VietCatholic News (Thứ Bẩy 21/9/2002)

KÍNH NHỚ ÐỨC HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN

Sáng sớm hôm nay, 17.9.2002, tin buồn loan đi từ các đài phát thanh: Ðức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã qua đời. Chợt nghĩ đến mầu nhiệm Mai Khôi, với những Sự Vui, Sự Thương, Sự Mừng. 

SỰ VUI: 

Hồi đó, cha Lu-y Nguyễn Văn Quy dẫn bọn học sinh chúng tôi đi cắm trại một tuần trên núi Bạch Mã. Giữa núi rừng mát lạnh trùng điệp khói mây, buổi sáng hôm ấy, chúng tôi gặp một vị Linh Mục trẻ từ Huế lên chơi. Cha Quy nói cho bọn chúng tôi biết đó là cha Thuận, Giám Ðốc Tiểu Chủng Viện Huế. Giọng nói nhỏ nhẹ, câu chuyện dí dỏm, gương mặt thanh tú của cha Thuận tạo cho bọn học sinh chúng tôi ấn tượng về một Linh Mục rất mực dễ mến. Hơn nữa, có cái gì đó ở cha Thuận gợi ý cho những ai gặp cha rằng: cha không chỉ "dễ mến" mà còn là con người xuất chúng. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhưng kỷ niệm không phai. 

Mấy năm sau, chúng tôi thích thú mà không ngạc nhiên đón nhận tin cha Nguyễn Văn Thuận được cử làm Giám Mục. Khi ấy cha mới 39 tuổi. Ảnh vị tân Giám Mục trên bìa tờ nguyệt san làm nhiều người trầm trồ. Lại nhớ lần đến thăm cha Gérard Gagnon ở biệt thự Thánh Tâm, Ðà Lạt. Cha Gagnon cũng là một vị Thừa Sai gây nhiều ấn tượng, đã có công lớn đào tạo nhiều chiến sĩ Công Giáo Tiến Hành ở Việt Nam. Khi nói chuyện, đột nhiên cha Gagnon nhắc đến vị tân Giám Mục Nha Trang, cha nói: "Heureusement, Thuận, c’est un type magnifique !" ( Hay quá, Thuận là một týp người tuyệt vời ! ). 

Lại càng phấn khởi khi được biết Ðức Giám Mục Thuận chọn cho mình khẩu hiệu là "Gaudium et Spes" ( Vui Mừng và Hy Vọng ). Ðó là nhan đề và cũng là những từ mở đầu của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay của Công Ðồng Vatican 2. Công Ðồng vừa kết thúc, Giáo Hội đi vào một chặng đường mới. Rõ ràng vị Giám Mục trẻ tuổi muốn cho sinh khí của Công Ðồng thổi mạnh trong lòng Dân Chúa. 
Những năm sau đó, đến Nha Trang, chúng tôi được chứng kiến sinh hoạt đầy "vui mừng và hy vọng" của Tòa Giám Mục, những khóa huấn luyện, hội thảo, những bài ca Focolare, những bạn trẻ tới lui tấp nập... Khẩu hiệu của Ðức Cha đang thành hình thức... 

SỰ THƯƠNG: 

1975: Lịch sử sang trang, đất nước đi vào một cuộc đổi đời, Lòng Tin gieo mình vào mảnh đất mới. Không có gì khó hiểu khi Giáo Hội đi qua một đoạn đường gian nan, trăn trở. Lúc ấy, mỗi người, mỗi nhóm cắm cúi trong vị trí của mình, tìm đường, định hướng. Ðức Cha Thuận cũng chẳng còn ở Nha Trang. Với ngài, Năm sự Vui đã qua, Năm Sự Thương đã đến. 

Những ngày lột xác vỡ da ấy, không dễ đi thăm viếng nhau. Có thể đứng xa xa mà nhìn, có thể ngóng những tin tức ít ỏi thỉnh thoảng mới được nghe. Ngôn ngữ Linh Ðạo gọi đó là hành trình vượt sa mạc. Riêng với Ðức Cha Thuận, hành trình này lâu 13 năm. Có điều, sa mạc, như Lời Hứa của Thánh Kinh, có thể nở hoa. Những đóa hoa tím mầu hy vọng. Ðức Cha khám phá ra "Ðường Hy Vọng" trong sa mạc. 

Nói đến "vui mừng" thì có vẻ mỉa mai, nhưng hiển nhiên là "hy vọng" còn đó. Và nếu hy vọng còn đó thì vui mừng cũng lẩn quất gần đâu đấy. Nó giống như vị ngọt đọng lại khi ta đã uốônh1 một ngụm trà đậm đắng. Không tin, cứ đọc các chứng từ của Ðức Cha Thuận... 

Ngày nay, viếng Nhà Thờ Hàm Long ở Hà Nội, có thể thăm lại căn phòng mộc mạc Ðức Cha đã nằm dưỡng bệnh những lúc lên cơn đau ngặt nghèo. Về Tòa Giám Mục cũng vậy. Rảo qua các cộng đoàn Hà Nội, sẽ gặp mấy giáo dân đã tận tụy săn sóc, phục vụ Ðức Cha trong lúc sức khỏe ngài tàn tạ. Những con người khi ấy còn khỏe mạnh, lanh lẹ, nay đã hơi xộc xệch, bước đi nặng nề, tóc điểm bạc, và nét mặt phong sương, giữa họ và Ðức Cha có nhiều kỷ niệm với nhau. Dù đã về Tòa Thánh, Ðức Cha không hề quên họ. 

Có những người, cả Việt Nam lẫn nước ngoài, đã nhận xét về Giáo Dân Hà Nội rằng họ nghèo tiền, nhưng rất giàu tình ( Người viết bài này đã chứng kiến tận mắt cảnh bà con giáo dân đón mừng mấy vị Thừa Sai già về thăm chốn cũ. Lần ấy là các cha Michel Laliberté, Jean Marie Labonté và Camille Dubé. Ai đó buột miệng thốt lên: "Chúng con nghèo lắm, cha ơi !" Và cha Camille Dubé hơi ngấn nước mắt, nói lại tiếng Việt đã vài chục năm cha không được nói: "Nhưng tình thì không nghèo đâu, giàu lắm, giàu lắm !" Và cũng cái tình đó lúc nào cũng hừng hực như than hồng dưới lớp tro đã bao bọc lấy Ðức Cha Thuận trong những đoạn cuối của Sự Thương. 

SỰ MỪNG: 

Năm 1991, Ðức cha Thuận đi nước ngoài. Nghĩ như ngài đi thăm gia đình và chữa bệnh rồi về. Ðường đời lắm nỗi bất ngờ. Từ Thức nhớ quê thì được về, nhưng Giám Mục Thuận thì không. Bến đỗ cho ngài là Rô-ma. Nhiều công việc dành cho ngài ở đấy. Mọi người cảm thấy rằng đây sẽ là một trường hoạt động rộng lớn hợp với tầm vóc của ngài... Năm 1998, ngài được cử làm Chủ Tịch Hội Ðồng "Công Lý và Hòa Bình" của Tòa Thánh. Công chúng hiểu ngay là Việt Nam sắp có một Hồng Y mới. Ðầu năm 2001, điều mong chờ đã thành hiện thực. 

Từ ngày ở nước ngoài, ngài là một nhân vật chói sáng trong Giáo Hội hoàn vũ. Ngài có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều huy chương và giải thưởng. Ðặc biệt Mùa Chay năm 2000, Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 mời ngài giảng Tĩnh Tâm cho giáo triều Rô-ma. Ðức Thánh Cha nói: "Năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3, một người Việt Nam sẽ giảng Tĩnh Tâm cho giáo triều." Từ ngày ngài lãnh Hồng Y, thậm chí nhiều người còn đoán ngài có thể kế vị Ðức Gio-an Phao-lô 2. 

Một con người từ khi còn trẻ đã gợi lên nhiều kỳ vọng, tới một lúc nào đó, mọi kỳ vọng tưởng như tắt lịm, đến cuối đời, những khả năng đã bị chôn vùi lại vươn lên rực rỡ. Kết cục như thế là rất vinh quang. Có điều khi đạt tới vinh quang thì từ lâu rồi, Ðức Hồng Y Thuận đã bỏ lại sau lưng mọi giấc mộng vinh quang. Ðường ngài đi qua đã bào mòn mọi vinh quang theo nghĩa thế gian, chỉ để lại lòng tin yêu và niềm hy vọng. Hình như ngài đi vào đường công danh cuối đời với một tay nải chỉ có "năm chiếc bánh và hai con cá" ( Nhan đề một tác phẩm của Ðức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận ). Trong tia nhìn và nụ cười hóm hỉnh, và cả trong tư tưởngữn, có cái gì bình an mà nhẹ tênh. Ngài tin vào "Chúa Giê-su không có trí nhớ tốt, Chúa Giê-su không biết toán học, Chúa Giê-su không biết luận lý, Chúa Giê-su phiêu lưu, Chúa Giê-su không biết tài chánh và kinh tế" ( Các tiểu đề trong một bài giảng của Ðức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận tại giáo triều Rô-ma ). 

Từ ngày lãnh áo đỏ đến ngày giã từ mọi màu sắc cõi đời chỉ có hơn một năm. Lá rụng về cội... 

"Lạy Chúa,, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, 
Ngài biết con khi đứng khi ngồi... 
Dù con chắp cánh bay cùng hừng đông xuất hiện 
Hay biệt cư nơi góc biển chân trời, 
Thì vẫn tay Ngài đưa đường dẫn lối 
Tay phải Ngài nắm tay con dắt đi..." 
( Thánh Vịnh 139, 1 - 2; 9 - 10 ) 
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt 
Ðược Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. 
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ 
Và lòng dạ hân hoan, 
Thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn..." 


(Trích từ Ephata)