ÐỨC CHA VŨ DUY THỐNG TRẢ LỜI
PHỎNG VẤN CỦA TUẦN BÁO CỘNG GIÁO VÀ DÂN TỘC 

LỜI CHÀO TRONG TIN YÊU VÀ PHỤC VỤ

1. Xin chúc mừng Ðức cha được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ chí Minh. Nhưng thưa Ðức cha, hành trình để đi đến chức vụ hôm nay của Ðức cha đã diễn ra như thế nào? 

Vâng, xin cám ơn Quý báo đã có lời chúc mừng. Nếu hiểu việc bổ nhiệm làm Giám mục ở đây như là một mốc cắm trên đường theo Chúa, thì có lẽ tôi phải lang thang một chút về hành trình ơn gọi của mình. Dù gia đình thuộc xứ Cao Thái, Thủ Ðức, nhưng từ năm 1964, tôi đã trúng tuyển và trải qua thời trung học tại Tiểu chủng viện thánh Têrêsa Long Xuyên. Sau đó là những năm theo học tại Ðại học Văn khoa Saigòn. Rồi cuối cùng, tôi gia nhập Chủng viện Saigòn. 

Từ 1975, tôi theo đuổi chương trình học tập tại Ðại chủng viện thánh Giuse, Thành phố Hồ chí Minh. Sau đó là một năm lao động trên Nông trường Lô 6 Củ Chi, rồi giúp xứ Tân Mỹ Hóc Môn và chịu chức linh mục năm 1985. Trong suốt thập niên 75-85, tôi đã có dịp tham gia lao động nhiều ngành nghề khác nhau: ở Ðại chủng viện là đắp vỏ xe đạp, kéo lá buông, đan chiếu; về xứ đạo thì dệt dây thun, dệt vải, mắc trục đánh bồng; và cuối cùng, khi được gọi làm linh mục, tôi đang trách nhiệm một phân xưởng thuộc Hợp tác xã mành trúc Tân Mỹ, Hóc Môn. 

Từ 1985 đến 1992, tôi được bài sai làm phụ tá xứ Tân Mỹ và đặc trách xứ Bạch Ðằng, hạt Hóc Môn. Sau đó về làm phụ khảo tại Ðại chủng viện một năm, rồi du học tại Institut Catholique de Paris năm năm. Về lại Việt Nam năm 1998 và dạy học tại Ðại chủng viện tới nay. 

Nếu hiểu việc bổ nhiệm làm Giám mục như là điểm đến của một quá trình làm việc trao đổi bàn bạc giữa Tòa thánh Rôma và Chính phủ Việt Nam, thì thực tình, cũng như các tân Giám mục khác, tôi chỉ được biết rất mỏng. Ðại để, từ lần phái đoàn Tòa thánh thăm Việt Nam vào tháng 6 năm 2000, người ta đã đoán già đoán non tên tuổi một vài ứng viên, nhưng mãi tới đầu năm 2001, tôi mới nghe người ta xì xầm về ai đó có tên giống mình, và chỉ tới ngày 09-07-2001 vừa qua thôi, khi được Ðức Tổng Giám mục hỏi ý, tôi mới vỡ lẽ ra ai kia đích thực là mình. Rồi 14-07 việc bổ nhiệm được công bố. Anh thấy đó, hành trình này rất âm thầm, đương sự nhiều khi chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối.

2. Cho dù đã ít nhiều biết trước điều gì sẽ xẩy ra, nhưng đâu là những cảm nhận đầu tiên khi Ðức cha nhận được tin bổ nhiệm chính thức? 

Khi hay tin bổ nhiệm chính thức, Ðức Tổng Giám mục đã nói với tôi một câu ngắn: Cha tiếp tôi gánh vác việc mục vụ của Giáo phận. Vâng, đó là một câu ngắn. Nhưng chừng đó thôi cũng giúp tôi cảm nhận rằng: làm Giám mục phụ tá không phải là "bước lên" như người ta thường nghĩ, mà chính là việc "gánh vác" kìa. Ở bậc gia đình, gánh vác đã nặng, tôi nghĩ, gánh vác việc chung thực chẳng dễ dàng gì.

Tôi đùa với mấy anh em linh mục trẻ rằng: làm linh mục là bước đi một bước, làm Giám mục là bước thêm bước nữa. Trong "bước nữa", có cái gì quen quen; nhưng trong "bước thêm", có cái gì rất lạ. Những gì quen, tôi vui mừng; những gì lạ, tôi lo ngại. Nhưng vượt lên tất cả, có Tình yêu Chúa Kitô thúc bách. 

Hình như nhiều người cũng đồng cảm với tôi trong ý nghĩ này. Chả thế mà mấy bữa nay, qua điện thoại, cùng với lời chúc mừng, tôi luôn luôn được nghe những lời chia sẻ. Ðúng là: niềm vui góp lại niềm vui lớn, nỗi lo chia sẻ nỗi lo vơi. 

3. Xin Ðức cha cho biết đâu là những ưu tiên trong đường hướng mục vụ của Ðức cha trong cương vị là một Giám mục phụ tá? 

Nếu nói về đường hướng mục vụ, thì tôi nghĩ chỉ có Giám mục giáo phận mới trả lời đầy đủ được, vì chỉ mình ngài là chủ chăn riêng của Giáo hội địa phương. Làm Giám mục phụ tá, như được nêu lên trong Giáo luật điều 407 khoản 3, anh biết đó, là được kêu gọi để san sẻ nỗi lo âu với Giám mục Giáo phận, nên tôi không nhắm một đường hướng mục vụ riêng của mình cho bằng hòa mình vào đường hướng chung của Giáo phận, cách riêng của Ðức Tổng Giám mục. 

Nhưng nếu nói về công tác mục vụ, thì trong tương lai, tôi sẽ san sẻ với Ðức Tổng Giám mục một phần trong việc ban bí tích Thêm sức, cụ thể vào các ngày thứ bẩy Chúa nhật hàng tuần. Ngoài ra, tôi vẫn tiếp tục công việc dạy học tại Ðại chủng viện thánh Giuse như thường. 

4. Vậy trong cương vị là một giáo sư tại Ðại chủng viện thánh Giuse, cha có nhận định gì về công tác đào tạo linh mục hiện nay và tương lai? 

Vâng, tham gia ban giảng huấn của Ðại chủng viện thánh Giuse từ năm 1992, và đã có dịp cộng tác chút ít vào việc đào tạo linh mục, nên theo góc nhìn của người trong cuộc, tôi thoáng nghĩ đến vài nhận định: 

Trước hết là về các nhà đào tạo. Ðại chủng viện thánh Giuse hiện nay có số giáo sư đông đảo đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng con số các vị tham gia toàn phần vào công việc đào tạo vẫn chưa được xem là đủ so với số lượng học viên luôn luôn trên 200 người. Dù những năm gần đây đã có thêm một số linh mục du học tại Pháp và Rôma trở về phục vụ, nhưng có thêm nữa những nhà đào tạo vẫn là điều ước mong của mọi người. 

Tiếp theo là về cơ sở đào tạo. Ðược gửi đến từ sáu Giáo phận trải dài từ Phan Thiết tới Mỹ Tho, vốn là những vùng địa lý rất khác nhau về mức sống cũng như về cách sống, các chủng sinh, ngoài chương trình đào tạo chung, cũng cần được đào tạo thích ứng với nhu cầu và đường hướng mục vụ của địa phương mình; thế nhưng Ðại chủng viện thánh Giuse hiện nay đã quá tải không thể đáp ứng hết cho những nhu cầu chính đáng này. Hy vọng trong tương lai không xa, khi Cơ sở hai đặt tại Xuân Lộc Ðồng Nai được hoạt động, nhu cầu này sẽ được giải quyết. 

Cuối cùng là về tinh thần đào tạo. Trải dài trong sáu năm và trải rộng về các mặt: trí thức, nhân bản, thiêng liêng và mục vụ, chương trình đào tạo linh mục được xem là đầy đủ, nhưng chất lượng đào tạo lại tùy thuộc một phần lớn vào việc tự đào tạo của các chủng sinh. Vì thế, việc ?đào tạo trường kỳ? đã trở nên cấp bách. Mong rằng việc đào tạo tự nguyện và thường xuyên này sẽ là tinh thần không dừng lại với ngày mãn khóa Ðại chủng viện, mà còn được phát huy thêm mãi trong đời sống mục vụ sau này. 

5. Nhân dịp này, Ðức cha có lời nhắn nhủ nào gửi cho cộng đoàn công giáo của Tổng giáo phận thành phố? 

Ðược ngỏ lời với cộng đoàn Dân Chúa, tôi không ngại sử dụng lại câu nói của thánh Augustinô để trang trải tâm sự của mình: Do lòng Chúa đoái thương, chứ không vì công trạng của chúng tôi, Chúa đã đặt chúng tôi ở cương vị này, một cương vị đòi phải trả lẽ nghiêm ngặt... Chúng tôi là Kitô hữu là vì mình, còn chúng tôi là giám mục là vì anh em. Là Kitô hữu, chúng tôi lo cho lợi ích của mình; là giám mục, chúng tôi chỉ lo cho lợi ích của anh em. Và trong cương vị là giám mục phụ tá, người được đặt lên vì nhu cầu mục vụ của Giáo phận  (Giáo luật điều 403 khoản 1), lời đầu tiên của tôi gửi đến cộng đoàn dân Chúa là lời "Xin chào" trong tin yêu và phục vụ. 

Giáo phận Thành phố Hồ chí Minh là một Giáo phận lớn với những nhu cầu mục vụ rất đa dạng, do đó sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa là rất đáng trân trọng. Nếu Tông huấn "Giáo hội tại Á Châu" có nói đến ý niệm "Giáo hội tham gia", thì cũng là để vừa kêu gọi vừa lượng giá sự cộng tác này. Vì thế, lời tiếp theo xin gửi đến cộng đoàn là lời "Xin cộng tác" để chung xây Giáo phận. 

Và lời cuối, xin mượn tâm tình của Thư chung Hội Ðồng Giám mục Việt Nam năm 2000, để chúc mọi tín hữu trong cũng như ngoài Giáo phận, luôn hạnh phúc khi "sống, làm chứng và loan báo Ðức Kitô" cho nhiều người, cho dẫu trên thực tế, sống chẳng dễ dàng, làm chứng không dễ dãi và loan báo Ðức Kitô thực chẳng dễ chịu chút nào. 

Xin cám ơn. 

ÐCV thánh Giuse ngày 18-07-2001

Giám mục Vũ Duy Thống