Vài hàng tiểu sử về 
Ðức tân Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận

VietCatholic News. (22/1/2001) VATICAN – Toàn thể Giáo Hội Việt Nam hân hoan vui mừng vì Ðức Thánh Cha vừa cất nhắc một người con của quê hương Việt Nam lên hàng "hoàng tử" của Giáo Hội hoàn vũ. Ðức TGM Nguyễn văn Thuận thực đáp ứng nguyện vọng từ lâu của nhiều người, ngài chẳng những là một người tài giỏi về mọi mặt, nhưng còn là một người thánh thiện có đời sống nội tâm sâu xa, và là người hiện cũng đang nắm giữ một Hội Ðồng Giáo Hoàng quan trọng tại Giáo Triều Roma. Với cương vị mới ngài sẽ có một tiếng nói ảnh hưởng và quảng bá hơn cho những gì là công lý, tự do và nhân quyền cho những người con của Giáo Hội đang còn sống trong vòng bị đàn áp và thiếu phương tiện cơ hội để được sống theo đúng nhân bản và phẩm giá của con người.

Ðức Thánh Cha ban phép lành cho Ðức TGM Thuận
Với kinh nghiệm chính bản thân ngài đã từng bị tù tội và chịu bao nhiêu nỗi bất công, với kinh nghiệm từng trải đi thăm nhiều quốc gia trên thế giới, với tài ngoại ngữ biết thông thạo năm sáu thứ tiếng, với sự kính nể của biết bao nhân vật quốc tế vì kinh nghiệm chiến đấu cho tự do của Ngài.

Tài năng và ảnh hưởng của ngài phần nào đã được thố lộ ra nhân dịp ngài được đức thánh cha mời giảng phòng cho giáo triều Roma và cho chính đức thánh cha trước chuyến hành hương thăm Thánh Ðịa năm vừa qua, mà đã được giới báo chí thế giới tường thuật và ca ngợi hết mình. Một số sách của ngài viết ra về "những niềm hy vọng" dù phải sống trong những cảnh huống rất đen tối đang là những sách ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều tằng lớp. Sách của Ngài đã được dịch ra 12 ngôn ngữ, ngay cả tiếng Ả rập và tiếng Tầu, vì người ta tìm thấy nơi ngài niềm xác tín sâu xa của một cuộc hành trình tâm linh và kinh nghiệm làm thế nào vươn lên dù trong những lúc thất vọng nhất.

Do đó, những dòng sau đây nhằm tóm tắt một số những chi tiết về cuộc đời của đức tân hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận như sau:

Ðức cha Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17 tháng 4 năm 1928 từ một gia đình teh61 giá và ảnh hưởng của kinh đô Huế. Ngài là cháu Tổng thống tiên khởi của Việt Nam là Ngô đình Diệm. Lớn lên khi có ý định dâng mình phục vụ Giáo Hội, ngài vào theo học tại tiểu chủng viện An Ninh, Quảng Trị và đại chủng viện Kim Long, Huế.

Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ngài được thụ phong linh mục và ngay sau đó được bổ nhiệm làm cha phó xứ tại họ đạo Phanxicô.

Năm 1956 ngài được Ðức giám mục giáo phận Huế cử đi du học giáo luật tại Roma. Trong thời gian học tại giáo đô Roma và tham quan các quốc gia Âu châu, ngài có dịp tiếp xúc, sinh hoạt với các phong trào Ðạo Binh Ðức Mẹ, Hướng Ðạo, Cursillos, Focalare. Các phong trào nầy vào thời kỳ này đang có ảnh hưởng lớn tại Âu châu, nhất là các phong trào Công Giáo Tiến Hành nhằm làm sống lại thế giới trẻ của Âu châu muốn cho họ nhập cuộc và sống đức tin giữa lòng nhân thế. Các phong trào này đã ảnh huởng đến đường lối hoạt động của ngài sau nầy: một đường lối hướng tới đời sống siêu nhiên nhưng đàng thời phải quân bình trong việc phục vụ tha nhân theo chiều hướng nhân bản.

Năm 1959, ngài đậu bằng tiến sĩ giáo luật và trở về dạy tại tiểu chủng viện Huế (lúc bấy giờ đặt tại đại chủng viện Kim Long). Một năm sau ngài được cử làm Giám đốc tiểu chủng viện. Trong thời gian ngắn, ngài khởi công xây cất cơ sở mới và thành lập tiểu chủng viện Hoan Thiện ở ngay thành phố Huế, cạnh trường Thiên Hữu. Không lâu sau, ngài vừa là bề trên tiểu chủng viện Hoan Thiện vừa đảm nhận chức vụ tổng đại diện tổng giáo phận Huế.

Ngày 24 tháng 6 năm 1967, ngài được tấn phong giám mục Nha Trang. Khẩu hiệu theo như tên của của một Hiến Chế Công Ðồng Vatican thứ II là Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes) nhằm nói lên ý hướng cuộc đời phục vụ trong chức giám mục của Ngài cho hợp với niềm mong đợi vui mừng và hy vọng mà Công Ðồng đã đề ra. Trong thời gian làm giám mục giáo phận Nha Trang , ngài còn được trao các chức vụ:

Chủ tịch Ủy Ban truyền thông xã hội HÐGMVN (1967-1975)
Chủ tịch Ủy Ban phát triển HÐGMVN (1967-1975)
Cố vấn Ủy Ban giáo hoàng về giáo dân (1971-1978)

Ngày 23 tháng 4 năm 1975, trước thi Saigòn bị rơi vào tay CSVN, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục hiệu tòa Vadesi, tổng giám mục phó tổng giáo phận Saigòn với quyền kế vị trong coi Saigòn, nhưng sự việc này không được chính quyền Cộng Sản công nhận.

Ngày 15 tháng 8 năm 1975 , Ủy Ban Quân quản TP Saigòn bắt giam ngài theo lệnh của chính quyền trung ương. Ngài bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, cho đến ngày 23 tháng 11 năm 1988, nghĩa là hơn 13 năm tù đày, ngài được thả tự do. Trong thời gian bị giam giữ, có lúc ngài được nới rộng một chút như ở Cây Vong (Nha Trang), Giang Xá (Hà Nội).

Khi được thả tù năm 1988, tuy có tiếng là được trả tự do, nhưng chỉ là trên giấy tờ, còn ngài vẫn bị quản chế và không được thi hành chức vụ giám mục của mình.

Vào năm 1989, ngài được phép qua Roma chữa bệnh và được mời làm thành viên Ủy Ban quốc tế về Di trú và Di dân.

Ngày 09 tháng 04 năm 1994, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình.

Và ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm là chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý Hòa bình, có văn phòng tại Tòa Thánh Vatican.

Trong 3 năm gần đây, ngài thường xuyên đi thăm viếng các Cộng Ðoàn Việt Nam trên khắp thế giới để an ủi và khích lệ tinh thần sống đạo và dấn thân cho quê hương.

Với trách nhiệm là chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý Hòa Bình, ngài cũng đi thăm các quốc gia, diễn thuyết tại các đại học, các cơ quan quốc tế hầu nói lên lập trường nhân bản và những quyền lợi thiết yếu của con người.

Tuy công việc bề bộn, nhưng ngài quan niệm rằng những tư tưởng và đường lối của Phúc Âm và của Giáo Hội cần phải được phổ biến rộng rãi nên ngài đã bỏ thời giờ để ghi lại những suy tư của mình và đã cho xuất bản một số các cuốn sách nhỏ. Một số những sách này hiện nay đã được dịch ra có thể đếm được tới 12 ngôn ngữ khác nhau, kể cả tiếng Tầu và tiếng Ả rập.

Sách của ngài viết ra được chia thành hai thời kỳ. Thời gian ở tù gồm có 3 tập nhằm viết lên một số kinh nghiệm sống đức tin, mục vụ, tu đức của ngài là:

Ðường hy vọng (1975)
Ðường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Ðồng Vaticanô II (1979)
Những người lữ hành trên Ðường Hy Vọng (1980)

Từ ngày sang Roma cho tới nay ngài viết thêm những tập sách sau đây:

Năm chiếc bánh và hai con cá
Cầu nguyện
Hãy trao tặng tuổi trẻ nụ cười
Niềm vui sống đạo
Sứ Ðiệp Ðức Mẹ La-Vang
Chứng nhân hy vọng

Vào ngày Chúa Nhật vừa qua ngày 22 tháng 02 năm 2001, ngài được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cất nhắc lên hàng Hồng Y để tiếp tục phục vụ tại giáo triều Roma, đồng thời là cố vấn của Ðức Thánh Cha trong cương vị là hồng y.

VietCatholic xin hân hoan chia sẻ niềm vui này không những chỉ riêng cho Ðức Tân Hồng Y mà còn là niềm vui của cả Giáo Hội Việt Nam. Riêng đối với VietCatholic từ ngày thành lập cho đến nay Ngài vẫn là người ủng hộ và khuyến khích nâng đỡ về tinh thần và những bài phát biểu của chính ngài.