Tạ Ơn và Tưởng Nhớ

Ngay hôm sau lễ Tấn Phong, 5/8/2004, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh cùng với cả Giáo phận đến trình diện vị tiền nhiệm, nay an nghỉ trong cung thánh nhà thờ Chánh tòa.
 
Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm qua đời ngày 9/6/2003, sau 9 năm làm Giám Mục Giáo phận Thanh Hóa trong lòng mến thương biết ơn của mọi người trong Giáo phận. Thấy bệnh tình của mình ngày càng thêm trầm trọng, Đức Cha đã chuẩn bị cho Giáo phận một người kế vị. Nhưng đã không kịp, và Giáo phận Thanh Hóa một lần nữa lại trống tòa.

Nhiều người tha thiết với Giáo Hội lại có những ưu tư. Nhờ ơn Chúa và lời bầu cử của vị Giám Mục đã từng chịu bao khổ đau để đưa Giáo phận Thanh Hóa Phục sinh và “Ra khơi” nhân dịp giỗ đầu của Đức Cha Batôlômêô, Tòa Thánh đã chính thức công bố tin vui: Linh Mục Giuse Nguyễn Chí Linh được bổ nhiệm Giám Mục Chính tòa Thanh Hóa ngày 21-5-2004, tuổi đời 55, Linh Mục được 11 năm.
 
Tân Giám Mục Thanh Hóa hướng mọi người về quá khứ gần nhất, về vị tiền nhiệm khả kính, nhớ lại những trang sử vừa mở qua.
 
Nhớ lại cách nay chỉ mươi năm, Giáo phận Thanh Hóa vẫn còn in vết hằn chiến tranh, lạc hậu, thiếu thốn về nhân lực, tài lực, phương tiện. Đổ nát hằn khắp nơi. Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm đã vâng lời Tòa Thánh, rời bỏ xứ anh đào hoa lệ, mát mẻ, trang nhã, văn minh ở một Giáo phận sung túc với 151.146 Giáo dân, 80 Linh Mục Triều, 41 Linh Mục các Dòng phát đạt, 504 Tu sĩ Nam Nữ, 64 Giáo xứ để về ôm lấy Giáo phận Thanh Hóa lúc ấy chỉ có 13 Linh Mục, một Hội Dòng Mến Thánh Giá với cơ sở tan hoang và nhân sự yếu kém, ở một tỉnh mà người ta cho là vào hạng khó nhất Việt Nam, nghèo nhất Việt Nam.
 
Đất vua chúa đấy ! Đất Tây đô đó ! Đất có bao anh hùng hào kiệt tổ quốc ! Nhưng sau bao năm chiến tranh, Thanh Hóa đã lãnh chịu biết bao tàn phá mà ngày nay vẫn chưa hàn gắn lại được, mặc dầu đất nước đã thống nhất được.
 
Không than vãn, không kêu ca, Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm đã dồn trí óc, khả năng, tài sản để sửa chữa, xây dựng, phá cũ làm mới, khuấy động mọi người, thúc đẩy bảo ban, sửa dạy. Nhiều nhà thờ, cơ sở được tân trang xây mới, việc học được thúc đẩy, các Giáo xứ tổ chức lại các sinh hoạt cộng đồng và giới trẻ được chú trọng. Hợp tác với chính quyền, Đức Cha mở đường và khu vực quanh nhà thờ Chánh tòa, thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân phong cùi và tàn tật, tạo công ăn việc làm cho dân chúng… .
 
Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm vội ra đi và vị kế nhiệm nay làm Giám Mục Giáo phận Thanh Hóa đã đến, với chí hướng tiếp nối gia nghiệp này, chỉ vì tình thương đối với mảnh đất quê hương đã dài dẵng khổ đau, và Đức Cha Nguyễn Chí Linh chỉ có một chí hướng là nên người Cha, người anh em của đồng bào lương giáo Thanh Hóa. Gương sáng và sự bầu cử của vị tiền nhiệm sẽ hướng dẫn và khích lệ Ngài trong nhiệm vụ.
 
Giáo phận Thanh Hóa đã có một vị chủ chăn suốt bao năm cần cù lao nhọc như đa số dân chúng bình thường và nghèo hèn. Người dân Thanh Hóa, giáo cũng như lương đã có một vị lãnh đạo tinh thần đã biết thế nào là đau khổ khi phải lao động cật lực để rút miếng ăn từ sỏi đá bùn lầy, đã thấp thỏm nhìn trời khi mưa nắng thất thường và nuôi hy vọng ở mùa màng đang đến, đã biết thế nào là lao nhọc, là đầm đề mồ hôi làm cay cả mắt đã mỏi mệt vì ăn ngủ thất thường.
 
Giáo Hội Công Giáo chính là Giáo Hội của người nghèo, và khi tìm chọn những vị lãnh đạo các giáo đoàn thì không đặt ưu tiên trên những người quí phái giàu sang. Là một lối sống hướng thiện một cách đơn giản, chân thành, đạo của Đức Kitô luôn chú tâm đến những người nghèo khó.

Chúa đã xức dầu cho tôi,
Sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

Đức Kitô đã chẳng chúc phúc cho kẻ nghèo hèn đó sao! Phần đông dân chúng trong tỉnh Thanh Hóa không giàu có.
Về Giáo phận Thanh Hóa, nối gót vị tiền nhiệm Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh bước vào một mảnh đất đang cần được xây dựng.
Các nhà máy xi măng, sản xuất ô tô, nhà máy đường… vẫn chỉ là những bước đầu đưa Thanh Hóa đến phong phú hơn về kinh tế, kéo người dân ra khỏi cảnh “tay làm hàm nhai ”, quần quật sáng tối để chỉ đủ miếng cơm manh áo.

Đường xá về các vùng xa mới chỉ được tạm hoàn thành mấy năm nay. Các phà Kiểu, phà Vạn, phà Cẩm Thủy… mới được thay thế bằng cầu. Các nhà thờ, cơ sở Tôn giáo một số được xây mới, một số được sửa chữa trong 9 năm Giám Mục của Đức Cha B. Nguyễn Sơn Lâm. Nhưng còn rất nhiều nơi khác đang đòi hỏi phải được cấp tốc sửa chữa vì không còn đứng vững trước mưa sa gió bão.

Đức Cha còn trọng trách xây dựng các tòa nhà Thánh đường thiêng liêng, và đó mới là nhiệm vụ chính yếu của sứ vụ Giám Mục trong Hội Thánh. Giáo phận cần có những trí óc hiểu đạo biết đời, biết Chúa hiểu người cùng với khát vọng và ham mê của họ. Nhiều Linh Mục, Tu sĩ được gửi du học, giới trẻ được thúc đẩy học cao lên, mọi người được khuyến khích mở rộng kiến thức tự nhiên và được đào sâu niềm tin của mình.

Rất nhiều lo âu của một vị chủ chiên vừa lãnh nhận sứ vụ khi vị Giám Mục chính đã qua đời mà có lẽ chưa kịp trăn trối và cố vấn, công việc phải nối tiếp thật lớn lao. Vị Giám Mục Thanh Hóa 2004 quyết tâm nối tiếp sự nghiệp đã khởi sự, dựa vào ơn của Thiên Chúa, sự nâng đỡ của Mẹ Maria Vô Nhiễm, với sự hợp tác của mọi người đạo đời, noi gương và được phù trợ bởi vị tiền nhiệm mà Đức Cha, các Linh Mục, Tu sĩ, Chủng sinh, Giáo dân kính cẩn thắp nén hương tưởng niệm và tri ân trong ngày đầu tiên của trang sử Giáo phận Thanh Hóa 2004.
 
Trước vị tiền nhiệm vĩ đại, chỉ sau 9 năm đã phục hồi một Giáo phận tan hoang và thiếu thốn nhân sự, phương tiện trầm trọng, Đức Tân Giám Mục nói:
 
“Tôi kế nhiệm Ngài, tôi nối tiếp sự nghiệp của Ngài… Tôi nghĩ rằng Ngài đã để cho tôi một cái bóng để tôi nghỉ mát khi nhọc mệt.”
 
Ngay ngày đầu nhiệm kỳ Giám Mục, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh quyết nối tiếp Giáo Hội, gìn giữ, bảo vệ và phát huy sản nghiệp của Giáo Hội tại Đất Thanh này, trong trung thành với truyền thống, trong biết ơn đối với tiền bối đã đi trước, quyết tâm không làm ố danh tiền nhân, không làm suy xuyển gia tài của công cuộc loan tin Cứu Rỗi đã đến với Giáo Phận Thanh Hóa từ lễ Thánh Giuse 1627, tại Cửa Bạng thuộc tỉnh Thanh Hóa.
TỔ TIÊN BA LÀNG Cũng ngày 5-8-2004, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh về quê quán Ba Làng, nơi Đức Cha đã bỏ ra đi lúc còn thơ bé. Địa điểm đến đầu tiên là nghĩa trang của Giáo xứ, một nghĩa trang mà có người đã gọi là Arlington, bởi khung cảnh thiên nhiên, cây cối um tùm mát mẻ, các ngôi mộ lớp lang, sạch sẽ.

Nhìn đến nghĩa trang Ba Làng, người ta cảm nghiệm được rằng: ở nơi đây, người ta tôn kính, biết ơn những tiền nhân và bà con đã quá cố. Đức Tân Giám Mục muốn đến đây như để trình diện với tổ tiên về một thành quả của bao hy sinh lao nhọc  của mấy trăm năm truyền giáo, của máu xương mồ hôi nước mắt mà các bậc tiền bối trong Đức Tin đã đổ ra thấm nhuần đất lịch sử này.
 
Cha Đắc Lộ đã kể lại sự kiện này trong cuốn  “Hành trình và Truyền giáo ” của Ngài như sau: “Vậy ngày 12-3-1627, ngày lễ Thánh Grêgôriô Cả, chúng tôi khởi hành từ Macao và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa của Thánh Phanxicô Xavie ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển Hải Nam nổi tiếng về những trận bão thường xuyên hành hạ dữ dội các tàu biển. Thế nhưng đối với chúng tôi thì an lành nhờ các Thiên Thần Hộ Thủ xứ Đàng Ngoài che chở, trong ba ngày chúng tôi đi theo bờ biển rộng lớn. Nhưng sau 6 hay 7 ngày thuận buồm xuôi gió, và khi gần tới bến thì trời nổi mây đe dọa trên đầu chúng tôi.”
 
“Đêm tối, tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn làm tàu lay chuyển rất hiểm nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do ma quỉ gây nên làm thủy thủ rất sợ hãi. Mãi tới sáng ngày lễ Thánh Giuse Hiển vinh, trời trở lại quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển người Đàng Ngoài gọi là Cửa BẠNG. Chúng tôi muốn gọi là Cửa THÁNH GIUSE, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người, và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Người làm vị quan thầy bảo hộ và làm Cha Nuôi Giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh”
(Hành Trình và Truyền Giáo Hồng Nhuệ dịch, trang 81-82 )
Tàu chúng tôi chưa vào tới bờ thì đã thấy rất đông người tụ tập để xem hàng hóa trên tàu... Tôi giảng một bài ngắn... Chúa cho bài giảng thứ nhất này của tôi, ngay trước khi đặt chân lên đất, được hai người rất thông minh tỏ lòng cảm phục và nhất quyết xin chịu phép Rửa Tội. Sau đó, tôi đã Rửa Tội cho họ cùng tất cả gia đình.” (Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Bản dịch của Hồng Nhuệ, trang 69.)
Tại Cửa Bạng lịch sử này, ngày 19-3-1627, hai người thông minh cùng với gia đình đã đón nhận Tin Mừng được rao giảng lần đầu tại đây và đã tin theo.
 
Hoa quả đầu mùa của 377 năm về trước nay đã nhân lên nhiều, với một Giáo xứ, một Giáo hạt đã sản sinh vô vàn kẻ tin, với mấy chục Linh Mục, Tu sĩ Nam Nữ.
 
Hoa quả đầu mùa ấy đã thể hiện trong các công trình xây dựng: từ những ngôi nhà cầu nguyện thô sơ đến nhà thờ bằng vật liệu nặng do Cha Phêrô Sỹ xây năm 1893, đến ngày Ba Làng được chính thức là một Giáo xứ năm 1902.

Hoa quả đầu mùa thời xa xưa đó lại nở rộ khi một “nhà thử” được thành lập năm 1915, nhằm hướng dẫn các Ơn gọi Linh Mục, năm 1918, sẽ là Tiểu Chủng viện Ba Làng, góp phần sản sinh nhiều thế hệ Linh Mục cho nhiều Giáo phận Miền Bắc, cách riêng Thanh Hóa từ ngày thành lập, 7-5-1932 cho đến khi thời cuộc đóng cửa và cơ sở bị chiến tranh tàn phá năm 1967.

Hoa quả đầu mùa gieo vãi 1627 không ngừng nảy nở ở một Giáo hạt, ngày nay có 8 Giáo xứ và 21.825 Giáo dân trong các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa, mà còn loang ra trên nhiều Giáo phận Việt Nam: Nha Trang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Saigon-HCM, đến tận các nước bên kia Đại Dương và khắp năm châu bốn bể.
 
Ba Làng – Cửa Bạng chưa hết gây ngạc nhiên bởi vì ngày nay, 2004, trong năm Truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, một người con Ba Làng đã được Chúa và Giáo Hội trao trọng trách làm chủ chăn với sứ mệnh tối cao là giữ vững, phát huy Ánh sáng và Tình thương Cứu độ đến mảnh đất 11.168 km2 với số dân gần 4 triệu người mà Giáo dân gần gũi nhất là 125.697 người, với 45 Linh Mục, 148 Nữ tu, 668 Giáo lý viên, với trụ sở trung tâm chính là Nhà Chung Tòa Giám Mục, Nhà thờ  Chánh tòa ở 50 Nguyễn Trường Tộ, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh cực Bắc của Trung bộ Việt Nam.
 
Hôm nay, 5/8/2004, vị Giám Mục, người con của Ba Làng - Cửa Bạng về trình diện với tổ tiên, nói với các Ngài rằng: con cháu không quên công ơn của tổ tiên, con cháu vẫn nối tiếp lịch sử, con cháu vẫn là niềm vui và hiên ngang cho Ông Bà mà mồ mả được săn sóc, viếng thăm, hoa nến, cùng với những lời cầu hằng ngày và lòng tưởng nhớ không nguôi.
 
Có niềm vui nào mà người ông bà cha mẹ, tổ tiên đánh giá cao hơn là lòng đạo đức, chí hiên ngang anh hùng của những cuộc đời con cháu sáng giá, được Xã hội và Hội Thánh tôn vinh kính trọng. Nghiêng mình trước mồ mả của tổ tiên, vị Tân Giám Mục đã tưởng nhớ lại tất cả những quá khứ ấy, những trang sử ấy và xung quanh ngài là bà con, gia quyến cùng hợp lòng, nên một trong yêu mến và biết ơn.


VỀ NGUỒN CỬA BẠNG
 
Buổi chiều ngày 5-8, khi mặt trời đã dịu, gió biển thổi vào Đất Bạng, tại khuôn viên nhà thờ Ba Làng khang trang rộng rãi, Giáo dân Ba Làng và các Giáo xứ lân cận đã tề tựu về, hàng lớp chỉnh tề ngăn nắp.

Các Linh Mục trong Giáo phận và ngoài Giáo phận, có cả Thầy Phó tế Giuse Cao Hữu Đắc, người con của Ông Bà Giuse Cao Xuân Hồng và Têrêsa Nguyễn Thị Hạn, là em họ của Đức Cha từ nước ngoài về, các Nữ tu đã đổ về địa điểm hành lễ, hiệp lòng với vị chủ chiên để tạ ơn Thiên Chúa vì mọi hồng ân Ngài đã ban cho tại nơi đây và từ nơi đây, tạ ơn Thiên Chúa vì đã chọn một người con của mảnh đất này để hướng dẫn con thuyền đến bến, trong vững tin và hiệp nhất.

Trong những lời đơn sơ chân tình, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói lên niềm vui và cảm động được về giữa ông bà anh chị em là những người thân thiết, để xin mọi người cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Giáo phận nhà mà ngày nay sứ mệnh Truyền giáo là trọng trách cho những ai sống nơi đất lịch sử Truyền giáo này.

Chúng tôi được Đức Cha ban vinh dự chia sẻ Lời Chúa và “trở về nguồn” của Ba Làng, của Cửa Bạng, ngay trên mảnh đất đã đón nhận Tin Mừng đầu tiên tại Đàng Ngoài.
 
Như đã từng được dịp viết và nói về Cửa Bạng, chúng tôi mong ước Cửa Bạng sẽ là chốn Hành Hương Về Nguồn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Và như thế, Cửa Bạng sẽ sáng lên niềm tin đã khơi dậy để rồi lan tràn khắp các đồng bằng, núi rừng, thung lũng của mảnh đất Việt đã được Thiên Chúa đoái thương ban mưa ân sủng.
 
Vào cuối lễ, đáp lại những lời chúc chân tình, thắm thiết của Cha chính xứ và đại diện Giáo xứ Ba Làng, Đức Cha đã khẳng định rằng: “ Cửa Bạng xứng đáng là nơi “Hành Hương Về Nguồn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và tôi sẽ đề bạt lên Hội Đồng Giám Mục Việt  Nam, để Cửa Bạng nhận được chỗ đứng xứng đáng trong lòng mộ mến của người Công giáo Việt Nam. ”
 
Đất nước Việt Nam có nhiều địa danh làm gia sản thiêng liêng, như những nhà thờ Chánh tòa, những bãi pháp trường đã thấm máu Tử đạo, những con đường lịch sử Truyền giáo Miền Châu Lào, Kontum, các cửa khẩu Truyền giáo suốt theo bờ biển từ Nam chí Bắc, nhưng Cửa Bạng phải có một vị trí đặc biệt, bởi từ đây đã phát xuất công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tại Miền Bắc Việt Nam, bởi từ nơi đây Thánh Cả Giuse được vị tông đồ tiên khởi tuyên xưng là Đấng Bảo trợ của Giáo đoàn này.
 
Công Đồng Phố Hiến, các vị lãnh đạo trong hàng Giáo Phẩm Việt Nam, với sự chấp thuận của Tòa Thánh đã tuyên xưng Thánh Cả Giuse là Bổn Mạng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
 
Ngày 14-12-1670, Công Đồng Phố Hiến đã có quyết định 34, sau mang số 33 và được Đức Clêmentê 10 công nhận phê chuẩn trong Hiến chế “Apostolatus Officium ” ngày 23-12-1673 như sau: 

Khoảng 33: “Theo những quyết định từ trước tại Ayuthia, Thánh Cả Giuse vinh hiển, phu quân rất mực xứng đáng của Đức Trinh Nữ rất thánh được nhận  làm  Quan Thầy nước này. Vậy phàm ai làm công việc gì hệ trọng trong Đạo đều phải cầu xin Người phù trợ.”
 
Đức Hồng Y Giuse Maria Phạm Đình Tụng và các Giám Mục Việt Nam đã viết trong thư chung năm 1997:

“Nguyện xin ơn sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em. Và xin Thánh Cả Giuse là Quan Thầy Giáo Hội tại Việt Nam luôn phù hộ chúng ta.”

Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chính Đấng phù trợ của Gia đình Thánh Gia Nagiarét và của Đại Gia đình Thiên Chúa để Ngài là Đấng phù trợ bảo hộ Gia đình của Chúa tại Việt Nam.
 
Sự kiện này đã xảy ra tại Cửa Bạng. Không kể siết những hồng ân Thiên Chúa đãõ ban cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhờ sự chuyển cầu và sức phù hộ của Thánh Tổ phụ Giuse.
 
Do đó, Cửa Bạng – Cửa Thánh Cả Giuse – lại có một lý do nữa, để trở thành nơi tôn kính Thánh Giuse, nơi phải có một đền thờ xứng đáng tôn kính Đấng Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam, nơi người Công Giáo Việt Nam  phải “Hành Hương về Nguồn” để được Ngài ban cho niềm Tin vững mạnh, thoát mọi gian nguy trong ngoài, mọi người sống trong hiệp nhất và Tình Thương là hiến chương của Gia đình Thiên Chúa.
 
Trong ngày hôm nay, khi người con Ba Làng về trình diện tổ tiên và ông bà cha mẹ bà con trong Năm Thánh Truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tất cả một lịch sử Truyền giáo Việt Nam sống dậy.
 
Tất cả mọi người hiện diện, mà phần lớn là bà con Ba Làng – Cửa Bạng không được hổ thẹn với lịch sử, trái lại phải hứng tâm lên bước theo khẩu lệnh của vị chủ chăn là con là cháu để “ Nên Một ”, hướng thẳng về tổ tiên trung thành phụng sự Chúa, cùng nhau nhận lãnh sứ mệnh Truyền giáo, làm sống dậy Truyền thống Cửa Bạng và hết lòng tín thác vào Thánh Cả Giuse để 80 triệu Đồng bào Việt Nam thuộc mọi chủng tộc, được đón nhận quà quí mà ngày 19-3-1627, vị tông đồ tiên khởi Miền Bắc, Giáo sĩ Đắc Lộ đã giới thiệu với đồng bào ta thời đó và ngày nay vẫn còn được dấu kín trong ruộng chưa được khai thác để đem an vui, hạnh phúc, ánh sáng và bình cho quảng đại dân chúng Việt Nam đang khát khao tình thương và hạnh phúc Cứu độ từ Thánh Giá đã được trương cao trên Núi Do, tại Cửa Bạng vào Thứ Sáu Thánh năm 1627.

(Tài liệu Trang Web Thanh Hóa)