Tiễn Người ra đi

Hôm nay, ngày 9 tháng 9 năm 2009, kỷ niệm 350 năm Tòa Thánh đặt hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa ở Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam lại tiến đưa một vị Giám Mục nữa về Nhà Cha.

Thân xác bụi trần của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng đã an nghỉ trong lòng Nhà Thờ Nam Định. Ngôi Nhà Thờ nho nhỏ, nằm giữa một thành phố chật chội và bụi bặm, chính là nơi Đức Cha đã mang tất cả tâm huyết của một đời dài tông đồ để gây dựng Dân Chúa, qua những năm tháng khó khăn vất vả nhất.

Sáu mươi năm trước, Linh Mục trẻ Lê Đắc Trọng được phái về đây để gánh vác một cơ nghiệp từng có lúc rạng rỡ, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá. Nam Định thời tiền chiến là một trung tâm mục vụ sinh động của Giáo Phận Hà Nội. Các vị Thừa Sai ở đó đã tiếp thu những sáng kiến tiến bộ nhất của Giáo Hội đương thời, biến Nam Định thành một trung tâm Công Giáo Tiến Hành, và sinh hoạt thanh niên, và thành nơi hội tụ của một thế hệ trí thức Công Giáo nhiệt thành.

Nam Định đang như một vườn ươm rất nhiều hy vọng cho tương lai Giáo Hội thì chiến tranh thế giới bùng nổ, quân Nhật tiến vào Đông Dương, rồi Cách Mạng Tháng 8, rồi chiến tranh Việt Pháp. Bấy nhiêu biến cố làm đảo lộn mọi chương trình, kế hoạch. Thậm chí vị Thừa Sai người Pháp ở đây đã bị giết thê thảm. Không thể có chiến tranh mà không có người chết oan. Không phải những gì đã làm ở Nam Định là vô ích, nhưng những hạt giống gieo đã tản mác đi khắp nước, nẩy nở ở nhiều nơi khác, chỉ để lại cho Giáo Xứ Nam Định những đống hoang tàn.

Cha Lê Đắc Trọng về Nam Định để dựng lại Giáo Hội trên đống hoang tàn đó. Đặt cha ở đấy cũng có nghĩa là bề trên đánh giá cao khả năng của cha và tin tưởng cha. Nhưng Nam Định sẽ không còn như trước, sẽ đi vào một giai đoạn mới.

Những năm đầu xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ở miền Bắc đặt Giáo Hội vào một tình thế khó khăn, thiếu thốn và nghiệt ngã thế nào, cha Trọng không phải là không tiên liệu. Cha có niềm tin, có sức trẻ, có sự thanh thản vui tươi. Cha chấp nhận hoàn cảnh cam go, coi đấy là nhiệm vụ mới trong cộng đồng mới của Chúa.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, trong Thánh Lễ đưa chân Đức Cha Trọng tại Nhà Thờ lớn Hà Nội, giảng rằng cha Trọng đã vuông tròn nhiệm vụ, không ai trách cứ được điều gì. Trong hoàn cảnh hết sức phức tạp lúc ấy mà được như thế là quân bình và khôn ngoan lắm. Đức Tổng Kiệt nêu mối quan hệ giữa cha Trọng với cha Vũ Xuân Kỷ như một trường hợp minh họa cho sự vuông tròn của cha Trọng. Cha Vũ Xuân Kỷ là gương mặt chủ chốt của Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo. Mà Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo thì lại đang mâu thuẫn với các Đức Giám Mục. Là chánh xứ Nam Định, cha Trọng bị giằng xé, một bên tình riêng, một bên tình chung. Là Linh Mục của Giáo Hội, cha Trọng đã thẳng thắn bảo vệ các nguyên lý của Giáo hội, nhưng không vì thế mà tình cảm với nghĩa phụ đổ vỡ. Trong cơn bệnh cuối cùng, cha Kỷ chẳng muốn tiếp ai, nhưng hễ cha Trọng đến thăm thì cho vào ngồi bên giường. Sự trao đổi giữa hai cha con thế nào chỉ có Chúa biết, người đời thì biết cha Trọng là người vẹn tình vẹn nghĩa.

Khi xét người, xét việc, cha Trọng có cặp mắt sáng, một cõi tâm bình an, và gương mặt tươi cười. Cha cần đến sự sáng suốt và bình an ấy để dù bị các nghịch cảnh bủa vây tư bề, cha vẫn cặm cụi chăm sóc từng góc Vườn Nho của Chúa đang mùa tan hoang, tiêu điều. Vẻ điềm đạm nơi cha đi đôi với một niềm tin không lay chuyền và một chọn lựa dứt khoát. Kiên trì trong thái độ như thế hết năm này sang năm khác là một ân huệ siêu nhiên. Cùng với nhiệm vụ ở Nam Định, cha Trọng còn là người phục vụ cho tình hiệp thông trong Dân Chúa. Cha sống ở địa đầu phía Nam của Giáo Phận Hà Nội, nơi tiếp giáp với Hội Thánh Chúa ở Bùi Chu, ở Thái Bình, ở Phát Diệm. Vào một thời kỳ sự đi lại giữa các cộng đoàn hết sức khó khăn, cha duy trì được những liên lạc càng mong manh càng quý hóa.

Dường như bấy nhiêu vẫn chưa đủ cho sức chịu đựng của cha. Chiến tranh còn đổ xuống cha những tai bay vạ gió. Nhà xứ Nam Định bị máy bay Mỹ oanh tạc. Hai Linh Mục đang ở với nhau trong phút chốc chỉ còn có một. Cha Trọng ở dưới hầm lên để thấy rằng cha chính Nhân đã bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Cha Trọng lo an táng cho người anh em Linh Mục giữa những đổ vỡ ngổn ngang, những chấn động vật chất và tinh thần. Chúa ban cho cha giữ được sự bình tĩnh. Từ nay cha chỉ còn một mình lo việc Nhà Chúa, giống như người lão bộc trung thành đêm đêm thắp đèn đợi chủ. Cha chính Nhân qua đời rồi, từ nay cha là cha chính Trọng. Cha là nhân vật số hai trong Giáo Phận. Đức Giám Mục với Cha ở cách nhau cả trăm cây số, không thể tiếp xúc với nhau thường xuyên. Trước cửa Nhà Thờ Nam Định, có một pho tượng Đức Mẹ được Giáo Dân tôn sùng. Pho tượng đã đứng vững trên đài giữa cơn mưa bom. Có thể nói không phải tượng mà vẫn đứng vững với nhà Thờ Nam Định, ấy là cha Chính Trọng.

Bí quyết để cha Trọng sống bền bỉ như thê tất nhiên là sự cầu nguyện. Chính cha kể cho chúng tôi một câu chuyện vui vui. Nhà Nước ta vốn coi trọng sự học tập chính trị. Khi chiến tranh đi gần đến giai đoạn kết thúc lại càng cần hoc tập. Và, biết nói thế nào nhỉ ? Các giới cha cố ở Nhà Thờ thì đáng được chiếu cố còn hơn giới nào khác. Cha Trọng được gọi đi học tập miết. Có lẽ vị cán bộ giảng dạy riêng cho cha nghĩ cha là một virus gì khủng khiếp lắm, hay là ông ta giàu lương tâm chức nghiệp cũng nên, ông giảng dạy mỗi ý năm lần, bảy lượt, mười phen. Cha Trọng đã thuộc lòng hết rồi mà cán bộ cứ ca mãi một điệp khúc. Cuối cùng, cha đã có cách để khỏi phí thì giờ vàng ngọc, cha thầm thì lần hạt. Đang suy gẫm sự mầu nhiệm, bỗng nghe cán bộ quát có vẻ nóng nảy:

Này, ông kia, sao tôi nói mà ông lại nhắm mắt hả ?

- Thưa, tôi đang cầu nguyện.

- Cầu nguyện cái gì ? Ông cầu nguyện cho tôi chết bỏ mẹ đi à ?

- Ấy chết, sao ông lại nói thế. Chúa dạy tôi phải yêu mến, kính trọng ông và cầu nguyện cho ông được mọi sự lành.

Nghĩ lại sao trên đời này lắm chuyện ông nói gà bà nói vịt. Theo Thánh Kinh thì đó là hậu quả của tháp Babel. Babel bây giờ không bằng đá gạch, mà bằng những ngôn ngữ càng nói càng không hiểu nhau. Trang web Hướng Về Đại Hội Dân Chúa có lẽ cần có công trình nghiên cứu xem tại sao miệng người này nói gà mà tai người kia lại nghe vịt.

Dầu sao thì những chuyện nửa điên nửa tếu như thế rồi cũng phải qua đi. Chẳng lẽ cứ nắng hạn mưa dầm không dứt ! Cả cuộc chiến tranh rồi cũng chấm dứt. Người ta, theo bản tính tự nhiên, cứ dần dà tạo ra nếp sống tàm tạm bình thường. Cái còn lại sau những năm tháng đằng đẵng ấy là cha Trọng đã đi một chặng đường thật dài, có cái gì đó nơi cha đã được mài dũa, đã sáng bóng lên.

Chúa bảo: người ta không thắp đèn rồi giấu dưới thùng, phải đặt lên đế cho tỏa sáng chứ. Cha Trọng là cây đèn sáng phải được đặt trên đế. Thế là cha phải lãnh chức Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Hà Nội. Cha nhận nhiệm vụ Giám Mục như một sự hy sinh. Cha đã quá gắn bó với người và cảnh ở Nam Đinh rồi. Cha với Nam Định đã gừng cay muối mặn với nhau quá rồi. Ở Hà Nội đẹp đẽ hơn nhiều chứ, nhưng mà tình có lý lẽ của tình. Đó chính là một sự hy sinh. Cha lên làm Giám Mục ở tuổi 78, ở tuổi ấy các vị Giám Mục khác đã về hưu được ba năm rồi, theo thông lệ của Giáo Hội Công Giáo. Âu cũng là do lịch sử dun dủi như vậy. Mà cũng vì tuổi già của cha vẫn sáng, vẫn trong, vẫn linh hoạt.

Đèn đã đặt trên đế cao rồi, tôi cũng xin chẳng nói gì nữa. Thời gian thấm thoát, sau 9 năm Giám Mục, cha đã già yếu trông thấy và đã về hưu từ năm 2003.

Chỉ còn điều này tôi không thể không nói. Cách đây đúng một năm, vụ Tòa Khâm Sứ nổ lớn. Đức Tổng Giám Mục Kiệt bị đả kích độc địa. Dân Chúa đáp lại bằng một cao trào cầu nguyện ngất trời. Nhà Chung, Tòa Tổng Giám Mục, và đông đảo Giáo Dân Hà Nội đúng là một tập thể bị bao vây, bầu khí vô cùng căng thẳng. Đúng vào lúc dó, Đức Cha Trọng rời khỏi ngôi nhà nhỏ thân yêu và bình an ở Nam Định, để lên ở Nhà Chung Hà Nội. Ngài không cần phải làm thế, vì ngài đã về hưu rồi, đã ngoài 90 tuổi rồi. Tuổi tác ấy, sức khỏe như thế, ngài có đủ lý do để nghỉ ngơi, đó là điều quá đỗi bình thường. Nhưng tự ngài đã tìm đến chỗ dầu sôi lửa bỏng. Tự ngài muốn chia phần khổ nạn với Dân Chúa. Ngài không làm việc gì chấn động, không tuyên bố điều gì. Ngài có mặt bên mọi người, ngài là một sự hiện diện, thế thôi.

Cho đến hôm nay, thân xác ngài đã ở sâu trong lòng đất rồi, tôi lại cảm thấy sự hiện diện đó.

Tôi nhớ lại lời thiên thần nói với mấy bà đi viếng mồ: "Sao các bà lại tìm người sống giữa những kẻ chết ?" ( Lc 24, 5 )

Hồng Vũ (Theo Internet)
VietCatholic News