"Sống lại từ cõi chết" là gì?

Vũ Hồng

Kính nhớ các linh hồn.
Tưởng người thắp lại bình minh.
Soi đêm đốt lửa, đọc kinh nguyện cầu,
Tay đan, tay nối bạc đầu
Nào ngờ người chỉ là mầu khói sương.
Nhật Ðàn

" Sống lại từ cõi chết". Từ ngữ rất ngắn. Có 6 chữ thôi, nhưng lại quá dài đối với sự hiểu biết của con người. Quá dài có nghĩa là từ cách đây gần 2000 năm, khi lời này xuất ra từ miệng Ðức Giêsu cho đến hôm nay, không ai trên trần thế hiểu câu đó có nghĩa gì?

Việc xảy ra ngày ấy là: Ba tông đồ Phêrô, Giacôbê, Yoan trên núi cao được thấy dung mạo sáng ngời của Ðức Giêsu. Lúc xuống núi, thì Ngài căn dặn các ông, không được tiết lộ việc này cho ai, trừ phi khi Con Người đã Sống lại trừ cõi chết. Kinh thánh nói: "Các môn đồ đã giữ lời dạy, nhưng họ vẫn cứ tranh luận với nhau, Sống lại từ Cõi Chết nghĩa là gì" (Mc 9:10).

Sự gì Thiên Chúa biết thì chỉ một mình Ngài biết. Không ai trên trần gian này có thể biết được. Ngoại trừ Ngài mặc khải cho.

Lời Ðức Giêsu nói: "Sống lại từ cõi chết" đối với các tông đồ như bị bưng kín cho đến khi họ được ánh sáng Phục sinh mặc khải cho. Và hôm nay Lời đó như vẫn bị bưng kín cho tất cả thế gian.

Âm và Dương

Nơi mà chúng ta đang sống thường gọi là Cõi Dương. Nơi mà những người đã chết là Cõi Âm. Cho nên khi nhớ đến những người đã ra đi, người ta thường thốt ra câu tuyệt vọng là: Âm Dương đôi đường cách biệt.

Âm và Dương: Âm là đêm. Dương là ngày. Âm là cõi chết. Dương là cõi sống. Sự sống và sự chết liền sát bên nhau, như lại tương phản như ngày và đêm. Cõi sống là cõi sáng. Cõi chết là cõi tối. Hai cõi ấy muôn đời kỳ thị, không bao giờ hoà hợp sống chung. Vì thế ai còn sống, thì gọi là người; mà ai đã chết, lại gọi là ma. Hồn ma. Ðám ma. Cái gì xuất hiện ban đêm nơi đầu sông ngọn sóng, nơi u tịch hoang vu, thì cho là Ma hiện về. Chuyện này đã xảy ra chính ơi các môn đệ Ðức Giêsu, khi họ nhìn thấy Thầy mình đi trên mặt nước mà đến với họ. (Mc 6:49 & Mt 14:26).

Chết là một bí nhiệm, mọi người đều chết, nhưng không ai hiểu được thế giớùi sự chết là thế nào. Như lời Kinh thánh nói: "Cửa đã đóng lại" (Mt 25:10b). Cõi chết như một hố đen thăm thẳm làm đông đặc trí hiểu của nhân gian. Cho nên 5 chữ "sống lại từ cõi chết" không ai có thể hiểu nghĩa là gì vì chưa hề có sự việc đó trên cõi dương gian này.

Bí nhiệm của Sống và Chết

Có một chân lý rất bi đát chúng ta chưa hề nghĩ tới, đó là tuy chúng ta đang ở cõi sống nhưng lại đang thầm lặng đi vào cõi chết. Ðây là một sự thật, một sự thật không ai muốn chấp nhận, nhưng lại không thể phủ nhận. Thử hỏi mỗi ngày qua đi, buổi sáng thức dậy, cuộc hành trình còn lại của tôi đang đi gần tới đích điểm nào? Nấm mồ.

Những nhà hiền triết, những bậc trưởng thượng bao đời trước chúng ta, sau khi mòn mỏi suy tư, cũng chỉ tìm ra được bốn chữ cho chân lý sự sống sự chết, 4 chữ ấy là: "Sinh ký Tử quy. Sống gửi thác về." Mà về đâu, không sách vở nào nói được. Ngày nay có một bài hát nhiều người đã nghe, tên bài hát gồm 4 chữ "Một Cõi Ði Về". Lời ca hàm ẩn một triết lý nhân sinh não nuột, ai nghe lòng cũng tràn ngập ưu tư.

"Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi.
Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên đôi vai ta đôi vừng nhật nguyệt
Dọi xuống trăm năm Một Cõi Ði Về.
…Vừa tàn mùa Xuân rồi tàn mùa Hạ,
Một ngày đầu Thu nghe chân ngựa về chốn xa…"  (Trịnh Công Sơn)

Tất cả sự hiểu biết của con người dù bác học đến đâu cũng chỉ đến cõi chết là ngưng lại. Không có một thứ khoa học, thần học, triết học, nào có thể nói thêm dù chỉ một chữ, khi đụng đến biên giới của sự chết. Như vậy là mọi người đã thua hết rồi. Như vậy tôi mới nhận ra là cái Sống đang có trong mình tôi, nhưng mầm Chết đã do tên thù nào đó gieo vào ngự trị. Tên thù đó xuất hiện từ nơi vườn địa đàng. Và hai đấng tổ phụ không hiểu đã lầm lẫn cách nào mà lại giơ tay đón chào nó. Kể từ đó, sự sống tôi phải đặt dưới mãnh lực của tối tăm, mà tôi cứ nhởn nhơ không hay biết gì cả.

Tất cả phương pháp dưỡng sinh, tất cả các loại thuốc của mọi nền y học Ðông Tây, chỉ là làm cho đỡ đau sự sống, chớ không xua đuổi được sự chết lùi xa biên giới của nó, dù chỉ một ly. Trái lại trong tôi mầm chết cứ mỗi ngày lớn lên theo thời gian và tuổi tác, mầm chết mỗi ngày cứ lạnh lùng sói mòn sự sống. Chưa kể còn có đồng minh của nó ùa vào tấn công, muốn đánh ngã tôi trước khi đến đoạn chót đường đời, đó là bệnh hoạn, tai ương, buồn khổ, làm thân xác lao đao, tâm hồn xao xuyến, có người quá thất vọng phải đầu hàng sự chết, trước khi nó có khả năng đánh ngã mình thật sự: Tự tử.

Thế mà có những vì vua chúa khờ dại tưởng rằng có thể vùng vẫy đi tìm cho mình được thuốc trường sinh. Kết cục vẫn chết như ai. Có nhiều người lại muốn kéo lui tuổi đời đánh lừa nhãn quan kẻ khác, bằng cách nhuộm tóc, bơm da. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ có một chữ THUA mà thôi.

Có một Người không THUA

Nhưng đã có một Người, và chỉ một Người đó mà thôi. Ngài đã không hề THUA. Ngài đã chiến thắng. Ngài đã đặt sự chết dưới bệ chân Ngài. (x. 1 C 15:25). Người đó là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Chúa Kitô Giêsu, đã đánh gục sự  Chết, chính nơi cái chết thập giá của ngài, ngài đã đánh gục tên thù Satan gian manh và đập nát tất cả quyền lực của nó, không cho nó hoành hành trên trần thế. Và Ðức Giêsu đã nói cho nhân loại biết uy quyền của thập giá: "Chính bây giờ là cuộc phán xét thế gian này. Chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài" (Yn 12:31).

Phục sinh và Sự Sống chính là Ta (Yn 11:25)

Lời này Ðức Giêsu đã nói trước khi cho Lazarô sống lại. Nhưng Lời này rất lạ tai với mọi người. Ngay cả Martha, chị của Lazarô, khi nghe Lời cũng không hiểu gì cả. Thật vậy, bởi vì Lời này là bắt đầu cho một sự đổi đời. Ðổi tất cả đời mọi người theo Chúa Giêsu. Phải lột xác. Lột xác bằng đầu phục uy quyền Ðấng Phục sinh. Ðể nhờ ngài, từ chết bước vào sống, từ tối tăm bước vào ánh sáng, từ đêm đi vào ngày.

Việc đổi đời này không ai làm được? Không một ai. Nhưng Kinh thánh nói: "Chính Thiên Chúa đã kéo anh em khỏi quyền lực của tối tăm và chuyển anh em vào nước Con chí ái của Người" (Col 1:13). Chính Chúa Giêsu đã gieo nầm Sự sống Phục sinh của ngài vào trong hạt lúa, là thân xác hư nát và linh hồn tội lụy chúng ta, để khi chúng ta đi vào cõi chết, thì sự sống lại tươi tốt sinh nhiều hạt vàng như cây lúa chĩu bông.

Hạnh phúc cho kẻ tin vào Chúa Kitô

Ðối với kẻ tin đây là một thái độ đón nhận dứt khoát. Không thể lưỡng lự chần chờ. Vì bây giờ là thời buổi mà con người được kéo ra khỏi vùng tối của Satan. Cho nên nếu tôi muốn vào ánh sáng là phải bỏ lại đàng sau tất cả những gì là cách sống đạo đức theo thói thế gian, mà trần trụi tay không lòng rỗng, nhào vào Ðấng Phục sinh, giống như anh mù thành Giêricô, vứt áo choàng lao mình vào vòng tay của ngài để được tái sinh. Bởi vì với niềm xác tín, chúng ta có thể nói rằng: tất cả những gì được xem là đạo đức mà không xuất phát do từ Thần khí Ðức Kitô Giêsu, đều là đồ giả. Bởi gì chỉ một nguồn tốt lành duy nhất chảy ra từ Trái Tim của Ðấng bị đóng đinh trên thập giá. Và chúng ta chỉ có thể được cứu độ trong Ðấng Phục sinh mà thôi. Chỉ trong Ngài chúng ta mới trở thành một Tạo Vật Mới. Một tạo vật được sinh lại trong Máu, Nước và Thần khí của ngài. Kinh thánh nói: "Cũ đã qua đi" (2 C 5:17). Có nghĩa là phải vứt bỏ tất cả những gì là cũ thuộc tội lỗi, ngay cả những thói quen đạo đức, ăn ngay ở lành, tu đức, thánh thiện theo thói thế gian, theo kiểu trần thế. (x. Lc 18:9-14). Rồi mặc lấy chiếc áo mới của Thần khí Ðấng Phục sinh. (x. Mt 9:16). Bởi vì ở ngoài Chúa Giêsu, không ai có thể tập luyện mà nên thánh được. Rượu mới không hể đổ vào bình cũ. Bình cũ sẽ toạc ra. (x. Mc 2:21-22). Từ đó thân xác linh hồn mới có sức đón nhận tất cả mọi sự thánh thiêng, chói loà của Chúa Kitô. Bởi vì, nơi Chúa Giêsu Phục sinh đã quá đầy đủ, vì Thiên Chúa đã cho tất cả viên mãn đậu lại trong Ngài… (Col 1:19).

Giữ đạo là sống trong Ðấng Phục sinh

Ði đạo là Sống Lại từ Cõi Chết với Chúa Kitô từ hôm nay, trong sự sống của Chúa Giêsu, chớ không phải là đi đạo chỉ để giữ đủ mọi lề luật hầu ngày mai chết lên Thiên đàng. Hôm nay hạt lúa không có mầm Sống của Giêsu Kitô phục sinh ở trong, ngày mai khi tôi nằm xuống lòng đất, thì tôi hư thối luôn, lấy đâu ra mầm sống mà Phục sinh, mà mọc lên sai hoa kết trái được, để lên Thiên đàng.

Sống là niềm vui. Chết là nỗi buồn. Tự hỏi, tại sao tôi đi đạo mà tôi vẫn thấy lòng vương vấn nỗi ưu sầu của sự chết. Sự ưu sầu sợ hãi nặng nề đến độ không có khả năng ngước đầu nhìn vào niềm vui của Phục sinh. Cái gì cũng sợ. Sợ tội. Sợ mất linh hồn. Sợ Chúa phạt. Sợ, sợ. Một trăm thứ sợ mà Satan xiềng xích tôi. Một trăm thứ sợ là vì tôi cứ được khuyên phải cố gắng làm cái này, không được làm cái kia, để đền tội lập công với Chúa. Mà không ai chỉ cho tôi là Chúa Kitô thương tôi. Chúa Giêsu muốn tôi đến với Ngài không phải bằng sự thánh của tôi, mà bằng tất cả những xấu xa tội lụy của tôi: "Hãy đến với Ta, hỡi con, là những kẻ lao đao vác nặng" (Mt 11:25tt). Ðể ngài băng bó chữa lành những vết thương của tôi. Nếu tôi tự mình làm được những sự tốt lành để vào Nước Trời, cần chi mà Ðức Giêsu phải đến trần gian. Cần chi ngài phải chết.

Tất cả những gì đau khổ tối tăm của tôi, tất cả nỗi tuyệt vọng của tôi, chỉ một Chúa Kitô mới giải quyết được. Vì Ngài không hề từ chối tôi, Thánh Kinh nói: "Anh em hãy trút tất cả những nỗi lo âu cho ngài" (1 P 5:7).

Nếu cuộc sống đạo của tôi qua Phụng vụ thánh tôi tham dự hằng ngày chỉ là nghi thức thói quen.

Nếu những ngày lễ lớn, tôi chỉ thấy niềm vui chiêng trống, quí chức áo mũ xêng xang, hội đoàn tấp nập cờ xí, các em dâng của lễ ca vũ náo nhiệt.

Nếu những bài giảng tôi nghe chỉ nói chuyện đời, hoặc nói chuyện cười, hoặc chỉ là những lời khuyên bảo luân lý học trong sách vở thế gian, còn Tên của Giêsu Ðấng Cứu Chúa của tôi vẫn như một thứ húy kỵ người ta không thích nói đến.

Nếâu mỗi tĩnh tâm mùa vọng, mùa chay đến, muốn kéo thính giả cho đông, người ta tìm mời các vị giảng thuyết đã đỗ mấy bằng tiến sĩ ở đại học này hay đại học kia, ở nước này hay nước nọ, người giảng chỉ ưỡn ngực giơ cái thông thái của mình cho người ta chịu lấy. Còn Chúa Giêsu Kitô vẫn như người khách lạ trong đền thờ, trong xứ đạo và cả trong lòng những người rao giảng. (x. Yn 6:43tt).

Nếu tất cả cuộc đời giữ đạo của tôi mà chỉ là tuân thủ kỹ càng những luật lệ, chỉ là hăm hở những nghi thức bên ngoài, mà hai chữ Giêsu thôi cũng không còn chút gì đọng lại trong tôi thì thật là bất hạnh, vì lo âu khốn khó trong tôi vẫn còn đó.

Và như vậy thì thật sự là vô ích. Vì tôi vẫn chưa hiểu nổi 5 chữ: "Sống lại từ cõi chết" là gì. Nguồn sáng Phục sinh của Chúa Giêsu vẫn bị bế tắc ở đâu đó, chưa mãnh liệt tuôn chảy trong tôi. Thật thiệt thòi biết bao cho đời tín hữu của tôi.

Thật sự trong những lúc khốn quẫn của linh hồn, tôi muốn tìm Ðấng Cứu Chúa để giải phóng tôi. Nhưng tôi tìm ở đâu.

Tôi không dám bội ơn Hội Thánh, vì chính nơi Hội Thánh này mà tôi được sinh ra và được lớn lên bằng ân sủng và Bí tích.

Vì thế tất cả những bức xúc trên đây không phải là lời bôi bác, mà là kinh nghiệm sống thực trong cuộc đời tín hữu của tôi, trong những sinh hoạt tôn giáo khấp khểnh của riêng tôi, nơi một Giáo hội vẫn còn những vết nhăn nheo, đang hành trình giữa một thế gian đầy sóng gió. (x. Mc 4:35tt & Ep 5:26tt).

Ði đạo là tôi đi theo một Người, không phải theo một tôn giáo có lý thuyết tu thân tích đức đạo hạnh cao siêu, Người tôi theo ấy là Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Ngài mới đưa tôi qua sự chết mà vào sự sống, chỉ có ngài mới cho tôi hiểu được Sống lại từ cõi chết là gì. Ngoài Chúa Giêsu Kitô, không một thần thánh nào, không một thứ luân lý đạo đức nào trên thế gian này có thể làm cho tôi Sống lại từ cõi chết. Bởi vì sự sống lại của tôi không phải đợi cho đến ngày mai, khi tôi năm xuống mới có, mà là đang có hôm nay trong Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.