Đức cha Giuse Nguyễn Năng trả lời phỏng vấn của website Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Giáo Hội là một gia đình, ở đâu cũng là nhà mình, người nào cũng là anh chị em mình, truyền thống nào cũng là gia sản chung"

WHĐ (3.09.2009) – Như tin đã đưa, ngày 25-07-2009, Tòa Thánh đã bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Năng, Giám đốc Cơ sở 2 ĐCV Thánh Giuse (Xuân Lộc), làm giám mục chính tòa giáo phận Phát Diệm.

Việc bổ nhiệm này khép lại giai đoạn hai năm giám quản do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đảm trách (2007-2009), mở ra một trang lịch sử mới cho giáo phận.

Nhân dịp này, Bản tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) thực hiện cuộc phỏng vấn Đức tân Giám mục Giuse, qua đó cung cấp cho quý độc giả những cảm nhận và chia sẻ đầu tiên của vị mục tử lãnh đạo dân Chúa tại Phát Diệm, một giáo phận giàu truyền thống và kinh nghiệm lữ hành.

Xin chân thành cảm ơn Đức cha Giuse đã nhận trả lời phỏng vấn của WHĐ.

***

1. Những cảm nhận đầu tiên của Đức cha khi nhận được tin Tòa thánh bổ nhiệm vào chức vụ mục tử, lãnh đạo giáo phận Phát Diệm?

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Tâm trạng đầu tiên là một sự ngỡ ngàng, không phải ngỡ ngàng vì bản tin được công bố, vì bản tin chỉ là kết thúc của một tiến trình chuẩn bị từ lâu, nhưng là ngỡ ngàng trước một sứ mạng với những trách nhiệm mới và khó khăn. Cũng như các linh mục khác, tôi rất mong ước làm linh mục, nhưng không thích làm giám mục. Chỉ vì tinh thần Giáo Hội mà tôi chấp nhận sự đề cử của các vị hữu trách và sự chọn lựa của Toà Thánh. Tất cả mọi sự đều là hồng ân của Chúa, nhưng có những ơn mình thích, có những ơn mình không thích. Tôi đang tập muốn điều Chúa muốn. Ngày thụ phong linh mục, tôi hân hoan vui sướng và hăng say chuẩn bị cho ngày tiến chức và tạ ơn. Còn bây giờ được chọn làm mục tử của một giáo phận, tôi cảm thấy lo nhiều hơn vui. Đó là tâm trạng của một người được trao phó một trọng trách nhưng lại cảm thấy bản thân quá bất xứng. Tuy nhiên Lời Chúa nhắc tôi luôn cậy trông phó thác cho Chúa. Vấn đề không phải là tôi sẽ làm được gì cho Chúa và Giáo Hội, nhưng là Chúa có thể dùng tôi để thực hiện chương trình của Ngài không.

2. Giáo phận Phát Diệm cách giáo phận Xuân Lộc hơn 1500 cây số. Đức cha có cảm thấy còn khoảng cách nào khác ngoài khoảng cách địa lý?

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Cùng với tâm trạng ngỡ ngàng và lo lắng, tôi cũng cảm thấy ngại ngùng khi phải đi xa nơi mà mình đã sống, đã được đào tạo và đã làm việc từ hơn 50 năm qua. Khi nhập tịch vào giáo phận Xuân Lộc, tôi chọn sống và chết cho Xuân Lộc. Mọi sự nơi tôi mang dấu ấn của Xuân Lộc. Vốn là một người sinh ra tại Phát Diệm, nhưng tôi không biết gì nhiều về Phát Diệm, ngoài những kiến thức đọc trong sách vở hay qua vài lần về thăm như một người khách du lịch. Trở về quê hương, nhưng đối với tôi mọi sự đều là mới. Như một trẻ thơ, tôi bắt đầu học tên người, tên xứ, học phong tục và tập quán, học lịch sử và văn hoá, học truyền thống đức tin, học nếp sống đạo của giáo dân. Tóm lại là học làm người của Phát Diệm.

Có những cái phải học, nhưng không phải là xa lạ, vì trong hơn 50 qua, gia đình tôi sống tại giáo xứ Phúc Nhạc và Bạch Lâm là những nơi in đậm truyền thống Phát Diệm. Hơn nữa khi quan niệm Giáo Hội như là một gia đình, thì ở đâu cũng là nhà mình, người nào cũng là anh chị em mình, truyền thống nào cũng là gia sản chung. Khi ta giữ khoảng cách với mọi người, thì mọi người đều là kẻ xa lạ. Nhưng khi ta đến với mọi người và thật lòng yêu mến họ, thì họ là người nhà của ta. Tôi nhận thấy rằng dù tôi chưa về sống tại Phát Diệm, nhưng Phát Diệm đã yêu mến tôi và tôi yêu mến Phát Diệm, và tình yêu xoá bỏ mọi khoảng cách.

3. Được biết Đức cha chọn khẩu hiệu “Hiệp thông và Phục vụ” cho sứ vụ giám mục. Xin Đức cha chia sẻ cho độc giả WHĐ về ý nghĩa của sự lựa chọn này.

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Theo sách Công vụ Tông đồ, Hiệp thông (koinonia) và Phục vụ (diakonia) là hai yếu tố nòng cốt làm thành đời sống của Giáo Hội nhằm làm chứng (marturia) cho Đức Kitô Phục sinh. Muốn làm chứng cho Chúa, Giáo Hội phải hiệp thông và phục vụ. Sự hiệp thông mang nhiều chiều kích: trước hết là hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, để từ nguồn mạch và theo mẫu gương hiệp thông của Ba Ngôi, kiến tạo sự hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa và sống hiệp thông với cả những người ở ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội, vì Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện và hoạt động nơi họ. Sự hiệp thông như vừa trình bày được diễn tả qua hình ảnh ba người giang tay liên kết với nhau để làm thành chữ H-T tức là Hiệp Thông.

Hình ảnh ba người giang tay gợi lên Tam quan của Phương đình Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Điều đó muốn nói lên rằng sự hiệp thông mang tính cách cụ thể của cộng đồng Giáo Hội địa phương. Giáo Hội địa phương chính là một gia đình, mà gia đình này là hoạ ảnh của sự hiệp thông Ba Ngôi. Mọi Kitô hữu được mời gọi để xây dựng Giáo Hội địa phương và làm chứng cho Chúa trong tính đặc thù của địa phương mà vẫn không làm phương hại đến sự hiệp thông của Giáo Hội phổ quát.

Hiệp thông phải đưa đến Phục vụ. Giáo Hội không phải là một tổ chức co cụm, nhưng được sai đi để phục vụ con người, vì con người là con đường của Giáo Hội. Như Đức Kitô, mọi thành phần trong giáo phận Phát Diệm cần nắm tay nhau và dấn thân để phục vụ sự sống và phẩm giá của con người, làm sao để mọi người được sống sung mãn và phát triển toàn diện: tâm hồn và thể xác, hiện tại và vĩnh cửu, cá nhân và cộng đồng, kinh tế, văn hoá và đạo đức…

Thánh giá Đức Kitô nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội và bao trùm mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Nguồn mạch và gương mẫu của sự hiệp thông và phục vụ chính là Thánh giá Đức Kitô. Toàn huy hiệu thấm nhuần màu đỏ, màu của sự sống được khơi nguồn từ Thánh giá. Nếu không đi theo con đường của Tin Mừng và không liên kết với Đức Kitô chịu khổ nạn và phục sinh, sự hiệp thông và phục vụ của Giáo Hội cùng lắm chỉ là biểu hiện của một tình yêu nhân bản chứ không thể là một sự làm chứng cho Ngài.

4. Vào lúc này, Đức cha muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng Dân Chúa tại Phát Diệm?

Đức cha Giuse Nguyễn Năng: Giám mục được đặt lên để làm người phục vụ Dân Chúa. Tôi xin được lặp lại lời của thánh Augustinô: “Cho anh em, tôi là giám mục; với anh em, tôi là Kitô hữu. Giám mục là tên chỉ chức vụ, còn Kitô hữu là tên chỉ ân huệ". Dù là giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tất cả chúng ta là những chi thể sống động trong Nhiệm Thể là Giáo Hội, chúng ta đồng trách nhiệm về Giáo Hội. Nếu tất cả mọi thành phần trong cộng đồng Dân Chúa hiệp thông với Chúa và với nhau cách chân thành tận đáy lòng, chúng ta mới có thể làm cho giáo phận được thăng tiến và có thể làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu thực sự. Nếu không, chúng ta sẽ vô tình biến Giáo Hội thành một tổ chức xã hội như bao xã hội khác, và việc chúng ta làm chứng cho Chúa chẳng đem lại kết quả gì sâu xa.

Kế đến, Phát Diệm là giáo phận có truyền thống sống đạo sâu xa vững vàng ăn rễ sâu vào văn hoá dân tộc. Từ ngày thành lập giáo phận đến nay đã hơn một trăm năm qua những thời kỳ khác nhau, từ giai đoạn xây dựng, sang giai đoạn thử thách, rồi phục hồi, lúc nào các thành phần Dân Chúa cũng chứng tỏ một đức tin vững mạnh. Ước mong giáo phận tiếp nối và phát huy truyền thống đức tin đó. Xã hội Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Khi đời sống vật chất được nâng cao, con người dễ rơi vào thái độ hưởng thụ và thực dụng. 

Hiện nay làn sóng vật chất và kỹ thuật đang tấn công các giá trị tinh thần và đạo đức, nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng và có nguy cơ tan vỡ, giới trẻ có khuynh hướng sống vội và hưởng thụ. Là Kitô hữu, chúng ta cũng không thoát khỏi những cám dỗ và khủng hoảng ấy. Nếu không học hỏi Lời Chúa và sống đạo cách ý thức và trưởng thành, đức tin của chúng ta cũng sẽ mai một. Tất cả mọi chương trình của Giáo Hội đều phải phát xuất từ chỗ thánh hoá bản thân, từ lòng tin và tình yêu đối với Chúa và Giáo Hội. Đó chính là khởi điểm cần thiết và chắc chắn để thăng tiến giáo phận. Và đó cũng chính là niềm mong ước xin được gửi đến cộng đồng Dân Chúa Phát Diệm.

(Theo Trang Web Hội Đồng Giám Mục VN)