Vị giám mục cao niên nhất thế giới: 
Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, sắp tròn 100 tuổi

NICE, PHÁP -- Cho đến khi ngài qua đời vào ngày 6-10-2005, Đức Tổng Giám Mục Ettore Cunial, người Ý, từng phục vụ ở Tòa Thánh hơn 50 năm, được coi là vị giám mục già nhất thế giới: thọ 99.9 tuổi. Ngài chỉ cần sống thêm hơn một tháng nữa, cho tới ngày 16-11-2005, là đã thọ được 100 tuổi, tròn một thế kỷ. Tiếc cho Đức TGM Cunial, nhưng lại mừng cho Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, một vị giám mục Việt Nam, nay được lên hàng cao niên nhất thế giới!

Theo www.catholic-hierarchy.org, tính đến ngày 22-1-2006, cũng là ngày kỷ niệm Đức Cha Antôn Thiện chịu chức giám mục được tròn 45 năm, thì ngài sống được 99.86 năm.

Vài nét về Đức Cha Antôn Nguyễn văn Thiện

- chào đời ngày 13-3-1906 tại Cái Cồn;
- thụ phong linh mục ngày 20-2-1932;
- được bổ nhiệm làm giám mục Vĩnh Long ngày 24-11-1960;
- chịu chức giám mục ngày 22-1-1961;
- về hưu ngày 12-7-1968, trở thành giám mục hiệu tòa Hispellum, cư ngụ tại Nice, Pháp

 

 

Đức Cha Antôn Thiện là giám mục thứ 19 trong các vị giám mục Việt Nam, chịu chức cùng ngày 22-1-1961 với các Đức Cha sau đây:

- Micae Nguyễn Khắc Ngữ (sinh năm 1909, vẫn còn sống tại Long Xuyên, hiện là giám mục cao niên thứ 7 trên thế giới),
- Giuse Trần Văn Thiện (1908-1989),
- Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988).

Bốn vị nói trên đã chịu chức trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi Giáo Hội Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng.

Sau khi Tin Mừng được rao giảng ở Việt Nam tới 400 năm (từ năm 1533), Giáo Hội Việt Nam mới có vị giám mục bản xứ đầu tiên là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng vào năm 1933. Tuy nhiên 27 năm sau, khi Giáo Hội Việt Nam có những dấu hiệu trưởng thành dưới sự dìu dắt của các vị giám mục bản xứ, Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vào ngày 24-11-1960, nâng các địa phận tông tòa trên toàn lãnh thổ Việt Nam lên hàng địa phận chính tòa, trực thuộc ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn với ba vị tổng giám mục. Cũng ngày này Tòa Thánh quyết định thiết lập thêm 3 địa phận mới trong giáo tỉnh Sài Gòn, đó là Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên.

Chính vì có những địa phận mới và vì sự thuyên chuyển của một số giám mục trong giai đoạn này mà Tòa Thánh đã bổ nhiệm 4 vị giám mục nói trên:

- ĐGM Trần Văn Thiện, giám mục tiên khởi của Mỹ Tho.
- ĐGM Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục đầu tiên của Long Xuyên.
- ĐGM Nguyễn Kim Điền, giám mục thứ hai của Cần Thơ (thay thế ĐGM Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn).
- ĐGM Nguyễn Văn Thiện, giám mục thứ hai của Vĩnh Long (thay thế ĐGM Ngô Đình Thục được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế).

Tên của 4 vị được ghi trong văn kiện lịch sử là sắc chỉ “Venerabilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, được ký vào ngày 24-11-1960.

Có một trùng hợp khá lý thú là trong 4 vị giám mục “cùng lớp” này, có tới 3 vị có cùng một ngày sinh là 13 tháng 3, tuy khác năm, đó là các Đức Cha Nguyễn Văn Thiện, Trần Văn Thiện và Nguyễn Kim Điền!

Theo truyền thống, khi chịu chức giám mục, mỗi vị chọn một khẩu hiệu và một huy hiệu diễn tả sứ mạng giám mục của mình cũng như nguồn gốc của bản thân. Sau đây là khẩu hiệu của 4 vị giám mục nói trên:

- ĐGM Nguyễn Văn Thiện: “Trong công việc và chân lý.”
- ĐGM Nguyễn Khắc Ngữ: “Chúa trong anh chị em.”
- ĐGM Trần Văn Thiện: “Phần rỗi trong Thánh Giá.”
- ĐGM Nguyễn Kim Điền: “Nên mọi sự cho mọi người.”

Như đã nói trên, Đức Cha Nguyễn Văn Thiện là giám mục thứ hai của Vĩnh Long kể từ khi giáo phận này được thiết lập vào năm 1938. Tuy nhiên, trên một phương diện khác, thì ngài là giám mục chính tòa tiên khởi của Vĩnh Long, được nâng lên hàng giáo phận chính tòa theo sắc chỉ nói trên.

Theo “Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2004,” khi về cai quản giáo phận Vĩnh Long, một việc quan trọng đầu tiên mà Đức Cha Antôn Thiện thực hiện là thiết lập Trung Tâm Truyền Giáo tại ngã ba đi Cần Thơ. Sau đó, vào năm 1964, trung tâm này đã trở thành Đại Chủng Viện Vĩnh Long lo việc đào tạo linh mục cho ba giáo phận trong vùng, còn Trung Tâm Truyền Giáo thì dời về Cầu Vồng. Sau khi bị bệnh (lòa mắt), ngài về hưu năm 1968, qua Nice, Pháp Quốc, nghỉ ngơi từ đó đến nay.

Đấng kế vị ngài là Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, một vị giám mục tích cực đào tạo giáo sĩ, tu sĩ và nâng đỡ hoạt động tông đồ giáo dân. Tính đến năm 2003 (sau 65 năm thành lập), giáo phận Vĩnh Long có 84 xứ đạo, 182,442 tín hữu, 146 linh mục, 755 tu sĩ nam nữ, 51 đại chủng sinh, 471 giáo lý viên, trên một lãnh thổ rộng lớn là 6,772 km vuông bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, và một phần tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc), với dân số là 3,954,729 người. Vị giám mục hiện nay là Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân (từ năm 2001). Hai đức cha hưu dưỡng là ĐGM Nguyễn Văn Mầu và ĐGM Nguyễn Văn Diệp.

Lúc này Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện đã đang là “đại lão giám mục” của thế giới. Toàn thể giáo dân Việt Nam chờ ngày trọng đại Đức Cha Thiện 100 tuổi, “bách niên giai lão,” mà thời gian từ nay đến lúc ấy, 13-3-2006, chỉ còn không đầy hai tháng. Không biết Giáo Phận Vĩnh Long có chương trình gì để kỷ niệm biến cố hy hữu này hay không? Ít ra chúng ta là những người Công Giáo Việt Nam hải ngoại hãy dừng lại một ít phút, dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện tạ ơn và cầu nguyện cho ngài vào ngày 13-3-2006 sắp tới.

Nhân dịp Xuân Bính Tuất, người viết và toàn Ban VietCatholic xin kính gời đến Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, vị đại lão giám mục cao niên nhất thế giới, lời chúc mừng Năm Mới dồi dào sức khỏe và tràn đầy hồng ân Chúa. Cũng xin chúc mừng:

- 45 năm thụ phong giám mục (22-1-1961)
- 74 năm chịu chức linh mục (20-2-1932)
- 100 năm sinh nhật (13-3-1906).

Ad multos annos!

LM Bùi Tiếng
VietCatholic News (24/01/2006)