Tiểu sử Ðức Cha 
Phaolô Bùi Chu Tạo (1909-2001)

Hình linh mục Nghị chụp với Ðức Cha Tạo 9/2000

Hôm nay, nhân lễ an táng Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, nguyên Giám mục Phát Diệm, chúng ta cùng nhau vắn tắt ôn lại cuộc đời dài 92 năm của Ðức Cha.

THÂN THẾ

Cuộc đời thơ ấu

Ðức Cha Bùi Chu Tạo sinh ngày 21-1-1909, là con trai cả trong một gia đình năm trai hai gái của Ông bà Cố Liên, xứ Tam Châu (khi ngài sinh ra thì Tam Châu mới là họ lẻ và thuộc về giáo xứ Phúc Nhạc, Tam Châu trở lành giáo xứ từ năm 1940).

Lúc ngài lên 10 tuổi (1919) cha mẹ ngài cho lên ở với Cha già Phaolô Dương Ðức Liêm tại giáo xứ Dưỡng Diềm và Phúc Hải làm chú giúp lễ. Sau đó ngài được gửi vào học Trường thử Ba Làng, rồi vào chủng viện Phúc Nhạc, và Ðại Chủng Viện Thượng Kiệm.

Cuộc đời linh mục

Sau thời gian tu học tại chủng viện Ngài được thụ phong linh mục ngày 13-3-1937 do tay Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng.

Sau khi chịu chức được được bổ nhiệm về làm phó xứ Khiết Kỷ.Nhưng ngài chỉ làm phó xứ được 1 tuần lễ thì lại được bổ nhiệm làm giáo sư Chủng viện Phúc Nhạc. Ðến năm 1946 ngài được chỉ định làm Linh hướng đại chủng viện Thượng Kiệm.

Năm 1951 ngài bị đau yếu và được nghỉ dưỡng bệnh tại Ðền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở phố Thượng Kiệm. Ðến năm 1954 khi có biến cố phân đôi đất nước do hiệp định Genevre và cuộc di cư vĩ đại thì ngài được chỉ định làm chính xứ Tam Châu là quê quán của Ngài.

Giám Quản Giáo phận Phát Diệm

Vào ngày 30-11-1956 Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm linh mục Bùi chu Tạo làm giám quản coi sóc giáo phận Phát Diệm thay đức cha Lê Hữu Từ đã dẫn giáo dân di cư vào Nam Việt. Chính ngày lễ quan thày Phaolô ngày 25-1-1957, Cha Tạo về nhận trách nhiệm cai quản địa phận.

Ðầu năm 1958, việc đầu tiên ngài làm là tỗ chức tuần Tĩnh Huấn cho các linh mục trong giáo phận. Trong ý định muốn thăng tiến sự hiểu biết và huấn luyện giới tu sĩ, ngài đã gửi các chủng sinh theo học tiếng Latinh tại chủng viện Thượng Kiệm từ năm 1957, nhưng được 2 năm vào năm 1959 thì chủng viện bị giải tán. Sau đó ngài lại gửi chủng sinh ra học tại Hà Nội, nhưng cũng chỉ được vài năm thì cũng bị giải tán và đóng cửa.

Riêng đối với các chi em nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm thì hầu hết đã di cư vào trong Nam Việt, nên ngài mở lớp nhận các em đệ tử mới, mở nhà thử và nhà tập tu.

Giám Mục Phát Diệm

Ngày 24-1-1959, Tòa Thánh Vatican đưa sắc chỉ bổ nhiệm linh mục Bùi chu Tạo làm giám mục hiệu tòa Numidia (trước đây thuộc về Algeria). Ðến ngày 26-4-1959 cha Tạo được thụ phong giám mục tại nhà thờ chính tòa Hà Nội do đức cha Giuse Trịnh Như Khuê truyền chức một mình, không có giám mục nào khác. Ðức tân giám mục Tạo nhận khẩu hiệu "Bác Ái Thật",(không giả dối -In caritate non ficta). Trong hình huy hiệu của ngài có hình con chim lềnh-đềnh và nhà thờ Phát Diệm.

SỰ NGHIỆP 40 NĂM CUỘC ÐỜI GIÁM MỤC

Ngài xin Tòa Thánh bổ nhiệm các đức giám mục phó

Trong 40 năm làm Giám mục Phát Diệm, vì sức khoẻ không được tốt, Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã lần lượt xin Toà Thánh bổ nhiệm ba Giám mục Phó để giúp ngài, đó là:

ÐỨC CHA LÊ QÚI THANH: thụ phong giám mục ngày 13-2-1964 và ngài qua đời ngày 7-5-1974.

ÐỨC CHA GIUSE NGUYỄN THIỆN KHUYẾN: thụ phong giám mục ngày 24-4-1977, qua đời ngày 15-12-1981.

ÐỨC CHA GIUSE NGUYỄN VĂN YẾN: thụ phong giám mục ngày 16-12-1988, và nay làm giám mục Phát Diệm.

Ngài bổ nhiệm các Cha Tổng Ðại Diện:

CHA LÊ QUÍ THANH: làm Tổng Ðại Diện từ ngày 7-9-1959, sau khi vinh thăng giám mục, ngài vẫn giữ nguyên chức vụ Tổng Ðại Diện cho đến ngày qua đời.

CHA GIUSE NGUYỄN THIỆN KHUYẾN: làm Tổng Ðại Diện từ năm 1974, sau khi vinh thăng làm giám mục phó, vẫn giữ chức vụ cho đến năm 1980.

CHA PHÊRÔ VŨ HIẾN CÚC: làm Tổng Ðại Diện từ Năm 1980. Cha Cúc sinh năm 1898 ở Bình Sa, qua đời ngày 17-6-1984, và được an táng và mộ ngài được xây tại cuối nhà thờ Bình Sa.

ÐỨC ÔNG GIUSE TỊNH QUANG THIỀU: (Tên họ chính ra là Nguyễn, nhưng vì nhận Cha thánh Tịnh làm quan thầy nên ngài hay viết là "Tịnh") ? được bổ nhiệm làm Tổng Ðại Diện từ năm 1984 đến ngày 4-5-1989.

Ðào tạo chủng sinh linh mục

Trong thời gian làm giám mục, Ðức cha Tạo đã truyền chức linh mục cho 2 linh mục già (đã qua đời) và 24 linh mục hiện còn sống và 1 cha dòng Châu Sơn. Ðức cha cũng phong chức phó tế vĩnh viễn cho thầy già Giuse Hiến (Bình Sa).

Về chủng sinh vì không có còn chủng viện (bị tịch thu) nên không thể huấn luyện, nên mãi đến năm 1989 mới thu tập được 8 thầy gửi ra học tại đại chủng viện Hà Nội (trong đó có 7 thầy đã được thụ phong linh mục. Trong những năm 1993 và năm 1996 đều tiếp tục gửi mỗi năm 8 chủng sinh ra thụ huấn tại Hà nội.

Về Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm: từ năm 1954, nhà dòng di cư vào Nam gần hết chỉ còn lại chừng 30 nữ tu già ở lại coi nhà, cho nên mãi sau một số năm Ðức Cha Tạo mới tổ chức lại nhà Dòng, cho nhận đệ tử và huấn luyện, vào nhà tập và cho khấn đơn. Ðến ngày 11 tháng 10 năm 1962 mới cho bầu lại bà Bề Trên là Bà Toàn và phụ tá là Bà Hiếu. Năm 1981 Ðức Cha cho phép Nhà Dòng đổi lại y phục đơn sơ và đến năm 1988 Ðức Cha xin được phép cho các nữ tu về lại Nhà Lưu Phương xây dựng lại cơ sở. Hiện nay sinh hoạt của các nữ tu đã khởi sắc trở lại.

Ðức Cha đã gánh vác giáo phận trong một giai đoạn cực kì khó khăn, vì với biến cố di cư vào Nam năm 1954, giáo phận chỉ còn lại 50.000 trên tổng số 110.000 giáo dân, 34 trên tổng số 158 linh mục, với một số rất ít thày giảng và nữ tu, chủng sinh lớn nhỏ thì không còn một ai.

Làm thế nào để duy trì sinh hoạt mục vụ với một số nhân sự ít ỏi như thế? Làm thế nào để đảm bảo có những người sẽ kế tục việc mục vụ? Ðức Cha đã hết sức cố gắng xoay xở với những phương tiện có thể liệu được, nhưng mặt khác đã gặp những cản trở khách quan không thể nào vượt qua được. Trong vòng nhiều năm, vì không thể đi thăm các xứ được, Ðức Cha đã soạn nhiều Thư chung nhân dịp Tết, Mùa Chay, Tháng Ðức Mẹ v.v. để giúp giáo dân sống đạo, nhất là nhờ lòng sùng kính Ðức Mẹ.

Ngài cũng đặc biệt lưu ý đến các gia trưởng, là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái. Vào năm 1990 Ngài chính thức lập Hội gia Trưởng để giúp các gia đình sống đạo, ra nội qui gồm 7 điều, in vào lịch giáo phận, và truyền rao vào ngày thứ Tư đầu tháng là ngày các gia trưởng cầu nguyện cho các gia đình.

Về mặt kinh sách: Ðức Cha Tạo cho in sách Kinh-Bổn nhiều lần, bán giá rẻ ủng hộ, khuyến khích giáo dân học kinh và bổn, khuyến khích các giáo xứ các họ lẻ hằng năm tổ chức thi Kinh Bổn cho giáo dân và thanh thiếu niên hiểu biết về đạo kỹ càng hơn. Ngài cũng mở các lớp đào tạo giáo lý viên và huấn luyện giáo chức để tạo một lớp tông đồ giáo dân.

Công Trình xây dựng

Trong giai đoạn này, cũng nên nhắc lại việc ngài đứng ra tu sửa Nhà Thờ Lớn Phát Diệm sau trận bom ngày 15-08-1972, một công trình thực hiện giữa thời chiến tranh, trong điều kiện rất thiếu thốn về vật chất, đó là Nhà Thờ Lớn Phát Diệm ngày nay trở thành di tích lịch sử thắng cảnh không những của Việt Nam mà toàn Ðông Nam Á.

Ngoài việc trùng tu nhà thờ chính tòa Phát Diệm và nhà Hội Quán Phát Diệm, đức cha Tạo còn giúp cho sửa các nhà thờ các xứ đạo như sau: Hòa Lạc, T6on Ðạo, Yên Thổ, Dưỡng Ðiềm, Bình Hải, Bạch Liên, Dục Ðức, Khiết Kỷ, Tuân Hóa, Ðường Quan, Hi Nhiên, Hàm A?, Kỷ Bắc, Họ Trại, v.v?

Ngoài ra Ðức Cha Tạo cho trao trách nhiệm cho Ðức Cha Yến xây dựng Nhà Nguyện tại Tòa Giám Mục, Tòa Giám Mục mới 3 tầng, xứ đường Phát Diệm 2 tầng, và rất nhiều nhà thờ mới cho các xứ đạo và họ lẻ.

Mười năm sau cùng trong cương vị Giám mục, hoàn cảnh xem ra dễ dàng hơn, nên Ðức Cha đã có thể trùng tu hoặc xây mới một số nhà thờ, gửi chủng sinh đi học chủng viện Hà Nội, phong chức một số linh mục, phục hồi sinh hoạt tu trì của Dòng Mến Thánh Giá, phát động phong trào dạy và học giáo lý v.v. Ðặc biệt, Ðức Cha đã mạnh dạn tổ chức Năm Kỷ niệm 100 năm Nhà Thờ Lớn Phát Diệm (1990 - 1991). Sáng kiến này chưa từng có trong Giáo Hội Việt Nam, đã đem lại một nguồn sinh lực mới cho các sinh hoạt tôn giáo trong giáo phận, đồng thời gợi hứng cho những sáng kiến tương tự trong các giáo phận khác.

Ai cũng công nhận rằng: Phát Diệm còn được như ngày nay, một phần khá lớn là nhờ sự khôn ngoan và lòng đạo đức của Ðức Cha. Ngài rất khiêm tốn, không thích cho người ta khen ngợi mình. Nhưng chúng ta cũng phải nhắc đến ở đây, vừa phần để ghi nhớ công ơn ngài, vừa phần để chính chúng ta và con cháu noi gương.

Về mặt nhân bản, ngài cư xử khôn ngoan, lịch sự, mềm mỏng, nhưng đồng thời tính ngài cương trực, thẳng thắn, không quanh co, không nhân nhượng về những điểm ngài xét là không thể nhượng bộ. Về mặt đạo đức, ngài đặc biệt nêu gương nhân đức khó nghèo, nhẫn nhục và bác ái.

Khó nghèo: Suốt mấy chục năm, Ðức Cha đã sống và làm việc và tiếp khách trong một căn phòng nhỏ, thấp, tối và ẩm tại Toà Giám mục, với đồ đạc đơn sơ và không có chút tiện nghi hiện đại nào.

Nhẫn nhục: Trong một thời gian dài, đôi vai gầy của Ðức Cha đã gánh vác trách nhiệm nặng nề và chịu đựng tình trạng sức khoẻ yếu kém, mà không thấy ngài kêu ca than vãn hoặc bực bội to tiếng với ai.

Bác ái: Ðức Cha đã chọn khẩu hiệu Giám mục là: "Bác ái chân thành không giả dối" (2 Cr 6, 6). Thật thế, ngài đã hy sinh bản thân vì mọi người, đã luôn luôn vui vẻ hiền từ đón tiếp mọi người, lớn cũng như nhỏ, sang cũng như hèn, mà không ngại bị họ quấy rầy. Ðặc biệt ngài thương giúp những người nghèo khổ, những ai gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội, mất mùa v.v.

Ðúng như lời viết trên bức trướng của một giáo xứ mừng Ngọc Khánh 60 năm linh mục của Ðức Cha (13-03-1997), ngài quả là "Mục tử hiền lành - Chủ chăn thánh thiện". Ðâu là bí quyết của một đời sống như thế? Thiết tưởng là do tinh thần cầu nguyện. Ai gần Ðức Cha cũng thấy là ngài rất năng cầu nguyện lâu giờ trong nhà nguyện, sáng, trưa, cũng như chiều tối. Chính tại đây ngài đã tìm được ơn soi sáng để hành động khôn ngoan, được sức mạnh nâng đỡ trong những lúc khó khăn, được can đảm để chu toàn sứ mệnh mục tử Chúa giao phó.

Từ ngày nghỉ hưu, tuy sức khoẻ yếu dần, Ðức Cha vẫn tỉnh táo vui vẻ. Sau dịp giáo phận Phát Diệm khai mạc Năm Kỷ niệm 100 năm thành lập (19-04-2001), và đúng ngày kỷ niệm 42 năm Ðức Cha thụ phong Giám mục (26-04-2001), ngài ngã bệnh nặng. Toà Giám mục đã đưa ngài lên Hà Nội điều trị, nhưng vì tuổi già sức yếu, ngài đã qua đời lúc 10 giờ 30 sáng ngày 05-05-2001, tức thứ bảy trước Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, hưởng thọ 92 tuổi. Toàn thể giáo phận Phát Diệm chân thành biết ơn, thương tiếc Ðức Cha và cầu xin Chúa Chiên Lành đón nhận người đầy tớ tài giỏi và trung thành này vào hưởng niềm vui vĩnh cửu với Chúa trên trời (x. Mt 24, 45; 25, 21).

Như vậy, trọn cuộc đời Ðức Cha Già đã cống hiến cho Phát Diệm, đặc biệt 19 năm với tư cách là linh mục và 42 năm với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của giáo phận.

( Viết theo tài liệu của LM Trần Hùng Sỹ, Dưỡng Ðiềm)

LM Trần Công Nghị