Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật:
Cha Linh Hướng – Người “Mẹ Hiền” Của Tôi

Tôi bồi hồi xúc động thật lâu sau khi nhận được Email của một người bạn học cũ từ Việt Nam gởi qua báo tin Đức Cha Phaolô đã được Chúa gọi về… Tôi thầm thì đọc một kinh kính mừng, không phải để cầu nguyện cho Đức Cha, nhưng là để xin ngài tiếp tục “đồng hành” và dạy dỗ tôi như những ngày còn tại thế. Tôi viết lại những dòng này trong nức nở nghẹn ngào…

Tôi là “con chiên lạc”. Tôi là “đứa con hoang đàng”. Tôi là người đầu tiên được Đức Cha Phaolô ban Bí Tích Xức Dầu từ hơn 30 năm về trước tại Tu Hội Tông Đồ Nhỏ vì từ ngày thụ phong linh mục, đi du học và trở về làm linh hướng trong các chủng viện cho tới lúc làm Giám Mục, ngài chưa bao giờ phải “đi kẻ liệt”. Tôi là một đứa bé học giỏi nhưng kiêu căng và “nghịch ngầm”. Chính ngài đã chỉ cho tôi biết cái hay cái dở của mình, và như một người mẹ hiền, ngài đã kiên trì uốn nắn và hướng dẫn tôi từ khi “chập chững tập đi” cho tới lúc cao bay xa chạy giữa chợ đời. Tôi chỉ mới bắt đầu “nghĩ” về Đức Cha như một người “mẹ hiền” từ mấy tháng nay, sau khi gặp lại cha cố Gioan Phạm Đình Nhu là cựu giám đốc Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc nhân dịp ngài ghé thăm vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Hôm đó cha cố Nhu đã nhắc đến vai trò làm “cha” của ngài trong cương vị giám đốc, và cha linh hướng chính là “người mẹ hiền” trong gia đình Tiểu Chủng Viện. Càng suy nghĩ, tôi càng cảm nhận được “tình mẫu tử” Đức Cha Phaolô đã dành cho cá nhân tôi và rất nhiều cha, thầy, cựu chủng sinh và giáo dân Giáo Phận Xuân Lộc.

Những năm ở Tiểu Chủng Viện, mỗi tuần hai lần, chúng tôi được phân công viết bài nguyện ngắm và cám ơn sau khi rước lễ, nộp cho cha linh hướng duyệt rồi đọc lớn trong nhà nguyện để hướng dẫn mọi người. Có một lần tôi viết bài cám ơn sau rước lễ “rất tình cảm” nên ngay sau thánh lễ, cha giám đốc bắt các chú ngồi lại để “ban huấn từ” rằng không được viết những lời “uỷ mị, ướt át, tình cảm cá nhân” khi hướng dẫn nguyện ngắm và cám ơn sau khi rước lễ. Tôi bị la trước mặt ban giám đốc và mấy trăm chú chủng sinh nên buồn lắm; nhất là trong giờ ăn sáng, đám bạn cùng lớp còn ngâm nga “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” Sau đó tôi đi tìm cha linh hướng để “bắt đền”. Vừa thấy tôi “hầm hầm” bước vào phòng, ngài mỉm cười nhỏ nhẹ: “Cha xin lỗi. Cha thấy những bài trước con viết rất được nên mấy hôm nay bận quá, cha không duyệt…” Tôi run sợ và khó chịu khi nghe những lời giáo huấn của cha giám đốc, nhưng đã hoàn toàn cảm phục vì ánh mắt và nụ cười của cha linh hướng.

Biết rõ tôi thuộc loại nóng tính và hay tranh cãi với bạn bè, ngài đã hướng dẫn và tập cho tôi một thói quen là phải thầm thì đọc một kinh kính mừng, hay ít là câu “kính mừng Maria” trước khi gây sự. Tuổi trẻ háo thắng nên hầu như lần nào tôi cũng cãi nhau xong rồi mới nhớ lời cha linh hướng dạy. Những lúc nghe tôi kể lại sự việc “đã rồi”, ngài nhẫn nại khuyến khích “trễ còn hơn không, con cứ tập mãi sẽ thành nhân đức.” Suốt mấy năm trong Tiểu Chủng Viện và sau này ở Tu Hội Tông Đồ Nhỏ, thỉnh thoảng ngài vẫn hỏi tôi có còn nhớ đọc kinh kính mừng để hãm dẹp tính nóng giận hay không; và nhờ đó, tôi tập được thói quen đọc kinh kính mừng bất cứ khi gặp chuyện vui hay buồn trong cuộc sống. Tôi không còn đi tu nữa nhưng thói quen đó đã giúp tôi cư xử nhã nhặn hơn với vợ con và những người chung quanh rất nhiều.

Sau năm 1975, lớp chúng tôi được về chung sống với ngài tại Tu Hội Tông Đồ Nhỏ, vừa tiếp tục tu học vừa làm rẫy làm ruộng nuôi nhau. Lúc bấy giờ ngài đã được tấn phong làm giám mục phó Xuân Lộc nhưng vẫn ở với anh em chúng tôi chứ chưa chuyển qua Tòa Giám Mục. Một vụ mùa, đám lúa mới cấy của chúng tôi bị cua cắn rồi sâu rầy tàn phá rất thê thảm; ngoài việc đi xin mạ cấy lại, xịt thuốc trừ sâu rầy, anh em cũng xin Đức Cha thêm lời cầu nguyện… Lúc đó tôi là “trưởng toán ruộng” nên một buổi sáng ngài gọi tôi vào nhà nguyện nói nhỏ: “Con mang theo bình nước phép vào ruộng, vừa đi chung quanh bờ vẩy nước phép, vừa đọc kinh kính mừng…” Nhìn nét mặt nghiêm trang của ngài, tôi biết chắc ngài phó thác tin tưởng hoàn toàn nên niềm tin của tôi cũng được củng cố rất nhiều.

Vì hoàn cảnh đặc biệt, tôi được Đức Cha cho đi học triết trước những anh em cùng lớp. Sau khóa học đầu tiên, khi biết tin tôi được xếp hạng đầu lớp, ngài gặp tôi nhắc nhở: “Cha biết con là người học giỏi, nhưng đừng vì thế mà kiêu căng. Con hãy nhớ câu nói của thánh quan thầy của con là Gioan Tiền Hô: Người phải lớn lên còn con phải nhỏ lại…” Cũng chính ngài đã gợi ý cho tôi mừng lễ bổn mạng vào ngày 29 tháng 8 hằng năm, là ngày lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu thay vì ngày Sinh Nhật 24 tháng 6 là ngày Lễ Trọng, để nhắc nhớ mình về ý nghĩa cuộc đời của người “sứ giả”.

Tôi đã ra nước ngoài và đã lập gia đình. Suốt những năm dài xa quê hương, bất cứ lúc nào tôi gởi thơ thăm hỏi, ngài cũng tìm cơ hội thuận tiện để hồi âm, và thơ nào ngài cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ tôi đừng quên đi những tháng ngày được huấn luyện trong Chủng Viện / Tu Hội và phải noi gương thánh quan thầy để làm “sứ giả” giữa đời. Lần đầu tiên trở về Việt Nam vào dịp đầu năm 1998, tôi được hân hạnh cùng “ăn tết” với Đức Cha một ngày. Tôi vẫn nhớ mãi lời ngài nói lúc chia tay: “Khi biết tin con ra đời và lập gia đình, cha cũng tiếc lắm, nhưng cha tin rằng con sẽ sống xứng đáng với ơn gọi của mình.”

Cuối năm 2002, tôi gặp lại Đức Cha tại nhà xứ Long Kiên vào buổi tối trước hôm lễ tạ ơn kỷ niệm 10 năm thụ phong linh mục của 7 cha đầu tiên thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (chịu chức vào ngày 17 tháng 12 năm 1992), trong đó có cha Quỳnh là nghĩa tử của ngài. Sau khi các cha các thầy “rút lui” xuống nhà, tôi ngại ngùng xin phép cáo từ để Đức Cha nghỉ, nhưng ngài bảo:

- Các cha ít có dịp gặp nhau nên để họ tâm tình cho thỏa thích, nhất là cha Năng mới du học Rôma về, cha Bộ mới đi Mỹ chơi mấy tháng, chắc có nhiều chuyện “bù khú”. Cha không mệt đâu. Con ngồi đây nói chuyện bên Mỹ cho cha nghe một lát. Cha nghe nói bây giờ con làm lớn lắm, có còn nhớ câu “tâm niệm” của thánh quan thầy nữa không?

- Dạ… Thỉnh thoảng con cũng nhớ ạ.

- Cha nghe mấy cha kể chuyện ghé nhà con chơi ở Mỹ, kể về sinh hoạt gia đình con và giáo xứ Việt Nam bên đó… Cha mừng. Cháu gái đầu của con vẫn nói và hát tiếng Việt giỏi như năm nào chứ?

- Dạ.

- Con phải biết ơn vợ con đã hy sinh ở nhà dạy dỗ tiếng Việt cho các cháu. Cha vẫn nhớ con bé hát bài “Cầu Cho Cha Mẹ” rất cảm động.

Đức Cha còn hỏi tôi nhiều chuyện về cuộc sống ở xứ người và rất vui khi nghe tôi nói rằng mỗi tối trước khi đi ngủ tôi vẫn không quên hình ảnh những buổi tối ở Tu Hội Tông Đồ Nhỏ, sau giờ kinh tối, chúng tôi quỳ quây quần trước cung thánh, bên tượng Đức Mẹ cùng hát “Kìa ai dong duổi đường gió bụi…” trong lúc Đức Cha đi chung quanh đặt tay lên đầu chúc lành cho từng người trước khi đi ngủ.

Trọng kính Đức Cha:

Đã hơn 4 năm qua rồi kể từ bữa tối 16 tháng 12 năm 2002 tại nhà xứ Long Kiên… Con không ngờ hôm đó chính là “bữa tiệc ly” giữa Đức Cha và “đứa con lạc đàn” này. Hai năm sau Đức Cha đã “ngã quỵ” trước cơn bệnh ngặt nghèo, và sau hơn 2 năm mòn mỏi đợi chờ trên giường bệnh, Đức Cha đã hoàn tất cuộc hành trình “Về Nhà Cha”. Mặc dầu con đã sống xa Đức Cha gần 30 năm nay, nhưng lúc nào con cũng nhớ canh cánh bên lòng những lời dạy bảo của Đức Cha, và giờ này con cảm thấy trống vắng thật nhiều vì sự “ra đi” của Đức Cha. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria tiếp đón linh hồn Đức Cha trên nước trời sau một đời “Phục Vụ Chúa Trong Hân Hoan”, và xin Đức Cha tiếp tục “đồng hành” và dạy dỗ con trong quãng đời còn lại để luôn luôn sống xứng đáng là người con được Đức Cha làm “linh hướng”.

Vĩnh biệt Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, người cha linh hướng, người “mẹ hiền” của con.

Nguyễn Duy An
VietCatholic News (24/01/2007)