Giới thiệu về nhà thờ St. Cecilia mừng kỉ niệm 100 năm và là giáo xứ cho người Việt Nam ở Toronto

Bishop Pearse Lacey Những mốc thời gian ghi dấu ân sủng của Thiên Chuá của thánh đường St. Cecilia: Ngày 07 tháng 11 năm 2009 tại Nhà thờ St. Cecilia, Đức Cha Thomas Collins,Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Toronto đã chủ tế Đại Lễ Tạ Ơn kỷ niệm 100 Năm xây dựng ngôi Thánh đường này (1909-2009), 

Khởi thủy thánh đường này là của người Công Giáo Ái Nhĩ Lan và trong những năm gần đây triở thành di sản đức tin chung cho cả người Ái nhĩ lan và người Việt Nam tại Canada. Đây cũng là Nhà thờ Tông Tòa của Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Central Toronto Region kiêm Đặc trách Các Sắc dân và Di dân.

Đồng tế với Đức Tổng giám Mục có Đức Cha Pearse Lacey, nguyên Giám Mục Phụ Tá TGP Toronto, Linh Mục Joseph Trần Tập Cha Sở Giáo Xứ St.Cecilia kiêm Chánh Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto, các Linh Mục Phòng Bộ, Đức Ông Marco Laurencic và 10 Linh Mục gốc Ái nhĩ Lanm Việt Nam và Canada đã từng phục vụ tại thánh đường St. Cecilia.

Archbishop Thomas Collins, TGM Toronto Trong lời chào mừng khai mạc Thánh Lễ trọng đại này, sau lời cảm tạ ân sủng Thiên Chúa ban cho hàng giáo phẩm và tín hữu đã tham gia phụng vụ tại ngôi thánh đường này trong hơn 100 năm qua-Đức Tổng Giám Mục đã giới thiệu vị giáo sĩ niên trưởng kỳ cựu nhất đã từng phục vụ Giáo Xứ. 

Đó chính là Đức Cha Pearse Lacey, sinh ngày 26/11/1916 và còn đúng 20 ngày nữa sẽ là sinh nhật thứ 94 của ngài. Đức Cha Pearse Lacey đã phục vụ tại Giáo Xứ St.Cecilia từ năm 1948 đến 1953. Sau khi được tấn phong Giám Mục, Đức Cha Pearse Lacey đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Toronto từ năm 1979-1993. Nghĩ về lịch sử 100 Năm xây dựng ngôi Thánh Đường St.Cecilia, cuộc đời phục vụ của Đức Cha Pearse Lacey là một bằng chứng về Lòng Thương xót và ân sủng của Thiên Chúa ban cho ngài.

Sau tràng pháo tay chúc mừng vị giáo sĩ niên trưởng của Tổng Giáo Phận Toronto, Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins đã loan báo tin mừng thứ hai, nhân ngày Đại Lễ Kỷ Niệm 100 Năm xây dựng Thánh Đường St. Cecilia, Đức Giáo Hoàng Benedict thứ 16 đã gởi đến cho Tổng Giáo Phận Toronto và St.Cecilia một vị Giám Mục trẻ tuổi nhất của Tổng Giáo Phận: đó là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu.

Cardinal Aloysius Ambrozic, nguyên TGM TorontoNăm 2005 Đức Hồng Y Aloysius Ambrozic bổ nhiệm Linh Mục Joseph Trần Tập, Cha Sở Giáo Xứ St. Gertrude, Oshawa về St.Cecilia-GXCTTĐVN Toronto thay cho LM Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu được cử đi học tại Giáo Hoàng Học Viện St. Thomas Aquinas (Angelicum, Rome). 

Sau khi tốt nghiệp văn bằng Cử nhân Giáo Luật trở về Canada năm 2008, tháng Tám năm này LM Vincent Nguyễn được bổ nhiệm làm Phó Chưởng Ần TGP. Tháng Chín năm 2009, LM Vincent Nguyễn được cử làm Chuởng Ấn kiêm Trưởng Văn Phòng Giáo Phủ Tổng Giáo Phận Toronto.

(Chú thích: phiá tay trái là Đức Cha Peter Hundt, đứng giữa là Đức Cha John Boissoneau, bên tay phải là Đức Cha Richard Grecco (nay là Giám Mục Chính Toà Giáo Phận Tỉnh Bang Prince Edward Islands, quần đảo ở miền biển phiá Đông Canada )

Và hôm nay ngày 07 tháng 11 năm 2009, sau 25 năm kể từ ngày đặt chân đến đất nước Canada-người thanh niên Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu- một thưở như bao người Việt Nam trên đường vượt biển tìm tự do đã không ngừng nguyện xin cho con tàu và chính bản thân được an toàn đến bến bờ tự do-đã không thể tưởng tượng được hồng ân của Thiên Chúa bao la đến dường nào: từ vị Cha Sở trẻ tuổi nhất của St.Cecilia, Linh Mục Vincent Nguyễn đã trở thành vị Giám Mục Canada tiên khởi gốc thuyền nhân Việt Nam có tuổi đời trẻ nhất trong hàng Giám Mục Canada.

Bài giảng lễ cho Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam hành hương tại Đền Kính Các Thánh Tử Đạo Canada và Việt Nam tại Midland.

Bài suy niệm đặc biệt về tương đồng lịch sử của công cuộc truyền giáo tại hai Giáo Hội Canada-Việt Nam của Đức Cha Richard J. Grecco, nguyên Giám Mục Phụ Tá TGP Toronto nay là Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Prince Edward Islands, Canada. Bản dịch của Linh Mục Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu nay là Giám Mục Phụ Tá TGP Toronto. Phần chú thích và những chữ in nghiêng nhấn mạnh là do Dominic David Trần thực hiện)

"Thưa qúy Cha và qúy vị tham gia ngày Hành hương Thánh Mẫu và Các Thánh Tử Đạo hôm nay;

Tôi thật xúc động khi đọc lịch sử giáo hội Việt Nam, và nhận ra lòng trung thành, can đảm và vâng phục của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong khi đọc những dòng lịch sử ấy, tôi chợt nhận thấy thật là thích hợp để tụ họp nơi đây, tại Đền Các Thánh Tử Đạo Canada này (*). Năm 1615 các linh mục Dòng Tên thiết lập cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam. Tới năm 1627 (*), một linh mục Dòng Tên, A Lịch Sơn Đắc Lộ, đã rửa tội cho gần 8,000 người, trong đó có cả một người em gái của Vua. Cha Đắc Lộ, vị "Tông đồ của Việt Nam", đã bị trục xuất năm 1645. Cũng chính trong thập niên này cơ sở truyền giáo Ville Ste. Marie được thành lập ngay tại nơi đây bởi Các Thánh Tử Đạo Canada. Ngoài sự trùng hợp về các Cha Dòng Tên, về thời gian, còn có một lý do linh thiêng để mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Đền Thánh này.

Auxiliare Bishop Vincent Nguyen Lý do đó chính là: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã nghe lời Chúa Giêsu bảo Thánh Phêrô Tông Đồ: " Hãy chèo ra chỗ nước sâu." Duc in altum! Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã vâng lời Chúa Giêsu. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng đã làm như vậy. Chúa Giêsu bảo các môn đệ là hãy kiên nhẫn chèo ra chỗ nước sâu. Sau một đêm chài lưới vất vả mà chẳng được gì, các Tông Đồ đã mệt mỏi và chán nản. Dĩ nhiên chài lưới trong chỗ nước cạn sẽ an toàn hơn, nhưng Chúa Giêsu nói rõ ràng " chỗ nước sâu". 

Việc vâng lời Chúa đòi hỏi MẠO HIỂM. Chúa bảo: hãy bạo dạn, liều lĩnh, lắng nghe và vâng theo lời Người truyền dạy. Các ông đã làm như thế, và lưới của các ông đã đầy những cá. Thánh Phêrô đã hãi sợ xin Chúa tránh xa mình vì là người tội lỗi. Nói một cách khác, sự BẠO DẠN đem lại sự thành công mà Phêrô không hiểu nổi. Thế giới cũng không hiểu thấu. Và Chúa Giêsu trấn an Phêrô, "Đừng sợ". Đừng sợ chèo ra chỗ nước sâu. Đừng sợ phải vâng lời của Thầy. Đừng sợ vì thân phận tội lỗi của mình. Đừng lo lắng về kết cuộc sẽ ra thế nào.

Gần 1600 năm sau, trên Bắc Mỹ, Brebeuf, Isaac Jogues và các bạn đã nghe lệnh truyền này của Chúa Giêsu trong một hình thức khác. Chỗ nước sâu là Huronia. Vâng, lệnh truyền này thật là một mạo hiểm, và sợ hãi là điều rất thường tình của con người. Nhưng lời của Chúa nung nấu bầu nhiệt huyết của họ, và họ đã mạo hiểm "chèo ra chỗ nước sâu."

Tương tự như thế, bên kia qủa địa cầu, hằng trăm ngàn người Việt Nam cũng đã nghe lệnh Chúa Giêsu. Chỗ nước sâu là những cuộc bách hại đạo và khổ hình mà họ đã trải qua trong những thế kỷ thứ 17, 18 và 19. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được ban cho món qùa can đảm để đối diện với sự khủng hoảng của cực hình và cái chết. Đức tin đốt lên lòng sốt sắng. Lòng sốt sắng thúc đẩy họ dâng hiến sự sống mình hoàn toàn cho Thiên Chúa. Ai không xúc động bởi gương can đảm, lòng tín trung với Đức Kitô ấy? Chẳng hạn như An tôn Nam (**), một y sĩ và giáo lý viên, đã không sợ hãi chèo ra chỗ nước sâu. Ông đã nói với người con gái đang khóc thương mình rằng: " Này con, đừng khóc mà làm cho cha đau lòng; trái lại hãy vui lên, chúc tụng Chúa, cảm tạ Người vì Người thương cho cha được vinh phúc tử vì đạo." Cho đến ngày nay, gương mẫu của ngài đem lại lòng can đảm cho tất cả mọi người Công giáo để vâng lời truyền dạy của Chúa Giêsu mà chèo ra chỗ nước sâu.

Thánh Lễ này để kính nhớ Thánh Linh Mục Anrê Trần An Dũng Lạc và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bởi vì chúng ta chia xẻ với các ngài cùng một thân thể và máu thánh Chúa Kitô. Chúng ta biết rằng đức tin của các ngài, lòng sốt mến của các ngài, và lòng vâng phục Chúa Kitô của các ngài không chỉ là câu chuyện để hoài niệm về quê hương. Cuộc đời và gương sáng của các ngài là gương mẫu cho chúng ta ngày hôm nay. Các ngài dạy cho chúng ta nhiệt thành cho lòng tin, vâng lời Chúa Giêsu và can đảm lên.

Tháng Giêng năm 2001, tôi ở bên Rôma để tham dự các nghi lễ kết thúc năm thánh. Sau khi đóng cánh cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô trong dịp kỷ niệm 2000 Năm lịch sử Công Giáo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ đệ nhị đã bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba bằng việc ký Tông Thư Novo Millennio Ineunte (Tiến vào Thiên niên kỷ Thứ Ba). Trong đó, ngài mời gọi các tín hữu trên toàn thế giới lắng nghe lệnh truyền của Chúa Giêsu, "Chèo ra chỗ nước sâu." (Luca 5:4).

Trong bức Tông Thư, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị mời gọi tôi và qúy ông bà anh chị em hãy đối diện với Ngàn Năm Thứ Ba với cùng một lòng bạo dạn của Phêrô; cùng một lòng vâng phục của Các Thánh Tử Đạo Canada, cùng một lòng can trường của Cha Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Như Các Thánh Tông Đồ, có lẽ chúng ta mệt mỏi, sợ hãi và chán chường. Nhưng lời Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta đối diện Ngàn Năm Thứ Ba với lòng nhiệt thành và can đảm, theo gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Ba trăm sáu mươi năm trước, Các Thánh Tử Đạo Canada đã mang theo một sứ mạng. Họ xây dựng Công Đoàn Ville Ste. Marie giữa những người thổ dân Huron. Nền móng công trình này của họ không chỉ là những gì được tìm thấy trên cánh đồng gần đây. Không. Những vị truyền giáo Canada can trường đã chọn Chúa Kitô làm nền móng cho cơ sở truyền giáo của họ. " Chúa Kitô là viên đá góc tường" của cơ sở truyền giáo ở Ville Ste. Marie tại Midland, ngay chỗ này đây.

Tôi biết rõ là có rất nhiều qúy ông bà anh chị em cũng đã mạo hiểm khi hơn 25-30 năm trước đây đã "chèo ra chỗ nước sâu." Rất nhiều, nếu không phải là tất cả, qúy ông bà anh chị em đã đến Canada sau khi đã vượt biển. Chèo ra chỗ nước sâu, qúy ông bà anh chị em đã được Chúa đưa đến cùng một địa điểm mà Các Thánh Tử Đạo Canada đã được Chúa đưa đến. Và như Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, qúy ông bà anh chị em được Chúa ban cho sức mạnh, lòng tin, lòng can đảm để đến được Canada. Qúy ông bà anh chị em đã giữ vững đức tin theo gương của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đừng bao giờ quên gương mẫu của các ngài. Cũng đừng quên gương mẫu của Các Thánh Tử Đạo Canada, bởi vì như các ngài, qúy ông bà anh chị em cũng có một công đoàn để dựng xây. Qúy ông bà anh chị em cũng có một sứ mệnh là xây dựng đức tin trên miền đất Canada này

Thiên Chúa có mục đích khi ban tặng ơn của Người cho chúng ta. Các Thánh Tử Đạo Canada là những người đã xây dựng nên Ville Ste. Marie không phải với gạch và gỗ nhưng với lòng tin, với Chúa Kitô là tảng đá góc tường. Cũng thế, qúy ông bà anh chị em cũng có một sứ mệnh được Chúa giao phó là xây dựng xứ đạo của mình ngay tại Canada với gia đình, với tiền nhân trên tảng đá góc tường là chính Chúa Kitô. Qúy ông bà anh chị em hãy trang bị cho con cháu mình đức tin và lòng can trường bằng việc vâng phục Đức Kitô. Đó là di sản mà các tiền nhân anh dũng, Thánh Linh Mục Anrê Trần An Dũng Lạc và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đã để lại cho qúy ông bà và anh chị em. Amen" (+ Most Rev. Richard J. Grecco)

Chú thich: (*) Đền Thánh Quốc gia sùng kính Các Thánh Tử Đạo Canada tại Midland, Ontario- nơi đây Các ngài đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Đức Tin Công Giáo. Tuy nằm trong lãnh thổ Tổng Giáo phận Toronto nhưng theo truyền thống cho qúy Cha và Tu sĩ Dòng Tên Canada tại Quebec quản lý và phụng vụ. Được Đấng Bản quyền TGP cho phép và sự đồng ý của Cha Giám Đốc Đền Thánh; một dự án xây dựng Đền dâng kính Đức Mẹ La-Vang Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ được thực hiện khi thuận tiện.

(*) Linh Mục Dòng Tên, A Lịch Sơn Đắc Lộ (thường quen gọi cha Đắc Lộ) là phiên âm họ và tên viết theo Hán Việt của cha Alexandre de Rhodes. Dòng Tên (Society of Jesus viết tắt là SJ, Dòng Chúa Giêsu. Tại Việt Nam theo truyền thống kỵ húy danh thánh Dòng Danh Thánh Chúa Giêsu nên gọi là Dòng Tên.)

(*) Năm 1627 (trích theo Niên Biểu Công Giáo Việt Nam, chương 11-Niên Giám 2004 trang 204: ngày 19 tháng 03 năm 1627, Cha Đắc Lộ tới Cửa Bạng trong đoàn truyền giáo do Linh mục Pedro Marques dẫn đầu. Ngày 02 tháng 07 năm 1627, họ tới Thăng Long và dâng tặng lễ vật lên chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài lúc đó thuộc triều đại của Vua Lê Thần Tông (1619-1643), ở Đàng Trong lúc đó thuộc Ở Đàng Trong lúc đó ở thời chuá Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.

Nói thêm vào năm 1624 thời chúa Sãi, các LM Alexandre de Rhodes, Girolamo Majorica, Gaspar Luis, Gabriel de Mattos, Melchior Ribeiro, và Mathias Machida đến Hải Phố để học tiếng Việt với LM Fancisco de Pina SJ. Các ngài cũng chứng kiến Lễ ban phép Thánh Tẩy cho bà Minh Đức Vưuơng Thái Phi (1568-1648), bà là thứ phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Bà được mang tên thánh là Maria Magdalena.

(**) ông Anton Nam: cũng theo Niên biểu nêu trên trang 232 và Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam (trang 201-204; Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose, California USA 1990. Trong bài giảng cung cấp không có dấu ă, vì vậy đây chính là thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, sinh 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Là con thứ năm của ông Antôn Nguyễn Hữu Hiệp và bà Magdalena Lộc nên còn được gọi là ông Năm Quỳnh.

Bị buộc phải gia nhập quân đội Nguyễn Ánh, giải ngũ năm 1802 với cấp bậc Vệ Úy. Ngài về quê làm ruộng, học nghề làm thuốc và trở nên luơng y danh tiếng trong vùng. Là Trùm trưởng làng Mỹ Hương, ngài bị bắt năm 1838 thời vua Minh Mạng và bị kết án xử giảo giam hậu. Vì cương quyết không chối bỏ đạo và không chịu bước qua Thánh Giá, ngày 10/07/1840 cùng với thày giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự, hai ngài bị xử giảo tại pháp trường Đồng Hới, Quảng Bình.

Đức Giáo Hoàng Lêo thứ 13 đã suy tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 27/05/1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-Lồ đệ nhị đã tuyên phong Chân phước Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) lên hàng Hiển thánh Giáo Hội trong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19/06/1988.

Câu đối trên bia mộ thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh tại làng Kim Sen, Quảng Bình còn ghi:

"Nghiã khí nêu cao trên đất nước
Oai linh phù hộ khắp non sông."

Dominic David Trần
VietCatholic News