Ai lên xứ Lạng cùng anh ?

Anh chị em Khai Phá thân mến,

Mình được sai đi phục vụ Lạng Sơn. Ðây là một trách nhiệm mới đưa cuộc đời mình vào một con đường mới, rất mới. Trước trách nhiệm này, mình có vài tâm tình xin chia sẻ với anh chị em.

Tâm tình của một thừa sai

Lạng Sơn là vùng dân cư pha tạp. Ðủ mọi chủng tộc: Người Tày, người Nùng, người Thái, người Hoa, người Kinh sống chung với nhau. Người Kinh chỉ là thiểu số (15%). Người Công giáo rất ít (0,2%).

Nhìn Lạng Sơn, mình nhớ đến Galilê. Galilê cũng là nơi dân cư pha tạp, bị coi là vùng đất dân ngoại. Nhưng Galilê chính là điểm hẹn Ðức Giêsu chọn để gặp gỡ các Tông đồ lần cuối cùng. Tại đây trước khi lên trời Người sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

Ðối với mình, Lạng Sơn là một Galilê mới, nơi Ðức Giêsu hẹn gặp, nơi Người sai mình đi rao giảng Tin Mừng của Người. Vì thế mình sẽ không đi Lạng Sơn như một người đến để cai trị, vì chẳng có ai để mà cai trị. Chỉ có núi rừng. Có ai cai trị núi rừng cơ chứ! Mình sẽ đi Lạng Sơn như một vị thừa sai. Hãy nhìn một vị thừa sai vừa quá giang tàu buôn, tới rao giảng cho Việt Nam. Hành lý của ngài gọn nhẹ lắm. Bởi chẳng biết sẽ ở đâu, ăn đâu! Bởi chẳng biết đường sẽ gần hay xa, và nhất là chẳng biết phải chạy trốn lúc nào. Vị thừa sai chẳng oai nghi bệ vệ, chẳng thở ra khói nói ra lửa, nhưng hiền hoà đến với dân để được dân chấp nhận. Học tiếng để chuyện trò thông cảm với người dân. Học hỏi để sống theo phong tục người dân, khám phá ra những điều tốt đẹp ở nơi dân bản xứ. Như vậy đó, Thánh Thần đang đợi mình ở Lạng Sơn. Mình phải đến tìm gặp Người. Mình phải khám phá Người trong dân cư, trong phong tục, trong hoàn cảnh sinh sống của họ.

Tâm tình của một người nghèo

Lạng Sơn nghèo về mọi mặt. Rừng nhiều hơn nhà. Núi nhiều hơn đường. Cây rừng đông hơn dân cư. Ðá sỏi nhiều hơn lúa gạo. Từ Hà Nội đi khỏi Bắc Giang đã thấy vắng vẻ. Qua ải Chi Lăng là đã vào vùng rừng núi mênh mông. Xa xa mới có một bóng nhà nhỏ bé e ấp bên sườn núi đá. Ven đường ít quán xá. Chỉ có vài chợ huyện tiêu điều.

Dân cư Lạng Sơn nghèo. Giáo phận Lạng Sơn càng nghèo hơn. Nhà thờ Chính Toà đã bị bom Mỹ phá sập. Qua 3 cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ và Trung Quốc, hầu hết các nhà thờ bị tàn phá. Nhà thờ nào còn lại cũng đã xiêu vẹo, mối mọt.

Về mặt nhân sự, Lạng Sơn là giáo phận tội nghiệp nhất. Cả giáo phận gồm hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần tỉnh Hà Giang chỉ còn một linh mục 96 tuổi và một nữ tu 100 tuổi.

Mình đi về Lạng Sơn như hành hương về miền quê nghèo. Mình đi hành hương trong thân phận của người nghèo: không tài sản, không nhân sự. Mình không có gì để nương tựa, bám víu. Chỉ ra đi với niềm tin cậy phó thác.

Mình học được ở nơi người Lạng sơn niềm đơn sơ phó thác. Với niềm cậy trông phó thác ông cụ 96 tuổi và bà lão 100 tuổi vẫn còn cặp mắt tinh anh. Khuôn mặt tuy nhăn nheo nhưng vẫn ánh lên niềm vui. Thái độ đơn sơ chân thành toát ra một niềm tin tưởng mãnh liệt. Các ngài đã sống như những người nghèo nhất: không tài sản, không phương tiện, nhất là không hy vọng, không lối thoát. Bí quyết của các ngài là: khi mất mọi điểm tựa ở đời, hãy đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Các ngài sống như những đứa con nhỏ tin tưởng vào Cha nhân lành: từng hạt cơm, manh áo; từng đường đi nước bước; từng lời ăn tiếng nói, và cả kiếp sống mong manh phù du, đều do Cha chăm sóc gìn giữ. Cứ đơn sơ phó thác như thế, các ngài đã vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất.

Tâm tình của một người Khai Phá

Từ mấy chục năm nay, giáo phận Lạng Sơn chìm trong giấc ngủ. Thành quách hoang vu. Tường xiêu cột đổ. Ông cụ 96 tuổi và bà lão 100 tuổi chỉ sống như những chứng nhân của những tàn phai hư ảo, không còn sức lực ngăn chặn cỏ dại, rêu phong. Nên Lạng Sơn không khác gì một vùng rừng núi hoang vu chưa hề in vết chân người. Vì thế, lên Lạng Sơn cần có tinh thần Khai Phá.

Có tinh thần Khai Phá để dám lên đường. Có tinh thần Khai Phá để dám đối diện với những khó khăn. Không mơ mộng nhưng biết nhìn thẳng vào thực tế để cố gắng tìm ra lối thoát.

Có tinh thần Khai Phá để nhìn xa trông rộng, biết mở những con đường mới đi về phía chân trời.

Có tinh thần Khai Phá cũng là có cái nhìn tiên tri. Biết nhìn thấy những viên ngọc đang ẩn khuất trong đá sỏi. Biết nhìn thấy những cánh đồng lúa chín vàng đàng sau những bãi cỏ lau um tùm bên sườn núi. Biết nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ đàng sau những giọt mồ hôi thánh thót. Biết nhìn thấy cả một rừng mầm non nhú lên bên xác những thân cây già rũ mục.

Mình tin rằng mình sẽ không đơn độc, vì sau lưng mình có cả một đại gia đình Khai Phá luôn đưa mắt tin yêu dõi theo người anh em lên đường Khai Phá. Anh chị em sẽ luôn nâng đỡ, khuyến khích mình nhất là bằng lời cầu nguyện. Việc do Chúa khởi sự cũng sẽ do Người hoàn thành.

Anh chị em Khai Phá thân mến,

Vài lời tâm sự trước giờ phút lãnh trách nhiệm, mình mong được sự cảm thông của anh chị em, những người bạn thân thiết, đã từng chung sống bao năm dưới mái chủng viện, đã từng hiểu nhau, đã từng chia sẻ với nhau biết bao buồn vui thời tuổi trẻ. Giờ đây anh chị em có một địa chỉ mới để lui tới. Ước mong khi có dịp, hãy tới thăm Lạng Sơn và người bạn của anh chị em. Rừng núi biên cương sẽ hân hoan đón tiếp những người bạn Khai Phá.

"Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh?"...

Long Xuyên, ngày 18 tháng 6 năm 1999
Giuse Ngô Quang Kiệt