Ngày Thứ Sáu

Bài chia sẻ về ơn gọi của Ðức Tân Giám mục Phụ tá GIUSE VŨ DUY THỐNG

Không biết với ai thì sao chứ với tôi thì ngày thứ sáu là một ngày riêng mang những ý nghĩa bất ngờ. Ðó không phải là ngày ăn chay kiêng thịt hãm mình ép xác theo kiểu đạo đức mẹ tôi vẫn dạy khi tuổi còn thơ. Ðó cũng không phải là ngày hẹn hò gỏi cá sushi wasabi của mấy vị ăn nên làm ra giữa thời buổi kinh tế thị trường. Ðó càng không phải là ngày kiêng cữ sợ xúi quẩy vào mình theo kiểu Tây sợ ngày thứ sáu mười ba, tương tự như Ta sợ ngày mồng năm, mười bốn, hăm ba; đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.

Vâng, không phải thế, mà chỉ vì ngày thứ sáu đã không hẹn mà hò đi vào đời tôi như một ngày lặng lẽ của niềm dâng hiến: tôi chịu chức linh mục vào ngày thứ sáu; và tôi được tấn phong giám mục cũng vào ngày thứ sáu. Tất nhiên, đó chỉ là sự trùng hợp không có gì đáng ngạc nhiên cho ai nhìn ngày thứ sáu như một đơn vị bình thường góp phần làm nên tuần lễ; nhưng với riêng tôi, sự trùng hợp ấy lại là một cánh cửa bất ngờ có khả năng mở sang những diệu cảm mới trên đường ơn gọi.

1. Ơn gọi là một huyền nhiệm.

Nếu ngày xưa còn bé, tôi trả lời cha linh hướng về mục đích đi tu bằng câu học thuộc lòng là để hiến thân phụng sự  Chúa và cứu rỗi các linh hồn, thì ngày hôm nay tôi cũng vẫn trả lời nguyên si đến từng chữ như vậy thôi. Có khác chăng ở chỗ ngày xưa thì ngu ngơ chẳng hiểu gì, chỉ đáp lời nhanh nhẩu như máy, còn hôm nay thì điềm đạm hơn, thậm chí cân nhắc từng chữ để cảm nhận sức nặng của hồng ân và để đo lường bước chân của thiện chí.

Cũng vẫn chỉ là một điệp khúc hiến dâng, nhưng hôm qua còn trí trá đong đưa tưởng phần lớn tùy thuộc vào thiện chí con người, thì hôm nay phải cúi đầu cảm nhận tất cả là hồng ân Thiên Chúa. Tất nhiên, Chúa gọi mà con người không đáp trả thì Ngài cũng đành bó tay; nhưng nghĩ rằng thiện chí đáp trả của con người mới là quyết định thì có thể trong kiểu nói  "ơn gọi" truyền thống, chữ  "ơn" có lẽ đã nhạt mầu, và chữ  "gọi" xem ra đã nhòa đi từ thuở nào. Ơn gọi trước khi có đóng góp của thiện chí con người, đã bắt nguồn từ sáng kiến của Thiên Chúa. Chúa gọi Simon và Andrê khi hai ông đang thả lưới; Chúa gọi Giacôbê và Gioan khi các ông đang vá lưới trên thuyền (Mc 1,16-20); Chúa gọi Lêvi khi ông còn trên bàn thuế vụ (2,14). Chúa gọi và người ta đáp lời.

Nếu để tôi tự chọn lấy ngày chịu chức trong số bảy ngày của tuần lễ theo kiểu ăn buffet đang là mốt thịnh hành tại thành phố, thì có lẽ tôi sẽ chọn ngày thứ năm cầu nguyện cho ơn gọi như là món ăn ưng ý nhất; thế nhưng một khi ngày thứ sáu đã tình cờ được chọn, hay ngày được chọn lại tình cờ rơi vào ngày thứ sáu, không phải một lần mà là hai lần trong cao điểm dâng hiến, thì ắt hẳn đó phải là một tình cờ có ẩn ý cần được khám phá bằng ánh mắt tin yêu. Mặc kệ ai muốn nói gì thì nói, riêng tôi, tôi đọc được ở đó một phác vẽ của bản chất ơn gọi: vượt trên những toan tính sắp xếp của con người, Thiên Chúa vẫn độc quyền trong sáng kiến ơn gọi của Ngài. Thánh Marcô bảo: Ngài gọi những kẻ Ngài muốn (3,13). Thế thôi!

Chính trong ý nghĩ ấy, tôi luôn luôn cảm nhận một điều huyền nhiệm trong ơn gọi đời mình, một thứ huyền nhiệm mà thánh Gioan Kim Khẩu đã khéo diễn tả khi nhìn vào thân phận của người được gọi: ông chẳng là gì cả nhưng lại là tất cả, hay như trong kinh tối thứ sáu đầu tiên tôi đọc sách nguyện, khi nhìn lên Thiên Chúa với lòng cậy trông: Lạy Chúa, Chúa ngự giữa chúng con và Danh Chúa được kêu cầu trên chúng con; xin đừng bỏ rơi chúng con, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con.

2. Ơn gọi là để phục vụ cộng đoàn.

Khi người ta hỏi tôi tại sao không chọn lễ tấn phong giám mục nhích lên hai ngày tức là vào ngày 15 tháng tám lễ Ðức Mẹ Mông Triệu, như thế sẽ có ngày lễ đẹp để mà nhớ, dịp lễ trọng để mà mừng, hoặc ngay cả trong trường hợp không còn gì để nhớ nữa thì cả và Hội thánh vẫn cứ mừng lễ như thường. Tôi trả lời là ngày được chọn không nhắm có lợi cho tôi mà là nhằm tiện ích cho cả cộng đoàn. Chọn ngày lễ lớn, ai cũng bận bịu, cả chủ chăn lẫn đoàn chiên, việc tổ chức sẽ tất bật; ngược lại, chọn ngày thường, khi công việc thảnh thơi, kẻ tham dự sẽ sốt sắng. Như thế đó, ngày thứ sáu đã được chọn, và tất cả là cho cộng đoàn.

Chính chi tiết nhỏ này đã giúp tôi suy nghĩ về mục đích ơn gọi nói chung và mục tiêu ơn gọi cá nhân mình. Nếu để vinh thân phì gia chắc chẳng ai dại gì đi theo con đường ơn gọi cả, vì quá bấp bênh, may thì ít mà có khi rủi lại nhiều. Nếu để tiến thân chắc ít người đem thân đi vào đường hẹp, vì quá khó, không khéo lại gãy gánh như chơi, tiến thân chưa thấy mà liều thân thì đã rõ ràng. Thế mới hay ơn gọi không vì mục đích của người được gọi, mà vì mục đích của Ðấng gọi mình, hay cụ thể hơn là vì Ðấng ấy mà phục vụ cho những người được trao phó mình trong sứ vụ.

Người ta không là mục tử không không, mà nhất thiết phải là mục tử của một cộng đoàn, để rồi chính vì lợi ích của cộng đoàn đó người ta thi hành tác vụ. Thánh Augustinô đã nói trắng ra là: Mục tử không nuôi mình mà nuôi chiên. Mục tử mà không nuôi chiên thì không còn là mục tử đúng nghĩa nữa, hay nhiều khi đã trở thành một dạng xa lạ, theo kiểu Tự điển tra ngược, trong đó tinh thần đã mục hoặc đã  "tử" từ lâu rồi.

Hơn lúc nào hết, tôi thấy thấm thía tâm sự cũng là của thánh Augustinô: Là Kitô hữu, chúng tôi lo cho lợi ích của mình; là giám mục, chúng tôi chỉ lo cho lợi ích của anh em.

3. Ơn gọi là bước trên đường thánh giá.

Khi cấm phòng chuẩn bị chịu chức linh mục, vì thời giờ gấp rút, có ba ngày thôi, mà cũng vì phải chờ đợi trước đó khá lâu rồi, năm năm, nên ý tưởng chủ đạo trong tôi lúc ấy chỉ là cảm nhận hồng ân Thiên Chúa. Ðể mà ngây ngất: Hồng ân Thiên Chúa như sương, rơi trên ngọn cỏ bên đường héo khô; để mà ước hẹn: Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Ngài; hoặc để mà tham lam ngấu nghiến: Hồng ân Chúa bao la, luôn đổ xuống chan hòa, tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa?.

Nhưng trong mười ngày tĩnh tâm chuẩn bị cho tác vụ giám mục, tuần tự suy tư dựa trên bài giảng của thánh Augustinô về các mục tử, tôi đã dành thời giờ nhiều hơn cho nhiệm vụ mai ngày. Không phải vì xem nhẹ hồng ân Thiên Chúa, nhưng vì đã luôn xác tín rằng tất cả là hồng ân. Thế nên điều còn lại là làm sao sống trọn bước đường tương lai, vừa như một lẽ đáp đền, và vừa như một sự trả lẽ với Thiên Chúa về công việc quản lý của mình nữa.

Tương lai thuộc về một mình Thiên Chúa. Tôi chỉ biết phó dâng. Nhưng chính khi lâng lâng với ý nghĩ hiến dâng ấy, sự trùng hợp hai lần ngày thứ sáu lãnh chức linh mục và giám mục đã hé lộ cho tôi hiểu rằng: đường tương lai sẽ là đường thánh giá. Thánh giá vì trách vụ nặng nề, Thánh giá vì cộng đoàn rộng lớn, và Thánh giá cũng vì tự nhiên mình biết mình chẳng là gì cả, nhưng trong sứ vụ mình phải là tất cả cho mọi người. Chu toàn được như thế hẳn không dễ dàng và cũng chẳng dịu dàng đâu.

Khi hay tin tôi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Tp. HCM, Ðức cha nghĩa phụ JB. Bùi Tuần đã xa gần nói với tôi về đường Thánh giá này qua hình ảnh dí dỏm: Hai Ðức cha Phụ tá trước đây của Giáo phận Thành phố đều khởi đầu khẩu hiệu Giám mục bằng chữ "Tình Yêu" và đều kết thúc cuộc đời trên chiếc xe lăn, không biết Ðức cha mới này sẽ ra sao? Vâng, không biết nữa. Nhưng tôi cũng khởi đầu khẩu hiệu Giám mục bằng chữ  "Tình Yêu", và tôi đang nhìn tương lai của mình lăn đi với lòng trông cậy.

Như thế đó, ngày thứ sáu đã lặng lẽ đi vào ơn gọi đời tôi, không như đơn vị điểm nhịp thời gian, mà như yếu tố góp phần nhận diện ơn gọi. Ơn gọi là do Thiên Chúa, tôi xin chân thành cảm tạ; ơn gọi là cho cộng đoàn, tôi xin nhiệt thành phục vụ; và ơn gọi là thánh giá của những ngày thứ sáu nối liền những ngày thứ sáu, nên tôi xin chữ trung thành hiến dâng.

+ Giuse Vũ Duy Thống