Bài phỏng vấn Ðức Tân Hồng Y Phạm Minh Mẫn

VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2003)

California: Toàn văn bài phỏng vấn trong buổi gặp gỡ với Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam do Linh Mục Gioan Trần Công Nghị đã được Ðài Phát Thanh Công Giáo Sống Tin Giữa Dòng Ðời do Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và Vietcatholic Network phát thanh trên ba miền Bắc Nam và Houston trên hệ thống Saigon Radio, và cũng được phát đi từ Washington DC và từ các thành phố lớn tại 21 tiểu bang Hoa Kỳ trên Ðài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại Vietnamese Public Radio. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn: 

Lm Trần Công Nghị: Kính chào quý vị, chắc chắn là anh chị em trong lòng mỗi người đều có tâm sự muốn hỏi Ðức Hỏi Ðức Hồng Y. Thưa Ðức Tân Hồng Y, xin Ðức Tân Hồng Y cho chúng con biết hoàn cảnh Việt Nam trước và sau năm 1975 như thế nào?

ÐHY Phạm Minh Mẫn
: Tôi đến một Cộng Ðoàn Việt Nam hải ngoại, rồi bà con nói với tôi là chúng con có dạy văn hóa Việt Nam cho con cái chúng con để bảo trì truyền thống văn hóa dân tộc của chúng con, của Việt Nam chúng ta. Tôi nói là có hai loại văn hóa không biết phải dạy văn hóa nào. Nhiều người mới thắc mắc là 2 văn hóa có nghĩa là làm sao. Tôi mới giải thích như thế này: văn hóa hồi trước là " ka hát.. ô khô hỏi khổ.. " khổ mà mình ca hát, còn bây giờ thì "khờ.. ô khô hỏi khổ.. " khổ mà khờ, cho nên muốn phải học văn hóa nào? 

Lm Trần Công Nghị: Xin Ðức Tân Hồng Y cho chúng con biết thái độ của những người Công Giáo nhập cuộc như thế nào?

ÐHY Phạm Minh Mẫn: Trong tương quan xã hội, tôi về Thành Phố được 5 năm nay, tôi quan tâm, tôi để ý tôi tìm hiểu, thì tôi thấy Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân giống nhau. Giống nhau có nghĩa là cũng như nhau đối với những mối tương quan xã hội đặc biệt đối với nhà cầm quyền. Một điều mà tôi thấy khá phức tạp, tôi nói một lời hay làm một điều gì đó thì luôn luôn có những ý kiến khác nhau từ cực hữu cho tới cực tả. Tôi không hiểu tại sao nên tôi muốn tìm hiểu, nghiên cứu. Tôi mới khám phá như thế này, nhưng để cho dễ hiểu tôi muốn trình bày như sau: Chúa Giêsu hồi đó có nhiều môn đệ lắm, chọn lọc lại còn 12 vị, rồi khi mà Chúa đứng trước thử thách, chịu khổ nạn và chết đi. Thế thì chúng ta xem coi 12 vị đó phản ứng như thế nào. Nhìn lại mình thì cũng tương tợ như vậy, tôi thấy có 3 loại phản ứng đối với tương quan giữa xã hội. Ông Phêrô thì sắm một cây gươm rồi trong vườn Giệtsemani khi mà Chúa bị vây bắt, Phêrô mới chém đứt tai một tên lính hầu, nhưng mà cũng trong đêm đó khi gặp một người tớ gái nói rằng:"Ðúng rồi ông theo Giêsu này nè!", ông Phêrô nói "không có không có.. " chối Chúa liền. Cho nên ông Phêrô hùng hổ lắm, sắm gươm để chém nhưng đoán xem ra lúc ấy ông Phêrô cũng run lắm nên chém mà không có trúng, rung bởi vì cũng sợ vì rõ ràng là đã phập, nhưng khi chém đứt tai rồi cho tới sáng không đầy 4 tiếng sau, thì chối Chúa đó là một tương quan. 

Tương quan thứ 2 là anh Giuđa mong Chúa sẽ là người điều binh khiển tướng và rồi anh ta sẽ làm tướng hay giữ một địa vị gì đó trong nước mà Chúa sẽ cai trị khi lật được ách nô lệ của Roma. Nghĩa là khi Chúa làm vua làm chúa, thì anh ta sẽ có một chỗ đứng, thế nhưng không phải vậy, anh ta thấy không được gì hết rồi ham tiền do đó mới bán Chúa. Bán Chúa thì coi như không còn là môn đệ, tha hóa con người của mình, con người của mình được kêu gọi là tông đồ của Chúa, môn đồ của Chúa mà đáng lý ra môn đồ của Chúa, tông đồ của Chúa là phải bước theo Chúa bất cứ nẻo đường nào, giai đoạn nào, thế mà giờ đây ông ta phản bội bán Chúa đâu còn là người môn đệ nữa. Cho nên người ta gọi đó là cái tha hóa, tha hóa đưa ông đến cái tuyệt vọng để rồi tự hủy mình, mình không còn là mình. Ðó là mối quan hệ thứ 2 cấu kết với những người có thể đem lại lợi lộc cho mình.

Tương quan thứ ba là đối với ông Gioan vào lúc Chúa sinh thì, nghĩa là khi thời giờ đã định chứ không phải là chuyện tình cờ, khi Chúa sinh ra thì ở trong hang đá không ở trong một ngôi nhà bình thường, lớn lên sống trong một làng rất nghèo khổ, khi chết thì nằm đỡ tại một nấm mồ của người khác, dầu vậy cũng còn có nơi để chôn cất. Thánh Gioan là người đã đứng ra để đi tiếp xúc với chính quyền lúc bấy giờ, điều đình để cất xác Chúa xuống khỏi cây thập giá để chôn tại một nấm mồ đi mượn của người khác. Ðây là mối tương quan thứ ba, phải có tương quan giao tiếp, sắp xếp để chu toàn bổn phận của môn đồ là chôn cất Thầy của mình cho đàng hoàng, cho dẫu không còn nơi nào đàng hoàng hơn là ngôi mồ đi mượn để an táng cho Thầy mình.

Cho nên tất cả những điều Chúa trải qua như vậy chỉ là tạm thôi, nhưng mà cái biến cố Chúa chịu thương khó và chết đi cho thấy tương quan các môn đệ của Chúa với chánh quyền có 3 hạng người: loại của Phêrô, loại của Giuđa và loại của Gioan. Thì tôi thấy ở Sàì Gòn trong Thành Phố tôi, đời sống rất là đa dạng, rất là phức tạp thì nếu không có hạng người như Phêrô, Giuđa hay Gioan nhưng mà tương quan của họ như lúc một người nào đó ở gần Phêrô hơn, lúc khác gần Giuđa hơn, lúc khác lại gần Gioan hơn, họ cứ di động di chuyển giữa 3 cái cực đó. Nhóm người này thì theo cái hướng chung với nhau, nhóm người kia thì theo các I hướng ngược lại. Cho nên gia đình của Chúa, Dân của Chúa ở tại Sài Gòn sống trong một tương quan khá phức tạp. Nhưng mà Chúa Giêsu coi Chúa Giêsu phải làm sao, Chúa không ruồng rẫy ai hết, người đi chối Chúa thì Chúa là chọn để cầm đầu Giáo Hội, người không những phản bội nhưng mà lại còn bắt đạo giết đạo thì Chúa chọn để truyền đạo là Thánh Phaolô. Còn Magdalena là một cô gái điếm, làm sao lại có một tình yêu trung thành, trong trắng và gương mẫu cho mọi người? Thế mà Chúa lại chọn Magdalena làm chứng nhân tình yêu của Chúa cho mọi ngườì. Cái đó là suy nghĩ và phân loại của mỗi người.

Tại Roma cũng có người hỏi tôi, xin Ðức Cha cho biết kinh nghiệm về ơn gọi, thì tôi cũng kể câu chuyện trên. Ðiều đó cho chúng ta thấy rằng Chúa chọn mỗi người là người Kitô Hữu, thì Giáo dân, linh mục hay Giám Mục hay Hồng Y cũng vậy thôi. Không phải vì tài năng, công đức của mình, Phêrô công đức gì đến chối thầy 3 lần … công đức gì. Phaolô cũng vậy thôi vừa bắt đạo lại giết đạo, cho nên đâu phải công đức về những công việc làm đâu. Nhưng chỉ vì lòng yêu thương, nên ơn gọi của chúng ta phát xuất từ tình yêu của Chúa, hướng tới đón nhận tình yêu và chia sẻ tình yêu đến cho mọi người.

Cho nên tôi thiết nghĩ ơn gọi của tôi trên bước đường mới thì cũng giống như anh chị em, nó phát xuất từ đâu và nó đi tới đâu. Cũng phát xuất từ một tình yêu của Chúa và đi đến tình yêu của Chúa. 

Lm Trần Công Nghị: Nhiều người cho rằng Ðức Tân Hồng Y giỏi quá, tại Hà Nội mới một ngày trước chính quyền không công nhận rồi một ngày sau Ðức Hồng Y chỉ cười một cái rồi lại công nhận, nhiều người có ý không tốt. Nhân dịp này xin Ðức Hồng Y có thể cho biết thêm?

ÐHY Phạm Minh Mẫn: Ở Roma cũng có người hỏi tôi cách mỉa mai, mấy ngày trước nhà nước không cho rồi Ðức Hồng Y nói một tiếng nhà nước lại cho. Thế thì Ðức Hồng Y giỏi quá, Ðức Hồng Y nói làm sao! Hồi tôi lên Sài Gòn cũng gặp trường hợp tương tự như vậy tức là sau một năm rưỡi, tại sao hồi đó chính quyền không công nhận Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, rồi sau đó cũng không công nhận Ðức Cha Huỳnh Văn Nghi, nhưng tại sao lại nhận tôi. Tôi cũng không biết nữa, tôi không có gặp họ bao giờ. Lại có người hỏi tôi chớ Ðức Cha có chịu điều kiện nào để chính quyền cho Ðức Cha từ Mỹ Tho lên Thành Phố Hồ Chí Minh không?. Tôi xét mình lại tôi thấy có mỗi một điều kiện thôi là Chúa hỏi tôi có mến đoàn chiên của mình không? Chỉ có một điều kiện đó thôi, không những đoàn chiên của mình mà cả đến dân tộc của mình. Và cái điều kiện đó tôi cố gắng sống từ xưa tới nay, bất cứ trong hoàn cảnh nào. Tôi chỉ thấy có điều kiện đó thôi chứ không thấy điều kiện nào khác cả. Tôi cũng không cam kết với ai, chịu hứa miệng với ai điều gì hết. Thế thì dần dần rồi người ta cũng hiểu ra thôi, rồi lần này cũng tương tợ như vậy.

Câu chuyện như thế này, trưa Chúa Nhật 28/9 trước khi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha đã công bố danh sách 30 tân Hồng Y, nhưng mà chiều thứ bảy trước đó thì Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, qua Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đó là nhân vật số 1 sau Ðức Thánh Cha đã gọi điện cho tôi từ Vatican báo cho biết rằng tôi có danh sách trong danh sách 30 tân Hồng Y, và Ngài cho tôi biết trưa Chúa Nhật ngày mai tức là 6 giờ chiều Việt Nam, thì Ðức Thánh Cha sẽ công bố danh sách. Ðức Hồng Y báo cho tôi biết trước để rồi chuẩn bị sang Roma càng sớm càng tốt để chuẩn bị các nghi thức nhận mão và nhẫn Hồng Y. Nhưng Ðức Hồng Y Sodano nhắc thêm rằng báo cho biết tin này nhưng không được thông báo cho ai cho tới khi Ðức Giáo Hoàng công bố danh sách, tức là cho tới 6 giờ chiều Chúa Nhật thì mới được thông báo cho người khác biết.

Trong nhà thì có hai Cha thư ký, một Cha chuyên lo về pháp luật tức là lo về Tòa Án Hôn Phối, ba người ngồi ăn cơm chung với nhau, nhưng từ bữa cơm tối Thứ Bảy đến bữa cơm trưa Chúa Nhật, mà tôi không nói cho ai được. Cứ phải giữ cho riêng mình, nên tôi cảm thấy trong đầu thì quay cuồng lỗ tai thì lùng bùng. Tôi đã kể cho nhà nước biết đó như là chuyện trên trời rớt nhằm ngay xuống tôi. Vào ngày thứ Hai 29/10 thì Ðức Cha Bùi Tuần gọi điện từ Long Xuyên chúc mừng, trong ngày đó tôi cũng phải thông báo, rồi chuẩn bị chương trình đi Roma, ngày lễ tạ ơn 9/12, rồi cũng phải lo thu xếp nhắn tới những người sẽ đi trong đoàn đến Roma, như đã thấy trong tuần qua là năm mươi mấy người gồm có hơn 20 Linh Mục, hơn 10 nữ tu và số còn lại là Giáo Dân tại Sài Gòn. 

Ðức Cha Bùi Tuần là người mau mắn đã gọi điện chúc mừng tôi vào sáng sớm thứ Hai rồi nói đùa với tôi làm Hồng Y là phải làm thêm 2 chuyện này: chừng nào bầu Ðức Giáo Hoàng thì ráng phải đi, rồi nếu mà lỡ các vị bầu cho mình làm Giáo Hoàng thì ráng mà nhận. Tôi mới trả lời với Ðức Cha Bùi Tuần là nếu bầu trúng làm Giáo Hoàng mà ráng nhận thì chuyện ấy cũng còn lâu lắm. À! nhưng mà chừng nào bầu làm "Giáo Tông" thì có cơ may được lắm. Ðức Cha Bùi Tuần mới thắc mắc hỏi tại sao. Tôi mới nói là khi bầu "Giáo Tông" là "Giống Tao" có nghĩa là bầu cái người "Giống Tao" nè. 

Ðó là ngày thứ Hai, thì ngày Thứ Ba (30/10) tôi đi ra Hà Nội để đến ngày Thứ Tư (1/10) là lễ tấn phong Tân Giám Mục Ðịa Phận Hưng Hóa (Antôn Vũ Huy Chương) sau 11 năm không có Giám Mục. Trong Thánh Lễ phong chức tôi đã gặp rất nhiều Giám Mục và Linh Mục, người ta hỏi tôi có đọc "kinh" trên mạng lưới Internet không, tôi nói lúc này lu bu nhiều chuyện quá không có thì giờ đọc kinh đức chỗ nào cả. Ở trên mạng lưới có nói nhà nước nói không có nhận Ðức Cha, có aì nói Ðức Cha gì không. Tôi trả lời không có ai nói gì cả. Tôi mới nói với các Cha đi chung trong công đoàn sau lễ phong chức sẽ về Hà Nội vào buổi chiều, bởi vì Hưng Hóa Hà Nội chỉ đi mất một tiếng đồng hồ thôi.

Vừa đến Hà Nội, tôi đến gặp Ban Tôn Giáo để hỏi cho ra lẽ, trao đổi với người ta, nắm bắt tình hình xem như thế nào. Tôi gọi điện thoại để hẹn gặp vào lúc 3 giờ chiều 1/10, tôi đến trình bày và chỉ nói 2 điểm này: thứ nhất là nhận được tin từ trời rơi xuống, đầu còn quay quay, tai còn lùng bùng; thứ hai là theo hiểu biết của tôi, Hồng Y không phải là một chức vụ, đối với Việt Nam không có gì hết chỉ là một cái tước vị thôi. Chức vụ là Tổng Giám Mục Sài Gòn thì không có thêm bới gì cả, chỉ thay đổi một chút thôi, là mấy cái áo viền tím bây giờ thành đỏ.

Tôi đã trình bày như thế, cũng có mấy người đi theo tôi đã nghe rõ đầu đuôi câu chuyện. Lúc ấy Ban Tôn Giáo mới đưa cái bản tin của American Press của Hãng Thông Tấn Hoa Kỳ trong đó có nói hai điều là chính phủ Việt Nam không hay biết gì về vấn đề bổ nhiệm, do đó chính phủ Việt Nam không chấp nhận vấn đề bổ nhiệm, thì ông Phó Ban đã đưa bản tin cho tôi và nói là không đúng. Ông giải thích là sau 12 giờ trưa Chúa Nhật 28/10, khi Ðức Giáo Hoàng công bố xong rồi, thì Bộ Ngoại Giao có gọi điện cho ông Ðại Sứ Việt Nam ở Roma (Lê Vĩnh Thụ) để báo tin, như thế là đã biết ngay từ đầu chứ không phải là không biết, cái thứ hai là chưa có ai đại diện Thủ Tướng hay Chính Phủ để chính thức rõ ràng công bố để phủ nhận và đó là chuyện không có. Mà kỳ thực tôi cũng không nhận tin là được công nhận hay không được công nhận cho tới khi tôi gặp họ. 

Sau đó họ đã đề nghị với tôi là Cụ hãy về làm báo cáo cho Thủ Tướng những diễn tiến xảy ra như thế, để rồi Thủ Tướng công nhận Cụ trong tước vụ Hồng Y mới này. Tôi nói thêm là có hàng chục Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân đi trong đoàn muốn theo tôi sang Roma, nên liệt kê luôn trong đó có được hay không? Họ nói được. Tôi mới hỏi là máy bay cất cánh lúc 5 giờ 30 mà bây giờ nói chuyện lúc ấy đã là 4 giờ rồi, cho nên về Sài Gòn làm có được không. Họ nói nếu Cụ có thể làm được liền thì càng tốt. Nên tôi mới nói với đoàn Linh Mục đi theo tôi và nói với Cha Quản Lý hãy đổi vé máy bay vào lúc 8 giờ 30 tối, để về Tòa Giám Mục Hà Nội lo chuyện này, trả nợ cho nó xong để rồi còn lo chuyện khác. 

Tôi trở về tòa Giám Mục Hà Nội mượn văn phòng, máy móc đánh máy để làm xong thủ tục giấy tờ trong vòng một tiếng đồng hồ, rồi mang lại đến văn phòng Ban Tôn Giáo. Tôi chẳng hiểu tại sao họ hối như vậy, tối 10 giờ đêm là tôi đã về tới nhà rồi (Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn). Tới trưa ngày hôm sau Thứ Năm 2/11 tôi nhận được 2 cái thư từ ông Tổng Lãnh Sự Pháp là 2 cái bao thư lớn như nhau trong mỗi cái bao thư có kèm theo một tờ giấy Chúc Mừng và cái bản tin, trong đó có một cái bản tin vào ngày 30/9 còn một cái bản tin vào sáng ngày mùng 2/10. Trước là cái bản tin về chuyện không biết không công nhận, sau là cái bản tin đã biết vào ngày mùng 2/10 của Bộ Ngoại Giao hoan nghênh việc bổ nhiệm này là niềm vui của người Công Giáo v.v..Thì ông Tổng Lãnh Sự Pháp gởi cho tôi 2 cái bản tin với 2 cái chúc mừng, cái nào ông cũng chúc hết, không chấp nhận cũng chúc mà chấp nhận cũng chúc. 

Sống trong xã hội mình cũng phải sống lịch sự lễ phép đối với mọi người, cho nên khi về tới Thành Phố, tôi nói với 2 Cha Thư Ký sắp xếp cho tôi chào thăm các vị lãnh đạo trong Thành Phố. Rồi trưa hôm sau tôi đến Ủy Ban Tôn Giáo Trung Ương, thì ở đây họ đã gởi các bản sao cho các vị trong này biết rồi, là đã có gặp làm sao và như thế nào. Vừa gặp chưa nói gì hết thì người ta đã chúc mừng, rồi tôi mới nói luôn đến việc có nhiều người đi chung đoàn với tôi (sang Roma), nhiều người chưa có giấy Passport, thì các vị lãnh đạo mới nói phải giải quyết để cho họ đi. Cụ thể mà nói có một số làm giấy không kịp, cho nên qua được Roma là năm mươi mấy người, còn số hơn 10 người là làm không kịp phải ở lại Việt Nam.

Nhưng mà họ cũng đã cố gắng để lo thủ tục cho nhanh chóng đó là cái thứ nhất, cái thứ hai là tôi cũng nói là tôi sẽ đi công tác lòng vòng các nơi tới ngày 9/12 mới có lễ Tạ Ơn được tổ chức tại Việt Nam ở Tổng Giáo Phận Sài Gòn, rồi tôi có mời một số Hồng Y nước ngoài. Vì từ xưa tới nay chưa có một Giám Mục nào mới Giáo Sĩ.. Giám Mục nước ngoài đến ở nhà mình, hồi tháng Giêng năm nay tôi có mời Ðức Tổng Giám Mục Paul Joseph Cordes, là Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng "Ðồng Tâm" Cor Unum, là Hội Ðồng chuyên lo về các việc từ thiện bác ái của Công Giáo Các Nước. Từ trước tới nay là không có ai đứng ra mời được, kế đến là không được ở trong Tòa Giám Mục nhưng phải ở khách sạn. Tôi có nói là từ trước đến giờ thì phải ở khách sạn nhưng bây giờ khách sạn nhiều khách du lịch nên không còn chỗ, họ nói không sao không có gì cả bây giờ an ninh lắm. Tới lần này tôi có nói là tôi có mời một số Hồng Y Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhựt, Hàn Quốc, Ðài Loan và Thái Lan. Thì 9/12 cũng là cao điểm của SEAGAME mà tôi biết là khách sạn cũng sẽ không còn chỗ. 

Nhà tôi kỳ thực thì phòng có nhưng giường chiều thì chưa nên tôi cũng phải lo đi sắm nữa. Tôi có hỏi là có gì bất tiện không, thì họ nói là không có gì cả. Tôi muốn là các vị đó ngoài việc tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn, tôi cũng muốn các Ngài đi thăm một số Giáo Phận Ðồng Bằng Sông Cửu Long, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Phú Cường … để thấy bộ mặt của Giáo Hội đồng thời cũng để thấy bộ mặt của đất nước, thế thì các ông thấy làm sao. Họ nói tốt lắm không có sao cả. Thế thì cho chúng tôi chiêu đãi một bữa, tốt rồi hai bữa cũng không sao.

Cho nên mấy ngày này tôi cũng gởi thư mời, chính là dự lễ sau là lên chương trình đi thăm đâu đó cho rõ ràng, đi dài dài xuống tới Cần Thơ rồi trở về v..v. Tôi cũng không biết là sức khoẻ có cho phép các vị đi dài dài không, bởi vì tôi gặp một vị chính quyền ở Cần Thơ và nói rằng tôi sẽ đưa một số Hồng Y đến thăm Cần Thơ và hỏi có chỗ nào để tiếp chỗ ở vì phòng ốc nóng quá thì làm sao đi thăm các nơi được. Thì họ nói là tòa Giám Mục Cần Thơ mới xây lại cho nên có thể ở Tòa Giám Mục Cần Thơ, tôi có nói là điều kiện ở Tòa Giám Mục Cần Thơ thì tôi chưa biết, mình thì có thể ngủ được nhưng cho người ta thì có thể không được, nhưng họ nói không có "sao" nào hết trơn cả. Tôi trình bày có ngủ được nhưng ít nhất là phải có một hai "sao" tức là phải có máy lạnh để có thể ngủ được rồi hôm sau mới đi tiếp nữa được. Họ nói cho tôi biết là họ sẽ kiếm cho v..v..

Ðại khái những tương quan là như thế mà tôi vừa trình bày, thực ra mà nói quý Ông Bà và Anh Chị Em cũng biết thôi, trong Giáo Hội chúng ta cũng có những cái nhìn, những quan điểm khác nhau, thì đối với nhà nước cũng như vậy. Mỗi người quan điểm khác nhau chứ không ai giống ai, có một điều nói chung là những cán bộ cao cấp nhất miền Bắc khi về hưu thì muốn vô miền Nam sống, nói như vậy là quý vị hiểu như thế nào.

Khi tôi đi máy bay từ Hà Nội về Sài Gòn, tôi có gặp một người ngoại giao người Mỹ ở trên đất nước Việt Nam gần 20 năm, đã làm trong ngành ngoại giao cả chục năm rồi sau đó chuyển sang doanh nghiệp làm công ty sữa gì đó … Trong khi uống nước nói chuyện chờ máy bay cất cánh thì với kinh nghiệm 20 năm ở Việt Nam đi cả 3 miền Bắc Trung Nam, vì biết tôi ở Sài Gòn nên ông ta hỏi tôi chính quyền ở miền Nam có sự cởi mở hơn chính quyền ở miền Bắc có đúng vậy không. Tôi nói chắc là như thế vì nó như thế này, chính quyền cộng sản miền Bắc xây cái nhà đã nửa thế kỷ rồi, ở miền Nam thì căn nhà lợp lá mới có từ 1975 tới giờ thôi, bằng lá thì gỡ ra xây lại nó cũng dễ dàng hơn.

Tôi không biết còn gì đáng phải nói thêm.

Lm Trần Công Nghị: Từ nãy đến giờ Ðức Tân Hồng Y đã dành cho chúng con hơn một tiếng đồng hồ rồi, chúng con không muốn làm mất thời gian của Ðức Hồng Y, trong dịp này xin Ðức Hồng Y dành vài phút để Ðức Hồng Y có gì muốn nhắn nhủ với chúng con? 

ÐHY Phạm Minh Mẫn: Trước là tôi xin cám ơn, chắc chắn rằng là quý ông bà anh chị em khi nghe tin thì đã lo lắng và cầu nguyện cho tôi, cho Giáo Hội Việt Nam. Tôi xin chân thành cám ơn. Cuối cùng quan trọng hơn là khi tôi về Sài Gòn được một năm, 365 ngày mỗi một ngày tôi đi phải 2, 3 nơi, một tuần 7 ngày. Hầu như là ngày nào cũng như vậy, cho nên suốt một năm trời, thường xuyên là ở ngoài đường ở các nơi, đi thăm viếng, lễ lạc. Sau năm đó thì 2, 3 vị Giám Mục đến thăm và hỏi coi sức khỏe lúc này làm sao. Các Ngài đến thăm coi xem tôi còn "sống" hay không? Tôi mới thấy là tôi không hiểu tại sao mà tôi còn sống cho tới giờ này. Các vị mới nói là nhờ bà con cầu nguyện. Tôi nói thật đúng như vậỵ

Nếu không nhờ lời cầu nguyện như một sức mạnh thì tôi thấy tôi không thể sống tới ngày hôm nay. Từ đó tới nay, và từ đây sắp tới cũng tương tợ như thế. Cho nên lời cầu nguyện của quý ông bà anh chị em hết sức quý báu để cho tôi sống, sống hoài, sống mãi, sống cho tới chết để phục vụ Chúa.

Sau đó Ðức Tân Hồng Y đã ban phép lành cho tất cả mọi người.

Ngọc Loan