Bài giảng trong thánh lễ kính hai thánh Cosma và Đamianô ngày 26/9/2008 tại Bắc Ninh

Ở Việt Nam ít ai biết hai thánh Cosma và Đamianô. Đây là hai vị thánh khá thời danh vào những thế kỷ đầu của Hội Thánh. Sau khi các ngài qua đời, nhiều người đến cầu nguyện ở mộ các ngài và được khỏi bệnh. Lòng mộ mến các ngài chẳng bao lâu lan rộng khắp Hội Thánh. Ở Rôma có một vương cung thánh đường dâng kính các ngài: đây là một trong những vương cung thánh đường cổ kính hạng nhất trong Hội Thánh.        

Hai ngài hình như là anh em sinh đôi trong một gia đình người Arập tại khu vực ngày nay là nước Syri ở vùng Trung Đông vào thế kỷ III, thuộc quyền cai trị của đế quốc Rôma. Đến tuổi trưởng thành, cả hai cùng xin được rửa tội để gia nhập Hội Thánh. Hai anh em cùng làm thầy thuốc. Có hai điều đặc biệt nơi các ngài là các ngài không chỉ chữa bệnh bằng thuốc, mà còn bằng cầu nguyện; và các ngài không đòi ai phải trả tiền, ai cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, không thì thôi. Rất nhiều người bệnh tật đến xin các ngài chữa bệnh và nhiều người khỏi bệnh một cách lạ thường. Thời ấy đế quốc Rôma ra lệnh cấm đạo và hai ngài bị đưa ra toà và ép phải dâng hương kính các tượng thần, nhưng các ngài từ chối. Sau khi chịu nhận hình khổ, các ngài bị xử chém vào khoảng năm 300, tức là cách chúng ta 1700 năm.

Tại sao tôi mang tên thánh Cosma? Đơn giản là vì tôi được rửa tội ở nhà thờ họ Xuân Lai, xứ Nội Bài, mà nhà thờ ấy mang thánh hiệu là Cosma và Đamianô. Tại Xuân Lai, người ta quen gọi theo kiểu xưa là Côximô. Nhưng tại sao nhà thờ Xuân Lai lại mang thánh hiệu ấy? Thú thật là tôi không biết. Nhưng sau đây là điều tôi phỏng đoán. Năm 1825, ở Xuân Lai có hai anh em cùng là thầy thuốc và trong khi đi chữa bệnh đã gặp được những người Công Giáo, nên tìm hiểu đạo và sau đó cả hai cùng theo đạo. Con cả của một trong hai người ấy tên là Giuse Hoàng Thế Nhẫn, cũng là thầy thuốc, đã bị bắt giam vì đạo dưới thời Tự  Đức, và  chịu tử vì đạo trong vụ 100 đầu mục ở cổng thành Bắc Ninh năm 1862. Đến năm 1923, nhà thờ Xuân Lai được xây dựng và phải nhận một vị bảo trợ. Tôi nghĩ là không phải họ Xuân Lai tự nhận hai thánh Cosma và Đamianô, nhưng chắc chỉ các vị thừa sai thông thái mới nghĩ đến hai thầy thuốc theo đạo của Xuân Lai và một thầy thuốc chịu tử đạo có gì tương tự hai vị thánh người Arập thời xưa, nên xin hai ngài làm thánh bảo trợ của họ Xuân Lai. Đến nay, hầu như đây là hai vị thánh riêng của họ Xuân Lai vậy. Không phải là tất cả, nhưng nhiều người Xuân Lai mang tên thánh là Cosma. Chúng ta có thể kể hai thí dụ tiêu biểu là hai linh mục Xuân Lai đã cống hiến cho giáo phận Bắc Ninh là cha Cosma Hoàng Thế Liệu và cha Cosma Hoàng Thế Sự.        

Qua hai thánh Cosma và Đamianô, Chúa muốn gửi đến chúng ta sứ điệp nào?  Chắc chúng ta có thể rút ra nhiều nhắn nhủ của Chúa qua đời sống và cái chết của các ngài. Tôi xin đặc biệt nhắc đến ba điều.

Trước hết là tình huynh đệ. Hai thánh Cosma và Đamianô là anh em, mà là hai anh em rất gắn bó với nhau. Cùng theo đạo, cùng làm thầy thuốc, cùng một quan điểm về chữa bệnh, cùng tuyên xưng đức tin và chịu chết vì đức tin. Thật ít có hai anh em nào kể như hai mà một như vậy. Qua gương các ngài, chúng ta được mời gọi sống với nhau trong tình huynh đệ.  Thiên Chúa dựng nên con người để khi nhìn nhận Thiên Chúa là cha thì con người coi nhau là anh chị em. Tội lỗi vào trong lòng Cain khiến y giết em là Abel. Từ đó dần dần hình thành một thế giới cá lớn nuốt cá bé mà nói theo một triết gia phương tây thì con người là chó sói cắn xé con người. Ước nguyện “tứ hải giai huynh đệ” nằm sâu trong trái tim con người. Chúa Giêsu đến trần gian sống như con của Thiên Chúa và anh em của mọi người. Đó là mẫu người mới Thiên Chúa muốn có khi dựng nên con người.

Thứ đến là phục vụ. Hai thánh Cosma và Đamianô chữa bệnh mà không đòi hỏi được trả công, càng không nghĩ đến làm giàu. Các ngài làm được như vậy vì yêu mến anh em và tin tưởng ở Thiên Chúa. Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới tất cả được đánh giá theo tiền bạc, nhiều khi không còn tình huynh đệ nữa. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ “nhận không thì cũng cho không”. Anh em là đối tượng để phục vụ chứ không phải đối tượng để khai thác. Khi đồng tiền thống trị thì con người coi nhau chỉ còn là khách hàng: người ta không dùng đến vũ khí để chém giết nhau nhưng tính toán để tìm lợi cho mình, bất chấp những đau khổ và thiệt thòi người khác phải gánh chịu. Dù sao so với trình trạng dẫ lên người khác để tiến lên thì đây cũng là một bước tiến bộ rồi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn quả quyết không thể làm tôi cùng một lúc hai chủ là tiền tài và Thiên Chúa được.

Cuối cùng là hy sinh. Hai thánh Cosma và Đamianô dám hy sinh cả mạng sống vì đức tin. Ngày nay người ta cũng nói đến hy sinh, nhưng là hy sinh điều này để được điều kia, kiểu như thả con săn sắt bắt con cá rô. Đây lại là một bước tiến bộ nữa. Thế giới ngày nay có những người hy sinh vì chính mình trong khi Chúa Giêsu đến để hy sinh mạng sống vì trung thành với sứ mạng và nhằm giúp con người được giải thoát khỏi tội lỗi. Đây là điều ngày nay ít ai nghĩ đến. Một gia đình cần bao hy sinh trước là của cha mẹ, sau là của con cái, thì mới yên vui và tiến lên được. Thé giới nói chung cũng như từng xã hội nói riêng cũng cần đến những người dám hy sinh vì lý tưởng và vì người khác. Có thể nói đây là đỉnh cao của ơn gọi làm người.

Chúa Giêsu nói phúc cho người bị bách hại vì lẽ công chính. Bản thân Chúa đã thực hiện điều ấy suốt cả cuộc sống và nhất là trên thập giá. Cuộc sống và cái chết của hai thánh Cosma và Đamianô cho thấy lý tưởng Tin Mừng có thể thực hiện được ngay trong một xã hội còn nhiều ngang trái. Một Thiên Chúa của tình thương và sự sống luôn luôn ở phía trước từng người cũng như toàn thể nhân loại. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng ta sắp đón nhận dẫn chúng ta trên những chặng đường của các chứng nhân Tin Mừng.

+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám mục Bắc Ninh