Cái Túi Quan Phòng

Một vài kỷ niệm với Đức Tân Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống

Bản tin cha Giuse Vũ Duy Thống người bạn thứ 2 trong lớp của tôi được chọn làm Giám mục không làm tôi ngạc nhiên. Bởi lẽ, theo truyền thống trong Giáo Hội Việt Nam từ trước tới nay, các linh mục, tu sĩ được gởi đi du học là để về "làm lớn".

Khi thấy cha Thống được gởi sang Paris du học, tôi đã bắt đầu được "thị kiến" là ngài sẽ "làm lớn". Thuở đó mỗi khi gặp ngài, tôi thường chào ngài là cha chính Thống. Ngài ngạc nhiên nhìn tôi, như xưa Ðức Mẹ ngạc nhiên nhìn Thiên Thần khi được chào là "mẹ có phúc". Tôi giải thích: "cha chính Thống" nếu dịch ra tiếng Pháp thì có thể hiểu được bằng hai nghĩa, một là "vicaire général" hai là "prêtre orthodoxe". Còn trong tiếng Việt, khi nói thì không thấy có sự khác biệt gì hết; chỉ khi nào viết ra người ta mới thấy sự có khác biệt giữa hai chữ đó mà thôi. Tôi muốn chào như vậy, để ai muốn hiểu sao thì hiểu. Chơi chữ mà! Nghe xong lời giải thích, ngài yên tâm và có vẻ khoái chí hỏi lại: Muốn hiểu sao thì hiểu, phải không??

Như thế, từ cha chính (dù chỉ là chút hư danh tôi tặng ngài) lên làm giám mục vốn là "hoạn lộ" rất bình thường trong Giáo Hội Công giáo xưa nay. Không có gì là ngạc nhiên cả!

Tôi có thể viết nhiều về vị Tân Giám mục này. Bởi lẽ, trong tôi còn đọng lại rất nhiều hình ảnh và kỷ niệm mới cũ dễ thương. Nhưng có một hình ảnh khá thích hợp để kể lại ở đây, đó là hình ảnh về một chiếc túi.

Ngày ấy khi còn du học tại Paris, mỗi lần có dịp đi chơi và phải nghỉ đêm tại nhà bạn bè, ngài thường chỉ đi người không: không bao, không bị nói gì tới balô hay là vali! Rất nhẹ nhàng, thoải mái. Gặp ngài, tôi hỏi : Sao không mang đồ theo để nghỉ đêm à?? Ngài mỉm cười, phanh chiếc áo khoác ngoài cho tôi xem. Bên trong chiếc áo ấy, phiá bên phải ngài tự tay khâu thêm một cái túi khá rộng. Trong cái túi ấy, tôi thấy có một cái bàn chải đánh răng, một hộp kem đánh răng và một cái khăn rửa mặt nho nhỏ. Ngài nhe chiếc răng khểnh, trả lời tôi: "Vậy là đủ rồi!" Tôi cười ngất, và gọi ngay cái túi ấy là "cái túi quan phòng".

Tôi thầm phục ngài có một sáng kiến, mà chưa một designer các kiểu quần áo nào trên thế giới dù nam dù nữ đã nghĩ ra. Chính những sáng kiến nho nhỏ loại này đã giúp dân ta tồn tại cho tới ngày nay, trước những thăng trầm của lịch sử.

Qua cái túi đơn sơ ấy, tôi thấy được 2 đức tính hiếm quý của ngài: sống giản dị và biết lo xa. Hai đức tính ấy sẽ góp phần không nhỏ trong những thành công của ngài trong sứ mạng mới. "Làm lớn" mà sống giản dị sẽ làm cho người "làm lớn" dễ thương hơn. "Làm lớn" mà biết lo xa sẽ tránh được nhiều rủi ro, mang lại nhiều lợi ích cho kẻ thuộc quyền. Một Giám mục sống giản dị là một Giám mục của đoàn chiên, của quần chúng. Một Giám mục biết lo xa sẽ mang lại nhiều thiện ích cho cả đoàn chiên, cho Giáo phận nhà, cho Giáo hội hoàn vũ theo đúng thánh ý Chúa quan phòng. Chúa quan phòng, con người cũng phải biết lo xa thì hoạt động đôi bên mới nhịp nhàng như nhịp đập của tim và dòng luân chuyển của máu. Tim vẫn đập mà dòng máu bị nghẽn trong đầu, có nghĩa là sẽ chết. Chết bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên là bạn, tôi cầu nguyện và ước mong cho ngài luôn gặt hái được nhiều niềm vui mục vụ, nhiều thành quả mục vụ trên con đường Chúa mới mời gọi. Nhưng cuộc đời như một con đường. Có lúc thẳng tắp mà cũng có lúc quanh co. Có lúc bằng phẳng mà cũng có lúc gồ ghề. Muốn đi đến đích, buộc lòng phải chấp nhận cả những đoạn đường quanh co, gồ ghề khó thương đó nữa. Với hai đức tính như trên, tôi xác tín là ngài sẽ vượt qua tất cả, để đi tới đích và dắt đoàn chiên của Chúa đi về tới đích.

Ðó là hai đức tính giúp con người tồn tại. Tồn tại ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc đời. Ðó cũng là hai đức tính căn bản của dân tộc. Nhờ hai đức tính đó, mà dân Việt vẫn tồn tại - trong cũng như ngoài nước - trước những bước thăng trầm của lịch sử đất nước cũng như của lịch sử loài người. Ðó cũng là hai đức tính cần thiết của người "làm lớn". Ðời cũng như đạo. Sống đơn sơ làm cho người "làm lớn" dễ thương hơn. Biết lo xa giúp cho người "làm lớn" dễ thành công hơn.

Khi sống giản dị, vị Tân Giám mục sẽ không "phức tạp hoá" những khó khăn có sẵn, và dễ dàng chấp nhận những khó khăn mới hơn. Như thế, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp nhất, ngài vẫn có thể hạnh phúc với Chúa, với đoàn chiên, nhờ biết sống giản dị, đơn sơ, chân thành. Và khi ngài hạnh phúc, ngài cũng có thể giúp cho đoàn chiên Chúa sống hạnh phúc, ngay cả trong những hoàn cảnh thiếu hạnh phúc. Khi biết nhìn xa trông rộng, ngài sẽ tránh bớt được những rủi ro trên đường trường, để an toàn về tới đích và đưa đoàn chiên Chúa về tới đích.

Ðể nói thêm một chút về đức tính phòng xa của ngài, tôi xin mạn phép kể lại một kỷ niệm nữa còn khá mới trong tôi: Trước khi chấm dứt học trình, lên đường trở về Việt Nam, tôi có mời ngài sang giảng tĩnh tâm mùa Chay cho Giáo đoàn Công giáo mà tôi đang phụ trách thời đó tại miền Tây Thụy Sĩ. Sau ba ngày tĩnh tâm, tôi mời ngài ở lại nghỉ ngơi và đưa đi xem một chút phong cảnh tại tiểu bang Valais (Wallis), thuộc miền Tây Nam Thụy Sĩ, không xa thành phố Lausanne là nơi tôi đang ở hồi đó bao nhiêu.

Trên xa lộ thẳng băng, bằng phẳng dọc theo dòng sông Rhône, chạy hằng trăm cây số vẫn chỉ thấy hai bên là núi cao hùng vĩ, trên đỉnh còn phủ đầy tuyết trắng mùa Ðông, lác đác điểm thêm những làng mạc xinh xinh trên núi, trông như những tổ chim đại bàng. Cảnh đẹp, nhưng đơn điệu nhàm chán. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới được địa điểm đầu tiên: Isérables, một làng du lịch trên núi. Tôi dẫn ngài ra khỏi làng, đi dạo trên những con đường nho nhỏ, quanh co, gồ ghề. Chính lúc đi dạo trên những con đường nho nhỏ, quanh co, gồ ghề như thế, mà chúng tôi mới có dịp nhìn thấy toàn cảnh thung lũng yêu kiều phía dưới và dẫy núi nhiệm mầu trước mặt. Dòng sông Rhône phát nguyên từ tiểu bang này, chảy qua đây uốn khúc như một con rồng vĩ đại, dồn vào hồ Léman, chảy qua Pháp rồi đổ ra Ðịa Trung Hải. Ai quen uống rượu vang, không thể không biết đến loại rượu Côtes du Rhône của Pháp. Dưới thung lũng và trên sườn núi đối diện là những vườn nho bát ngát, đang nhẫn nhục đợi chờ giờ phút phục sinh, nẩy lá đơm hoa vào mùa Xuân sắp tới.

Trong số những vườn nho bát ngát trước mặt, có một vườn nho được mệnh danh là "vườn nho nhỏ nhất thế giới" tại Saillon. Vườn nho ấy chỉ rộng 1 mét vuông 618. Người ta tạo ra vườn nho này để "kính nhớ" Farinet, một chàng thanh niên sống tại ngôi làng này cách đây hơn 100 năm. Khi sinh thời, anh chỉ biết dùng tài thiên phú để đúc ra tiền. Dĩ nhiên là tiền giả! Cứ vào ngày Chúa Nhật, trong khi mọi người đi lễ thì anh ở nhà âm thầm đúc tiền. Nhờ chọn ngày "làm việc" kín đáo như vậy, nên cảnh sát khó bắt được anh. Anh đúc tiền không phải để anh xài, nhưng để rộng tay ban phát cho những người nghèo khó. Rồi vào một buổi sáng, người ta gặp thấy xác anh nằm trơ trọi dưới một thung lũng xa làng. Anh bị bắn chết vào lúc tuổi mới tròn 35. Sau vài lần vào tù ra khám mà vẫn tiếp tục đúc tiền phân phát cho dân nghèo, anh bị chính quyền lên án thủ tiêu. Anh bị thủ tiêu, nhưng không bị tiêu tán mà đã trở thành bất diệt và đi vào huyền thoại trong lòng dân chúng địa phương. Vì anh đã cho đi, cho đi cả mạng sống, cả khi anh chẳng có gì thực để cho đi.

Ngày nay, ngôi mộ anh vẫn có người tứ phương đến cắm hoa tươi, và mảnh "vườn nho nhỏ nhất thế giới" của anh được các vĩ nhân trên thế giới thay nhau làm chủ, trong đó có Abbé Pierre (người Pháp) và hiện nay là Ðức Dalai Lama (Phật sống Tây Tạng). Hằng năm, các bậc quyền quý, các ngôi sao, tài tử trên thế giới trong đó có cả Mẹ Têrêxa, Công chúa Caroline của Monaco tình nguyện tới tưới vườn, tiả cành, tiả lá và thu hoạch hoa trái. Hoa trái thu hoạch được tuy không nhiều, nhưng cũng đủ làm thành rượu, vào chai, dán hiệu, rồi đem bán đấu giá. Tệ nhất cũng thu được khoảng 20.000 quan Thụy Sĩ (khoảng 80.000 quan Pháp, mười mấy ngàn đô Mỹ) một năm. Tiền thu được không phải để cúng giỗ anh, nhưng để giúp những trẻ em xấu số khắp nơi trên thế giới. Anh vẫn tiếp tục cho đi như trước, cả sau khi anh đã chết.

Như thế, cái nhỏ bé nhất trên đời cũng có thể trở thành nổi tiếng theo khuôn khổ của nó. Và khi được tình yêu thúc đẩy (khẩu hiệu của vị Tân Giám mục là: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi") người ta có thể cho đi, cho đi cả mạng sống, cả khi người ta không có gì để cho đi. Mầu nhiệm quá, nhưng vẫn có thể tìm thấy trong cõi đời phàm tục của chúng ta.

Sau một hồi đi dạo ngắm cảnh, chúng tôi dừng chân tại một khu picnic dưới ngọn đồi nhỏ, trên đỉnh đồi là một cây Thánh giá lớn bằng gỗ đơn sơ. Vì là ngày Thứ Hai, nên tất cả bàn ghế trong khu vực này đều dành riêng cho 2 chúng tôi. Tôi chọn một bàn, mời ngài ngồi xuống. Tôi từ từ rút ra từ trong balô một ít lương thực mang theo để ăn trưa, giữa nơi không một hàng quán. Lúc đó, ngài cũng rút ra từ trong cái túi của ngài (lần này thì túi to hơn, túi balô) một chục nem chua thơm phức. Tôi ngạc nhiên hỏi: Ở đâu ra đấy?? Ngài trả lời gọn: "Từ Paris mang tới!" Chục nem chua mua ba bốn ngày trước giờ đây đã dậy mùi thơm. Vừa ăn quá! Tôi nhẹ nhàng rút thêm mấy chai bia Heineken nằm lạnh dưới túi balô của tôi, chìa ra trước mặt ngài. Ngài lại nhe răng khểnh bảo tôi : "Sao mà hợp nhau thế!" Giữa trời mây non nước, dưới ánh nắng chan hòa cuối Ðông, chúng tôi ngồi hong nắng, nhâm nhi, tận hưởng cái hạnh phúc mà Chúa đang ban, sau những ngày vất vả tổ chức tĩnh tâm vừa rồi. Lúc đó, như Lưu Nguyễn lạc thiên thai, chúng tôi không nói với nhau gì nhiều, thỉnh thoảng tôi chỉ nghe thấy tiếng ngài thốt lên "Quá đã!" rồi quay sang tôi vừa nhai vừa tủm tỉm cười. Tạ ơn Chúa, có bóng Thánh giá đứng bên làm chứng, ngày hôm đó tôi cũng được chia sẻ cái "quá đã" của ngài, nhờ ngài biết lo xa như vậy. Vì "cái túi quan phòng" ấy mà ngày hôm đó, tôi đang là chủ bỗng trở thành khách, còn ngài đang là khách lại trở thành chủ để tiếp đãi tôi giữa lâu đài hùng vĩ của thiên nhiên.

Hôm nay, trước sứ mạng mới mà ngài sắp lãnh nhận tôi cầu mong cho "cái túi quan phòng" của ngài luôn đầy ắp và không bao giờ vơi cạn những của ngon vật lạ (về tinh thần cũng như vật chất) để ngài luôn có thể rộng tay ban phát trên khắp các nẻo đường mà ngài sẽ đi qua, nhất là cho những người xấu số trên quê hương tôi, suốt đời chưa hề biết tới một chút hạnh phúc mong manh là gì.

Lm J. Vũ xuân Huyên, 
lớp Khai Phá, Long Xuyên 1964
Fribourg (Thụy Sĩ), mùa Hạ năm 2001