HÌNH ẢNH MỘT NGƯỜI CHA:
ÐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ÐIỀN

(Nhân ngày giổ 10 năm của Ngài: 8-6-1988 đến 8-6-1998)
Nguyễn Lý-Tưởng

Những biến cố xảy ra từ tháng 5,1963 và những ngày tháng sau đó đã ít nhiều làm xáo trộn nếp sống của người dân xứ Huế, nhất là đối với một sinh viên Công Giáo như chúng tôi. Trước ngày 26/10/1963, tôi là một trong ba người được anh em sinh viên Công Giáo Huế cử đi Sài Gòn họp Tổng Liên Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Ðại Học Việt Nam, có Cha Tuyên Úy cùng đi với chúng tôi. Chiều ngày 1 tháng 11, 1963, trong lúc chúng tôi đang họp tại Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ, đường Nguyễn Thông Quận 3 Sài Gòn, cạnh trường Regina Pacis thì tiếng súng của phe quân nhân đảo chính Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bắt đầu...cho đến ngày hôm sau, 2-11-1963 thì chúng tôi được tin Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu đã bị thảm sát...Tôi chạy đến Trung Tâm Công Giáo ở đường Nguyễn Ðình Chiểu tìm Cha Tuyên Úy...Ngài nói với tôi: - Có biết Cha Thuận ở đâu không, nhắn Ngài vào Bộ Tổng Tham Mưu xin làm phép xác cho hai ông Ngô Ðình Nhu và Ngô Dình Diệm...

(Cha Thuận tức là Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận sau nầy...). Tôi trả lời:

- Con nghe tin Cha Thuận đã trở về Huế rồi.

Trung Úy Trọng, em ruột của Cha Bermand Nguyễn Văn Thảo (Dòng Xitô Châu Sơn) đang có mặt ở đó. Anh thuộc Lữ Ðoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống...Anh nói với chúng tôi:

- Hai ông đã chết rồi...bị họ giết rất dã man...

Tôi liền chạy đến nhà anh Hồ Ngọc Tâm, lúc đó là Ðại Úy thuộc Lữ Ðoàn Phòng Vệ và biệt phái qua làm tại Phòng I Tổng Tham Mưu. Anh nói với tôi: -Chính mắt tôi chứng kiến, họ giết hai ông rồi, hiện đang để trên branca có phủ một cái khăn trắng, nằm nơi bãi cỏ cạnh gốc cây...

Tôi trở về nhà người bà con với tâm trạng rất buồn...Tiếng nhạc kích động từ trong một building của Mỹ ở đường Bùi Thị Xuân vang lên rất lớn, tiếng nhạc điên cuồng, thác loạn làm cho tôi cảm thấy đau xót và thật mỉa mai trước cái cái tang của một Tổng Thống. Từ đây, với súng đạn trong tay, người ta muốn làm gì thì làm. Một Tổng Thống mà không được Hiến Pháp và Luật Pháp bảo về thì số phận của người dân sẽ ra sao ? Với tuổi trẻ và đang được nghe thầy giáo dạy các bài về chế độ dân chủ trong lớp, tôi thấy thật mâu thuẫn. Ở Huế, cảnh náo loạn xảy ra thường xuyên. Những người tự xưng là "TRANH ÐẤU" muốn bắt ai thì bắt, muốn buộc tội ai thì buộc, chính quyền làm ngơ để cho họ tha hồ hành động. Ngày nào cũng có biểu tình, tranh đấu, trường học phải đóng cửa, những ai muốn đi học cũng bị ngăn cản, những tên du đảng, lực lượng xích lô kéo vào chiếm các phòng ốc trong đại học, ở đó luôn, tắm rửa, đem đồ lót phơi ngay cửa sổ phòng học, người qua lại ở ngoài đường đều nhìn thấy. Tình trạng khủng bố người theo đạo Công Giáo ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nhất là những nơi tân tòng...Và ngay trong thành phố, những người Công Giáo buôn bán làm ăn, ai có nhà cao cửa rộng, ai có máu mặt...cũng bị chụp mũ "Kinh Tài Cần Lao" khiến cho nhiều người phải bán nhà cửa, sang lại tiệm buôn để chạy vào Sài Gòn...

Trước tình hình đen tối như thế, sự chia rẽ trầm trọng giữa người Việt Nam không cùng một tôn giáo, sự kỳ thị, bất công giữa những người cũ và mới trong chính quyền, mới hôm trước hôm sau đã trở mặt: công chức, cảnh sát, sĩ quan Công Giáo trong quân đội v.v. bị thuyên chuyển, bị kỷ luật...đã làm cho anh em chúng tôi rất thất vọng. Tôi là một sinh viên, bản thân và gia đình tôi không có hưởng nhờ quyền lợi gì của chế độ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Cha và anh tôi, những người thân thuộc trong gia đình, họ hàng của tôi đã đứng trong hàng ngũ những người quốc gia chống lại Việt Minh, chống lại Cộng Sản và đã bị Cộng Sản giết trước năm 1954, trước khi Ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh. Năm 1954, tôi còn là học sinh Trung Học, năm 1963, tôi còn là sinh viên Ðại Học, chưa tốt nghiệp, chưa đi làm...Tôi hoàn toàn không mang mặc cảm nào hết về sự liên hệ với chế độ đó, tôi thấy cần phải dấn thân vào con đường tranh đấu để loại trừ những tên Cộng Sản nằm vùng trong sinh viên, để liên kết những người quốc gia, nhất là những bạn bè có thân nhân là nạn nhân Cộng Sản, thành một lực lượng hầu phá vỡ âm mưu của bọn Cộng Sản và tay sai, ít nhất trong phạm vi học đường.

Lúc đó tôi đang sinh hoạt với tổ chức Thanh Niên Thiện Chí, anh em thường tổ chức đi cắm trại ở vùng quê, làm công tác xã hội. Tôi đề nghị Cha Tuyên Úy SVCG và anh em trong Ban Chấp Hành Ðoàn Sinh viên Công Giáo tổ chức những chuyến thăm viếng các xứ tân tòng, tổ chức lửa trại, văn nghệ, phát quà của cơ quan Caritas cho người nghèo, tổ chức thánh lễ cho họ...mục đích an ủi họ trong cảnh bị kỳ thị, áp bức, thậm chí nhiều người còn bị khủng bố, đánh đập (trong đó có linh mục Nguyễn Cao Lộc ở xứ Mỹ Á đã bị bọn người kỳ thị tôn giáo đánh...)

Trong giáo phận lúc đó không có Giám Mục, Ðức TGM Phêrô Ngô Ðình Thục đang họp ở Roma và Ngài đã ở luôn không về...Con chiên không có Chủ Chăn, thật bơ vơ ! Một hôm, chúng tôi được thông báo đi đón Ðức Tân Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, nguyên Giám Mục Mỹ Tho sẽ đến Huế thay thế Ðức TGM Phêrô...Tôi rất mừng vì khoảng 1959, tôi đã từng gặp Ngài ở Dalat trong dịp nghỉ hè. Tôi đã được dự thánh lễ và nghe Ngài giảng tại trụ sở của các cha Dòng Tiểu Ðệ Chúa Giê Su...Ngài trẻ trung, khiêm tốn, rất khôi ngô và rất lôi cuốn giới trẻ lúc đó. Tôi đã được nói chuyện với Ngài một vài lần trước khi Ngài nhận chức Giám Mục Cần Thơ. Ngài nói giọng Miền Nam rất ngọt ngào, nụ cười duyên dáng, thánh thiện đầy tình yêu thương, bác ái...Tôi nghe nói Ngài đã từ chối khi được Tòa Thánh chọn làm Giám Mục, Ngài nói rằng Ngài thuộc dòng hèn mọn với lý tưởng phục vụ người lao động nghèo và cùng chia xẻ với họ trong công việc hằng ngày, Ngài không muốn làm Giám Mục vì sợ không còn được phục vụ dưới hình thức như thế nữa. Nhưng nghe đâu Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh đã trả lời rằng: Ðức Thánh Cha chỉ cần sự vâng lời mà VÂNG LỜI là một trong ba lời thề quan trọng nhất của Linh Mục. Thế là Ngài đã trở thành Giám Mục Cần Thơ.

Ở Huế lúc bấy giờ rất ít người biết đến Ngài, ngoại trừ một số các Cha có giao thiệp với bên ngoài giáo phận, có đi đây đi đó, đa số đều chỉ biết đến những chuyện trong địa phương mình mà thôi. Ngày Ngài đến Huế, có Ðức Tổng Giám Mục Sài Gòn, Phaolô Nguyễn Văn Bình và một số các vị Giám Mục đi theo. Ðức Khâm Sứ Tòa thánh cũng có mặt trong phái đoàn. Hôm đó, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo hữu trong giáo phận đã đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Nguyễn Huệ, TP Huế để đón Ðức Cha. Anh em sinh viên Công Giáo chúng tôi được trao cho nhiệm vụ tổ chức tiếp đón. Phút gặp gỡ đầu tiên thật là cảm động, giọng Ðức Cha Bình trong phần giới thiệu cũng rất xúc động, nhất là khi nghe Ðức Cha Ðiền nói, mọi người càng cảm động hơn nữa. Nhiều người sụt sùi khóc vì từ nay, giáo phận đã có người Cha tốt lành, thánh thiện, khôi ngô, ngọt ngào, giọng nói của Ngài như tiếng mẹ ru bên nôi bằng những lời ca dao đượm tình dân tộc.

Từ đó, tôi có dịp liên lạc với Ngài thường xuyên. Tôi muốn làm cho những bạn bè của tôi, những người ngoài Công Giáo biết đến Ngài. Tôi nghĩ rằng, khi tiếp xúc với Ngài chắc chắn những người đó sẽ có cảm tưởng tốt đối với Công Giáo, qua Ngài, họ sẽ thấy được tinh thần bác ái, yêu thương của người Công Giáo. Sau nhiều lần tiếp xúc với tôi và qua những người trong gia đình, họ hàng của tôi hiện là linh mục trong giáo phận, Ngài đã hiểu tôi nhiều...Tôi thường nói về Ngài khi có dịp gặp những người quen biết trong giới chính trị và trong giới trí thức...Họ đã nhờ tôi làm trung gian để đến với Ngài...Kết quả là rất nhiều người sau khi gặp Ngài, đã tỏ ra rất có cảm tình và mến phục Ngài.

Với giọng nói ngọt ngào như thế, nhưng Ngài cũng không thiếu cương quyết trong công việc. Cựu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Mân, nay đã ngoài 80 tuổi, hiện đang còn sống ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, có kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây...Năm 1964, ông được Bộ Nội Vụ Sài Gòn cử ra Huế giải quyết một việc rắc rối có liên quan đến Công Giáo ở Huế. Ông Mân nguyên là tỉnh trưởng Quảng Trị năm 1947 thời Cụ Trần Văn Lý làm Hội Ðồng Chấp Chính Lâm Thời khi quân Pháp mới đổ bộ vào Huế, Quảng Trị. Ông là Phó Chủ Tịch Thanh Niên Liên Ðoàn Công Giáo VN ở miền Trung năm 1945-1946 lúc đó LM Trần Hữu Thanh DCCT là Tuyên Úy, ông có người chú ruột làm linh mục và người em cô cậu là Ðức TGM Nguyễn Như Thể hiện nay.

Nguyên sau cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh ngày 30-1-1964 tại Sài Gòn, Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng được lên làm Tư Lệnh Vùng I kiêm Ðại Biểu Chính Phủ tại Trung Nguyên Trung Phần, văn phòng đặt tại Ðà Nẵng và Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi về làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 ở Huế. Không biết do ai xúi giục, Tướng Tôn Thất Xứng đã gởi một văn thư đến Tòa Tổng Giám Mục Huế, yêu cầu Ðức Cha Ðiền giao nạp cho chính quyền tài sản của "Ông Ngô Ðình Thục" trong đó có chiếc xe hơi mà Ðức Cha Ðiền, với tư cách là Tổng Giám Mục Huế đang sử dụng. Khi tiếp được văn thư, Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền đã trả lời Vị Ðại Biểu Chính Phủ nội dung như sau:

"Tất cả nhà cửa, xe cộ, tài sản hiện chúng tôi đang quản lý với tư cách là Tổng Giám Mục TGP Huế là của Giáo Hội Công Giáo, không phải là tài sản của "Ông Ngô Ðình Thục". Nếu Ông Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn I kiêm Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật, kiêm Ðại Biểu Chính Phủ tại Trung Nguyên Trung Phần muốn tịch thu các tài sản đó thì yêu cầu Ông hãy đưa quân đội và khí giới đến đây mà lấy. Ký tên: Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, Tổng Giám Mục."

Thư trả lời đó, Ðức Cha cũng gởi cho Bộ Nội Vụ ở Sài Gòn. Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ lúc đó là Ông Hà Thúc Ký, tiếp được thư nói trên liền cử Ông Nguyễn Văn Mân đại diện Bộ ra Huế liên lạc với Tòa Ðại Biểu đồng thời cũng đến gặp Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền để tìm hiểu sự việc. Ai nghe chuyện cũng cười Ông Tướng quá dốt về chính trị. Tất nhiên sau đó không ai còn dám đòi tịch thu tài sản của "Ông Ngô Ðình Thục" mà họ quan niệm đó là tài sản của " gia đình họ Ngô"!!!

Mới đến Huế chẳng bao lâu, Ðức Cha liền đi thăm các giáo xứ tân tòng ỡ những miền quê xa xôi hẻo lánh và thường đi xe gắn máy đến các giáo xứ gần, trong phạm vi thành phố. Ngài đến không báo trước, có khi gặp cha sở, có khi không có ai ở nhà...Ngài tự động đi thăm các gia đình Công Giáo trong xứ, hỏi han người nầy người nọ làm cho con chiên rất phấn khởi và được an ủi rất nhiều. Ngài tránh không hề nhờ vả đến các phương tiện của chính quyền đương thời...

Năm 1964, có trận bão lụt lớn ở các tỉnh Miền Trung. Lúc đó Ông Trần Văn Hương mới lên làm Thủ Tướng ở Sài Gòn, sinh viên và Phật tử ở Huế và các tỉnh Miền Trung biểu tình chống đối...Chúng tôi thấy nội bộ quốc gia càng ngày càng chia rẽ trầm trọng, thanh niên, sinh viên học sinh bị lôi cuốn vào những cuộc đấu tranh chính trị, bỏ việc học hành, tuổi trẻ đã bị lợi dụng cho một nhóm người có tham vọng chính trị hoặc bọn thân Cộng từ trong bóng tối đang giựt giây. Chúng tôi bèn vận động anh em sinh viên Công Giáo và sinh viên thiện chí tổ chức những chuyến cứu trợ đồng bào...Chúng tôi mượn xe của quân đội và xin ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên (Trung Tá Võ Hữu Thu) cấp cho một số quần áo, thực phẩm của Ty Xã Hội để đem cho đồng bào. Anh em sinh viên đi từng nhà quyên góp tiền bạc, quần áo v.v. Chúng tôi vào gặp Ðức Cha Ðiền để trình bày công việc của anh em sinh viên cho Ngài biết. Ngài tự động tháo gỡ giây chuyền có tượng Thánh giá đang đeo trước ngực...và nói với tôi:

- Những người bạn ở Tây Ðức đã tặng cho Cha thánh giá và giây chuyền nầy. Cha giữ lại thánh giá, còn giây chuyền trao cho con đem bán để lấy tiền giúp vào quĩ cứu trợ. Ðây là phần đóng góp của cá nhân Cha.

Tôi hơi có vẻ ngần ngại, rồi bỗng một ý nghĩ hay hay đã đến với tôi lúc đó. Tôi nói:

- Con sẽ có cách sử dụng kỷ vật nầy. Ðể con làm theo cách của con xem thử kết quả ra sao.

Tôi mang giây chuyền bằng vàng Tây đó về và cùng mấy anh chị em sinh viên đi đến các nhà giàu hỏi giá. Giáo sư Martine Piat, dạy Pháp văn, cho giá 50.000 đồng lúc đó, bằng mười lần lương của một Trung Úy độc thân. Tôi không chịu bán với giá đó và quyết định làm theo kế hoạch của tôi. Tôi in ra 1000 vé số, mỗi vé 200 đồng, lô trúng duy nhất là giây chuyền vàng của Ðức Cha Ðiền. Trong dịp hành hương đầu năm kính Ðức Mẹ La Vang, chúng tôi bán hết số vé đã in, được 200.000 đồng cho vào quỹ cứu trợ. Cha Demerck, Dòng Tên ở Trung Tâm Xavie trúng giây chuyền đó và đã tặng lại cho Ðức Cha Ðiền ngay sau đó. Ðức Cha rất ngạc nhiên và khen sáng kiến của chúng tôi.

Ðoàn sinh viên Công Giáo Huế đã mang số tiền quyên góp được và số thực phẩm, áo quần vào Ðà Nẵng, ở lại một đêm tại Trường Thánh Tâm, yết kiến Ðức Giám Mục Phạm Ngọc Chi, xin ý kiến của Ngài về vấn đề cứu trợ nên đến những đia điểm nào...Hôm sau đoàn xe của chúng tôi vào Hội An, nước còn mênh mông chưa rút hết...Chiều đó, chúng tôi vào tận Quảng Tín, đến tận các nhà thờ xa xôi hẻo lánh, gặp các linh mục và trực tiếp phân phối tiền và phẩm vật cứu trợ cho đồng bào...Khi trở về, chúng tôi đã báo cáo lại với Ðức Cha Ðiền các họat động của anh em và trình cho Ngài những hình ảnh mà chúng tôi đã chụp được trong chuyến đi. Ngài ban lời khen ngợi anh em...

Mùa Hè năm 1966, tình hình ở Huế và Miền Trung rất căng thẳng, phe "TRANH ÐẤU" đang phát động những cuộc biểu tình bạo động, cướp chính quyền nhân vụ Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Ðoàn I...mất chức. Tướng Nguyễn Chánh Thi đã dựa vào lực lượng tranh đấu để làm áp lực với Sài Gòn hầu củng cố cho địa vị của ông ở Miền Trung. Các cuộc tranh đấu đó lúc đầu do những người ủng hộ Nguyễn Chánh Thi chủ xướng, nhưng sau đó bị tràn ngập bởi lực lượng Phật tử và sinh viên tranh đấu, trong đó có nhiều phần tử thân Cộng như Nguyễn Ðắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hiếu Ðằng, Lê Quang Long, Phan Duy Nhân v.v. Chúng tôi cũng tập hợp một lực lượng sinh viên chống Cộng để tự vệ và chống lại các sinh viên thiên Cộng. Tôi đi vào Sài Gòn trình bày tình hình với Trung Ương và tiếp xúc với báo chí mục đích nói rõ các hoạt động của Cộng Sản trong sinh viên để cho dư luận biết...

Hôm đó, không có máy bay Huế - Sài Gòn, tôi bèn đổi máy bay đi Dalat. Tôi gặp Ðức Cha tại phi trường, Ngài cũng đi Dalat. Máy bay đến phi trường Liên Khương, không có ai đón Ngài cả...không hiểu tại sao. Tôi liền mượn điện thoại gọi lên Ðại Học, báo tin cho Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập và xin xe đón Ngài. Từ Liên Khương lên Dalat khoảng 30 cây số, khá xa so với các phi trường khác ở Việt Nam hồi đó. Lợi dụng thời gian từ phi trường Phù Bài Huế cho đến khi về tới Ðại Học Dalat, tôi trao đổi với Ngài về tình hình ở Huế. Ngài rất quan tâm và lắng nghe rất đầy đủ những gì tôi trình bày.

Trong Tết Mậu Thân, lúc đó tôi đang làm Dân Biểu HNV, đơn vị Thừa Thiên, được đi theo để hướng dẫn phái đoàn các Giám Mục Việt Nam do Ðức TGM Nguyễn Văn Bình hướng dẫn ra thăm Huế. Phái đoàn đến Ðà Nẵng, và đã được Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I cho máy bay trực thăng đưa ra Huế, có Ðức Cha Phạm Ngọc Chi cùng đi theo. Máy bay đã đáp xuống sân đá banh trước mặt Dòng Chúa Cứu Thế Huế, Ðức Cha Ðiền đã đến đó để đón tiếp phái đoàn. Ðồng bào nạn nhân cũng có mặt rất đông ở đó. Ðức Cha Bình đã thay mặt các Ðức Cha và phái đoàn an ủi anh em giáo hữu, tặng quà và ban phép lành cho họ. Những hình ảnh tang tóc trong Tết Mậu Thân đã khiến cho Ðức Cha Ðiền rất đau xót.

Giáo Xứ Phủ Cam, nơi có nhà thờ chính tòa là nơi Ðức Cha thường đến đó cử hành những nghi lễ long trọng, đã trở nên một nơi đầy máu và nước mắt. Có hơn ba trăm người đã bị Việt Cộng bắt đi và đã bị thảm sát tại Khe Ðá Mài, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên. Khoảng tháng 10 năm 1969, khi Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền mới từ Roma về đến Huế, Ngài được tin chính quyền mới tìm được mấy trăm nạn nhân bị thảm sát vất xác dưới khe Ðá Mài, lâu ngày, thịt thối rữa hết chỉ còn sọ người và xương xóc nằm lẫn lộn thành một đống. Những hình ảnh đó đã được chiếu trên Truyền Hình và tin tức được loan báo trên đài Phát Thanh...Ðức Cha rất xúc động.

Ngay khi Ngài vừa về đến Sai Gòn, chưa có mặt ở Huế thì có một vị Dân Biểu địa phương đã nói với báo chí rằng: "Ông Nguyễn Kim Ðiền, TGM ở Huế đã dính vào vụ tranh chấp những xác chết đó". Lúc bấy giờ có nhiều sự bất đồng giữa các nhân vật có thế lực đại diện cho các tổ chức tôn giáo, chính trị tại địa phương về địa điểm sẽ được an táng các nạn nhân. Chúng tôi đã đến gặp đại diện các tôn giáo cũng như Hội Nạn Nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân để hỏi ý kiến và cuối cùng đã quyết định sẽ an táng các nạn nhân tại chân núi Ba Tầng, gần núi Ngự Bình, phía sau lưng làng Phủ Cam.

Qua Ðài Phát Thanh và Ðài Truyền Hình Huế, chúng tôi đã trình bày với đồng bào mọi diễn tiến và quyết định của Ban Tổ Chức tang lễ, kêu gọi mọi người bình tĩnh, tránh những hành động hay lời nói gây chia rẽ có hại cho tình đoàn kết quốc gia. Chúng tôi cũng cho báo chí biết sự việc xảy ra khi Ðức TGM còn ở ngoại quốc, Ngài hoàn toàn không hay biết gì...Khi về đến Huế, Ngài đã đến nhà thờ chính tòa dâng thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ và tuyên bố Công giáo không liên quan gì đến cuộc tranh chấp nói trên.

Cảm động nhất là trong lễ an táng của hai linh mục Gioan Baotixita Bửu Ðồng và Micae Hoàng Ngọc Bang cùng hai sư huynh dòng La San bị Việt Cộng chôn sống tại Phú Thứ, cử hành tại nhà thờ Phủ Cam ngày 12 tháng 11, 1969, Ngài đã đọc một bài điếu văn làm cho mọi người không cầm được nước mắt.

Sau Tết Mậu Thân, cơ sở Dòng Kín Carmel Huế bị hư hại nặng. Quá kinh hoàng nên Mẹ và chị em trong Dòng đã vào tạm trú tại nhà Ông Nguyễn Văn Bửu, Phú Nhuận Sài Gòn. Vào một buổi sáng rất sớm, chúng tôi vừa thức dậy, chuẩn bị đi làm thì một nữ tu đến báo tin Cha Bề Trên Benoit Nguyễn Văn Thái, Dòng Bénédictin Thiên An Huế mới bị chết do Việt Cộng pháo kích vào Sài Gòn hôm qua. Ngài đã đến thăm ông Nguyễn Văn Bửu và ông nầy đã nhường phòng ngũ của mình cho ngài tạm trú...Các nữ tu quá hoảng sợ và không biết giải quyết làm sao. Tôi bèn gởi điện tín báo tin cho Các Bề trên Dòng Bénédictin ở Huế, Ban Mê Thuột và báo cho Ðức TGM Huế biết. Ðồng thời tôi cũng nhờ Cha Cao Văn Luận và Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, Phụ Tá Tổng Thống lúc đó nhờ tìm cách giúp nhà Dòng đưa xác Cha Bề Trên về an táng ở Huế. Ít lâu sau, tôi nhận được thư viết tay của Ðức Cha Ðiền cám ơn về việc đó.

Tết năm 1971, tôi đưa vợ con đến thăm Ngài. Trong phòng khách của Tòa TGM Huế lúc đó có nhiều giáo hữu ở trong khu vực lân cận cũng đến thăm Ngài. Con gái đầu của tôi là H.A đưa tay nắm lấy tượng Thánh giá Ngài đang đeo ở trước ngực, không chịu buồng ra. Vợ tôi tỏ vẻ lo lắng, sợ vô lễ với Ngài...Nhưng Ngài tươi cười ẳm cháu vào lòng và nói rằng: "Giây chuyền đeo tượng nầy, Cha đã trao cho ba con đi bán rồi, nhưng nay vẫn còn đây. Ðó là ý Chúa vậy..." Ngài muốn nhắc lại câu chuyện cứu trợ nạn nhân bão lụt hồi 1964, khi tôi còn là sinh viên, Ngài đã tặng giây chuyền đó cho anh em đem đi bán để giúp vào quỹ cứu trợ....

Cuối năm 1973, có người anh ruột vợ tôi chịu chức linh mục. Ðức Cha đã quyết định sẽ tổ chức lễ phong chức cho thầy đó tại ngay nhà thờ giáo xứ Phù Lương, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ðó là một trường hợp rất đặc biệt vì xưa nay những lễ nghi long trọng như thế đều tổ chức tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Huế. Trước khi vào lễ Ngài đã nhắc lại hoàn cảnh gia đình cha mẹ anh em của vị tân linh mục, là nạn nhân của biến cố Mậu Thân 1968 ở Huế, cha chết, ba đứa em chết, nhà cửa hư hại, mẹ con phải chạy về nương náu tại giáo xứ Phù Lương. Mặc dù trong hoàn cảnh như thế nhưng bà mẹ và anh em chỉ một lòng xin Chúa ban cho người con của gia đình được làm linh mục...Bài giảng rất cảm động với mục đích cho mọi người biết quý trọng ơn kêu gọi và giúp người đi tu được trung thành với ơn gọi. Khi gia đình đến Tòa Giám Mục để cám ơn, Ngài đã đón tiếp rất nồng hậu trong tình cha con...

Sau hiệp định Paris, 27-1-1973, Phong Trào Sùng Kính Ðức Mẹ (Ðạo Binh Xanh) đã đứng ra tổ chức rước tượng Ðức Mẹ Fatima đến Việt Nam để cầu nguyện cho Hòa Bình. Từ Sài Gòn, tượng Ðức mẹ đã được đưa ra Huế rồi trở vô Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Mỹ tho, Cần Thơ...Máy bay đưa tượng Ðức Mẹ ra Huế, Ðức Cha Ðiền đón tại phi trường Phù Bài và đi đường bộ ra La Vang. Ngài không đồng ý sử dụng máy bay trực thăng vì Ngài tránh không dùng phương tiện của chính quyền. Ðức Cha Chi rất nôn nóng vì Ngài cũng cần đón tượng Ðức Mẹ về Ðà Nẵng cho kịp giờ...Nhưng đành phải chịu. Tại La Vang, sau khi tôn vinh Ðức Mẹ xong thì Ðức Cha Chi rước tượng Ðức Mẹ lên máy bay trực thăng bay vô Ðà Nẵng ngay vì đồng bào đang đợi Ngài ở đó. Trong bài giảng tại Vương Cung Thánh Ðường La Vang đổ nát, Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền đã lên án cả hai bên : Quốc Gia cũng như Cộng Sản, Ngài đả kích những hành vi tham nhũng, thối nát, chính quyền phải chịu trách nhiệm về một xã hội nghèo đói, chậm tiến, bất công...Bài giảng của Ngài đã được phổ biến tại Sài Gòn...Phát biểu trong cuộc họp của Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Ngài cũng đã nhắc lại những tư tưởng đó. Ngài nói rằng Giáo Hội phải xét lại mình, xem có đi đúng đường lối của Ðức Kitô hay không ? Cái nhìn của Ngài về vấn đề người nghèo...cũng đã được chú ý rất nhiều trước đây.

Lần cuối cùng chúng tôi gặp Ngài vào cuối năm 1973, từ đó không còn dịp nào trở về Huế để thăm Ngài nữa. Sau 30-4-1975, ở trong nhà Tù CS, tôi được Trung Tá Nguyễn Thế cho xem bài diễn văn của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong dịp tiếp phái đoàn Giám Mục Việt Nam, khoảng 1980 và tài liệu "Ðường Hy Vọng" của Ðức TGM Nguyễn Văn Thuận biên soạn. Ðức Thánh Cha đã ca tụng Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền là một người can đảm...Tôi không biết tình hình bên ngoài lúc đó như thế nào vì mới ở nhà giam Hỏa Lò Hà Nội về...Một số anh em có gia đình đến thăm, biết được một vài tin tức của Giáo Hội...đã cho biết Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền đã lên tiếng tố cáo chính sách tiêu diệt tôn giáo của CSVN và đang bị quản chế ...Anh em chúng tôi đã nhắc nhở nhau cầu nguyện cho Ngài. Ðầu năm 1988, tôi gặp Linh Mục Nguyễn Văn Lý, nguyên bí thư của Ðức Cha Ðiền bị kết án 15 năm tù mới được chuyển đến Trại Nam Hà (tỉnh Hà Nam Ninh), được Cha Lý cho biết thêm một vài chi tiết về Ðức Cha Ðiền. Tết năm đó, tôi được ra khỏi nhà tù, về với gia đình tại Sài Gòn. Tôi rất muốn đi Huế thăm Ðức Cha nhưng không có phương tiện vã lại cùng còn ngại công an theo dõi nên không dám đi lại nhiều. Tháng 5,1988 tôi được tin Ðức Cha đau nặng phải đem vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Tôi muốn đến thăm nhưng lại được tin Công An canh gác không cho người ngoài đến đó. Thế rồi khoảng hai tuần sau, chúng tôi nghe đài BBC loan báo Ngài đã qua đời. Các đài VOA, BBC, đài Pháp, đài Chân Lý Á Châu ở Manila đều loan tin kèm theo lời bình luận về cái chết của Ngài. Dư luận trong và ngoài nước đều cho rằng chính Cộng Sản đã giết Ngài (hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp...)

Tôi và gia đình, bạn bè đã đến nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn để kính viếng Ngài. Trong thánh lễ cầu nguyện và tiễn đưa Ngài về Huế, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể đã đọc một bài cám ơn rất cảm động, ca đoàn nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn đã hát những bài thánh ca rất ý nghĩa. Mọi người đều chảy nước mắt vì mến thương một vị Thánh đã từ giã chúng ta trên cõi đời nầy...Hôm nay, nhân lễ giổ 10 năm của Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền, chúng tôi viết lại một vài kỷ niệm tình Cha con, những ngày tháng mà chúng tôi đã được sống gần Ngài, với ước mong các con cái của Ngài,những giáo hữu Cân Thơ, Huế và Việt Nam đừng bao giờ quên hình ảnh MỘT NGƯỜI CHA TỬ ÐẠO trong giai đoạn mới nầy, dưới chế độ Cộng Sản.

Chúng ta đã quên Ngài rồi chăng ? Không, không thể như thế được ! Chúng ta phải làm một cử chỉ gì để nhớ đến Ngài, nhất là trong ngày giổ 10 năm của Ngài.

Nguyễn Lý-Tưởng.