Người Công Giáo và sự chết

Mỗi người công giáo chúng ta có ba nhà : nhà thứ nhất, là nhà sinh, nhà cha mẹ sinh chúng ta ra, nơi đây, chúng ta sống và lớn lên, gọi là nhà ở; nhà thứ hai, là nhà thờ, nhà thờ của giáo xứ chúng ta, nơi chúng ta thờ phượng Chúa, nơi chúng ta được chịu phép Rửa Tội để làm con Chúa, chịu các phép bí tích khác, nơi chúng ta được gặp Chúa Giêsu trong Nhà Chầu, được nghe Lời Hằng Sống của Chúa, được rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng; nhà thứ ba, là nhà chết, tức là ngôi mộ chôn vùi chúng ta sau khi chúng ta tắt thở lìa đời.

Nhà chết, ngôi mộ của chúng ta, chỉ có ý nghĩa khi còn sống, chúng ta năng đến nhà thờ để gặp Chúa Giêsu, bởi vì, khi thân xác chúng ta nằm trong nhà chết của mình, nằm trong ngôi mộ của mình, thì linh hồn chúng ta trước tòa của Chúa Giêsu để chịu phán xét riêng, và Chúa Giêsu sẽ nhận ra ngay chúng ta là con của Chúa, khi đó, linh hồn chúng ta sẽ được thưởng vào nước thiên đàng, còn thân xác sẽ được sống lại sáng láng sau nầy trong ngày tân thế.

Ðạo chúng ta là đạo suy tưởng và thẳng thắn nhìn vào sự chết không khiếp sợ, tránh né. Ngày nào, Giáo Hội cũng dạy con cái mình lặp đi lặp lại lời cầu nguyện xa xưa nhất, do từ cửa miệng các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội : " Xin cho các linh hồn được nghỉ ngơi bằng an ". Ngày nào chúng ta cũng âu yếm nhìn lên Tháng Giá để thấy Chúa chết. Ngày nào chúng ta cũng nhiều lần sốt sắng làm Dấu Thánh Giá trên thân xác chúng ta để kính nhớ sự Chúa chết, để in cái chết của Chúa Giêsu trên thân xác mình. Sáng nào, khi vừa thức dậy, cũng như môỵi tối trước khi đi ngủ, đôi môi chúng ta luôn mấp máy lời cầu nguyện tha thiết : " Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con, Chúa đã chết, xin cho con được chết như Chúa và được chết giống Chúa. Xin cho con ngày hôm nay, xin cho con tối nay, biết luôn luôn ăn năn tội để khỏi phải chết tươi khốn nạ đời đời". Và ngày nào, từ sáng đến tối, thế nào môi miệng chúng ta cũng nhiều lần lặp đi lặp lại lời cầu nguyện với Mẹ Maria trong Kinh Kính Mừng : " Cầu cho con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen ! ".

Ðạo chúng ta là đạo hiệp thông với người chết. Khi biết được trái tim người chết của chúng ta vừa thôi đánh, Giáo Hội dạy đánh chuông nhà thờ để tiếng chuông vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn người nầy đã được Chúa gọi về. Khi nghe tiếng chuông báo tin nầy, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ đến nhà người chết, đọc kinh, cầu nguyện, tẩm liệm cung kính theo nghi thức của Giáo Hội. Và kìa đây, xác người chết được rước đến Nhà Thờ, được đặt ngay trước Nhà Chầu của Chúa Giêsu, được đặt gần quả tim của Người. Cây nến Phục Sinh, tượng trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu và của những ai theo ngài, được thắp sáng lên, đặt cạnh quan tài người chết. Rồi thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho người chết, nói lên việc Giáo Hội cung kính xác người chết , như thánh nữ Mađalêna cung kính Xác Thánh của Chúa Giêsu. Ðại diện cho Giáo Hội, linh mục lên đường đi tống táng, từ Nhà Thờ ra đến Ðấùt Thánh, nơi đây, linh mục làm phép huyệt để thánh hóa nơi người chết an nghỉ, và nói lên cho mọi người nghe những lời hy vọng tuyệt vời: chúng ta hãy gởi xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại, sẽ gặp nhau trên nước thiên đàng .

Trên trần gian nầy, Giáo Hội dạy người có đạo phải kính trọng và săn sóc hai nơi đặc biệt, một nơi để thờ phượng Chúa, là Nhà Thờ; một nơi để kính các người có đạo đã qua đời, mà Giáo Hội tin thế nào cũng sẽ về trời để làm những vị thánh, đó là Ðất Thánh.

Bởi vậy, Ðạo chúng ta là đạo của người sống và của người chết. Người chết, tuy là người đã hết sống đời nầy, nhưng họ đang sống ở đời sau, trong tình yêu của Chúa, và họ đang đợi gặp chúng ta lại. Người sống là người sẽ chết và sẽ gặp lại những người thân yêu của mình sau nầy.

Như thế, đối với người sống, người chết vẫn còn sống để gặp nhau lại, và đối với người chết, người sống một ngày kia sẽ gặp lại họ trên nước thiên đàng. Thế là kẻ chết người sống không mất nhau: người chết không mất người sống, và người sống cũng không mất kẻ chết. Kẻ chết, người sống, không ai mất ai hết : họ chỉ tạm biệt nhau nơi bờ đau khỗ dưới trần gian, để gặp nhau lại vĩnh viễn nơi bến hạnh phúc trên thiên đàng.

Cùng với thời gian, Chúa ban cho chúng ta đang sống trên trần gian nầy được ý thức rằng mình không phải sống trong một gia đình, mà sống trong hai gia đình rõ rệt : một gia đình với những người đang còn sống với mình, và một gia đình với những người đã chết trước mình. Và tâm hồn chúng ta luôn luôn đi từ gia đình nầy đến gia đình kia, trong niềm yêu thương vui sướng.

Trong thinh lặng của đêm khuya, chúng ta nhớ đến cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bà con, bạn bè, ân nhân của chúng ta đã qua đời. Bao nhiêu khuôn mặt hiện ra trước mắt chúng ta : đó là cha, mẹ ta, đó là anh, chị, em ta, đó là bạn bè ân nhân của ta. Những người nầy luôn luôn hiện diện trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta nhớá tên từng người một. Chúng ta thấy rõ họ hơn và thấy họ luôn mới mẽ. Chúng ta nghe rõ giọng đặc biệt của họ, nghe rõ tiếng họ nói, thấy rõ những cử chỉ thân mật của họ, thấy rõ cặp mắt trong sáng của họ, và nụ cười thân ái của họ. Chúng ta nhìn họ và nói chuyện với họ. Chúng ta thấy giờ đây, họ đã thoát khỏi vật chất, thoát khỏi lầm lạc, thoát khỏi xa cách. Chúng ta thấy họ hiểu rõ chúng ta hơn chúng ta hiểu rõ mình, và họ thấy rõ chúng ta hơn là chúng ta thấy rõ chúng ta. Vì những người chết, mặc dù chúng ta không thấy họ, không nghe họ, không đụng chạm đến họ nữa, nhưng tâm hồn họ vẫn luôn bao phủ lấy chúng ta, luôn luôn hiện diện với chúng ta : những người chết không phải là những kẻ vắng mặt, họ chỉ là những kẻ chúng ta không trông thấy mà thôi, nhưng họ vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.

Chúa Giêsu của chúng ta là Ðấng đã thắng cái chết của kẻ khác một cách lạ lùng : em bé kia nằm chết trên giường, ngài được mời đến, cầm tay em, lôi dậy, cho em sống lại; thanh niên con trai bà góa thành Naim nọ đã bị bó lại, đem đi chôn, ngài phán một lời, anh ta sống lại ngay; Ladarô đã chôn trong mộ bốn ngày, không ai dám mở nắp mộ ra kẻo thúi, Chúa truyền cho mở nắp mộ, phán một lời, ông ta sống lại, ra khỏi mổ, không còn thúi tha gì nữa.

Chúa Giêsu đã thắng cái chết của kẻ khác một cách lạ lùng, nhưng ngài cũng đã thắng cái chết của chính mình một cách lạ lùng hơn nữa. Khi còn sống, ngài nói rõ : " Tôi có quyền trên sự sống của tôi", và ngài đưa ra một lời tiên tri táo bạo về sự sống lại của ngài : " Tôi chết, nhưng ba ngày sau, tôi sống lại". Trên núi Canvariô, quân nghịch của Chúa nhạo cười ngài đang hấp hối trên thập giá : "Nếu ngươi là Con của Thiên Chúa, hãy xuống thập giá để chúng ta tin." Chúa Giêsu im lặng, không trả lời. Ðối với Chúa Giêsu lúc đó, xuống khỏi thập giá cũng dễ dàng như khi ngài ra lệnh cho bão táp im lặng, cho người bất toại đi được, cho kẻ chết sống lại. Nhưng Chúa Giêsu muốn dành cho loài người chúng ta một sự lạ lùng vĩ đại hơn nhiều: ngài muốn chết như mọi người chúng ta, bị đem chôn chặåt trong mổ, để từ trong ngôi mộ, - ngôi mộ mà từ xưa đến nay, và từ nay cho đếán tận thế, đè bẹp tất cả những ai nằm trong đó, không cho ai chỗi dậy, - thì Chúa Giêsu của chúng ta sau khi chết chôn ba ngày nằm trong đó, đã tung mồ sống lại.

Giáo Hội reo mừng chiến thắng khi thấy Thầy mình sống lại. Giáo Hội ca lên lời ca bất hủ ngày Chúa Phục Sinh : " Sự sống và sự chết giao tranh ác liệt, nhưng sự sống đã toàn thắng sự chết và ngự trị muôn đời." Và kể từ đó, những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, đều bước theo dấu vết của ngài trên con đường sống lại. Thánh Atanasiô dạy chúng ta : " Từ khi Ðấng Cứu Thế sống lại thì sự chết không còn đáng sợ nữa. Tất cả những ai tin vào Chúa Kitô đều biết rằng khi chết, mình không hết, nhưng vẫn sống, và sự sống lại sẽ làm cho thân xác mình được sáng láng."

Chúng ta phải chết để đền tội chúng ta, như Chúa Giêsu đã chết để đền tội nhân lọai.

Nhưng chúng ta chết, còn là để được sống lại, để được sống muôn đời bên cạnh Thiên Chúa Ba Ngôi, bên cạnh Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, bên cạnh Ðức Mẹ Maria đã sinh Chúa Cứu Thế ra cho chúng ta, bên cạnh những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta.

Vậy chúng ta hãy sống thánh, để được chết lành vì chỉ khi nào chết lành, chúng ta mới được gặp lại những người thân yêu của chúng ta trên nước thiên đàng. Chúng ta hằng ngày luôn nhớ cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta đã ra đi trước chúng ta, nhất là cầu nguyện cho họ trong Thánh Lễ và xin dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho họ.Amen.

Lm Emmanuel Nguyễn-Vinh-Gioang