ÐGM Hoàng Văn Ðoàn: Một nhà văn hóa

NGUYỄN LÝ TƯỞNG

Cách đây gần 40 năm, trên báo La Vang của Tổng Giáo Phận Huế, Linh Mục Nguyễn Kim Bính (1) có nói đùa rằng "Văn chương của tôi không bằng được Ðức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Ðức Cha Hoàng Văn Ðoàn nhưng chắc chắn không thua kém gì văn chương của Linh Mục Lê Xuân Mừng"(2). Cũng vì câu nói câu nói đùa ấy mà ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, tôi hằng để tâm tìm hiểu về Ðức Giám Mục Hoàng Văn Ðoàn. Tôi thường nghe nói rằng ngài là một người thông thái trong số các Giám Mục Việt Nam thời đó, nhưng chưa lần nào được nghe ngài nói hay đọc được văn chương của ngài. Tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của ngài trên báo chí hay trong sách vở. Ngài có một gương mặt trí thức, bác học, với một bộ râu trông như một vị thượng phụ của Giáo Hội Hy Lạp. Nghe nói mỗi lần đi hội họp ở Roma, người ta thường lầm ngài là người Tây Phương hay một vị thượng phụ nào thuộc Giáo Hội Ðông Phương.

Thế rồi một sự tình cờ, tôi được yết kiến ngài tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn vào đầu năm 1967 khi tôi có việc đi qua vùng này. Tôi đến thăm ngài vì lòng ngưỡng mộ, xem ngài như là một thần tượng qua những giai thoại người ta kể về ngài. Tôi thấy nơi ngài tiềm ẩn một con người đạo đức, thánh thiện và thông thái. Ngài trả lời những câu hỏi của tôi nêu ra một cách bình thường nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Gần ba năm sau, tôi được dự thánh lễ kỷ niệm 300 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Sàigòn. Tôi được nghe ngài thuyết giảng và quả thật "danh bất hư truyền", bài giảng của ngài vừa có giá trị về công trình nghiên cứu lịch sử vừa có giá trị văn chương. Cuối bài giảng, ngài ứng khẩu đọc một bài thơ do chính ngài sáng tác để tặng các sơ Dòng Mến Thánh Giá nhân kỷ niệm tam bách chu niên. Lần cuối cùng, khoảng 1973, tôi được dự thánh lễ truyền chức cho một số các Thầy Phó Tế được tổ chức tại nhà thờ Ðồng Tiến, Sàigòn. Sau đó, tôi được tin ngài qua đời một cách đột ngột vào lúc 14 giờ 50 ngày 20-5-1974.

Trước năm 1975, có ba vị Giám Mục danh tiếng của Giáo Hội Việt Nam qua đời một cách đột ngột trong một quãng thời gian ngắn, đó là ÐGM Lê Văn Ấn (GP Xuân Lộc), ÐGM Nguyễn Văn Hiền (Dalat) và ÐGM Hoàng Văn Ðoàn (Qui Nhơn) như một dấu hiệu báo trước về những ngày đen tối sắp đến của Giáo Hội Việt Nam sau ngày 30-4-1975.

Năm 1988, sau 13 năm bị giam giữ trong nhà tù CSVN, từ miền Bắc trở về, tình cờ tôi gặp người cháu của Ðức Cha Hoàng Văn Ðoàn tại giáo xứ Thị Nghè, Sàigòn. Tôi có ngỏ ý muốn sưu tầm một số hình ảnh, tài liệu về Ðức Cha... Cùng lúc đó, anh Nguyễn Ðăng Trúc ở Pháp viết thư nhờ tôi viết cho anh một bài về Ðức GM Hoàng Văn Ðoàn. Hoàn cảnh tôi lúc đó đang bị CS kiểm soát rất chặt chẽ nên ngày 18-8-1991, tôi viết một thư trả lời, trong đó ghi lại một số chi tiết về lý lịch của ngài để anh Trúc có thể dựa vào đó mà viết một bài về ngài.

Tôi nhờ một người quen biết ở Tây Ðức chuyển thư cho anh Trúc. Nhưng bức thư đó đã không đến tay anh Trúc vì anh đã thay đổi địa chỉ. Chiều 4-6-1992, Công An TP/HCM đến xét nhà và bắt tôi lần thứ hai vì tội "hoạt động lật đổ chính quyền CS". Trong dịp đó, một số tài liệu liên quan đến ÐGM Hoàng Văn Ðoàn bị chúng tịch thu hết. Cuối năm 1994, sau khi đến định cư tại Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn chính trị, tình cờ tôi nhận được một thư của bạn tôi ở Ðức cho biết vì không liên lạc được với anh Nguyễn Ðăng Trúc nên xin trả lại cho tôi bức thư tôi nhờ anh ấy gởi cho anh Trúc năm 1991. Thật là một phép lạ! Tôi kể lại cho anh Trúc hay chuyện đó và anh yêu cầu tôi viết cho báo Ðịnh Hướng một bài về ÐGM Hoàng Văn Ðoàn.

Tôi thật vô cùng bối rối và nghĩ rằng mình chưa đủ hiểu biết về ngài để có thể trình bày dưới hình thức một bài nghiên cứu, nhất là về khía cạnh "ngài là một nhà văn hóa". Chỉ có những bậc thầy của chúng tôi như LM Giáo Sư Vũ Ðình Trác, GS Lê Hữu Mục, GS Võ Long Tê... mới có đủ tư cách để viết về ngài. Riêng tôi, kiến thức quá nông cạn, một khi viết ra chắc chắn có rất nhiều thiếu sót.

Tuy nhiên, tôi cũng cứ vâng lời anh em viết ra một đôi điều về ÐGM Hoàng Văn Ðoàn để đáp lại lòng ưu ái của ngài đối với tôi trong những lần gặp gỡ. Tôi cho rằng nhờ sự che chở của ngài mà bức thư tôi gởi từ Việt Nam cho anh Nguyễn Ðăng Trúc ở Pháp từ 1988 đã trở về lại với tôi vào cuối năm 1994. Trong ý nghĩ đó, tôi xin mạo muội viết ra những dòng sau đây về Ðức Cha, ước mong bà con, con cháu, học trò, đồng hương của ngài cũng như quí vị học giả ở trong nước và hải ngoại ai biết được điều gì, sưu tầm được điều gì về ÐGM Hoàng Văn Ðoàn, xin vui lòng bổ túc cho. Xin cám ơn.

1. QUÊ HƯƠNG ÐỊA LINH SINH NHÂN KIỆT

Ðức Cha Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1912 tại họ giáo Trà Lũ, giáo xứ Phú Nhai, Giáo Phận Bùi Chu.

Trà Lũ là một làng Công Giáo toàn tòng với hơn 3000 giáo dân vào thời đó, là quê hương của Thánh Tử Ðạo Vinh Sơn Liêm thuộc Dòng Ða Minh (tử đạo thời Chúa Trịnh Sâm 1773, được dân chúng tôn sùng, dựng tượng kỷ niệm ở Manila). Theo lời Ðức Giám Mục Phạm Ngọc Chi thì Phú Nhai là Trung Tâm Thánh Mẫu thời danh ở miền Bắc cũng như La Vang (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam) ở miền Trung. Nhiều Linh Mục, Giám Mục danh tiếng, nhiều nhà trí thức, học giả, giáo sư v.v... đều xuất thân ở vùng này.

Ngài là con thứ năm trong một gia đình có 12 anh em, 7 trai, 5 gái. Cụ Hoàng Văn Nhu, thân phụ của ngài là một nhà Nho nổi tiếng tại địa phương, có một đời sống đạo đức, gương mẫu, đã dạy dỗ con cái nên người siêng năng, đạo đức. Ngay từ trong gia đình, cậu Hoàng Văn Ðoàn đã nổi tiếng thông minh và đạo đức, bản tính hiền lành, khiêm tốn, từ nhỏ ai trông thấy cũng đem lòng thương mến.

Sau khi cha mẹ cho ngài vào tu học tại Tiểu Chủng Viện Ninh Cường, Bùi Chu, ngài được tiếp tục học tại Giáo Hoàng Chủng Việt Thánh Alberto Nam Ðịnh. Mãn khóa Triết Lý, Thầy Ðoàn xin chuyển qua Dòng Ða Minh và mặc áo dòng với hai thầy bạn, trong đó có cố Giám Mục Trương Cao Ðại. Sau khi ở nhà tập và khấn dòng ba năm, thầy Ðoàn được Bề Trên cho đi du học tại Học Viện Ða Minh ở Hồng Kông, thuộc dòng Ða Minh. Sau đó, thầy được gởi qua học ở Le Saulchoir (Bỉ) rồi Paris (Pháp) và theo học Văn Chương tại ÐH Sorbonne (Pháp). Ngài chuyên về các cổ ngữ như Hy Lạp, Do Thái để nghiên cứu Kinh Thánh.

Thầy Ðoàn được khấn trọn đời và thụ phong Linh Mục tại Pháp ngày 24-12-1939, mới 27 tuổi. Cũng tại Pháp, ngài đã đậu tiến sĩ Thần Học và được mời làm giáo sư dạy tiếng Hy Lạp và Do Thái ở tu viện Saint Maxim đồng thời làm tuyên úy cho anh em lao công Việt Nam tại Pháp.

Năm 1946, ngài qua Roma học tại Ðại Học Angelicum. Cuối năm 1946, ngài trở về Việt Nam làm chánh xứ Hồng Gai trong tình hình chiến tranh bùng nổ tại Ðông Dương, quân Pháp đổ bộ Hải Phòng. Ngài đang hăng say phục vụ thì được lệnh qua Hồng Kông làm giáo sư Thánh Kinh, dạy tiếng Hy Lạp và dạy tiếng Pháp tại Học Viện Ða Minh.

2. MỤC TỬ NHÂN LÀNH: KHÔNG BỎ ÐÀN CHIÊN

Ngày 1-2-1950 LM Hoàng Văn Ðoàn được Tòa Thánh Vatican đặt làm Giám Mục giáo phận Bắc Ninh. Ngài lên đường qua Roma và được thụ phong Giám Mục tại thánh đường Santa Sabina ngày 3-9-1950. Ngài trở về giáo phận Bắc Ninh trong cảnh hoang tàn. Thị xã Bắc Ninh vừa bị bom đạn tàn phá bình địa, không có Tòa Giám Mục, ngài phải dùng cái phòng phía sau bàn thờ, nơi các Linh Mục mặc áo chuẩn bị ra bàn thờ dâng thánh lễ để làm Văn Phòng Giám Mục. Ngài tiếp khách ở đó và làm việc ở đó. Khách thập phương đến thăm hoặc các Linh Mục, giáo hữu trong giáo phận có việc đến gặp Ðức Cha thấy ngài phải sống chật vật như thế đều không khỏi bùi ngùi.

Mặc dầu tình thế khó khăn, ngài vẫn can đảm tổ chức lại giáo phận về mặt kiến thiết cơ sở cũng như phát triển văn hóa, tinh thần.

Trước ngày ký kết hiệp định Genève 20-7-1954, ngài biết trước tình hình và cương quyết ở lại với con chiên không di cư vào Nam.

Khi quân đội Pháp Việt rút khỏi Miền Bắc, chính quyền CS đã chủ trương gây khó dễ cho các tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng. Âm mưu của chúng là làm cho các tôn giáo, nhất là Công Giáo sẽ không còn hiện diện ở trong chế độ Cộng Sản Miền Bắc được nữa. Một số các Linh Mục ở những nơi hẻo lánh bị giết chết một cách mờ ám, có vị không tìm ra xác. Tất cả các Linh Mục ngoại quốc đều bị bắt giam hay bị trục xuất. Những người trước đây có làm việc cho chính quyền quốc gia thời Bảo Ðại thì bị bắt buộc phải đem gia đình lên ở miền núi, vùng kinh tế mới. Nhà cửa, ruộng vườn của họ tại quê nhà đều bị tịch thu chia cho bọn đảng viên CS. Mọi người hoang mang lo sợ và cảm thấy đang trở lại thời kỳ bắt đạo, cấm đạo trong các thế kỷ trước. Ðức Cha thường đi xe đạp đến các nhà thờ thăm các giáo xứ, an ủi giáo dân.

Một hôm, trên đường đi, ngài bị một bọn người chận đánh ngay giữa đường một cách dã man. Ngài bị thương nặng, gãy chân.

Giáo hữu nghe tin chạy đến đưa ngài về nhà và làm đơn phản đối gởi lên Thủ Tướng Việt Cộng Phạm Văn Ðồng ở Hà Nội. Vấn đề trở nên rắc rối... Chính quyền Cộng Sản giải thích rằng dân chúng lầm ngài là người Tây (Pháp) nên vì căm thù thực dân Pháp mà đã vây đánh ngài. Thực ra, chúng đã có âm mưu từ trước nên nhân dịp này, chúng đề nghị cho ngài qua Hồng Kông chữa trị. Sau một thời gian nằm bệnh viện ở Hồng Kông, ngài xin trở về tiếp tục nhiệm vụ tại giáo phận Bắc Ninh thì được Hà Nội trả lời không chấp thuận.

Ngài tiếp tục chữa bệnh và phụ trách dạy giáo lý và Kinh Thánh tại tu viện Ða Minh đồng thời cũng học thêm tiếng Trung Hoa (tiếng Quảng Ðông).

3. TIẾP TỤC NHIỆM VỤ MỤC TỬ TẠI MIỀN NAM VÀ LÀM NHIỆM VỤ VĂN HÓA

Năm 1960, ÐGM Hoàng Văn Ðoàn trở về Saigòn và được cử làm Giám Ðốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Alberto kiêm Giáo Sư Ðại Học Dalat. Ngài đã thành công trong nhiệm vụ văn hóa giáo dục. Ngài vốn nổi danh là một giáo sư thông thái ở Pháp, ở Hồng Kông và nay thì người đồng hương Việt Nam đã biết đến ngài và đã được thụ huấn với ngài.

Ngày 18-1-1963, vì nhu cầu mục vụ, giáo phận Qui Nhơn được chia làm hai giáo phận: ÐGM Phạm Ngọc Chi từ Qui Nhơn ra phụ trách giáo phận Ðà Nẵng và ÐGM Hoàng Văn Ðoàn được cử làm Giám Mục Qui Nhơn.

Ngài đến Qui Nhơn với một biểu hiệu mới: hình bầu dục, phía trên màu trắng và đen, giữa có con voi đứng trên ba khối đá, ở dưới có những làn sóng lăn tăn trên nền màu lam và dưới nữa có viết khẩu hiệu "Narrabo nomen tuum fratribus meis" (Tôi sẽ rao truyền danh Chúa cho anh em tôi).

Trắng và đen là màu sắc của dòng Ða Minh. Voi chỉ sự vững bền và sức mạnh. Thánh Kinh thường nói đến cái ngà hay cái sừng để chỉ sức mạnh của ơn cứu rỗi "cornus salutis" (Lc,1,69). Voi có rất nhiều ở vùng núi Bình Ðịnh nhất là thời xưa (Chiêm Thành, Tây Sơn) hiện giờ trong rừng già âm u của các tỉnh miền Trung vẫn còn rất nhiều voi. Ba khối đá cũng như những làn sóng ở dưới tượng trưng cho núi đồi và biển cả của ba tỉnh thuộc giáo phận là Tuy Hòa, Bình Ðịnh và Quảng Ngãi.

Ngài dùng biểu hiệu và khẩu hiệu đó với quyết tâm rao truyền lời Chúa đến tận các núi đồi trong những rừng sâu tới ngoài biển cả mênh mông, tới những thành thị náo nhiệt, những thôn quê hẻo lánh trong giáo phận của ngài... Theo lời Thầy Chí Thánh: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mt.11,29), ngài đã rao truyền lời Chúa bằng những hình ảnh của cuộc sống đơn sơ, hiền lành, khiêm nhượng giữa anh em. Nếu ai đã từng được một lần sống gần ngài, ÐGM Hoàng Văn Ðoàn... Ðó là lời nhận xét của Ðức Cha Phạm Ngọc Chi trong lần vĩnh biệt Ðức Cha Ðoàn.

Trong cuộc đời của ÐGM Hoàng Văn Ðoàn, ngài dạy học, viết báo, đào tạo cán bộ tông đồ, lập Chủng Viện... Dù trong hoàn cảnh chiến tranh, không có phương tiện trong tay, ngài cũng quyết tâm thực hiện cho được chương trình đã vạch ra. Ngài là một nhà thông thái, biết rất nhiều sinh ngữ, cổ ngữ: Hy Lạp, Latinh, Do Thái, Hán Văn, tiếng Anh, Pháp, Ðức, Ý, Tây Ban Nha, tiếng Bắc Kinh (Quan Thoại), tiếng Quảng Ðông v.v... Ngài mở miệng ra là thành thi văn... Thường trong các bài giảng, cao hứng, ngài đọc luôn cả bài thơ dài... Thơ văn của ngài trước đây đã được đăng tải trên các báo, rất tiếc hiện nay chúng tôi không còn giữ được bài nào... Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều người biết, nhiều người thuộc. Ước mong quí vị, ai biết xin giúp cho chúng tôi chút ít văn thơ của ngài để lưu lại cho kho tàng văn học, nhất là văn học Công Giáo Việt Nam.

Trong một bài viết cho Hiệp Nhất nhân dịp lễ Giáng Sinh năm 1997, LM Hán Chương Vũ Ðình Trác có kể lại một kỷ niệm lần Ðức Cha đến thăm Ðại Chủng Viện, Cha Trác có đọc mấy câu thơ vui về bộ râu của Ngài như sau: (Bài thơ có nhắc lại việc Ðức Cha bị đánh giữa đường sau 1954 khi đi thăm giáo hữu tại Bắc Ninh): Người Ta, tiếng Việt mặt Tây tây,

Quai nón râu ria khắp mặt đầy.
May còn cái mũi giống duyên mẹ,
Việt Cộng nó bảo đúng thằng Tây.

Ðức Cha liền ứng khẩu đáp lại:

Bố mẹ ngày đêm rất sợ Tây,
Sinh ra thằng bé mặt dầy dầy.
Lớn lên nó bảo tớ lai giống,
Nên nỗi thằng ngu nó đánh Tây.

Rồi Ðức Cha lại ngâm tiếp mấy câu thơ (nhại thơ của Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều)

Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng số đoán ngay một lời:
Rằng sau có đứa dở hơi,
Nó cho một trận chết đời thằng Tây.

Các thầy Ðại Chủng Viện, học trò của ngài, thường đùa: "Ðức Cha là một bồ thơ" vì thơ văn lúc nào cũng rơi rụng theo mỗi bước đi của ngài.

LM Lê Xuân Mừng ở Pháp còn giữ được một bài thơ của Ðức Giám Mục Hoàng Văn Ðoàn gởi tặng ngài nhân một lần xướng họa như sau:

Nón bài thơ

Nón kia, thơ mộng, nón sông Hương,
Thanh lịch, tiếng đồn khắp bốn phương.
Tô điểm dong nhan cô gái Huế,
Gây nguồn cảm hứng khách văn chương.
Hè hanh, thêm mát khi viêm nhiệt,
Ðông giá, giảm hàn lúc tuyết sương.
Quyến rũ hồn này, ôi cái nón!
Ra đi, lữ khách dạ tơ vương.

Ngài qua đời lúc 14 giờ 50 ngày 20 tháng 5 năm 1974, hưởng thọ 62 tuổi, làm Linh Mục 35 năm, làm Giám Mục 24 năm, riêng phụ trách giáo phận Qui Nhơn 11 năm. Thật là một thiệt thòi rất lớn cho Giáo Hội Việt Nam và để lại nhiều thương tiếc cho con chiên, cho gia đình, bạn hữu và những môn sinh của ngài.

LM Hoàng Sĩ Quý, em ruột của ngài, một nhà thông thái, hiện còn ở tại Việt Nam. LM Hoàng Văn Hiền cũng ở trong gia đình của ngài. Con cháu của ngài một số cũng đang định cư tại Hoa Kỳ.

Nam Cali ngày 5-11-1997
Kỷ niệm ngày sinh thứ 85
của ÐGM Hoàng Văn Ðoàn (1912-1997)

Nguyễn Lý-Tưởng

Chú thích:

1. LM Nguyễn Kim Bính, Giám Ðốc Công Giáo Tiến Hành Giáo Phận Huế thời Ðức TGM Ngô Ðình Thục, chủ biên báo Ðức Mẹ La Vang trước 1964, du học tại Pháp, Tổng Ðại Diện Giáo Phận Huế thời Ðức TGM Nguyễn Như Thể, mới qua đời 1996 tại Việt Nam.

2. LM Lê Xuân Mừng, thuộc giáo phận Huế, hiện ở Pháp, 90 tuổi, đã xuất bản nhiều tập thơ tiếng Việt và tiếng Pháp.

3. Ba vị Giám Mục Việt Nam đột ngột qua đời trước 30-4-1975 là GM Giuse Lê Văn Ấn (GP Xuân Lộc), GM Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (GP Dalat) và GM Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn (GP Qui Nhơn).