Người Sống và Kẻ Chết: Tháng Các Linh Hồn 

Sống trên đất nuớc Hoa Kỳ, một đất nước của khoa học và kỹ thuật văn minh hiện đại, một nền văn hóa duờng như coi nhẹ hay quên đi thế giới thần linh. Với lối suy nghĩ theo khoa học, người ta thuờng đòi phải có bằng chứng thì mới chấp nhận sự thật. Thế nhưng lạ thay, lại cũng chính trong xã hội này vào những ngày cuối tháng 10, chúng ta thấy hình đầu lâu, hình những bộ xương nguời chết, bia mộ và cảnh yêu ma được nhiều nguời trưng bày trưóc cửa nhà. Trẻ em nguời lớn hóa trang như những vị thánh hay ma quái để nói lên một niềm tin có thế giới bên kia, và thế giới đó rất gần gũi với con ngưòi.

Có đời sau hay không? 
Con người sinh vào trần gian sống rồi chết đi. Chết rồi thì đi đâu? 
Sau khi chết thì người sống và kẻ chết có còn liên hệ gì với nhau hay không?

Văn Hóa Việt và Niềm Tin Kitô Giáo về Người Sống và Người Chết

Cổ Học Tinh Hoa có câu truyện kể rằng một hôm thầy Tử Cống hỏi Khổng Tử: "Ngưòi chết có còn biết gì không hay không biết gì nửa?"

Ðức Khổng Tử nói: "Ta mà nói hẳn rằng: 'Nguời chết có biết' thì ta e sợ những con hiếu cháu thảo liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Ta mà nói hẳn rằng: 'Nguời chết không biết gì' thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà không chôn. Nhà ngươi muốn biết nguời chết có biết hay không biết, thong thả, đợi tới lúc chết thì sẽ biết. Sự biết ấy tuởng cũng không muộn gì cho lắm." (Cổ Học Tinh Hoa: Sống Chết # 123).

Giáo Hội Công Giáo chúng ta thì khác. Chúng ta tin có một cuộc sống khác sau cuộc sống ở trần gian này. Người chết biết nguời sống. Người sống và người chết vẫn còn tình liên hệ với nhau. Niềm tin này đưọc đặt nền tảng ở mầu nhiệm chết và phục sinh của Ðức Giêsu Kitô, đấng là Chúa, là đầu, là Cứu Tinh và là vị sáng lập nên Kitô Giáo. Ðức Giêsu trước khi chết đã cầu xin cho các môn đệ và cho những người nhờ lời rao giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài: "Con không chỉ cầu nguyện cho những nguời này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta... Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những nguời Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm nguỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con" (Gio 17: 20-24). 

Với nguời Việt Nam chúng ta thì dường như không ai hoài nghi tình liên hệ giữa nguời còn sống và nguời đã chết. Bất kỳ theo tôn gíao nào, tâm linh của nguời Việt chúng ta gắn liền với ông bà và mồ mả tổ tiên và với thế giới thần linh. Ở Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, và dầu sống dưói chế độ nào, đi tới đâu chúng ta cũng vẫn thấy có miếu, có đền, có bàn thờ ông bà tổ tiên. Việc thăm mồ mả, thắp nhang đốt hương và dâng bánh trái cúng ông bà tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo đã và vẫn luôn là tâm linh của văn hóa dân tộc Việt Nam. Chết nhưng không phải là hết. Linh hồn của những người đã chết vẫn còn hiện diện đó đây.

Truyện cổ tích "Cây Mía và Lễ Chiêu Hồn" nói lên tâm linh tôn giáo của nguời Việt Nam chúng ta liên quan tơí nguời sống và kẻ chết. Truyện kể rằng: 

"Ngày xưa, có một nguời bộ hành lạc lõng trên đưòng thiên lý đã nhiều ngày nên đói khát đuối sức. Vừa may, người bộ hành đến một vườn mía, nhìn truớc trông sau nhưng cũng chẳng thấy chủ vườn ở đó. ông bẻ mía ăn đỡ lòng, đoạn lấy một xâu tiền điếu buộc vào cây mía rồi ra đi.

Một lát sau, chủ vườn ra thấy mất một cây mía, và thấy xâu tiền kẽm buộc vào cây mía kế bên. Lấy ra đếm thì thấy hơn gía tiền một cây mía qúa nhiều. Chủ vườn mía nghĩ rằng có kẻ đã ăn mía trả tiền, nhưng số tiền còn thừa phải kiếm cho được ngưòi ăn mía mà trả lại không thì chủ vườn chẳng yên lòng. Nghĩ như vậy rồi, chủ vườn mía mới đi tìm người bộ hành.

Xế chiều, người chủ vườn gặp người bộ hành nằm chết trên đường, nghĩ thương tình, người chủ vườn mới vác người bộ hành đến một cái chùa gần đó, kể hết sự tình cho sư ông nghe và nhờ sư ông tụng kinh siêu độ. Nhà sư liền lấy cây mía buộc tiền vào rồi đặt lên đàn, đoạn đọc kinh cứu khổ, gọi là lễ truy linh hay lễ chiêu hồn. Cuộc lễ vừa xong, hồn người bộ hành bỗng trở về nhập với xác, giúp người sống lại.

Lấy mía không có phép của chủ vừơn. Có trả tiền nhưng vẫn bị tội. Vì truyện tích này mà từ đó về sau, mỗi khi có lễ chiêu hồn, các pháp sư hay thầy sãi đều dùng cây mía có buộc xâu tiền kẽm để làm đồ lễ tế. Nguời sống và kẻ chết có liên hệ với nhau. Và khi còn sống chúng ta cần ăn ngay ở lành, thật thà và công bằng. 

Kitô Giáo Giúp Sáng Tỏ Niềm Tin

Tâm linh của dân tộc Viêt Nam chúng ta thật rất gần với niềm tin Công Giáo. Nhưng niềm tin vào kiếp sau trong tâm linh văn hóa tôn giáo của dân tộc Việt Nam chúng ta không giải nghĩa rõ ràng trạng thái của kiếp sau. Kitô Giáo, và đặc biệt hơn, Giáo Hội Công Giáo giúp chúng ta hình dung ra số phận của ông bà tổ tiên và của những nguời đã chết cách sáng tỏ hơn. Giáo Hội Công Giáo dành riêng tháng Mười Một gọi là tháng các Linh Hồn để nhắc các Kitô hữu nhớ niềm tin vào sự sống đời sau và về tình liên hệ mật thiết giữa những nguời còn sống và những kẻ đã chết mà Giáo Hội gọi là mầu nhiệm "Các Thánh Cùng Thông Công." Ngày thứ nhất của tháng Muòi Một là ngày lễ Kính Các Thánh. Ngày lễ các thánh không phải chỉ là mừng các vị thánh đã được Giáo Hội tuyên phong, nhưng là tất cả những tín hữu đang hưởng tôn nhan vinh quang Thiên Chúa trên thiên đàng. Trong số những nguời này, chắc chắn có những người thân yêu của chúng ta. Thánh Gioan diễn tả trong Sách Khải Huyền: "Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chị tộc con cái Israel... Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm cành vạn tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (KH 7:4-10).

Khi mừng lễ Các Thánh chúng ta cũng được khuyến khích sống đời sống thánh thiện hầu sau này chúng ta cũng cùng huởng hạnh phúc vinh quang nước trời, và cùng với các ngài cầm cành vạn tuế trong tay để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng không phải ai cũng là thánh ngay lúc chết.

Luyện Ngục

Chúa Giêsu cảnh giác rằng, "Hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi anh em còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh em cho quan tòa, quan toà lại giao anh em cho thuộc hạ, vàanh em sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho biết: anh em sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng." (Mt 5). Các thánh là những nguòi đã nghe lời Chúa Giêsu và biết dàn xếp xong mọi món nợ khi còn ở trần gian. Tuy nhiên không phải ai cũng đã dàn xếp và sống cũng như chết được như các thánh. Với thân phận con ngưòi sống ở trần thế với nhiều sự dữ, không ít thì nhiều mỗi ngưòi chúng ta cũng có lần vấp phạm làm sự dữ, sự tôị. Hơn nữa, không phải ai cũng sẵn sàng vào giờ chết. Nhiều người chết nhưng không kịp chuẩn bị chu đáo trong giờ chết. Còn nợ phải trả và ân nghĩa phải đền. Chính vì thế mà Giáo Hội dành ngày 2 tháng 11 để dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn này. Giáo Hội còn gọi tháng 11 là tháng các linh hồn. Tất cả những ngày còn lại trong tháng 11 cũng đượỉc dành riêng để chúng ta nhớ cầu nguyện cho các linh hồn còn đang được thanh luyện nơi "Luyện Ngục." 

Nhờ niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh và vào công nghiệp của Ngài, chúng ta cầu khẩn cho các linh hồn nơi luyện tội được sớm giải thoát. Niềm tin vào việc cầu nguyện cho nguời đã chết có từ trong Cựu Ứớc đưọc ghi lại từ thời Macabê, "ông Giuđa quyên đưọc khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao qúy này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết qủa là việc dư thừa và ngu xuẩn" (2Mcb 12, 43-44). 

Việc dâng lễ và hy sinh cầu nguyện cho người đã chết được coi là một nghĩa cử tốt đẹp và cao quý. Do đó Trong tháng này chúng ta cùng dâng những việc lành, những hy sinh và của lễ để cầu nguyện cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần, những người đã ra đi trước chúng ta mà không kịp chuẩn bị thanh toán những món nợ ở đời này, đặc biệt là các linh hồn mồ côi không ai nhớ tới, để nếu họ còn đang được thanh luyện nơi chốn luyện hình thì đượỉc tha thứ hầu mau hưởng tôn nhan vinh quang Thiên Chúa. 

L. M. Gioan Trần Khả