các cha cũng biết tôi. Tôi nghĩ đây là môt điểm thuận lợi cho tôi lúc khởi đầu. Tuy nhiên, chắc tôi còn phải cố gắng nhiều để biết rộng hơn và sâu hơn về Giáo Phận.         

2/  Đã mười mấy năm ĐC đã bước dấn vào lăn lộn làm việc tại Đại Chủng Viện Hà Nội, dày đạn kinh nghiệm huấn luyện nhân sự, Đức Cha có dự tính gì cho kế hoạch ‘săn đầu người và trồng người’ tại Giáo Phận?

Giáo phận Bắc Ninh hiện có 43 linh mục, nếu so với thời chỉ có “một cha rưỡi” thì là nhiều lắm rồi, nhưng nếu so với tiêu chuẩn bình thường là 1 linh mục cho 1 ngàn giáo dân thì số linh mục phải gấp 3 hiện nay mới đủ cho 125 ngàn giáo dân. Ay là chưa kể phải có những chuyên viên về nhiều lĩnh vực như Thánh Kinh, Phụng Vụ, Thánh Nhạc, Tín Lý, Luân Lý, Linh Đạo, Giáo Sử, Giáo Luật, Giáo Lý, Triết Học, Truyền Thông, Ngoại Ngữ… Đào tạo nhân sự là điều quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, thú thật là tôi chưa có kế hoạch nào. Sau Đại Hội La Vang, tôi sẽ đi thăm các cha, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, rồi tôi đi tĩnh tâm, sau đó cùng với các cha bàn bạc về những việc cần làm ngay cũng như những việc phải làm về lâu về dài. Tôi thường có những ước mơ dời non lấp biển, nhưng phải bắt đầu bằng việc bới đất nhặt cỏ. Phải tiến bằng những bước ngắn trên đường dài.

3/ Đức Cha từng rất chuyên trong lãnh vực hoạt động xã hội và một thời gian dài từng phục vụ ở trại phong Thanh Bình, Thủ Thiêm, về với Bắc Ninh hẳn ĐC đang nóng lòng mở hết những ‘túi gấm’ ăm ắp kinh nghiệm phục vụ những anh chị em thương tật ra ứng dụng? ĐC có sẵn một chương trình cụ thể nào?

Tôi bắt đầu kết thân với người bệnh phong từ năm 1981. Trong 16 năm, từ năm 1986 đến năm 2002, tôi trực tiếp giúp anh chị em bệnh phong ở làng Thanh Bình, TPHCM. Trong 3 năm từ 2002 đến 2005, tôi ở Paris và hằng tháng đến thăm phạm nhân ở trại giam Yvelines. Từ 3 năm nay, tôi phụ trách 2 chương trình của chủng viện: (1) điều hành sinh hoạt tông đồ sáng Chúa nhật của chủng sinh, trong đó có thăm viếng các viện cô nhi, viện dưỡng lão, bệnh viện, người khuyết tật, xóm nghèo… (2) tháng hè trại phong của các chủng sinh sau năm đầu và trước năm cuối. Tôi nghĩ giúp đỡ những người nghèo khổ là một phần không thể thiếu trong hoạt động của Hội Thánh, vì đó là một phần không thể bỏ qua trong sứ mạng của Chúa Giêsu. Riêng về người bệnh phong thì Bắc Ninh có thể nói là đứng hàng đầu cả nước với 4 trại ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Hy vọng trong cương vị giám mục tôi có thể là cánh tay đắc lực của những tấm lòng nhân ái.

4/  Bắc Ninh vẫn được coi là quê hương văn vật, miền đất vàng của văn học, văn hóa truyền thống, ĐC có nghĩ tới một nỗ lực hội nhập đức tin và văn hóa cũng như gìn giữ lấy và thăng tiến những hoạt động, những cơ cở văn hóa tôn giáo trong Giáo Phận?

Quả thật Bắc Ninh là đất văn vật đúng nghĩa. Đây là nơi phát sinh hình tượng Thánh Gióng, là nơi có thành Cổ Loa của An Dương Vương, là nơi có thành Luy Lâu của Sĩ Nhiếp, là quê hương của Hai Bà Trưng và của triều đại nhà Lý, là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, là nơi sản sinh bao nhà thơ nhà văn, bao vị tiến sĩ, là “đất thánh” của dân ca Quan Họ hết sức độc đáo. Đáng mừng là giáo phận đã tiếp thu khá thành công một số nét văn hoá độc đáo: một số thánh vịnh được diễn tả bằng làn điệu Quan Họ, có cả một bộ lễ Quan Họ do nhạc sĩ Hùng Lân để lại. Trong dịp Đại Hội La Vang năm nay, đoàn Bắc Ninh sẽ diễn tả dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu bằng làn điệu Quan Họ, tiếp nối dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ trong một Đại Hội trước. Chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng tông huấn Hội Thánh Ở Châu Á. Ước mong giáo phận Bắc Ninh có thể góp phần vào việc phát huy truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc, đồng thời góp phần vào tiến trình hội nhập văn hoá của Giáo Hội Việt Nam.

Từ hồi nào tới giờ, ĐC vẫn gây ấn tượng về lối gặp gỡ, tiếp cận dễ gần, về nụ cười và lối nói dễ thân. Kính chúc ĐC về với Giáo Phận, dù giữa một rừng gánh nặng và trách nhiệm vẫn mãi còn vui, còn thân, còn gần với Dân Chúa như ngày nào.

Xin cảm ơn ban biên tập và độc giả bản tin Hiệp Thông, và xin cầu nguyện cho Bắc Ninh.

(Theo "Gia đình Bắc Ninh Online")