Thập Giá và Kitô Hữu

"Lời rao giảng Thập giá đối với kẻ đang hư đi là một điên rồ... Nhưng Thiên Chúa đã quyết ý dùng sự điên rồ để cứu những kẻ tin." (1 C 1:17-21)

Thập Giá, Nỗi Ngại Ngùng

Nói đến thập giá là nói đến gánh nặng, đau thương, tủi nhục, bệnh hoạn, tăm tối đến cùng đường. Thập giá nào cũng thế. Không ít thì nhiều. Không có thập giáo nào thơ thới, nhẹ nhàng cả. Chỉ có một thập giá có thể đem cho tôi và bạn sự nhẹ nhàng thơ thới trong đau khổ của mình, và biến đổi những đau khổ thất vọng ấy thành niềm hy vọng vui tươi, đó là "Thập giá của Ðức Kitô".

Thập giá có thể là chồng, là vợ, là con tôi, là họ hàng, là bè bạn tôi, là những nỗi đắng cay trong gia đình, ngoài xã hội tôi gặp hàng ngày. Thập giá là những thất bại đau thương, là tai ương bất ngờ ở đâu chụp xuống trên tôi. Thập giá còn là những ưu tư hằng ngày, là bệnh hoạn, là tuổi tác của tôi và kết quả là sự chết cuối đời tôi.

Thập giá đã nên một thân phận với đời tôi, là của riêng tôi, không thể hoán đổi cho ai. Dù tôi có đi đến đâu, có sống ở nơi nào trên trái đất này, thập giá vẫn còn đó, bên cạnh tôi, trong tôi và đè nặng trên cuộc đời tôi. Ðây là một sự thật không thể phủ nhận, bởi vì tôi là kẻ có tội.

Nhưng nếu tôi cứ kiên tâm chịu đựng, chấp nhận thập giá của mình, đừng tránh né, đừng đun đẩy cho người khác, rồi với lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối, dấn cả đời mình vào tay của Ðấng bị đóng đinh trên thập giá, hạnh phúc bình an sẽ đến với cuộc đời tôi.

Ðây không phải là một lời khuyên đạo đức tự an ủi mình: Vác thánh giá để đền tội, để lập công trước mặt Chúa, và ngày sau bớt phần phạt nơi luyện ngục. Mà đây là con đường duy nhất để tìm được niềm vui vĩnh cửu trong nỗi khổ triền miên của cuộc sống. Thực tế rõ ràng là: vì dù bạn và tôi có cắn răng chịu khổ, chịu thiệt suốt cả đời mình cũng chẳng đền được một tội lỗi nào, chỉ khổ cho mình, có khi còn gây khổ cho người xung quanh nữa. Vì nếu tôi có khả năng đền được tội tôi để trở nên công chính, thì thập giá của Ðức Kitô Giêsu hoá ra hư luống sao? (Gal 2:21).

Hãy chấp nhận tất cả, không oán than rồi trút tất cả gánh nặng của đời tôi cho Chúa Kitô với lòng tín thác, sẽ thấy sự lạ quá trí hiểu biết xảy ra trong đời của tôi. Kinh Thánh nói: "Mọi nỗi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người lo đến anh em" (1 P 5:7). Ðừng lý luận, đừng thắc mắc. Hãy đặt niềm tin vào Chúa Kitô.

Thập Giá, Ðiên Dại Của Tình Yêu

Bước lên đường thập giá để chịu lấy một thất bại cùng cực, và trớ trêu nhất, đối với một Ðấng Thiên Chúa làm người, là sự chết, Ðức Giêsu đã chỉ cho tôi cách ẵm lấy thập giá của mình. Kinh Thánh ghi lại sự cùng cực của cuộc hành trình thập tự của Chúa Giêsu đến độ chính Ngài cũng phải thổn thức kêu lên: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa tôi, vì sao Người lại bỏ tôi?" (Mc 15:34). Xét về mặt thế gian, xem như Ngài tự mình không cứu nổi mình (Lc 23:35). Thế nhưng tại sao trước giờ ấy, khi cùng ngồi với các môn đồ nơi bàn tiệc ly, Ðức Giêsu lại nói với họ (một câu có vẻ như khó đón nhận) rằng: "Nơi Ta anh em được bằng an, nơi thế gian anh em sẽ khốn quẫn" (Yn 16:33). Tại sao?

Tại vì sau cái chết của Ðức Giêsu là sự sống lại. Sự sống lại của Ðức Giêsu là một biểu hiện quyền năng của Thiên Chúa trên sự chết. Còn đối với chúng ta trước cái chết chúng ta chẳng có quyền năng gì cả, chúng ta hoàn toàn bất lực, sau cái chết của chúng ta là tro bụi hư nát. Thân phận của tất cả mọi con người từ Ađam phạm tội là phải đi vào cái chu kỳ: Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Số phận chung là thế, không có luật trừ cho ai.

Như chúng ta vẫn tung hô ca ngợi trong Thánh Lễ: "Thánh! Thánh! Thánh!" Thiên Chúa ba lần thánh, có nghĩa là vô cùng thánh. Thế mà Ðức Giêsu, Thiên Chúa Ngôi Hai cực thánh làm người, lại tự nguyện mang lấy tội lỗi nhơ uế của tất cả chúng sinh lên mình Ngài. Ðể chi? Ðể chết. Vì ai có tội là phải chết, cho nên Ðức Giêsu khi mang tội của nhân loại cũng đã phải chết, và chết trên thập giá. Không ai bắt Thiên Chúa phải làm chuyện điên rồ như thế. Nhưng Yêu là Ðiên. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian (trong đó có bạn và tôi) như thế đó. Tất cả tội lỗi (giết người, gian dâm, trộm cắp, hành vi đồng tính luyến ái, đốt nhà, cướp của, ngoại tình, phá thai, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, bất hiếu, ghen ghét, oán thù...) của con người dù bí mật hay công khai đều được Ðức Giêsu gánh lấy hết, đến nỗi Ngôn sứ Isaia mô tả hình hài Ngài tơi tả bằng những lời tiên tri trong bài "Người Tôi Tớ" sau đây:

"Lắm kẻ nhìn thấy...thì đã khiếp vía,
hình thù suy biến không phải là người,
dáng vẻ Ngài không thuộc hạng người ta....
Không duyên dáng, không oai vệ, bắt chúng tôi phải để ý,
không có dáng có vẻ gì làm chúng tôi mến chuộng.
Ngài bị khinh khi, coi như đồ phế bỏ của người đời,
Con người ốm đau, ốm o xo bại,
như một kẻ, nếu có gặp chúng tôi phải lo giấu mặt,
và chúng tôi đã chẳng thèm đếm xỉa."

(Is 52:14; 53:2b-4)

Rồi cuối cùng Ngài chấp nhận sự chết, cái chết tủi hổ thập giá đền thay cho tội lỗi chúng ta.

Nhưng Ðức Kitô Giêsu đã chiến thắng sự chết. Kinh Thánh nói: "Ngài hủy sự chết ra không" (1 C 15:26). Và chính Ngài đã nói: "Ta đã chết, và này Ta sống đời đời kiếp kiếp. Ta có chìa khoá sự chết" (Kh 1:18). Sự chết không làm gì được Ngài. Ngài đã nắm lấy nó và Ngài đã đóng đinh nó rồi (Rm 6:9-10; 2 Tm 1-10). Lời rao giảng của Thập giá là lời rao giảng sự sống, sự Phục sinh của Ðức Kitô cho những kẻ chết là chúng ta. Ðối với kẻ không tin mà Kinh Thánh gọi là kẻ đang hư đi, thì đấy là sự điên rồ. Nhưng đối với chúng ta, những kẻ tin, thì lại là Ơn Cứu độ. Chúng ta đây là những người nghe, tin và làm theo lời Thiên Chúa (Lc 8:21).

Hôm nay nhìn lên Thập giá của Chúa Giêsu, nhìn lên cái chết trong sự trần truồng tủi nhục đó là tôi nhìn vào chính tôi. Thân phận tôi là thế đó: trước mặt Thiên Chúa, thân xác linh hồn tôi trần truồng vì tội lỗi (Kn 3:7). Trước thế gian, tôi đã phải che đi sự thật hư hoại ấy bằng áo quần và đồ trang sức, bằng hư danh và chức quyền. Ngay cả cái chết của tôi cũng được dấu kín trong một cái hòm và hoá trang bằng những vòng hoa sáng tươi chiều úa. Ðức Giêsu đã chịu thân phận chết trần truồng này thay cho tôi trước mặt Chúa Cha và trước mặt người đời, để rửa cái tủi hổ cho tôi bằng sự chết của Ngài, để tôi quay về, đặt hết lòng cậy trông vào Ngài.

Mục đích của Ðức Giêsu chết trên thập giá là để gánh tội cho tôi, cái mà sức tôi bất lực không làm nổi. Hôm nay nếu tôi tin tưởng phó thác tất cả cho Ngài, Ngài sẽ thay tôi ghé vai vác thập giá nặng nề của tôi. Sức mạnh cuộc khổ nạn của Chúa sẽ kéo tôi lên (Yn 12:32), giải thoát tôi khỏi hệ lụy của tội và ban cho tôi sự bằng an, sự bằng an từ trái tim bị đâm thâu trên thập giá, nguồn tuôn chảy nước hằng sống (Yn 7:38). Dìm mình trong tình yêu ấy tôi sẽ được nhẹ nhàng, được xoá hết tội, và sự bằng an của Thiên Chúa vượt quá mọi suy tưởng sẽ canh giữ lòng dạ của tôi hôm nay và mãi mãi (Ph 4:7), vì mầm sự sống của Ðức Kitô Phục sinh đang có trong tôi (Gal 2:20).

ยง Vũ Hồng