Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh: “Tôi không hề cảm thấy xa lạ ở Thanh Hóa”

Bài trả lời phỏng vấn Đức cha dành cho tờ Églises d’Asie (ÉDA), cơ quan của Hội Thừa sai nước ngoài Paris, ngày 20/7/2009. Trong bài trả lời phỏng vấn, điều Đức cha nói về Giáo phận của ngài cũng có thể có giá trị cho cả Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung.

Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh sinh năm 1949, tại giáo xứ Ba Làng, thuộc giáo phận Thanh Hóa, giáo phận ngài phụ trách hiện nay. Khi diễn ra cuộc di cư năm 1954, ngài còn rất nhỏ. Gia đình ngài tới sống tại giáo phận Nha Trang. Và cũng chính tại đây, ngài bắt đầu được đào tạo để làm linh mục. Ngài học xong Đại chủng viện năm 1978. Nhưng do tình hình chính trị, ngài phải đợi đến năm 1992 mới được thụ phong linh mục. Sau đó, ngài được gửi đi Pháp và đậu tiến sĩ triết học tại Học viện Công giáo Paris [Institut catholique de Paris]. Ít lâu sau khi trở về Việt Nam, ngài được phong giám mục của giáo phận gốc của ngài.

Églises d’Asie: Trong bài phỏng vấn Đức cha vui lòng dành cho chúng tôi năm ngoái, Đức cha đã giới thiệu với chúng tôi một bức tranh không mấy lạc quan về tình trạng kinh tế trên lãnh thổ của giáo phận ngài coi sóc. Đặc biệt, Đức cha đã nhấn mạnh đến những khó khăn của người nông dân, càng trầm trọng thêm do các thiên tai xảy ra trên phần đất này của Việt Nam. Từ ngày đó đến nay, tình hình có gì thay đổi?

Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh: So với năm ngoái, tình hình kinh tế trong tỉnh Thanh Hóa không mấy thay đổi. Đa số dân chúng tiếp tục sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, một thứ canh tác chỉ đem lại những thu nhập rất còm cõi. Hơn nữa, với sự gia tăng dân số, diện tích trồng trọt mỗi ngày mỗi bé đi không đủ cho số người ở trong tuổi lao động. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người trẻ bỏ nông thôn về thành phố, đặc biệt là các thành phố phía Nam, để kiếm một việc làm. Thực ra, đây chẳng phải là một tình trạng của riêng tỉnh chúng tôi. Hiện tượng này diễn ra tại tất cả các miền nông thôn của Việt Nam. Chắc là còn phải chờ đợi lâu nữa phong trào di dân này mới chấm dứt được. Hiện nay, người ta nói nhiều đến khu kỹ nghệ ở phía nam Thanh Hóa. Một khu vô cùng hứa hẹn. Chúng tôi hy vọng những hứa hẹn này sẽ trở thành hiện thực và như vậy, dân trong tỉnh sẽ kiếm được việc làm trên chính lãnh thổ của mình.

– Đức cha cũng đã nói đến nhiều dự án đang được thực hiện trong giáo phận của Đức cha liên quan đến việc đào tạo linh mục ngay trước khi vào Đại chủng viện, việc thiết lập các cộng đoàn tu sĩ, việc thành lập và củng cố các phong trào hoạt động giáo dân, vân vân. Các dự án đã đạt được kết quả tốt đẹp? Đức Cha còn có những dự án mới?

– Câu hỏi của ông thực ra liên quan đến ba lĩnh vực: việc đào tạo tại các chủng viện, việc thiết lập các cộng đoàn tu sĩ và các hoạt động của các hội đoàn tông đồ giáo dân trong giáo phận. Tôi sẽ xin lần lượt đề cập vắn tắt đến ba vấn đề này.

Trước hết, việc đào tạo linh mục: hẳn ông cũng đã biết là sau nhiều thập niên chủng viện bị đóng cửa, số giáo viên và người hướng dẫn dần dần cạn kiệt và việc đào tạo các ứng viên chức linh mục gặp rất nhiều khó khăn. Không tài nào sửa chữa những lỗ hổng này trong vòng mấy ngày. Đối với giáo phận của chúng tôi, cách thích hợp nhất để đạt tới mục tiêu này trước hết là ý thức về tầm quan trọng của việc đào tạo này, kế đó, thực hiện công việc này một cách kiên trì và với phương pháp, từng giai đoạn một. Kinh nghiệm của chúng tôi mỗi năm mỗi thêm phong phú. Hàng năm, có những yếu tố mới góp phần vào công việc đào tạo này, cho phép chúng tôi hiện nay có thể nhìn tương lai với một sự lạc quan nào đó.

Liên quan đến việc thành lập các cộng đoàn tu sĩ, chúng tôi gặp phải hai loại khó khăn. Loại khó khăn thứ nhất là như sau: hiện tại, bầu khí tôn giáo, ít căng thẳng hơn trước, cho phép các dòng tu mở rộng đôi chút hoạt động của họ. Nhưng khi “mùa gặt nhiều, thì thợ gặt lại ít". Mỗi lần tôi tới gõ cửa một dòng tu để xin giúp đỡ, người phụ trách đều trả lời tôi là nhà dòng đang thiếu nhân sự. Loại khó khăn thứ hai là do tình trạng thiếu cơ sở sẵn sàng tiếp nhận các cộng đoàn tu sĩ này. Các dòng tu không có nguồn tài chánh đủ để tạo nên các cơ sở mới. Nếu muốn họ tới làm việc trong giáo phận, thì phải chuẩn bị cho họ nhà cửa, điều này cho tới nay, chúng tôi không làm nổi.

Liên quan đến việc đào tạo những người giáo dân lãnh trách nhiệm trong các họ đạo, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm tới hoạt động này. Các hoạt động mục vụ sẽ không có hiệu quả nếu các thành viên của hội đồng giáo xứ và của hội đồng mục vụ không có một ý thức rõ ràng về sứ mệnh của họ và vai trò họ phải thực hiện trong cộng đồng giáo hội. Song song với công việc này, chúng tôi quan tâm tới việc đào tạo đức tin cho giới trẻ. Mỗi mùa hè, chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo cho 1.000 tới 1.500 giáo lý viên. Không có sự lưu tâm dành cho giới trẻ này, giáo phận không thể tiến bộ trong tương lai. Để nói về các dự án gần đây, trước tiên phải nói đến việc cải tổ phương pháp làm việc của các ủy ban giáo phận của chúng tôi. Tôi vừa mới chỉ định một loạt các người phụ trách mới của các ủy ban. Những người này sẽ tập họp lại để làm thành một "Hội đồng mục vụ", có sứ mệnh bàn tính với nhau để cùng nhau vạch ra các hướng mục vụ cho giáo phận.

– Trong hai tháng nữa, Giáo hội Việt Nam sẽ mở đầu một Năm thánh, để mừng cùng với kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm công giáo, kỷ niệm lần thứ 350 ngày thành lập hai khu vực đại diện tông tòa đầu tiên là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Ở giáo phận Thanh Hóa, có những địa điểm có từ buổi đầu của công cuộc truyền giáo ở Việt Nam, trước cả giai đoạn được mừng kính. Đức cha có thể nói cho chúng tôi biết đôi chút về những địa điểm này? Cuộc Đại hội lớn sẽ là chóp đỉnh của Năm thánh 2010 được chuẩn bị ra sao?

– Cụ thể, như ông vừa nói, giáo phận Thanh Hóa có một địa điểm có một tầm quan trọng lớn trong lịch sử công giáo của Việt Nam. Đó là Cửa Bạng, nơi đặt chân của vị thừa sai đầu tiên của Đàng Ngoài. Ngày 12-03-1627, linh mục Alexandre de Rhodes (tên Việt Nam là Đắc Lộ), theo lệnh của bề trên, đã rời Macao tới Đàng Ngoài để rao giảng Tin Mừng tại đây. Trên đường đi, tầu gặp bão và bị đẩy dạt về phía nam Thanh Hóa. Ngày 19-03-1627, ngày lễ thánh Giuse, cơn bão tạm yên và cha de Rhodes cặp bến Cửa Bạng nằm ở cửa của một con sông (hiện nay, nơi này nằm trong giáo xứ Ba Làng). Để ghi nhớ sự phù hộ lạ lùng này của thánh Giuse, cha Đắc Lộ gọi nơi này là Cửa Thánh Giuse. Vị thừa sai đầu tiên ở Đàng Ngoài rửa tội được nhiều người tại chính nơi này và người đã ngược sông Bạng để tiếp tục công việc truyền giáo của người tại Đàng Ngoài.

Chắc chắn là câu chuyện này sẽ được bàn luận nhiều lần trong giáo phận trong Năm thánh 2010 cũng là năm tưởng nhớ 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm địa phương tại Việt Nam. Ba chủ đề đã được Ủy ban tổ chức Năm thánh chọn làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt Năm thánh này, đó là mầu nhiệm, sự hiệp thông và sứ mệnh truyền giáo, sẽ được thích nghi một cách cụ thể cho hoàn cảnh của giáo phận chúng tôi. Do đó, chủ đề mầu nhiệm sẽ có thể được minh họa bởi sự kiện Giáo hội Việt Nam ở phía Bắc đã khởi đầu một cách bất ngờ tại Cửa Bạng. Từ Avignon, quê hương của vị thừa sai đầu tiên, Bắc Việt Nam đã được gắn với miền Trung Việt Nam và đặt trong sự hiệp thông với Giáo hội toàn cầu. Từ Thanh Hóa, Giáo hội được mở rộng, theo nhịp bước chân của thừa sai và trở thành điểm truyền giáo tiêu biểu cho nhiều thế hệ tiếp theo sau. Đó sẽ là những đường hướng chính hướng dẫn các cuộc cử hành và các khóa học hỏi của cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận Thanh Hóa. Các chủ đề này cũng sẽ hướng dẫn việc chuẩn bị các đóng góp và phát biểu của địa phận chúng tôi trong Đại hội của dân Chúa, vốn sẽ là đỉnh điểm của Năm thánh 2010.

– Sự trở về nguồn Giáo hội Việt Nam sẽ thực hiện vào năm 2010 là một dịp để tự hỏi về hiện tại. Người ta có thể tự hỏi đâu là động lực thừa sai, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đã cho ra đời một trong những Giáo hội năng động nhất của châu Á. Ngày nay có nhiều dấu hiệu cho thấy sự năng động này. Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy sự gia tăng dân số Công giáo tương ứng khá chính xác với sinh suất của dân số nói chung. Đây là một sự kiện kích thích sự tò mò của các nhà quan sát. Có những câu trả lời cho tình trạng khác thường này không, đối với giáo phận của Đức cha, đối với cả nước?

– Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải phân biệt hai khái niệm gần gũi nhau, nhưng dẫu sao cũng khác nhau: năng động và tăng trưởng. Từ năng động được dùng để chỉ một phẩm chất, một nét nổi bật của Giáo hội công giáo Việt Nam, nghĩa là một sự tham gia rất quan trọng và tích cực vào các hoạt động phụng vụ và mục vụ. Khi nói đến tăng trưởng, người ta nghĩ đến con số, sự phát triển về mặt dân số. Như ông đã lưu ý, theo các nhà thống kê học, sinh suất của dân công giáo không cao hơn sinh suất của toàn bộ dân số Việt Nam. Hiện tượng này tương đối dễ hiểu. Trong lịch sử hiện đại, vì tình hình khó khăn người Công giáo phải chịu, người công giáo Việt Nam đã không có được quyền “giữ đạo” và cũng không được quyền “truyền đạo”. Người công giáo không được quyền sử dụng một số phương tiện để làm cho người khác biết đến đạo của họ, như chẳng hạn, họ được quyền làm trước 1975, với các trường học, các hoạt động bác ái, v.v... Dân cư công giáo phát triển không nhanh do thiếu các điều kiện thuận lợi cho việc truyền giảng Tin Mừng.

– Thưa Đức cha, mặc dù Đức cha quê ở giáo phận thuộc trách nhiệm tôn giáo của Đức cha hiện nay, Đức cha đã được đào tạo về mặt nhân văn và tôn giáo ở miền Nam, chính xác hơn là trong giáo phận Nha Trang. Khi diễn ra sự thống nhất Nam Bắc, các khác biệt khá quan trọng vẫn còn phân biệt người công giáo, linh mục và giáo dân, phía Bắc và phía Nam. Xét theo kinh nghiệm của Đức cha tại giáo phận Thanh Hóa, Đức cha có thể cho chúng tôi biết các khác biệt này ngày nay còn hay không còn nữa?

– Bối cảnh lịch sử cực kỳ khác nhau tại hai phần đất nước Việt Nam, phía Bắc và phía Nam. Do đó, người Kitô hữu tại hai miền có những điểm khác biệt nhau. Bản thân tôi, sinh ra tại Thanh Hóa, nhưng được đào tạo ở phía Nam. Thực tế, chắc chắn, dưới một số khía cạnh, tôi khác với các Kitô hữu miền Bắc và chính xác hơn Thanh Hóa. Ngay sau 1975, người ta đã có thể nhận ra một số điểm tiêu cực tạo sự khác biệt giữa người công giáo ở hai phần Việt Nam. Nhưng hoàn cảnh này đã nhanh chóng thay đổi bởi vì, may thay, người công giáo Việt Nam đã muốn làm nên một giáo hội trong hiệp thông. Về những gì liên quan đến tôi, tôi không hề cảm thấy xa lạ trong công tác của tôi ở Thanh Hóa. 

Mặt khác, tôi nghĩ rằng các khác biệt tạo nên một sự phong phú và sự đa dạng là một cơ hội để nâng đỡ nhau và giúp nhau. Những khía cạnh tốt lành nhất của Giáo hội phía Bắc có thể giúp cho các Kitô hữu phía Nam học hỏi. Và điều ngược lại cũng không phải là sai. Nhưng, hai miền ngày càng cảm thấy nhu cầu phải hòa hợp với nhau trong một tinh thần hiệp thông có tính giáo hội. Do đó, các khác biệt càng ngày càng mất đi. Nhiều nhà giáo ở phía Nam ra ngoài Bắc dạy học, qua đó bù đắp các thiệt thòi gây nên do hàng mấy chục năm Giáo hội miền Bắc bị đóng cửa. Ngược lại, rất nhiều người công giáo phía Bắc đã đến sáp nhập vào các dòng tu ở phía Nam, qua đó, đem lại những ơn gọi tu trì mới cho vùng trong đó, ơn gọi tu sĩ đang có khuynh hướng giảm đi. Tắt một lời, Bắc và Nam làm thành một gia đình. Dẫu sao, đó cũng là mục tiêu cả hai phần của Giáo hội Việt Nam cùng nhắm đến và đó cũng là xác tín của riêng cá nhân tôi.

(NN. chuyển dịch theo Zenit - Trang Web Hội Đồng Giám Mục VN)