Thánh lễ tấn phong Giám Mục Phó GP Nha Trang Giuse Võ Đức Minh 15/12/2005

Một phép lạ! Vâng, Chúa đã làm phép lạ, cho mưa ngừng rơi, cho gió ngừng thổi, cho mặt trời chiêú sang, để đại lễ tấn phong giám mục hôm nay được diễn ra tốt đẹp như lòng người mong ước. Theo bản tin dự báo thời tiết hằng ngày trong mấy hôm nay thì trời Đà-lạt " có nhiều mây, mưa vừa, có lúc mưa to, nhiệt độ trung bình thấp..."! Lễ hội Hoa 2005 của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, vì từ hôm khai mạc – 10/12 – đến nay, các chương trình hầu hết diễn ra dưới mưa. Thật là thảm hại ! Những kẻ xấu mồm xấu miệng đã nói rằng trời khóc thay dân... Ngay sáng nay, mãi cho đến gần giờ khai mạc đại lễ, mưa vẫn tiếp tục rơi khiến không ít người than phiền ban tổ chức quá độc tài, không chịu nghe theo lời đề nghị của đa số về việc áp dụng kế hoạch hai (đã được chuẩn bị rất tốt) là cử hành lễ tấn phong bên trong nhà thờ.  

Vậy mà, sau hồi chuông khai mạc lúc 9 giờ, khi ca đoàn hợp xuớng bài "Tôn vinh", trong lúc đoàn đồng tế gồm các giám mục và viện phụ tiến ra lễ đài, thì trời hết mưa, có một chút nắng chọc thủng lớp mây xám chiếu vào địa điểm cử hành đại lễ. Mọi người khấp khởi mừng, thầm cảm tạ Chúa và cầu xin cho tình trạng này kéo dài, ít là cho đến khi kết thúc nghi lễ. Ban phụ trách âm thanh - cho đến lúc đó vẫn không dám đặt dàn micro cho ca đoàn hát vì sợ mưa sẽ làm hư, do đó ca đoàn đã "hát chay" bài hát khai mạc – vội vàng lắp ráp các micro vào chân đã đặt sẵn và tiếng hát vang lên trang trọng qua dàn thiết bị hiện đại.  Ai dám cho rằng đó không phải là một phép lạ ?

Có sự hiện diện gần như đầy đủ của các Giám mục chánh toà của ba giáo tỉnh:  

- Giáo tỉnh Hà-nội có Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, TGM Hà-nội và các GM Bùi-chu, Hải-phòng, Hưng-hoá, Phát-diệm, Thanh-hoá, Vinh (vắng các GM Bắc-ninh và Thái-bình) và GM phụ tá tân cử giáo phận Bùi-chu, Phê-rô Nguyễn Văn Đệ

- Giáo tỉnh Huế có Đức Cha Tê-pha-nô Nguyễn Như Thể, TGM Huế và các GM Ban-mê-thuột, Đà-nẵng, Kontum, Nha-trang, Quy-nhơn, GM phụ tá giáo phận Huế, PX Lê Văn Hồng, và GM Kontum nghỉ hưu Phê-rô Trần Thanh Chung

- Giáo tỉnh Sài-gòn có Đức Hồng Y Gioan Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn, TGM Sài-gòn và các GM Bà-rịa, Cần-thơ, Đà-lạt, Long-xuyên, Mỹ-tho, Phan-thiết, Phú-cường, Vĩnh-long và Xuân-lộc, GM phụ tá giáo phận Sài-gòn, Giu-se Vũ Duy Thống và GM Vĩnh-long nghỉ hưu, Gia-cô-bê Nguyễn Văn Mầu.

Ngoài ra còn có sự hiện diện của các viện phụ Biển-đức Thiên-an và Xi-tô Phước-lý, của cha giám tỉnh dòng Xa-lê-diêng Don Bosco, của các LM Tổng Đại diện cuả các giáo phận, của gần 400 linh mục, của rất đông nam nữ tu sĩ, của khoảng 10.000 giáo dân người kinh và dân tộc thiểu số, của phái đoàn đại biểu giáo dân giáo phận Nha-trang, nơi Đức Tân GM sẽ về phục vụ, của thân nhân và đồng hương Tam-toà (Quảng-bình) của vị tiến chức. Đoàn người đông đảo tràn ngập khuôn viên nhà thờ, bên trong nhà thờ, nhà vòm và phòng hội Gioan 23; tại ba nơi sau này, các tín hữu theo dõi các nghi thức qua kênh truyền hình.  

Sau phần chào mừng và giới thiệu các thành phần tham dự của cha trưởng ban tổ chức, Gioan Phan Công Chuyển, Đức Cha Phao-lô Nguyễn Văn Hoà, GM Nha-trang, Chủ tịch HĐGMVN, khai mạc đại lễ tấn phong với lời mời gọi cộng đoàn hiện diện sốt sắng tham dự nghi thức truyền chức và cầu nguyện cho người được chọn vào hàng ngũ những kẻ kế vị các tông đồ. Thánh lễ đã diễn ra trong hai tiếng đồng hồ, với những phần nghi thức thường lệ của một lễ tấn phong giám mục, với vị chủ phong là Đức Cha chủ tịch HĐGMVN, và hai vị phụ phong là các đàn anh (cùng gốc giáo xứ chánh toà Đà-lạt) của tiến chức, là Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà-lạt và Đức Cha Phao-lô Bùi Văn Đọc, GM Mỹ-tho. 

Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn được cử giảng lễ thay Đức GM chủ phong. Dựa vào bài Tin Mừng (Ga 13,1-15) của thánh lễ hôm nay, trong đó có câu đã được Đức tân Giám mục Giu-se chọn làm khẩu hiệu cho sứ vụ mục tử của mình: "Ngài đã yêu thương họ dến cùng" (Ga 13,1), Đức Cha Phê-rô đã nhắn nhủ người em: "Cha đã chọn đi theo con đường của Đức Giê-su là yêu thương đến cùng, nghĩa là từ bỏ chính bản thân, chấp nhận quì xuống rửa chân cho môn đệ của mình, chấp nhận trở nên tấm bánh bẻ ra vì sự sống của người môn đệ và chấp nhận chết cho người mình yêu...

Sau khi đi ban phép lành cho Dân Chúa và trở lại lễ đài, Đức tân Giám mục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với câu kinh Magnificat "Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại, Danh Ngài là thánh" (Lc 1, 49); ngài cám ơn Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI và Đức Hồng Y Tổng trưởng Thánh bộ loan báo Tin Mừng đã thương chọn ngài vào hàng ngũ những người kế vị các Tông đồ; ngài cám ơn Đức Cha Phao-lô, người đã sinh ra ngài trong chức thánh giám mục và hứa sẽ trung thành vâng phục trong vai trò là giám mục phó; ngài cám ơn Đức Cha Phê-rô là người cha, người thầy người anh của ngài; ngài cám ơn linh mục đoàn, nam nữ tu sĩ và giáo dân giáo phận Đà-lạt, cách riêng gia đình giáo xứ chánh toà là giáo xứ mẹ của ngài; sau cùng ngài cám ơn các thân nhân, các đồng hương Tam-toà và tất cả mọi người đã yêu thương, nâng đỡ, cộng tác với ngài...


Đức Hồng Y Gioan Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn, TGM Sài-gòn chúc mừng

Tiếp theo lời phát biểu của Đức Cha Giu-se, Đức Hồng Y Gioan Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn, TGM Sài-gòn, thay mặt Hội Đồng GMVN, nói lời chúc mừng và cám ơn giáo phận Đà-lạt, tuy mới tròn 45 tuổi, nhưng đã có những bước phát triển mạnh và đã đóng góp cho GHVN ba người con ưu tú vào hàng giáo phẩm. Ngài cũng bày tỏ niềm hân hoan được đón nhận một thành viên mới vào Giám mục đoàn của GHCGVN. Rồi với một giọng dí dỏm, ngài trình bày cây gia phả của gia đình Giáo hội Việt-nam, từ khởi thủy cho đến hiện nay. Đại khái, ngài nói:

Cách đây gần 350 năm (chính xác là 346 năm – tính từ 1659 đến 2005), Mẹ Việt-nam, vào ngày 09/9/1659, sinh đôi hai người con công giáo, đặt tên là ĐÀNG TRONG và ĐÀNG NGOÀI. 20 năm sau, tức vào năm 1679, người con Đàng Ngoài sinh đứa con đầu lòng và đặt tên là ĐÔNG ĐÀNG NGOÀI (năm 1924, đổi tên thành HẢI- PHÒNG), còn Mẹ thì nhận tên là TÂY ĐÀNG NGOÀI ( năm 1924, đổi thành HÀ-NỘI). Hơn một thế kỷ rưỡi sau, chính xác là 167 năm sau, tức là vào năm 1846, Mẹ Đàng Ngoài mới sinh đứa con thứ hai và đặt tên là NAM (1924 – VINH). Năm 1848, từ người con đầu lòng, Mẹ Đàng Ngoài có đứa cháu đầu tiên, đặt tên là TRUNG (1924 – BÙI-CHU); rồi đến năm 1883, cũng từ người con đầu lòng, Mẹ lại có thêm một cháu nữa tên là BẮC (1924 – BẮC-NINH).

Dầu đã làm bà, Mẹ Đàng Ngoài vẫn còn sinh thêm hai người con nữa vào các năm 1895 và 1902: đứa trước có tên là ĐOÀI (1924 – HƯNG-HOÁ), đứa sau có tên là THANH (1924 – PHÁT-DIỆM)). Đứa cháu tên Bắc, vào năm 1913, sinh cho Mẹ người chắt đầu tiên gọi là LẠNG-SƠN, nhưng phải đợi 20 năm nữa, tức là vào năm 1939, Lạng-sơn mới được chính thức thừa nhận. Đến năm 1932, Mẹ Đàng Ngoài có đứa cháu thứ ba, tên là THANH-HOÁ, nhưng lần này từ đứa con thứ tư, Phát-diệm. 4 năm sau, tức là vào năm 1936, đứa cháu đầu tiên của Mẹ là Bùi-chu sinh cho Mẹ một đứa chắt, đặt tên là THÁI-BÌNH. Như vậy, Mẹ Đàng Ngoài (Hà-nội) có tất cả 4 con (Hải-phòng, Vinh, Hưng-hoá, Phát-diệm), 3 cháu (Bùi-chu, Bắc-ninh, Thanh-hoá) và 2 chắt (Lạng-sơn, Thái-bình), tổng cộng, kể cả Mẹ, là 10, lập nên GIÁO TỈNH HÀ-NỘI.

Về phần người Mẹ ĐÀNG TRONG thì mãi về già, lúc được 185 tuổi, nghĩa là vào năm 1844, mới sinh được đứa con đầu lòng và đặt tên là TÂY ĐÀNG TRONG (năm 1924, đổi tên là SÀI-GÒN); còn Mẹ thì lấy tên ĐÔNG ĐÀNG TRONG (1924 – QUY-NHƠN). 6 năm sau, tức vào năm 1850, Mẹ sinh người con thứ hai và đặt tên là BẮC ĐÀNG TRONG (1924 – HUẾ). Năm 1932, Mẹ sinh người con thứ ba và đặt tên là KONTUM. Mẹ lại sinh thêm đứa con thứ tư vào năm 1957 và đặt tên là NHA-TRANG. Người con út của Mẹ hiện giờ là ĐÀ-NẴNG, được Mẹ sinh vào năm 1963. Từ người con thứ ba của Mẹ, vào năm 1967, Mẹ có cháu mang tên BAN-MÊ-THUỘT. Rồi đến lượt đứa con thứ tư tên Nha-trang, vào năm 1975, cũng sinh cho Mẹ người cháu thứ hai mang tên PHAN-THIẾT. Như vậy, 4 người con vùng miền Trung (Huế, Kontum, Nha-trang, Đà-nẵng) và 1 người cháu (Ban-mê-thuột – còn đứa cháu sinh từ người con thứ tư của Mẹ, tên là Phan-thiết, tách ra, đi theo người Dì trong miền Nam), cùng với Mẹ (Huế) – tổng cộng là 6 – lập nên GIÁO TỈNH HUẾ.

Còn người con đầu của Mẹ Đàng Trong, tên là Sài-gòn, vào năm 1850, (cũng là năm Mẹ sinh đứa con thứ hai), thì sinh con đầu lòng và đặt tên là NAM-VANG; đến năm 1938, lại sinh thêm một người con nữa và đặt tên là VĨNH-LONG; 12 năm sau, tức vào năm 1960, Mẹ Sài-gòn sinh một lúc 2 đứa con và đặt tên là ĐÀ-LẠT và MỸ-THO; 6 năm sau, Mẹ Sài-gòn lại sinh đôi một lần nữa, và Mẹ đặt tên cho các con này là XUÂN-LỘC và PHÚ-CƯỜNG. Vậy là Mẹ Đàng Trong có thêm 6 đứa cháu ngoại từ đứa con đầu lòng đang ở miền Nam. Chưa hết, đứa cháu Nam-vang, vào năm 1955, sinh cho Mẹ một người chắt mang tên là CẦN-THƠ; người chắt này, vào năm 1960, sinh cho Mẹ người chút đầu tiên, được đặt tên là LONG-XUYÊN. Và năm nay, 2005, người cháu Xuân-lộc sinh cho Mẹ đứa chắt thứ hai mang tên là BÀ-RỊA. Như vậy, người con đầu lòng của Mẹ Đàng Trong có tên là Sài-gòn, cùng với 5 người con của mình (Vĩnh-long, Đà-lạt, Mỹ-tho, Xuân-lộc, Phú-cường – không tính Nam-vang: người con này, sau khi sinh ra Cần-thơ, thì thuộc về đất Chùa Tháp), 2 người cháu (Cần-thơ, Bà-rịa), 1 người cháu gọi bằng Dì từ miền Trung vào (Phan-thiết), và 1 người chắt (Long-xuyên), tổng cộng là 10, lập nên GIÁO TỈNH SÀI-GÒN.

Cây gia phả này cho thấy Đà-lạt là cháu gọi Nha-trang bằng Dì (chứ không phải là chị em bạn dì – như Đức Hồng Y đã nói), vì Quy-nhơn phải được coi là giáo phận Đàng Trong, đổi thành Đông Đàng trong sau khi sinh ra Tây Đàng Trong là Sài-gòn (cũng như Hà-nội là giáo phận Đàng Ngoài, đổi tên thành Tây Đàng Ngoài sau khi sinh ra Đông Đàng Ngoài là Hải-phòng). Vì nếu ta coi Quy-nhơn và Sài-gòn, cũng như Hà-nội và Hải-phòng, ngang nhau, thì các giáo phận nguyên thủy Đàng Trong và Đàng Ngoài không còn tồn tại nữa sao ?

Sau phát biểu khá dài của Đức Hồng Y – ngài muốn giới thiệu mối liên hệ mật thiết giữa các giáo phận, để mỗi người phát huy sức sống hiệp thông và củng cố tình hiệp nhất trong lòng GHVN – cha quản xứ chánh toà, Phao-lô Lê Đức Huân, đại diện gia đình giáo phận Đà-lạt, chúc mừng người con ưu tú thứ ba của giáo xứ và của giáo phận Đà-lạt được nhập vào hàng giáo phẩm của GHCGVN, cầu chúc ngài luôn được Thiên Chúa ở cùng trong sứ vụ mới và hứa sẽ đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện hằng ngày. Ca đoàn tiếp lời chúc mừng của cha Phao-lô với một bài hợp xướng bằng tiếng la-tinh: Ecce Sacerdos Magnus – Đây là Vị Thượng Tế.

Đại lễ tấn phong Giám mục kết thúc trong tiếng đàn ca tưng bừng dưới một bầu trời đầy ánh nắng vui tươi. Mọi người hân hoan ra về, lòng tràn ngập niềm vui vì được sống những giờ phút quí báu, đầy ân sủng, đầy tình hiệp thông.

YU - MA
(Theo Trang Web của GP Đà Lạt)