Mừng Cha!

Tối 13/5, tôi nhận được tin qua e-mail rằng cha Nguyễn Thái Hợp đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục Địa phận Vinh. Thoạt nghe, tôi mừng vì thấy một người mình qúy trọng và cộng tác gần gũi được Chúa đoái nhìn cách riêng; nhưng nghĩ lâu hơn tôi cảm thấy lo cho Ngài và tôi xin diễn tả cảm giác lẫn lộn đó ở đây để rồi sẽ cầu nguyện cho Ngài thật nhiều sau khi được nói: "Chúc mừng Cha".

Câu chúc của tôi ở đây mang trong nó một quãng thời gian cũng đến 10 năm và đồng thời nó cũng sẽ đánh dấu sự chấm dứt của quãng thời gian ấy.



Khoảng gần 10 năm trước, Cha Hợp rủ tôi tham gia vào một buổi thuyết trình về kinh tế dành cho các tu sĩ ở nhà thờ Ba Chuông, cùng với anh Lâm Võ Hoàng và Nguyễn Như Khuê. Ngài và anh Khuê quen nhau từ ở Đức và gọi nhau bằng anh em. Lúc nghe hai người xưng hô tôi hơi nhột một tí. Chắc vì là họ ở bên Tây! Họp xong, khi bắt tay ra về, Cha đưa cho tôi một phong bì. Ô lạ quá! Cha không như những người khác nghĩ rằng “con được cha gọi đến là phúc lắm đấy nhé”. Lần sau gặp lại - cũng không khó lắm - vì Ngài “ở trọ” trong khu Mai Khôi mà tôi thỉnh thoảng đi lễ ở đó. Tôi xưng “con với cha” thì Ngài dẫy nẩy bảo tôi: "Thôi đừng gọi như thê´, cứ anh em cho thân mật". Sau này, xem lại, tôi hơn Ngài vài tháng tuổi, nên bèn lấy lý lẽ ấy để trấn an mình.

Quyến sách đầu tiên Ngài cho tôi là quyển "Chút này làm tin”. Trong đó Cha có viết lại một bài tự thuật của một chị vừa học xong lớp Giáo lý Dự tòng cho người lớn tại Vương cung Thánh Đường. Đi học và làm việc ở Nga 17 năm, sau khi đổ vỡ trong hôn nhân,và chịu rắc rối trong công ăn việc làm, Chị bị hụt hẫng. Chị đã đi tìm một chỗ dựa tâm linh: bói toán, xem tử vi, đi chùa, lễ Phật nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, theo bạn bè, chị đã tìm thấy Chúa và đi học giáo lý. Bài viết là một tâm sự, đọc rất thú vị để xem sự biến chuyển tâm linh của một người từ vô thần sang hữu thần. Vì câu chuyện hay nên tôi thấy tác giả quả là người khéo chọn. Không nói đến tài viết. Nhờ thầm khen trong bụng mình như thế, sau này, Cha vừa cho, tôi vừa đi tìm, thêm được đâu 10 quyển nữa do Cha viết hay làm chủ biên. Trước kia, tôi giữ đạo và khám phá đạo qua sự học hỏi và chứng nghiệm bản thân; từ khi có sách của Cha tôi nâng trình độ học đạo lên một bước "thần học luân lý", và lò mò vào những kiến thức dành cho các linh mục.

Nợ sách là nợ ơn và phải trả. Trước khi gặp Cha, tôi có biết về các chế độ chính trị và kinh tế. Cha cũng biết tôi qua các bài viết trên báo và rủ tôi cộng tác. Đã một lần khi viết về Nhà thờ Mai Khôi 50 năm, tôi có than thở là bị Cha “lôi đi xềnh xệch". Tôi không nói sai đâu! Cũng không hề bi thảm hóa số phận! Ngài chẳng hề dẫn tôi đến nơi đồng cỏ xanh tươi mà kéo tôi đi nói chuyện ở Đại hội Giáo dân tại Huế năm 2004, nhờ đó tôi mới biết thêm vài Đấng Vít vồ. Ở Saigon, tôi chỉ biết có hai Chủ chăn của mình, cộng thêm với một Đấng khác vốn là bạn đồng môn. Nay được hôn nhẫn, nói chuyện với nhiều vị hơn! Rồi từ ở chỗ các vị cao ngất, tôi được lôi vào các dòng tu nữ; những người thuộc hàng tu sĩ, mà cứ bảo mình là giáo dân. Bị lôi như thế, nhưng mỗi lần sửa soạn rủ tôi, Cha lại bảo “tôi không lôi anh đi xềnh xệch đâu".

Tưởng thật, nên tôi theo Cha sinh hoạt với Nhóm Văn hóa Đức tin. Nhó́m có lễ riêng vào chủ nhật, mỗi năm tổ chức một hội chợ cho những người thiếu may mắn vào dip Giáng sinh; rồi Nhóm tham gia vào các chương trình phòng chống HIV mà cầm đầu là bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn; mở một nhà nuôi dưỡng nạn nhân ở ngoại ô thành phố; một phòng khám đa khoa lấy tiền lời chia cho bệnh nhân và một phòng khám HIV miễn phí ỏ khuôn viên nhà thờ Mai Khôi. Đi ké chung với Cha, thì tôi "theo voi hít bã mía" nên hưởng cái oai lây, bởi Cha là tuyên úy. Anh em trong Nhóm có cái gì cũng hỏi ý cha tuyên úy; kể cả mảng tiền bạc cho hội chợ cuối năm, hay lúc nên duyên vợ chồng. Đi kiểu này mệt lắm. Vì có câu hỏi Cha đẩy sang tôi. Cha có một mình! Tôi có gia đình! Dại gì mà theo?

Nhưng cũng không được, Cha lôi tôi tham gia hội thảo khoa học với Viện Nghiên cứu Tôn Giáo ở Hà Nội. A! Cây kim đã lòi, hương hoa đã tỏa (không phải tôi!). Nay theo Cha tôi đi vào các trung tâm trí tuệ của đất nước. Tôi cũng thuyết trình, cũng thảo luận nhằm cùng Cha và các vị khác ao ước lập nên một chiếc cầu có tính triết học để cho hai ý thức hệ thuộc loại nước và lửa có thể đến với nhau; nâng việc trao đổi từ chính kiến lên trao đổi triết lý. Tôi nghĩ, con người giống như tâm điểm của một vòng tròn; các chủ nghĩa, các tôn giáo đều nằm ỏ trên vòng tròn kia. Nếu các bên đứng ở vòng tròn nhìn nhau thì họ thấy khác nhau; cần phải khẳng định mình nên dễ xẩy ra tranh cãi; vì thế mới có nhiều phe phái, nhiều quan điểm. Nhưng nếu đứng ở tâm điê?m nhìn ra vòng tròn, hay tất cả đều nhìn vào tâm điểm thì họ đều giống nhau; vì đều phục vụ con người, bằng cách này hay cách khác, tinh thần hay vật chất. Tôi tin như thế và đã đi theo Cha. Tin nhiều thì thấy ít bị lôi xềnh xệch, tin ít thì... ná thở.

Vì tâm lý cuả tôi thất thường như thế nên có những chỗ tôi bỏ Cha! Cha đi với các người khác, ra tận bờ biển họp với Viện Triết học và Miserior về học thuyết xã hội, liên đới, xã hội dân sự. Nhưng sau, Cha vẫn bảo tôi tham gia Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình. Cha làm chủ nhiệm, tôi thuộc loại "lão thành" nên vào ban cố vấn theo dòng dõi giáo dân. Ban chủ nhiệm và cố vấn chúng tôi găp nhau khoảng hàng tháng và ăn tối ở nhà bác Đầu; họp hành để phấn đấu mỗi quý có thê? tổ chức một cuộc hội thảo, bàn về những vấn đề xã hội, tôn giáo và kết hợp tôn giáo với chính trị theo đường lối của người mình mang tên. Câu lạc bộ đã kết hợp để thảo luận về Biển Đông. Cách đây hơn 10 ngày chúng tôi bàn nhau tổ chức mừng sinh nhật 100 năm của Đức Tổng Bình vào cuối tháng 9 này đấy. Tôi có hỏi cha Hợp về chi phí để duy trì câu lạc bộ. Cha cười lắc đầu và nói không bao nhiêu. Dường như Cha lấy tiền thù lao từ các cuộc thuyết trình tại các Trung tâm học vấn và các Đại học để làm ngân quỹ cho câu lạc bộ? Có người lại nói Câu lạc bộ được Misereor tài trợ, vì Cha có một vài bạn thân ở đó.

Câu chuyện gần 10 năm của tôi chấm dứt ở đây vì từ nay trở đi Cha Hợp là tông đồ. Ngày trước, mỗi lần đón một đức cha đi thăm mục vụ, tôi nghĩ làm giám mục sướng lắm, kẻ đưa, người đón, lọng che, trống đánh. Sau này qua Vị đồng môn, tôi mới biết làm giám mục rất cực. Nội đi kinh lý không thôi xe Toyota cũng phải phì phò. Trong một buổi họp lớp bạn bè tiểu chủng viện, tôi có hỏi Vị ấy về công việc giám mục thì được trả lời đại ý rằng: “Trong những năm ở tiểu chúng viện, các chú thường mong một ngày nào đó lên làm giám mục; nếu bây giờ ở tiểu chủng viện, tôi mà có ghét đứa nào, thì sẽ cầu nguyện xin Chúa cho nó làm giám mục!"

Tôi không biết ngày xưa Cha Hợp có bị hay được cầu nguyện như thế chăng; nhưng bây giờ Ngài đã mang chức vị đó. Nhìn tình hình thế sự chung và riêng -một cách khách quan- tôi biết làm tông đồ là mang một gánh nặng. Riêng với Cha Hợp, Ngài còn nhận rõ rằng "...Chuyện Quê hương, Đất nước, Dân tộc, Quốc gia, Nước nhà, Nhà nước... trở thành câu chuyện dài phức tạp và nhiêu khê. Đằng sau hình ảnh "Quê hương" và "Đất nước" hiền dịu và thân thương ấy là dân tộc Việt Nam, oai hùng và bi thảm, với nhiều đau thương, gian khổ nhưng cũng rất nặng tình, nặng nghĩa. Từ đó, quê hương đâu phải chỉ là quê hương xinh xinh, êm đềm, thơ mộng của tuổi thơ, mà còn bao gồm tất cả chiều kích văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế... với bao nhiêu kinh nghiệm và kỷ niệm đau thương. Tất cả những yếu tố đó kết tụ lại, đan xéo, chồng chéo, giằng co nhau…”

Tôi cầu xin Chúa bớt gánh nặng cho Cha dẫu Cha thừa biết câu “Hỡi những kẻ khó nhọc và gánh nặng! Hãy đê´n cùng Ta.” Và - để đền bù cho Ngài - tôi xin tự tụt hạng, sẽ không xưng hô với Cha là “cha - tôi” nữa; nhưng là “Thưa Đức cha - con”.

Nguyễn Ngọc Bích

(Theo Trang Web Giáo Phận Vinh)