Sống cho tình yêu và chết cho tình yêu

Buổi sáng thứ ba trời bỗng trở nóng cách lạ thường. Tôi vội chạy ngay vào phòng tắm sau khi giấc ngủ bị đánh thức bất ngờ. Hình như có một cái gì đó trăn trở trong tôi. Pha ly cà phê thứ nhất ban sáng mang vào văn phòng, tôi mở máy vi tính và coi lại các điện thư. Tôi chợt sững sờ trước những hàng chữ vắn gọn trong bức thư Cha Chủ Nhiệm Dân Chúa Úc Châu gửi cho tôi:

Thăm quí cha, tu sĩ nam nữ và anh chị em Dân Chúa, 

Theo tin mới nhất Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận mới qua đời, nên số báo tháng 10 này sẽ dành đặc biệt về Ngài. Nếu quí cha, quí tu sĩ và anh chị em có bài vở hay viết về Ngài xin gửi gấp cho Dân Chúa để kịp lên khuôn trong tuần này. 

Chân thành cảm ơn. 
Anthony Quảng, sdb. 


Tôi gục đầu trên bàn viết, nước mắt lưng tròng. Hình ảnh của Ðức Cha Thuận ngày nào tôi gặp trên đường từ Sài-gòn về Nha-trang chợt rõ mồn một trong trí. Và bài viết gấp rút nầy như một tri ân và tưởng nhớ một chủ chăn tôi thầm kính phục.

Tôi không phải linh mục giáo phận Nha-trang của ngài. Tôi cũng không phải là con-tinh-thần của ngài. Tôi chỉ gặp ngài có bốn lần trong đời. Mà cả bốn lần đều là những dấu ấn kỷ niệm. 

Sau khi thụ phong giám-mục độ một năm, Ðức Cha Thuận ghé Tiểu-chủng-viện Qui-nhơn thăm Cha giám-đốc Phaolô Huỳnh Ðông Các, bạn thân của ngài hồi còn học ở Rôma. Trong trí non nớt của những chủng sinh Việt-nam hồi ấy, hình ảnh của vị giám mục trẻ với ánh mắt sáng đượm nét tin yêu, giọng nói ngọt ngào và cởi mở đã là một quyến rũ khôn nguôi. Nói là lần đầu gặp ngài chứ thực ra chỉ thấy ngài!

Sau kỳ thi năm thứ hai đại học văn khoa ở Sài-gòn mùa hè năm 1972, Trần Anh Dũng, đại-chủng-sinh giáo-phận Huế, bạn học của tôi, liên lạc với Ðức Cha Thuận để tìm cho tôi một chỗ trên chuyến xe của ngài từ Sài-gòn về Nha Trang. Tôi e ngại không muốn nhận lời đề nghị của Dũng, nhưng Dũng mặc kệ. Mối e ngại bẩm sinh: không thích kề cận các đấng các bậc! Thế thôi.

Tôi chỉ nhận qua người bạn bản tin ngắn gọn của Dũng: Phải có mặt tại nhà Dòng Chúa Cứu Thế Sài-gòn sáng sớm ngày mai. Ðến càng sớm càng tốt. Chỉ thế thôi, nhưng tôi cũng có thể đoán ra ý Dũng: Ðừng làm phiền Ðức Cha đợi. Phận làm nhỏ và phận đi nhờ. Tôi hiểu và thông cảm cho sự lo lắng của Dũng.

Tôi vào cổng tu viện, nhưng không biết Ðức Cha đang ở đâu. Thình lình gặp được một thầy già. Tôi đoán non vậy. Thầy dẫn tôi vào phòng ăn. Tôi đâm ngại nên tìm cách từ chối bảo là ăn sáng rồi. Nhưng thầy vẫn một mực: Ðức Cha đã dặn là khi nào thầy đến thì bảo vào ăn sáng rồi hãy đi. Cũng chả vội vàng gì! 

Vào phòng ăn chưa kịp chào Ðức Cha thì ngài đã lên tiếng trước. Hiền đó hả, vào ăn sáng đi con. Tôi ngồi vào bàn. Ăn chưa đến nửa bữa của mình thì Ðức Cha tự bưng chén dĩa đi rửa. Tôi đâm lúng túng. Ðức Cha trấn an. Hiền cứ thong thả ăn. Cha còn phải lên phòng dọn dẹp đôi chút.

Xong tất cả các thủ tục chuẩn bị, chúng tôi lên xe. Chiếc xe mini-bus chở tất cả 8 hành khách: Cha thư ký giáo phận Nha-trang ngồi ghế đối diện với tài xế; Ðức Cha ngồi giữa hai cha gốc giáo phận Huế ở băng thứ hai và ba anh em Qui-nhơn tôi thoải mái ở băng sau. Xe chạy chừng hơn nửa giờ thì Ðức Cha chuyển một chồng nhật báo xuống và bông đùa: Các chú mặc sức mà đọc sách thiêng liêng. Lúc ấy tôi mới kip nhận ra là hai cha bạn láng giềng của ngài đã thả hồn về với gió mây. Riêng Ðức Cha thì bắt đầu lần chuỗi Mân-côi.

Xe dừng lại ở giáo xứ tuyến đầu của giáo phận Nha-trang (nay thuộc giáo phận Phan-thiết). Cho đến bây giờ tôi không nhớ rõ bao nhiêu chỗ xe dừng dọc quốc lộ số một trong lãnh thổ giáo phận của ngài. Rất có thể có trên mười giáo xứ hay tu viện Ðức Cha Thuận ngắn ngủi ghé thăm. Cứ mỗi nơi ngài tặng một cây kiểng để làm quà.

Ngày 19 tháng 3 năm 1975, đại chủng viện Xuân-bích Huế giải tán. Tôi theo dòng người cố đô vào Ðà-nẵng và tìm được một chỗ trên chuyến bay của Hàng-không Việt-nam đi Nha-trang. Mấy ngày sau tôi tham dự lễ phong chức linh mục của mấy người bạn cùng lớp và nhiều thầy của giáo-phận Nha-trang và một số giáo-phận khác. Ðây là một cuộc truyền chức linh mục liên địa phận. Con số tân linh mục động chưa từng thấy. Sau nầy tôi mới hiểu ra việc làm của Ðức Cha. Và có thể nói Nha-trang đã đáp ứng kịp thời tình trạng mới của một giáo phận những ngày trước khi mất nước. Trong lúc giáo phận Qui-nhơn của tôi thiếu bóng mục tử ở rất nhiều giáo xứ. 

Tôi gặp lại Ðức Cha Phanxicô. Vẫn nụ cười tươi và ánh mắt dịu hiền của ngày nào. Sau một câu vào đề Ðức Cha gọi rõ tên tôi. Hiền đó hả! Ba năm không gặp lại thế mà ngài vẫn còn nhớ tên mình.

Lần cuối cùng gặp lại Ðức Tổng Thuận tại trung tâm Cộng-đồng Công-giáo Việt Nam Sydney ở Lakemba - khi tôi mới chân ướt chân ráo nhập cư Úc. Thể xác còn yếu sau những năm dài tù đày nhưng tinh thần ngài vẫn minh mẫn, nhất là trí nhớ của ngài. Cha Giuse Nguyễn Quang Thạnh giới thiệu tôi với ngài. Chỉ cần nghe đến tên của thầy Tỏ (anh rể của tôi) ở giáo xứ Lương-sơn - Nha-trang và thầy nầy (Cha Thạnh chỉ tôi) ở Qui-nhơn là ngài hỏi liền: Hiền đó hả. Dạ thưa Ðức Cha, vâng. Sao Ðức Cha nhớ tên con rõ vậy? Ngài cười lớn rồi bông đùa: Con vì đọc sách thiêng liêng quá kỹ trên đường từ Sài-gòn về Nha-trang nên bị tào tháo rượt, ai mà quên được. Tôi thẹn thùng ra mặt.

Quả thực tôi đã e thẹn không đề cập đến biến cố kinh hoàng đó trong đoạn trên. Tôi nhớ rõ chứ: Lúc xe ra khỏi Cam-ranh bụng tôi bỗng trở chứng. Chiến tranh ngầm xảy ra không cầm được. Tôi ngại có Ðức Cha trong xe. Tài xế thì ngồi mãi đằng kia làm sao cho ý kiến. Thế là tôi kêu cứu cha Tâm và thầy Hải. Cả hai đâm lúng túng thấy rõ. Chịu hết nổi, cha Tâm tằng hắng và nói một câu bâng quơ với cha thư ký. Ngài quay xuống và cha Tâm làm một dấu hiệu. Cha thư ký đang tìm một lối giải quyết thì Ðức Cha đã lên tiếng với bác tài: Chạy lâu lắm rồi, có lẽ mình nên ngừng lại để thưởng thức nước dừa. Thế là tôi thoát nạn vì cái nhạy bén và tế nhị của Ðức Cha Phanxicô.

Bây giờ Ðức Cha Thuận của ngày nào đã không còn nữa. Tâm hồn tôi chợt bàng hoàng như mất đi một cái gì đó. Trong tôi có cả một trống vắng. Tôi cố gắng niếu kéo hình ảnh của ngài lại trong tâm trí tôi. Tôi lục lọi trong các ngăn của kệ sách để tìm âm hưởng của ngài. Chỉ vỏn vẹn số báo Dân Chúa tháng ba năm 2001 và hai tác phẩm để đời của ngài - Ðường Hy Vọng và Five Loaves and Two Fish - nhưng là cả một kho tàng quí giá.

Chắc hẳn trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn không hề quên những chuỗi ngày tù đày: gian khổ nhưng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến của một Kytô-hữu. Trưởng thành để tin yêu, phó thác và yêu thương mọi người, kể cả những anh chị em đối nghịch với niềm tin và chính kiến. Nếu cần phải nói ra thì những lời đó toàn là những lời của thương yêu và tha thứ.

Many times I suffer interiorly because the mass media want to make me tell sensationalistic stories, to accuse, to denounce, to incite opposition, revenge... This is not my goal. My greatest desire is to transmit my message of love, in serenity and truth, in forgiveness and reconciliation.

Thực tình tôi không muốn chuyển ngữ những dòng chữ quý giá nầy. Tôi biết một số độc giả Dân Chúa có trong tay nguyên bản tiếng Việt của tác phẩm của ngài. Tác phẩm tôi không rõ tên tiếng Việt nhưng được Giáo-hội Công-giáo Tân Tây Lan chuyển ngữ tiếng Anh với tên gọi Five Loaves and Two Fish. Tôi chỉ có bản tiếng Anh nầy thôi. Thế nhưng xin các độc giả tạm chấp nhận lối chuyển ngữ thô thiển của người viết. Thực sự đã nhiều lần tôi phải khổ tâm vì các cơ quan truyền thông muốn tôi kể ra những chuyện hết sức đau thương nhằm lên án, tố cáo, dấy động và báo thù... Ðó không phải là mục tiêu tôi nhắm tới. Ước vọng của tôi là chuyển trao cho các bạn sứ điệp yêu thương của tôi trong bình thản và tin tưởng, trong thứ tha và hoà giải.

Không phải đợi đến khi được hưởng ánh sáng và không khí tự do ở nước ngoài, Ðức Cha Thuận mới bộc lộ tâm tình trên đây. Băn khoăn và khắc khoải về tình thương và tha thứ chính ngay trong những ngày đầu của 13 năm tù đày: Một buổi tối kia tôi trở bệnh trong nhà từ ở Phú-khánh. Thấy một người cảnh vệ đi ngang tôi la lớn: Vì lòng nhân đạo xin anh cho tôi ít viên thuốc. Tôi đang bị bệnh. Anh ta trả lời: Chả có chuyện nhân đạo và cũng chả có yêu thương gì ở đây. Ðây chỉ có trách nhiệm thôi! Ðó là bầu khí mà chúng tôi thở hít ở nhà tù. (One night when I am sick, in the prison of Phu Khanh I see a policeman walk by and I shout: For goodness sake, I am very sick; please give me some medicine! He responds: There is no goodness here, nor love; there is only responsibility. This is the atmosphere we breath in prison.)

Bầu không khí vắng tình thương và đầy hận thù trong các lao tù Cộng-sản sau ngày mất nước đã được chính người-chứng-đức-tin Nguyễn Văn Thuận cải tạo trong từng ngày tháng, trong từng nhịp thở của trái tim yêu thương mà Thầy Chí Thánh Giêsu đã tốn nhiều công nhào nặn: Chúa Giêsu đến đâu cũng có một số người sống chết cho Ngài, và cũng có một số người quyết giết chết Ngài. Sao con muốn mọi người yêu con? Sao nao núng khi có người ghét con? 

Tôi đã đọc và suy niệm 3 Bài-đọc Phụng-vụ của Chúa Nhật 24 Quanh Năm A vừa qua như có một điềm gì báo trước cuộc thương khó và tử nạn của Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Tôi gọi tắt cuộc đời ngài như thế. Nhưng thương khó chỉ cho chính bản thân ngài và tử nạn chỉ cho bệnh tật mà ngài gánh chịu vì hậu quả của những tháng năm tù đày. Không khí đó dẫu có ngột ngạt vì bầu khí và con người chung quanh nhưng tựu trung chỉ là những cảm-giác-hoàn-toàn-người (human being). Nhưng với những môn đệ chân chính và tín trung của Ðức Kytô - như Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận thì nó phải như những lời nầy:

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm... Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha... Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác. (Sách Ðức Huấn Ca 27: 33 - 28: 9)

Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đáng tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi làm. (Thánh-vịnh 102: 4) 

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. (Roma 14: 7-8)

...Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con phải tha thứ đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. (Matthêu 18: 21-22)

Người tù cải tạo có tên Nguyễn Văn Thuận không chịu để cho những gì là hoàn-toàn-người chế ngự ông và hoàn cảnh mà ông đang phải sống: At first, the guards do not speak to me, they respond only with yes and no. It is truly sad; I want to be kind, courteous with them, but it is impossible; they avoid speaking with me. I have no presents to give them; I am a prisoner, even all my clothes are stamped with big letters cai tao, that is re-education camp. What am I supposed to do? (Những ngày đầu các cảnh vệ không thèm nói với tôi một lời. Họ chỉ biết trả lời cộc lốc có và không. Ðiều đó thật đáng buồn, vì tôi muốn tỏ thiện cảm và nhã nhặn với họ. Tất cả mọi cố gắng của tôi đều vô hiệu, họ không thèm đếm xỉa tới tôi. Tôi biết là mình không có quà để biếu họ. Tôi là một tù nhân mà. Và cái duy nhất tôi có bây giờ là hai chữ cải tạo đóng trên các bộ quần áo! Tôi phải làm thế nào đây?)

41 năm theo Chúa bắt đầu từ ngưỡng cửa Tiểu-chủng-viện, tôi thật sự bức xúc vì những lời rất-người ấy. Có thể một ai đó sẽ không đồng ý với tôi. Và chắc chắn họ không chấp nhận - chứ không phải không thể - những lời nói hay tâm sự mang vẻ bị khuất phục. Nhưng với người tù cải tạo Nguyễn Văn Thuận thì khác. Họ (bất cứ kẻ thù hay đối nghịch) đều có-máu-chảy-và-ruột- mềm. Ý nghĩ và thái độ mà ông cố gắng và bằng mọi cách để thực hiện là làm sao cho họ nhận ra được điều nầy: Tôi không làm việc bác ái được vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền mới bác ái sao? Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyện. Người ta không cần của con! Người ta không cần con cho, bằng cần con hiểu họ, thương họ.

Ðức Tổng Thuận chắc đã thật bình tâm, thanh thản khi viết vào những trang giấy học trò trong bóng tối chập chờn của tháng ngày tù tội những lời sau đây: Hãy yêu thương nhau như Thày yêu thương chúng con. Ðó là phương châm. Còn đây là thái độ diễn tả bằng ý nghĩ : Có loại bác ái ồn ào: Bác ái phóng thanh. Có loại bác ái kể công: Bác ái ngân hàng. Có loại bác ái nuôi người: Bác ái sở thú. Có loại bác ái chủ nhân: Bác ái độc tài. Và ngài kết luận, sau khi liệt kê các thứ bác ái: Bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu.

Ðó là đường của chủng sinh, linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: When I was a student in Rome, a person told me: Your greatest quality is being dynamic; your greatest defect is being aggressive. In any case, I am very active, I am a Scout, chaplain of the Rovers; it is something that pushes me forward every day; to run against the clock; I have to do everything possible to strengthen and build up the Church in my diocese of Nhatrang, before the hard times come, when we will be under communist rule! Bạn đọc chỉ cần lưu ý những giòng cuối cùng của Ðức Cha Thuận: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng tỏ ra tích cực. Tôi là một Hướng-đạo-sinh, một Tuyên-úy cho các Tráng-sinh. Hình như có một sức mạnh đẩy tôi đi tới, chạy đua với đồng hồ. Tôi phải làm mọi chuyện có thể được để xây dựng giáo hội ở giáo phận Nha-trang của tôi trước hoàn cảnh khó khăn sẽ xảy đến dưới luật lệ của cộng-sản.

Rồi khi đã trở thành Phó Tổng Giám Mục với quyền kế vị của Tổng-giáo-phận Sài-gòn, con đường vẫn là: And then, I have to leave everything to go immediately to Saigon, according to the indications of Pope Paul VI, with no opportunity to say goodbye to all those united with me in the same ideal, the same determination, the same sharing of trials as well as joy.

Ðó là con Ðường Hy Vọng của Phụ-tá Chủ-tịch (rồi Chủ tịch) Ủy-ban Giáo-hoàng về Công-lý và Hoà-bình của một con người mà thanh thiếu niên Tanzania và Nigeria gọi là Uncle Francis. I will not wait. I will live the present moment, filling it to the brim with love... As a young man, a priest, and a bishop, I have already travelled a part of the road, at times with joy, at times with suffering, in prison, but always bearing in my heart an overflowing hope.

Vì con đường đó tôi không viết bài nầy để vinh danh một Vị Hồng Y từng được báo chí nói đến như là một trong những ứng viên sáng cho chức vị giáo-hoàng-tương-lai. Tôi viết để tri ân một con người đã cho tôi và cho đời một mẫu gương trung thành phục vụ Chúa và Giáo-hội trong tin yêu, trông cậy, yêu mến và nhất là tha thứ. Tôi biết Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thật sự vui mừng vì con đường mình đã chọn và đã đi qua: Cha đã đi một quãng đường, hân hoan có, gian khổ có, nhưng luôn luôn tràn trào hy vọng, vì có Chúa và Mẹ Maria bên cha. Nếu Chúa cho chọn lại, cha không chọn đường nào khác. Cha đã hạnh phúc và vui tươi, vì cha chỉ biết yêu thương. 

Con đường đó thật đơn giản như những lời khuyên nầy: Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, như Cyrillô, Anathasiô. Nhưng có cái gì đó để tôi hay bạn phải chiến đấu để: Ðừng mất giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen. Hay: Ðừng điều tra tại ai? Hãy cám ơn dụng cụ nào đó Chúa dùng thánh hoá con. 

Phải, bây giờ trên thiên quốc, Chủng sinh, Linh mục, Giám mục, Tổng-giám-mục và Hồng-y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận hát Bài-ca Chiến-thắng Alleluia như ngài đã viết trong Ðường Hy Vọng: Khi đã đi qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Bỏ quên đi, không nhắc lại bao giờ và nói: Alleluia. 

May You Rest In Peace!

Sáu Hiền (Brisbane)