Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo

Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ

I. THÂN THẾ

Viết về tiểu sử Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, ngay từ ban đầu, chúng tôi cảm nghiệm như đứng trước một mâu thuẫn. Ðức Cha họ Bùi, con người hom hem ốm yếu, cân nặng chừng 40 ký, các Linh mục hồi xưa đồng liêu với ngài ở Ðại chủng viện Phát Diệm, thường hay tán chuyện chơi: con người đó mà gặp phải mưa to gió lớn ngoài đường, rất có thể bị bay xuống sông xuống ruộng lúc nào không biết. Mâu thuẫn ở chỗ: con người như thế, lẽ ra – theo nhận xét loài người – với sức đè nặng của nhiệm vụ giám quản, rồi Giám mục, trong suốt thời loạn lý bi đát (1954-1960), đã phải kiệt sức và mất sớm. Tuy nhiên chương trình của Thiên Chúa thì khác hẳn: hơn 40 năm trong chức vụ chủ chăn, ngài đã cầm cự với thời gian, với thời cuộc, luôn luôn phấn đấu kiên cường, trí khôn vẫn còn minh mẫn sáng suốt, và sức khỏe – tuy đã suy giảm nhiều – nhưng ngài vẫn minh chứng phong độ khí khái, giẻo giai! Con người thầm lặng, ít nói, nhưng nếu nói ra thì câu nào cũng như đinh đóng cột, và thế đứng của ngài lúc nào cũng bình chân như vại!

Ra chào đời ngày 21.01.1909 ở họ Tam Châu, hồi đó còn thuộc về xứ Phúc Nhạc (cho tới năm 1940 mới biệt lập thành xứ riêng biệt).

Hai ông bà cố Liên, theo truyền thống các gia đình Việt Nam ngoan đạo, từ năm chú Tạo lên 10 tuổi, đã liên lạc với Cha già Phaolô Dương Ðức Liêm, để cho con mình nhận ngài là nghĩa phụ, và năm 1921-1923 gửi vào Trường Thử tại Ba Làng. Sau mùa hè 1923, chú Bùi Chu Tạo về Tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Năm 1929, mãn trường, Thày Tạo nhận bài sai về giúp cha Cố Liêm, hồi đó đã đổi về chính xứ Yên Vân. Hai năm sau Thày Tạo được gọi về học Triết Lý và Thần Học tại Ðại chủng viện Thượng Kiệm (1931-1937). Chúa cho mọi bước đường trôi chảy, ngày 13.3.1937, Thày Phaolô Tạo được Ðức Giám mục Việt Nam tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng truyền chức Linh mục tại nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, cùng với 8 anh em đồng bạn: Gioan Học, Antôn Quế, Phaolô Nguyễn Chu Trình II, Giuse Ba, Phêrô Ðiện I, Giuse Thư III, Giuse Tự II và Phêrô Trị.

Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (1937-1940): hai ba năm đầu dạy lớp 7, nhưng rồi ngài được chỉ định làm cha linh hướng. Chức vụ linh hướng ngài tiếp tục giữ mãi trong Ðại chủng viện Thượng Kiệm (1945-1951). Rồi chúng ta sẽ thấy, nhiệm vụ linh hướng này rất quan trọng; nếu đã làm cho ngài hao mòn sức khỏe, đến mức độ hồi đó ngài đã xin ra khỏi Ðại chủng viện (từ 1951-1954), về dưỡng bệnh tại đền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở chợ Năm Dân, đối diện với phố Thượng Kiệm; nhưng đàng khác đã đào luyện cha linh hướng nhiều năm, nghĩa là trong thời gian lâu dài ngài đã đem toàn lực để hướng dẫn các Linh mục tương lai trong giáo phận, cũng chính là thời gian, là kinh nghiệm vô cùng quý giá, đã giúp Ðức Giám mục tương lai Phát Diệm biết cách trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn, để đưa giáo phận đến chỗ thanh bình và thịnh vượng ngày nay.

II. GIÁM QUẢN VÀ GIÁM MỤC

Năm 1954, bắt đầu phong trào di dân ào ạt, bỏ Bắc Việt vào Nam, ngài bỏ đền Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp về nhận nhiệm sở tại Tam Châu. Tiếp sau đó, là những năm Chúa trao cho ngài hết trách nhiệm này sang trách nhiệm khác: ngày 30.11.1956, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám quản chính thức địa phận, thay thế Ðức Giám mục Lê Hữu Từ đã di cư vào Nam. Ngày 25.01.1957, lễ "quan thày" thánh Phaolô, ngài bỏ Tam Châu về nhận chức Giám quản tại nhà thờ Chính tòa Phát Diệm.

Linh mục Luca Hùng Sĩ chứng kiến lễ nghi hôm đó thuật lại: "Ðức Giám quản mặc áo tím, một tay đeo nhẫn, đầu đội mũ Giám mục, tay kia cầm gậy vàng, tuy nhiên trên ngực chưa đeo Thánh Giá (vì chưa có chức Giám mục), trên mình mang áo choàng phụng vụ (cappa) mầu vàng, tiến thẳng vào nhà thờ Chính toà, ngài bước lên bàn thờ ban Phép lành, nhận Tòa Giám mục cai quản địa phận, và ngỏ lời với các cha và giáo dân"1 .

III. SỰ NGHIỆP

Sau lễ nghi, ở lại Tòa Giám mục, ngài khởi công thi hành chức vụ:

· Ðầu năm 1958, tổ chức tuần cấm phòng hằng năm cho các Linh mục địa phận lần đầu tiên;

· Về cuối năm 1957, ngài mở cửa Trường cựu Thần học Thượng Kiệm để nhận các chú về học la ngữ, trao công tác cho hai cha Giuse Trinh và Giuse Lê Quý Thanh điều khiển. Ðến tháng 9.1959, trường bị giải tán, ngài gửi các chú ra học Hà Nội, được mấy năm, trường Hà Nội cũng bị giải tỏa luôn;

· Dòng Mến Thánh Giá tại Lưu Phương và các nhà khác đại đa số đã lên đường vào Nam, còn lại chừng gần 30 nữ tu đã cao niên, nhưng vị tân Giám quản cũng cho phép mở lớp đệ tử mới, và Tập Viện tiếp tục hoạt động ...

· Năm 1990, Ðức Cha đã thành lập Hội Gia trưởng với 7 điều luật:

- Thường xuyên đi dự Thánh lễ, và dự ngắm Ðàng Thánh Giá, nhất là trung thành đi lễ các ngày thứ tư đầu tháng, và tiền giúp đỡ người nghèo khó trong giáo phận;

- Khuyến khích cả gia trưởng đọc kinh sáng, tối, đọc Kinh thánh trong gia đình;

- Cố gắng giữ sự bình an trong gia đình, và ăn ở thuận hoà với người hàng xóm;

- Bảo vệ con cái xa lánh những dịp tội lỗi, chịu khó học giáo lý và nghề nghiệp;

- Thăm nom an ủi những gia đình có người ốm đau, nghèo khó, khi có gia trưởng qua đời, thì thăm nom và cộng tác xin lễ cho họ, và dự lễ an táng họ;

- Sống giản dị, không rượu chè, không nhàn rỗi, và lo cho gia đình ấm no, thịnh vượng;

- Tích cực tham gia công cuộc chung trong xứ đạo, trong xã hội, và giữ sự đoàn kết thương yêu nhau.
Ðồng thời ngài cũng xin các Ðức Cha Phó dọn sách giáo lý, tổ chức các cuộc thi giáo lý mỗi năm: cả người lớn, và cả con nít.

Ngày 24.01.1959, Ðức Giám Quản được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục hiệu tòa Numidia. Lại một lo lắng mới trong thời gian bắt đầu khó khăn. Nhân cơ hội Cha Giám Quản lên Hà Nội chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Ðức Khâm sứ Dooley lưu ý Ðức Cha Giuse Trịnh Như Khuê, Giám mục Hà Nội, nên lợi dụng cơ hội đó để phong chức Giám mục cho vị chủ chăn Phát Diệm. Lễ truyền chức hết sức đơn sơ, âm thầm: chỉ có một chủ phong, Ðức Giám mục Giuse Trịnh Như Khuê, chỉ có một thụ phong, Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, ngoài ra không có vị Giám mục nào khác tới dự lễ; hai vị gọi là phụ phong là Cố Kim, M.E.P., giáo phận Hà Nội, và cha già Kim, Phát Diệm. Ðại diện cho Linh mục đoàn Phát Diệm hôm đó là Cha già Trình, đồng bạn với vị Giám Quản, và một số ít giáo dân gốc Phát Diệm, nhưng sinh sống ở Thủ đô. Sau khi thụ phong, Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, còn ở Hà Nội một tháng nữa, để chữa bệnh. Tháng 6.1959, ngài âm thầm về lại giáo phận, để rồi lễ Ðức Mẹ Linh hồn và xác lên trời (15.08.1959) công khai ra mắt với giáo phận.

Chúng ta có thể đoán tâm tình của vị tân Giám mục trong những năm tháng đầu tiên này. Ngay từ đầu, ý thức tình trạng đau yếu của mình, Ðức Cha Bùi Chu Tạo đã xin Tòa Thánh cho thêm vị Phó Giám mục. Thực ra, Rôma đã bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Lê Quý Thanh, thụ phong ngày 13.02.1964, và sau này bổ nhiệm Ðức Cha Nguyễn Thiện Khuyến, chịu chức ngày 24.04.1977: vị trước sống được 10 năm, vị thứ hai tồn tại chỉ có 4 năm, rồi cả hai đã ra đi trước Ðức Giám mục chính tòa, hồi đó đã 88 tuổi. Hầu như tuyệt vọng trước thử thách quá nặng nề của Thiên Chúa, Ðức Cha Bùi Chu Tạo lâm bệnh trầm trọng lần thứ hai, và ai cũng rùng mình khi nghĩ tới giáo phận nếu Ðức Giám mục họ Bùi cũng theo chân hai vị Giám mục Phó Lê Quý Thanh và Nguyễn Thiện Khuyến đi về chầu Chúa, thì số mệnh Phát Diệm sẽ ra thế nào?

Tuy nhiên Thiên Chúa còn có chương trình của Ngài và còn dành cho Phát Diệm một hai ngỡ ngàng hơn nữa. Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, sau khi đã bình phục và sau khi đã mất hai vị Giám mục Phó (Ðức Cha Thanh tạ thế năm 1974, Ðức Cha Khuyến, năm 1981), vì nhu cầu Giáo phận, ngài còn bổ nhiệm hai Cha Tổng Ðại Diện: Cha Phêrô Vũ Hiếu Cúc, sinh năm 1898, Bình Sa) và Cha Phaolô Tịnh Quang Thiều (sinh năm 1917, Hàm Ân). Cả hai vì này cũng lần lượt bỏ về thế giới bên kia, vị thứ nhất năm 1984, vị thứ hai năm 2000.

Trong lịch sử Giáo hội thỉnh thoảng Chúa cho xuất hiện một vài sự kiện kỳ diệu, để minh chứng: Chúa mới là tác giả những việc kỳ diệu đó. Vác trên vai gánh nặng hơn 90 tuổi đời, trong số đó 60 năm Linh mục và 40 năm Giám mục, rồi hiệu quả bao nhiêu bệnh tật làm suy giảm sức người, Ðức Cha Bùi Chu Tạo vẫn lôi cuốn Giáo hội đi ngược dòng lịch sử. Trong đời Giám mục, ngài đã truyền chức 26 tân Linh mục, từ năm 1961 tới năm 1995; đã đem con số 60 ngàn giáo dân còn lại ngoài Bắc sau cuộc di cư vĩ đại vào Nam năm 1954, trở về con số 130 ngàn giáo dân y như hồi xa xưa, trong vòng 40 năm dòng dã. Ngài đã phục hồi Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương đã bị phá hủy bình địa năm 1972 sau cuộc phi cơ Mỹ về ném bom Tòa Giám mục Phát Diệm2 .

Sự thành công lớn lao trên đây, Ðức Cha nhờ vào sự cộng tác đắc lực của một nhóm Linh mục, tuy ít, nhưng trẻ trung và hăng say, và một nhóm chừng 80 giáo dân chuyên môn dạy giáo lý trong các xóm làng xa xôi: họ ý thức vai trò giáo dân, sau Công đồng Vaticanô II, phải tham gia trong việc tông đồ, thay thế cho số Linh mục, mỗi ngày mỗi ít đi, và thời cuộc đã thúc đẩy các ngài càng phải gù lưng suy yếu.

Khi mới làm Giám mục, ngài mạnh dạn tổ chức đi kinh lý trong giáo phận. Ðược một hai lần đến thăm các xứ đạo ở vùng ngược, tức là thượng du Phát Diệm, nhưng rồi trong những năm sau, bị cầm chân tại Tòa Giám mục. Không tới viếng thăm các xứ đạo, ngài ngồi viết thư luân lưu; dạy hàng giáo sĩ và toàn thể giáo dân trong giáo phận bằng giấy tờ.
Người ta tính con số các thư luân lưu được phân chia như sau:

Cho hàng giáo sĩ 3 :

- riêng giáo sĩ: các thư luân lưu có tính cách mục vụ, từ năm 1959, 1960, 1961, 1965, 1966, 1968, 1973.
- các Thư gửi các Linh mục, cấm phòng chung, suốt từ 1978-1990.
- các Thư gửi các Linh mục, sau mỗi lần cấm phòng tháng trong hai năm 1995 và 1996.
Thư luân lưu cho cả giáo phận (giáo dân trong các xứ đạo):
- Tết Nguyên Ðán năm 1976, 1978, 1983, 1985, 1987, 1988, 1989, 1990, 1992, 1993, 1996.
- Tháng Ðức Mẹ 1955, 1986, 1988, 1989.
- Tháng Mân Côi 1966, 1985, 1986, 1991.
- Tháng Trái Tim Ðức Mẹ 1985.
- Năm Thánh Ðức Mẹ 1987, 1988.
- Thánh Tâm Chúa 1961, 1988.
- Năm Thánh Cứu độ 1983.
- Mùa Vọng 1982.
- Lễ Sinh Nhật 1983, 1984, 1985, 1988.
- Mùa Chay 1985, 1990.
- Chúa Phục sinh 1984, 1985, 1987.
- Công Ðồng Vaticanô II, 1962.
- Kỷ niệm 50 năm Giám mục bản quốc, 1983.
- Kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo phẩm Việt Nam, 1985.
- Vai trò giáo dân, thực tại trần thế, 1987.
- Quốc khánh 1975, Quốc hội 1976, chống Trung cộng xâm lăng 1979.
- Cứu đói 1984 và 1988.

Như chúng tôi đã trình bày ở trên: một vị Giám mục ốm đau, suy yếu, tuổi cao, đáng lý ra làm việc ít hơn, hay là được "hưu" trong thanh bình, chứ không phải lao tâm lao lực như Ðức Cha "già Tạo". Trong 52 Thư luân lưu, trung bình không dài quá, nội dung đơn giản, lời văn dễ hiểu, nhất là lộ ra một tâm tình thiết tha, nghĩa là nói lên tâm tình của một người đã suy ngắm, đã cầu nguyện, nhất là nói lên một tình thương: "In caritate non ficta": tình thương không giả tạo, như câu châm ngôn Ðức Cha đã chọn cho đời chủ chăn của mình.

IV. CÔNG VIỆC TRÙNG TU QUẦN THỂ THÁNH ÐƯỜNG PHÁT DIỆM

Trong các hoạt động Ðức Cha Bùi Chu Tạo thực hiện, chúng ta phải kể tới việc trùng tu quần thể Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm đã bắt đầu từ năm 1972, tức là ngay sau khi có cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Ðây là công cuộc trùng tu cấp thời. Về công tác này, chúng ta cùng nhau đọc lại bức thư Luân lưu ngày 15.08.1982.

Ðức Cha Bùi Chu Tạo kể trong bức Thư luân lưu ngày 15.08.1982: "Ngày đầu tháng Mân Côi (1972), tôi ném hòn đất thứ nhất, để lấp hố bom ở giữa sân đường kiệu, chỉ trong mấy ngày là các hố bom được lấp đầy hết cả. Các giáo hữu không nguyên xứ Phát-Diệm, mà tất cả các xứ trong hạt Kim-Sơn, cả từ Phúc Nhạc đều có người về đóng góp. Hơn nữa cả giáo hữu Bùi-Chu, Thanh-Hóa, các xứ gần Phát-Diệm cũng tham gia.

"Tôi không hề nói một lời nào quyên cúng, nhưng họ tự động đem đến cho gạo, cho rau cỏ, thịt cá nuôi thợ, tiền thì không có. Những người đến làm hằng ngày, ròng rã năm, sáu tháng trời cứ từng 150 đến 200 người. Nhiều người mang gạo đến trọ ở đây, có người từng tháng, có người nửa tháng, có người năm bảy ngày, hầu hết ủng hộ không lấy công, hay là lấy giá rẻ một nửa.

"Tôi nói một số các cửa chung quanh nhà thờ, cả thảy 56 cánh cửa "pan-nô", vỡ hết chỉ còn 4 cánh dùng được, còn lại phải làm mới. Mỗi cánh: người thợ giỏi phải mất 9 công, thợ khá 10 công, thợ thường thì 11, 12 công. Mà có giài thợ làm một tháng đem gạo đến ăn, không nhận công nào, khi hoàn thành, chúng tôi muốn hồi công một bữa cũng từ chối không nhận.
"Trong 5, 6 tháng trời khu Nhà Chung náo nhiệt như một xưởng thợ của một công sở lớn. Nguyên thợ xẻ 12 đôi, thợ mộc không kể. Gỗ ấy lấy đâu ra? Ðó là công của họ Thượng-Kiệm: nhà thờ của họ là một nhà thờ làm bằng gỗ cỡ lớn trong Ðịa phận, sau khi bị bom phá, họ cúng để đem về sửa chữa Nhà Thờ Lớn.

"Ngói thì trong Nhà Chung, bên nhà Dòng Lưu-Phương, nhà mồ côi bên bệnh viện (Phú-Vinh), chỗ nào lấy được thì chúng tôi lấy hết, lấy cả nhà thờ họ Tự-Tân, rồi lợp bổi thay, còn thiếu thì đi mua các nơi đình chùa người ta bán. Vôi thì họ Quy-Hậu cúng mấy tấn đá vôi. Vôi, cát mất ít thôi! Tiền chi phí thì Hội-Thánh giúp cho, kể ra cũng tùng tiệm"4 .

Lễ Sinh Nhật 1973, công trình sửa chữa xong. Ðức Cha Bùi Chu Tạo và Ðức Cha Phó Lê Quý Thanh trở về Nhà Chung và làm lễ tạ ơn tại Nhà thờ Chánh Tòa. Hai nhà thờ cạnh, đường kiệu và cổng đá phía Tây thì mãi cuối năm 1974 mới sửa chữa hoàn thành. Riêng nhà Hội Quán mãi đến năm 1995 Chính Quyền mới cho xây lại. Trong ba năm gần đây, Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo và Giuse Nguyễn văn Yến, Giám mục Phó (mới lên kế vị) đã ra tay sửa chữa một cách có quy mô, khoa học.

Sau công cuộc tu sửa này 1972, Chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam đã công nhận và năm 1988 đã ký Nghị Ðịnh tuyên bố Phát-Diệm, một kỳ quan, được Bộ Văn-Hóa xếp vào hạng "Di tích lịch sử Văn Hóa" của dân tộc, đã làm phấn khởi lòng người. Sự kiện Chính Phủ Việt-Nam hiện đại công nhận Phát-Diệm là một "Di tích Lịch sử Văn Hóa quốc gia"5 là nghĩa cử đưa Chính quyền xích lại gần dân chúng Phát Diệm.

KẾT LUẬN

Ðâu là bí quyết đời sống Giám mục của Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo? Ðó là một đời sống xả thân cho giáo dân, liên tục sống đời trong suốt, chiếu dọi một nếp sống thánh thiện, tôn sùng Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và sùng kính Phép Thánh Thể. Do đó mà được Chúa và Ðức Mẹ che chở. Lịch thiệp với Chính quyền địa phương, biết lui tới, mặc dù vẫn kiên trì trong phong độ cương nghị. Cái mà mọi người cảm phục và nhận thấy là Ðức Giám mục có lòng bái ái, bao giờ cũng sẵn sàng tham gia với Chính quyền chống nạn đói, chống bão lụt, và mưu tìm lợi ích cho dân chúng. Không xuất thân từ trường ngoại giao quốc tế nào, nhưng Chúa cho ngài có tinh thần thánh thiện kiên vững và do đó đã bảo toàn được cơ đồ giáo phận, đã thành công trong việc xin Chính quyền trả lại cơ sở Dòng Mến Tháng Giá Lưu Phương, nhất là can đảm trùng tu quần thể Nhà Thờ Chính Tòa, xây cất thêm nhiều chỗ ở trong Tòa Giám mục hay là xây dựng từng trăm ngôi thánh đường mới tinh trong giáo phận cũng như sửa chữa nhiều xứ đạo đã hư hỏng xuống cấp, đã xin cho tất cả hơn 10 Linh mục chịu chức "chui" được ra công khai hoạt động. Ðang khi trong đời sống tư của hai Ðức Cha già Tạo, tại Phát Diệm, và Ðức Cha Phó Lê Quý Thanh hồi dân di tản tại họ đạo Phát Ngoại, các ngài đã sống một nếp sống hết sức đơn sơ, thanh đạm. Linh mục Luca Hùng Sỹ kể lại: có lần về Phát Diệm thăm hai Ðức Giám mục, ngài bắt gặp cả hai vị đang tự mình ngồi giặt quần áo, và quét phòng riêng của mình!

Người tôi trung của Chúa đã trung tín chạy hết quãng đường trần thế và được Chúa gọi về với Ngài lúc 10 giờ 30 ngày 05.05.2001. Chúng tôi kính cẩn giã từ ngài và luôn ghi nhớ công ơn lớn lao ngài đã làm cho Giáo phận Phát Diệm.
Roma, 05.05.2001

Ghi nhớ ngày Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo
nguyên Giám mục Phát Diệm được Chúa gọi về với Ngài
Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ
--------------------------
1 Bút tích Lm. Luca Sỹ: "Bản Tiểu sử Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo" (47 trang viết tay) Phát Diệm, tr.
2 Người ta kể rằng: sau cuộc ném bom ghê gớm này, Nhà Dòng bị đóng cử, chỉ còn chừng 26 chị em, đã cao niên. Chính quyền hồi đó đòi mỗi người phải di tản về sống tại gia đình cá nhân. Suốt 30 năm trời, không còn đời sống nữ tu cộng đoàn. Tại Lưu Phương chỉ còn một vài xác nhà ọp ẹp và mấy chị em già cả ở lại mang tiếng là coi nhà! Vất vương giữa đời trần gian, mỗi lần chị em gặp nhau, chỉ còn biết ôm nhau mà khóc và tự an ủi nhau: "Mình là Dòng Mến Thánh Giá, chúng ta phải kiên trì vác Thánh Giá và chờ ngày Thánh Giá vinh quang". Ðức Cha Bùi Chu Tạo, không nỡ bỏ rơi, đã tổ chức cho các chị mỗi tháng một lần trở về Nha Chung Phát Diệm, để gặp gỡ nhau và cầu nguyện, rồi từ năm 1988 đã xin Chính quyền cho các Chị trở về Lưu Phương, xây lại nhà cửa và từ 1991-1992 lấy lại nếp sống Nhà Dòng thường xuyên.
3 Linh mục Luca Hùng Sỹ: "Bản Tiểu sử Ðức Cha Bùi Chu Tạo, Giám mục Phát Diệm", tr. 24. Tác giả kể một cách đại cương, nhưng tính ra số Thư Luân Lưu: cho giáo sĩ: 19 bức thư; cho cả giáo phận và giáo dân: 33 bức thư. Tổng cộng 33+19 là 52 bức thư. Chắc tác giả không có thì giờ kể hết, vì nhiều chỗ tác giả còn để trống ...
4 Linh mục Luca Sỹ= Bản Tiểu sử Ðức Cha Bùi Chu Tạo, trang 26-27.
5 Quyết Ðịnh số 28 VH/QÐ, ngày 18.01.1988.
--------------------------------------------

Tin buồn Ðức Cha Phalô Bùi Chu Tạo, Phát Diệm qua đời

Tòa Giám mục Phát Diệm Kim Sơn, Ninh Bình, Việt Nam
Phát Diệm, ngày 05 tháng 05 năm 2001

Cáo phó

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, chúng con báo tin: Ðức Cha già Phao-lô Bùi Chu Tạo vì tuổi cao sức yếu, đã an nghỉ trong Chúa hồi 10 giờ 30 phút ngày 05.05.2001 tại bệnh viện Việt- Ðức, Hà Nội. Lễ di quan sẽ đõược cử hành hồi 08 giờ 30 phút ngày 09.05.2001. Thánh lễ an táng sẽ được cử hành hồi 09 giờ cùng ngày tại Nhà Thờ Chính Toà Phát Diệm. Kính xin Quý Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha, Quý Cha, Quý Nam Nữ tu sỹ va anh chị em giáo dân hợp ý cầu nguyện cho Ðức Cha già Phao-lô được hưởng nhan Chúa.

Kính báo,

 Giuse NguyễnVănYến 
Giám mục Phát Diệm

Lễ an táng Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo 09.05.2001

PHÁT-DIỆM — Ngay khi hay tin Ðức Cha Phaolô được Chúa gọi về, con dân Phát Diệm cũng như hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân ở khắp nơi đã dùng mọi phương tiện truyền thông để gửi lời phân ưu. Nhiều người đã vượt qua cả hàng chục ngàn cây số để có mặt trong lễ tang của Ðức Cố Giám mục.
Sáng ngày 09.05.2001, giáo phận Phát Diệm đã bùi ngùi tiễn đưa Vị Cha Già bằng Thánh lễ An táng đặc biệt long trọng. Vào lúc 8 giờ sáng, những công việc chuẩn bị cho cuộc tiễn biệt sau cùng bắt đầu. Nắp quan tài được đậy lại. Lúc 8 giờ 30, đoàn rước linh cữu tiến ra lễ đài được trang trí chủ yếu bằng màu tím và được dựng ngay ở mặt tiền Phương Ðình. Dẫn đầu đoàn rước là cờ tang, Thánh Giá, rồi đến các đội trống đội kèn, các nữ tu, đội bát âm, các chú giúp lễ và đoàn đồng tế.

Tại lễ đài, cha Phêrô Nguyễn Quang Phúc đọc điện văn chia buồn của Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, thư chia buồn của Ðức Hồng Y Phaolô Phạm Ðình Tụng và Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, sau đó cha Antôn Ðoàn Minh Hải đã giới thiệu các điện văn điện thư chia buồn từ khắp nơi gửi về. Tiếp đó, cha Giuse Mai Văn Thiện đọc tiểu sử Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo.

Thánh lễ do Ðức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến chủ sự bắt đầu lúc 9 giờ 15. Cùng hiện diện trong Thánh lễ an táng còn có 11 vị Giám mục. Ngoài ra còn có khoảng trên 120 Linh mục từ khắp các giáo phận Việt Nam và khoảng trên 20.000 giáo dân.

Diễn giảng trong Thánh lễ, Ðức Cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh đã chú giải đoạn Tin Mừng Ga 11, 17-27 về biến cố Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại nhằm làms nổi bật nguyên lý sinh - tử của kiếp người, đồng thời cho thấy niềm hy vọng phục sinh của người Kitô hữu. Cuối bài diễn giảng, ngài đã nêu bật gương sáng của Ðức Cố Giám mục qua cách thưa chuyện trực tiếp với người quá cố. Cuối Thánh lễ là lời cha Giuse Vũ Công Hoàng, Tổng đại diện giáo phận Phát Diệm, thay mặt Ban tang lễ của giáo phận cảm ơn các thành phần dân Chúa, các cơ quan đoàn thể đã bày tỏ niềm cảm thông sâu xa với giáo phận Phát Diệm; sau đó là lời cảm ơn của tang quyến do dì Elizabeth Bùi Thị Nghĩa đọc. Linh cữu được đưa vào Nhà Thờ Lớn Phát Diệm và được mai táng trên gian Cung Thánh lúc 11 giờ 30. Ðức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ra đi, nhưng chứng từ về lòng "bác ái chân thành không giả dối" (2 Cr 6,6) của ngài vẫn còn mãi trong lòng người Phát Diệm. Ghi nhanh tại Phát Diệm, ngày 09.05.2001.

Tòa Giám mục Phát Diệm