Mừng kỷ niệm 10 năm Giám mục Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc giáo phận Mỹ Tho

GP MỸ THO -- Ngày 20/05/2009, gia đình giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức mừng kỷ niệm 10 năm giám mục Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc. Tối hôm trước, tại Lễ đài Đức Mẹ - công trình của cha Giacôbê Hà Văn Xung, cha sở giáo xứ Chánh tòa, vừa được hoàn thành để dâng lên Đức Cha như một món quà trong ngày lễ của ngài - đã diễn ra Đêm văn nghệ Tạ ơn Hồng ân mười năm Giám mục của Đức cha Phaolô. Sau lời chúc mừng của cha Tổng Đại diện Phêrô Hồ Bản Chánh, đêm văn nghệ mở đầu với ca khúc "Bông hồng cài áo" do cha Phaolô Nguyễn Thành Sang trình bày, bày tỏ tâm tình biết ơn dành cho Bà Cố Đức cha, người đã ban tặng Đức cha cho giáo phận Mỹ Tho. Tiếp theo là các tiết mục "cây nhà lá vườn" nói lên tâm tình quý mến của toàn giáo phận đối với vị cha chung. Đêm văn nghệ khép lại với hợp ca Tạ ơn của tất cả các “diễn viên", như muốn kéo dài niềm vui và tâm tình tri ân cảm tạ trong tâm hồn mọi người.

Sáng thứ tư 20/05, Thánh lễ Tạ ơn cử hành lúc 9 giờ 30 tại Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho do chính Đức Giám mục giáo phận Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP.HCM, nguyên Giám mục phó Mỹ Tho, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường và khoảng 180 linh mục đến từ nhiều giáo phận, cùng với sự tham dự đông đảo của quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân Đức cha Phaolô và đại diện giáo dân các giáo xứ trong giáo phận.

Sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận thể hiện mối hiệp thông sâu xa và tình cảm quý mến của mọi người dành cho Đức cha Phaolô.

Trong bài chúc mừng trước Thánh lễ, cha Tổng Đại diện đã ôn lại hành trình 10 năm Giám mục của Đức cha Phaolô qua hai chặng đường: năm năm củng cố hàng linh mục và củng cố các giáo hạt, và bây giờ bắt đầu năm năm củng cố các Hội Đoàn.

Với sự quan tâm, khích lệ của Đức cha trong thời gian qua, nhiều cơ sở thờ tự được mọc lên khang trang hơn, đẹp hơn; nhưng ưu tiên hàng đầu của Đức cha vẫn là công cuộc truyền giáo và chăm lo đào tạo, phát triển con người. Chỉ với 10 năm nhưng diện mạo của Giáo phận đã khởi sắc với những thành tựu tốt đẹp.

Như lời Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong bài giảng thánh lễ, đạt được kết quả như vậy, là nhờ Đức cha Phaolô đã biến những suy tư thần học của mình thành hành động, bằng một đầu óc cởi mở, đối thoại và một trái tim biết lắng nghe. Đối thoại, lắng nghe là để hiểu biết và yêu thương hết mọi người. Động lực của những hành động này phát xuất từ tình yêu Chúa Ba Ngôi. Và cũng chính từ tình yêu Chúa mà trong sứ vụ yêu thương phục vụ, Đức cha luôn tìm được niềm vui, như chính châm ngôn Giám mục của ngài "Chúa là nguồn vui của con".

Mừng kỷ niệm 10 năm Giám mục của Đức cha Phaolô, ôn lại những thành tựu Đức Cha đã đạt được, trong bối cảnh Giáo phận cùng với Giáo hội Việt Nam chuẩn bị mừng kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam và cũng chính là 50 năm thành lập giáo phận Mỹ Tho là một việc làm thật ý nghĩa.

Đây là dịp để tạ ơn Chúa về những thành quả tốt đẹp Chúa đã ban cho Giáo phận trong 10 năm qua, đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn của mọi người đối người Cha chung quí mến của Giáo phận.

Tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Cha còn là dịp nhắc nhớ mọi người về trách nhiệm hiện tại cùng với Vị Chủ chăn của mình phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, ra sức dựng xây tương lai giáo phận ngày càng đẹp hơn như lòng Chúa mong ước.

Nguyện xin Chúa tiếp tục gìn giữ Đức cha trong tình yêu quan phòng của Chúa, để niềm vui của Đức cha luôn mãi tròn đầy và để mọi người cùng được hưởng niềm vui ấy.

ÐTMT
(Theo Trang Web của HĐGMVN)


Bài chia sẻ của Đức cha Khảm nhân kỷ niệm 10 năm giám mục của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho

Xuống núi (Mc 9, 2-10)

Trong một hai tuần lễ vừa qua, các giám mục Việt Nam di chuyển liên tục. Lên Tây nguyên để cử hành lễ phong chức cho Đức Tân giám mục của giáo phận Ban Mê Thuột. Xuống đồng bằng Cửu Long để mừng thọ 100 tuổi, 75 năm linh mục và 50 năm giám mục của Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Và hôm nay, đi Mỹ Tho để mừng kỷ niệm 10 năm giám mục của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc.

Trong khung cảnh của những chuyến đi, khi nhìn lại 10 năm giám mục của Đức Cha Phaolô, tôi cũng hình dung cuộc đời giám mục của ngài như một cuộc di chuyển.

Di chuyển từ núi đồi Đà Lạt đến đồng bằng Cửu Long. Là chủng sinh của Sài Gòn nhưng khi làm linh mục, lại là linh mục của giáo phận Đà Lạt vì Đà Lạt đã được tách ra thành một giáo phận mới từ năm 1960. Và đời linh mục của ngài gắn với giáo phận Đà Lạt, với vẻ đẹp thơ mộng, với không khí vùng núi, với văn hoá cao nguyên. Rồi đến năm 1999, Toà Thánh quyết định bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Mỹ Tho.Thế là ngài phải thực hiện một cuộc di chuyển từ núi đồi Đà Lạt xuống đồng bằng Cửu Long, từ văn hoá cao nguyên đến văn hoá sông nước, từ không khí miền núi đến khí hậu đồng bằng. Một cuộc di chuyển không dễ dàng, đòi hỏi khả năng thích nghi và sáng tạo để có thể chu toàn sứ vụ.

Hàm trong cuộc di chuyển về mặt không gian là một cuộc di chuyển khác, khó thấy hơn nhưng lại sâu sắc hơn, đó là di chuyển từ núi đồi thần học đến đồng bằng mục vụ. Hầu như gần trọn cuộc đời linh mục của Đức cha Phaolô gắn liền với công việc suy tư, nghiên cứu và giảng dạy triết học, thần học. Ngài làm công việc đó không chỉ như một nhiệm vụ được trao phó mà thực sự như một đam mê. Không lạ gì trước khi được gọi làm giám mục, ngài đã được chọn làm chuyên viên thần học của HĐGMVN, và khi làm giám mục, đã được HĐGM tin tưởng trao cho nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin. Vì thấy ngài say mê nghiên cứu thần học như thế nên khi nghe tin Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục, đã có người thắc mắc: không biết ngài làm mục vụ có tốt không vì suốt ngày toàn suy nghĩ những chuyện trên trời, còn mục vụ thì lại quan tâm chuyện dưới đất, kể cả chuyện kiếm tiền cho các dự án của giáo phận nữa! Thực tế cho thấy nhà thần học đã làm mục vụ rất tốt. Không chỉ là xây dựng thêm nhiều cơ sở cho giáo phận, cũng không chỉ là lên kế hoạch cho việc đào tạo nhân sự, mà điều chính yếu là lấy suy tư thần học để soi sáng, dẫn đường cho những hoạt động mục vụ của mình.

Xin lấy một ví dụ cụ thể. Trong bài phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 2005, Đức cha Phaolô đã chia sẻ: “Từ lúc bắt đầu học thần học, tôi luôn nghĩ rằng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng Thiên Chúa cởi mở. Sự nhiệm sinh vĩnh hằng chính là sự cởi mở vĩnh hằng của Thiên Chúa… Vậy nếu Thiên Chúa là Đấng Cởi Mở, thì con người, hình ảnh của Thiên Chúa, tự bản chất là cởi mở.” Những khẳng định thần học chắc nịch! Rồi từ đó, ngài nói thêm: “Giống như Thiên Chúa, giám mục phải là con người cởi mở. Giám mục phải có trái tim cởi mở giống trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, từ đó có nước và máu chảy ra. Giám mục phải có đầu óc cởi mở, lắng nghe mọi tiếng nói, nhất là tiếng nói của những người nghèo khổ và những người không cùng quan điểm... Giống như Chúa Giêsu, giám mục là thầy dạy đối thoại. Muốn dạy cho các linh mục đối thoại, giám mục phải biết đối thoại. Muốn biết đối thoại, giám mục phải học đối thoại, học với mọi người, với những người nghèo, với những người trẻ, với các tôn giáo bạn, với các nền văn hoá.” Và ngài chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Tôi đã cố gắng học đối thoại với các linh mục trong giáo phận. Bài học này đòi hỏi nhiều thời giờ và sức lực, nhưng trên hết là sự khiêm tốn và kiềm chế. Tôi cũng đã học với các nữ tu nhiều điều bổ ích. Giáo dân dạy cho tôi bài học về sự đa dạng và phức tạp của đời sống con người.”

Thiết nghĩ những suy tư và tâm tình trên đã minh hoạ cụ thể điều muốn nói ở đây, tức là lấy suy tư thần học soi sáng, định hướng cho hoạt động mục vụ của mình. Hiểu như thế, mục vụ không chỉ là làm chuyện này hay chuyện kia, nhưng là thể hiện ra bên ngoài chiều sâu của suy tư đức tin tức là thần học (intellectus fidei) và có thế, hoạt động mục vụ mới mang lại kết quả bền lâu.

Như thế đã rõ, Đức cha Phaolô đã di chuyển từ núi đồi Đà Lạt đến đồng bằng Cửu Long, từ núi đồi thần học đến đồng bằng mục vụ. Câu hỏi đặt ra là đằng sau cuộc di chuyển cả trong không gian thể lý lẫn không gian tư tưởng ấy là gì? Nói cách khác, động lực nào thúc đẩy cuộc di chuyển đó? Người môn đệ Chúa Giêsu tìm kiếm câu trả lời bằng cách chiêm ngắm chính Chúa Giêsu, Thầy chí thánh.

Trong câu chuyện về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi cao, thánh Marcô ghi nhận rằng khi chứng kiến vẻ đẹp uy nghi và sự thánh thiện chói ngời của Thầy, các môn đệ đã chỉ mong được ở lại mãi trên núi cao: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là tốt! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Êlia” (Mc 9,5). Thế nhưng Chúa Giêsu đã không ở lại trên đỉnh núi vinh quang mà lại dẫn các môn đệ xuống núi, và xuống núi cũng có nghĩa là bắt đầu hành trình bước vào cuộc khổ nạn đang đợi Người ở cuối đường.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc xuống núi liên lỉ. Những bước đi từ núi Tabor xuống chỉ là hình ảnh cụ thể của một cuộc xuống núi vĩ đại, kéo dài từ Nhập Thể đến Thăng Thiên. Mầu nhiệm nhập thể là gì nếu không phải là hành trình từ núi hạnh phúc của Thiên Chúa vĩnh hằng đến vực sâu khổ đau của con người (x. Phil 2,5-11). Mà phải có nhập thể thì mới có thăng thiên, phải có hành trình xuống núi của Chúa Giêsu thì nhân loại mới tìm thấy đường đi lên thế giới của Thiên Chúa. Ẩn sau hành trình xuống núi ấy chính là tình yêu, không chỉ là tình yêu của Chúa Giêsu mà là tình yêu của Ba Ngôi, tình yêu sáng tạo, tình yêu cứu độ, tình yêu thánh hoá. Thế nên khi chiêm ngắm thập giá Chúa Giêsu, thượng phụ Filaret đã có thể thốt lên, “Chúa Cha là Tình Yêu đóng đinh (crucifiant), Chúa Con là Tình Yêu chịu đóng đinh (crucifié), Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô địch của thập giá.” Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không ngừng sáng tạo những nẻo đường hết sức bất ngờ, vượt ngoài mọi tính toán và tưởng tượng của con người. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, không chịu lùi bước trước tội lỗi của con người nhưng tìm mọi cách để cứu thoát, kể cả bằng sự hi sinh lớn lao nhất. Tình yêu Thiên Chúa còn là tình yêu thánh hoá, ước mong con người thuộc trọn về Ngài, cũng là đạt tới hạnh phúc viên mãn.

Tình yêu ấy chính là động lực cho hành trình xuống núi của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cũng phải là ánh sáng hướng dẫn và động lực thúc đẩy mọi chọn lựa và hành động của người môn đệ Chúa Giêsu. Và tôi dám tin rằng tình yêu ấy đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc sống của vị giám mục đã chọn khẩu hiệu “Chúa là niềm vui của con.” Trong nhiều năm, Đức cha Phaolô phụ trách giảng khoá về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và trong lớp học, khi ngài hỏi, “Thầy có hiểu không?” là anh nào cũng sợ cả! Vì trả lời đằng nào cũng chết! Bảo rằng chưa hiểu thì sẽ nghe thầy nói, “Giảng suốt 2 tiếng đồng hồ mà không hiểu à!” Còn nói là hiểu thì sẽ nghe thầy phán, “Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, ‘tui’ còn chưa hiểu thì làm sao thầy hiểu?” Nhưng cả lớp tràn ngập tiếng cười. Và lúc nào cũng thấy cha giáo cười rất tươi, lúc nào cũng “dzui” hết. Niềm vui tràn ngập. Niềm vui của Chúa chứ không phải niềm vui của thế gian. Niềm vui của Chúa là niềm vui của tình yêu. Niềm vui của Chúa là niềm vui cho đi chứ không phải niềm vui chiếm hữu. Niềm vui của Chúa là niềm vui phục vụ chứ không phải niềm vui thống trị. Hoặc nói theo cách diễn tả mà Đức cha Phaolô từng vận dụng, đó là niềm vui của trái tim bị đâm thâu, có nước và máu chảy ra!

Niềm vui ấy đang tràn ngập ở đây, hôm nay. Xin hợp lời với giáo phận Mỹ Tho trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về những thành quả tốt đẹp Chúa đã ban cho giáo phận trong 10 năm qua. Và cùng với cộng đồng Dân Chúa giáo phận Mỹ Tho, xin cảm ơn Đức cha Phaolô đã đem niềm vui cho đi và phục vụ đến cho mọi người trong giáo phận. Cầu xin cho niềm vui ấy mãi dâng cao trong giáo phận Mỹ Tho, và chúng tôi được hưởng niềm vui ấy mỗi khi đến thăm giáo phận Mỹ Tho.

Ngày 20/5/2009

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Alfonso Gia Bảo
VietCatholic News