HOÀI NIỆM MỘT NGƯỜI CHA

Qua những tin tức nhận được ngày hôm nay (16-09-2002) liên quan đền việc ÐHY NGUYỄN-VĂN-THUẬN đã được Chúa gọi về, sau chuỗi ngày dài nằm trên giường bệnh, lòng trí tôi miên mang, hồi tưởng lại một biến cố đã xảy đến cho tôi cách đây bốn năm về trước, tức vào ngày 10-09-1998, tại Roma.

Hồi đó, nhân dịp tôi một mình đi hành hương lần đầu tiên tại Âu châu nhằm mục đích kính viếng những nơi linh thánh như LỘ-ÐỨC, FATIMA, ROMA Vào ngày 10 tháng chín năm đó, tôi may mắn được ÐHY NGUYỄN-VĂN-THUẬN lúc bấy giờ còn là Tổng Giám mục, tiếp kiến riêng tại văn phòng làm việc của ngài. Ngài đang đảm trách chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh "Công Lý và Hòa Bình".

Ðược biết ÐHY là thành viên Phong Trào Cursillo từ lâu, tôi đã dâng tặng ngài những tấm ảnh các Cursillistas thuộc ba khóa Cursillo mới được khai mở ở Vancouver trong thời gian hai năm trước đó. Nhân dịp nầy ÐHY đã nhắn nhủ tôi về nhắc nhở các anh chị trong Phong Trào Cursillo ở Vancouver cũng như ở những nơi khác mấy điểm sau đây mà tôi thiết nghĩ cho đến hôm nay đây vẫn còn hợp thời, mặc dù ÐHY đã ra người thiên cổ:

Trước hết ÐHY cho biết PT CURSILLO là một môi trường thuận lợi để luồng gió Ðức Chúa Thánh Thần thổi tới. Vậy thì PT đừng vì vấn đề tổ chức quá nặng nề mà làm ngăn trở luồng gió của Chúa Thánh Linh. Ngài cho biết đã tham dự khóa Cursillo ở Phi-Luật-Tân và đã du nhập PT nầy vào VN. Hiện nay PT Cursillo ngành VN, về phần tổ chức có vẻ rườm rà và đôi khi xét ra không cần thiết mà còn làm nặng nề sinh hoạt của PT. ÐHY cho biết, nhiều khi tổ chức rườm rà quá thành ra "show off", chẳng khác gì những ngọn lửa rơm thôi mà quên đi phần "follow up". Vấn đề "Hậu Cursillo" và "Ngày Thứ Tư" mới quan trọng đối với PT Cursillo. ÐHY tiết lộ đôi khi ngài được mời làm linh hướng cho một vài khóa tĩnh huấn, nhưng ngài nhận thấy điều đó chưa chắc đã giúp cho khóa có kết quả thiêng liêng hơn, trái lại có khi cũng chỉ nhằm "show off" mà thôi.

Ngoài ra ở trong PT Cursillo, lắm khi tị hiềm nhau vì chức nầy tước nọ mà quên đi phần chính yếu là tinh thần phục vụ trong tình huynh đệ giữa các Cursillistas. ÐHY còn lưu ý điểm nữa là các cha xứ hay quản nhiệm thường cắt cử những anh chị Cursillistas vào những chức vụ quan trọng trong giáo xứ, nhưng những người nầy, trong khi thi hành nhiệm vụ, đôi khi có những lỗi lầm, gây ra gương mù gương xấu, khiến người ta lầm tưởng đó là do PT Cursillo mà ra.

Sau khi đã huấn dụ tôi như thế, ÐHY dẫn tôi qua căn phòng mà Tòa Thánh cấp cho ÐHY lưu ngụ. Ðó là một căn phòng rất đơn sơ với một phòng khách vỏn vẹn một bộ salon cũ kỹ và ở một góc phòng đó là bàn viết bằng gỗ của ngài. Kế bên đó là một phòng nhỏ dùng làm thư viện. Cuối cùng là một phòng rất nhỏ dùng làm nhà nguyện, có đặt Mình Thánh Chúa, mà tôi có cảm tưởng mỗi sáng ÐHY và cha Hiền, thư ký của ngài, dâng Thánh Lễ đồng tế là đã chật phòng rồi.

Khi giới thiệu tôi thư viện nhỏ nhắn xinh xinh đó, ngài đã với tay lấy một cuốn sách nhỏ nhan đề "NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ" mà trao tặng tôi. Ðó là món quà quí báu tôi đã vô cùng cảm động nhận lãnh với tất cả tấm lòng quí mến và biết ơn sâu xa.

Tôi đã rời Roma để đi Lộ-Ðức ngày hôm sau (11-09-1998). Ngồi trên xe lữa mười mấy tiếng đồng hồ, lần giở những trang sách "NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ", đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi mới cảm thấy sự phong phú của tập sách nhỏ đó. Tập sách của ÐHY gồm bảy bài suy niệm ngắn gọn trong kiếp sống tù đầy của ngài. Tôi đặc biệt lưu ý năm đề tài trình bày dưới đây mà thôi. (Hai đề tài về "Phép Thánh Thể" và "Mẹ Maria Vô Nhiễm" cũng gây chú ý nơi tôi nhưng không làm tôi xúc động bằng năm đề tài kia).

Trong "Lời Giới Thiệu", ÐHY BERNARD LAW đã viết: "Một cậu bé đã dâng lên Chúa Giêsu năm chiếc bánh và hai con cá, một tặng vật đơn sơ mà Chúa Giêsu đã dùng để nuôi một đoàn dân đông đảoẦChúng ta cũng thế, dù tặng vật của mình nhỏ bé, chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa. Ngài sẽ dùng chúng để có một hiệu quả lớn lao trên đường của Ngài." (trang 5).

Và ÐHY NGUYỄN VĂN THUẬN, trong "Lời Mở Ðầu" đã viết: "Cũng như cậu bé trong Phúc Am, tôi tóm tắt kinh nghiệm sống (tù đày) của tôi trong bảy điểm: năm chiếc bánh và hai con cá. Không đáng gì, nhưng là tất cả những gì tôi có. Phẩn còn lại Chúa Giêsu sẽ liệu." (trang 10).

1.- SỐNG PHÚT HIỆN TẠI

Khi được mời vào Dinh Ðộc Lập lúc hai giờ chiều ngày 15-08-1975, ÐHY đã bị bắt. Và trên quãng đường dài 450 km đi tới làng Cây Vông, ngồi trong chiếc Toyota trắng, ÐHY đã quyết định: "Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và cho nó đầy tình thương." Có một điều không ai chờ đợi mà cũng sẽ xảy tới, đó là sự chết (trang14-15).

Rồi một đêm kia, một tia sáng đến với ÐHY: "Con hãy bắt chước Thánh Phaolô. Khi Ngài ở tù, không hoạt động Tông Ðồ được, Ngài đã viết thư cho các Giáo Ðoàn" . Ðó là đầu mối các sách "Ðường hy vọng", "Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Ðồng Vatican" và "Những người lữ hành trên đường Hy Vọng" (trang 16-17). Cuốn sách "Ðường Hy Vọng" đã được dịch ra trên mười mấy thứ tiếng.

ÐHY còn cho biết Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã viết trong thư gởi cho ngài: "Ðiều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện, nhưng mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc." Và ÐHY viết tiếp: "Tôi nghĩ rằng, tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút , như là giờ cuối cùng của đời tôiẦMỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là đẹp nhất của đời tôiẦTôi đã viết trong sách Ðường Hy Vọng: "Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại" (trang 18-19).

Thật thế, trong thời gian ÐHY tiếp tôi, cũng như khi ÐHY đưa tôi ra tận cửa sân, nhất cử nhất động, ngài đều làm trong khoan thai dịu dàng. Tôi có cảm tưởng như thời gian ÐHY tiếp tôi là những giây phút cuối cùng của đời ngài. ÐHY còn cho biết là sau khi tiếp tôi, ngài phải lên tiếp đại sứ Anh đang chờ đợi ngài. Ðiều làm tôi xúc động là ÐHY đã tiếp tôi với những cử chỉ ngôn từ khoan thai dịu dàng, không có vẻ gì vội vã, mặc dù sau tôi, ngài phải tiếp một vị thượng khách rất quan trọng. Ðúng là ÐHY đã thực hiện điều ngài dạy bảo: "Sống giây phút hiện tại" và "Sống như giây phút cuối cùng đời mình."

2.- PHÂN BIỆT GIỮA CHÚA VÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA 

ÐHY đã bị biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa tòa giám mục Nha-Trang của ngài. ÐHY viết: "Sáng tối tôi nghe tiếng chuông nhà thờ chính tòa như xé nát tim tôi. Ðêm đến tôi nghe tiếng sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam." (trang 25).

Một đêm thanh vắng, một tiếng tự đáy lòng nhắc nhở ÐHY: "Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa Tất cả những công việc (mục vụ) ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa!ẦHãy chọn một mình Chúa thôi!" (trang 26).

Ở trại Phú Khánh, ÐHY bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua ba lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. ÐHY viết: "Buồng vừa nóng, vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những côn trùng bên ngoài bò vào, có cả giun, và một lần có cả con rết dàiẦTôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống chúng lại bò ra." Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mở cửa cho hai linh mục bị giam cách ÐHY hai lớp cửa, đứng nhìn ngài nằm dưới đất. Cô Thanh bảo: "Cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết." (trang 27-28).

3.- CẦU NGUYỆN

Ở tù về, nhiều người chất vấn ÐHY: "Cha sướng thật, trong tù cha có nhiều thời giờ để cầu nguyện!" Không phải đơn giản như thế đâu. ÐHY viết: "Thời gian trong tù trôi qua chậm rãi, đặc biệt trường hợp những ai biệt giam.ẦMột tuần, một tháng, hai tháng thinh lặngẦthấy lâu dài cách kinh khủng. Khi thinh lặng ấy kéo dài từng năm thì nó trở thành đời đời" Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. (Một ngày trong tù dài bằng ngàn năm tự do). Có những lúc quá đau, quá mệt, không đọc được một kinh." (trang 35-36).

Nhưng ÐHY nhớ lại câu chuyện ông già JIM, cứ mỗi ngày lúc 12 giờ trưa, ông vào nhà thờ không quá hai phút và chỉ cầu nguyện như sau: "Giêsu, có Jim đây!".
Khi già yếu, ông Jim vào viện dưỡng lão và xin hai chiếc ghế: một chiếc dành riêng cho cha tuyên úy và các sơ; một chiếc dành cho khách quí là Chúa Giêsu, vì theo lời ông: "Trước kia tôi đến thăm Ngài ban trưa, nay đi hết nỗi, cứ 12 giờ trưa Ngài đến thăm tôiẦNgài bảo: "Jim, có Giêsu đâyẦ"
Trước khi chết, người ta thấy ông Jim đưa tay chỉ chiếc ghế như thể muốn mời ai ngồi. Ông Jim mỉm cười nhắm mắt ra đi.
ÐHY viết: "Những lúc tôi không còn sức để đọc nổi dù là một kinh, tôi lặp đi lặp lại:"Giêsu có con đây", tôi cảm thấy như Chúa Giêsu trả lời:"Thuận ơi, có Giêsu đây!" Tôi vui vẻ bình an. (trang 36-38).

ÐHY cho biết có lúc Chúa dùng giáo dân để khuyên ngài cầu nguyện. Ðó là ông quản KÍNH. Ông đã khuyên ÐHY như sau: "Thưa Cha, Cha không hoạt động tông đồ được, thì xin Cha cầu nguyện cho Hội Thánh; ở trong tù cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh lúc cha đọc lúc ở ngoài tự do!" (trang 42).

Ðức Mẹ còn sử dụng cả người Cộng Sản để nhắc nhở ÐHY cầu nguyện. 

Ông HẢI đã từng ở tù, nằm cùng buồng với ÐHY để mật thám ngài, sau đã thành bạn. Trước khi ra về, ông đã hứa với ÐHY như sau: "Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách Lavang 3 km, tôi sẽ đi Lavang cầu nguyện cho anh." Nhưng ÐHY đã hoài nghi, làm sao một người Cộng Sản mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho ngài được! Sáu năm sau, đang lúc bị biệt giam, ÐHY đã nhận được bức thư ông Hải với lời lẽ cảm động như sau: 
"Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ Lavang cho anh. Mỗi chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông Lavang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế nầy: "Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy."
Và ÐHY đã cầu nguyện: "Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng người Cộng Sản nầy để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!" (trang 42-43).

4.- YÊU THƯƠNG CHO ÐẾN HIỆP NHẤT

Ở trại Phú Khánh, một đêm Ðức Cha đau quá, thấy một người gác đi qua, Ngài kêu: "Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!" Anh ta đáp: "Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm." (trang 59).

Ở trong tù có nhiều người gác muốn học sinh ngữ Anh, PhápẦÐHY đã giúp họ. Từ từ, mấy chiến sĩ gác ÐHY trở thành học trò của ngài. Thậm chí những ông xếp công an, thấy ÐHY đối xử chân thành, không những họ xin ngài giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gởi anh khác đến học (trang 61).

Thời kỳ ÐHY bị biệt giam ở Hà-Nội, ngài được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ tuổi, học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu cho Giáo Hội. Trong số mấy anh gác của ÐHY, có hai anh thuộc nhóm học Latinh.

Một anh nhờ ÐHY chép bài Veni Creator Spiritus (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm) để học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng bảy giờ, anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước, vừa tắm vừa hát: Veni Creator SpiritusẦ
Anh thứ hai chọn bài hát tiếng Việt: "Ngày vinh phước hôm nay, hát mừng Tôma Thiện", kính thánh Tử Ðạo chủng sinh Việt-Nam. Tiếng hát ngân nga của các anh, nhắc nhở ÐHY can đảm chịu khó:

"Ôi! Cái chết đẹp thay!
Trên cổ một vòng dây,
Cái vòng dây yêu mến,
Buộc lòng tớ theo Thầy." (trang 63-65).

5.- TÔI CHỌN CHÚA

Trong thời gian biệt giam, mỗi năm mấy lần, ÐHY nhận thư cụ cố hoặc bà em. Nhưng đặc biệt một hôm, ÐHY được thư của bà CHIARA LUBICH, người sáng lập phong trào Focolare (Bác Ai Hiệp Nhất), với một câu lạ lùng như sau: "Tôi không nghĩ đến việc lôi kéo ai theo tôi; tôi chỉ biết hết lòng theo Chúa Giêsu, rồi người khác sẽ theo tôi." (trang 91).

Ðó là năm điều suy niệm trong sách "Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá" đã đánh động tôi nhiều nhất. Và rồi đây theo gương ÐHY mỗi ngày trong cuộc đời còn lại, tôi cũng chỉ làm công việc dâng lên Chúa và Ðức Mẹ năm chiếc bánh và hai con cá mà Chúa ban cho tôi ngày ấy, tức là những vui buồn, sướng khổ, vinh nhục, thành công hay thất bại, mạnh khỏe hay đau yếu, thánh thiện hay tội lỗiẦđể rồi Chúa sẽ làm phép lạ hay không, tôi xin hoàn toàn tuân phục Thánh Ý Chúa. Tôi xin chọn Chúa chứ không phải những công việc của Chúa.

Trong ngày hôm nay, ngày ÐHY được Chúa rước về để tận hưởng vinh quang trong Nước Trời, thiết tưởng rất hữu ích cho tất cả mọi người nên cùng suy niệm lại những tâm tư của ÐHY đã bộc lộ qua mấy lời cầu nguyện sau đây (trích EPHATA 62):

"Chúa nhân từ vô cùng, Chúa hiểu lòng con, và sự yếu hèn của con, nên Chúa không bỏ con.
Chúa công bình vô cùng, nên Ngài không đòi hỏi sự gì vượt quá sức con.
Con sung sướng vô cùng khi suy ngắm Chúa công minh vô cùng,
Và con giao phó tất cả, tất cả trong tay Chúa.
Kinh nghiệm đã cho con thấy, những lúc đường con đi gặp khó khăn muôn vàn,
Ðêm tối, thử thách hầu như không có lối thoát, Chúa không bỏ con, vì Chúa công minh vô cùng.
Lúc con hầu như sắp ngã quỵ dưới sức mạnh của sự dữ, 
Chúa vẫn không bỏ con, Ngài ở gần con hơn bao giờ cả.
Lúc con muốn thất vọng buông xuôi, Vì trong ngoài gặp bao nhiêu trở ngại như vũ bão, 
Ðể xuyên tạc thiện chí của con, hoạt động của con, Chúa vẫn không bỏ con.
Vì chính những lúc ấy, Chúa Thánh Thần dạy dỗ con phải làm gì, phải nói gì.
Chúa Thánh Thần tiếp tục đổ hy vọng vào tim con đang héo hắt.
Ngài bảo đảm cho con rằng:"Không bao giờ Chúa bỏ mặc con với giới hạn của con" ( Lc 12, 11-12 )
Vì làm như thế thì Chúa không còn là Chúa nữa...

Hùng Tân

VietCatholic News (Thứ Ba 17/9/2002)