Tưởng niệm Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền
Vị GM đã trực diện chống lại chế độ cộng sản tại Việt Nam

(LTS: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Ðức TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền qua đời, 8/6/1988 đến 8/6/1998...chúng tôi xin giới thiệu với quý vị độc giả bài viết của Hòa Ái, một chứng nhân đã từng sống gần gũi với Ðức Cha và đã có mặt tại Nhà Thờ Chánh Tòa Phủ Cam hôm tang lễ của Ngài...)

Cách nay 10 năm, vào ngày 8 tháng 6, 1988, Ðức Cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế qua đời, đã làm niềm xúc động sâu xa làm thổn thức hàng triệu con tim của những người Việt Nam trong và ngoài nước, Công Giáo cũng như không Công Giáo.

Thật vậy, dư luận bàng hoàng sửng sốt trước cái tin đau đớn và đột ngột nầy, những người ngoài Công Giáo tiếc thương một vị Giám Mục Công Giáo có tinh thần đoàn kết, tôn trọng và gần gũi với các tôn giáo bạn. Những người Việt Nam yêu chuộng công lý và đấu tranh cho nhân quyền luyến tiếc một chiến sĩ can trường quả cảm đã trực diện đương đầu với chính quyền Cộng Sản để đòi hỏi nhân quyền và tự do tín ngưỡng cho đồng bào Việt Nam.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền sinh tại Gia Ðịnh, ngày 13 tháng 3 năm 1921 trong một gia đình ngoan đạo. Vào Tiểu Chủng Viện Sài Gòn năm 1933. Vào Ðại Chủng Viện Sài Gòn năm 1940. Thụ phong linh mục ngày 21 tháng 9 năm 1947 và được cử làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Sài Gòn. Năm 1955 Ngài gia nhập Dòng Tiểu Ðệ Chúa Giê Su (Charles de Faucault). Ngày 24 tháng 01, 1960, được Tòa Thánh chỉ định làm Giám Mục Cần Thơ và thụ phong Giám Mục ngày 22 tháng 01, 1961. Sau cuộc chính biến ngày 1 tháng 11, 1963 chế độ Ðệ I Cộng Hòa sụp đổ, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đang ở Roma, Ngài được Tòa Thánh cử nhiệm Giám Quản Giáo Phận Huế ngày 21 tháng 01, 1964 và đến ngày 26 tháng 01, 1964 Ngài chính thức là Tổng Giám Mục Huế. Từ năm 1983 Ngài bị bệnh tim và huyết áp nặng, tháng 5, 1988 phải vào Sài Gòn chữa bệnh và đã qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 8 tháng 6, 1988.

Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền được nhiều người kính phục mến mộ vì đời sống thánh thiện khiêm tốn, cốt cách uy nghi lẫm liệt và diện mạo đẹp đẽ siêu phàm cùng với những bài thuyết giảng nhẹ nhàng êm ái mà vẫn hùng biện và đầy sức thuyết phục. Người viết đã từng chứng kiến nhiều anh em ngoài Công Giáo thường đến dự những buổi lễ lớn do Ngài chủ sự và thuyết giảng để chiêm ngưỡng dung nhan và được nghe những lời giảng dạy dịu dàng hấp dẫn từ môi miệng duyên dáng của Ngàinói ra. Khi còn là linh mục, Ngài vẫn thường được mời giảng tĩnh tâm cho các linh mục khắp các giáo phận, và như một tiểu đệ hèn mọn của Chúa Giê Su, dù là Linh mục, Ngài vẫn thường gần gũi đồng bào lao động nghèo khổ và đã hành nghề đạp xích lô trong vùng Sài Gòn- Gia Ðịnh. Khi được Tòa Thánh chọn làm Giám Mục Cần Thơ, một nhà báo đã phỏng vấn Ngài "có bằng cấp gì mà được làm Giám Mục ?" Ngài đã vui vẻ trả lời "Tôi có bằng xích lô đạp".

Sau năm 1975, Ngài được nhiều người nghe danh biết tiếng với thái độ cứng rắn chống đối kịch liệt chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Ngài là Giám Mục duy nhất tại Việt Nam đã phạt "treo chén" một linh mục trong giáo phận vì đã hoạt động tích cực cho chế độ Cộng Sản. Do đường lối chống đối nầy của Ngài, tương quan giữa giới cầm quyền Cộng Sản với linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo phận Huế rất căng thẳng. Ðặc biệt Cộng Sản Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa mạnh mẽ như:

  • Cho công an thường xuyên canh chừng theo dõi các lối ra vào của Tòa Tổng Giám Mục Huế cũng như theo dõi nội dung các bài giảng của Ngài trong thánh lễ.

  • Không cho Ngài tham dự các phiên họp của Hội Ðồng Giám mục Việt Nam.

  • Không cho Ngài đi Roma triều yết Ðức Giáo Hoàng và viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô cũng như tham dự các hội nghị của Tòa Thánh..

  • Tuy là Giám Mục giáo phận Huế gồm thành phố Huế, và hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Ngài bị cấm, không cho đi ra khỏi phạm vi thành phố Huế mà không có phép.

  • Bắt bớ giam cầm các linh mục cộng sự thân tín của Ngài hoặc chỉ định cư trú đối với những linh mục "nguy hiểm" cho chế độ.

  • Gây khó khăn tối đa trong việc thuyên chuyển nhiệm sở của các linh mục quản xứ cũng như hoạt động mục vụ của các Ngài.

  • Các cơ sở của giáo phận Huế, không bị "nhà nước quản lý" như Tòa Giám Mục, Ðại Chủng Viện, Nhà Chung, các Dòng tu v.v....đều đã từng bị phong tỏa và lục soát.

  • Ðại Chủng Viện bị kiểm soát gắt gao, ngăn trở tối đa mọi hoạt động, và không cho các thầy được thụ phong linh mục. Ðại chủng sinh bị công an gọi "làm việc" (tức là hạch hỏi, chất vấn, nạt nộ, bắt làm kiểm điểm v.v...), làm khó dễ, hoặc bị trục xuất, cho đến năm 1992 chỉ còn lại 11 thầy, dù đã học hết chương trình từ lâu, vẫn không được chính quyền Cộng Sản cho chịu chức Linh mục.

Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền còn bị triệu tập (chứ không phải mời) đến "làm việc" nhiều lần tại Sở Công An, Ủy Ban Nhân Dân, hoặc viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên (và sau nầy là tỉnh Thừa Thiên Huế). Mỗi lần như vậy có khi kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, mỗi ngày từ sáng đến chiều (buổi trưa được về ăn cơm trưa rồi trở lại). Mục đích của họ là khủng bố tinh thần, làm cho con người mệt mỏi, khiếp nhược và khuất phục. Lần "làm việc" sau cùng tại viện kiểm sát Nhân Dân tỉnh vào cuối năm 1987, đầu năm 1988, kéo dài liên tục trong ba tháng, cho đến một hôm Ngài bị mệt, công an cho mời bác sĩ đến tận nơi khám thấy huyết áp lên quá cao, họ mới cho Ngài về nghỉ.

Mặc dầu bị những áp lực nặng nề của chính quyền Cộng Sản, ngài vẫn không hề nao núng và vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Trong nhiều bài phát biểu, Ngài vẫn khẳng định không có tự do tín ngưỡng tại Việt Nam, và đã trích dẫn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, quyền căn bản của con người. Cộng Sản Việt Nam vẫn cay cú vì không bắt bẻ, kết tội gì được ở Ngài. Ngay cả trong những buổi "làm việc", Ngài vẫn thản nhiên bình tĩnh đấu lý với họ bằng những lập luận sắc bén và khéo léo mà trình độ của một cán bộ Cộng Sản không thể theo kịp được. Một số cán bộ Cộng Sản đã tiết lộ rằng họ rất thán phục và e dè mỗi khi đối diện với Ngài, người mà họ mô tả là vĩ đại và không hề sợ chết.

Tại Giáo Phận Huế có Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang nổi tiếng (ở Quảng Trị) cứ mỗi ba năm một lần có Ðại Hội Ðức Mẹ rất lớn và hằng năm vào dịp lễ Ðức Mẹ Lên Trời, giáo dân có truyền thống hành hương viếng Mẹ. Cộng Sản Việt Nam đã tìm đủ mọi cách để ngăn cấm và yêu cầu Ngài không được tổ chức. Ngài đã trả lời rằng "Không ai tổ chức cả.Ðó là Ðức Tin và lòng thánh kính của giáo hữu, và chúng ta phải tôn trọng. Tôi không thể ngăn cấm được." Suốt trong nhiều năm, mỗi lần có kiệu Ðức Mẹ La Vang, công an đã ngăn chận đầy đường, kiểm soát chặt chẽ các xe hành khách, các chuyến tàu hỏa từ các nơi về Quảng Trị, thấy ai có thẻ chứng minh nhân dân (tức là thẻ căn cước) ghi Thiên Chúa giáo là bị đuổi lui về, nhưng các linh mục và tu sĩ, giáo dân đã khôn khéo tìm đủ mọi cách để "qua mặt" họ. Tại đền thờ Ðức Mẹ La Vang, có khi linh mục không được cử hành thánh lễ, giáo dân đã tập trung cầu nguyện, cử hành nghi thức suy tôn Lời Chúa và nhận lãnh Mình Thánh Chúa từ các thừa tác viên giáo dân. Những ai tham dự các buổi lễ nầy đều không cầm được nước mắt khi nhìn lên bàn thờ không thấy sự hiện diện của linh mục mà chỉ là tấm áo lễ trải rộng trên bàn thờ cùng với dây stola tượng trưng cho tác vụ của linh mục.

Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền vốn bị bệnh tim và huyết áp. Qua nhiều năm căng thẳng đương đầu với chính quyền Cộng Sản, bệnh phát nặng. Ðầu tháng 5, 1988, Ngài được chở vào chữa bệnh tại Sài Gòn. Vào gnày 8 tháng 6, 1988, Ngài đã qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cái chết của Ngài với nhiều nghi vấn, đã gây bàn tán sôi nổi trong dư luận giáo dân và đồng bào trong nước. Người ta nghi ngờ Cộng Sản đã tìm cách triệt hạ Ngài.

Thi hài của Ngài sau hai ngày quàn tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, đã được di chuyển bằng đường bộ ra Huế. Khi đi qua các giáo phận dọc quốc lộ I, rất nhiều linh mục và giáo dân đã tuôn đến kính viếng và tỏ lòng ngưỡng mộ. Ðặc biệt tại đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa hai giáo phận Ðà Nẵng và Huế, một đoàn xe Honda hai bánh và xe ôtô gồm 200 thanh niên, trung niên giáo phận Huế đã đón và hộ tống linh cữu Ngài về Tòa Tổng Giám Mục Huế vào lúc 7 giờ tối. Suốt hai bên dọc đường Quốc Lộ I từ Lăng Cô đến Phủ Cam, giáo dân mang băng tang màu tím quỳ dọc hai bên đường để tỏ lòng thương tiếc và tiễn biệt vị chủ chăn kính mến. Khi đoàn xe tang về tới Tòa Giám Mục, cả một rừng người thổn thức nghẹn ngào, những tiếng khóc thương tràn ngập đau xót. Suốt từ tối 12 tháng 6 đến chiều 13 tháng 6 tại Tòa Tổng Giám Mục Huế, rất nhiều cá nhân, đoàn thể đến thăm viếng, đặc biệt là một số hội đoàn bên Phật Giáo và các hàng giáo phẩm chức sắc đại diện Phật Giáo, Tin Lành, Cao Ðài đều đến kính viếng và tham dự lễ tang. Người ta thấy rõ sự thiện cảm của các tôn giáo bạn đã ưu ái dành cho Ngài. (Ðể đáp lại mối thịnh tình nầy, khi Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu viên tịch, Tòa Tổng Giám Mục Huế cũng đã cử một phái đoàn đến phân ưu, kính viếng; ngoài ra đã có một số linh mục đến thăm và tham dự lễ tang Hòa Thượng).

Chiều ngày 13 tháng 6, linh cửu Ðức Tổng Giám Mục được rước trọng thể qua Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam. Tại đây suốt đêm đến sáng 15 tháng 6, giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân luân phiên cầu nguyện và dâng thánh lễ.

Ngày 15 tháng 6,1988 lúc 9 giờ sáng, thánh lễ an táng đã được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam với sự đồng tế của rất đông Giám Mục (Miền Nam và Miền Bắc) và toàn thể linh mục Giáo phận Huế cũng như các linh mục từ các nơi đến, sau đó thi hài Ngài được hạ khoáng trong nhà thờ chánh tòa.

Trong suốt một thời gian dài sau đó, tại khuôn viên mộ Ngài, luôn luôn ngập đầy hương hoa và vô số người đến viếng và khấn nguyện. Người viết đã từng nghe nhiều người kể lại những sự kiện mà họ mô tả như là phép lạ, nhiều người đã cầu xin với Ðức Cha và đã được toại nguyện, trong đó có cả những người ngoài Công Giáo.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền mất đi, Giáo Hội Việt Nam mất một Giám Mục lỗi lạc, một chủ chăn gương mẫu, đất nước Việt Nam mất một công dân can trường quả cảm, một tấm gương sáng chói chống độc tài áp bức Cộng Sản. Nhiều người Công Giáo trong nước đã ví Ngài như một vị Thánh Tử đạo. Những người ngoài Công Giáo coi Ngài như một anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương dân tộc. Ðược tin Ðức Cha Philipphê qua đời, ngày 10-6-1988, trong điện văn phân ưu với giáo phận Huế, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban tặng Ngài danh vị "Grand Figure d’Evêque". Trước đó, năm 1980, trong dịp một số Giám Mục Việt Nam sang Roma viếng mộ hai thánh Tồng đồ Phêrô-Phaolô và yết kiến ÐTC, cũng như vào dịp Ngân Khánh của Ngài năm 1985, Ðức Thánh Cha đã nồng nhiệt gọi Ngài là "Vaillant Confrère".

Nhân dịp tưởng niệm 10 năm cái chết oanh liệt của Ðức TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền chúng ta hãy học tập và phát huy tinh thần dũng cảm của Ngài trong cuộc sống đạo và đời của chúng ta.

Hòa Ái