Tại sao gọi cách oái oăm là Good Friday?

"Thiên Chúa đã thử thách Áp-ra-ham. Ngài vời ông lại mà nói, 'Áp-ra-ham !' Ông trả lời, 'Dạ!' Thiên Chúa phán: 'Hãy đem con trai ngươi là I-sa-ác, đứa con một của ngươi, đứa con được ngươi yêu thương, mà đi tới đất Mo-ri-a. Ở đó ngươi sẽ hoả thiêu y làm tế vật trên một ngọn núi do ta xác định.' "(Sáng Thế Ký 22: 1)

Ðọc đoạn trình thuật trên đây trong Sáng Thế Ký, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ có ý nghĩ tại sao Thiên Chúa ác thế, sao Ngài dã man thế, sao Ngài nỡ bày ra cảnh cha giết con, và lại là đứa con duy nhất của Áp-ra-ham.

Tuy nhiên, nếu đọc tiếp, ta lại thấy tường thuật như sau khi Áp-ra-ham vung tay lên định giết con mình: "Nhưng có sứ thần của Gia-vê từ trời gọi xuống, 'Áp-ra-ham ! Áp-ra-ham!' Ông đáp, 'Dạ Gia-vê, có tôi đây' Sứ thần nói, 'Hãy ngừng tay, và lập tức buông tha cậu nhỏ. Chớ gây tổn thương mảy may gì cho cậu.'" (Sáng Thế Ký 22: 11-12)

Trong trình thuật Phúc Âm mà chúng ta nghe trong suốt Tuần Thánh này, bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta có thể thấy cảnh con người chúng ta sỉ nhục Chúa, tra tấn Chúa không còn hình tượng người ta. Và trên đồi Calvê, khi những tên lý hình ra sức đóng những nhát búa trí mạng để đóng đinh Ngài vào thập giá thì có bàn tay nào chặn lại những nhát búa đó đâu? Mà Chúa Giêsu là ai? Là Con Một của Thiên Chúa đó, là Ðấng mà khi nghe tên Ngài các tầng trời sụp lạy.

Trong Ngày Thứ Sáu trên đồi Calvê đó, con người đã phạm vào một tội lỗi khủng khiếp nhất. Oái ăm thay ngày ấy lại được gọi là Good Friday.

Chữ Good Friday là một đặc thù của tiếng Anh. Trong tiếng Ðức, chẳng hạn, người ta gọi là Karfreitag. Tiếp đầu ngữ Kar có nghĩa là than khóc. Như vậy, trong tiếng Ðức, người ta gọi Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là Ngày Than Khóc. Và đó chính là những gì các môn đệ Ðức Kitô đã làm vào lúc biến cố bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra. Họ than khóc. Than khóc vì thương Thầy mình, vì cảm thấy mình hèn đã bỏ thầy mà chạy, đã khiếp sợ chối thầy đến ba lần.

Có những người giải thích Good Friday có lẽ là dạng viết tắt hay dạng nói trại đi của God's Friday, cũng như good-bye là dạng tắt của God be with you (Chúa ở cùng bạn). Dù giải thích kiểu gì thì người ta cũng cố cho rằng chữ Good trong Good Friday không có nghĩa là good, là "tốt" như thông thường.

Tuy nhiên, trong ánh sáng của đức tin Công Giáo, chúng ta biết rằng chữ Good trong Good Friday thực sự có nghĩa là good, là "tốt". Cố nhiên, không phải good về phía Ðức Giêsu là Ðấng chịu đau khổ và sỉ nhục trong một cái chết hoàn toàn bất lực và tức tưởi, nhưng good cho chúng ta.

Lịch sử toàn bộ Cựu Ước là lịch sử mà Thiên Chúa đã sai đến với nhân loại những vua, những tiên tri, những thày cả để lôi kéo con người trở về với Ngài. Và sau cùng, vì quá yêu chúng ta nên Ngài đã sai chính con Ngài đến gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta và Thiên Chúa đã không giang tay ngăn lại những nhát búa tàn nhẫn để Ðức Giêsu hoàn tất sứ mệnh của Ngài là nên một dấu chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta quyết liệt đến mức hy sinh luôn Con Một Ngài cho chúng ta, để giao hòa chúng ta với Chúa Cha, để chúng ta có thể kêu lên tiếng "Abba", Cha ơi, thân thương với Thiên Chúa. Không có Ngày Thứ Sáu trên đồi Calvê thì chúng ta vẫn còn chìm trong bóng đêm của tội lỗi và vẫn không thấy được ánh sáng vinh quang Phục Sinh.

Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta gọi Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là Good Friday.

Nguyễn Việt Nam
VietCatholic News