Mùa Chay và Thập Giá

Nói đến Mùa Chay là nói đến Thập giá. Thật ra, đối với người Kitô hữu, Thập giá không phải là biểu tượng của chỉ Mùa Chay nhưng là của cả năm và là biểu tượng của niềm tin Kitô giáo. Tuy nhiên, hằng năm khi Mùa Chay trở về thì đây là một cơ hội quí báu nhắc nhở người Kitô hữu về ý nghĩa siêu việt của Thập giá mà trên đó, Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã chịu đóng đinh để tỏ rõ tình yêu thương bao la của Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi.

Thật vậy, Thập giá là biểu tượng rõ nét nhất của Kitô giáo. Nói đến Kitô giáo là nói đến Thập giá. Ði đến nhà thờ nào, người ta cũng thấy có Thập giá. Chúng ta, những người Công giáo, đeo ảnh tượng Thánh giá. Chúng ta làm dấu Thánh giá để mở đầu và kết thúc mỗi khi đọc kinh, mỗi khi tham dự Thánh lễ. Nếu Thập giá là một biểu tượng đặc trưng của Kitô giáo, vậy Thập giá có ý nghĩa gì cho chúng ta là những kẻ tin?

Ngược lại dòng lịch sử của Giáo Hội thời tiên khởi, chúng ta thấy cây Thập giá đã được những tín hữu dành cho một sự tôn kính đặc biệt bởi vì đây là biểu trưng cho ơn cứu độ của con người và sự vinh quang của Thiên Chúa. Trong khi Thập giá đối với những người không phải là Kitô hữu là biểu chứng của án phạt tội nhân, của sự ghê tởm, của nhục nhã thì những Kitô hữu như Thánh Phaolô đã không ngần ngại "rao giảng một Vì Kitô đã bị đóng đinh Thập giá" cho dù đó là "cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại" (1 Cor 1:23) bởi vì ngài tin rằng "lời giảng Thập giá đối với những kẻ đang hư đi, là một sự điên rồ; còn đối với những người đang ở trên đường cứu thoát, lại là quyền năng của Thiên Chúa" (1 Cor 1:18). Bằng lòng tin, những người Kitô hữu đầu tiên đã nhận ra sức mạnh của cây Thập giá bởi vì trên đó Ðức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã chịu đóng đinh hầu đem ơn giải thoát cho cả nhân loại.

Nếu nói đến ơn giải thoát là nói đến một sự cởi trói những gì ràng buộc con người, làm cho con nguời thoát khỏi vòng tù tội. Vòng tù tội đó do tội lỗi gây ra đã làm cho con người trở thành nô lệ của ích kỷ, gian tham, hận thù, không còn là con cái của sự thật, của yêu thương và tự do: Con người đã xa cách Thiên Chúa, với tha nhân và ngay cả với chính mình. Nhưng Ðức Giêsu đã đến cởi trói con người bằng chính sinh mạng của mình, bằng cách chết treo trên Thập giá. Như thế, Thiên Chúa đã cứu vớt thế gian không phải bằng cách tránh né đau khổ nhưng bằng cách chấp nhận đau khổ và cái chết là hậu quả tột cùng của tội lỗi. "Ðấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa" (2 Cor 5:21). Thập giá như thế biểu tượng cho hậu quả tội lỗi ghê gớm của nhân loại một khi chối từ tình yêu bao la của Thiên Chúa. Nhưng trên hết, Thập giá trở thành biểu chứng của tình yêu chung thủy tuyệt đối của Thiên Chúa đối với con người. Trên Thập giá Thiên Chúa như thể nói với chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô: "Không có gì có thể ngăn cản tình yêu của Cha đối với các con."

Chính trên Thập giá mà Chúa Giêsu đã đóng đinh tội lỗi của chúng ta không chỉ để biểu lộ tình yêu cao cả của Thiên Chúa nhưng còn là để thiết lập một quan hệ giữa Ngài và nhân loại hư đốn. Thập giá như thế tiêu biểu cho một mối quan hệ mới mật thiết, thương yêu và tin tưởng giữa Thiên Chúa và con người. Thật ra tình yêu của Thiên Chúa lúc nào cũng trước sau như một, nhưng chỉ qua cái chết đau thương của Ngài trên Thập giá, Ðức Giêsu đã thiết lập một mối quan hệ mới giữa Thiên Chúa và con người, bằng cách mặc khải hoàn toàn thái độ của Ngài đối với họ, một thái độ yêu thương chung thủy và vô điều kiện. "Nếu ta bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình" (2 Tim 2:13).

Trên Thập giá Chúa Giêsu đã dám chết cho tội lỗi con người bởi vì cả cuộc đời Ngài là một sự vâng phục Thánh ý Chúa Cha trong tình yêu chung thủy và trong sự tự do hoàn toàn như trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philíp, "Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết Thập giá!" (Phi 2:8). Thập giá như thế trở thành biểu chứng của tình yêu vâng phục, phó thác của Ðức Giêsu vào Thiên Chúa Cha nhằm thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha. Chúa Giêsu dầu là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời với bản tính nhân loại, Ngài cũng biết run sợ trước đau khổ, trước cái chết nhưng Ngài đã chấp nhận vì Ngài đặt trọn niềm tin yêu của mình vào Thiên Chúa Cha và như thế cũng để tỏ rõ tình yêu bất biến của Ngài dành cho con người. Chúa Giêsu tin rằng Chúa Cha sẽ không bỏ rơi ngài và sẽ làm cho ngài sống lại vinh quang từ cõi chết.

Thật vậy, trong khi quyền lực thế gian cho là đã có thể tóm chặt được tay chân của Chúa Giêsu trên Thập giá, thì chính lúc đó quyền năng của Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất vì Thiên Chúa Cha đã làm cho Ðức Giêsu chiến thắng sự chết và quyền lực tối tăm. Ngài đã thực sự phục sinh. Vì thế, Thập giá như biểu tượng của đau khổ, thất vọng và cái chết dưới con mắt thế gian trở thành dấu chỉ vinh quang của Thiên Chúa, và là chìa khoá mở cửa vào cõi sống đời đời đối với những ai có lòng tin. Thập giá như thế không chỉ là biểu tượng của tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi nhưng còn là dấu chỉ của quyền năng cứu độ của Ngài đối với con người bởi vì "nhờ máu [Ðức Giêsu] đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Col 1:20). Với Thập giá, Chúa Giêsu đã dùng như một cầu nối mở đường cho con người về với Thiên Chúa. "Con Người phải được giương cao ngõ hầu kẻ nào tin thì nhờ Ngài mà được sự sống đời đời" (Jn 3:14-15).

Như thế Thập giá Ðức Kitô trở thành biểu tượng khải hoàn của sự tha thứ, tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Cũng chính nơi Thập giá Ðức Kitô, bản tính nhân loại sa ngã đã được tái tạo để con người có thể tìm thấy sự hiệp thông thay vì chia rẽ, tin tưởng thay vì thất vọng, và yêu thương thay vì ganh ghét. Thật vậy, Thập giá Ðức Kitô trở thành cách thế duy nhất Thiên Chúa dùng để giải thoát con người khỏi xích xiềng tội lỗi, để giao hoà với Ngài và vượt qua sự chết âm u.

Là những người Kitô hữu, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá của Ðức Kitô là con đường duy nhất đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Ðiều đó có nghĩa là, cái chết của Ðức Kitô trên Thập giá đã hoàn tất sứ vụ cứu thế mà Thiên Chúa Cha giao cho (Jn 19:30). Là những người nhận lãnh nhưng không hoa quả cứu độ của Ðức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta không có gì để thêm thắt vào ý nghĩa cao vời của dấu chứng tình yêu Thập giá. Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta sống trong Thần khí được ban cho chúng ta qua cái chết của Ðức Kitô, chúng ta mới có thể hy vọng hoàn thành trọn vẹn cuộc giải thoát đã đạt được từ mầu nhiệm Thập giá. Nói một cách khác, cho đến ngày quang lâm khi Ðức Kitô trao mọi sự cho Thiên Chúa Cha (1 Cor 15:24), chúng ta được mời gọi "bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu" (Col 1:24). 

Là những Kitô hữu, qua phép Thánh Tẩy, chúng ta có diễm phúc được mời gọi thông phần vào sự chết của Ðức Kitô bằng cách cùng vác Thập giá với Ngài trong suốt cuộc đời chúng ta. Như thế trong bất kỳ trạng thái nào của cuộc sống, dù đó là đau khổ thân xác hay tâm hồn, dù đó là bệnh tật hay buồn chán, dù đó là nghèo đói hay lo lắng, dù đó là thất vọng hay ngay sợ hãi, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn niềm tin vào Thập giá Ðức Kitô bằng một thái độ chấp nhận những lúc như thế là những biến cố hồng ân qua đó bàn tay từ nhân của Thiên Chúa Cha sẽ hoạ lại cuộc đời chúng ta theo khuôn mẫu của Ðức Kitô.

Mặc dầu đây là một nghịch lý nhưng chúng ta phải xác tín rằng chỉ qua con đường Thập giá chúng ta mới có niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu, không chỉ là niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu sau cái chết nhưng là một niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu bắt đầu từ cõi đời này. Bởi vì, ngay cả trong khi sầu khổ, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chết vì yêu chúng ta và Ngài chữa lành chúng ta bằng cách ôm lấy khổ đau của chúng ta vào với nỗi khổ đau của cả nhân loại nơi chính Ngài. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta có nhận ra nơi Thập giá Ðức Kitô là dấu ấn cứu độ chúng ta hay không?

Có câu chuyện rằng, ở một vương quốc nọ, vị vua phải lên đường làm một chuyến du hành phương xa. Tại kinh thành, hoàng hậu trông ngóng tin tức nhà vua. Lúc đầu nàng nhận được thư thường xuyên từ nhà vua gửi về nhưng rồi năm tháng trôi qua, và nàng không nhận được tin tức gì về nhà vua cả. Nàng chờ đợi nhà vua trong phiền muộn nhưng nàng vẫn còn nuôi hy vọng nhà vua trở về. Có một số phu nhân của các quan trong triều đến thăm hoàng hậu thấy vậy nói rằng, "Có lẽ nhà vua đã quên hoàng hậu rồi cũng nên và sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa đâu." Nghe những lời đó, hoàng hậu cảm thấy đau lòng lắm. Trong những lúc buồn phiền như thế, nàng bèn lấy lá thư cuối cùng của nhà vua gửi cho nàng trong đó nhà vua thề rằng sẽ mãi mãi trung thành với nàng và sẽ trở về. Ðọc đi đọc lại lá thư, hoàng hậu cảm thấy tâm hồn bình an, lên tinh thần và nàng tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi nhà vua. Sau nhiều năm, vị vua thật sự đã trở về và ngạc nhiên hỏi hoàng hậu, "Làm sao nàng có thể trung thành với ta lâu đến thế?" Hoàng hậu trả lời, "Thưa Ðức Vua, thần thiếp có giữ lá thư của chàng và đọc thư đó thần thiếp tin rằng thế nào chàng cũng sẽ trở về."

Chỉ một lá thư đã giúp cho nàng hoàng hậu giữ vững lòng tin, vượt qua được những năm tháng dài đăng đẳng trong phiền muộn đợi chờ ngày chồng mình trở lại. Cũng thế, Thiên Chúa cũng đã để lại cho chúng ta một tín thư để nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta trong những ngày chờ đợi Ngài lại đến, đó là cây Thập giá. Như nàng hoàng hậu trong câu chuyện, có thể trong những ngày chờ đợi nơi dương thế này, chúng ta có thể sống trong đau khổ, tưởng rằng Thiên Chúa đã quên chúng ta và những nỗi đắng cay của cuộc đời tưởng chừng như đè bẹp cuộc sống đức tin của chúng ta.

Nhưng nếu nhìn đến Thập giá, chúng ta sẽ được nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Có điều là trong những lúc gian nan, thử thách, buồn phiền, thất vọng, liệu chúng ta cúi đầu nhìn vào chính bản thân hay ngẩng đầu trông lên Thập giá. Nếu chúng ta chỉ cúi đầu chôn mình trong những thở than và nỗi sầu muộn, chúng ta sẽ lạc lối và đánh mất niềm tin vào hạnh phúc không những đời này mà cả đời sau. Nhưng nếu chúng ta biết ngẩng đầu nhìn lên Thập giá Chúa Kitô, chúng ta sẽ khám phá ra niềm vui và ý nghĩa cuộc đời bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con Một Người đến trong thế gian và chịu chết vì chúng ta hầu chúng ta được sống hạnh phúc mãi mãi với Ngài.

Mùa Chay nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta đang sống niềm tin dưới bóng Thập giá và bằng cách noi gương Mẹ Maria đứng dưới cây Thập giá ngày xưa để thông phần cộng tác với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thương khó, chúng ta mới cảm nghiệm được nguồn vui phục sinh và niềm hy vọng được ơn cứu độ.

Lm. Nguyễn Tất Hải, C.Ss.R.