Chết là thay đổi nhà ở

Ngày 1-11, chúng ta đã mừng lễ Các Thánh Nam Nữ. Chúng ta đều biết Giáo Hội thiết lập lễ Các Thánh, không phải chỉ để chúng ta tôn vinh các Ngài mà thôi, nhưng còn là dịp để nhắc nhở mọi con cái trong Giáo Hội hiểu rằng con đường nên thánh là con đường dành cho mọi người, không trừ một ai; rằng chúng ta được hiệp thông với các thánh trên trời, và chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng niềm hy vọng sẽ được sum họp với các thánh trên thiên đàng.

Còn hôm nay, 2-11, lễ Các Ðẳng Linh Hồn. Một đàng, Giáo Hội kêu gọi chúng ta nhớ đến những người đã qua đời, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè, thân thuộc để cầu nguyện cho các Ngài sớm được hưởng phúc trường sinh. Nhưng đàng khác, Giáo Hội cũng nhân dịp này, muốn nhắc bảo chúng ta, những người còn đang sống trên dương gian này, hãy nhìn thẳng vào cái chết, không sợ hãi, không tránh né, để có một cái nhìn đúng đắn, lạc quan về cái chết. Vì chỉ khi nào ta biết nhìn vào cái chết, năng suy nghĩ về cái chết, thì ta mới có thể sống tốt, sống cho ra sống, sống đúng như ý Thiên Chúa muốn, và chết đẹp lòng Chúa.

Chúng ta đã được nghe nói rất nhiều lần rằng chết là một cuộc giải thoát, chết là được về với Chúa, chết là cái cửa đưa vào cõi phúc trường sinh bất tử. Quan niệm như thế là rất đúng với giáo lý của đạo công giáo. Hôm nay, tôi muốn diễn tả cái chết bằng một hình ảnh rất thân quen với đời sống con người chúng ta. Chết là đi từ nhà này sang nhà khác.

Quả vậy, thưa anh chị em. Người Kitô hữu chúng ta có bốn nhà. Nhà thứ nhất là căn nhà nơi cha mẹ sinh ra ta. Nơi đó, ta được sinh ra và được sống với ông bà, cha mẹ, anh chị em cùng những người thân. Chính nơi này ta đã chào đời và được lớn lên, được yêu thương chăm sóc.

Nhà thứ hai là Nhà Thờ giáo xứ. Nơi đây, ta được cha mẹ đem đến để lãnh bí tích Rửa tội, để chính thức gia nhập Hội Thánh Chúa. Cũng tại nhà thờ, ta đến gặp gỡ với Chúa, với anh em, với cộng đoàn. Ta thờ phượng Chúa, ta được nghe Lời Chúa, được lãnh nhận các bí tích; được rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, được hoà giải với Chúa trong bí tích giải tội, được Chúa Thánh Thần ban sức mạnh trong bí tích Thêm sức, được Chúa chúc lành cho tình yêu vợ chồng trong bí tích Hôn Nhân. Và khi ta nhắm mắt lìa đời thân xác ta lại được đem đến nhà thờ lần cuối để giã biệt mọi người.

Nhà thứ ba là nhà mồ, là chiếc quan tài chứa đựng thân xác ta và bị chôn vùi xuống lòng đất. Chính Thánh vịnh 48 đã xác nhận rằng đối với con người thì: "ba tấc đất mới thật là nhà". Như vậy, chết là đi từ nhà sinh, qua nhà thờ đến nhà mộ. Nhưng cả ba nhà này đều là tạm bợ, đều chỉ có tính cách nhất thời. Chúng chỉ là những quán trọ dọc đường.

Ngôi nhà thứ tư mới là ngôi nhà vĩnh cửu. Ngôi nhà mà mọi Kitô hữu phải nhắm tới chính là nhà Cha trên trời. Chính thánh Phaolô đã có lần khích lệ giáo dân Corintô: "Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu trên trời, không do người thế làm ra" (2 Cor 5,1). Ngôi nhà đó là nhà Cha chúng ta trên quê hương vĩnh cửu, nơi không còn khóc lóc than van, không còn khổ đau, không còn chiến tranh. Ở đó, chỉ có tình yêu, niềm vui, chỉ có bình an, thuận hoà, chỉ có hạnh phúc miên trường, không bao giờ vơi, không bao giờ tàn lụi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đến được ngôi nhà thứ tư này. Nếu ba ngôi nhà trên ai cũng phải qua, thì ngôi nhà thứ tư, là nhà Cha trên trời chỉ dành cho những ai có đủ điều kiện. Vậy điều kiện đó là gì?

Thưa đó là luôn chu toàn bổn phận trong những ngôi nhà mình sống. Trong ngôi nhà thứ nhất nhà gia đình chúng ta, chúng ta có bổn phận phải sống ơn gọi làm người. Trước khi là Kitô hữu, chúng ta phải là con người lương thiện, con người tốt, có những mối liên hệ tốt trong gia đình và trong xã hội. Là người sống trong gia đình ta có bổn phận làm con cái đối với ông bà cha mẹ, ta có bổn phận làm cha mẹ đối với con cái cháu chắt, ta có bổn phận liên đới đối với anh chị em. Những bổn phận này không được phép lơ là, mà phải chu toàn một cách nghiêm túc. Việc giữ chữ hiếu là luật buộc, ai không thi hành thì mắc tội đối với Thiên Chúa. Trái lại theo sách Huấn Ca: "Ai yêu mến cha mình thì đền bù được tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được kho tàng. Ai thảo kính cha mình sẽ được vui mừng trong con cái. Ai thảo kính cha mẹ mình sẽ được sống lâu dài" (Hc 3,3). Như vậy Lời Chúa hứa rõ ràng ai giữ chữ hiếu, sẽ được Chúa thưởng công để có thể vào nhà Cha trên trời hưởng phúc vĩnh cửu.

Trong ngôi nhà thứ hai là nhà thờ, chúng ta có bổn phận sống ơn gọi làm con Chúa, ơn gọi làm người Kitô hữu. Nhà thờ ở dưới đất cũng được gọi là Nhà Chúa, nhưng đây chỉ là hình ảnh tiền trưng, là hình bóng của nhà Cha trên trời. Cho nên muốn tiến đến nhà Cha trên trời, người Kitô hữu phải chu toàn nhiệm vụ đối với Nhà Chúa ở dưới đất. Ðó là phải năng đến gặp Chúa, cầu nguyện với Chúa, đó là phải siêng năng lắng nghe Lời Chúa, siêng năng lãnh các phép bí tích, siêng năng hiệp thông với cộng đoàn trong việc chúc tụng ngợi khen Chúa, tạ ơn Chúa, nhất là hiệp thông với cộng đoàn trong tình bác ái yêu thương nhau, giúp đỡ nhau.

Dĩ nhiên, trong nhiều hoàn cảnh không có nhà thờ, người ta vẫn có thể sống đạo được, bằng sự hiệp thông với Hội Thánh trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng thường tình, nhà thờ vẫn là nơi người ta dễ dàng gặp Chúa và chu toàn bổn phận người Kitô hữu hơn. Vì thế, ai coi thường không chu toàn bổn phận người Kitô hữu trong nhà thờ, thì tự mình tách ra khỏi sự hiệp thông của cộng đoàn. Người đó làm sao có thể tiến về nhà Cha trên trời được?

Sau cùng, trong ngôi nhà thứ ba, nhà mộ, chỉ có ý nghĩa, khi còn sống, ta đã chu toàn nhiệm vụ trong hai nhà kia, đó là nhà gia đình và nhà thờ. Khi thân xác ta nằm trong nhà mộ của mình, thì linh hồn chúng ta ra trước toà Chúa để chịu phán xét riêng. Lúc đó Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là một con người tốt hay xấu, là con cái trung tín của Chúa hay con cái bất trung. Ta sẽ được vào nhà Cha trên trời hưởng hạnh phúc đời đời hay phải xa cách Chúa, bị trầm luân trong hoả ngục vĩnh viễn ngàn thu, là do ta có chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao cho ta trong thân phận làm người, trong thân phận là Kitô hữu hay không?

Hôm nay, trong khi kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và những người thân đã qua đời, chúng ta có dịp nhìn vào chính cái chết của ta. Chết không phải là hết, mà chết là một cuộc hành trình đi từ nhà này sang nhà kia, từ nhà sinh, qua nhà thờ, đến nhà mộ, rồi cuối cùng tới nhà Cha trên trời. Cuộc hành trình này không dễ dàng gì. Nó đòi hỏi ta phải phấn đấu và cầu nguyện rất nhiều. Chúa đòi chúng ta phải chu toàn bổn phận trong mỗi giây phút ta sống, dù sống trong gia đình, dù nơi nhà thờ, ta luôn sống hiệp thông với Chúa, với anh em trong tình thương mến. Rồi một ngày kia chúng ta sẽ cùng với ông bà, tổ tiên, cha mẹ, và các người thân sum họp trong nhà Cha trên trời để chúc tụng ngợi khen Chúa đời đời kiếp kiếp. Amen.

GM. Giuse Trần Xuân Tiếu
Ngày 02 tháng 11 năm 2001
Tại Nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên.