Ðôi dòng ghi nhớ

Lữ-Giang

Một người Việt Nan vừa ra đi đã được rất nhiều người và nhiều giới trên khắp thế giới tiển đưa với lòng thương tiếc, trong đó có 174 phái đoàn ngoại giao các nước, đó là Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Từ trước đến nay, chưa một người Việt Nam nào được vinh dự như vậy. Tại sao? 

Cha lại đi thêm một quảng đường, 
Chông gai, mịt mù và vô định. 
Trên đường cha gặp lắm lữ khách, 
Cha đã xem tất cả là bạn, 
Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu, 
Vì tất cả là hồng ân... 

Ðó là những lời Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết cách đây 26 năm, lúc ngài bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt từ Sàigòn đưa ra quản thúc tại giáo xứ Cây Vong, Nha Trang. Phải chăng đây là những lời tiên tri về cuộc đời của ngài và hướng sống mà ngài đã chọn? 

1.- BƯỚC GẬP GHỀNH VÀO ÐỜI 

Tôi gặp Linh mục Nguyễn Văn Thuận lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1953 khi ngài đến nhận chức Phó xứ giáo xứ Tam Tòa thuộc thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình, sau khi ngài vừa chịu chức linh mục tại Huế vào tháng 6. Lúc đó, chúng tôi đang về nghĩ hè tại đây. Giáo xứ Tam Tòa là một giáo xứ lớn nhất ở Ðồng Hới, thường có 3 linh mục coi sóc. Tôi nhớ năm 1953, tại giáo xứ này đã có các linh mục sau đây: Lm. Nguyễn Văn Tâm: Chính xứ; Lm. Trần văn Cần, Phó xứ I; và Lm. Ðỗ Bá Ái: Phó xứ II. Ngoài ra, còn có thêm một linh mục người Pháp làm tuyên úy quân đội, đó là linh mục Georges Neyroud. Hình ảnh của linh mục Nguyễn Văn Thuận hồi đó là hình ảnh của một người cao và gầy, ốm yếu, ăn nói nhỏ nhẹ và hay nói đùa. Ngài ở trong một căn nhà ngang, nằm ngoài dãy lầu chính dành cho các linh mục khác. Nhìn hình ảnh của ngài lúc đó, không ai nghĩ rằng con người này ngày sau sẽ trở thành một Hồng Y, giữ một chức vụ quan trọng tại Tòa Thánh Vatican. 

Khuôn viên nhà cha xứ Tam Tòa là một khu vườn tuyệt đẹp và rộng mênh mong, nằm ngay trên bờ sông Nhật Lệ, nhìn về phía đàng xa kia là biển. Chúng tôi thường tới sinh hoạt hướng đạo tại đó. Vào những buổi chiều trăng lên, nhất là vào mùa Hạ và mùa Thu, chúng tôi hay đến ngồi quanh cái bàn đá sát bờ sông để thưởng trăng. Ðôi khi Linh mục Nguyễn Văn Thuận ra trò chuyện với chúng tôi. Bây giờ khung cảnh đó chỉ còn trong trí nhờ, vì toàn thể thành phố Ðồng Hới đã bị máy bay Mỹ san bằng trong chiến tranh. Sau khi đi tù về, tôi trở lại Ðồng Hới năm 1987, không thấy còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Tôi không thể tưởng tượng được ngôi trường mà tôi đã học lúc còn nhỏ nằm ở khu nào. 

Trong các sinh hoạt, Linh mục Nguyễn Văn Thuận luôn cố gắng đi theo chúng tôi, nhưng hình như ngài không thể theo kịp vì sức khỏe quá yếu. Chỉ khoảng 8 tháng sau, ngài phải rời Tam Tòa để vào Huế chữa bệnh. 

Sau cuộc di cư vào tháng 8 năm 1954, tôi vào Huế tìm thăm ngài thì ngài đang nằm trong bệnh viện, trông rất xanh xao và gầy yếu. Nhưng rồi nhờ một "phương thuốc nhiệm mầu", sức khỏe của ngài bổng nhiên phục hồi lại, tướng mạo phương phi hẵn lên. Ngài được cử làm Phó xứ Thánh Francois Xavier, thường được gọi là nhà thờ Nhà Nước, lúc đó đang do linh mục Darbon người Pháp làm chánh xứ. Năm 1956 ngài được đi Roma học và đến năm 1959 ngài đậu Tiến Sĩ Luật Khoa về Giáo Luật. Từ đó, cuộc đời của ngài đi lên, nhưng chông gai cũng quá nhiều. 

2.- NHỮNG KÝ ỨC VỀ QUẢNG BÌNH 

Tuy ở Quảng Bình chỉ có 8 tháng và sau đó hiệp định Genève được ký kết ngày 20.7.1954 phân chia đất nước, Quảng Bình thuộc về miền Bắc, nhưng ngài nói với tôi rằng Quảng Bình luôn in sâu trong tâm khảm của ngài. Ðiều này cũng dễ hiểu. Quê ngoại của ngài ở làng Ðại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, một làng quê chỉ cách thành phố Ðồng Hới khoảng 30 cây số. Nơi đây, gia đình cụ Ngô Ðình Khả đã sinh ra, lớn lên và gặp biến cố kinh hoàng năm Ất Dậu (1885) do Văn Thân gây ra. Những người sống sót, một phần chạy về Ðồng Hới kết hợp với các giáo dân chạy loạn khác, thành lập giáo xứ Tam Tòa, một phần chạy vào Huế lập cư ở vùng Bãi Dâu. 

Sở dĩ gọi là Tam Tòa, vì nơi đây trước kia có Tam Pháp Tòa do Nhà Nguyễn thành lập. Tam Pháp Tòa là một tòa án cao nhất gồm có đại diện Bộ Hình, Ðô Sát Viện và Ðại Lý Tự, xét xử các vụ án quan trọng. Ở trong thành nội Huế cũng có một Tam Tòa gióng hệt như thế. 

Khi Linh mục Nguyễn Văn Thuận đến Tam Tòa thì gia đình cụ Ngô Ðình Quyền, anh của cụ Ngô Ðình Khả, đang sinh sống tại đó, và bà Ngô Ðình Thị Tiến, em của cụ Ngô Ðình Khả, đang làm Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá tại đây. Thân mẫu của ngài là bà Ngô Ðình Thị Hiệp, em của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, năm nay vừa mừng thọ 100 tuổi, hiện đang sống ở Úc, đã kể cho ngài nghe nhiều lần về biến cố năm Ất Dậu tại làng Ðại Phong, nên ngài khó quên được. 

Sau này, khi in xong cuốn "Những bí ẩn đàng sau cuộc chiến Việt Nam", Quyển I, trong đó có nói về dòng họ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, tôi có gởi biếu ngài. Khi đến Orange County, thấy tôi đứng ở xa, ngài đã chạy tới ôm chầm lấy tôi và hỏi: "Chú mi lấy tài liệu ở mô mà viết đầy đủ như rứa?" Hồi còn nhỏ, ngài thường gọi tôi bằng "chú mi". Khi tôi có chút địa vị trong xã hội, ngài không gọi bằng "chú mi" nữa mà gọi bằng tên, nhưng thỉnh thoảng cũng quen miệng kêu "chú mi"! 

Ðối với tôi, viết về gia đình họ Ngô không khó lắm. Hồi nhỏ, tôi thường nghe những người lớn trong làng kể nhiều lần về biến cố kinh hoàng xẩy ra năm Ất Dậu cho các giáo xứ tại Quảng Bình, trong đó có làng Ðại Phong và gia đình cụ Ngô Ðình Khả. Vì thế, sau khi tham khảo tài liệu trong các văn khố, tôi hỏi lại một số người lớn tuổi trong làng còn sống sót, họ đã kể thêm cho tôi nghe nhiều chi tiết hữu ích và thích thú. Sau này, Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có kể cho tôi thêm nhiều chi tiết quan trọng mà thân mẫu ngài đã kể lại, để tôi có thể viết đầy đủ hơn. 

3.- BƯỚC ÐƯỜNG ÐI LÊN 

Dưới chế độ Ngô Ðình Diệm, Linh mục Nguyễn Văn Thuận tuy thuộc dòng họ Ngô, có bằng tiến sĩ luật, làm giáo sư rồi giám đốc chủng viện ở Huế, nhưng ít ai chú ý đến ngài, vì ngài thuộc về bên ngoại và trên ngài còn có nhiều vị quyền thế khác. Lúc đó tôi cũng đang là một sinh viên luật khoa, nên chưa có cơ hội tham gia vào đời sống chính trị. Sau này, khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, những biến loạn liên tiếp xẩy ra tại miền Trung, vai trò của ngài bổng trở nên quan trọng. 

Ngày 9.4.1966 Tướng Tôn Thất Ðính được cử làm Tư Lệnh Vùng I thay thế Tướng Nguyễn Văn Chuân với nhiệm vụ giải quyết các vụ biến loạn miền Trung. Nhưng khi đến Huế, Tướng Ðính chẳng những không giải quyết được gì mà còn đứng về phe Thượng Tọa Thích Trí Quang, làm cho tình hình rối loạn tăng thêm. Nhóm "Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng" do Việt Cộng tổ chức và lãnh đạo, đã nấp dưới danh nghĩa Phật Giáo, lộng hành tại Huế và Ðà Nẵng, muốn bắt ai thì bắt, muốn giết ai thì giết, chẳng coi chính quyền và luật pháp ra gì cả. Giữa các giáo xứ tại Huế và Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng đang dàn trận để đánh nhau. Lực Lượng đã đánh chiếm giáo xứ Giạ Lê (Phù Lương). Nhưng nhờ sự dàn xếp khéo léo giữa Linh mục Nguyễn Văn Thuận, lúc đó đang giữa chức Tổng Ðại Diện Giáo Phận Huế, với Thượng Tọa Thích Trí Quang, cuộc chiến đẩm máu giữa hai bên đã không xẩy ra. Từ đó, uy tín của ngài cứ lên dần. Khi nghe tin quân đội và cảnh sát từ Ðà Nẵng đang tiến ra Huế, Tướng Ðính vào nấp trong chủng viện Hoan Thiện và nhờ Linh mục Nguyễn Văn Thuận che chở. 

Ngày 24.6.1967, Linh mục Nguyễn Văn Thuận được Tòa Thánh chọn làm Giám Mục Nha Trang. Lúc đó tôi đã có chút địa vị trong xã hội, có quan hệ chặt chẽ với nhiều cơ quan, và được nhiều người biết tên qua những bài nhận định và bình luận trên tờ Thẳng Tiến. Do đó, khi có biến cố gì quan trọng, Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận thường vào Saigòn, cư ngụ ở Dòng Chúa Cứu Thế hay nhà của thân phụ ngài ở đường Phan Thanh Giản, ngay sát bên cạnh nhà của ông già vợ tôi, và gọi tôi đến trao đổi tin tức. Có khi tôi ra Nha Trang thông báo cho ngài những tin quan trọng mà tôi nhận được. 

4.- BIẾN CỐ LÀM THAY ÐỔI CUỘC ÐỜI 

Một biến cố trong tháng 4 năm 1975 đã đưa Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận vào những ngày bi thảm nhất của cuộc đời ngài, nhưng cũng từ đó ngài đã bước lên những địa vị quan trọng sau này trong Giáo Hội. Ðây là một biến cố mà chính tôi là người đã chứng kiến và theo dõi rất sát. 

Khi đoán biết miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã 5 lần đề nghị Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Henri Lemaitre, xin Tòa Thánh cử Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Phó Tổng Giám Mục Saigon với hy vọng sự khôn ngoan của ngài có thể đưa Giáo Hội Việt Nam vượt qua những cơn khó khăn sắp đến, nhưng khi được Tòa Khâm Sứ hỏi ý kiến, Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận luôn từ chối. Tuy nhiên, khi tình hình trở nên nghiêm trọng, chiếu theo đế nghị của Ðức Khâm Sứ, ngày 25.4.1975 Tòa Thánh đã phong ngài làm Tổng Giám Mục hiệu tòa thành Vadesitana, giữ chức Phó Tổng Giám Mục Giáo Phận Saigon với năng quyền kế vị. Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nghĩ rằng nếu tình hình quá khó khăn, ngài sẽ từ chức và trao quyền lại cho Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. 

Sau khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn, ngày 8.5.1975, một nhóm Linh mục đã gởi đến Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình một kiến nghị yêu cầu hoãn không cho Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận nhận chức Tổng Giám Mục Phó. Kiến nghị này do các Linh mục sau đây ký tên: Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Ðình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm, Hoàng Kim, Huỳnh Công Minh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ðinh Bình Ðịnh, Nguyễn Thiện Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Nghị. 

Mặc dầu có sự phản đối nói trên, ngày 12.5.1975 Tòa Giám Mục Saigon vẫn thông báo cho các giáo xứ trong Giáo Phận biết, Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục Nha Trang, đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó Giáo Phận Saigon với quyền kế vị và ngài đã đến nhận nhiệm vụ mới ngày 12.5.1975. 

Nhận được thông báo này, các linh mục Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Ðình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm và Hoàng Kim đã đến Chủng Viện Thánh Giuse ở đường Cường Ðể chất vấn Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình và yêu cầu Ðức Phó Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận từ chức. 

Ngày 13.5.1975, một nhóm sinh viên công giáo đã xâm nhập Tòa Giám Mục Saigon, căng lên những biểu ngữ sau đây: 

- Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục của ai? 
- Vì quyền lợi của Giáo Hội Việt Nam, yêu cầu Nguyễn Văn Thuận từ chức. 
- Không có hòa giải, Nguyễn Văn Thuận phải rút lui. 

Ngoài ra, nhóm này cũng gởi đến Ðức Khâm Sứ Henri Lemaitre một văn thư nói rằng "Mỹ - Thiệu và tay sai đã dẫm lên nhau chạy trốn, sự bổ nhiệm một Giám Mục chống Cộng tại Saigon là một điều nguy hiểm không những cho Giáo Hội mà cho cả dân tộc Việt Nam". Họ yêu cầu Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận phải từ chức để "tránh cho Giáo Hội và dân tộc Việt Nam những phiêu lưu vô vọng và nguy hiểm". 

Ngày 14.5.1975, một đoàn biểu tình do Ðoàn Phú Khánh cầm đầu, đã xâm nhập Tòa Khâm Sứ của Tòa Thánh ở đường Hai Bà Trưng, trèo lên nóc nhà hạ cờ Tòa Thánh xuống và căng biểu ngữ đòi Ðức Khâm Sứ Henri Lemaitre phải cút đi. Họ đẩy một linh mục người Ba Lan và linh mục Trần Ngọc Thụ ra khỏi Tòa Khâm Sứ. Trong khi đó, Linh mục Huỳnh Công Minh đứng chụp hình và Linh mục Thanh Lãnh phát bản tuyên cáo. Ngày 3.6.1975, họ đến phá Tòa Khâm Sứ một lần nữa. Ðược tin này, các thanh niên công giáo thuộc giáo xứ Bùi Phát ở đường Trương Minh Giảng đã kéo lên. Nhưng khi các toán thanh niên này mới đến đầu cầu Trương Minh Giảng thì bộ đội xả súng bắn vào họ, một người bị chết và nhiều người bị thương. Linh mục Vũ Bình Ðịnh, Phó xứ Bùi Phát đã bị bắt ngay sau đó. 

Trước sự chống đối này, ngày 7.6.1975 Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã gởi cho các linh mục và giáo dân một văn thư, trong đó có những đoạn như sau: 

"Tôi đã hết sức ôn hòa, lắng nghe và thông cảm đồng thời giải thích trực tiếp hoặc gián tiếp cho những ai muốn đối thoại với tôi về những sự việc trên. Nhưng tình trạng ấy chưa khả quan hơn." 

Sau đó, ngài kêu gọi: 

"Tôi kêu gọi tất cả quý cha, các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân sẵn sàng tuân phục hoàn toàn quyết định của Tòa Thánh La Mã". 

Ngày 18.6.1975, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã gởi cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một văn thư yêu cầu ba điểm sau đây: 

1) Triệt để thi hành Sắc Lệnh Tự Do Tín Ngưỡng và chính sách 10 điểm của chính phủ để gây tin tưởng và phấn khởi nơi toàn dân đối với chính phủ. 
2) Chấm dứt chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ, vu cáo các chức sắc của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. 
3) Chấm dứt ngay chiến dịch vận động phi pháp trục xuất Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, vì việc trục xuất phi pháp này vi phạm trầm trọng Sắc Lệnh Tự Do Tín Ngưỡng và chính sách 10 điểm của chính phủ, sẽ gây nguy hại cực kỳ lớn lao không lường được, về đối nội cũng như đối ngoại, cho Quốc Gia Dân Tộc. 

5.- BẮT ÐẦU NHỮNG NGÀY GIAN TRUÂN 

Mặc dầu có thư phản kháng của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, ngày 27.6.1975, Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Saigon - Gia Ðịnh công bố quyết định không cho Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được hoạt động tại nhiệm sở mới. Ngày 1.7.1975 Ủy Ban Quân Quản gởi cho Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận một văn thư yêu cầu ngài phải trở lại nơi cư trú trước ngày 30.4.1975. 

Chiều 15.8.1975, Ủy Ban Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Thành Phố Hồ Chí Minh mở cuộc họp tại Nhà Hát Thành Phố (trụ sở Hạ Nghị Viện cũ) để trình bày trường hợp của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Có khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ và đại diện các giáo xứ được công an "mời" đến nghe trình bày. Ông Mai Chí Thọ, đại diện chính quyền, tuyên bố rằng chính phủ quyết định đưa ông Nguyễn Văn Thuận trở về Nha Trang, nơi đương sự cư ngụ trước ngày 30.4.1975, vì sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Thuận gây trở ngại cho sự đoàn kết dân tộc. 

Cũng trong ngày 15.8.1975, công an đến bắt Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đưa ra Nha Trang, nhưng không phải đến Tòa Giám Mục Nha Trang mà đến giáo xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chính Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã kể lại câu chuyện này như sau: 

"Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, "Dinh Ðộc Lập", vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi. 

"Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối vụ bắt tôi. 

"Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời..." 

"Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là "Ðức Cha...". Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì vể chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào. Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu. 

"Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi. 

"Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy Chúa Giesu hỏi Simon: "Simon, con bảo Thầy là ai?" (cf MT 16,15)" 

(Chứng Nhân Hy Vọng, Hoa Kỳ 2000, tr. 37 - 38) 

Giáo xứ Cây Vong lúc đó có khoảng 1200 giáo dân do Linh mục Vũ Văn Như, 70 tuổi, làm chánh xứ. Trong thời gian bị quản chế tại đây, ngài được Linh mục chính xứ và giáo dân mộ mến và giúp đỡ tận tình. Bổng nhiên, vào 8 giờ tối ngày 18.3.1976, công an đã đưa xe bịt bùng đến và thông báo cho ngài biết ngài phải dời đến một nơi cư trú mới. Trong khi đó, họ nói với dân chúng rằng ông Nguyễn Văn Thuận có dính líu đến vụ Vinh Sơn ở Sài Gòn nên đang bị diều tra, mặc dầu khi xẩy ra vụ Vinh Sơn, ngài đang bị quản thúc tại Cây Vong, ngày đêm đều có công an theo dõi. Nghe tin này, giáo dân trong giáo xứ đã đến rất đông để xem chuyện gì sẽ xẩy ra. Ai cũng lo sợ những chuyện không may sẽ đến cho ngài. Khi ngài bị đẩy lên xe, mọi người đều chảy nước mắt và ai cũng âm thần đọc kinh cầu nguyện cho ngài. Tối hôm đó, ngài bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh. Ngài đã mô tả lại thời gian bị giam tại trại này như sau: 

"Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm. 

"Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy. 

"Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống tình trạng thật vô lý!" 

(Chứng Nhân Hy Vọng, Hoa Kỳ 2000, tr. 141 - 142) 

6.- TRÊN ÐƯỜNG RA BẮC 

Ngày 29.11.1976, xe công an lại đến trại Phú Khánh đưa ngài vào trại Thủ Ðức. Ngày 1.12.1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tàu Trường Xuân đi ra Bắc. Khi ra đi, vì không có gì để đựng các đồ tùy thân, ngài phải lấy cái quần cột hai ống lại và dồn đồ vào trong rồi mang đi. Tôi cùng khoảng 150 tù nhân chính trị khác cũng được đưa từ trại Long Thành đến Tân Cảng để đi ra Bắc trong chuyến tàu này. Tôi có gặp ngài trên tàu, chào hỏi mấy câu, sau đó bị đưa vào một khoang khác. Chúng ta hãy nghe chính ngài kể lại các diễn biến này: 

"Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc - một cuộc hải hành dài 1.700 cây số." 

"Tối hôm ấy, trong khi chờ đợi, họ bắt chúng tôi ngồi xuống đất. Xa xa, cách đó 3 cây số, tôi thấy ánh đèn của thành phố Saigon, trọng tâm của giáo phận mà tôi được bổ nhiệm làm Giám Mục Phó ngày 24 tháng 4 năm 1975. Tôi biết rằng mình sắp bị đưa đi xa khỏi nơi này. Ðau khổ ấy làm tôi rùng nình. Tôi nghĩ đến Thánh Phaolô Tông Ðồ lúc giả từ các kỳ mục thành Epheso tại Mileto, khi biết rằng sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa. Còn tôi thì không được giả từ những người thân của tôi. Tôi cũng không thể an ủi hoặc để lại cho họ lời khuyên nào. Trong thâm tâm, tôi giả từ họ, nhất là Ðức Tổng Giám Mục cao niên Phaolô Nguyễn Văn Bình tốt lành của tôi. Tâm hồn tôi đau đớn, khi nghĩ mình sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa. Cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp lại họ. 

"Tôi cảm thấy niềm đau khổ mục tử sâu xa trong tất cả những điều đó, nhưng tôi có thể làm chứng rằng Chúa Cha không hề bỏ rơi tôi và Ngài đã ban sức mạnh cho tôi." 

"Cùng với các tù nhân khác, tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 người, trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bảo nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời gốc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói: "Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xẩy ra cho tôi ở đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi." (Cv 20,22,23). Tôi đã sống trong lo âu suốt đêm hôm ấy. 

"Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Cách đây hai năm, trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết thẹo còn hằn trên cổ. 

"Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nổi lo âu của họ. Tôi đã chia sẻ các đau khổ của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ðêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng 12, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài đi chết "bên ngoài tường thành", "bên ngoài tường thánh." 
(Chứng Nhân Hy Vọng, Hoa Kỳ 2000, tr. 126 - 128 và 141 - 142) 

Ngày 5.12.1976 tàu cập bến Hải Phòng. Công an chia các tù nhân thành ba toán khác nhau theo dấu hiệu họ đã gắn ở mỗi người và đưa mỗi toán đến một trại cải tạo khác nhau: Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Quang và Thanh Hóa. Riêng ngài bị đưa lên trại Vĩnh Quang ở Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ cũ), nằm sát chân núi Tam Ðảo. 

Tôi biết rất nhiều về cuộc đời của Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và được nghe ngài kể lại gần hết những chuyện đã xẩy ra trong thời gian ngài bị giam cầm và quản chế dưới chế độ cộng sản. Tôi cũng đã trải qua nhiều trại tù khác nhau của Cộng Sản, trong đó có trại Cẩm Thủy là một trong những trại tù khắc nghiệt nhất, nên tiếp thu những gì ngài kể lại một cách dễ dàng. Vì thế, vào cuối năm 2000, khi hay tin Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận sắp được tấn phong Hồng Y, tôi đã hoàn thành một cuốn sách dày khoảng 300 trang, kể lại cuộc đời hoạt động của ngài như một gương sáng của một người đã sống một cuộc đời tận hiến để phục vụ, và dự tính sẽ cho phổ biến vào ngày 21.1.2001, ngày ngài được tấn phong Hồng Y. Nhưng việc này đã không thực hiện được.

7.- PHẢI QUAN TÂM ÐẾN SỰ AN NGUY CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG NƯỚC

Trước khi cho in, tôi đã gởi bản thảo cuốn sách nói trên nhờ ngài đọc qua, xem có chi tiết nào sai hay cần bổ túc thêm không. Sau khi xem, ngài đã gọi điện thoại cho tôi và nói: "Ở ngoài này tự do, mình muốn viết gì thì viết, nhưng không thể không quan tâm đến sự an nguy của những người có tên trong sách hiện đang sống trong nước, như..., Nếu vì những điều mình công bố mà họ bị chuyện gì thì mình sẽ phải ân hận". Theo ý kiến của ngài, có rất nhiều chi tiết phải đợi đến khi tình hình thuận tiện hơn mới có thể phổ biến.

Trước lời khuyến cáo này, tôi phải ngưng cho in cuốn sách nói trên và thay thế bằng một tập ký sự đặc biệt, trình bày cuộc đời của ngài bằng những hình ảnh sống động từ nhỏ cho đến ngày được tấn phong Hồng Y, với một số lời và bài dẫn giải ngắn. Chúng tôi chỉ có hai tuần lễ để vừa biên soạn vừa in tập này, nhưng nhờ đã có sẵn đầy đủ tài liệu và hình ảnh, nên kết quả rất tốt đẹp. Số lượng in ra khá nhiều, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu của những người mộ mến ngài khắp nơi.

Hôm nay, ngồi ghi lại những ngày sống dưới chế độ cộng sản của ngài dưới đây, chúng tôi cũng chỉ lược tóm lại những diễn biến chính. Những chi tiết khác, chúng tôi sẽ phổ biến khi tình thế cho phép.

8.- TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN!

Trại tù đầu tiên trên đất Bắc mà Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị giam giữ là trại Vĩnh Quang, thuộc tỉnh Vĩnh Phú, ngay dưới chân núi Tam Ðảo. Ðây là vùng mật khu của Việt Cộng trong thời gian chống Pháp. Tại đây, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được sống chung với các tù nhân chính trị khác từ miền Nam mới được đưa ra trong cùng chuyến tàu với ngài, nên cuộc sống cũng tương đối dễ chịu. Ngài cũng phải lao động và sinh hoạt như các tù nhân khác trong trại. Nhưng khi thấy mọi người tỏ vẻ kính trọng ngài và thường bàn hỏi với ngài về đủ mọi vấn đề, công an bắt đầu nghi ngại và quyết định tách ngài ra. Ông Nguyễn Thanh Giàu có ghi lại một đoạn ngắn về thời gian ngài sống tại trại Vĩnh Quang như sau:

"Họ chia chúng tôi thành từng đội, từng tổ và phân chia lao động. Tôi nhớ, khi phân công, anh em không muốn Ông Già, danh xưng để gọi Ðức Cha Thuận, vì lúc nầy cán bộ trại không cho gọi ai theo chức sắc tôn giáo, phải đi lao động nặng nhọc nên đề cử cho ông làm trực buồng, tức là ở nhà lo lấy thức ăn, sắp xếp chăn mền, dọn dẹp buồng và đương nhiên phải đi đổ phân hằng ngày.

"Anh em xin ngài cho anh em thay ngài làm công việc dơ bẩn nầy, nhưng Ðức Cha Thuận không đồng ý và Ngài bảo: Tôi rất vinh dự được đi tù chung với anh em, xin anh em hãy để tôi làm hết bổn phận của tôi. Có lần vì Trời quá rét, nhiệm vụ người trực buồng phải đi lấy than đá đem về phòng để sưởi, vì bao than quá nặng trên đường về Ngài suýt mấy lần bị té ngã nhưng Ngài gắng gượng mang được về phòng, bỏ bao than xuống ngài phải ngồi hồi lâu mới lấy lại sức.

"Có một điểm rất đặc biệt, khi cán bộ trại giam bắt tất cả tù nhân lên hội trường, là một gian nhà trống giữa sân trại, để làm bản tự khai, nghĩa là phải khai hết mọi việc từ khi mới sanh ra cho đến ngày bị vào tù, như sanh ở đâu, lớn lên học trường nào, thầy nào, đi lính năm nào,làm chức vụ gì, cấp chỉ huy là ai, từng giết bao nhiêu Việt cộng, họ gọi là cách mạng, v.v...

"Sau vài giờ viết tự khai,họ cho nghĩ giải lao, người thì đi uống nước, đi vệ sinh, hút thuốc, nhưng phần đông thì bu quanh Ông Già để nghe ông nói chuyện. Một cách rất trung thực mà nói, lúc bây giờ bu quanh Ðức Cha Thuận không phải chỉ có giáo dân mà trong đó có đủ thành phần tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Ðài, Phật Giáo Hòa Hảo. Riêng tôi, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, lúc bấy giờ tôi không nhìn Ðức Cha Thuận là một Ðức Tổng Giám Mục Công Giáo mà nhìn ngài là MỘT BẬC CHÂN TU, MỘT NHÀ TU HÀNH ÐÁNG KÍNH.

"Có lẽ thấy uy tín và ảnh hưởng của Ðức Cha Thuận rất lớn đối với anh em tù nhân nên sau đó, Cộng sản đã âm thầm di chuyển Ngài đi nơi khác. Tuy nhiên, hình như Ngài biết trước việc nầy...

"Vì thời gian sống gần Ðức Cha Nguyễn Văn Thuận không lâu lắm, hơn nữa đã trãi qua một phần tư thế kỷ và trí nhớ bị bào mòn bởi những năm tháng trong trại tù Cộng sản, chắc chắn tôi không nhớ hết những gì Ðức Cha Thuận đã làm, những lời Ngài đã nói, tôi chỉ còn nhớ ở ngài là cả một tấm lòng Từ Bi thương yêu giúp đỡ mọi người, ai lo buồn ngài khuyến khích an ủi và chung chịu, chia xẻ sự đau khổ với mọi nguời.

"Rõ ràng đây chính là đức Từ Bi và Bố Thí của chư Phật; Ngài chính là hiện thân của Bồ Tát".

Ngày 5.2.1977, ngài được lệnh chuẩn bị chuyển trại. Thấy ngài không có gì để đựng những đồ đạc linh tinh, một tù nhân đã lấy cái bao tải chùi chân ở cửa ra vào, giặt sạch và may lại thành cái bao cho ngài đựng đồ đem đi. Anh em tù nhân đều lo lắng, không biết ngài bị đưa đi đâu.

Từ trại Vĩnh Phú, công an đã đưa ngài vào giam ở trại Thanh Liệt thuộc huyện Tranh Trì, cách Hà Nội khoảng 15 cây số về phía Nam. Huyện này trước thuộc tỉnh Hà Ðông, rồi Hà Tây và nay là một huyện ngoại thành của Hà Nội. Xã Thanh Liệt là quê của Chu Văn An.

Trại Thanh Liệt được thiết lập ngay trong Ðình Thanh Liệt. Nhìn bên ngoài, không ai có thể biết được đó là một trại giam. Cổng trại là một cổng đình to lớn, đồ sộ. Qua khỏi cổng trại là một khu rộng thênh thang, chung quanh có hai lớp tường kiên cố. Trại được chia thành nhiều khu nhỏ: A, B, C, D... Mỗi khu có 7 hoặc 8 buồng, mỗi buồng dài 8 thước và rộng 2 thước 50. Mỗi buồng có hai cửa dày bằng gỗ, chung quanh có tường cao khoảng 5 thước. Ðây là nơi được dùng để giam những nhân vật quan trọng hoặc những người cần được khai thác. Mỗi buồng thường giam một người, nhưng cũng có khi hai người. Trước đây, trại Thanh Liệt cũng là nơi giam giữ các tù binh Mỹ. Linh mục Trần Hữu Thanh bị giam ở phòng 5D, ông Nguyễn Tư Thái (Thái Ðen) bị giam ở phòng 3D, còn Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị giam ở phòng 7D...

Trong thời gian bị giam ở trại này, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị thẩm vấn liên tục về đủ mọi vấn đề, từ nội bộ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, các thành phần linh mục quốc doanh... đến các tổ chức chính trị ở miền Nam Việt Nam. Ða số những người đến thẫm vấn là các công an cao cấp được Bộ Nội Vụ phái đến. Việc đối đầu với các công an loại này không phải là chuyện dễ dàng. Tôi được ngài và anh Nguyễn Tư Thái kể lại nhiều chuyện lắc léo trong việc đối đầu với công an, và cho biết nếu không được những sự giúp đỡ kỳ lạ, rất khó thoát được những nguy biến, nhưng những chuyện này chưa tiện viết ra.

Vì có tin đồn ở Saigon rằng Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã chết, nên công an và Mặt Trận Tổ Quốc đã tìm cách giải tỏa vụ này. Ðầu tháng 9 năm 1977, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội báo tin cho ngài biết Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình sẽ đi Roma qua ngã Hà Nội, và ngài sẽ được gặp Ðức Tổng Giám Mục Bình. Ngày 13.9.1977 công an đã đến trại Thanh Liệt chở ngài ra Cục Công An ở Hà Nội gặp Ðức Tổng Giám Mục Bình. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong khoảng nữa tiếng đồng hồ và chỉ hỏi thăm nhau về sức khỏe, vì công an ngồi canh chừng hai bên nên không thể nói các chuyện khác được.

Ngày thứ bảy 13.5.1978, vào khoảng 4 giờ chiều, một trung úy công an đến gọi ngài lên văn phòng làm việc. Tại đây, ngài được ông Nguyễn Văn Khăn, Cục Phó Cục Công An, tiếp và thông báo ngài được phóng thích, nhưng bị quản chế ở Giang Xá. Ngày 26.5.1978, tức 13 ngày sau, công an đến đưa ngài về Giang Xá.

Giáo xứ Giang Xá là một giáo xứ nằm ở thị trấn Trạm Tôn, huyện Hoài Ðức, ở phía nam Hà Nội. Huyện này trước đây thuộc tỉnh Hà Ðông, nay là tỉnh Hà Tây. Giang xá lúc đó có khoảng 1500 giáo dân, thuộc Giáo Phận Hà Nội, nhưng chỉ có Ban Hành Giáo do giáo dân đảm trách, chứ không có linh mục. Trước khi ngài đến, Mặt Trận Tổ Quốc và công an đã cho Ban Hành Giáo và các giáo dân biết đây là một Giám Mục ác ôn, có nợ máu với nhân dân, nên cần được theo dõi và canh chừng cẩn mật. Vì thế, khi ngài được đưa đến quản chế tại đây, không ai dám đến với ngài. Những người được phép tiếp xúc với ngài đều là những người được công an gài vào để theo dõi. Ngài bị cấm không được làm các nghi lễ phụng vụ hay giảng dạy cho giáo dân. Tuy nhiên, nhờ thái độ khoan dung và hòa nhả khi nói chuyện, mọi người đã nhận ra rằng ngài không phải là người như bọn công an đã mô tả. Ngài đã chinh phụ được cả những cán bộ có trách nhiệm canh giữ ngài cũng như các giáo dân có nhiệm vụ theo dõi ngài. Chúng tôi đã ghi nhận nhiều chuyện ly kỳ xẩy ra ở Giang Xá do chính ngài kể, nhưng sẽ trình bày sau.

Ngày 21.11.1988, ngài lại nhận được lệnh "trả tự do" của Bộ Nội Vụ, nhưng không được trở về Nha Trang hay Saigon mà bị chỉ định nơi cư trú là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Sau này, khi ghi lại những đoạn ngắn về thời gian bị giam giữ, ngài có viết như sau:

"Trong chín năm biệt giam, có một thời gian tôi bị giam kín trong một xà lim không có cửa sổ. Ðôi khi đèn điện bật sáng ngày nầy qua ngày khác, có khi lại ở trong tối tăm tuần nầy sang tuần nọ, tôi cảm thấy ngột ngạt vì sức nóng và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ tuổi với tám năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ được. Tôi bị giày vò bởi ý nghĩ phải bỏ rơi giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẫn uất nổi lên trong tôi...

"Một đêm kia, tự trong thâm tâm vọng lên một tiếng nói như sau: Tại sao con phải tự giày vò mình như thế?... Nếu Chúa muốn con rời bỏ những công việc đó và trao phó con trong tay Ngài thì con hãy tức khắc vâng theo và hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Chúa sẽ giao việc của con cho những người khác có nhiều khả năng hơn con. Con đã chọn Chúa, chứ không phải công việc của Chúa.

"Áng sáng đó đã cho tôi một sức mạnh mới giúp biến đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi, và giúp tôi lướt thắng những khoảng khắc mà xét về mặt thể lý thì không tài nào chịu đựng nổi. Từ đó, một sự an bình mới tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại nơi tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu hèn của con người mình, nhưng tôi luôn luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an: Chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. Ðó là nền tảng của đời sống Kitô hữu trong mọi lúc".

9.- ÐI VÀO CHỖ CHẾT

Trong thời gian ở Tòa Giám Mục Hà Nội, ngài bị sưng nhiếp hộ tuyến rất nặng. Kinh nghiệm cho biết, vào bệnh viện chửa trị là một điều rất nguy hiểm đối với hàng giáo sĩ công giáo, nhất là đối với hàng giáo phẩm cao cấp. Trường hợp của Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Hòa ở Quy Nhơn và Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền ở bệnh Viện Chợ Rẩy, Sài Gòn, là những thí dụ điển hình. Vào đó là kể như đi luôn. Các giáo sĩ thường tìm các y sĩ quen biết nhờ chửa trị tại nhà. Tuy nhiên, vì tình trạng sưng nhiếp hộ tuyến của ngài đã đến giai đoạn nghiêm trọng, không còn chửa tại nhà được, Tòa Giám Mục Hà Nội đã quyết định đưa ngài vào bệnh viện để xin chửa trị. Tại đây, các bác sĩ khám nghiệm và cho biết trường hợp của ngài phải giải phẩu và cắt bỏ nhiếp hộ tuyến.

Ngày 24.11.1988 ngài phải trải qua một cuộc giải phẩu dài ba tiếng đồng hồ. Sau khi mổ xong, bác sĩ trưởng khoa chẳng những không cho uống thuốc men gì mà còn cấm các bác sĩ và y tá không ai được chữa trị cho ngài khi không có lệnh của ông. Vì thế, vết thương ở chỗ mổ bị nhiểm trùng, sưng lên rất lớn. Các bác sĩ phải đưa vào mỗ lại lần thứ hai, lấy ra toàn máu đông và mũ. Tuy nhiên, sau khi mỗ lại xong, vết thương tiếp tục sưng đến nổi ngài không còn đi tiểu tiện được, nhưng bác sĩ trưởng khoa cũng như các bác sĩ điều trị vẫn không cho ngài uống một viên thuốc nào. Ngài tưởng sắp chết. Nhưng nhờ một sự may mắn phi thường, như một phép lạ, ngài đã được cứu thoát! Cho đến hôm nay, nhà cầm quyền cộng sản cũng không hiểu tại sao ông Nguyễn Văn Thuận đã không chết lúc đó!

Nhìn lại quảng đường này, ngài viết:

"Người ta tưởng tôi đã chết. Dân chúng đã cử hành nhiều lễ cầu hồn cho tôi. Nhưng Thiên Chúa biết viết thẳng trên những đường cong".

10.- DANS LE MALHEUR, QUELQUE CHOSE DE BON!

Năm 1961, ông Trần Văn Lắm, nguyên Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến Ðệ Nhất Cộng Hòa, được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bổ làm Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc. Ðể bảo đảm cho địa vị của mình, ông Lắm đã xin cụ Nguyễn Văn Ấm, thân phụ của Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cho cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu, em của Linh mục Nguyễn Văn Thuận, lúc đó mới 20 tuổi, qua làm thư ký tại Tòa Ðại Sứ Việt Nam ở Camberra. Cụ Ấm từ chối, vì muốn cô Tiếu phải được học hành thêm nữa trước khi ra đời. Nhưng vì ông Trần Văn Lắm năm nỉ quá, cụ Ấm đành cho đi với hy vọng khi qua Úc cô sẽ được học hành thêm.

Nhưng ngày 2.11.1961, khi được tin Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu đã bị hạ sát, ông Trần Văn Lắm đã ra quyết định sa thải cô Hàm Tiếu và buộc cô phải rời Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Úc ngay lập tức. Lúc đó cô mới 22 tuổi. Trước tình trạng bơ vơ nơi đất khách quê người, không biết phải sống ở đâu và làm thế nào để sống, cô đã chạy đến nhà Dòng Ursula, kể lại hoàn cảnh của mình và nhờ giúp đỡ. Các nữ tu của Dòng này đã cho cô tạm trú. Trong lúc cô đang phân vần, chưa biết nên vận động ở lại hay xin tiền mua vé máy bay trở về Việt Nam, thì cô nhận được thư của người anh là Linh mục Nguyễn Văn Thuận từ Huế gởi qua, trong thư nói: "Hãy ở lại đấy, một ngày kia, có thể em sẽ cứu được cả gia đình". Không ngờ đó là một lời tiên tri.

Theo lời khuyên của người anh, cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu đã lấy hết can đảm chấp nhận cảnh bơ vơ nơi xứ lạ quê người, không quay về Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ của các nữ tu Dòng Ursula, các linh mục và giám mục Camberra, và của bạn bè, cô đã ghi danh học khoa chính trị và ngôn ngữ tại trường Ðại Học Quốc Gia Úc Ðại Lợi (Australian National University) và sau đó trở thành một cô giáo có thể tự mưu sinh được. Nhờ sự giúp đỡ của các giáo sĩ ở Úc, cô cứ xin gia hạn cư trú từng năm, và 10 năm sau cô đã được nhập tịch Úc.

Người Pháp có câu: "Dans le malheur, quelque chose de bon", nghĩa là trong sự bất hạnh cũng có một cái gì đó tốt. Vào trường hợp của cô Hàm Tiếu câu này đã hoàn toàn đúng, và lời tiên tri của Linh mục Nguyễn Văn Thuận "Hãy ở lại đấy, một ngày kia, có thể em sẽ cứu được cả gia đình" cũng đã ứng nghiệm sau đó 12 năm, khi Cộng Sản chiếm miền Nam, bà Hàm Tiếu là người duy nhất trong gia đình đang ở ngoại quốc, có quốc tịch Úc, đã bảo lãnh cho thân phụ và thân mẫu đến Úc một cách nhanh chóng. Và chính bà cũng đã trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào tranh đấu đòi trả tự do cho người anh đang phải sống trong lao tù của Cộng Sản Việt Nam, người anh ấy là Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Bà cho biết:

"Tôi đã đi khắp nơi trên thế giới để xin các nhà cầm quyền can thiệp với nhà nước cộng sản Việt Nam trả tự do cho anh tôi và ở mọi nơi mọi người đã rất tốt. Chúng tôi đã in hằng ngàn thư và thỉnh nguyện thư".

Các Ðức Giám Mục Úc Ðại Lợi đã yểm trợ tích cực cuộc tranh đấu của bà và đã cử hành nhiều thánh lễ cầu nguyện cho sự an nguy của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Năm 1984, nhờ sự giúp đỡ của Ðức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của Ðức Thánh Cha, bà đã được Ðức Thánh Cha tiếp kiến. Bà đã xin Ðức Thánh Cha cầu nguyện và can thiệp cho anh bà. Nhờ vậy, ngày 21.11.1988, ngài mới nhận được lệnh phóng thích của nhà cầm quyền Hà Nội, tuy sau đó không được về Nha Trang mà bị quản chế tại Tòa Giám Mục Hà Nội.

Ngày 21.3.1991, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị trục xuất ra khỏi Việt Nam. Ngài đã đến Thụy Sĩ rồi từ đó ngài xin qua Roma. Ngày 24.11.1994, Tòa Thánh đã bổ nhiệm ngài làm Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình và ngày 24.6.1998, ngài lên làm Chủ Tịch Hội Ðồng này thay Ðức Hồng Y Roger Etchegary. Ngày 21.1.2001 ngài được tấn phong làm Hồng Y.

11.- VUI TƯƠI VÀ HÃY LÀM CHO KẺ KHÁC VUI TƯƠI

Trong những năm gần đây, tại Tòa Thánh Vatican, ngoài Ðức Giáo Hoàng, Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là người được phái đi thương lượng nhiều vấn đề quan trọng tại nhiều quốc gia và là người đi thuyết giảng nhiều nhất khắp nơi trên thế giới.

Nhưng vào năm 2000, khi đi khám bệnh, người ta khám phá ra có một màng đang phủ qua trong thành bụng của ngài. Cuộc khảo sát cho biết kết quả là "benigne", tức bướu lành. Ngày 17.4.2001, theo đề nghị của Ðức Hồng Y Bernard F. Law, ngài đến một bệnh viện tại Boston, Massachuchetts, Hoa Kỳ, để cắt cái màng đó đi. Ðầu năm 2002, màng bướu tái phát và ăn lan vào ruột. Các bác sĩ Ý cho biết ngài phải chịu một cuộc giải phẩu kéo dài trong khoảng 30 tiếng đồng hồ mới có thể cắt bỏ hết và nối lại ruột được.

Ngày 24.4.2002, ngài trở về Úc thăm thân mẫu và mừng tuổi thọ 100 của mẹ ngài, rồi tiếp tục đi giảng thuyết cho đến ngày 4.5.2002 mới đến bệnh viện ở Milano, phía bắc nước Y, để chịu giải phẩu. Cuộc giải phẩu được thực hiện trong ngày 8.5.2002, nhưng mới kéo dài được 7 tiếng thì sức khỏe của ngài không còn chịu nổi nên cuộc giải phẩu phải ngưng lại. Các bác sĩ đợi sức khỏe của ngài phục hồi để tái giải phẩu, nhưng chuyện đó đã không xẩy ra.

Ngài cho tôi biết cái màng bướu phát xuất từ phía bên ruột thừa đi lên. Ðây là một trường hợp ít khi thấy. Có lẽ nó đã mọc từ nhiều năm, nhưng không phát hiện được. Một số bác sĩ đã nói với tôi rằng có lẽ hiện tượng bướu lạ đưa đến sự ra đi của ngài trong tháng qua là kết quả của sự sưng nhiếp hộ tuyến đã được cắt tại Hà Nội năm 1988, nay tái phát và vươn ra bên ngoài.

Lần chót tôi được nói chuyện với ngài bằng điện thoại hai tiếng đồng hồ là ngày 4.5.2002, trước khi đi mỗ. Lần trước đó vào ngày 26.4.2002, khi ngài đang ở Úc thăm thân mẫu ngài, ngài cũng đã nói chuyện với tôi suốt hai tiếng đồng hồ như thế. Hình như ngài đã linh cảm trước rằng ngài có thể sẽ ra đi trong cuộc giải phẩu này nên đã sẵn sàng tất cả, kể cả về Úc thăm thân mẫu lần chót. Sau khi nói hết những chuyện cần phải nói, ngài dặn tôi: Cái gì mình có thể làm thì cứ tiếp tục làm, còn kết quả như thế nào tùy thuộc vào thánh ý của Thiên Chúa.

Nhiều người Việt Nam đã lấy làm tiếc khi nghe tin ngài ra đi khi "chương trình hậu cộng sản" do Giáo Hội và ngài đang thực hiện chỉ mới khởi đầu, trong đó vấn đề xây dựng lại đời sống luân lý và nâng cao trình độ giáo dục để đưa đất nước đi lên... là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Nhưng theo cách nhìn của ngài, việc đó đã có Thiên Chúa Quan Phòng.

Trong bài giảng cho Giáo Triều ngày 14.3.2000 về "Bí quyết của sự Thánh Thiện: Sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng", ngài nói:

"Khi ra khỏi nước, tôi đã nhận được một lá thư của Mẹ Têrêxa ở Calcutta với những lời lẽ sau đây: "Ðiều đáng kể không phải là số lượng công tác được hoàn thành, nhưng là mức độ tình yêu mà ta để vào trong mỗi công tác". Kinh nghiệm đó đã củng cố trong tôi ý niệm là phải sống mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc đời ta như là phút giây cuối cùng; hãy dẹp bỏ những gì là phụ thuộc; chỉ tập trung vào những gì là chính yếu. Mỗi chữ, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là những phút giây đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người mà đừng đánh mất một giây phút nào".

Trong thánh lễ an táng Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói:

"Chắc chắn sự khuất bóng của ngài gây đau buồn cho những ai đã quen biết và yêu mến ngài: gia đình ngài, cách riêng mẹ ngài, tôi lại bày tỏ cho bà sự gần gũi yêu thương của tôi. Tôi cũng nghĩ tới Giáo hội Việt nam yêu quí, Giáo Hội đã sinh ngài trong đức tin, và tôi cũng nghĩ tới toàn thể dân Việt Nam mà Ðức Hồng Y đáng kính đã công khai nhắc tới trong chúc thư thiêng liêng của ngài bằng cách khẳng định luôn luôn yêu mến. Tòa Thánh mà ngài đã phục vụ qua những năm cuối đời ngài, than khóc Hồng Y Nguyễn Văn Thuận".

Khẩu hiệu của Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khi nhận chức Giám Mục Nha Trang là "Gaudium et Spes", có nghĩa là "Vui Mừng và Hy Vọng". Trong cuốn Ðường Hy Vọng, ngài đã viết:

"Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu không khí vui tươi, mặc dù lòng tan nát. Ðó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hảm mình." (DHV 539)

Trong 174 phái đoàn của các quốc gia tới dự đám tang Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người ta thấy có hai đại diện của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ngồi chung trong phái đoàn của nước Pháp vì giữa Vatican và Hà Nội chưa có bang giao.

Trích VietCatholic News (Thứ Bẩy 28/9/2002)