Trên đường lữ hành:
Mừng sinh nhật thứ 80 của Đức Cha Bùi Tuần

Cách đây gần hai năm đức Cha Bùi Tuần mừng kỷ niệm 50 năm chức Linh mục (1955-02/7/2005) và 30 năm chức Giám mục (1975-30/4/2005). Năm nay, ngày 21/01/2007, ngài có một kỷ niệm vui mừng nữa: mừng sinh nhật thứ tám mươi.

Xin tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đức cha, vị ân sư của tôi và của nhiều người, không riêng gì trong giáo phận miền đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên, mà còn có nhiều cựu học trò đang sinh sống trên khắp nẻo đường quê hương đất nước Việt Nam, cũng như ở nhiều vùng đất nước trên khắp thế giới nữa, được ân đức tuổi trời cao cả.

Xin hân hoan chúc mừng Đức Cha có được ân đức tuổi trời cao cả này, cùng những ân đức trí khôn tinh thần minh mẫn cũng như sức khoẻ thân thể dẻo dai, mà đức cha đã và đang được Trời cao ban tặng. Một trong những ân đức tinh thần đặc biệt mà Đức Cha Bùi Tuần có được là khả năng suy tư chính xác minh bạch theo cung cách bỡ ngỡ thắc mắc, cùng năng khiếu viết diễn tả ra bằng lời nói cũng như chữ viết ngắn gọn, dễ hiểu và súc tích theo lối văn chương triết học.

Theo thói quen phong tục dân gian bên tây phương, ngày mừng sinh nhật, họ thường bày dọn một tấm bánh sinh nhật. Trên đó cắm dựng những cây nến cháy sáng, nhiều ít tùy theo số tuổi trời của người có ngày mừng sinh nhật. Và chính người có sinh nhật thổi tắt những cây nến đó.

Những cây nến cháy sáng tượng trưng cho mỗi năm cuộc sống trên trần gian, như ánh nến cháy lung linh chiếu tỏa ánh sáng sự sống của Đấng Tạo Hóa trong công trình tạo dựng của Ngài.

Trẻ em, bạn trẻ vui mừng hân hoan thổi tắt những cây nến trên tấm bánh mừng sinh nhật đời mình. Nhưng, tôi nghĩ, đức cha Bùi Tuần có lẽ không thích làm chuyện đó. Lần nhớ lại và đọc lại những suy tư của ngài nơi hằng trăm, có lẽ hăng nghìn bài viết từ mấy chục năm qua, tôi thấy ngài đã thắp sáng không biết bao nhiêu ngọn nến. Những ngọn nến đó đã được châm đốt từ ngọn lửa cây nến tình yêu của Thiên Chúa.

1. Những cây nến đời sống đức tin

1.1. Cây nến Rửa tội.

Đức Cha Tuần mở mắt chào đời ngày 21/01/1927, như ngài cho biết, và có lẽ theo tập quán đạo đức ngày xưa, chắc cha mẹ ngài đã bồng bế ngài, sau đó khoảng một tuần lễ, đến Thánh đường xin cho con mình được nhận lãnh làn nước Bí tích Rửa tội.

Qua làn nước Rửa tội, đức tin vào Thiên Chúa được khắc ghi trong tâm hồn em bé chịu phép rửa tội từ ngày đó.Và không chỉ nhận lãnh làn nước rửa tội, em bé còn nhận được ánh sáng Chúa Kitô qua cây nến Rửa tội.

Cây nến Rửa tội được đốt thắp từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu phục sinh. Ánh sáng này là ánh sáng đức tin cho đời sống làm người của em bé trên trần gian, như lời Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: Các con là ánh sáng trần gian. Ánh sáng ngọn nến này là trung tâm và nguồn cho những ngọn nến khác trong suốt dọc cuộc đời của em bé.

Cha mẹ và người cha đỡ đầu của đức cha Bùi Tuần đã tiếp nhận và gìn giữ  Cây nến rửa tội cho đời ngài từ 80 năm qua, từ lúc ngài còn thơ bé đến ngày khôn lớn trưởng thành đi vào đời. Ánh sáng cây nến đó soi chiếu cho ngài tìm nhận ra hướng đi làm người, làm con Thiên Chúa trên đường lữ hành trần gian: tránh sự dữ xấu, làm sự tốt lành thánh thiện.

1. 2. Cây nến Bí tích Thêm sức

Có lẽ cũng như bao bạn trẻ khác thời đó, đức cha Bùi Tuần cũng đã đón nhận ân đức Bí tích Thêm sức vào lứa tuổi 7 hay 8 tuổi. Có nhiều nơi, mỗi bạn Trẻ, khi lên nhận phép Bí tích này, cầm trong tay cây nến cháy sáng: Cây nến Bí tích Thêm Sức tượng trưng cho Đức Chúa Thánh Thần.

Ân đức Chúa Thánh Thần qua phép Bí tích này gây niềm hào hứng phấn khởi cho tâm hồn bạn trẻ lớn lên tiến bước đi vào đời.

Không biết có qúa đạo đức hay quá cảm tính hay không, khi suy nghĩ nói: ân đức Chúa Thánh Thần như ánh lửa, như làn gió, như dòng nước tươi mát đem đến cho tâm trí con người sức sống vươn lên, niềm vui tươi can đảm. Ân đức của Ngài gợi hứng cho suy tư, cho việc học hành, nghiên cứu viết lách. Và ân đức này tạo nên cho mỗi người một cách sống, một lối suy tư, cũng như cách đón nhận sự việc riêng biệt.

Không biết ngày xưa khi lãnh nhận phép Bí tích Thêm Sức, đức cha Bùi Tuần có cầm cây nến Thêm Sức cháy sáng trong tay hay không. Nhưng chắc chắn ân đức Chúa Thánh Thần hằng củng cố tâm hồn đức tin ngài trong suốt dọc đời sống. Ân đức đó đã giúp ngài xây dựng không chỉ đời sống đạo đức tâm linh, mà còn giúp ngài phát triển một lối sống văn hóa tình người nơi đời sống con người Bùi Tuần.

Không chỉ đón nhận và sống ân đức Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức. Nhưng trong cương vị Giám mục từ năm 1975 cho đến ngày đi nghỉ hưu 2003, đức cha Bùi Tuần đã ban phép Bí tích Thêm Sức cho không biết bao nhiêu Bạn Trẻ trong giáo phận Long Xuyên.

1. 3. Cây nến chức Linh mục

Theo ơn gọi của Trời cao, như Chúa Giêsu kêu mời: Hãy theo Thầy! Người thanh niên Bùi Tuần đã đi tìm đời sống tu trì làm tông đồ trong vườn nho của Chúa nơi Giáo hội của Ngài. Sau thời gian học hành tu luyện, người thanh niên Bùi Tuần được lãnh nhận chức Linh mục.

Một lần nữa ứng sinh linh mục Bùi Tuần cầm Cây Nến cháy sáng ngọn lửa ngày xưa chịu Phép Rửa tội và phép Thêm Sức, ngày 02/07/1955 tiến lên nhận lãnh chức thánh Linh mục.

Là thợ trong vườn nho Chúa và đồng thời cũng là nhân chứng cho ánh sáng của Chúa giữa trần gian qua đời sống Linh mục. Và ngoài ra cha Bùi Tuần còn có nhiệm vụ mang ánh sáng đó đến cho người khác như khi ban Phép Bí tích Rửa tội, dẫn giải giáo lý Lời Chúa cho con người, như ban Bí Tích Giải Tội, Bí tích Xức dầu Thánh, nhất là trong vai trò là thầy dậy, là linh hướng cùng đồng hành với con người bằng lời nói và bằng hàng trăm bài viết suy tư cô đọng từ mấy chục năm nay.

1. 4. Cây nến chức Giám mục

Chắc chắn ngày chịu chức Giám mục cách đây 32 năm cây nến đức tin của đức cha Bùi Tuần được đốt thắp sáng lên. Cây nến đức tin của đức cha được đốt thắp sáng lên không phải để trang trí cho ngày lễ mang mầu sắc đạo đức huyền diệu linh thiêng. Nhưng ánh sáng chiếu tỏa từ cây nến đó nhắc nhở đến sứ vụ là Giám Mục của đức cha: Cuộc đời dấn than hy sinh để ánh sáng Phúc âm của Chúa chiếu tỏa giữa trần gian.

Có lẽ cũng vì thế, đức cha đã chọn vẽ hình cây nến trên huy hiệu đời Giám mục của mình. Đức cha đã muốn đời sống mình như ngọn lửa đốt cháy chất sáp cây nến chiếu tỏa ánh sáng ra chung quanh. Ánh sáng chiếu tỏa từ cây nến đời Giám mục của đức cha là ánh lửa đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Và vì thế đức cha đã lấy lời Chúa - Mandatum Novum - Giới luật mới, như ngọn lửa chiếu sáng cho việc mục vụ tông đồ của mình, và như ánh sáng chiếu tỏa làm chứng cho ngọn lửa chiếu tỏa tình yêu từ nơi Thiên Chúa.

“ Cây Nến lớn tuổi trầm ngâm nói thêm: “ Điều này thật khó cắt nghĩa bằng chữ nghĩa lời nói. Phải sống trải qua mới có kinh nghiệm hiểu được thôi. Chỉ người nào tự hy sinh, sẽ mang đến thay đổi cho môi trường xung quanh mình. Và trong khi ai mang đến thay đổi cho môi trường xung quanh, họ sẽ nhận ra bản chất của mình hơn. Em không được nguyền rủa bóng tối và sự lạnh lẽo, khi em không sẵn sàng để được đốt thắp sáng lên chiếu tỏa cho xung quanh.“

Giây phút yên lặng nặng nề trôi qua... Thình lình ánh sáng từ  Cây Nến nhỏ bừng lên: „ Này Chị, Phải chăng người ta là mình, khi người ta trao tặng người khác điều mình có?“

„Đúng như vậy đó em!“ Cây Nến lớn tuổi nói vọng vào “ Vâng khi hy sinh, như trường hợp chúng ta là Cây Nến, người ta không còn nguyên vẹn hình hài thanh thon, đẹp kiều diễm nữa. Chúng ta sẽ không còn nguyên trạng hình dạng như trước nữa. Nhưng khi được đốt thắp cháy sáng lên, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bóng tối ban đêm, và những tàn bóng che phủ âm u trên trần gian nữa.“

Cây Nến nhỏ thanh thon mảnh mai kiều diễm sau cuộc đàm thoại với Cây Nến lớn tuổi, đã từ bỏ ý muốn khăng khăng của mình, và chịu để cho được đốt thắp sáng lên. Ngọn lửa từ Cây nến càng cháy bừng, càng mang lan tỏa ánh sáng đầm ấm thị vị làm thay đổi bầu khí trong căn phòng. Ánh sáng đó như có sức mạnh xua đuổi bóng tối đêm đen cùng sưởi ấm bầu khi lạnh lẽo. Chất sáp và ngọn bấc nến càng dần bị thiêu đốt thu nhỏ lại, nhưng ánh sáng chiếu tỏa tới tận đôi mắt cùng trái tim mọi người. Cây Nến được đốt thắp sáng cho con người.” (Willi Hoffsümmer(hg.), 64 Weihnachtsgeschichten – Eine heilige Zeit, Nr 13.)

2. Những cây nến suy tư

2. 1. Cây nến thầy trò

Trước năm 1967 tôi chưa biết gì về ngài. Nhưng những năm sau đó được là học trò của ngài, tôi ngạc nhiên nhiều về ngài. Vâng, tôi không biết đó có phải một điều mới lạ hay không, nhưng nơi ngài và qua ngài học trò học được cung cách sống tập tự suy nghĩ phát triển óc sáng tạo của mình. Vì cha giáo Bùi Tuần không chỉ truyền thụ lại cho học trò mình mớ kiến thức học để thi đậu lên lớp, học xong để mai kia lên học trường cao hơn ở đại chủng viện chuẩn bị làm “ cụ”, như đã ăn nếp sâu trong cung cách dậy dỗ giáo dục xưa nay. Ngài cũng chẳng dậy theo cung cách “nuốt rập khuôn bắt chước lối” sống đạo đức truyền thống theo khuôn mẫu sẵn có. Nhưng ngài hướng dẫn học trò cách sống làm người, cách suy tư nhìn vào đời sống là con Thiên Chúa cùng là con người trong dòng lịch sử không gian và thời gian.

Cha giáo Bùi Tuần đã viết suy tư về cung cách sống lòng biết ơn: “ Nếu tôi tưởng mình không chịu ơn ai, thì tôi lầm lớn. Vì đời tôi nằm trong những lien đới chập chùng. Tôi chẳng cho đi được bao nhiêu, nhưng đã nhận được qúa nhiều. Thử một ngày ngưng nhận được các giây liên lạc nâng đỡ, cộng tác yêu thương, giúp đỡ cung cấp, tôi sẽ tức trở thành bơ vơ, nghèo nàn khốn đốn.

Nếu tôi tưởng tôi không mắc nợ ai, thì tôi lầm lớn. Con người tôi, từ vật chất đến tinh thần, đã, đang và sẽ được xây dựng bằng biết bao công ơn của biết bao nhiêu bóng người đã ghé lại.

Nếu tôi tưởng tôi đã trả ơn đối với người làm ơn cho tôi, thì tôi lầm lớn. Tiền bạc, đồ vật có thể trả, nhưng ân nghĩa và tình thương làm sao trả đúng được. Những mồ hôi nước mắt và những tận tâm của bao nhiêu người đã làm cho đời tôi đẹp là những gì thiêng liêng cao qúi. Chưa chắc tôi đã hiểu rõ được gía trị của những ơn đó, chứ đừng nói gì đến việc trả đền cho đúng.

Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn biết ơn. Xin xuống phúc lành cho tất cả những ai đã làm ơn cho con” ( Bùi Tuần, Biết ơn, trong tập: Nói với chính mình).

Về đời sống trong dòng lịch sử không gian và thời gian: “ Tôi đang sống trong một thời đại dồn dập nhiều biến cố. Có những biến cố chỉ đụng chạm tới tôi. Có những biến cố làm xôn xao cả nước. Có những biến cố liên hệ đến toàn thể Giao Hội và thế giới.

Sự xuất hiện của những phong trào gây sôi động cũng là những biến cố.

Mỗi biến cố là một dấu chỉ. Mỗi dấu chỉ đều có một ý nghĩa. Nhiều khi Chúa muốn nói với tôi qua biến cố. Nhưng tôi phải khiêm tốn và bình lặng mới nghe thấy được.

Mỗi biến cố đều mang một ẩn số. Ẩn số đó gói một sứ điệp Chúa muốn gởi cho tôi. Nhưng tôi phải chăm chú và vô tư lắm mới khám phá được sứ điệp đó.

Mỗi biến cố là một bài toán. Bài toán đó gài vào đời tôi. Nhưng tôi phải phục thiện lắm mới tìm ra đưọoc giiả đáp.” ( Bùi Tuần, Dấu chỉ thời đại, trong Nói với chính mình).

Đạo đức tình người cùng biết nhìn đón nhận thực tế đời sống hơn nữa, tưởng khó diễn tả hơn được!

2.2. Cây nến nhìn xa trông rộng

Ngày xưa Chúa Giêsu Kitô sai các Thánh Tông lên đường đi rao truyền sứ điệp tình yêu Thiên Chúa với lời nhắn nhủ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh Chúa Thánh Thần…Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy đến tận cùng trái đất.” ( Cv 1,8).

Tôi không biết, tôi phải hiểu Lời nhắn nhủ sai đi của Chúa thế nào cho đúng. Nhưng tôi vui mừng được học biết suy tư hướng dẫn của đức cha Bùi Tuần về cách diễn dịch Lời Chúa đó cho thời đại truyền giáo ngày hôm nay:

“ Thách đố lớn nhất của các dòng tu thế kỷ XXI là khả năng mở ra, khả năng phân định và khả năng lựa chọn.

Hãy mở rộng cái nhìn để biết mình, biết đời, biết thánh ý Chúa. Nhất là mở rộng cái tâm với tình bao dung của người con Thiên Chúa là Cha chung của mọi người. Cùng với việc mở ra là việc phân định tình hình mình đang sống. Thực tế thường có nhiều phức tạp. Tất nhiên phải phân định dưới ánh sang Phúc Âm nhưng không loại trừ phương cách triết học, khoa học và xã hội học.

Sau phân định là chọn lựa phương án giải quyết khả thi, làm được và được làm. Tiếng nói thích hợp nhất của Tin mừng trong thế kỷ XXI là yêu thương. Yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Yêu thương nhất là trong phát triển và trong các liên đới.” (Gm. Bùi Tuần, Sự cộng tác của các Dòng Tu tại Việtnam hôm nay, trong Làm chứng cho Đức Kitô tới tận cùng trái đất, Long Xuyên 2000)

Nhiệt thành với việc truyền giáo cùng gần gũi với thực tế thời đại hơn nữa, tưởng khó có thể hơn được nữa!

2. 3. Cây nến sống đức tin giữa dòng đời

Không biết có phải là một cung cách truyền giáo mới lạ hay không, đang khi đời sống ở xã hội như đang đi theo một hướng khác gần như chuộng số lượng hơn phẩm chất. Nhưng tôi thấy nó gây ấn tượng gợi suy nghĩ hướng về tương lai mạnh và nhiều.

Sau khi theo dõi buổi lễ hát kinh cầu nguyện vừa cho tín hữu Tin Lành lẫn Công giáo ở Hànội có tổng thống Hoa kỳ cùng phu nhân tham dự, đức cha Bùi Tuần đã viết lên những suy tư hướng mở ra về tương lai sống đức tin giữa lòng đời:

“1/ Cố gắng nâng cao trình độ trí thức

Theo dõi tình hình thế giới, Đất Nước và Hội Thánh khắp nơi, tôi thấy việc đối thoại và hợp tác đang là những vấn đề lớn đặt ra cho mọi phía. Để việc đối thoại và hợp tác của Hội Thánh ta được trân trọng, chúng ta cần phải có những hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực…. Tôi đã nhiều lần được có mặt trong các hội nghị quốc tế về đạo và đời. Tại mọi hội nghị, dù để bàn về một vấn đề nhỏ, trình độ trí thức được coi là yếu tố hết sức quan trọng. Đời sống thường ngày với bao vấn đề luôn đặt ra cho con người, không thể sẽ tự nó giải quyết cho ta một cách nhàn nhã, cũ kỹ, nhưng đòi ta phải có một trình độ trí thức mới, để đi trên con đường mới của lịch sử. Hiện nay, trí thức Công giáo Việt Nam kể như khá hơn trước. Nhưng tôi thấy là chưa đủ đáp ứng cho thời điểm mới.

2/ Cố gắng nâng cao trình độ bén nhạy

Thời nay, con người đối thoại và hợp tác cần có khả năng bén nhạy sâu sắc. Bén nhạy, để biết cách gây thiện cảm, tránh gây ác cảm vô ích. Bén nhạy, để biết có những phong cách tế nhị, lịch thiệp, nhã nhặn trong mọi ứng xử, cả trong những trường hợp xảy ra những bất ngờ rất trái ý ta. Theo dõi những hình ảnh của Apec được truyền đi qua tivi, tôi thấy sự bén nhạy là điều không thể thiếu nơi người tổ chức lẫn người tham dự. Có những hình thức mình cho là trang trọng, nhưng đối với phần đông lại là nặng nề, gây khó chịu. Có những việc mình cho là phải thế mới đầy đủ, nhưng nhiều người khác lại nghĩ là nên vắn gọn mới hay. Có những lời người ta khen ngợi mà mình lại bám vào để tự đắc, nhưng thực ra đó chỉ là những lời khen xã giao, mà chỉ những tinh thần nhạy bén trình độ cao mới thấy được. Trong thời điểm mới này, chắc sẽ có nhiều ý kiến được thành hình trong Hội Thánh Việt Nam ta. Hãy bén nhạy, để biết lắng nghe và phân định.

3/ Cố gắng nâng cao trình độ trung thành với Lời Chúa

Hơn bao giờ hết, Hội Thánh phải trung thành với Chúa, mặc dầu tình hình thay đổi. Trung thành với Lời Chúa nhất là trong những việc sau đây: a) Hãy chiến đấu để "đi qua cửa hẹp" (Lc 13,24). b) Sống trọn vẹn "Tám mối phúc" (Mt 5,3-12). c) Tăng cường sống "giới răn yêu thương "(Ga 14,34). d) Sống hợp tác với ơn Chúa một cách tuyệt đối. Vì Chúa phán "Không có Cha, chúng con không làm gì được" (Ga 15,5). Tôi nghĩ là xã hội Việt Nam cần đổi mới một cách sâu sắc từ guồng máy xã hội cho tới cách suy nghĩ của từng người.” (Gm. Bùi Tuần, Sống đạo trong thời điểm mới, 2006)

Nhìn diễn biến trong sinh hoạt xã hội với con mắt đức tin và tâm hồn suy nghĩ mong muốn cầu tiến cho đời và cho đạo, mà không xa rời dân tộc cùng đức tin vào Chúa như vậy, là kết qủa của một tâm hồn có lối sống gần với Chúa và gần với những biến chuyển trong đời sống xã hội con người.

2.4. Cây nến sống đức tin giữa lòng thiên nhiên

Không biết có phải là một điều lạ thường ngoại lệ hay không. Vì xưa nay sự thường khi giảng dậy, nhất là nơi các bậc chức sắc vị vọng học hành cao giỏi. Họ thường hay chú trọng xoay quanh đến giáo huấn luân lý, theo lối văn chữ nghĩa khô khan khó hiểu hơn là nói về điều đang xảy ra trong đời sống với lối viết văn chương tươi trẻ dễ hiểu. Điều này không thấy nơi đức cha Bùi Tuần.

Như trong bài giảng nhân ngày Tết Nguyên Đán xuân Bính Tý, đức cha Bùi Tuần đã viết diễn tả: “ Xuân đang đẹp trong thiên nhiên. Xuân đang đẹp trên đất nước. Nhưng Xuân đẹp nhất là xuân trong lòng người. Xuân đẹp trong lòng người mang những đức tính tốt, không ngừng vươn tới mức độ đẹp hơn, và luôn luôn vươn tới những vẻ đẹp mới.” ( Gm. Bùi Tuần, Mùa Xuân trong lòng người, trong Nói với giáo dân).

Lối nhìn, lối diễn tả văn chương đầy mầu sắc hình ảnh tươi trẻ hợp với khung cảnh thiên nhiên, cùng dẫn con người tìm về nguồn sức sống sâu thẳm đầy đủ ý nghĩa, là cung cách diễn dịch rao giảng thiên nhiên cho đời sống con người và đời sống con người hòa nhập vào phát triển trong thiên nhiên, mà vẫn đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là chủ thiên nhiên cùng của con người.

2.5. Cây nến mùa dâng hoa

Không dám và cũng không thể qủa quyết đây là một lối sống đạo đức mới lạ hấp dẫn. Nhưng cách suy diễn về lối sống đạo của đức cha Bùi Tuần không chỉ mới khác lạ, mà hướng vào chiều sâu thâm trầm hơn. Như về cung cách dâng hoa kính Đức Mẹ Maria. Đức cha dựa trên nền tảng kinh Ngợi khen của Đức mẹ, kết thành bó hoa ba sắc:

“ 1. Hoa cảm tạ.

Mẹ cảm tạ Chúa trước hết về bản thân riêng của Mẹ. Mẹ nhìn bản thân Mẹ chỉ là một nữ tỳ. Mẹ coi nữ tỳ này khác với mọi nữ tỳ khác ở chỗ kém cỏi hơn họ, hèn mọn hơn họ. Thế mà Chúa là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ ngự đỉnh chốn cao xa, lại đã thương nhìn xuống nữ tỳ đó: “Phận nữ tỳ hèn mọn, được Chúa thương nhìn đến” (Lc 1,48).

2. Hoa nhận thức.

Chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại sẽ rất khác với chương trình của nhân loại. Thánh ý Chúa rất khác sự đánh giá và xếp đặt của con người.

Về đường lối của Chúa, Đức Mẹ nhận thức ba hạng người sẽ bị ném xuống, và ba hạng người sẽ được nâng lên.

Ba hạng người nếu lạm dụng sẽ bị Chúa ném xuống là: Kẻ kiêu căng, kẻ quyền thế, kẻ giàu sang.

Ba hạng người nếu biết sống tốt sẽ được Chúa nâng lên là: Kẻ khiêm nhường, kẻ hèn mọn, kẻ nghèo đói.

3. Hoa nhớ lại.

Đức Mẹ nói: “Vì Chúa nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Ápraham, và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Nói là Chúa nhớ lại lòng thương xót của Người, là để chính chúng ta đừng quên lòng thương xót của Chúa. Vì “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).” ( Gm. Bùi Tuần, Đức Mẹ dâng hoa)

Suy diễn ý nghĩa thần học sâu sắc cùng lối diễn tả văn chương hấp dẫn hơn, tưởng khó có thể hơn được!

2.6. Cây nến hướng về ngày mai

Không biết có đúng hay không, khi nhận xét: đức cha Bùi Tuần có tâm hồn cầu tiến đổi mới. Nhưng khi đọc những suy tư của ngài, dù là bài giảng đạo đức, tâm tư hình ảnh đổi mới phát triển luôn hiện rõ nét. Trong bài suy tư đạo đức về Vai trò của đặc sủng, đức cha đã phác họa ra những điểm đổi mới phát triển bản thân cũng như Giáo Hội.:

1. “ Sự thích hợp sống động.

Hội thánh luôn cần đổi mới và phát triển. Mục đích đó sẽ chỉ đạt được qua nhiều trách vụ khác nhau. Các trách vụ khác nhau sẽ được trao cho nhiều người. Mỗi người đảm đang một trách vụ…..

2. Sự mưu tìm ích chung rõ rệt.

Thánh Phaolô dạy: “ Thần linh tỏ minh ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung”( 1 Cor12,7)

Ích chung có thể hiểu là sự đổi mới và phát triển Hội thánh, để danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”…

3. Sự thao thức đức ái chân thật.

Đặc sủng nào cũng phải hoạt động trên bác ái. Đây là nền tảng cần thiết…

Đặc sủng là là ân sủng đặc biệt, Chúa ban riêng cho những người Chúa chọn, để họ trở thành thích hợp và thuận lợi cho trách vụ được trao, hầu góp phần một cách hữu hiệu vào ích chung. Ích chung đó là đổi mới và phát triển Hội Thánh trên nền tảng bác ái” ( Gm. Bùi Tuần, Vai trò của đặc sủng, trong Ra khơi thả lưới tình thương)

2.7. Cây nến thao thức

Dịp đầu năm mới 2007, đức cha Bùi Tuần đã viết dòng tâm sự suy tư:” Bây giờ, Đạo đang bước vào một giai đoạn mới của lịch sử: Giai đoạn hội nhập và cạnh tranh. Tôi vui, nhưng cũng lo. Với kinh nghiệm của một người, vừa già về tuổi đời, vừa già về tuổi mục vụ, tôi xin phép chia sẻ một nỗi lo như một cảnh báo. Đó là hãy coi chừng về một chứng bệnh nguy hiểm cho Đạo. Chứng bệnh này thường xuất hiện trong thời cạnh tranh giữa các giá trị.” ( Gm. Bùi Tuần, Bệnh nguy hiểm, 07.01.2007).

Dù đã bước vào tuổi đời bát tuần đi nghỉ hưu đã từ mấy năm, qua nhưng đức cha Bùi Tuần vẫn hằng luôn quan tâm thao thức với sự phát triển nếp sống đạo đời.

Những thao thức chia sẻ kinh nghiệm cùng suy tư của đức cha Bùi Tuần không là kiểu cách chỉ ngón tay luân lý kết án. Nhưng là một lối nhìn sự tiến triển trong đời sống theo cung cách đạo giáo, và muốn thử vạch ra một con đường duy trì nếp sống đức tin lành mạnh mà không chối bỏ hay xa tránh đời sống thực tế giữa dòng đời.

2.8. Cây nến tự giáo dục bản thân

Vào những ngày sắp mừng sinh nhật thứ tám mươi của mình, đức cha Bùi Tuần đã viết lại những suy tư của mình thành chữ nghĩa đăng trên báo chí. Đọc những lời đó, thoạt tiên tôi có cảm nghĩ là lời dậy bảo huấn đức. Phải, đó lời của một bậc thầy dậy cảnh gíac học trò mình.

Đọc kỹ lại, tôi có cảm nghĩ khác. Dù đã trải qua 80 năm tuổi đời, 52 năm đời Linh mục, 32 năm đời Giám mục, nhưng khi suy nghĩ nhìn lại quãng đường lữ hành đã trải qua, đức cha Bùi Tuần cũng vẫn thấy bản thân tinh thần mình còn yếu kém, dễ bị vấp ngã và còn cần phải tu luyện, học hỏi bổ thêm hơn nữa, trước những thay đổi biến chuyển không ngừng trong cuộc sống xã hội thời đại:

” Đừng chủ quan, đừng dễ dãi với bất cứ thần dữ nào trong bảy quỷ đầu mối tội. Bởi vì bất cứ sự coi thường nào đối với một tên thần dữ cũng sẽ đưa ta vào bẫy. Bị sập bẫy của một quỷ dữ sẽ mở đường cho một chuỗi sập bẫy tiếp theo. Thí dụ khi ai đã sập vào bẫy của quỷ kiêu ngạo, thì các quỷ khác sẽ dễ dàng xâm chiếm tâm hồn kẻ đó. Dần dần toàn thể cuộc đời người đó sẽ bị lôi vào đủ thứ tệ hại. Điều tệ hại nhất là rất khó thức tỉnh, sám hối và trở về đàng lành. Ngoài việc tỉnh thức bằng cầu nguyện, chúng ta cũng cần để ý mở rộng tầm nhìn bằng việc học hành. Học hành sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong tư tưởng và cách sống. Thêm vào sự tỉnh thức bằng cầu nguyện và học hành, tôi nghĩ cũng cần biết dè dặt, thận trọng, cân nhắc, vì tình hình chẳng bao giờ đơn giản. Kinh nghiệm cho tôi thấy: Mọi sụp đổ không bao giờ xảy ra đột ngột. Nó đã có những nứt nẻ, nghiêng lún to nhỏ trước rồi. Có chỗ dễ thấy được. Có chỗ khó thấy được. Sụp đổ về đạo đức cũng vậy. Cá nhân hay cộng đoàn sụp đổ về đạo đức là kết quả của một tiến trình lâu dài. Không tỉnh thức, không cầu nguyện, không học hành, không thận trọng, ta sẽ tụt hậu và yếu dần. Ta sẽ không đối phó nổi các phong trào tư tưởng và lối sống hưởng thụ, thực dụng, đắc thắng và ghen ghét.” ( Gm. Bùi Tuần, Ý tứ kẻo tệ hơn trước, 18.01.2007)

Trên đường lữ hành, đức cha đã sống trải qua 80 năm trong khu vườn sáng tạo của Thiên Chúa.

Trên đường lữ hành, đức cha đã sống là chứng nhân cho ánh sáng ngọn lửa Chúa Giêsu phục sinh, khời đầu từ bản thân đời sống đức cha, và trong suốt dọc đời Linh mục rồi Giám mục trong vườn nho Hội Thánh Chúa Giêsu ở trần gian.

Trên đường lữ hành, đức cha với khả năng tâm trí và thân thể được Trời cao ban tặng đã thắp lên những Cây Nến với ngọn lửa “Mandatum novum” cho Thiên Chúa giữa dòng đời sống con người.

Trên đường lữ hành, đức cha đã trải qua; vâng nói theo cung cách suy nghĩ loài người: đã đạt được nhiều đích điểm cao cả. Nhưng đức cha vẫn luôn tâm niệm:

“ Cuộc đời là một chuyến đi. Tôi là một lữ khách.

Khi chưa tới đích điểm, thì chỗ nào cũng là nơi tạm trú.

Trên đường về nhà Cha, người con của Chúa sống trong những liên đới trập trùng. Liên đới với nhiều người khác nhau. Liên đới với nhiều tình hình khác nhau. Nhất là liên đới với Thiên Chúa, Đấng yêu thương, Đấng đã gọi tôi, Đấng đã sai tôi. ( Gm. Bùi Tuần, Tâm tình người lữ khách, trong Ra khơi thả lưới tình thương)

Chúc mừng sinh nhật thứ tám mươi ân sư đức cha G.B. Bùi Tuần!

Düsseldorf, mùa Đông 2007

Lm. Nguyễn Ngọc Long
Cậu học trò cũ chủng viện Long Xuyên ngày xưa.

Lm. Nguyễn Ngọc Long
VietCatholic News (23/01/2007)